KHA TIỆM LY
Thiên Hà Tiểu Thư
Truyện truyền kỳ
Thiên Hà Tiểu Thư
Truyện truyền kỳ
1. Mặc Sinh
Mặc sinh người đất Tiền, tỉnh Hồ Bắc, tánh tình phóng khoáng, khí khái hơn người. Thường hay giúp đỡ người nghèo khó; hễ thấy người cùng khổ hay gặp ai than vãn thì không ngại đem ngân lượng ra cho; vì thế bọn vô lại trong vùng thường lợi dụng bày ra đủ trò lừa dối để móc hồ bao; Mặc dư biết, nhưng cũng không lấy đó làm bận lòng. Mọi người cho là dại, nhưng Mặc chỉ cười mà bảo: "Họ dám cúi mình xin xỏ, ta lại không dám cho hay sao?"
Trong gia trang lại lập ra "Nghĩa Hiệp Đường" để cưu mang những người tài hoa lỡ vận. Tân khách có hàng trăm, kẻ đi người đến như mây (tân khách như vân). Trong bọn nầy cũng không ít kẻ biếng lười, vin vào đó để kiếm miếng ăn. Chính vì vậy mà ruộng vườn song thân để lại cũng lần hồi theo đó mà đi. Một tân khách bảo:
- Người xưa bảo "tọa thực sơn băng". Lòng hào hiệp của huynh thật cao quý, nhưng trong "Nghĩa Hiệp Đường" cũng không ít kẻ thất phu, lợi dụng lòng hảo tâm của huynh mà kiếm miếng cơm manh áo. Chúng tôi thọ ơn huynh, không thể không nói lời nầy.
Mặc cười, không đáp. Khách tiếp:
- Hay là trước khi cơ nghiệp suy bại, huynh kiếm một nội tướng để chỉnh đốn gia trang, phỏng có nên chăng?
Bèn đáp:
- Thực tình Mặc mỗ chưa nghĩ tới, hơn nữa thiên duyên tiền định, lẽ nào mình muốn mà được sao?
Tiết Thanh Minh năm đó, Mặc cùng vài tùy tùng viếng mộ song thân. Trên đường về, gò cương ngựa, ngắm xem phong cảnh hữu tình, chợt thấy bên đường có một bông hoa lạ đang hàm tiếu, vội rời yên, đến nơi thì phút chốc hoa chợt mãn khai, xinh đẹp lạ lùng, tỏa hương thơm ngây ngất. Mặc bèn hái để lên mũi, cảm thấy tinh thần sảng khoái vô cùng. Ngắm nghía hồi lâu rồi bỏ vào túi gấm.
Đêm ấy, tiếng cú ăn sương làm chàng tỉnh giấc, định kéo chăn đắp, bỗng có cảm giác toàn thân không cục cựa được; bèn mở mắt, kinh hoàng khi thấy một cô gái đang ôm cứng lấy mình tự bao giờ! Càng đẩy ra thì nàng càng siết mạnh hơn; đôi gò bồng đảo được che đậy hớ hênh bởi chiếc yếm đào lệch lạc cọ vào da thịt tạo nên một cảm giác lạ kỳ mà chàng chưa từng có bao giờ! Bỗng nàng xô nhẹ chàng ra, giọng dỗi hờn:
- Đã dám mang con gái nhà người về, mà lại vô tình như thế hay sao?
Mặc bật ngồi dậy, đăm đắm nhìn ràng. Rõ ràng là một giai nhân hoa nhường nguyệt thẹn. Môi như tô son, má như giồi phấn. Đôi mắt biếc long lanh như có sức cuốn hút hơn bởi đôi mi thanh tú sắc như dao. Nàng nắm tay Mặc, gượng ngồi; chiếc yếm đào không che đậy hết những vùng da thịt trắng hồng. Tất cả toát ra hương thơm kỳ diệu, làm tim Mặc như muốn vọt ra ngoài. Giây lâu mới lắp bắp:
- Nàng... là ai? Sao lại...
Kiều nữ vói tay lấy ra bông hoa từ chiếc túi gấm trên gối đưa cho Mặc. Hoa vẫn còn tươi như lúc còn ở trên cành, vẫn còn hương thơm dậy mũi. Mặc chau mày. Kiều nữ bảo:
- Là thiếp đó!
Mặc lắc nhẹ, càng tỏ vẻ không hiểu. Kiều nữ mặt giận:
- Tháng ngày chỉ biết ba hột rượu mà trí não không còn minh mẫn, không nhớ gì đen trắng, thị phi. Đáng trách!
Rồi tự tay mở thắt yếm đào, vật Mặc xuống, bảo:
- Có muốn biết, thì thiếp đây cho biết!
Một lát, bỗng siết chặt Mặc vào lòng, khóc òa:
- Đúng là Trương lang của thiếp đây rồi!
Mặc kinh ngạc tột cùng, nhưng mây mưa ào ào kéo đến nên không tiện hỏi lời nào!
2. Năm xưa lỗi hẹn
Cửu hạn phùng cam võ, cả hai lăn ra ngủ chẳng biết trời trăng mây nước. Đến khi gà gáy sang canh năm, Kiều nữ thoắt ngồi dậy, vội vàng mặc xiêm y, qua loa trang điểm. Mặc nắm lấy tay nàng:
- Nàng đi sao?
- Giờ thiếp không tiện ở lại, nhưng lần sau, dù chàng có đuổi, thiếp cũng chẳng đi đâu!
- Nhưng ta muốn biết phương danh, quý tánh, quê quán của nàng.
Kiều nữ cười ngất, sỉ nhẹ vào trán Mặc:
- Cái tên đói khát nầy bây giờ mới rảnh rang mà hỏi đến bản tiểu thư hay sao?
- Nhưng nàng bỏ đi, ta không cam tâm. Nếu nàng không trở lại thì ta biết liệu sao đây?
Lại cười ngất:
- Thiếp không thể hẹn trước, nhưng chắc chắn không là vĩnh biệt. Chàng có nhớ thiếp thì hãy lấy đóa hoa kia mà xoa vào má. Thiếp tức khắc sẽ đến! Không còn sớm nữa, thiếp đi đây!
Nói xong, vội thu mình chui qua song cửa mất dạng. Mặc kinh ngạc tột cùng.
Mấy ngày vắng bóng giai nhân, Mặc thẫn thờ, vào ra như kẻ mất hồn. Biếng uống quên ăn. Qua một tuần, hình vóc xanh xao. Một đêm, không chịu được nỗi nhớ thương do mùi hương còn đọng lại chăn chiếu, Mặc mở túi gấm, lấy đóa hoa định xoa vào má thì kiều nữ đã đến tự bao giờ! Mặc ôm chầm, không nói nên lời. Kiều nữ động lòng, vuốt ve:
- Mới chỉ hơn một tuần mà chàng gầy rạc thế nầy. Mai kia thiếp xa chàng vĩnh viễn thì thế nào đây? Nói cho chàng vui, thiếp đã sắp xếp xong mọi việc, từ giờ không rời chàng nữa.
Mặc mừng rơn, vội bồng nàng, kiều nữ giẫy nẫy:
- Tên giặc nầy hồ đồ còn hơn đám quan binh! Không sợ bản tiểu thư ra tay ư?- Có chết dưới tay nàng ta cũng cam tâm.
- Hay cho kẻ cuồng si nầy! Lần trước mê mẫn thần hồn đã quên hỏi cội nguồn của bản tiểu thư, đã quên rồi sao?
Nói rồi, lấy từ tay áo, nào rượu, nào thịt, nào chén ngọc đũa ngà, bày biện lên bàn rồi cùng nhau đối ẩm. Qua vài chén, má kiều nữ càng hồng, môi càng thắm. Qua men rượu, Mặc càng thấy nàng đẹp não nùng, bèn có chiều lơi lả. Nhưng khác với ngày đầu xuân tình phơi phới, xuân ý tràn tràn, lần nầy kiều nữ nghiêm giọng bảo:
- Có chút rượu vào mà buông hết phong cách của mình thì đáng gọi là đại trượng phu đó sao? Thấy bóng sắc mà không kìm được dục vọng của mình, thì đáng gọi là hảo hán đó sao? Chớ tưởng thiếp tự hiến thân cho chàng mà cho là hạng lá gió cành chim mà lầm! Chớ cho là hạng liễu ngõ hoa tường là không phải lẽ! Nếu chàng chưa thông, thiếp xin cáo biệt.
3. Thiên Hà tiểu thư
Rồi dợm đứng dậy, Mặc cả kinh, nài nỉ hết lời. Kiều nữ cạn liền ba chén, lời sắc như dao:
- Thiếp đến đây, ngoài nguyên nhân khác còn là vì lòng hào hiệp của chàng. Với kẻ thất phu, dù có bung ra biển vàng sông bạc cũng chưa đụng được cọng lông chân của thiếp, huống chi đòi má tựa vai kề. Chàng phải hiểu điều đó để rạch ròi đen, trắng. Chàng hãy gọi thiếp là Thiên Hà!
- Thiên Hà có phải là "Sen Trời" đó chăng?
- Không phải, đó là dãy Thiên Hà, "dòng sông" chứa muôn triệu tinh cầu đó, khác hẳn với những dòng sông chứa nhiều rác rưởi ở thế gian!
Mặc "ồ" một tiếng, lòng thấy vui vui.
Mặc hỏi về đóa hoa; Thiên Hà không trả lời mà nói:
- Thiếp vốn là ái nữ của quan Án Sát họ Trần...
- Trần đại nhân? Chẳng phải ngài là vị quan công minh liêm chính, chí công vô tư đó sao?
Thiên Hà cười buồn, nhếch miệng:
- Hừ! Chỉ vì cái công minh liêm chính đó mà họa đến cả nhà, và thiếp phải lạc loài đến thế nầy đây. Kẻ hiền tài dưới thời minh chúa chẳng khác gì dạ quang minh châu; dù có bị quăng xuống sinh lầy, nhưng khi vớt lên cũng liền rực ánh hào quang. Kẻ liêm chính sống dưới tay hôn chúa, lại quanh mình đầy rẫy ôn quan thì khác chi dê non trước hàm sư tử? Thiếp và Trương lang yêu nhau tha thiết, chỉ chờ ngày phụ thân tác hợp; nào ngờ bóng sắc thiếp lại lọt vào mắt của Khưu công tử, đứa con trai độc nhứt của Khưu Hình Bộ Thượng Thư. Thế là Khưu Thượng Thư buộc phụ thân phải gả thiếp cho tên háo sắc đó.
- Quan Án Sát chắc chắn không bao giờ nghe lời hắn?
- Tất nhiên rồi! Phụ thân bảo, làm thông gia với tên quan ôn ấy có khác chi làm thông gia với cầm thú; và thiếp làm vợ tên vô lại ấy có khác nào hạc trắng suốt đời bị đỉa đeo chân? Người dứt khoát chồi từ. Và chỉ một tuần sau người bị hạ ngục vì tội tạo phản!
- Tạo phản? Làm gì có chuyện phi nhân, phi pháp, phi thiên như vậy?
- Không có thì phải cho có! Thời nay người vô tội thành người có tội chỉ là lằn vạch mỏng manh. Và người dân cần gì phải phạm tội mới bị tù đày? Mà chỉ cần bị chụp vào cái mũ "phản loạn" là đủ đá nát vàng tan! Đó là vòng kim cô siết chặt vào đầu của bao anh hùng, bịt kín vào miệng của bao nhân sĩ. Chàng định hỏi vương pháp đâu ư? Ha ha! có vương pháp đâu mà hỏi? Có chăng đó là vây cánh của kẻ thừa thế lực nghiêng trời; là thân thế của những kẻ dư kim ngân lấp biển! Chàng còn hoài nghi hay sao? Nói cách khác, vương pháp chẳng qua là cái áo khoác trên người; là kim ngân trong tay nải: Cũng cùng một tội nhưng với kẻ mặc áo hàm nhứt phầm, nhị phẩm, ... hay áo gai, áo vải thì sẽ bị xử có khác nhau; cùng một tội, nhưng với kẻ trong tay nải đầy kim ngân hay kẻ trong tay nải toàn bạn vụn thì án lịnh cũng không hề giống!
Mặc gật gù; bèn tiếp trong oán hận:
- Phụ thân bị nhốt vào đại lao, chờ ngày bộ Hình xét xử! Mẫu thân lại lâm trọng bịnh. Trương lang thì bị tên vô lại "Khưu con" dùng những nhục hình không gì dã man hơn! Trước cảnh tình ấy, thiếp đành phải làm theo lời của Khưu gia...
- Đường đường là một vị quan Án Sát mà còn bị chèn ép như vậy huống hồ gì bá tánh lê dân! Ôi! Một người ăn cơm mà lại ngồi giữa đám ngưới ăn cứt chẳng biết hôi thì làm sao nói chuyện sống còn? Còn... Trương huynh thế nào?
Chớp đôi mắt buồn thiên thu, nàng đáp:
- Không thể chịu nổi những đòn tra tấn cực kỳ tàn bạo, Trương lang đã qua đời! (dằn thổn thức) Trước lúc chia ly vỉnh viễn, chàng bảo: "Ta nguyện giữ hình bóng nàng cho tới kiếp lai sinh. Ta sẽ chờ nàng tại cầu Nại Hà. Nàng đừng quên!..."
- Còn... phần nàng?
- Thiếp không thể thất tiết với Trương lang, nên đã quyên sinh trong đêm tân hôn. Tên vô lại họ Khưu cả giận, bèn truyền đem thi thể thiếp quăng ra vệ đường mặc cho chim chuột, sói hùm phanh thây rỉa thịt. Nhưng khi người ta chết rồi thì thể xác chỉ là thứ vứt đi; có còn chăng là hồn phách tinh anh; và tùy nghiệp duyên mà được thác sinh trong sáu nẻo luân hồi.
- Nàng và Trương huynh không hẹn nhau tại Nại Hà đó sao?
Thiên Hà cười cười, hai má hồng lên, càng tăng thêm nét mỹ lệ bội phần:
- Chưa đến đó nên ai cũng tưởng Nại Hà vắng tanh như bến Ô Giang, nào ngờ giây phút nào cũng điệp điệp trùng trùng con người tranh nhau tiến tới, thì tìm một người khác nào đáy biển mò kim? Hơn nữa, duyên ở trần gian đã hết, thì dù có chờ, có hẹn đến a tằng kiếp cũng vô vọng mà thôi! Nếu mọi sự đều do hai người định đoạt, thì thế gian nầy đâu có cảnh duyên nợ trớ trêu?
Mặc gật gù. Bèn tiếp:
- Dù vậy, vì lòng thiếp cũng không nguôi thương nhớ Trương lang, nên không cam tâm về nẻo lục đạo luân hồi, mà tinh anh hóa thành Chung Tình hoa để chờ người năm cũ. Nhưng biết bao mùa mưa nắng, kẻ xuôi người ngược lại qua, mà cố nhân vẫn biền biệt hơi tăm! Lần đầu gặp gỡ chàng, lòng thiếp đã bồi hồi, vì không ngờ hai người dung nhan và phong nghi giống nhau dường ấy. Hay là... chàng có mang máng chút nào về tiền kiếp mình chăng? Nhớ lại xem nào?
Mặc lắc đầu:
- Ta không nhớ...
Thiên Hà giận hờn:
- Không nhớ chuyện cũ thì cũng biết trong lòng tay trái của mình có bớt son hồng chớ?
Mặc vội vàng chìa tay ra:
- Có! Có! Thì sao nào?
- Khi chàng vĩnh biệt thiếp ra đi; thiếp đã cắn ngón tay mình nhỏ vào lòng bàn tay trái của chàng một giọt máu và nói rằng " để đến Nại Hà mà nhớ nhận ra nhau". Không ngờ chén cháo của Mạnh Bà lại làm cho chàng u mê như vậy!
Lại cười cười bảo:
- Chưa nhớ cũng chẳng sao! Rồi cũng phải nhớ mà thôi!
Lại tiếp:
- Mặc gia trang lần hồi suy bại, thiếp muốn cùng chàng chỉnh đốn lại sự nghiệp tổ tiên. Chẳng hay trang chủ có mở lòng từ bi cho kẻ không nhà nầy tá túc chăng?
Mặc mừng rơn, nắm chặt tay kiều nữ:
- Đó là ước vọng của ta. Ta chỉ sợ nàng bỏ ta mà đi thôi! Ngày mai ta sẽ ra mắt với mọi người, yến tiệc linh đình cho nàng rỡ ràng danh phận.
- Thiếp không để tâm đến những nghi thức thường tình đó đâu. Thiếp đến với chàng ngoài việc quý trọng chàng là người hào hiệp, còn là một chữ duyên. Có duyên thì hợp, hết duyên thì tan. Chàng chớ bày vẽ chi thêm bận lòng. Thôi, mọi việc sẽ từ từ tính. Không còn sớm nữa. (thở ra) A! Mới mấy bình mà đã choáng váng. Bây giờ thiếp cần đôi cánh tay bồng thiếp đây; không biết trang chủ có sẵn lòng hào hiệp chăng?
Kể từ hôm sau, việc trong việc ngoài đều do một tay Thiên Hà chỉnh đốn. Người nào việc nấy. Thu, chi có nề nếp hẳn hoi. Vườn ruộng lần lượt trở về. Gia trang lần hồi lấy lại khí thế hưng vượng khi xưa. Lại thẳng tay loại bỏ những người lợi dụng Mặc ngày nào; vì thế bọn vô lại đâm lòng thù hận. Huyện lệnh sở tại lại là phường háo sắc, tham lam. Nghe bọn vô lại nói ra tán vào, lão cẩu quan liền thực hành thủ đoạn.
Thế là một sáng, bọn ưng khuyển ập vào gia trang, bắt chàng về tội phản nghịch! Gia trang náo loạn. Hảo hán đệ huynh kẻ đao người kiếm vây quanh. Thiên Hà tiểu thư (bây giờ là Mặc phu nhân) giận tím mặt, nhưng đưa tay ngăn lại:
- Chư hảo hán chớ vọng động! Tên cẩu quan nầy lại giở thói đê hèn của bọn thầy chúng đây. Hãy để xem chúng dám làm gì cho biết! Ta sẽ có cách!
Một hảo hán râu quai nón nghiến răng nói với bọn chúng:
- Bọn bây về nhắn lại với cẩu quan, nếu muốn cả nhà toàn mạng thì khôn hồn chớ động đến cộng lông chưn của lão gia nhà ta!
Nào ngờ những lời nầy làm huyện lệnh điên cuồng, hắn bèn hạ lệnh tống Mặc vào ngục, một mặt cho quan binh một tối san bằng gia trang. Chúng đang thẳng tay vơ vét, thì dăm hảo hán phi thân tới, quăng trước chúng lăn lóc mấy cái thủ cấp, hét lớn:
- Hãy xem nầy!
Cả bọn ưng trảo hồn phi phách tán, cùng quỳ xuống xin tha mạng.
Mặc không vui:
- Giết hại mệnh quan triều đình, ta đã phạm nặng vương pháp rồi!
Một hảo hán:
- Thời nầy mà có vương pháp ư? Nếu có, thì cũng chỉ dành cho bọn nhứt thân nhì thế, là bọn người mặc triều phục, đội mũ cánh chuồn, đội mũ ô sa. Còn với bọn ta, vương pháp là lưỡi gươm chính khí, là mũi giáo trừ gian. Huynh lẽ nào không biết?
Thiên Hà:
- Ta có kế hoạch riêng của mình, mà nay các huynh đệ lại lỡ tay rồi! Nạng nhỏ khó có thể chống trời. Mai kia binh tướng triều đình tới, biết liệu sao đây?
Các hảo hán:
- U Sơn núi cao rừng sâu, xung quanh được bao bọc bởi nhiều đầm lầy. Đó là vị trí lý tưởng cho phòng thủ mà gây nhiều khó khăn cho việc tiến công. Mặc huynh hãy cùng mấy trăm anh em đến đó dung thân, xây pháo đài, lập căn cứ, thì dù có thiên binh vạn mã của triều đình có đến, cũng phải đứng nhìn mà thôi.
*
Thế lực nghĩa binh càng ngày càng mạnh, lên tới hàng vạn người. Quan quân nhà Nguyên nhắc đến U Sơn đều phải kiêng dè, gọi đó là "Tử Sơn". Năm Hồng Vũ thứ hai (1370), Chu Nguyên Chương cho triệu Mặc và các huynh đệ về triều phong chức để đền ơn; vì vào năm 1363, các huynh đệ đã giải cứu, và tạo chiến thắng cho trận thủy chiến khốc liệt giữa nhà vua và Trần Hữu Lượng tại hồ Bà Dương, khơi nguồn cho nghiệp đế của Chu Thái Tổ sau nầy.