KHA TIỆM LY
Sâm Nương
Truyện truyền kỳ
Sâm Nương
Truyện truyền kỳ
Thời Thanh Mạt có người họ Liêu, dòng dõi Liêu tiên phuông. Cha hi sinh ở trận tiền khi Hồng Tú Toàn chiếm khắp Giang Nam, lúc đó Liêu mới nằm nôi. Cảnh nhà sa sút lại thêm găp năm hạn hán hoành hành, rồi nạn cướp ngày cướp đêm nổi lên như chỗ không người, dân tình càng thêm điêu đứng. Bà mẹ phải bôn ba,chịu cực chịu khổ trăm bề mới kiếm được bữa cháo bữa rau nuôi Liêu khôn lớn.
Liêu hơi cao, hình thù vạm vỡ, da đen như cục than. Râu ria tua tủa không khác rễ tre. Lại ăn nói vụng về; phần “chữ nhứt cũng không rành”, nên đã ba mươi mà chưa có mắt xanh nào thèm dòm ngó! Có điều thờ mẹ chí hiếu, khí phách ngang tàng, lòng ngay như trúc. Năm Canh Thìn, Sơn Đông bị dịch. Liêu tức tốc băng núi vượt rừng, cõng mẹ về Kỳ Lư lánh nạn. Dựng chòi dưới núi Mịch Vân (thôn Mịch Vân), hàng ngày lấy củi đổi cơm nuôi mẹ.
Một buổi vác rìu vào rừng, hôm ấy dốc núi nhiều sương; Liêu vừa đi vừa hứng chí, vui vẻ hơn ngày thường, hát nghêu ngao.
- Công tử hôm nay cao hứng thế à?
Liêu quay lại, thì ra là một thiếu nữ mặc lụa vàng, nhan sắc vô cùng diễm lệ. Nàng nhoẻn miệng cười, môi đẹp như hoa. Liêu sững sờ, chưa hết ngạc nhiên thì nàng tiến tới, mỗi bước đi mang theo hương thơm ngào ngạt:
- Xin công tử tha lỗi cho sự đường đột nầy. Giờ sương sớm hãy còn đọng trên cành, chim non vẫn còn say ngủ. Dám mời công tử quá bước qua tệ xá, dùng chén rượu suông, phỏng có được chăng?
Liêu như mất hồn, không đáp mà bước theo nàng như kẻ thụy du. Đường rừng toàn lá sắc gai nhọn mà dáng nàng không mất vẻ thướt tha. Qua hai lối rẽ, đi thêm độ nửa khắc thì đến một cầu vồng bắc qua bờ suối nước trong veo. Liêu đứng lại nhìn đàn cá ngũ sắc nhởn nhơ tắm mát. Qua cầu là con đường cẩm thạch phẳng bóng như gương. Hai bên lề, nào thược dược, hướng dương, đình hồng, quân tử; nào mẫu đơn, anh thảo, ngọc cúc, hồng nhung; nào … tất cả cao cỡ tầm người.
Hai người đi đến đâu, chúng nghiêng mình nở rộ như thi lễ đón chào. Đủ loại hương thơm hòa vào không khí làm sảng khoái lòng người. Phía sau, cả một rừng kỳ hoa dị thảo, vạn sắc muôn màu. Liêu tần ngần một lát, thầm nghĩ, khu rừng nầy mình thuộc lối như ngõ ngách trong nhà, cớ sao vùng nầy…
Tiếng reo mừng làm Liêu giật mình:
- A! Chủ nhân đã về!
Hai a hoàn dung nhan thoát tục chạy ào đến dìu nàng lên thềm. Đó là một tòa nhà đồ sộ, tường vách sáng choang, dường như dát bạc nạm vàng, hào quang chóa mắt.. dưới nền là xa cừ, bảo thạch, mát lạnh gót chân. Ghế, bàn, đều cẩn ngọc, chạm ngà, sáng loáng không hoen hạt bụi. Liêu tự thẹn, cầm chặt chiếc rìu, cứ sợ nó không may rơi xuống!
Thiếu nữ mời Liêu ngồi. Truyền yến tiệc. Lũ a hoàn bày đủ hải vị sơn hào. Thiếu nữ tự tay rót mời. Chén lưu li trong vắt, rượu hổ phách long lanh, hương nồng dậy mũi. Liêu nhắm một ngụm nhỏ, thơm ngon kỳ lạ, thấm từng kẽ lợi chân răng; hớp một ngụm nữa, tinh thần nhẹ nhõm lâng lâng. Rượu chạy rần rần vào cơ thể, sảng khoái tột cùng.
Qua ly rượu, Liêu thấy thiếu nữ không những là một tuyệt thế giai nhân, mà còn cốt cách thanh tú, siêu phàm. Liêu càng kính trọng hơn, khi ở nàng còn toát ra thần sắc uy nghiêm thoát tục.
Rượu được vài tuần, thiếu nữ mới hỏi:
- Nghe nói tổ tiên của công tử từng làm quan to ở triều đình, cớ sao đến đời công tử lại lui về sơn dã? Với công tử, nếu chen chân vào nơi hoạn lộ, thiết nghĩ chẳng khó khăn gì; sao chẳng múa kiếm vung đao tìm chút đỉnh chung, chẳng hay hơn là làm bạn với cán rìu. Không thẹn lắm sao?
Liêu nhìn thẳng vào mắt thiếu nữ:
- Dòng dõi ta bao đời là vũ tướng, thì máu huyết nầy đâu phải là phường giá áo túi cơm? Mắt ta dù không nhìn xa ngoài ngàn dặm nhưng cũng thấy được nơi triều đình củi mục làm quan. Tai ta dù ngờ nghệch nhưng cũng nghe được tiếng sâu mọt ăn mòn thân gỗ quí. Ta không biết lấy khổ đau muôn dân làm nồng thêm độ rượu, không biết lấy máu xương trăm họ để điểm tô cung điện huy hoàng. Mà ta chỉ biết dùng mồ hôi cho gánh củi thêm oằn, cho bát cơm thêm nóng, cho tuổi mẹ thêm cao. Có gì là thẹn?
Thuở niên thiếu, ta đã muốn vác đá Thái Sơn để lấp cạn Hoàng Hà; muốn nhổ sạch cây rừng để bắc cầu Đông Hải; muốn xô ngã Tần Lĩnh, Tứ Xuyên hầu nới rộng bình nguyên. Nhưng khi lớn lên ta mới chợt hiểu rằng, môt chút phèn không thể làm trong được nước ao hồ bao đời tù hãm; chỉ giọt nước trong lành thì làm sao gột được nhiều mảng bẩn tanh hôi? Huống chi ta còn mẹ già, hằng ngày phải nghiền cơm mà đút, thổi nước mà dâng!
- Như vậy công tử nhất định không chịu làm quan?
- Làm quan? Đời nầy chuyện ấy dễ như thò tay vào túi; nhưng cũng khó như lên trời! Dễ, vì văn chỉ cần biết chữ ký tên; võ thì chỉ cần ba miếng méo quào! Còn khó, vì phải có kim ngân đầy tráp hay nhờ thế lực của phủ nha. Bởi vậy, chốn quan trường hôm nay dẫy đầy cây tạp, gỗ quý có được bao nhiêu! Trăm họ lầm than vì non sông triền miên chinh chiến và điêu đứng vì họa ác bá cường hào. Nỗi khổ đau như bầu trời biển cả, mà bậc hiền lương chỉ như miệng hổ, cánh chim: Dù chim bằng cũng không thể che được ánh mặt trời; dù miệng hổ cũng không thể uống vơi nước biển. Quan trường bây giờ là ao nước bẩn, lao vào đó khó rửa sạch tanh hôi!
Thiếu nữ mặt rạng niềm vui.
Tiễn cháng về. Đến cây cầu vồng, nàng đưa cho chàng túi gấm, dặn dò:
- Đây là “Thiên Niên Bửu Lộ”, có công năng định thần dưỡng khí, cải tử hoàn sinh. Công từ mang về sẽ có dịp dùng.
Rồi thoát một cái mất dạng. Liêu ngất ngây vì hương thơm còn rơi rớt lại. Nhìn quanh, chỉ thấy cây rừng trùng điệp. Lòng thấy lạ lùng.
Mấy ngày sau, sau khi Liêu quạt muỗi cho mẹ thì thiếu nữ đến. Hai người trò chuyện đến giờ tí. Ý hiệp tâm đầu. Thiếu nữ ngập ngừng:
- Thực ra thiếp biết chàng từ lâu lắm, nhưng nay mới dám bày tỏ điều nầy: Người ta gọi thiếp là Sâm Nương, tức cây nhâm sâm ngàn năm tu luyện thành người, đúng ra là thành tiên. Bởi mang chủng loại thực vậy, bám đất lâu ngày, thiếu ánh dương quang nên không đủ sức bay về thượng giới. Theo luật trời, thiếp phải cần sinh lực của một đồng nam tiếp sức mới mong được cận kề Vương Mẫu nương nương. Nhưng thiếp cũng tự nguyện với lòng, thà thân nầy tan thành cát bụi chớ không vầy duyên với kẻ thất phu. May mắn thay, thiếp được gặp chàng!
Liêu nghe, cười cười mà lòng sung sướng vô hồi. Lần đầu tiên thấy Liêu có duyên lạ, nói được một câu đày nét văn hoa:
- Thì ra trời sanh ra ta để làm đôi cánh cho nàng!
Rồi mỗi đêm Sâm Nương đều đến. Nàng dạy cho Liêu viết chữ và bốc thuốc. Nghiêm khắc như thầy với trò; lơ là một chút không xong, Có lần Liêu “buồn ngủ sớm”, Sâm Nuong giận dỗi mắng rằng:
- Kẻ trượng phu mà tối ngày chỉ nhớ chuyện trên giường thì còn làm được trò trống gì? Lần sau mà còn như thế, thiếp sẽ không về nữa!
Nhờ vậy mà dần dần Liêu làu thông kinh điển, nhuần nhuyễn y thư. Sách chất đầy nhà. Lại thêm thư pháp tuyệt vời như rồng như phụng. Đố ai biết được Liêu là con nhà võ?
Nhờ “Thiên Niên Bửu Lộ” mà Liêu cứu sống được nhiều người. Huyện thôn vang tiếng. Lâu lắm Liêu mới nhìn hình mình trong gương, kinh ngạc tột cùng: Da dẻ tươi hồng, mắt đen môi đỏ. Mắt môi mũi miệng cân đối lạ thường. Bèn hỏi, Sâm Nương cười, giải thích:
- Người ta quý sâm là ở chỗ đó. Dùng sâm mười năm tuổi, đẩy lùi bá bịnh; dùng sâm trăm năm tuổi, cải lão hoàn đồng; dùng sâm ngàn tuổi, cứu tử hồi sinh; ngoài ra còn cho sức khỏe kiện khang, độc tà bất nhập.
Rồi bẹo má Liêu, gằn từng tiếng:
- Huống – chi – là – chàng...!
Một lần vui miệng, Liêu hỏi:
- Ta nghe trong nghề y có toa thuốc, gọi là “Toa Thuốc Trở”. Toa nầy chỉ có người trong nghề mới biết. Số là, khi bệnh nhân sắp hết bệnh, thầy thuốc bèn cho bệnh nhân uống toa thuốc nầy cho tay chân họ bải hoải, để có cớ hốt thêm vài ba toa nữa hầu moi tiền bệnh nhân. Có đúng vậy không?
Sâm Nương lườm mắt không đáp. Liêu lại hỏi:
- Lại nghe nói thầy thuốc thường dùng “mật ngữ” để kê toa; mục đích là cho sau khi bệnh nhân uống hết thuốc, họ không thể đến bất cứ tiệm thuốc nào hốt được (vì đọc không được toa), mà phải đến họ. Do đó họ mặc tình “khứa cổ” bệnh nhân. Phải vậy không?
Bây giờ Sâm Nương mới trừng mắt:
- Hỏi làm gì cái mánh khóe của bọn vô lương như thế? Người xưa bảo: “Làm nghề thuốc có thể lưu đức cho nhiều đời con cháu; nhưng cũng nghề thuốc, lại có thể di họa đến mấy thế hệ tử tôn”. Chẳng qua là có y đức hay không mà thôi! Trong xã hội này, bất cứ ngành nghề nào cũng có trò xảo quyệt, gian manh, đâu chỉ riêng nghề thuốc? Tuy nhiên, kẻ làm thuốc mà chối bỏ lương tâm, đạp chà y đức thì tội lỗi gấp trăm lần. Moi tiền của người bệnh hoạn chẳng những là táng tận lương tâm, mà còn tự sỉ nhục mình.
Chàng phải biết rằng, gieo nhân nào hái quả ấy; dù có lên non cao, xuống vực sâu cũng đừng hòng trốn chạy. bởi vậy nẻo tam đồ luôn chật ních bọn người áo sạch lòng dơ, dù có trả muôn ngàn vạn kiếp, chắc gì hết tội?
Ba đêm liền Sâm Nương không đến, Liêu ray rứt không yên. Đang ngong ngóng thì nàng bước vào, vẻ mặt không vui:
- Cái lão đao sĩ thúi ấy lại giở trò nữa rồi!
Liêu hỏi nguyên do; bèn đáp:
- Giòng dõi thiếp, hễ tu mười năm thì biến được thành người. Lũ trẻ ham vui nên những đêm trăng sáng bèn lén họ hàng lên đất nhập bọn cùng trẻ em trong xóm vui chơi. Lão đạo sĩ thúi mới tặng cho mỗi em một khăn nhiễu đỏ, dụ chúng quàng lên cổ sâm nhi. Cuộc chơi tàn, ai về nhà nấy, bọn trẻ của chúng thiếp cũng về rồi biến vào đất, và để lại chiếc khăn đỏ chỗ chúng mới chui vào ; vô tình chỉ chỗ cho đạo sĩ thối moi lên, đem về luyện thuốc!
Liêu băn khoăn:
- Thế lão có làm tổn hại ta chăng?
Sâm Nương thở phào:
- Tài cán ấy làm gì qua được Sâm tiên nầy chứ!
Lại hỏi:
- Nghe nói khi tìm được sâm, người ta dùng chỉ đỏ buộc vào đồng tiền, rồi quấn quanh thân sâm, để sâm khỏi biến mất, phải không?
Bèn cười ngất:
- Chàng nghe được ở đâu những lời hão huyền như vây?
Một tối Liêu bế nàng lên giường, ngạc nhiên khi thấy nặng trịch, không “nhẹ như bông” như trước kia. Hỏi, Sâm Nương vả nhẹ vào má Liêu rồi chỉ vào bụng mình:
- Tại cái nghiệp chướng nầy đây!
Ít lâu sau nàng đến, nách hai bé trai bụ bẫm, đẹp như hoa sâm, da thịt thơm lừng, Nàng hớn hở bảo Liêu:
- Hãy xem cái nghiệp chướng nầy có đáng nối dõi Liêu gia không nào?
Liêu mừng rơn. Sâm Nương nựng con một hồi, rồi nhìn chồng ứa lệ; nghẹn ngào dặn dò:
- Duyên phần chúng ta đã hết. Để đền ơn tri ngộ, thiếp tặng chàng hai giọt máu nầy đây; sau nầy ắt làm rạng rỡ Liêu gia. Chàng hãy trau giồi nghề thuốc, cứu sinh trăm họ, tích đức về sau. Nếu có duyên, ngày sau sẽ gặp!
Rồi lau nhanh nước mắt. Nhìn chồng, hôn con, đoạn vội vàng quay gót. Liêu lặng người!
Hai trẻ càng lớn càng tuấn tú khôi ngô. Mười lăm tuổi đã làu thông thiên kinh vạn điển. Đường mây một bước dễ dàng, nhưng không chịu lai kinh ứng thí, mà hàng ngày cùng cha bốc thuốc cứu người.