KHA TIỆM LY

 
Gà Trong Văn Chương Bình Dân
 
Con gà đứng hàng thứ mười trong mười hai chi, nhưng có lẽ nó gần gũi với con người thứ nhì, chỉ sau con chó. Có phải vì vậy mà trong văn chương bình dân nó được nhắc tới rất nhiều. Theo sự tìm tòi của chúng tôi, không kể trong văn chương bác học, chỉ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao, nó cũng đã được nhắc tới gần bốn trăm câu, và chắc chắn còn hơn thế nữa!
 
Với thành ngữ và tục ngữ, không phải câu nào cũng dễ hiểu, bởi ngoài việc mang màu sắc về phương ngữ, nó còn gói ghém trong đó đủ thứ những kinh nghiệm về chăn nuôi, thời tiết, về tập quán, tập tục... ở khắp nơi; thậm chí có khi "chơi chữ" nữa!
 
 
Do đó ta không lạ gì có những câu (thành ngữ, tục ngữ) mà mỗi người hiểu với mỗi nghĩa khác nhau. Muốn thống nhứt nghĩa những câu nầy thiết tưởng phải nhờ đến các nhà ngôn ngữ học, địa phương học góp phần vào.
 
Trong bài nầy, chúng tôi xin liệt kê một số câu có liên quan đến "con gà", kèm theo đó là lời giải thích xem ra hợp lý nhứt với những câu được hiểu nhiều cách khác nhau, hoặc những câu khó hiểu (những câu thông thường thì khỏi). Vì đây không phải là bài khảo cứu - chỉ mang tính chất tham khảo - nên không xếp theo thứ tự ABC... , nên nhớ tới đâu viết tới đó, và tất nhiên lời giải thích cá nhân đôi khi không tránh khỏi sai lầm, nên rất cần đến ý kiến đóng góp độ lượng của mọi người.

 1. Thành ngữ, tục ngữ:
 
Cơn gà cá gỏi: bữa ăn sang trọng/ đầu gà đít vịt: không thuần nhất, thường để chỉ người có "cha Tàu mẹ Việt)/ Ông nó gà, bà nói vịt: kẻ nầy nói như vầy, người kia lại nói khác/ Chó già, gà non: chó già thì ăn không tanh, gà non thì ăn mềm (kinh nghiệm ăn uống) / Gà tốt mã vì lông: hình thức bên ngoài của con người dễ thu hút, đánh lừa người khác (nhưng trong lòng thì chưa biết thế nào)/ Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng: ỷ thế hiếp người/ Gà mở cửa mả: tả dáng người không còn sức sống, lệu ệu/ Gà mái đá gà cồ: Đàn bà đánh đàn ông/Gà trống nuôi con/  Gà nhà bôi mặt đá nhau: chỉ anh em họ hàng đánh nhau vì lợi lộc/ Đầu gà còn hơn đuôi phượng: thà làm chủ mình còn hơn làm tôi tớ kẻ khác lớn hơn/ Gà nhà lại bới bếp nhà: cùng phe cánh mà phá hoại nhau/ Lờ đờ như gà ban đêm: chê người chậm chạp/ Trói gà không chặt: yếu đuối, không làm việc trọng đại được/  Gà ăn hơn công ăn: nuôi người nhà sau nầy còn có ích; nuôi người ngoài, dù giàu sang nhưng không có lợi lộc gì sau nầy/ Gà chê thóc chẳng bới người mới chê tiền/ Gà con lạc mẹ/ Gà con nhúng nước: tình cảnh nguy hiểm/ Ác đẻ ác la, gà đẻ gà cục tác: giấu diếm nhưng vô tình chỉ ra tội lỗi của mình/  Gà đẹp mã nhớ lông, người dễ trông nhờ của/ Gà cựa dài thì rắn, gà cựa ngắn thì mềm/ Gà béo bán bên Ngô, gà khô bán láng giềng: nói mánh lới mua bán của con buôn, đồng thời chê ngưới có tánh trọng người lạ hơn ruột rà chòm xóm/ Gà con đuổi bắt diều dâu: tình huống không thể; mỉa mai người không lượng sức mình/ Gà chân trắng mẹ mắng cụũg mua, gà chân chì mua chi giống ấy/ Gà què bị chó đuổi: chỉ tình huống càng bi đát/ Gái một con, gà non một lứa:dáng hấp dẫn và thịt ngon niều người chuộng/ Gà què ăn quẩn cối xay: chỉ người thiếu tài không thể bay nhảy làm ăn phương xa, không làm chuyện lớn được, chỉ kiếm ăn qua ngày/ Gà người gáy, gà ta sáng: những cái hay, dở của người ta nên lấy đó làm gương/ Gà giò ngứa cựa: chưa đủ bản lĩnh mà hay gây sự (như ngựa non háo đá)/Gà mượn áo công: chỉ trích những kẻ bất tài mà mượn uy thế ngưới khác dọa người/ Gà rơi nậm gạo: chỉ việc may mắn (như chuột sa hủ nếp)/ Gà nuốt dây thun: tả thể chất bịnh hoạn/ Gà trống nuôi con/ Gà ngủ, cáo không ngủ: khuyên nên cảnh giác kẻ gian/ Gà con ấp mẹ: hai cách hiểu: a. con nuôi mẹ, b. chuyện phi lý/  Gà ba lần vỗ cánh mới gáy, người ba lần ngẫm nghĩ mới nói: khuyên cẩn thận lời nói/ Gà ba tháng vừa ăn, ngựa ba năm cỡi được/ Hoài thóc cho gà người bới: làm chuyện vô ích/ Mặt tái như gà cắt tiết/ Mắt quáng gà/ Quét sân thì đánhchết ba gà, quét nhà thì đánh chết ba chó: chỉ người hư đốn, không làm việc gì nên thân/ Ngủ gà ngủ gật/ Sởn da gà/ Chó liền da, gà liền xương/ Gà trống đẻ trứng: chuyện phi lý/ Đầu gà má lợn: món ăn ngon (món ăn dành cho trưởng bối?)/ Đá gà đá vịt: làm ăn qua loa/ Hóc xương gà, sa cành khế: những tình huống nguy hiểm/ Học như gà đá vách: học hành lôi thôi, kém cỏi/ Lép bép như gà mổ tép: chỉ người nói nhây, nhiều chuyện/ Như gà mắc tóc: chỉ dáng bối rối trước công việc/Mẹ gà con vịt: mẹ ghẻ con chồng/ Gà mái gáy gở: Đàn bà không rành việc mà xen vào việc của đàn ông/ Mèo mả gà đồng: chỉ những không có nơi cư trú ổn định; chỉ phường vô lại, thường làm những chuyện không hợp đạo lý/ Bán gà ngày gió, bán chó ngày mưa: ngày (tháng) gió gà hay bị toi, ngày (tháng) mưa chó hay bịnh; chỉ mua bán không hợp thời điểm; lại hiểu khác: nên bán chó, gà vào những tháng đó vì để nuôi sẽ bất lợi/ Nhìn gà hóa cuốc: nhìn lầm, không rõ sự thật/ Tiền trao ra, gà bắt lấy: sòng phẳng (như tiền trao cháo múcPhù thủy đền gà: chuyện không thể/ Quạ theo gà con: chỉ kẻ xấu rình cơ hội hại người/ Thóc đâu mà đãi gà rừng: làm chuyện phì tổn vô ích/ Cho gà trống, không ai cho giống gà mái: những bí quyết lợi lộc không nên bày cho người khác (như thà cho vàng chớ không ai dẩn đàng đi buôn/Chó giữ nhà, gà gáy trống canh = Chó giữ nhà, gà gáy sáng: mỗi người một nhiệm vụ/ Phụng lộn với gà: người có tài ở chung với đám bất tài/ Chơi với chó, chó liếm mặt: chơi với phường vô lại lâu ngày sẽ bị chúng khinh thường/ Chơi gà, gà mổ mắt: Cảnh giác chớ giao tiếp với người nguy hiểm/ Chữ viết như gà bới = Chữ như cua bò: chữ xấu/Giun dế ăn gà: chuyện ngược đời/  Mặt gà mái: chỉ người tánh nhỏ nhoi, hèn hạ/ Xúi trẻ ăn cứt gà: xúi người ngu làm bậy
 
2. Ca dao, đồng dao, kinh nghiệm thời tiết, câu đố.
 
Chị kia bới tóc đuôi gà, nắm đuôi chị lại hỏi nhà chi đâu/ Chiều chiều con quạ lợp nhà, con cu chẻ củi con gà quăng tranh./ Có chân mà chẳng có tay, có hai con mắt mặt mày dương gian: Câu đố, đáp là "con gà")/ Gió đưa cành trúc la đà, hồi chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương/ Khôn ngoan đối đáp người ngoài. Gà cùng môt mẹ chớ hoài đá nhau/ Mâm xôi nuốt trẻ lên mười. Con gà chai rượu nuốt người lao đao/ (Ráng màu)Mở gà thì gió, mỡ chó thì mưa/ Mùa hè đang nắng, cỏ gà trắng thì mưa/ Ráng mở gà ai có nhà phải chống: Kinh nghiệm về thời tiết/ Nhà bây chết lợn chết gà. Năm ba ống Cống đến nhà ngày mưa: mỉa mai những người nịnh nhà quan/ Nuôi gà phải chọn giống gà. Gà ri bé giống nhưng mà đẻ mau/ Phượng hoàng đậu chốn gieo neo. Sa cơ thất thế phải theo chân gà/, Vào vườn xem vượn hái hoa. Xem voi đi guốc, xem gà nhuộm răng/ Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh. Gái nào bảnh bằng gái Tân Châu (Nha Mân, Mỹ Tho... )
 
Con gà trong văn chương bình dân còn nhiều; (con gà có mặt trong văn chương bác học cũng không ít). Vì phạm vi bài viết, cũng như về trình độ khảo cứu, chúng tôi không thể liệt kê ra hết, mà chỉ đưa ra nhưng câu tượng trưng, nhưng cũng hy vọng mang được ít nhiều bổ ích cho những ai muốn tìm tòi. Bài viết chắc chắn có nhiều thiếu sót, những mong quý vị xem với lòng độ lượng.
 
Kha Tiệm Ly

  Trở lại chuyên mục của : Kha Tiệm Ly