KHA TIỆM LY
 
THIẾU HƯƠNG
( Truyện truyền kỳ)
 
Thời Minh mạt, tại đất Bang có chàng họ Tô không biết từ đâu đến, dựng nhà ở cuối thôn Hoài, hàng ngày vào rừng lấy củi đổi gạo; dân làng cứ cho chàng là một trong số người tứ xứ tha phương cầu thực khác nên không mấy quan tâm.
Tô hiền lành, vui tính, nhưng trong đôi mất dường như có tiềm ẩn một cái gì u uẩn xa xăm.
Một buổi vào rừng, chợt thấy một con chồn to đang nằm giữa đường mà như hết sức lực, Tô tiến tới, thì ra nó đang bị mũi tên xuyên qua đùi. Chồn cố lết vào bụi, nhưng vô vọng; mắt nhìn Tô vừa sợ hãi, vừa van lơn. Tô ngồi xuống:
- Nếu ngươi muốn ta cứu thì nhắm mắt lại, nằm im để ta rút mũi tên ra!
Chồn y lời. Tô rút tên, xé áo băng vết thương. Chồn chỉ đi được vài bước thì quỵ xuống. Tô lắc đầu:
-- Ngươi bị thương thế nầy mà ta bỏ lại thì chỉ làm mồi cho thú dữ mà thôi.
Nói rồi bèn cởi áo bọc chồn mang về nhà. Đắp thuốc hơn mười ngày thì chồn ta chạy nhảy bình thường; thế nhưng cứ quấn quýt mãi bên Tô; nhiều khi Tô nằm, lại đến nằm bên cạnh! Lâu ngày quen hơi, người và chồn càng thân thiện; khi Tô vào rừng lấy củi, chồn cũng lẽo đẽo theo sau như hình với bóng.
Tiết Sương Giáng năm ấy tuyết rơi nhiều, trời lạnh căm căm; ngày nào Tô cũng chu đáo dọn một ổ đầy cỏ khô cho chồn gần bếp lửa, rồi mới yên tâm vào phòng mình.
Thế mà một hôm, chồn lại không chịu nằm mà cứ chui rúc vào lòng chàng mãi, Tô vuốt ve rồi lại đặt chồn vào ổ, nhưng vừa buông tay thì chồn bỏ ổ, lại rúc vào lòng chàng! Tô cười, đùa:
- Bạn hiền hôm nay sao lạ thế? Có phải trời hôm nay quá lạnh và bếp lửa nầy không đủ ấm chăng? Hay là muốn cùng ta nhâm nhi vài chén cho ấm lòng? Haha.
Nào ngờ chồn nhìn chàng tha thiết, gật đầu!
Thế là khô nai, vò rượu bày ra. Chén thù chén tạc đến khuya. Cả hai đều nghiêng ngả, Tô loạng choạng về phòng. Nửa đêm gió lạnh thấu xương, vội kéo mền đắp, nhưng mền bị vướng, như có vật gì đó đè lên, bèn mở mắt ra, kinh hoàng khi thấy một thiếu nữ áo lụa như mây đang say giấc. Vội choàng dậy, lắp bắp:
- Nàng …nàng là ai sao lại đến nơi nầy?
Thiếu nữ khẽ nghiêng mình lại, nhoẻn miệng cười đẹp như hoa hàm tiếu. Gian phòng sực nức mùi thơm. Tô chưa hết ngỡ ngàng, nhưng cũng nhận ra đây la giai nhân hương trời sắc nước. Giọng oanh thỏ thẻ:
- Đã dám mang con gái nhà người vào nhà mình, mà còn giả ngây giả dại nữa à?
- Nàng chớ hồ đồ! Ta chưa quen biết nàng bao giờ, sao nàng lại dám nói lời hoang đường như vậy?
Giai nhân choàng dậy, nắm lấy tay Tô, âu yếm:
- “Có duyên ngàn dặm cũng gặp, không duyên dù đối diện cũng không thể gần nhau”. Thiếp với chàng kẻ Ngô người Sở, nay lại gặp nhau, thì không “duyên” là gì? Hơn nữa, chàng như thân tùng cô độc, tháng năm hứng chịu bao bão tố phong ba; còn thiếp như thân liễu bên đường, ngày ngày phải gồng mình vơi mưa chan nắng táp. Mình tìm đến nhau có chi không tốt? Thiếp tin rằng, nếu mình bên nhau mái tranh nầy sẽ ăm ắp tiếng cười, thiếp và chàng cùng ngẩng cao đầu đón chào vầng dương chói lọi.
Ngưng một lát, bèn tiếp:
- Thiếp không cam tâm khi nhìn thấy một trượng phu đỉnh thiên lập địa như chàng lại sớm hôm làm bạn với búa rìu, để phải hứng chịu những cái nhìn khinh bỉ của những kẻ phàm phu có mắt không tròng!
Ngoài trời gió rít từng hồi. tuyết bay lất phất lạnh thấu tim gan. Trong lều ấm áp hơn, dù chỉ có bếp lửa hồng gần tàn lụi!
Khi “gió tạnh mây tan”, thiếu nữ xỉ ngón tay lên trán Tô, bậm môi, cười nói:
- Kẻ đói lâu ngày, ham ăn hốt uống làm bản cô nương phải vất vả với ngươi!
Tô hơi thẹn, bèn hỏi tên họ, quê quán; Nàng đáp:
- Chàng hãy gọi thiếp là Thiếu Hương. Còn quê quán thì chàng cũng sẽ biết thôi.
- Thân thể nàng hương thơm ngây ngất. Sao gọi là “thiếu”?
Thiếu Hương nhéo nhẹ vào mũi Tô:
- Chẳng qua là khiêm nhường thôi! Cái mũi nầy quả lợi hại!
Mấy ngày thấy Tô có vẻ buồn, hỏi ra mới biết vì vắng bóng con chồn. Thiếu Hương an ủi:
- Dù sao nó cũng là con chồn thôi mà!
Tô không bằng lòng:
- Nàng nói lạ! Dù là con chồn, nhưng nó rất tín nghĩa. Thay vì nó có thể ung dung tự tại nơi rừng núi mênh mông; nhưng nó không đành bỏ ta chỉ vì ta có ơn cứu mạng. Vả lại lâu ngày bén tiếng quen hơi, không buồn sao được? Xét cho cùng, người đời nay lòng dạ còn thua chồn xa lắm!
Thiếu Hương có vẻ xúc động.
Từ hôm đó Thiếu Hương ở lại hẳn. Căn nhà có bàn tay nàng đã trở nên ngăn nắp, sạch sẽ bội phần.
Một hôm nàng nghiêm trang nói với Tô:
- Lâu nay thiếp thấy chàng cốt cách khác người, nói năng khuôn phép, lời lời ngọc ý châu ngôn. Nhưng dưới mắt của người đời, chàng chỉ là hàng giá áo túi cơm, nhưng với thiếp, chàng không khác gì thạch trung uẩn ngọc, rồi một ngày sẽ tỏa sáng như lưu ly! Tấm thân bảy thước mà chàng định suốt đời nhờ vào cán rìu để mưu sinh không phí lắm sao?
Tô thoáng buồn:
- Nàng bảo ta phải làm gì bây giờ khi triều nội toàn củi mục, cây khô? Mọi nhứt cử nhứt động lợi nước ích dân của các đại thần như Cao Biêu, Cao Hoàng Đỗ… đều không qua khỏi cặp mắt cú diều của các thái giám, ôn quan mà quý ngài phải bị cách chức, phải bị tống giam, hoặc đớn đau hơn là bị giết chết như Bộ Lại Thượng Thư Tôn Cư Tương! Hạn hán thiên tai khắp nơi mà quan tham thì tranh nhau vơ vét, bóc lột. Ngoài triều, phía Bắc thì tộc Nữ Chân uy hiếp, phía Nam thì lực lượng nông dân của Bạch Thủy, Vương Nhị, Cao Nghênh Tường, Trương Hiến Trung… nổi lên khắp nơi, nhứt là đại quân của Lý Tự Thành càng làm muôn dân thêm điêu đứng, phải giành nhau từng chiếc lá, từng vỏ cây rừng mà nhét vào bụng , có nơi còn ĂN THỊT LẪN NHAU hoặc ĐỔI CON MÀ ĂN*! Trươc tình hình non sông như vậy, nàng bảo ta phải làm sao?
Thiếu Hương nhìn chàng trìu mến, mỉm cười như hoa hàm tiếu:
- Thiếp thử bụng chàng đó thôi! Chàng chính là người thiếp mong đợi. Quan lại bòn rút tủy xương của nhân dân vô độ, mà Sùng Trinh và các vương hầu cũng không kém tham lam, tàn nhẫn! Nhân tài dưới mắt vua quan như vậy khác nào ngọc quăng mõm chó?
Vướng vào chốn quan trường có giúp được gì cho nước, cho dân; đó là chưa nói sinh mạng khó bảo toàn nếu gối không chịu quỳ, đầu không chịu cúi! Hãy lấy gương Tôn Thượng Thư đó mà soi! Nhược bằng a dua theo bọn gian thần để hưởng chút áo cơm thì nước biển đông khó rửa sạch tanh hôi!
Trầm ngâm một chút, nàng tiếp:
- Mai đây đại quân của Sấm Vương hùng hổ kéo qua đây, một cọng cỏ cũng chẳng còn thì liệu dân lành như chàng có được yên ổn lám ăn? Chi bằng…
Tô nhìn nàng không nói. Nàng dứt khoát:
- Người dân trong thời binh lửa khác chi một cổ hai tròng. Chi bằng chàng hãy cùng thiếp tạm rời chốn nầy tìm nơi lánh nạn.
- Đi đâu? Nơi nào không phải đất nhà Minh? (suy nghĩ, giọng u buồn) Vả lại, nếu ta đi rồi thì bạn chồn bé nhỏ của ta khi về, nàng ấy biết ta đâu mà tìm?
Thiếu Hương thoáng cảm động:
- Khá khen chàng có thủy có chung, nhưng chàng chớ lo lắng: Chàng sẽ gặp lại “bạn chồn bé nhỏ” của chàng thôi, và lần nầy nàng ấy sẽ không rời chàng nữa bước (mỉm cười bí mật).
Thế là cả hai khăn gói lên đường, trực chỉ hướng tây. Chỉ một chốc đã đến bìa rừng mà Tô từng lấy củi thường ngày. Tô chưa hết ngạc nhiên thì trước mắt đã hiện ra một vùng hoa lá diệu kỳ, hương đưa ngào ngạt. Một con đường thảm cỏ như nhung, hai bên trăm hoa nở rộ dẫn đến một tòa nhà như cung điện, tường sáng ngời như bảo ngọc trân châu. Thiếu Hương một tay nắm lấy tay Tô, một tay chỉ vào tòa nhà:
- Đây là nơi chúng ta lánh nạn, xa hẳn thế nhân, dù thiên binh vạn mã cũng không thể xâm phạm.
Lũ a hoàn dìu hai người lên thềm. Vật dụng trong nhà toàn thất bảo khiến Tô ngợp mắt. Yến tiệc được truyền. Toàn sơn hào hải vị. Rượu hổ phách thơm lừng, chén lưu ly trong vắt.
Vào phòng, Tô đảo mắt quanh, bảo:
- Nơi đây khác gì cung điện, mà nàng chẳng khác nữ vương. Cớ sao thời gian qua lại cam tâm ở cùng ta mà chia phần đói rét như vậy?
Thiếu Hương nhìn chàng âu yếm:
- Bây giờ thiếp không cần giấu chàng nữa: Thiếp chính là chồn tiên, tức hồ ly đã qua ngàn năm tu luyện. Thọ ơn chàng cứu mạng, nên lấy hình hài nầy đền đáp đó thôi.
Tô kinh ngạc:
- Thọ ơn cứu mạng?
Lấy ngón tay sỉ vào trán Tô:
- Chàng không nhớ chàng đã nhổ mũi tên ở đùi “bạn chồn bé nhỏ” của chàng vào năm trước à?
Tô ôm chầm lấy nàng:
- Ta nhớ! Ôi ta nằm mơ chăng?
Thiếu Huong xô nhẹ chàng ra, nghiêm giọng:
- Thiếp phải gần gũi chàng để biết chàng là người thế nào để trao thân. May sao chàng là một nam nhi dũng lược, khí phách có thừa; nếu không đừng hòng đụng tới vạt áo của chồn tiên nầy. Nhớ đó!
Mùa đông năm Quý Mùi, quân của Sấm Vương (Lý Tự Thành) đã chiếm Bắc Kinh, Sùng Trinh bỏ chạy, cuối cùng treo cổ tại Môi Sơn! Đám quân ô hợp tự do cướp bóc, lê dân khốn khổ trăm bề; nhưng chỉ một tháng sau, quân Sấm Vương lại bị tiêu diệt bởi phản thần Ngô Tam Quế, hắn đã quỳ gối mở cửa biên cương rước Đa Nhĩ Cổn (bộ tộc Nữ Chân) vào kinh đô. Dựng lên nhà Thanh. Nhà Minh mất từ đó!
Ít lâu sau, Thiếu Hương nói với chàng:
- Bây giờ tình thế đã ổn, chàng có định quay về nhà cũ không?
Tô cắn môi:
- Bọn hoại thần nhà Minh, khi Sấm Vương thắng thì hùa nhau theo Sấm Vương; khi Đa Nhĩ Cổn thắng, lại hùa nhau theo Đa Nhĩ Cổn! Nàng đánh đồng ta như bọn ấy hay sao?
- Chỉ cần lưng khòm một chút, chỉ cần đầu cúi một chút để đươc tử ấm thê phong cũng xứng đáng mà!
Tô lườm nàng:
- Nàng đừng nói những lời khó nghe như thế được không?
Thiếu Hương ôm Tô vào lòng:
- Thiếp đã chọn không lầm người!
 
(Trích TƯ PHƯƠNG KỲ LỤC, sắp xuất bản)

  Trở lại chuyên mục của : Kha Tiệm Ly