KHA TIỆM LY


Khí Phách Giang Hồ

1. Lôi đài Tung Sơn

Lôi đài Tung Sơn do Lý võ sư được dựng lên tại Gia Định để thách đấu tất cả anh hùng hảo hán Nam Kỳ. Thủ đài là Lý Phi Yến, con gái của Lý võ sư. Đêm nay vừa đúng một tháng, Phi Yến đã hạ gục tất cả các cao thủ thuộc nhiều võ phái lừng danh thời bấy giờ như Phục Long, Hồng Điểu, Bạch Hổ, Toàn Phong… với độc chiêu trấn môn của phái Tung Sơn.

Mới hôm qua, khi chứng kiến cao đồ của mình bị Phi Yến đá nhào xuống võ đài tắt thở, chưởng môn nhân Phục Long phái bèn phóng lên đài nhẹ nhàng như chiếc lá rơi; điểm mặt Phi Yến mà rằng:

– Hãy đền mạng cho đồ đệ ta!

Người xem háo hức trong lòng cùng “Ồ” lên một tiếng, đợi tin vui. Vừa nói dứt lời, chưởng môn ra quyền tới tấp, Phi Yến dù chống trả quyết liệt nhưng luôn ở thế hạ phong. Đến hiệp thứ ba, khi Phi Yến bị dồn gần tới góc võ đài thì chưởng môn Phục Long quát: “Vạn Lý Quyền!”. Trong chớp nhoáng người ta thấy cánh tay của chưởng môn như dài thêm mấy tấc, nhắm thẳng vào mặt Phi Yến lao tới với sức mạnh cuồng phong, những tưởng đầu của ả phải nát từng mảnh vụn. Thế nhưng Phi Yến vội đã xoay mình tránh khỏi, đồng thời hét lên: “Tàng Ảnh Cước!”; và thật bất ngờ, loáng một cái, vị chưởng môn nằm sóng sượt, miệng hồng hộc máu trào sau cú đá của Phi Yến! 
Hôm nay, thấy dáng hiu hiu tự đắc của Lý võ sư và dáng khinh mạn của Lý Phi Yến mà mọi người uất hận. Tự ái dân tộc nổi dậy, nhưng ai nấy đành nén lòng. Phi Yến oai phong đi qua đi lại trên võ đài, trong lúc Lý võ sư vòng tay, giọng lơ lớ, lời lẽ khiêm cung giả dối không che giấu được lòng tự cao tự đại:

– Thưa bà con cô bác, thưa các anh hùng hảo hán! Lôi đài Tung Sơn mở ra trước là để ra mắt bà con cô bác, sau là để học hỏi những tuyệt chiêu của các hảo hán anh hùng hầu mở rộng tầm nhìn! Vì thánh nhân có câu rằng,“cao nhân tất hữu cao nhân trị”, người giỏi có người giỏi hơn! Thế nhưng nhờ các vị anh hùng nể mặt nương tay, nên lôi đài Tung Sơn mới trụ được đến đêm nay; Lý mỗ vô cùng cảm tạ, cảm tạ!

Đủ mọi âm thanh ồn ào; Lý võ sư quét mắt qua lại mấy lượt; tiếp:

– Nguyện ước của con nhà võ là mong được cao nhân chỉ giáo, nhưng đến hôm nay, dù là một người con gái yếu đuối củaTung Sơn võ đài cũng không đủ phần phước của Nam Kỳ hảo hán ban cho! Bất hạnh! Bất hạnh!

Khán giả kẻ nghiến răng, người đấm hai tay vào nhau, tức giận cành hông; kẻ tắc lưỡi, kẻ xì xào, có kẻ không kìm được uất khí khi nghe mấy tiếng “dù là một người con gái yếu đuối” của Lý võ sư; hét: “Láo phét! Láo phét! Có dám trụ thêm vài ngày nữa không?”, Trong lúc Phi Yến vẫn đi tới lui trên võ đài tủm tỉm miệng cười, thì Lý võ sư lại vòng tay thưa: 
– Mọi thứ đều có quy định hẳn hoi, hơn một tháng qua cũng biết được đá vàng! Trong hai khắc nữa nếu không còn vị anh hùng nào thượng đài thì Tung Sơn xin chào tạm biệt!

Lý võ sư vừa dứt lời thì giữa đám đông có tiếng nói to:

– Có ta đây!

Mọi người vui mừng nhìn lại. Một thanh niên mặt đẹp như ngọc, dáng vẻ đường đường đang rẽ đám đông lướt tới, rồi lộn mình lên võ đài. Tiếng vỗ tay như sấm dậy. Mọi người vừa vui nhưng cũng vừa phập phồng lo sợ, hồi hộp chờ đợi cuộc đấu. Phi Yến dừng bước. Lý võ sư quan sát chàng trai với bộ bà ba đen, lưng cột khăn rằn, rồi vòng tay hỏi:

– Hảo hán đã biết điều lệ võ đài?

– Tất nhiên!

– Hảo hán thuộc môn phái nào? Đại danh đại tánh?

– Điều nầy đâu có trong quy ước? Nhưng ta sẽ cho biết sau trận đấu.

Lý võ sư nén giận, nói thầm: “Sau trận đấu biết ngươi có còn dịp nói hay không?!”

Khai đấu! Mọi người chen lấn nhau. Trên đài, Phi Yến tấn công như vũ bão còn chàng trai mà họ hy vọng lại cứ nhảy tới nhảy lui, xề qua xề lại. Mọi người thất vọng la lớn:

– Ra đòn đi! Làm gì như con khỉ vậy?

Duy có một người thấy lo ngại cho Phi Yến là Lý võ sư; bởi qua mấy hiệp, hơi thở Phi Yến dứt đoạn, thủ pháp đã loạn – điều tối kỵ khi giao đấu – mà vẫn chưa đụng được vạt áo của đối phương, trong khi chàng thanh niên chẳng đọng giọt mồ hôi, lại có khi tỏ ra thái độ cợt đùa! Bất ngờ Phi Yến đấm thẳng một quyền, đoạn đà người qua bên, thét to: “ Tàng ảnh cước!”. Cùng lúc đó, nhanh như chớp, chàng thanh niên một tay giựt phăng chiếc khăn rằn quanh bụng, quay tít trên không như chong chóng, một tay vừa phạt (chém ngang) một phát, vừa thét: “Thiết kim cang!”. Liền sau đó, nghe “Á” một tiếng, Phi Yên ôm chân rút vào góc võ đài. Chỉ chờ có vậy, chàng thanh niên lao tới, nắm áo Phi Yến quật xuống sàn một cách dễ dàng. Một tay thanh niên như ngọn núi đè bả vai Phi Yến xuống làm nàng ta vô phương cục cựa, môt tay cứ vỗ vào hai mảng mông nàng bôm bốp. Khán giả hét lên: “Giết nó đi! Giết nó đi!”. Chàng thanh niên tạm ngừng tay, rồi lại “bốp” tiếp lịa lịa, trong mỗi cái “bốp”, mông Phi Yến cứ lắc lư qua lại; cảnh tượng giống như mẹ đánh đòn con vậy! Người xem từ căm giận đến cười nghiêng ngả. Trong điều lệ của võ đài nầy có khoản ghi là “chết không đền mạng”, hàm ý là nếu người thắng thế có đánh chết người thất thế dù họ có lên tiếng hay làm thủ hiệu chịu thua cũng chẳng hề gì. Trường hợp nầy, chàng thanh niên chỉ cần gõ nhẹ vào huyện phong trì thì Phi Yến tức khắc lìa đời; nhưng chàng không làm vậy, mà chỉ vỗ vào mông! Lý võ sư biết rõ hơn ai hết nên vội phóng lên võ đài, thay vào dáng hách dịch khi nãy là lời tha thiết van xin:

– Hảo hán tha mạng! Hảo hán tha mạng! 
\
– Ta có giao đấu với ngươi đâu? Ta muốn chính lời con chồn nầy nói đây!

Nói xong, chàng thanh niên nhấn tay xuống, xương vai Phi Yến kêu răng rắc. Phi Yến cắn răng, nén đau nói:

– Ta thượng đài là đã coi sanh tử như không, nay lại bị ngươi làm nhục, thì ta há vì mạng sống mà mở lời van xin hay sao? Xuống tay đi!

Nghe Phi Yến nói, Lý võ sư kinh hoàng, nghĩ rằng qua lời khích đó người thanh niên sẽ cho con mình một đấm rồi đời; không ngờ người thanh niên buông Phi Yến ra, nói:

– Có dũng khí!

Rồi quay qua chỉ vào Lý võ sư:

– Nhà ngươi là con nhà võ mà lại dùng những thủ đoạn đê hèn của phường vô lại! “Tàng ảnh cước” của con chồn nầy (chỉ Phi Yến) chẳng qua là mật khẩu, là lời cầu cứu lúc nguy bách, thúc giục ngươi tung ám khí “Độc phong châm” giết chết bao người; lại qua mắt được ta sao? Thương cho Phục Long chưởng môn một đời oanh liệt lại bị mất mạng bởi trò đê tiện của mi!

Chàng thanh niên rút từ chiếc khăn rằn đã được cuốn chặt như sợi dây thừng những vật sáng loáng nhỏ như kim ong đưa trước mặt Lý võ sư:

– Ngươi còn chối được sao?

Khán giả nãy giờ im phăng phắc, bây giờ lại quát tháo vang trời, đòi Lý võ sư phải đền mạng. Người thanh niên khoát tay ý bảo mọi người im lặng rồi quay qua Lý võ sư nói tiếp:

– Tổ tiên người từ phương Bắc chẳng chịu thần phục nhà Thanh, dong buồm qua nước ta tìm sinh lộ thì chúa ta cũng rộng dạ chở che. Xem các ngươi như người chung bọc, bọn ta đều nhường áo chia cơm. Nay nước ta bị giặc Tây giày xéo, ngươi đã không chung lòng cùng dân ta chung sức đuổi thù, lại còn ham chút lợi danh bổng lộc mà trở giáo đâm lại kẻ mà mình từng được cưu mang. Kẻ phàm phu còn biết nhục, thì mi đường đường là một chưởng môn, chẳng biết hổ thẹn hay sao? Bọn Tây mượn võ đài để tiêu diệt móng mầm phục quốc, tìm tông tích kẻ chúng muốn tìm. Chuyện rõ như ban ngày, còn giấu ai được?

Khán giả nghe người thanh niên nói, lòng sôi lửa giận, đồng thanh hét: “Phá võ đài! Giết thằng Chệt tay sai!”. Ngay lúc đó có tiếng lên đạn rôm rốp, tiếng chân chạy phình phịch, cùng tiếng: “Bắt lấy nó!”. Người thanh niên nói nhanh:

– Ta cũng biết có giờ phút nầy! Ta đi đây!

Phi Yến bây giờ mới gấp rút hỏi:

– Hảo hán cho biết đại danh?

Người thanh niên, không nói, quăng xuống sàn một vật rồi phóng mình như một mũi tên, mất dạng. Lý võ sư ngớ người: “Phi thiên thần công!”, Bây giờ hai người mới có dịp nhìn vật chàng thanh niên để lại rồi cùng nhìn nhau trố mắt: “Mai Hoa Khách!”

2. Mai Hoa Khách.

Không sai! Người thanh niên đó chính là Mai Hoa Khách. Vật chàng bỏ lại đó là một bông mai bằng đồng gọi là “mai hoa tiêu”. Mai hoa tiêu chỉ nhỏ bằng đồng tiền điếu với năm cánh sáng ngời, bén ngót. Đó là vũ khí bất ly thân, cũng là chứng vật của Mai Hoa Khách; và là điềm bất tường của tham quan, ác bá cường hào. Mỗi khi thấy nó chúng đều hồn phi phách tán bởi sự lợi hại kinh người của nó hơn hẳn súng đạn Phú Lang Sa: Nó giết người bất cứ nơi nào, thời điểm nào, và chỉ cần một cái vung tay của chủ nhân với năm, ba mai hoa tiêu bay ra cùng lúc thì năm, ba mạng người đồng loạt ngã xuống!

Hành tung của Mai Hoa Khách vô cùng bí hiểm. Dù tiếng tăm gầm trời đều biết nhưng diên mạo cùa chàng ra sao thì chỉ là sự đoán mò của những người thích chuyện thị phi. Kẻ bảo thế nầy, người bảo thế khác; nhưng về võ công thì mọi người đều cùng công nhận là bực thượng thừa, cũng như về nghĩa khí giang hồ thì cổ kim có một. Mới sáng vừa nghe giết tham quan ở Trấn Định Tường, thì chiều lại nghe cường hào ở tỉnh Vĩnh Long đền tội. Điều làm cho bọn tham quan ô lại run sợ, đi đứng không yên nhưng lại là điều cảm phục với mọi người là trước khi ra tay, Mai Hoa Khách đều bắn thư báo trước; và mười lần như một, kẻ nhận thư dù phòng thủ cỡ nào cũng không thoát khỏi mũi kiếm hay mai hoa tiêu ghim vào cổ họng! Tên “Mai Hoa Khách” đã đi vào huyền thoại.

Hôm nay thì chàng đã lộ diện! Mọi người xem đều thỏa mãn, thế nhưng nhà cầm quyền thuộc địa và bọn tai sai lại tiếc rẻ vì đã để xổng mất một con mồi lớn mà bấy lâu nay chúng đã tốn nhiều công sức thả lưới giăng câu; mà Tung Sơn võ đài là một trong các cái bẫy của chúng! Hơn ai hết, chúng rất rõ những võ phái Nam Kỳ là những “căn cứ” của nghĩa binh nên đã dùng mọi thủ đoạn chia rẽ, mua chuộc và tiêu diệt.

Tối hôm ấy, Lý võ sư đang ngồi trầm ngâm thì Phi Yến mang trà vào. Thấy sắc mặt ưu tư của cha; bèn hỏi:

– Phụ thân đang nghĩ về Mai Hoa Khách?

Lý võ sư gật nhẹ; Phi Yến:

– “Phi thiên thần công” là môn công phu thượng thừa của Thiếu Lâm nam phái, chẳng hiểu sao giờ lại xuất hiện ở đất nước nầy; bởi nó đã thất truyền từ khi chùa Thiếu Lâm bị đại nạn.

– Võ học mênh mông. Con đừng nghĩ Trung Hoa là cái nôi của võ thuật mà quên rằng thiên ngoại hữu thiên! Cha con ta đã ngược xuôi nam bắc lý nào con đã quên các cao thủ ở Bình Định, An Thái, Thuận Truyền? Việt Nam đã có những cao nhân tót chúng thì “Phi Thiên Thần Công” hay gì gì đó cũng là chuyện phải có mà thôi! Hãy coi thân pháp của Mai Hoa Khách khi thượng đài với con thì đủ rõ: Võ công con cũng xứng gọi là hạng phi phàm nhưng trước mặt hắn, con khác nào là một món đồ chơi?

Phi Yến có vẻ thẹn, Lý võ sư nhíu mày tiếp:

– Chuyện làm ta suy nghĩ không phải là võ công thượng thừa của hắn mà chính là cái tâm của con nhà võ: Hắn có thể bóp nát con ra trong giây phút, nhưng sao hắn không làm? Mai hoa tiêu của hắn có thể phóng một lần 5 đóa và trong nháy mắt 5 mạng người gục ngã; vậy cớ sao hắn lại không hạ thủ ta khi biết ta lén phóng độc phong châm?

– Võ công hắn cao cường như vậy thì sự phụ hắn chắc phải là vô thượng kỳ nhân?

Lý võ sư lắc đầu:

– Trong võ công chẳng có ai là “vô thượng” cả. Nhưng ta nghe được miền Cấm Sơn có một cao nhân; chỉ một cú đá mà con hổ phải bay đi vài trượng; chỉ cái cào tay mà ván gõ tróc dăm. Và nếu không phải là “Phi thiên thần công” thì cũng không thể nào từ đỉnh vồ nầy qua đỉnh vồ bên kia chỉ trong nháy mắt!

– Ý phụ thân muốn nói Hoa Mai Khách là đồ đệ của cao nhân kia? 
– Không sai! Và như vậy, chính ta cũng không phải là đối thủ của hắn!

3. Nam Kỳ sóng gió

Từ khi “con mồi” Mai Hoa Khách thoát khỏi lôi đài một cách dễ dàng, nhà cầm quyền thuộc địa vừa tiếc vừa giận, bèn bắt tội những kẻ thuộc quyền; đồng thời ra lịnh bắt cho bằng được Mai Hoa Khách cũng như đàn áp thẳng tay lực lượng nghĩa quân, mà Cấm Sơn là mục tiêu chủ yếu.

Thế là binh hùng tướng mạnh đổ vào Cấm Sơn; nhưng đến nơi chỉ thấy đá dựng trùng trùng, cây cao ngân ngất. Càng vào sâu càng hoang lạnh, chỉ thấy độc xà, mãnh thú, chướng khí lam sơn; bệnh thổ tả hoành hành, binh hao tướng kiệt; đành phải rút về. Trong khi đó, từ Kiến Hòa, Kiến Phong (thuộc phủ Kiến Tường) cho tới Kiến Hưng, Kiến Phong (thuộc phủ Kiến An) ngay cả ban ngày, từ cường hào ác bá đến cả những tay sai đắc lực hương hào, chánh tổng đây đó thỉnh thoảng bị sát hại. Chánh quyền thuộc địa điên tiết, không từ một thủ đoạn đê hèn nào để trả thù đám “loạn quân”; nhân cơ hội nầy, đám khuyển cẩu mặc sức bắt bớ, giam cầm, vu oan giá họa cho biết bao người dân vô tội; cưỡng hiếp không biết bao nhiêu gái nhà lành. Nỗi thống khổ không sao nói hết.

Thạch Riêng là hung thần thời đó. Hắn chỉ là cận vệ của chánh tổng Minh Trị, nhưng mượn oai chủ nên coi trời bằng vung. Hắn nói ra lửa, mữa ra khói. Hắn võ nghệ cao cường, dưới tay có nhiều đồ đệ và một đám khuyển ưng cũng không kém phần độc ác. Dưới tội danh bị gán cho là “loạn quân”, hắn tự tung tự tác bắt bớ giam cầm bất kỳ ai làm hắn chẳng vừa lòng. 
Chiêu Anh Quán bên đầu cầu Quây (thuộc Phủ Kiến An) là nơi khách thương hồ và đám sai nha thường hay lui tới rượu chè. Chủ nhân là một cô gái tuổi quá hai mươi, vẻ đẹp mặn mà, duyên dáng, tóc kẹp đuôi ngựa gọn gàng để lộ gương mặt thông minh lanh lợi. Hơn tuần nay có một ông lão dáng người rắn rỏi, tuổi chừng năm mươi, chiều nào cũng vào quán thư thả ngồi một mình nhắm rượu. Lão có vẻ vui tính, thường hay gạ chuyện bâng quơ với chủ quán rồi cả hai cùng cười rôm rả. Hôm nay quán vắng khách. Một thanh niên dáng phong trần bước vào, chào xã giao ông lão rồi chọn một bàn gần đó gọi rượu. Ông lão thoáng quan sát chàng trai rồi gọi mời:

– Trời lạnh thế nầy, rượu uống một mình không thú vị. Dám mời huynh đệ qua đây cùng lão làm vài chén ấm dạ được không?

Chàng trai không chần chừ, vừa nhổm dậy vừa nói:

– Hân hạnh!

Sau tuần rượu, ông lão nói:

– Lão họ Trần, một thân một mình xuôi ngược trường giang kiếm ngày hai bữa. Chẳng hay huynh đệ…

Thanh niên thở dài, thoáng dò xét Trần lão rồi nói:

– Từ ngày sư phụ chầu trời, tiểu bối quên cả tên mình! Chỉ nhớ mình họ Lê.

Lão Trần nhíu mày, rồi cười:

– Thì ra là Lê tráng sĩ! Họ tên quên đi cũng chẳng sao, đừng quên mình là ai là tốt rồi! Ha ha!

Hai người vừa cụng chén thì nghe bên ngoài tiếng khóc inh tai; bèn nhìn ra thì thấy một thiếu nữ đầu bù tóc rối, mặt đầy nước mắt nhưng vẫn không che được nét mặn mòi; vây quanh là đám trảo nha của Thạch Riêng. Lão Trần mím môi để ghìm căm giận dù đây không phải là chuyện lão thấy lần đầu; còn Lê tráng sĩ vội xô ghế, chạy ra chỉ vào mặt cả bọn:

– Quân khốn kiếp nầy! Chúng bây làm tình làm tội người lương thiện cho đến bao giờ đây?

Cả bọn ngạc nhiên vì từ nào chưa có ai lại dám nói với chúng những lời như vậy; tên đầu sỏ cười ngất:

– Thằng ranh nầy! Mầy chắc từ trên trời rơi xuống nên nhằm lối địa ngục mà vào? Ha ha.

Hắn khoác tay, lập tức đám trảo nha nâng bá súng tấn công Lê tráng sĩ. Không chút nao núng, Lê tráng sĩ tung người lên liên tục đạp vào mặt từng người làm tất cả ngã nhào. Tên đầu sỏ hét lớn:

– Giết nó cho ta!

Đồng thời hắn định nâng súng lên; nhưng nhanh hơn, Lê tráng sĩ đã khoa tay như chong chóng rồi bất thần thoi một quyền vào ngay mặt hắn, khiến hắn chỉ rú lên một tiếng rồi nằm im. Lúc đó đám trảo nha lẹ làng ngồi dậy, súng lên nòng rôm rốp. Lê tráng sĩ kinh hoàng, định tung mình thoát thân, thì bỗng nhiên bọn chúng đều lần lượt ngã xuống, máu tươi từ cổ vọt ra có vòi: “Mai hoa tiêu” cắm phập vào! Vài đứa còn lại hồn phi phách tán lắp bắp: “Mai Hoa Khách tới!” rồi cố chạy thoát thân! Lê tráng sĩ chấp tay, nhìn quanh:

– Đa tạ! Mai Hoa đại hiệp cứu mạng!

Phần đang dồn tâm trí vào cuộc chiến, phần mai hoa tiêu bay nhanh như chớp nên Lê tráng sĩ không xác định được phương hướng của chúng; nhưng tất cả không qua khỏi đôi mắt tinh anh của cô chủ quán xinh đẹp. Cô ta mỉm cười bí hiểm trong lúc Lê tráng sĩ tức giận đạp vào ngực của tên đầu sỏ làm máu ứ đọng từ miệng hắn vọt ra đen sì! Trần lão nói lớn:

– Đã giết người sao không chạy đi, còn chờ quan sai đến bắt à?

Hất cái xác qua bên, Lê tráng sĩ, nghiến răng:

– Sợ gì đám quỷ ma đó chứ? Tiểu bối đợi chúng đến để giết luôn một thể, trừ họa cho dân!

Trần lão lắc đầu nói thầm: “Muộn rồi!” khi nghe tiếng gót giày rầm rập kéo đến với đám lính súng lê thườn thượt, mặt sát khí đằng đằng; dẫn đầu là tên mặc quần đùi, cởi trần trùi trụi để lồ lộ những cơ bắp cuồn cuộn và những hình xăm quái dị đầy mình.
Vừa chạm mặt hắn, Lê tráng sĩ đã điểm mặt:

– Mầy là Thạch Riêng?

– Đã biết ông nội sao không quỳ xuống chịu chết đi, thằng oắt con?

– Tao nghe tiếng mầy gian ác điếc cả hai tai. (mai mỉa) Mầy cũng là người trong chốn võ lâm, nay mầy lại đem lũ lâu la súng ống đầy người theo để đối phó với thằng oắt con nầy à? Vinh hạnh!

Thạch Riêng “hừ” một tiếng:

– Có khẩu khí lắm! Nhưng ta không thích giết kẻ vô danh.

– Đại đệ tử của Phục Long phái. Lê Phục Quốc là ta!

– Tốt! « Vạn Lý Quyền » của Phục Long danh chấn Nam Kỳ ! Ta dù lòng đen như lọ, nhưng nghĩa khí giang hồ vẫn lấp lánh như sao! (quay qua đám lính) Chúng mầy không được động thủ!

– Ngươi biết nói lời đó thì chưa đến nỗi nào ! Nếu ngươi biết quay đầu là bờ, thì mọi oán cừu ta bỏ lại sau lưng.

– Chớ nói nhiều ! Ai thờ chủ nấy!

Nói rồi phóng tới một đấm thôi sơn… 
Trong nầy Trần lão theo dõi hai người giao đấu mà quên cả nhấp chén rượu nãy giờ cầm trên tay, đến khi nó rơi « cảng » lão mới giật mình, nhưng rồi tự nhiên lão lại gục mạnh , đánh đầu « cốp » xuống bàn! Cô chủ quán vội chay ra quầy lay mạnh:

– Trần lão! Ông làm sao vậy?

Nhưng Trần lão ngáy khò ! Chủ quán mỉm cười:

– Vậy ông ngủ ngon nhé!

Bên ngoài lại có tiếng người chạy rầm rập, chủ quan vội ra xem thì thấy chánh tổng Minh Trị dẫn theo một toán lính cũng vừa đến nơi. Thấy Thạch Riêng đang đánh nhau với một người mà đám lính vẫn điềm nhiên tọa thị. Lão quát:

– Lũ bây đứng như trời trồng thế à? Sao không bắt lấy nó?

Chủ quán cười toe toét nói với chánh tổng Minh Trị:

– Con chim sẽ đó đã ở trong lồng; bắt giờ nào chẳng được? (chỉ tay về Trần lão) đây là con đại bàng mà ông muốn tìm đó!

Chánh tổng Minh Trị nhìn Trần lão đang ngủ say trên bàn, quan sát vài giây rồi nói với chủ quán:

– Bùi tiểu thư (tức chủ quán) biết đùa quá! Lão già quê mùa nầy mà là người tôi muốn tìm ư?

– Đúng thế! Vì hắn chính là Mai Hoa Khách!

4. Nghĩa khí giang hồ

Chánh tổng Minh Trị vừa bối rối vừa run sợ, muốn nói điều gì đó với Bùi tiểu thư mà lắp bắp chẳng ra lời vì hắn biết mình đang đối diện với ai. Bùi tiểu thư thông cảm cho tánh nhút nhát nhưng tuyệt đối trung thành của người thuộc hạ của phụ thân mình ngày xưa nên trấn an:

– Ông không cần phải kinh hãi như vậy! Hắn đã bị « mê tâm lộ » của ta rồi thì dù ông có quăng hắn ra đường hắn vẫn ngủ tới sáng mai!

Chánh tổng Minh Trị an tâm phần nào, nhưng vẫn luýnh quýnh chưa biết xử trí ra sao. Đến khi nghe tiếng « Á » của Thạch Riêng, ông bèn nhìn ra thì thấy hắn ta ôm ngực lảo đảo:

– Hảo công phu! « Vạn Lý Quyền » của Phục Long danh bất hư truyền ! Cám ơn ngươi đã nương tay!

Chánh tổng Minh Trị chỉ Lý tráng sĩ; hét:

– Giết nó cho ta!

Thạch Riêng phun ra một bụm máu, khoác tay nói lớn:

– Không được bắn! Lê hảo hán hãy thoát nhanh lên!

Đạn lên nòng « rốp rốp »! Nhưng loáng loáng mấy cái, bọn lính nâng súng đều ngã gục, máu tươi trào từ cổ họng! Lê Phục Quốc thừa cơ lao tới, dùng ba ngón tay như ba móc sắt móc vào hàm hạ chánh tổng Minh Trị, khống chế:

– Muốn sống thì hãy ra lịnh tất cả buông súng xuống!

Trong khi đó Bùi tiểu thư nhìn Trần lão, và ngạc nhiên vì thấy lão (Mai hoa Khách), vẫn với thần khí bình hòa, không thấy dấu hiệu của người bị trúng độc:

– Ngươi.. ngươi…?

– Hừ!.. Thứ « mê tâm lộ » vô dụng ấy mà hại ta được sao? Thì ra ta đoán không sai: Mi chính là người của Phú Lang Sa!

Bèn xô ghế phóng mình tới trước mặt Bùi tiểu thư. Bùi tiểu thư:

– Dù biết rằng không là đối thủ của ngươi, nhưng thù cha, ta với ngươi quyết chẳng đội chung trời!

Nói rồi đấm thẳng một quyền vào mặt Mai Hoa Khách, Mai Hoa Khách dễ dàng né khỏi:

– Khoan đã! Ngươi vừa nói « thù cha » là sao?

– Hứ Ngươi giết người vô số nên không nhớ đó thôi! Ta là Bùi Trâm Anh, người sống sót duy nhứt trong cuộc thảm sát toàn gia Bùi tri phủ đây!

– Tri phủ Bùi Hồng? Hắn ta vay nhiều nợ máu, hà hiếp lê dân. Oan khiên thấu chín từng trời. Hắn chết cũng là niềm vui của trăm họ thôi!

Bùi Trâm Anh hét lớn:

– Câm miệng!

Nói rồi cước lên quyền xuống liên hồi. Mai Hoa Khách không chút nao núng bởi liệu trước đối thủ tầm vóc cỡ nào. Qua mười hiệp mà Bùi Trâm Anh càng đánh càng hăng, xuất chiêu càng linh hoạt. Mai Hoa Khách nhủ thầm: “Đáng là bậc nữ lưu hào kiệt! Tiếc thay không cùng chí hướng!”. Bỗng Bùi Trâm Anh khòm người xuống, xoay nhanh mấy vòng, toàn thân như phát ra làn gió mạnh, lá bên hiên nhà lả tả rụng rơi ; hét : “Toàn phong cước !” . Thế là hai chân của Bùi Trâm Anh liên tục xoay như chong chóng làm hoa mắt đối phương để cuối cùng chân phải phóng một cước vào huyệt yết hầu của Mai Hoa Khách. Mai Hoa Khách cả kinh vì biết nếu xoay đầu tránh độc cước nầy thì huyệt thái dương của lão sẽ trúng nhằm cước trái của Bùi Trâm Anh mà vỡ sọ như chơi ! Mai Hoa Khách thét: “Thiết Kim Cang !”. Trong nháy mắt, tay trái tay phải như hai thanh thép của Mai Hoa Khách phạt mạnh vào chân phải, chân trái của đối phương. Tức thì Bùi Trâm Anh ngả “phịch” xuống sau tiếng kêu đau đớn! 
Bùi Trâm Anh cố gượng dậy ôm đôi chân như muốn gãy lìa, căm hận nhìn Mai Hoa Khách:

– Ta chết chẳng cam lòng nếu ngươi không cho ta biết: Tại sao ngươi biết ta là người của Đại Pháp

– Có gì là lạ? Khí chất của nữ lưu giang hồ không thể giống nhau với tiểu thư trâm anh đài cát hay thục nữ chốn khuê môn. Ta đã nghi ngờ mi điều nầy nên một lần khi mi bưng rượu cho khách ta đã lén búng hạt đậu vào huyệt túc tam lý của mi. Nếu mi thuần là “cô gái quê bán rượu” thì đã té nhào ; đàng nầy ngươi chỉ cần uốn mình như con sâu mà lấy lại thế cân bằng. Đó không phải là “nhuyễn công” mà chỉ có những nhân vật cấp cao trong cơ quan điệp báo của Phú Lang Sa mới có được hay sao?

– Ngươi quả là con cáo già! Ta cũng muốn biết gương măt thật của nhà ngươi để kiếp sau ta không quên món nợ nầy!

Mai Hoa Khách mỉm cười rồi đưa tay lột lớp mặt nạ dị dung ra; nhưng rồi chàng liền lảo đảo, máu trào ra ướt cả tay từ một lưỡi đoản đao ghim vào ngực. Bùi Trâm Anh cưới khoái trá:

– Thương thay cho ngươi một đời tung hoành nay lại bị mật kiếm của ta! Ha ha!

Mọi người nãy giờ theo dõi hai người không sót một hành vi nhỏ nhặt nào. Lê Phục Quốc tức giận vội đẩy chánh tổng Minh Trị sang một bên rồi phóng tới Bùi Trâm Anh; nghiến răng:

– Con tiện tì nầy …!

Vừa nói vừa đưa quả đấm lên; nhưng Hoa Mai Khách ngăn lại:

– Lê bằng hữu! Hãy tha cho cô ấy: Ta không muốn cùng một ngày phải mất hai hảo hán!

Lợi dụng thời cơ, chánh tổng Minh Trị ra lịnh cho thuộc hạ:

– Bắt lấy chúng nó!

Bỗng một người bịt mặt từ đâu sà tới cõng Mai Hoa Khách chạy như bay!

Chánh tổng Minh Trị hét:

– Bắn nó cho ta!

Bọn lính lập tức nâng súng ngang tầm nhắm vào người áo đen và Mai Hoa Khách; nhưng nhanh hơn, một người phóng tới dùng cước đá chúng lăn cù; rồi chỉ mặt bọn họ; nói:

– Ta không giết người vô tội, bọn ngươi cũng chớ làm càn!

Mọi người lại càng ngạc nhiên. Chánh tổng Minh Trị lắp bắp:

– Lý.. Lý… võ sư! Ông tạo phản?

****

Mai Hoa Khách nói với người bịt mặt:

– Đã đến khu vực an toàn rồi; Lý tiểu thư dừng lại nghỉ ngơi! Đa tạ Lý tiểu thư!

Người bịt mặt nhẹ nhàng đặt Mai Hoa Khách dựa vào gốc cây bên đường:

– Sao ông gọi tôi là Lý tiểu thư?

– Cái nốt ruồi phía sau cổ bảo tôi gọi vậy!


Dưới lớp khăn che mặt, nhưng Mai Hoa Khách vẫn cảm nhận được nét thẹn thùng của Lý Phi Yến qua câu nói:

– Ông quá quắt lắm!

Đoạn tháo khăn ra; những hạt mồ hôi lấm tấm trên trán Lý Phi Yến làm Mai Hoa Khách xót xa:

– Kẻ bất tài nầy đã làm nhọc sức tiểu thư rồi!

Lý Phi Yến không đáp, mà lẹ làng lấy lọ thuốc trong người, rồi chăm sóc vết thương cho Mai Hoa Khách:

– May quá, vết thương không sâu lắm và không có độc!

Đoạn chăm chú nhìn về phía sau:

– Phụ thân… em tới ! và … dường như có cả Lê tráng sĩ! Ôi! Oan khiên lại gặp nhau!

Vừa đến nơi, Lý võ sư vội bắt mạch cho Hoa Mai Khách:

– Kinh mạch điều hòa. Ta yên tâm rồi.

Lê Phục Quốc hằn học:

– Nhưng ta chưa an tâm khi kẻ giết sư phụ còn nhởn nhơ trước mặt!

Lý võ sư mơ hồ nhìn Lê Phục Quốc. Lê Phục Quốc :

– Ta là đại đệ tử của Phục Long phái. Mi đã đê hèn dùng “độc phong châm” ám hại sư phụ ta! Hôm nay nợ nầy không trả không xong!

Mọi người yên lăng. Lê Phục Quốc căm hận nhìn Lý Phi Yến; tiếp:

– Cả con hồ ly nầy nữa!

Mai Hoa Khách:

– Oan gia nên giải không nên kết. Hơn nữa nếu không nhờ Lý võ sư và tiểu thư đây thì hôm nay hai ta đã vong mạng rồi. Lê tráng sĩ nên vì Mai mỗ nầy mà suy nghĩ lại.

Lý võ sư buồn bã nói:

– Ta suốt đời luyên võ, nay chỉ vì một phút mê lầm mà quên đi khí phách giang hồ; cam tâm theo giặc mà hại không biết bao nhiêu anh hùng hảo hán vì nước vì dân. Tội ta chất bằng non, trăm sông khó bề rửa sạch; lại còn mang tiếng nhuốc nhơ cho cả ái nữ của ta. Lê tráng sĩ! Xin nhận ta một lạy tạ tội nầy với Phục Long phái!

Lê Phục Quốc ngẩn người vì sự đường đột nầy; Lý võ sư ngậm ngùi nhìn Mai Hoa Khách và Lý Phi Yến:

– Lão hủ có một đứa con gái duy nhất, cũng vì theo ta mà bị nhuốc nhơ lây. Nay ta không thể bảo bọc nó suốt cuộc đời còn lại, đành gởi gấm cho đại hiệp. Người có thể hứa với ta một lời chăng? 
Mai hoa khách nhìn Lý Phi Yến rồi gật nhẹ:

– Nhưng ngài định đi đâu?

Lý võ sư không trả lời mà tha thiết nhìn Lê Phục Quốc:

– Người ta bảo “ nghĩa tử là nghĩa tận”. Mọi oan khiên với dòng họ Lý xin Lê tráng sĩ từ nay đừng để trong lòng (xoay qua Mai Hoa Khách và Lý Phi Yến). Một lời của đại hiệp đã hứa, lão hủ đã yên tâm rồi. Con gái cưng! Hãy tha thứ cho người cha vô dụng nầy!

Nói xong, đưa chưởng lên đập mạnh vào huyệt bá hội. Đầu vỡ ra, máu tuôn đầy mặt.

Đây là câu chuyện dựa vào vài chi tiết có thật. Tên nhân vật hoàn toàn hư cấu.

  Trở lại chuyên mục của : Kha Tiệm Ly