KHA TIỆM LY
Đậu Cô Lang
Truyện truyền kỳ
Đậu Cô Lang
Truyện truyền kỳ
Năm Hồng Tú Toàn chiếm toàn cõi Giang Nam, bày ra những luật lệ lạ đời không hạp lòng người. Đậu Phong theo đoàn lưu dân ngược về mạn bắc Động Đình Hồ định cư ở Nhạn thôn, dưới chân Nhạn Sơn lánh nạn.
Đậu rất khôi ngô, tánh lại hiền hoà. Hằng ngày vào núi, hễ gặp thú thì săn thú, không gặp thì bẻ củi quảy về đổi gạo. Thường thì ăn không hết, bèn đem cho những người nghèo lân cận, lại hay giúp đỡ việc nặng nhọc cho người mà chẳng lấy công, vì thế cả thôn đều yêu mến.
Đậu một mình một bóng trong căn chòi nhỏ, sống đạm bạc, tháng ngày thui thủi, người trong thôn thường gọi chàng là Đậu Cô Lang! (Anh chàng họ Đậu cô đơn).
Phía tây của thôn có miếu Thành Hoàng đã lâu đời. Ngoài thì tường vôi rêu phủ, trong thì bụi nhện bám đầy. Hỏi các vị tiền bối trong thôn, được đáp:
- Đó là Tô tướng quân. Ngày xưa là hảo hán hùng cứ Nhạn Sơn nầy. Chu Thế Tổ khi chưa lên ngôi, trong lần du hành ngang đây, bị cường tặc vây hãm. Tô tướng quân bèn kéo huynh đệ xuống núi giải cứu. Vua thoát hiểm, nhưng ngài thì bỏ mạng. Sau khi lên ngôi, vua nhớ ơn bèn truyền lập miếu thờ.
- Thế tại sao hương khói lại lạnh nhạt như vậy?
- Có những chuyện mà không thể nói được đâu.
Hôm sau trước khi vào núi, Đậu ghé lại miếu quét dọn, lấy nước suối rửa sạch pho tượng, thì hiện ra một trang hảo hán hàm én mày ngài, râu ria tua tủa, toát ngời dũng khí, oai phong. Từ đó, hễ có ít rượu ít thịt thì đem trước tượng vái mời, lâu riết thành quen, không còn sợ sệt. Có khi bày rượu tại miếu, ngồi đối diện với pho tượng mà chén uống chén mời!
Một đêm say quá ngủ luôn dưới nền, khuya khát nước cháy cổ, giật mình thì thấy bụng mình bị đè cứng ngắt, không cục cựa được; lại nghe tiếng ngáy bên tai như sấm, Đậu liếc sang, dưới ánh trăng non, hiện chập chờn một khuôn mặt râu tóc xồm xàm y như pho tượng!
Đậu hiểu được phần nào, tim đập thình thịch, tưởng chừng như vọt ra ngoài, song nghĩ lại thấy lòng mình ngay như trúc, nhủ rằng: “Người quân tử ban ngày không làm việc mờ ám thì ban đêm không sợ quỷ ma”; bèn mạnh dạn, lớn tiếng hỏi:
- Hồi chiều mời nhau ly rượu, có gì mạo phạm chăng?
Giọng ồm àm đáp:
- Tri kỷ nằm gác chân lên nhau là chuyện thường tình, hà tất lo lắng.
Rồi kéo chân về, Đậu thấy nhẹ cả mình, vội ngồi dậy, kẻ ấy cũng ngồi theo. Đậu nhìn lên pho tượng, kẻ đối diện giống như in, lại có phần trẻ trung hơn, thần sắc càng uy phong lẫm liệt. Đậu cả sợ, nhưng kẻ ấy lại chấp tay cung kính:
- Tô Đại Ngưu nầy được làm bạn với nhân huynh là có phước từ kiếp trước.
Đậu quỳ mọp xuống, khấu đầu:
- Thất lễ! Thất lễ! Theo các bô lão nói, thì tướng quân ra đời trước ngu dân hàng mấy trăm năm. Tô tướng quân đùa như vậy, tội phạm thượng ngu dân không gánh nổi đâu.
Tô vỗ nhẹ lên vai mà Đậu nghe như xương cốt mình chuyển răng rắc. Tô cười lớn:
- Chớ khách khí! Thần thánh nào có tuổi? Khi ta về chầu trời thì tuổi cũng trạc nhân huynh, thì có đến bao giờ cũng vậy mà thôi. Ta là kẻ võ biền không hay rào đón dông dài. Thôi, hãy gọi ta là Tô đại ca là được rồi.
Đậu còn đắn đo, Tô khôi hài:
- Hay là ta gọi nhân huynh là đại ca?
Cả hai cùng cười lớn, việc tị hiềm tuổi tác, thần - phàm coi như không còn. Thế là hai người kết thành huynh đệ.
Rượu lại rót đầy chén lớn. Tô uống rất hào. Hai người trò chuyện rôm rả, ra vẻ tâm đắc như đã quen nhau tự thuở nào! Đậu cũng không còn dè dặt lời ăn tiếng nói, quên hẳn mình đang đối ẩm với một vị võ thần mà sức lực có thể xé nát chàng ra từng mảnh nhỏ để “đưa cay”!
Một lần ngà ngà. Đậu nói:
- Tiểu đệ biết phận mình khó thể lên trời. Địa ngục trước sau gì cũng phải xuống. Đại ca có thể cho tiểu đệ tham quan một chuyến, để sau nầy chẳng ngỡ ngàng, được chăng?
Nuốt vội miếng thịt lớn, nốc cạn chén đầy. Tô quẹt râu mép đáp:
- Có khó khăn gì chuyện đó, nhưng ta chỉ sợ hiền đệ thất vọng thôi.
***
Cõi U Minh chẳng khác như trong kinh Phật mà Đậu đã xem qua. Ánh sáng dường như chỉ trông cậy vào mhững cây đuốc rải rác trên đường, lập loè mờ ảo. Không khí se lạnh, ngột ngạt. Lũ đầu trâu mặt ngựa vẻ mặt lạnh lùng, hung ác, tay cầm chỉa ba thỉnh thoảng thích vào lưng các tội nhân bị xích xiềng hàng loạt bị lũ quỷ kéo đi. Máu tươi đổ đỏ mặt đường. Bên kia tiếng roi da tron trót, quất xối xả vào bầy người cũng bị xích xiềng, trông vô cùng thê thảm. Đậu kinh người, thầm nghĩ số phận của mình ngày sau sẽ thế nào đây! Một khắc sau, hai người đến toà nhà đồ sộ, sang trọng, Tô nói nhỏ: “Đây là Phán Quan phủ. Có ta, chớ sợ”.
Một vị Phán Quan râu tua tủa, ngồi sau bàn viết chứa nhiều sách vở, vừa thấy Tô đã vội đứng dậy, vừa cung kính chào, vừa thân thiện:
- Tô huynh! Lâu quá mới gặp!
Rồi nghiêng mình nhìn Đậu, rồi nói khẽ với Tô, nhưng cũng đủ để Đậu nghe mồn một:
- Thằng đó đến Đông Chí mới tận số, sao huynh đem nó xuống sớm thế?
Đậu nghe mà rụng rời, còn Tô thì cũng giật thót người:
- Tô mỗ một phút cao hứng mà mang Đậu hiền đệ tham quan địa phủ một chuyến, nào biết gì chuyện sanh tử của cõi âm. Chẳng hay lão huynh có thể mở lòng quảng đại chăng?
Phán Quan chần chừ một lát, đoạn đáp:
- Chỗ bằng hữu sao Tô huynh lại nói thế? Nhưng chốn Diêm đình không phải là nơi tuỳ tiện. Hơn nữa có nơi cũng không nên ghé mắt vào. Không có đệ cùng đi chắc không xong.
Đậu, Tô cả mừng, từng bước theo Phán Quan. Dọc lối đi, tai Đậu nghe inh ỏi tiếng kêu la, rên xiết. Lần lượt đi qua nhiều cửa ngục, hiện ra biết bao cảnh tượng hãi hùng. Hàng đám người bị cưa ngang xẻ dọc, bị khoét mắt, chặt tay, cắt lưỡi. Có đám lại bị mổ bụng moi gan. Có đám bị bỏ vào vạc dầu sôi, đám bị quết bằng chày đá, da thịt nát nhừ, lộm cộm những xương! Lại có đám bị nướng trên vỉ than đỏ rực, mở chảy xèo xèo, khói bốc mùi ngầy ngậy như lợn quay! Tiếng rên la bởi hàng chục roi da gậy sắt quất túi bụi vào đám người đầu trọc lóc, áo quần màu vàng, màu đen dính đầy máu khô máu ướt. Đậu thấy bất nhẫn, bạo gan hỏi:
- Đó không phải là những nhà tu sao?
Phán Quan không nhìn Đậu, “hừ” một tiếng rồi đáp:
- Nhà tu? Bọn nầy chỉ biết dọn cái đầu cho bóng, mượn chiếc áo của Như Lai để đậy che cái bụng tồi tàn thối tha của chúng. Lợi dụng lòng tin của mọi người để lấy của cúng dường mà mưu đồ lợi ích riêng tư. Khoác áo Như Lai mà miệng lưỡi điếm đàng, láu cá; miệng môi Bồ Tát mà lòng đầy dao bén chĩa nhọn. Đã xuất gia mà còn ăn thịt uống rượu, luyến lưu bóng sắc, quen thói má phấn, môi hồng. Lời ong tiếng bướm với Ưu Bà Di (nữ Phật tử tại gia), lén lút gối chăn với bao tín nữ. Ta nói ra còn ngượng miệng, thì huynh đệ biết tội của chúng đáng kinh tởm đến thế nào?
Rồi chỉ tay về bên trái, tiếp:
- Huynh đệ hãy xem bọn người mặt mày sáng sủa đang bị đám quỷ sứ hành hạ kia! Đó chẳng phải là đám trên thế gian được mọi người quí trọng, được tán dương là “Lương y như từ mẫu” đó sao? Nhưng họ đâu biết trong đám người hành nghề cao quí đó, lại có những kẻ lòng đen như lọ! Thay vì đem y thuật cao minh của mình để cứu người với tấm lòng nhân ái, thì công đức biết bao nhiêu! Đàng nầy chúng lại lấy sở trường của mình để moi tiền con bệnh, không cần biết số tiền ấy là do bệnh nhân bán đất, bán nhà,... hay do đâu mà có.
Là tầng lớp trí thức nên chúng có đủ trăm mưu ngàn kế, có thừa mưu thần chước quỷ để làm bệnh nhân khốn đốn, gian nan. Lại có kẻ xem bệnh nhân như cỏ rác, tha hồ tiếng bấc tiếng chì. Vì mạng sống, mà bệnh nhân phải đành lặng tiếng im hơi. Tủi phận biết bao nhiêu! Nói sao cho hết?
Đậu chỉ những đấu tiền vàng chói loà trước mặt bọn người ấy, hỏi:
- Cớ sao lại… cho bọn chúng nhiều tiền như thế?
Phán quan cười:
- Lát nữa “cho” chúng... nuốt đầy bụng, để kiếp lai sinh thấy tiền mà sợ!
Chỉ vào đống đao thép sáng ngời kế bên, Đậu lại hỏi:
- Còn đống đao bén kia, chẳng lẽ cũng cho chúng nuốt vào sao?
- Lát nữa dùng để mổ ngực chúng, để coi xem trái tim của chúng bằng gang bằng sắt chi, mà sao chẳng chút tình người!
Bỗng Phán quan dừng bước, chỉ vào một cửa ngục lớn nhất bên phải:
- Chỗ ấy không đến được đâu.
Rồi nói nhỏ với Tô, nhưng Đậu cũng nghe được, bèn than:
- Ở âm phủ mà cũng có loại quan tham nhũng, hối lộ, thì còn đất trời nào nữa!
Đoạn quay qua Tô:
- Đủ lắm rồi. Chúng ta về thôi đại ca.
Trên đường về, cả ba không một lời. Mỗi người mỗi ý nghĩ khác nhau. Phần Đậu, nhớ lại lời Phán Quan nói lúc mới gặp: “Thằng đó đến Đông Chí mới tận số...” Mà bây giờ thì đã Lập Thu, lòng băn khoăn trăm mối.
Lời Phán Quan xoá tan mọi ngột ngạt:
- Mời Tô đại ca và Đậu huynh đệ đây về tệ phủ dùng chén rượu cho khuây khỏa vậy.
Vốn là người cương trực, lại được rượu nung lòng. Đậu chấp tay về phía Tô, rồi xoay qua hướng Phán Quan, cung kính:
- Kẻ phàm phu nầy tu ngàn kiếp mới được kết nghĩa với Tô huynh và mới được đại quan niệm tình chiếu cố, nên mới bạo gan được hỏi câu nầy: Trên dương thế, kẻ hèn nầy dù chẳng làm gì ra trò, nhưng cũng biết ít nhiều lễ nghĩa; chưa hề làm chuyện sát đức hại nhân. Chẳng hay vì cớ chi mà đoản thọ?
Phán Quan dùng ngón cái tách những trang sách của một quyển sách dày nhất trên bàn, đoạn dừng lại, lật ra, nhìn vào đó một lát rồi nói với cả hai người:
- Đậu huynh đệ quả nhiên đoản mạng. Nhưng tử sanh là việc thường tình. Có chi phải sợ? Điều đáng nói là sống như thế nào và chết như thế nào mới là chuyện đáng lưu tâm. Dù là kẻ dân quèn, quần bô áo vải hay là bậc thượng lưu, mũ rộng giày cao cũng không ngoại lệ.
Dù là vua, là công hầu khanh tướng mà khi sống, coi dân như kẻ tôi đòi, tha hồ bóc lột, vét từ hạt thóc, củ khoai, rỉa từ cọng xương, miếng tủy... Với công khố thì tìm đủ mưu ma chước quỷ để bòn rút cho đầy túi tham không đáy. Những kẻ ấy dù sống nhưng khác gì loài sâu bọ, có đáng là người?
Dù Diêm Vương chưa gọi, mà những hạng người nầy đã chết từ lâu, hay ít ra phần tim, óc của bọn chúng cũng bị phân hủy, rệu rã tự bao giờ! Bọn chúng còn sống ngày nào thì càng khổ cho lê dân bá tánh ngày ấy, có chi vinh dự? Chắc chắn đến một ngày, bọn chúng cũng phải về đây, cũng phải bỏ lại bao nhiêu dinh cơ đồ sộ, châu báu, kho tàng, vợ đẹp con ngoan cho kẻ khác...! Luật Trời không kẻ nào có thể vượt qua được!
Chỉ có cái nghiệp, dù cho chúng muốn bỏ lại, nó cũng đeo sát bên mình! Và rồi phải oằn lưng mà trả lại bằng chĩa nhọn, bằng lửa nóng, dầu sôi! Còn với những người kiên trung nghĩa khí như Tô đại ca đây (liếc sang Tô), khi chết, tuổi đời chỉ quá hai lăm, nhưng đã trở thành bất tử. Bởi vậy, giá trị chân chính của cuộc sống không phải là thọ hay yểu; mà chính là đã làm được điều gì, đã đóng góp lợi ích gì cho cuộc sống nầy được bao nhiêu.
Đậu huynh đệ yểu mạng, trong sổ tử sinh ghi sẵn rành rành, khó bề tránh khỏi. Nhưng trên dương gian, Đậu huynh đệ thường hay thương người hoạn nạn, giúp kẻ thế cô; nhất là tánh nết hiền hoà, lòng ngay như trúc. Đến ngày phán xử, chắc cũng được ít nhiều phước báu chở che, hà tất lo ngại.
Máu võ biền của Tô trỗi dậy:
- Luật lệ không thể tự nhiên mà có, mà phải được đặt ra thì có thể sửa lại được mà! Lão bằng hữu chỉ cần phẩy bút một nét, thì Đậu hiền đệ sống thêm trăm tuổi như chơi!
Biết ý Tô, Phán Quan cười cười, nhưng rất kiên quyết:
- Không sai! Kẻ cầm luật luôn là kẻ thao túng luật pháp nhất. Đừng bao giờ dại dột cả tin, “Thiên tử có tội, cũng bị xử như thường dân.” Khù khờ mà hiểu như vậy, là có ngày bị hoạ sát thân! Xưa nay có ai đã thấy thiên tử bị xử tội bao giờ chưa? Tô huynh nói đúng. Đệ có thể phẩy một nét, thì Đậu huynh đệ đây có thể sống thêm trăm tuổi; phẩy hai nét, có thể sống đến hai trăm; hay cũng chỉ phẩy một nét, mà có thể một lát… Tô huynh sẽ về dương thế một mình! Nhưng đệ không thể làm vậy, vì đệ muốn cây mía sâu cũng còn một đôi lóng ngọt ngào; muốn gạn chất bùn để giữ được phần nào mặt nước trong veo! Loại sâu mọt quan trường đời nào cũng có, nơi nào cũng có, nhưng bậc hiền lương dù phải đốt đuốt mà tìm, cũng chẳng phải không còn! Đệ không thể như lũ ôn quan lấy tay dơ mà bưng bát cơm trắng sạch; lấy đầu dơ mà đội mũ cánh chuồn. Tô huynh và Đậu huynh đệ lượng thứ cho.
Tô nghe khoái cả lòng, còn Đậu thì vội mọp xuống, thi lễ:
- Khẳng khái! Khẳng khái! Kẻ phàm phu nầy nghe lời đại quan nói mà mở cả tấm lòng, dù có làm tội đồ của đại quan từ lúc nầy bụng cũng không hề hối.
Phán Quan nói với hai người:
- Giờ cũng không còn sớm, nhị vị cũng không nên lưu luyến chốn nầy làm gì. Chuyện hôm nay, xin Đậu huynh đệ xem như chưa từng thấy là được rồi...