Ngọc Lựu Mỹ Nhân
(Truyện ngắn truyền kỳ)
1. Thư sinh họ Đoàn
Vào thời Lê Trung Hưng, kinh đô cực kỳ hỗn loạn. Trên thì Chúa Trịnh nắm hết mọi quyền hành, vua chỉ là bù nhìn không hơn không kém. Quan lại từ địa phương đến thành nội đều là một phường dung tục, chỉ rình rập cơ hội để tranh giành quyền lực, thu gom của cải dân chúng; quan tước thì mua bán như mớ cải mớ rau. Bên dưới càng tệ hại hơn: đám quân Tam Phủ cậy công phò chúa nên sinh thói lộng hành, coi thường luật vua phép nước. Đám kiêu binh nầy đã thực sự trở thành quốc nạn: Chúng uy hiếp cả vua cả chúa, giết hại đại thần, sách nhiễu dân chúng, tùy tiện cướp của, phá nhà; bá tánh phải chịu muôn vàn thống khổ, nước mắt chảy thành sông thành suối!
Năm 1785, thời Trịnh Tạc, có một thư sinh họ Đoàn lên kinh ứng thí. Khách điếm lớn nhỏ tại kinh đô chật kín, Đoàn bèn tìm đến một ngôi chùa ở vùng ven xin tá túc. Nhìn bộ dạng của Đoàn, vị sư phụ có vẻ không vui, bèn bảo chú tiểu cho Đoàn ở tại một căn nhà hoang vắng góc vườn sau chùa.
Đoàn có vẻ không hài lòng, nhưng trời đã tối, nghĩ thầm biết tìm đâu nữa, thà có còn hơn không. Lại thấy bụng cồn cào, bèn hỏi chú tiểu:
- Dám hỏi tiểu sư phụ, có thể cho xin một chén cơm chay được chăng?
Chú tiểu chỉ một lu nước, nói:
- Ở đây chỉ có nước là khỏi mua, còn tất cả đều phải có ngân lượng!
Nói xong quay lưng, Đoàn vội móc ra một quan, nói:
- Hay là tiểu sư phụ cho một bình dầu thắp. Tiền đây!
Chú tiểu quay lại, giằng lấy quan tiền rồi nói:
- Còn bình dầu ở góc phòng tha hồ mà thắp!
Chú tiểu đi rồi. Đoàn lắc đầu thở dài, ngồi phịch xuống chõng tre một lát, đoạn đi quan sát trong ngoài. Ngoài vườn không thấy có bàn tay chăm sóc, nhưng trong nhà thì dường như có dấu vết người từng cư ngụ. Lòng cũng tạm yên. Bèn quét dọn sơ sài rồi nằm nghỉ. Đang thiêm thiếp, bỗng Đoàn có cảm giác như ngón chân mình bị ai lay động, tiếp theo là giọng nói của trẻ con:
- Ê nhỏ! Dậy đi chơi nhỏ!
Đoàn hé mắt nhìn, chẳng thấy ai; nhưng mỗi lần nhắm mắt thì lại bị kéo chân và nghe nói những lời hỗn hào như trước. Tức giận, Đoàn vừa co chân phóng một cước, vừa quát:
- Lũ tiểu yêu nầy dám giỡn mặt tới ta sao?
Rồi ngồi bật dậy, nhìn quanh cũng chẳng thấy ai, nhưng nghe bên nhà sau văng vẳng:
- Thằng nầy quạu quá!
Lòng thấy lạ lùng lẫn chút lo sợ, song nghĩ, bình sinh mình chưa hề làm chuyện phi nhân bại đức nên cũng vững tâm. Bèn ngồi dậy thắp đèn, đọc sách chờ sáng. Nhưng chỉ được một lúc thì phía sau có một ngón tay chọc vào hông mình tiếp theo là giọng cười hi hí của trẻ. Quay lại cũng chẳng thấy ai, nhưng vừa dán mắt vào sách một lúc thì trò trêu chọc lại tiếp diễn! Đoàn cả giận nhưng chẳng làm gì được, bèn thách thức:
- Có giỏi thì hiện ra cho ta thấy mặt. Nếu không thì đừng trách!
Đoàn vốn theo đạo Phật nên thuộc nhiều kinh chú. Bèn ngồi bán già chấp tay niệm Đại Bi Thần Chú.. Mới niệm có mấy câu thì nghe tiếng trẻ khi nãy:
- Ê! Mầy chơi xấu!
Lại có giọng nói như là của một người đứng tuổi:
- Bảo Bảo! Không được vô lễ!
Từ đó màn trêu chọc không còn. Đoàn định đi ngủ lại, chợt nhìn ra ngoài vườn thấy một khối tròn cỡ nắm tay phát sáng theo gió đong đưa dưới ánh trăng thượng tuần mờ ảo; định thần nhìn chăm chăm nhưng cũng chẳng biết là thứ gì, bèn từ từ hướng về phía ấy mà đi tới: thì ra đó là trái lựu! Lòng thấy kỳ lạ vô cùng; do dự một chút rồi vói hái bỏ vào tay áo.
Về phòng, vội lấy ra coi thì lại ngạc nhiên khi thấy trái lựu không còn phát sáng nữa; nghĩ mình hoa mắt, lại bụng thấy đói; bèn tách ra. Vừa bấm tay vào, thì từ trong tỏa ra mùi hương quyện kín căn phòng; tách đôi, cả phòng sáng lòa từ một viên dạ quang minh châu to bằng hạt đào nằm trong ấy. Đủ mọi trạng thái lẫn lộn trong lòng, Đoàn nghĩ: “Nơi đây hoang vắng, mà thái độ nhà chùa xem ra chẳng phải là bậc chân tu; không khéo sẽ bị họa sát thân”. Nghĩ rồi bèn xếp khăn thành nhiều lớp bọc bảo ngọc lại.
Đêm ấy cứ trằn trọc, mãi đến canh hai thì quá mệt mỏi, Đoàn ngủ mê man lúc nào không hay. Chợt thức, kinh hoàng khi thấy một giai nhân cực kỷ diễm lệ nằm bên tự lúc nào! Vội tung mền vùng đậy thì một bàn tay nắm kéo xuống, tiếp theo là giọng nói trong như suối reo:
- Đã dám mang con gái nhà người lên giường mà lại kinh hãi thế à?
- Nàng … nàng… là ai? Sao lại nói với ta những lời hồ đồ như vậy?
Đoàn chưa hết hoang mang; kiều nữ cười, chỉ tay dưới gối Đoàn:
- Vậy chớ ai hái trộm lựu, và ai giấu bảo ngọc dưới gối?
Đoàn cả thẹn, nhưng cũng lấy tay mò dưới gối; bảo ngọc không còn nữa! Đoàn:
- Thề có trời. Ta không phải là kẻ tham lam, chỉ nghĩ đó là vật vô chủ. Nếu là của nàng thì ta đắc tội rồi!
Kiều nữ cười, liền níu chàng xuống, rồi lấy ngón tay chỉ vào ngực mình:
- Kia chẳng qua là một hòn đá. Đây mới chính là bảo ngọc. Có bảo ngọc mà không biết chiêm ngưỡng à ?
Nói rồi tự tay cởi lấy yếm đào. Mùi hương ngạt ngào cả mũi. Đoàn lim dim đôi mắt mà nghe trái tim như muốn vọt ra ngoài.
2. Ngọc Lựu tiểu thư
Nghe tiếng gà gáy rộ, Kiều nữ thoắt ngồi dậy, lẹ làng chỉnh đốn xiêm y, nói :
- Thiếp phải đi đây. Hẹn gặp lại !
Rồi vụt một cái, biến mất trong màn sương.
Từ đó đến suốt ngày hôm ấy, Đoàn cứ bâng khuâng nhớ đến kiều nữ, nhớ đến giây phút tương phùng đầy sức dịệu kỳ mà chàng chưa từng hưởng thụ bao giờ ! Tối đến, vừa thắp đén lên thì đột nhiên căn phòng sực nức hương thơm, Đoàn nhìn ra cửa, mặt không kìm nỗi vui mừng. Kiều nữ đến ! Nàng bày biện đủ thứ rượu thịt trên bàn :
- Hôm nay thiếp uống với chàng một bữa đây !
Cạn vài chén, kiều nữ nói :
- Thiếp đã đoán được tâm ý của chàng, Dù chàng không hỏi, thiếp cũng phải nói ra thôi. Nhưng thiếp dặn trước ; khi nghe xong chàng chớ vọng động làm gì.
Rồi bèn thuật lại đời mình cho Đoàn. Nghe qua, Đoàn giận tím mặt, dằn mạnh chén rượu xuống bàn :
- Đời nầy lại có loại người mượn áo Phật để làm chuyện phi nhân thất đức thế à ?
- Trên đời nầy chẳng có một điều gì mà con người chẳng dám làm. Chớ nhìn thấy chiếc áo bên ngoài mà vội đoán gan ruột bên trong mà dễ sai lầm ! Có trách thì hãy trách mình chẳng nhìn thấu mọi việc đó thôi. Ví như chàng đây : Chàng đã biết là triều đình hiện giờ cực kỳ hỗn loạn. Quan trên thì tranh nhau vơ vét tận cùng xương tủy của dân ; quan dưới thì sách nhiễu hà khắc của chúng. Chức lớn chức nhỏ cũng phải mua bằng ngân lượng hay nhờ cậy thế quyền con chúa cháu vua. Thi cử chẳng qua là trò bịp bợm. Thế mà chàng lại quảy gánh lên kinh, chẳng phải là u mê sao ?
Đoàn lặng thinh một lát mới hỏi:
- Ta mười năm đèn sách, chả lẽ phải về nhà cày ruộng hay sao ?
- Hừ! Kẻ có đại quyền mà còn chút sỉ diện họ còn cáo lão về quê. Hào kiệt hiền tài còn ra sông thả câu giăng lưới hay lên rừng đốt củi làm than ; họ cố tránh xa cái cây vốn bị mọt sâu đục khoét lâu ngày chắc chắn sẽ bị đổ rầm sau một cơn gió lốc; thì hạng bạch diện thư sinh như chàng có chi đáng nói?
- Ta phải làm sao đây ?
Thấy bộ dạng thiểu não của Đoàn, kiều nữ xúc động bèn nắm nhẹ tay chàng,ôn tồn :
- Chàng làm gì mà sầu thảm đến vậy ? Cái cây mối ăn rỗng ruột nầy sớm chiều cũng phải ngả đổ, tránh xa chừng nào tốt chừng ấy mà thôi ! Nguyễn Huệ nhà Tây Sơn ở phương Nam đã đánh tan quân Xiêm xâm lược, được người người sùng bái, coi như là anh hùng dân tộc ; sớm chiều thì cũng kéo đại binh ra Bắc mà thôi. Khi đó, với đám triều thần nhu nhược nầy, liệu có mấy hơi mà cản nổi hùng binh, chiến mã?
- Chưa đến ngày thi cử, lẽ nào ta lại cuốn gói về quê ?
- Không cần, chàng cứ ở lại chốn nầy.
- Nhưng trụ trì chùa nầy vốn là sư hổ mang…
Kiều nữ mỉm cười :
- Thế mà ngày ngày hắn ta sẽ mang rượu thịt dâng chàng mới là chuyện lạ !
Nói rồi lấy trong tay áo một mảnh áo cà sa nhỏ đưa cho Đoàn rồi kề tai dặn dò điều gì đó. Đoàn gật đầu, cười cười :
- Nàng quả là Gia Cát tái sinh !
Đêm đó ân ái càng nồng. Sau cơn mưa gió, Đoàn hỏi :
- Nàng đã cho ta biết gia thế, nhưng chưa cho biết phương danh !
Kiều nữ cười ngất, dùng ngón tay chọt vào hông Đoàn :
- Cái tên thư sinh khờ khạo nầy, đến lúc rã rời mới chịu mở miệng hỏi đấy à? Thiếp là tinh hoa của giống lựu bạch ; chàng cứ gọi thiếp là Ngọc Lựu được rồi.
Đoàn ngậm ngùi :
- Ta và nàng là kỳ duyên cả đời mới gặp. Dù chưa danh phận vợ chồng nhưng nhất nhật đồng sàng cũng bá vạn nghĩa ân. Ta không đành lòng để nắm xương nàng nằm cô quạnh nơi vườn hoang lạnh lẽo như vậy.
- Hồn phách mới là tinh anh, còn nắm xương kia chẳng qua cát bụi mà thôi.
- Nhưng ta lại chẳng đành lòng. Nàng hãy cho ta lo liệu.
Ngọc Lựu xúc động không nói ra lời. Đoàn sờ hông mình, rồi bỗng nhớ tới « thằng tiểu yêu » quậy phá chàng mấy ngày trước, bèn hỏi Ngọc Lựu ; nàng đáp :
- Đó là Bảo Bảo và người nhủ mẫu của Huỳnh gia trang. Cả nhà họ Huỳnh đều bị chết thảm bởi loạn kiêu binh. Hồn oan khiên vất vưởng chẳng nơi nương tựa nên tìm đến nơi hoang vắng nầy. Lúc nào họ cũng ở bên chàng chẳng qua chàng không biết đó thôi. Họ lòng dạ hiền lành. Chàng cứ an tâm.
Đoàn thở dài :
- Ôi ! Sống dưới bầy chúa vua ngu muội thì lê dân biết dựa vào đâu ! Lời nàng nói như thắp lên ngọn đuốc dẫn cho ta ra khỏi vùng tăm tối u mê.
3. Trọn nghĩa trọn tình
Từ đó đêm nào Ngọc Lựu cũng đến. Một hôm phía sau nàng còn có một thiếu phụ trung niên vẻ mặt phúc hậu và một đứa trẻ khoảng chín, mười, dáng dấp thông minh, hiếu động. Đoàn đoán được họ là ai, nhưng Ngọc Lựu tươi cười nói :
- Đây là Huỳnh nhũ mẫu, còn đây là Bảo Bảo. Thiếp mang họ đến làm bạn với chàng.
Nhũ mẫu gập người chào, còn Bảo Bảo thì rụt rè, cười cười không nói mà cứ rúc vào áo của nhũ mẫu, ngượng ngùng. Ngọc Lưu kéo Bảo Bảo đến trước mặt Đoàn, nói :
- Nam tử hán gì mà e lệ như con gái vậy ? Từ nay thầy Đoàn sẽ dạy cho em biết đọc biết viết với người ta. Con nhà gia thế mà chữ nhứt cũng không rành thì có lỗi với tổ tiên đó.
Thế là từ đó cứ mỗi tối, mọi người quây quần vui vẻ. Tiếng trẻ đọc sách hàng đêm làm căn phòng ấm cúng hẳn lên.
Việc nầy khiến cho chú tiểu lấy làm lạ ; một tối lén rình xem sự việc thế nào. Kinh hoàng khi nghe tiếng trẻ đọc sách, tiếng nhiều người nói chuyên mà lại chỉ thấy Đoàn duy nhứt ngồi ở án thư, vội về báo cho sư phụ.
Trên hậu liêu, sư phụ nhìn chàng dò xét rồi hỏi với giọng không mấy thân thiện:
- Nghe nói ban đêm công tử thường tụ tập nhiều người ?
- Đó là những lão bằng hữu đến viếng đó thôi.
- Chùa nầy hẻo lánh, tháng ngày vắng bóng đàn na nên dầu đèn có hạn, e rằng…
- Tiểu sinh không dám để nhà chùa thiệt thòi. Có điều tiểu sinh có một việc cần sư phụ giúp một tay.
Nhà sư lại nhìn Trần dò xét :
- Việc gì ?
- Nhờ sư phụ bốc hài cốt của người bạn cũ rồi thỉnh giùm một trăm tăng để làm lễ cầu siêu…
- Một trăm tăng ? (cười mỉa) Phải có ngân lượng rất lớn, công tử khéo biết nói đùa !
Đoàn lấy bảo ngọc trong lưng ra để trên bàn. Nhà sư chóa mắt, nghĩ thầm : « Đây là bảo vật liên thành, thì ra tên nầy giả dạng nghèo túng đó thôi »
- Có đủ không vậy ?
Nhà sư chợt tỉnh :
- Đủ ! đủ… (cất ngọc vào túi) Vậy công tử định khi nào khởi sự ?
Đoàn mỉm cười. định đưa mảnh cà sa và chỉ nơi chôn hài cốt là gốc lựu sau vườn theo lời dặn của Ngọc Lựu nhưng lại không đành lòng, bèn bỏ ý định:
- Ngày đó tiểu sinh sẽ báo sư phụ biết sau.
Từ đó nhà chùa đổi hẳn thái độ với Đoàn ; sáng chiều cơm canh đầy đủ, rượu thịt có thừa !
Đến giữa năm Bính Ngọ (1786), một đêm Ngọc Lựu bảo Đoàn :
- Người và Ma không thể bên nhau đến trọn đời. Thiếp có lệnh thác sinh lám ái nữ của quan Trần Án Sát.
Đoàn buồn buồn .
- Chàng chớ bi lụy làm gì, ta chỉ xa nhau tạm thời thôi. Nếu chàng còn nhớ thiếp thì Tết Đoan Ngọ năm tới hãy tìm thiếp tại chùa Duyên Giác. Thiếp mặc áo tím hài đen, tóc cài hoa lựu.
Rồi kề tai Đoàn dặn dò ; đoạn nói :
- Những lời nầy chàng không thể hớ hênh được đâu.
Đoàn gật đầu, rồi hỏi :
- Trần đại nhân một mực thanh liêm chánh trực. Ngài đã cáo lão về quê rồi phải không ?
- Chẳng sai ! Cây gỗ đã mục nát, bám vào đó chỉ mang họa sát thân thôi. Không bao lâu quân Tây Sơn sẽ tiến về Bắc thì bọn ngu thần hôn chúa chẳng chỗ dung thân. Chàng chờ xem !
*
Tiểu thư Thảo Hà, ái nữ của đại nhân Trần Án Sát đột nhiên nằm liệt cả tuần , khi tỉnh dậy thì như kẻ mất hồn, thần trí biến loạn, thoạt buồn, thoạt vui, thoạt mê thoạt tỉnh. Lương y khắp kinh thành đều bó tay. Một hôm có vị đại sư ghé thăm. Trần đại nhân u buồn kể rõ mọi sự, Đại sư chăm chăm nhìn tiểu thư rồi vừa bấm tay, vừa thưa với Trần đại nhân :
- Lành thay ! Bèo tan rổi lại họp. Đại tiểu thư sẽ lành bệnh trong nay mai thôi.
- Đại sư nói gì ta chưa hiểu được?
- Đại tiểu thư sẽ nhanh chóng hồi phục khi gặp lại mối lương duyên từ kiếp trước. Đó là một thư sinh từ phương xa đến.
Ngưng một lát, đại sư nhìn Trần đại nhân tiếp :
- Tiếc rằng khi ấy, đại tiểu thư không còn là tiểu thư ngày nay nữa rồi !
- Đại sư nói vậy là sao ?
- Là hình hài vẫn của đại tiểu thư, nhưng hồn phách là của môt người khác. Bù lại, đây là một nữ lưu tài hoa một mực, vạn kẻ khó bì. Không biết nên chúc mừng hay chia buồn cùng đại nhân đây ?
Trần đại nhân thở dài :
- Nếu là tiền duyên như đại sư nói thì ta hẹp lòng chi mà chẳng tác hợp Châu Trần.
4 Tái ngộ.
Nhớ lời Ngọc Lựu, đến ngày Đoan Ngọ năm sau Đoàn đến chùa Duyên Giác. Thiện nam tín nữ hàng ngàn nhưng không khó để kiếm một tiểu thư con đại quan bị « tâm bệnh » đi lễ chùa. Đoàn ngây người khi thấy một thiếu nữ cực kỳ xinh đẹp với « áo tím hài đen, tóc cài hoa lựu » . Nhớ lời dặn, Đoàn đến trước mặt nàng, rồi nói lớn :
- Ngọc Lựu ! Không nhớ lại chuyện cũ còn đợi đến bao giờ ?
Tiểu thư nhìn thẳng vào Trần vài giây rồi ôm chầm :
- Đoàn lang đây rồi ! Ôi, ta đã hồi sinh !
Trần đại nhân rất hài lòng với chàng rể khôi ngô, làu thông kinh sử của mình.
Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), Bắc Bình Vương đại phá quân Thanh. Non nước thái bình. Hoàng đế trọng dụng hiền tài của nhà Lê, trong đó có Trần Án Sát.
Cũng năm ấy, vợ chồng Đoàn đến thăm ngôi chùa cũ. Được biết sư trụ trì giờ là một vị chân tu. Chùa khang trang khác hẳn năm xưa. Căn nhà hoang mà chàng tá túc cũng được xây dựng lại bề thế hơn. Đến gốc lựu năm xưa thì nó héo rũ tự bao giờ!