KHA TIỆM LY


Gánh Hát Về Làng
(Trích: Xóm Cô Hồn)



 
Nghe tiếng trống ba dùi một: Thùng thùng! Thùng! Thùng thùng, Thùng!... là tôi nôn nao cả người. Đó là tiếng trống “rao bảng” của gánh bầu Trình về hồi sáng mà thằng Tửng đã thông báo cho cả bọn chúng tôi hay. Mẹ đã hứa cho tôi tối được xem hát, nhưng với điều kiện là phải xắt và bầm xong một thúng chuối cây cho con ụt (heo)! Chuyện nầy không nặng mà cũng không nhẹ nhàng gì. Với con dao xắt mà thợ rèn rèn để chuyên dùng cho việc xắt chuối nên nó bén ngót; và nhờ cái cán dài tựa vào vế, nên cây chuối to đùng tôi chỉ khứa có sáu khứa là xong một lát, nhưng sao lần nầy tôi thấy ngán cái việc tầm thường nầy quá!
 
Còn nửa thúng nữa mới xong, tôi định bỏ dao chạy ra xem  “rao bảng”, nhưng sợ mất thời gian mà trễ xuất hát. Đúng ra tôi muốn đến sớm để cùng lũ bạn chơi đùa và “ăn” nước đá nhận, chứ tới tối mới mở màn, thì làm sao trễ được? Phải chi có thằng Tửng lại, biểu nó phụ bằm thì hay biết mấy!
 
Từ “rao bảng” thời bây giờ ít được nhắc tới nên các bạn khó mường tượng được. Như vầy: Khi gánh hát vừa tới nơi thì có bộ phận trang trí sân khấu,…và một bộ phận đi … “rao bảng”!
 
Thường bầu hát mướn một cỗ xe ngựa, (loại phương tiện giao thông “cao cấp” thời ấy ở quê tôi), hai bên hông và sau xe được treo ba tấm bảng đề tên tuồng hát và hình ảnh ấn tượng nhất của vở tuồng được diễn tối hôm đó.
 
Trên xe có một cái trống chầu và một người đánh trống, thường là người trong đoàn, nhưng đôi khi cũng là người tình nguyện ở lớp tuổi đàn anh của chúng tôi (để được đi xe ngựa và được đánh trống chơi!)  Sau xe ngựa là cả bọn chúng tôi… chạy bộ theo; dọc đường lại được các bọn khác tháp tùng, nên xe “rao bảng” cũng coi xôm tụ lắm.
 
Cứ hai tiếng nhặt, một tiếng khoan (Thùng thùng! Thùng!) theo bước chân ngựa thật chậm từ đầu làng đến cuối làng. Và như thói quen như nghe tiếng chuông cà rem; nghe tiếng trống, thì ai cũng biết gánh hát về!
 
Tiếng trống xa dần...
 
Hồi sáng thằng Tửng nói tối nay hát tuồng Tôn Tẩn Hạ San tôi càng háo hức được xem. Tôi khoái chuyện nầy qua lời kể của mẹ tôi, nên lấy lại khí thế xắt cho xong nửa thúng chuối cây còn lại. Để khích lệ tinh thần, mỗi lần khứa dao, tôi đọc thầm trong bụng:  “Tôn Tẩn - Hạ San -Tôn Tẩn - phực!”, đến “phực”, sáu khứa dao, là xong một lát chuối; lát mới tôi đếm lại từ đầu: “Tôn-Tẩn… phực!” được năm mười cái “phực” thì đã mỏi tay. Tôi kiên nhẫn thêm vài cái “phực” nữa thì thằng Tửng áo vắt trên vai, cổ lòng thòng chiếc ná thun, vốn là vật bất ly thân của nó; hổn hển hỏi tôi:
 
- Chưa rồi sao mậy?
 
Tôi mừng húm:
 
- Mầy phụ bầm với tao đi! Gần xong rồi!
 
Nó tự động lấy tấm thớt và con dao quen thuộc, ngồi cạnh tôi, hốt chuối ra bầm. Thao tác nhuần nhuyễn như đầu bếp chuyên nghiệp bầm thịt!
 
Trong bọn, tôi thích thằng Tửng nhất, vì nó xông xáo và hay giúp đỡ bạn bè. Nó lại có nhiều tài vặt mà bọn chúng tôi không có hoặc thua xa; như dám bơi qua lại con rạch cái hai lần khi nước chảy xiết, biết cỡi trâu, đặt lờ, bắt cá và leo cây như khỉ, còn gan dạ nữa! Đi chơi với nó không hề bị đói. Mùa vú sữa thì ăn vú sữa ở đình, chùa. Các mùa khác thì… chui rào hái trộm! Gần tết, khi ruộng vừa gặt xong, những chỗ nước đọng lại, nó chỉ huy chúng tôi đắp hầm bắt cá. Trong lúc chờ đợi cá nhảy vào, nó làm bẫy cò ke để bắt những con cò xấu số đang lặn hụp tìm mồi.
 
Được cá, nó bảo chúng tôi bứt gốc rạ khô, đốt lên rồi thảy cá lớn cá nhỏ vào. Chỉ một lát, mùi cá chín bốc lên ngậy cả mũi. Khều cá ra, lấy rạ chà sơ lớp cháy bên ngoài, để lộ lớp thịt vàng lươm…
 
Tôi dừng tay lại:
 
- Mầy rủ tụi nó chưa?
 
- Rồi! Làm lẹ đi!
 
Cứ mỗi lần gánh hát về thì bộ mặt làng tôi coi xôm tụ lắm. Mới bốn giờ chiều mà mấy chị đã trưng bày các “cửa hàng” của mình: Bốn năm xề mía chặt khúc, mấy xề đậu phộng nấu. Tấp nập nhất là “cửa hàng” nước đá của chị Tuyết. Đó là một bàn chữ nhật khá cũ kỹ, ở trên để một bàn bào nước đá, cả chục cái ly và hai chai sirô. Chị liên tục bào đá, hứng vào một ly rồi ém chặt lại, sau đó xịt sirô vào, lật úp ly lại, lấy ra khối đá hình cái ly đượm màu sirô đỏ thắm, trao cho người mua, toàn là bọn trẻ lứa tuổi chúng tôi!
 
Cứ thế chúng tôi mút! Mút liên tục (nếu không, sirô theo đá tan ra thì uổng lắm). Tay nầy tê thì đổi qua tay kia, mút chừng nào khối đá còn một miếng nhỏ, chúng tôi bỏ tọt vào miệng nhai rào rạo! Món nầy gọi là “nước đá nhận”, xem ra rất thích hợp với chúng tôi, bởi vừa ăn, vừa chơi đùa được, lại tiện lợi là, sau khi ăn xong, hai môi đỏ đẹp như thoa son; hai tay sạch trơn, như vừa rửa vậy!
 
Không hiểu sao, cái món vừa ngon lành, vừa rẻ tiền, vừa tiện lợi như thế mà ngày thường các chị không bán, mà phải đợi đến gánh  hát về?
 
Gánh hát đêm đầu, người xem đông.
 
Vì diễn ở nhà lồng chợ, chợ làng tôi cũng như chợ huyện thời ấy chỉ là một dãy nhà nhiều căn liên tục, xung quanh không rào, không cửa (mới gọi là nhà lồng), nên gánh hát về phải lấy vải dày bao xung quanh, chỉ chừa một cái cửa để “bán vé” và đi ra vào. Nói “bán vé” chứ vé viết gì đâu?  Người bán “vé” luôn là bà bầu, tức là vợ của ông bầu gánh hát, kèm theo là con hay người trong đoàn mà bà tín cẩn. Cứ người lớn vô cửa thì ba đồng, con nít một đồng.
 
Những đêm cuối, thì người lớn hai đồng, con nít vẫn giữ nguyên, bởi một đồng chỉ giá trị hai gói xôi! Tuy vậy, bà bầu cũng “du di”, thấy đứa nào sạch sẽ… như tôi (!), thì bà cho hai đứa một đồng! Bởi cái “du di” nầy mà xảy ra nhiều chuyện buồn cười:
 
- Sao hai thằng đó một đồng mà tôi với con tôi tới ba đồng?
 
- Thi… thì tại hai đứa đó dễ thương.
 
- Vậy chớ con tôi dễ ghét lắm hả? Tui với nó hai đồng rưỡi  thôi!
 
- Bà vô bốn người mà trả có hai đồng rưỡi, chắc chết tôi quá! Dắt một đứa, cõng một đứa, bồng một đứa….
 
- Em bé không tính tiền mà!
 
- Thôi vô đi bà nội, rầu bà quá!
 
Hai anh em thằng Xoài thằng Mận là chuyên gia coi cọp. Chúng đợi ở cửa, lợi dụng lúc đông người, xô đẩy nhau, chúng chen vào. Mười lần cũng lọt được năm sáu, những lần còn lại  bị… kéo lỗ tai, đuổi ra. Tôi vốn nhát gan, nên mua “vé” đàng hoàng. Thằng Tửng nói với tôi:
 
- Mầy mua “vé” được rồi đó!
 
- Đợi một hồi cho bớt chen lấn rồi hãy vô.
 
- Đồ ngu! Mầy vô sau, đứng sau người ta, có nước… hửi đít họ chớ làm sao mà coi?
 
Rồi kéo tôi ra sau hông nhà lồng, chỉ vào một chỗ; nói:
 
- Lát nữa mầy vô, mầy lại cây cột nầy nghen!
 
Tôi ầm ừ, vì không phải lần đầu tiên tôi a tòng với nó. Nó dặn lại:
 
- Nhớ à nghen!
 
Vào cửa, vừa tới cây cột nó chỉ thì ở ngoài nó đánh vào vải “bịch, bịch”, biết ám hiệu, tôi nhìn quanh rồi giở vải cho nó chui vào. Chiến thuật nầy hiệu quả hơn của Xoài, Mận nhiều, vì hầu hết nó vô trót lọt! Nếu xui rủi bị phát hiện thì nó cũng không bị kéo lỗ tai; mà là tôi! Tôi khoái nó ở chỗ, dù có trót lọt hay không, hôm sau nó cũng đãi tôi một chầu đá nhận!
 
“Rạp hát” không có ghế ngồi cho khán giả, muốn ngồi ghế thì tự đem ghế nhà vào, thường là mấy bà già, còn hầu hết thì ai vô trước, đứng trước, ai vô sau đứng sau. Còn vô sau mà muốn đứng trước thì cứ chen lấn!
 
Mấy đêm đầu, người sát như nêm, mùi mồ hôi ngậy mũi, tiếng cãi cọ luôn xảy ra khi chờ đợi mở màn: “Mấy thằng quỷ nầy làm gì chạy tới chạy lui hoài vậy?” Một người bịt mũi: “Ai bỏ “bom nguyên tử” vậy ta?”. Mọi người vừa bụm miệng thì lại có tiếng: “Hùm… “trái” nầy còn ác liệt hơn nữa!”. Ai cũng cười rung cả bụng.  Một chị gái: “Lợi dụng hả?”. “Chật phải cho người ta đụng chớ? Sợ thì ở nhà đi!”
 
Quê tôi trước sau có bốn gánh hát (chuyện hi hữu tại một xã nghèo thưa thớt dân cư) hai ông bầu Bời, bầu Trình là kỳ cựu nhất. Đào kép trong đoàn đa phần cũng là con em trong làng. Dẫu sống đời lang bạc, nhưng họ cũng ít nhiều ưu ái với nơi cắt rún chôn nhau.
 
Hậu trường các gánh khác chúng tôi dễ gì được vào xem. Với các gánh nầy, chúng tôi vào thoải mái, miễn đừng lớn tiếng, phá phách, với đừng… ăn ổi chín là được! Lần đầu tôi cầm trái ổi chín rục, thơm lừng, vừa cắn một miếng thì chị Ẩn, đào chánh giật lấy. Tôi nhơ ngác: “Ổi của em mà!”. “Biết rồi! Trái nầy em cho chị”. “Bộ chị có bầu hả? Sáng mai em hái cho chị.” Chị vò đầu tôi: “Không phải, nhưng ăn trước bàn tổ không nên, ông bầu thấy ổng quánh bây giờ”. Chị lại cười: “Ví (với) một lát, mấy em không được ăn me trước mấy ông thổi kèn nghe không?” Tôi ngơ ngác dạ dạ cho qua.
 
Sau nầy mới biết, không cho ăn ổi vì sợ… ông tổ thích mùi ổi chín mà bỏ đi (về nhà người ăn ổi); còn không cho ăn me trước mấy ông thổi kèn vì sợ mấy ổng… thèm chảy nước miếng mà thổi không được! Từ đó, tôi còn nghe người lớn nói như vầy: “Ăn cướp không bao giờ cướp đồ (tài sản) của gánh hát!” “Sao vậy?” “Vì họ cùng một ông tổ mà ra, hồi đó ông tổ gánh hát bỏ nghề rồi đi… ăn cướp” (?) “Ối! Xa lơ xa lắc, giờ cướp đại, chết thằng tây nào?” “Bậy! Nếu cướp của gánh hát thì bị quan bắt liền, hồi trước ổng thề như vậy”. “Ờ hén”. “Có ghe cướp, cướp nhằm ghe gánh hát mà không biết, chừng về thấy mấy cái rương toàn là âu ria, áo mão, hoảng hồn, đem trả không kịp!”
 
Khán giả đa số là bà già, ông già, các lớp đàn anh đàn chị chúng tôi, tức khoảng mười bảy mười tám tuổi, tuổi sắp có chồng, có vợ! Thời đó, nam mười tám, nữ mười sáu có chồng có vợ là chuyện thường tình. Lớp trên hai mươi, con cái đùm đề, ít ai đi coi. Tuổi trung niên còn ít nữa, không hiểu vì sao!
 
Có một khán giả rất đặc biệt là thằng Hợp (sau nầy là kép cải lương của anh bầu Sáu Triều), nó  ngồi một chỗ cũng rất đặc biệt: Dưới “bàn vua”. Đó là cái bàn chữ nhật như cái bua-rô của thầy giáo, không trải drap, phía sau là cái ghế đẩu, tượng trưng cho ngai vàng!
 
Không hiểu sao, đêm nào cũng có cái bàn ấy đặt sát tấm màn phong cảnh tận cuối sân khấu, dù đêm đó không có vai vua cũng vậy!
 
Hợp ngồi xếp bằng dưới cái. “long bàn” ấy. Áo luôn phanh ngực, lâu lâu quẹt mũi, nhìn xuống coi… khán giả, bởi mặt bàn che khuất tầm nhìn, làm sao coi đào kép?
 
Có gánh hát nào lại cho khán giả ngồi chỗ đó, ngoài gánh bầu Bời, bầu Trình? Ban đầu mở màn thấy nó ngồi, ai cũng cười dễ dãi, sau thành quen, xem như đó là ghế danh dự dành cho nó vậy!
 
Có lần vị vua nào đó lâm triều, vừa ngồi xuống ngai (ghế đẩu), vua duỗi chân ra, đạp nhằm nó, vua “ý” một tiếng, làm “bá quan văn võ” (thường có bốn người - hai văn hai võ) cũng giật mình. Khán giả thì cười rần. Rồi đâu cũng vào đấy, vua làm việc vua, nó làm việc nó: ngồi tiếp!
 
Lại lần khác, vua vỗ bàn quát: “Giáp sĩ đâu?”cùng lúc ngoài rạp có tiếng tía nó gọi: “Hợp ơi, về biểu!”, nó lật đật “dạ” một tiếng thật lớn còn hơn cả tập thể gánh hát “dạ” trong hậu trường, rồi vội vàng đứng dậy, đội luôn cả “long bàn” trên đầu. Vua quan ngơ ngác, còn khán giả thì cười bể bụng.
 
Thế mà hôm sau, nó cũng không vắng mặt ở chỗ ngồi danh dự đó!
 
Cũng nên nói thêm, gánh hát không có máy đèn. Ánh sáng là chiếc đèn măng-sông (manchon) duy nhất được treo giữa sân khấu và hàng ghế đầu tiên của khán giả. Nói “hàng ghế”cũng đúng, vì dường như đêm nào cũng có một hai hàng ghế thượng hạng dành cho các cụ, dù ghế nầy do các cụ mang tới. Đó hàng ghế bất khả xâm phạm trong một điều luật bất thành văn: Các anh chị và lũ chúng tôi ở phía dưới, cãi cọ, chen lấn làm gì làm, tuyệt nhiên không ai dám lướt qua các hàng ghế trưởng bối đó. Các cụ dù vô sau, chỉ cần đưa ghế lên (cho dễ đi), là có hàng loạt tiếng nói: “Tránh ra cho bác Bảy (ông Ba, bà Hai…) đi cà tụi bây ơi!” “Cái thằng nầy lì quá, nói nãy giờ mà cứ giỡn hoài!”
 
Đó không phài là văn hoá kính lão, là điều đáng tự hào của quê hương tôi đó sao?
 
Về tuồng tích thì thường là những trích đoạn của các truyện Tàu mà cô Năm tôi thường đọc cho các người lớn trong làng nghe trong các buổi đám cưới, đám giỗ, hay những lúc nông nhàn, như “Phụng Nghi Đình”, “Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê”, “Tôn Tẩn hạ san”, “Triệu Tử Long đoạt ấu chúa”, “Chiêu Quân cống Hồ”... Thật tình, giờ tôi nhớ được nội dung những chuyện ấy là nhờ nghe cô Năm đọc, còn coi hát bội, tôi không nhớ gì hết ngoài mấy tiếng “tróc mã đề thương, ứ ư, ứ ư…” bởi hát bội thường “hát”chữ nho, hiểu đâu mà nhớ?!
 
Vài năm sau (khoảng năm 1959), các gánh hát bội của bầu Trình, bầu Bời dần dà ế khách, bị lép vế bởi các đoàn cải lương ở xa đến như Điền Viên, Kiếp Bướm, Ánh Sáng. Gánh bầu Trình phải diễn luôn cả suất ban ngày mà hầu như không đủ sống, bởi khán giả toàn là lũ nhí chúng tôi, mà tụ lại không bằng một gánh Sơn Đông mãi võ! Suất đêm là chính, lại bị  “sập dàn” hoài! bởi cũng chỉ có đám chúng tôi vào coi, chỉ là ham vui, hơn là ham coi hát!
 
Cửa vé vắng tanh, thằng Mận, thằng Xoài không còn cơ hội “thừa nước đục thả câu”, còn tôi cũng không dám giở màn cho thằng Tửng chui vào. Thằng Hợp cũng tự động rời khỏi đít  “long bàn”. Các “cửa hàng” mía, đậu phọng đã dẹp tiệm, chỉ còn lại “cửa hàng” nước đá của chị Tuyết. Chị bào nước đá thư thả hơn, gọi tụi tôi là “cưng” chứ không là “tụi bây” như trước, và ly nước đá cũng cao hơn, sirô nhiều hơn!
 
Ban ngày tôi thường lân la vào hậu trường chơi, chị Ẩn nằm một mình trên võng, thấy tôi chị cười, khoe hai hàm răng đều đặn, không phấn son mà tôi thấy chị đẹp lắm, song trông chị buồn còn hơn khi chị đóng vai Chiêu Quân lúc rời xa đất Hán!
 
- Ủa? Sao có một mình chị ở đây vậy? Mấy anh đâu hết rồi?
 
Mắt “Chiêu Quân” nhoà lệ:
 
- Mấy ảnh đi bắt cá hết rồi, chị ở nhà nấu cơm.
 
- Sao hồi sáng không mua, bắt làm chi cho mệt?
 
Chị rời võng, đến thêm củi cho nồi cơm tổ bố. Có lẽ khói cay, làm mắt chị ươn ướt, đỏ hoe:
 
- Hát ế quá đâu có tiền mua cá, em!
 
Hai giọt nước mắt chị rơi xuống, tôi chạnh lòng, vừa thương chị, vừa ân hận về việc đã bao lần a tòng với thằng Tửng giở vải để cho nó vào coi cọp. Chị lau nước mắt cười thật buồn, hỏi tôi:
 
- … Ổi nhà em có trái nhiều không?
 
- Có, có nhiều lắm. Sao chị bảo không nên ăn ổi chín chỗ này?
 
Chị vẫn cười buồn:
 
- … Chị muốn ăn ổi chua.
 
- Chị có bầu hả? Sao bụng chị nhỏ xíu vậy?
 
Chị hơi vui vì lời trẻ con của tôi; không đáp, chỉ gật nhẹ. Tôi nhanh nhẩu:
 
- Vậy chị chờ em chút nghen!
 
Rồi tôi chạy vụt ra, réo to:
 
- Tửng ơi Tửng! Tửng ơi Tửng! Về nhà tao chơi.
 
Chiều hôm ấy ông bầu đến từ giã bà con ở dãy ngã tư. Ông buồn hơn mọi ngày. Khi đến nhà thầy Tư  Kiên (tiệm thuốc Bắc) thì bà con cũng kéo đến. Chú chín Chệt Xồi:
 
- Tui tặng ông bầu hai ký lường (đường) táng uống lước (nước). Chừng nào lảnh (rảnh) dìa (về) hát cho dzui (vui).
 
Chú chín Chệt Xồi sống ở làng đã lâu đời, có vợ Việt, ăn mắm sống nên không “nị, ngộ” như các chú Tàu ở huyện. Một lát chú Hai Cộc xách một xô cá từ mé triền lên:
 
- Mới tát đìa! Biếu anh Ba (ông bầu thứ ba) và anh em ăn lấy thảo.
 
Thằng Hợp vừa hít mũi vừa bưng một đĩa lớn bánh cam bánh cồng đầy ắp lại, thưa:
 
- Má con nói biếu ông bầu ăn uống nước.
 
Thiếm tư quay quanh rồi nói:
 
- Ở đây cũng có bánh trái rồi… Hay là đứa nào mang qua nhà lồng cho mấy em ở bển. Đem cá của anh hai cho mấy em làm luôn thể, tối rồi.
 
Thầy Tư ngập ngừng nói với ông bầu:
 
- Hổm rày chắc vất vả lắm hả anh Ba?
 
- Thì anh thấy đó, cứ “sập dàn” hoài!
 
Chú Chệch Xồi:
 
- Hay là ông bầu dìa mua bán dí (với) tui, kiếm ăn lược lám  ló! (được lắm đó)
 
Mọi người ái ngại cho câu nói thiệt lòng của chú Chín. Nhưng ông bầu chỉ thở dài:
 
- Làm như cái “nghiệp” anh Chín ơi! Khi ế anh em cứ than thở đòi về làm ruộng, nhưng khi được bà con ái mộ thì quên hết! “Cái nghiệp” khó dứt lắm anh ơi! Như con tằm ăn dâu phải nhả tơ đền nợ dâu vậy!
 
Sáng hôm sau khi tôi định xách thêm bọc ổi chua và gói muối ớt cho chị Ẩn, thì thấy thằng Tửng bọc một áo xoài đứng ở trước cửa. Tôi trố mắt hỏi nó:
 
- Mày ăn cắp hả?
 
- Tao xin đàng hoàng. Tao nói xin cho chị Ẩn, thiếm Bảy bảo hái cho khá khá. Ăn cắp gì mà nhiều dữ vậy?
 
Khi chúng tôi đến, mọi người đang ăn cơm. Chị nắm tay chúngtôi, nghẹn ngào:
 
- Cám ơn hai em nghen!
 
Ăn cơm xong mọi người lỉnh kỉnh gánh gồng xuống ghe. Tôi và Tửng đứng trên bến. Chị vò đầu chúng tôi rồi xuống sau cùng:
 
- Mấy em ở lại ráng học giỏi nghe. Lần sau chị về chị bao mấy em coi hát khỏi mua vé.
 
Thằng Tửng coi bộ sượng sùng vì lời chị. Tôi nói:
 
- Chừng nào chị về nhớ ẵm em bé về chơi nghen.
 
Ghe rời bến, chị yếu ớt vẫy tay. Ghe đi xa, chúng tôi nhìn đến khuất bóng mới thôi. Tôi ngó qua Tửng, nó ngượng ngùng quẹt nước mắt. Lần đầu tiên tôi thấy nó khóc. Và lần cuối cùng tôi gặp chi Ẩn.
 


  Trở lại chuyên mục của : Kha Tiệm Ly