KHA TIỆM LY



Mái Tóc Ngày Xưa

Ngày nay, phụ nữ đã được giải phóng khỏi bốn bức tường phong kiến nên sự hiện diện của nữ giới ngoài xã hội ngày càng nhiều. Ra đường, người phụ nữ luôn tiếp xúc, chinh phục tình cảm của mọi người thì việc chỉnh tế, lịch sự được quan tâm hàng đầu, trong đó TÓC có thể nói đã đóng góp đáng kể vào vai trò nầy. " Cái răng cái tóc là gốc con người " (“gốc”: cội rễ, căn bản, có lẽ đúng hơn “góc”)- Quả vậy, với mái tóc phù hợp, được chăm sóc kỹ càng, vẻ đẹp của người phụ nữ được tăng lên gấp bội. Chính vì thế mà các tiệm uốn tóc, viện tóc, thời trang tóc, viện thiết kế mẫu tóc... mọc lên khắp nơi. Tại các cửa hàng mỹ phẩm, các sản phẩm làm đẹp mái tóc luôn chiếm ưu thế !
Chưa bao giờ các kiểu tóc lại phong phú, đa dạng, cầu kỳ, phức tạp như hiện nay: Có những kiểu rất đẹp như cả một tác phẩm nghệ thuật, lại có những kiểu xù xì tổ quạ hay kiều cá tính nổi loạn ...
Ngay cả sợi tóc cũng luôn bị biến dạng theo thời trang. Ban đầu là “uốn quăn như lông chó xù”, rồi lại duỗi thẳng. Sợi tóc bị “tra tấn” liên miên từ duỗi rồi uốn, uốn rồi duỗi; từ đen đến nhuộm với nhiều màu sắc khác nhau tùy theo màu tóc của thần tượng mỗi người: Hạt dẻ, bạch kim, hay long lanh “bảy sắc cầu vồng”!
Nam giới cũng không chịu thua với những kiểu tóc mát mẻ như Âu Dương Chấn Hoa, hay để phủ vai “cho giống nghệ sĩ”, mà nếu nhìn từ sau thì khó phân biệt được giới tính. Có những kiểu lạ đời, chắc cũng bắt chước từ các sao chiếu bóng hay sao bóng đá, mà người ngoài cuộc chỉ biết nhìn hình dáng mà đặt đại cho cái tên, như đánh rối, bờm ngựa…; có kiểu cũng không biết phải gọi ra sao vì nó chẳng giống con giáp nào, như xung quanh hớt trọc, chỉ chừa một dải từ trán đến trợt đỉnh đầu một chút, giống như của mấy chàng mọi da đỏ năm xưa; hay hớt trọc hết, chỉ chừa lại một mảng sau ót lòng thòng! Dị hợm hơn là hai bên tai và phía sau được “đẩy” thẳng lên, rồi phần nầy lại được tông đơ chấn sát để tạo thành chữ hay những hoa văn tùy theo yêu cầu của… “đầu chủ”!
Thấy những kiểu tóc liên tục thay đổi của ngày nay, nhiều người cứ tưởng là người xưa không biết chăm sóc cũng như làm đẹp cho mái tóc của mình ! Thật ra thời nào cũng có thời trang của thời nấy. Các bạn chớ nên quên rằng câu thành ngữ "cái răng cái tóc......" đã có nguồn gốc từ thời… cố hĩ! Hãy xem lúc đó, các ông bà chúng ta chăm sóc mái tóc thế nào ?
Bài nầy chỉ nói về mái tóc của người nông thôn Nam bộ thuở xưa
Trước tiên, xin nói phớt qua về mái tóc của nam giới.
Ở nam giới, dường như có một mô - đen chung tùy theo lứa tuổi. Còn nhỏ thì “ba vá miểng dừa” (đúng ra là “ba và miếng vừa”) để cho khỏi bị “ông bà quở”, hay “hớt trọc cho mát”. Lớn hơn chút nữa thì “hớt cua cho gọn”. Khi đến tuổi trưởng thành thì “đờ mi cua”, “hớt cao”, “hớt thấp”. Đôi khi cũng thấy vài người chơi “đờ mi Phật” (cạo trọc), nhưng chẳng phải họ muốn chơi trội mà chỉ vì một lời hứa nào đó với đấng thiêng liêng mà thôi!
Dù hớt cao hay hớt thấp, tóc cũng chỉ thường được chải “năm năm” , tức đường ngôi nằm giữa chia đều tóc hai bên, hoặc “bảy ba”, tức đường ngôi chia tóc bên bảy, bên ba. “Sang” hơn một chút là chải “tăng gô”. Cách chải cũng đơn giản thôi: Phía “bên bảy”, chải thẳng từ trước ra sau, rồi dùng lược chấn ngang từ đường ngôi qua mép tai sao cho phía trước phùng lên một “cục” càng lớn càng tốt, vì vậy còn được gọi là “tăng gô phùng”.
Chải “lưỡi mèo” đơn giản hơn: Không dùng lược chắn ngang cho phùng lên mà lại lấy tay vừa đè xuống, vừa đẩy tóc ra phía trước cho giống… lưỡi mèo!
Khi lên chức “ông” thì chải quật lên từ trước ra sau – không đường ngôi – “cho có vẻ ông già”. Quý cụ già hơn, “bới củ tỏi” cũng không hiếm.
Muốn tóc giữ được nguyên nếp suốt ngày, các anh xoa “bờ ri lăn tin” (brillantine) vào tóc trước khi chải. “Bờ ri lăn tin” có hai loại xanh và đỏ được đựng trong một hộp hình trụ với đáy hình chữ nhựt nên có thể bỏ gọn vào túi áo; “Bờ ri lăn tin” loại màu xanh hiệu ba số năm (555), còn màu đỏ được in hình một thành phố nào đó. Cả hai là loại mỹ phẩm phổ thông chiếm lĩnh thị trường lúc bấy giờ (khoảng năm 1954-1960).
Dùng “bờ ri lăn tin” chẳng những tóc sẽ giữ được nguyên nếp ban đầu mà còn làm cho tóc bóng mượt đến nỗi “con ruồi đậu cũng té”. Ruồi sợ té nên không dám bám vào (?), nhưng bụi cát miền quê thi tha hồ, làm cho mái tóc thành màu xám xịt!
Câu: “Cái răng cái tóc là gốc con người” có lẽ dành cho phái yếu nhiều hơn, khẳng định một lời khuyên về việc giữ gìn răng, tóc. Thực vậy, một phụ nữ dù có gương mặt đẹp đẽ và thân hình cân đối cỡ nào mà trên đầu chỉ có vài "cọng" tóc le hoe, cộng thêm “hàng tiền vệ” trống trơn, hay lổm chổm đưa ra như cái bàn nạo, thì đúng là “ma chê quỷ hờn” thực sự.
Ngày xưa chưa có dầu gội với nhiều mùi hương phong phú như ngày nay. Muốn tóc được sạch sẽ, quý chị thường lượt tro để gội đầu: Bỏ tro bếp vào môt cái gào múc nước được thắt (không dùng “đan”) bằng lá dừa nước không già mà cũng không non lắm (còn màu vàng) đã đến thời kì phế thải; Bên trên đổ nước, phía dưới được hứng bằng cái vịm sành – kiểu như lượt cà phê bằng phin vậy; hoặc dùng mấy trái bồ kết nấu sôi vài dạo. Gội đầu bằng nước tro hay nước bồ kết thì không có bọt bằng xà bông, nhưng về độ sạch thì chưa chắc ai đã hơn ai. Gội xong, các chị xả lại bằng nước bông bưởi. Mái tóc bây giờ có hương thơm dìu dịu, "hương gây mùi nhớ” cho những anh trai đa tình trộm nhớ thầm thương!
Lâu lâu “xài sang” một bữa, các chị gội bằng xà bông Cô Ba của nhà sản xuất Trương Văn Bền thì coi như chẳng có gì bằng!
Nếu bây giờ tóc phải nhuộm màu mới gọi là đẹp, là sang, là hợp thời trang; thì xưa kia phải đen mướt, phải óng ả mượt mà mới đạt tiêu chuẩn… quốc gia! Muốn vậy, các chị phải vuốt tóc bằng dầu dừa mới thắng. Mùi đặc trưng của dầu dừa mới cũng là hương liệu độc đáo, đâm ghiền cho người chung chiếu chung chăn, và đảm bảo không “đụng hàng” với bất kì loại mỹ phẩm nào, kể cả ngày nay!
Mô đen tóc cũng không đa dạng như giờ, và cũng như phái nam, phái nữ dường như cũng có tính thống nhất cho từng lứa tuổi: Khi còn nhỏ thì cắt bum bê với hai cái kẹp xỉa hai bên tai, đến khi trổ mã thì tóc đã được nuôi dài đến thắt lưng và được kẹp với cái kẹp ba lá bằng i - nốc từng chiếm lĩnh thị trường toàn quốc thời bấy giờ. Nếu kẹp cao trên ót, tóc sẽ nhỏng lên như cái đuôi ngựa, gọi là “tóc đuôi ngựa”; Nếu kẹp trên lưng thì làm sao cho phần tóc phía trên kẹp phình ra, gọi là “kẹp lơi”. Chỉ có các cô đào hát hay “con nhà giàu” mới “kẹp lơi”; con nhà nông không dám kẹp kiểu nầy, nếu không muốn bị mắng là … “nhỏng nhảnh”! Tóc thề, tức tóc không kẹp mà xõa ngang lưng là đặc quyền của dân thành thị.
Khi có chồng, dù tuổi mới mười sáu, mười bảy, các chị cũng không kẹp tóc nữa vì đã “qua thời con gái”, mà phải “bới lên cho đàng hoàng”. Đầu tóc (miền Nam không dùng “búi tóc”) càng to càng được khen đẹp. Khi qua… bảy tám lần sinh nở, tóc bị rụng nhiều, các chị phải dùng đầu tóc mượn cho đầu tóc đừng nhỏ quá, khó coi.
Đầu tóc mượn chỉ hỗ trợ cho đầu tóc được lớn hơn nhưng nó không thể làm cho đầu tóc chắc chắn hơn, ngược lại nó dễ sút xổ hơn, nhất là lúc có chuyện phải đi nhanh hoặc khi… đánh ghen! Cụm từ “sút đầu tóc mượn” là chỉ hậu quả của việc làm hấp tấp thái quá.
Cũng nên nói thêm, muốn đầu tóc khó bị bung và cho coi “sang” hơn, quý bà thường bao đầu tóc bằng một bao lưới tóc. Và nếu không dùng đầu tóc mượn để cho đầu tóc được lớn hơn, thì người ta dùng “bánh tiêu” được bán sẵn để úp lên đầu tóc nào chưa đạt tiêu chuẩn thẫm mỹ, kiểu như xài tóc giả bây giờ vậy! Tuy nhiên, bao lưới tóc và “bánh tiêu”cũng chỉ được mấy bà hương cả, hương quản, hoặc mấy bà điền chủ xài mà thôi. Với con nhà nông rặt nòi chẳng ai dám rớ tới, bởi ngại tiếng đời “nghèo mà bày đặt làm sang”! Ôi! Làm đẹp cũng phải chọn giai cấp! Bất công thay!
Với các cụ bà, tóc đã bạc trắng và chỉ còn lưa thưa nhưng cũng phải bới lên dù đầu tóc bây giờ chỉ bằng củ tỏi! Các cụ cũng không dùng đầu tóc mượn, thứ nhứt là không có đầu tóc mượn nào tiệp với màu tóc của quý cụ bà; thứ hai, cũng để tránh tiếng mỉa mai “già rồi mà còn “sửa sạn” (sửa soạn/ làm dáng)! Mới hay, ở nông thôn xưa kia, người ta không phải chỉ sống vì mình và rất ngại lời nói thị phi! Tuyệt đối quý cụ không ai dám cắt ngắn, bởi: “Thân thể phát phu thọ chi phụ mẫu…”, hơn nữa, cắt tóc ngắn “coi không giống bà già”!
Từ khi có chồng, trên đầu tóc của các chị luôn giắt cây móc tai. Hỏi, được trả lời là cho đầu tóc không bị xổ, và để… xỉa răng! Khi lớn lên, mới biết đó còn là vật cứu nguy cho ông chồng bị chứng “lên ngựa” khi đang chăn gối! Không ít bà “xài kĩ”, cây móc tai được mẹ tặng từ thời con gái mà vẫn tồn tại cho đến lúc bạc đầu; lúc đó nó chỉ còn có nhiệm vụ duy nhất là ghim vào “củ tỏi” để không bị xổ, chứ răng còn đâu để xỉa, và “có gì đâu” mà để cứu nguy! Sau bảy mươi năm, cây móc tai bây giờ “lên nước” bóng lộn, nhưng ngắn hơn thuở đầu đến… ba phân bởi độ hao mòn vì mỗi ngày phải ghim vào, rút ra hàng chục lần! Và tất nhiên quý cụ quý hơn ngà ngọc!
Ngày nay nhiều loại dầu gội cao cấp chen kín thị trường đã làm cho việc chăm sóc, dưỡng nuôi tóc của phái nữ được tiện lợi hơn, thơm tho hơn. Nhưng với quý cụ ông, thỉnh thoảng vẫn nhớ lại mùi tóc dầu dừa của người vợ tào khang; nhớ mái tóc dài mượt mà với cây kẹp ba lá năm nào của người thương thời trai trẻ.

  Trở lại chuyên mục của : Kha Tiệm Ly