KHA TIỆM LY


Giải Trí Ngày Xưa ở Quê Tôi
Tản văn
 
Từ năm 1954 trở về trước, nguồn giải trí ở quê tôi (có lẽ nơi khác cũng vậy) dường như không có, nếu không kể lâu lâu mới được xem văn nghệ của các đoàn văn công kháng chiến. Cuộc sống vật chất với bao khốn khổ, hiểm nguy của người dân bị trị còn lo chưa xong thì nói gì đến đời sống tinh thần?
Sau năm 1956, khi cuộc sống có “khỏe” hơn đôi chút thì đời sống tinh thần mới được quan tâm, nhưng chỉ cũng tựu trung vào các buổi tết nhứt hội hè qua các trò chơi dân dã như kéo co, bịt mắt đập nồi, nhảy bao…, Với các cụ thì đánh cờ, hay ngồi quanh uống trà bàn chuyện nắng mưa thời vụ. “Ra dô” (radio) chưa ai có, còn “nhật trình” (nhật báo) thì … cả năm mới thấy một tờ do mấy vị “có học” như thầy Tư tiệm thuốc bắc, chú chín Xước, ông Tư Tông gởi mua từ những ai có dịp đi Bến Tre. Cũng nên nói, quê tôi ở làng An Thuận, quận Thạnh Phú (lúc đó không gọi là “huyện”), cách chợ Bến Tre không hơn năm chục cây số, vậy mà muốn đi đến đó không dễ dàng gì: Phải thức từ hai, ba giờ sáng, chuẩn bị cơm nước mang theo (cho đỡ hao tốn), rồi cuốc bộ quãng đường năm cây số dưới trời tối thui như mực, nếu nhằm những ngày mưa thì thêm lầy lội, để kịp chuyến đò dọc duy nhứt đậu tại chợ quận khởi hành tùy theo giờ con nước lớn. Cho nên “Đi Bến Tre” – đi lên tỉnh nhà - hồi đó vất vả còn hơn bây giờ ra… Hà Nội vậy!
Những tờ “nhật trình” đó chuyền tay coi đến “lên nước” mới thôi! Và những tin tức… nguội ngắt ấy mấy ông thường kể khi gặp bất cứ ai cho tới khi… có những tin mới ở một tờ nhật trình mới khác!
Lâu lâu có gánh hát bội về thì y như ngày hội, bởi đó là món ăn tinh thần lạ lẫm và “khoái khẩu” của làng tôi.
Nhớ mà thương cho quê hương tôi thời ấy: Trong mục “trình độ học vấn” ở các giấy tờ hành chánh thường bị ghi là “dốt”; còn “biết đọc biết viết”, đồng nghĩa với biết kí tên nguệch ngoạc cũng chẳng được bao nhiêu. Số người “đọc chạy” – tức đọc khá nhanh mà không vấp – chỉ đếm trên đầu ngón tay! Cũng như trẻ em mê chuyện cổ tích, người làng tôi rất thích nghe truyện Tàu. Mỗi tối họ tụ tập lại nhà ông Tư Tông bán tạp hóa (Tư Tiệm) để nghe cô Năm Thảnh đọc Tiết Nhân Quý Chinh Đông. Tiết Đinh San Chinh Tây, Mạnh Lệ Quân, Tam Quốc Chí, Thuyết Đường, Hán Sở Tranh Hùng, Thủy Hử, Phi Long, Ngũ Hổ Bình Tây… Cứ hết bộ nầy lại đọc tiếp bộ khác. Sau khi hết vài chục bộ, thì cô đọc lại bộ ban đầu. Riết rồi thành như thói quen, như ghiền (!), nên cứ sẫm tối là họ lục đục rủ nhau lại nhà ông Tư Tiệm. Trưởng thượng thì ngồi ở bàn tròn , “hạng cá kèo” gồm các cô chú sồn sồn, các anh, và lũ nhóc chúng tôi thì ngồi ngoài sân trên ghế cóc mang theo, và tay cầm cái quạt mo để... đuổi muỗi!
Lâu ngày thì người đọc lẫn người nghe đều thuộc nằm lòng các pho truyện. Nhờ vậy mà cô bác làng tôi tuy dốt chữ, nhưng về mặt điển tích thì chưa chắc thua ai! Những đặc điểm, tính cách, điều trung hiếu, tiết nghĩa của từng nhân vật trong truyện đã ăn sâu vào tâm khảm họ và đi theo cuộc sống đời thường: Khen chê ai họ thường nói: “Ông đó còn hơn Khổng Minh!”, “Nó đa nghi còn hơn Tào Tháo!” hoặc: “Anh hùng tử khí hùng nào tử”, (mượn lời Đơn Hùng Tín nói với La Thành để khen những người can đảm, sĩ khí). Hoặc “ Bộ tụi bây muốn lạn (loạn) trào hả?” để rầy la khi bọn nhóc chúng tôi quậy phá.(tích Tiêu Anh Phụng loạn trào)
Khi mọi người đều nằm lòng, sanh chán các pho truyện thì cô Năm đọc qua thơ: Thơ Vân Tiên, Thơ Thạch Sanh Lý Thông, Thơ Chàng Nhái Kiểng Tiên, Thơ Sáu Trọng, Thơ Sáu Nhỏ, Thơ Ông Trượng Tiên Bửu, Thơ Phạm Công Cúc Hoa… Đó là những tập thơ mỏng dính được bán tại tiệm ông Tư. Và một lần nữa, mọi người dù không biết chữ nhưng ai cũng thuộc vanh vách, thuộc làu làu những cuốn thơ đó!
Một thú giải trí không thường xuyên nhưng cao cấp là “máy hát”. Nó giống in như cái va li đựng quần áo khi đóng nắp lại. Mở ra, nó gồm bộ phận quay dĩa và một cái đầu mà trước mỏ được gắn một cây kim. Bên hông có một tay quay để lên “dây thiều”!
Khi có đám giỗ, đám cưới, chủ nhân chiếc máy hát là chú Tư Kiệt luôn được trân trọng mời tới để phục vụ, và được dành cho một góc ván mà tha hồ bày biện, “yêu sách”: Đầu tiên là “mượn cái mền” lót dưới cho êm máy, kế đó là “xin miếng dầu dừa” để thoa dĩa! Cuối cùng là lời dặn bọn nhóc chúng tôi: “Mấy đứa coi (thì) coi, chớ hổng được phá nhen!”. Rồi màn “trình diễn” bắt đầu với những bài vọng cổ của Viễn Châu qua giọng ca của Út Trà Ôn, Thanh Hương, Bạch Huệ mà các ông các bà khen mùi … rụng rún!
Kĩ thuật thời đó còn thô sơ nên chủ nhân máy hát phải ngồi canh để thay mặt dĩa, vì dường như mỗi mặt dĩa chỉ chứa được có ba câu vọng cổ; ba câu sau ở mặt dĩa bên kia! Đó là chưa nói “hát” được vài dĩa thì kim bị tà, phải thay kim; lại còn thỉnh thoảng phải “lên dây thiều”, nếu không giọng hát bị nghe éo éo! Có phải vì vậy mà cụm từ “hết dây thiều” để chỉ những người có giọng nói nhựa nhựa, yếu ớt như hết hơi chăng?
Khoảng năm 1958, khi chiếc “ra dô” đầu tiên xuất hiện ở nhà ông chín Xước - ở sát nhà ông Tư Tiệm – thì việc “đọc truyện đêm khuya” mới chấm dứt vì dân làng tôi khoái nghe cải lương hơn, vả lại, mấy pho truyện đó họ đã nhàm! Và cũng chính vì “ra dô” là vật giải trí thượng đẳng hơn, lạ hơn, nếu không nói nó là một… kì quan của quê tôi ngày ấy! Cứ mỗi chiều, khi việc nhà việc ruộng xong xuôi, thì tốp năm tốp ba, ai cũng mang theo cái ghế cóc; mấy bà, mấy ông già thì mang thêm bịch trầu, gói thuốc rê đến sân chú Chín rồi chọn chỗ thuận tiện nhất. Mỗi tối thứ bảy đều có “truyền thanh tuồng cải lương” nên số thính giả gấp đôi gấp ba ngày thường tức khoảng bốn năm chục người – trông như cái chợ!
Cái “ra dô” hồi đó chắc phải nhiều tiền lắm nên xem chừng chú Chín quí lắm. Nó được may cho cái “áo” bằng vải bông hoa với những ren tua sau trước. Nó được đặt ở vị trí trang trọng và cao nhất trong nhà là trên đầu tủ đứng. Mỗi lần “mở đài” phải đứng trên ghế mới thực hiện được!
Khi cái “ra dô” được “khai trương” vài ngày thì trong đám thính giả có một bà lụm cụm đi đến (cái “ra dô”) chăm chú quan sát trước sau với nhiều cặp mắt ngạc nhiên của mọi người. Chú Chín cũng lấy làm lạ, hỏi: “ Bà kiếm gì vậy, bà Bảy? Bà Bảy không trả lời mà hỏi lại: “ Có ai trong buồng nhà bây không vậy?”. Mọi người càng ngạc nhiên hơn, chú Chín đáp: “Có ai ở trỏng đâu! Chi vậy bà?” – “Hỏng có sao… cái hộp nầy nó hát được?” Mọi người cười rần. Chú Chín cười ngất, giải thích: “Đây là cái “ra dô” bà Bảy ơi! Ở trên Sài Gòn nó hát rồi máy nầy thu tiếng vào”. Bà Bảy: “Hỗm rày nghe sáp nhỏ nói, tao đâu có tin. Tao nói cái “ra dô” là phải có người… đi ra đi dô mới hát được chớ!... Ai ngờ như dầy mà nó hát được! Hay quá bây há?”.
Mấy năm sau, chuyện tụ tập trước nhà chú Chín cũng lơi đi bởi cũng có nhiều người sắm được “ra dô”. Dù vậy, giá trị nó không hề suy giảm: Nó vẫn được mặc “áo” thêu hoa, tua ren còn sặc sỡ hơn, lại có thêm dây quai để mang trên vai khi ra khỏi nhà! Chợ làng ngoài tiếng ồn ào cố hữu, nay thỉnh thoảng có thêm tiếng “xuống” vọng cổ thật mùi từ những cái “đài phát thanh di động”! Thời buổi đó, ai mang theo “ra dô” đi chợ được coi là sang, là bảnh lắm!
Chuyện cách nay hơn 60 năm với “người thật việc thật” một trăm phần trăm. Nay chúng tôi nhắc lại bằng một tấm lòng của kẻ ly hương từ thuở ấu thơ: Thỉnh thoảng nhớ về quê mình da diết với những con người nghèo khổ, dốt nát mà tâm hồn thật thà, đôn hậu, chất phác đến ngây ngô. Tình yêu, lòng nhớ thương quê xưa người cũ đã làm cho chúng tôi khó cầm nước mắt khi viết bài nầy.

  Trở lại chuyên mục của : Kha Tiệm Ly