KHA TIỆM LY


Toa Thuốc Cùi

Mới hai lần nhậu mà nay anh Hai Thiếu nói ảnh khoái tôi ngang xương! So về tuổi tác thì tôi phải kêu ảnh bằng bác mới đúng lẽ tôn ti. Thế nhưng ảnh một mực bảo tôi phải gọi ảnh bằng anh; viện lẽ  "trong truyện" thiếu gì người kết nghĩa anh em mà tuổi chênh lệch nhau như ảnh với tôi! Mười chín tuổi ảnh có vợ, và năm sau thì sanh con gái đầu lòng, Ảnh lớn hơn tôi hai mươi tám tuổi, và tôi nhỏ hơn con đầu lòng ảnh ba tuổi! Ban đầu, tôi "thưa bác" và "thưa chị" đàng hoàng. Thế nhưng chừng nửa cuộc nhậu, sau không biết bao nhiêu chuyện cổ kim Tây, Tàu trao đổi nhau; ảnh hứng lên, buộc tôi phải gọi ảnh là anh, và bắt đứa út (hai đứa lớn đã theo chồng) lại bằng tuổi tôi lên khoanh tay "thưa chú Út" với sự trịnh trọng có thừa! Tôi mắc cở muốn chết, còn ảnh khoái chí cười nói huyên thuyên:
 
- Vậy kể như xong nghe chú! Từ giờ mà chú còn quen miệng gọi tui là “bác” nữa thì tui... từ chú luôn! Haha.
 
Cái chữ "từ", dân ở thành mình coi nhẹ hều, nhưng ở đây thì nặng cả ngàn cân! Trong gia đình, đứa con nào bị tội tày đình lắm mà bị cha mẹ "từ" thì kể như tiêu đời! Đứa con bị từ nếu lạy lục, khóc lóc, mà cha mẹ không chuyển lòng thì nhờ xóm giềng lại năn nỉ ỉ ôi, cũng không xong, thì có nước bỏ xứ mà đi , vì ở lại làng nước cũng không ai xài! Nếu là con trai thì không ai dám gả con cho; còn nếu là con gái - dù cực hiếm - thì có nước ở vậy chớ không ai dám cưới về cho con mình ! Nói thì nói vậy, nhưng chưa thấy ai bỏ xứ đi bao giờ, bởi đến "màn hai", là cảnh lối xóm lại "xin giùm" thì cha mẹ đều "vị tình cô bác, tao tha thứ lần nầy cũng là lần chót nhe mậy. Sao còn đứng đó, không chịu lại lạy đội ơn bà con đi!". Thế là mọi người đều vui, mà người từ con, dù vẫn giữ cái mặt ngầu ngầu nhưng trong lòng cũng vui không kém: Tay cắt tay bao nỡ, ruột cắt ruột sao đành là vậy! Nói không phải châm chích, chứ giả dụ bà con mà không đến, thì người từ con cũng dám rút lại "thánh chỉ" chớ chẳng phải chơi! Nói là nói vậy thôi, chớ vùng sông nước từ lâu đời họ coi tình làng nghĩa xóm nặng lắm; không ai lại nhẫn tâm làm ngơ khi người khác hoạn nạn, tối lửa tắt đèn đâu. Một đứa trẻ bị cha đánh đòn, mà kêu cứu " Má ơi! Má ơi!"  thì không xi nhê gì, vẫn bị quất túi bụi. Thế nhưng nếu nó lớn tiếng réo người nhà bên: "Chú Hai, (bác Ba...) ơi! cứu con!", thì chú hai hay bác ba đó dù đang và cơm cũng lật đật chạy qua: "Thôi anh sáu (anh bảy...) anh cho tôi xin... " - "Chú làm vậy mai mốt nó dễ ngươi... ". Dù nói vậy nhưng anh Sáu cũng bỏ roi, trợn mắt với thằng bé: " Không có chú Hai là mầy nát đít đó nhe. Còn không cám ơn chú Hai! Bộ muốn chết hả?"- "Thôi, xin lỗi cha rồi xuống sau rửa mặt đi cháu!". Thế là xong phim. Kết cục có hậu: Đứa bé lấm lét ra sau, còn chủ thì mời khách uống trà hút thuốc nói chuyện nắng mưa thời vụ.
 
Tôi đi nhiều xứ ở miền tây Nam bộ, thu thập được nhiều điều đáng quý, trong đó có việc là dù người dân ít học, lắm vùng khi có giấy tờ gì mà cần ký tên, thì  hết tám mươi phần trăm là gạch chéo mà nét mực cũng không ngay, thế mà không hiểu sao họ dạy con rất nề nếp và con cái nghe lời cha mẹ dường như tuyệt đối! Chuyện đám con ba đứa của anh Hai vui vẻ, lễ phép kêu tôi bằng chú là một bằng chứng rõ ràng.
 
Anh Hai Thiếu là người ở "thành". Trải qua nhiều cuộc bể dâu xui bước chân lưu linh lưu xứ của anh bám trụ nơi khỉ ho cò gáy nầy. Khỏi cần trò chuyện, chỉ nhìn qua nhà cửa của anh là biết anh là người có ăn học. Nhà anh cũng nền đất vách lá như bao người dân ở đây, nhưng rất khác ở chỗ nền sạch bong, láng bóng như tráng xi măng. Bàn ghế , vật dụng dù tầm thường nhưng đâu đó gọn gàng, sạch sẽ; khác với lối xóm thì không có từ nào diễn tả nhà cửa họ cho đúng hơn là hai chữ bầy hầy! Vì thiếu xà bông nên chén đũa nhớt lầy, tanh rình mùi cá theo mùa: mùa cá kèo thì từ cái chén, gáo uống nước cũng có mùi cá kèo; mùa cá chốt thì cái ly uống trà cũng tanh mùi cá chốt! Còn nhà anh Hai thì thơm phức! Hỏi nguyên do, anh nói: "Tụi nhỏ rửa bằng nước tro đó chú". À thì ra vậy. Xà bông cũng làm từ nước tro mà!
 
Ở nơi nào cũng vậy. Người có ăn học mà nói chuyện với người dốt chữ thì nhiều lúc tréo ngoe, đó là chỉ nói chuyện trời trăng mây nước chớ đừng nói chi đến những gì có trong sách vở (nếu nhận xsts nầy sai thì người viết cúi đầu xin lỗi). Người ta lại luôn có nhu cầu bày giải, sẻ chia. Cái gì hay, lạ, thì muốn mọi người cùng biết. Ngặt nỗi nói xứ Lào Cai thì người đối diện lại tưởng nó bên nước Lèo, "Lèo, Lào là một thứ mà, thì Lào Cai chắc là một tỉnh của nước Lào"; còn nói Tây Ban Nha thì cố cãi cho được là nước Pháp -  "Pháp là Tây, Tây là Pháp, đánh Tây, đánh Pháp cũng một thứ, làm như tui không biết vậy!" anh Hai nói: "Nghĩ mà thương cho họ, thương cho đồng bào mình vì chiến tranh mà không được đến trường chớ không phải nhạo họ đâu chú".
 
Anh Hai khoái tôi không phải thuần vì tôi "có học". Chỉ một phần thôi, nhưng điểm ghi bàn là "chú còn nhỏ mà "biết chữ" là điều kiếm mòn con mắt". "Chữ" ở đây ý anh nói là tôi biết chữ Nho, vốn là sở trường của ảnh. Thực ra vốn chữ Nho của tôi không là bao, nói theo trình độ học vấn trong tờ khai lý lịch là "biết đọc biết viết"; nó chỉ đủ để đọc các toa thuốc Tàu cho người dùng "không dùng quá liều quy định" mà thôi!
 
Buổi nhậu càng lúc càng hào hứng vì chủ thì nói Nho liên miên, còn khách thì thỉnh thoảng cũng chêm vô vài câu, hay vài điển tích; dù rất thường nhưng cũng đủ làm cho chủ vỗ đùi khoái chí. Anh nói vói ra sau:
 
- Thiếu Dung à, nướng vài con cá lóc nữa cho chú Út bây nhậu con!
 
Hè! Mấy tiếng "chú Út bây", nghe nó thân thương lạ! Ban đầu tôi sượng sượng, nhưng sau thấy cũng quen quen, gần gũi. Tôi hỏi:
 
- Sao anh đặt tên con, đứa nào cũng "thiếu" vậy anh Hai? Thiếu Hạnh, Thiếu Phương rồi con út lại Thiếu Dung.
 
Hớp ngụm rượu, anh Hai trầm tư :
 
- Mình đặt là "thiếu" cho nó biết phận mà kiếm thêm chú. Cả đời người ai dám nói mình đủ bao giờ?
 
Tôi cười, pha trò:
 
- Sao anh không đặt là Thiếu Tài cho nó kiếm thêm? Tài có chữ "bối" kế bên đó nhen! Ha ha.
 
Biết ý tôi nói chữ "tài" có nghĩa là tiền, anh cũng cười:
 
- Ý, đâu được chú! Tiền của biết bao nhiêu mới gọi là đủ? Thói thường, với của tiền thì ai cũng muốn gom càng nhiều càng tốt, gom bằng mọi cách, mọi thủ đoạn, bất chấp nhân luân và khổ đau của kẻ khác. Mình đặt tên con là "Thiếu Tài" theo như chú nói là có chữ “bối” kế bên, chẳng bằng xúi nó làm bậy hay sao?
 
Rồi đủ chuyện trên trời dưới đất, chuyện đông tây kim cổ theo rượu vào mà tuôn ra. Thiếu Dung đem hai con cá lóc kình, nướng còn bốc khói, để trên cái sàng được lót lên trên bằng lá chuối. Anh đón lấy, dùng đũa banh cá ra, hơi nóng từ mình cá bốc lên:
 
- Cá lóc nướng phải để trên lá chuối, và nhậu phải ngồi dưới gốc cây mới đúng điệu nghệ đó chú. Xương xóc thì quăng dưới mương nuôi cá; cá lớn lên nó nuôi lại mình. Haha... Người dân ở đây được trời ưu đãi. Tôm cá nhiều vô kể.
 
Tôi cũng biết điều đó. Có lần tôi định bước qua con mương nhỏ dẫn nước kinh vào ruộng, tôi phải đứng lại vì ngạc nhiên bởi đàn cá từ đâu trên ruộng ào ạt tranh nhau qua con mương bề ngang chỉ chừng sáu tấc đó để xuống kinh. Cá chen kín con mương. Tôi nhìn lên ruộng, những hàng lúa rung động chạy tít từ xa, chứng tỏ số lượng cá không biết cơ man nào mà nói. Người dân rất dễ dàng kiếm sống, chỉ cần một trăm cần câu cắm thì một đêm kiếm vài chục ký cá lóc như chơi. Bao nhiêu đó, chống xuồng ra chợ bán cũng dư sức mua gạo muối, rượu trà, cà phê cà pháo. Chính vì việc kiếm tiền khỏe ru đó đã là một trong những nguyên nhân làm người dân ở đây không thiết tha đến việc học hành. Họ nghĩ đơn giản là, học thì có làm "thầy giáo" đi nữa thì lương cũng chỉ bằng vài bữa cắm câu! Con nít ở đây, nói chung là ở miền tây thì sáu, bảy tuổi với vài chục cần câu, vài mẻ lưới hay vài tiếng quăng chài cũng đã kiếm tiền bánh, tiền sách vở khỏe ru! Làm tiền dễ nên xài cũng "dễ" lắm. Ở không thì hú hí nhâu nhẹt. Mồi thì rộng sẵn trong lu, rượu thì lúc nào cũng trữ sẵn trong nhà, thiệt tiện lợi! Nhậu hai người không đúng sách vở "trà tam rượu tứ", nên bắt tay làm loa: "Qua chơi anh ba ơi!", "Qua chơi chú bảy ơi!" . Rồi rượu vào thì...  vọng cổ, xàng xê cũng theo đó mà nhập cuộc: "Từ là từ phu tướng, bảo kiếm sắc phong lên đàng... ". Rồi nồi niêu, chén bát, được gõ theo nhịp. Có đờn thì tốt, không đờn thì đờn miệng cũng không sao! "Tăng tăng, tắng tằng tăng tắng tăng tăng,.. ". Say, ai về nổi thì về, không về nổi thì "xuồng chìm tại bến" như chủ nhà cũng tốt. Hết rượu hết mồi, ngày mai có tiếp, lo gì! Thổ nhưỡng miền tây mưa thuận gió hòa, ruộng đồng cò bay thẳng cánh, cây trái trĩu cành, cá lội nghẹt sông, là yếu tố chính làm cho lòng người miền tây phóng khoáng, khí phách ngang tàng.
 
Anh Hai kể tiếp: 
 
- Hồi nẵm miền tây đồng lúa chạy tít chân trời. Chủ điền có vài ngàn mẫu là chuyện thường. Khi gặt xong, họ phải dùng xuồng đưa lúa về nhà một phần theo mấy con kinh mang tên chủ điền. Ở đây thì có kinh Chủ Chí, ở Vĩnh Châu thì có kinh Trần Trinh Huy, Trần Trinh Trạch. Một phần thì vựa tại lẫm ngay trên phần đất của mình. Lẫm nói nôm na là cái nhà vựa lúa, Trữ lượng tùy theo lẫm lớn nhỏ. Bởi vậy đời sống chủ điền chẳng khác đế vương; mà cậu Ba Huy, tức Trần Trinh Huy, con trai của ông Hội đồng Trần Trinh Trạch là một thí dụ. Ông ta được người đời gọi là Công tử Bạc Liêu, là Hắc công tử, vì nước da hơi ngâm đen để phân biệt với Bạch công tử ở Gò Công. Chuyện về ăn chơi của hai vị công tử nầy thiết tưởng khỏi cần nói nhiều vì không những cả nước, mà cà bên... Tây ai cũng biết! Ngoài ra còn có các chủ điền nhỏ, có chừng vài trăm mẫu cũng ăn chơi không kém. Vợ ba vợ bốn với gái quê mùa riết cũng chán, họ bèn hướng về thành với những cô gái son phấn giỏi phần ăn nói, chiều chuộng hơn. Ngặt nỗi vì thiếu ăn học, nên dù tiền bạc đầy người nhưng cũng không che đậy được nét quê mùa. Bởi thế, phần đông bị ma nữ dụ dỗ, hoặc mang về cho vợ cho con những căn bịnh tình dục hiểm nghèo. Chủ điền của tui là Ba Phát, cũng là dân chơi có hạng, mà không hiểu sao.... Thôi ăn đi chú, rồi tui kể tiếp cho nghe! Nè ăn đi! Còn uống nhiêu được thì uống. Uống mà không ăn dễ mất sức lắm.
 
- Sao nữa anh? Chuyện Ba Phát đó.
 
- Lần du hí cuối, ổng về mang theo thêm con vợ - bà bốn - và chỉ năm sau ngón tay ngón chân ổng từ từ co rút lại, mặt mày bóng ngời, là triệu chứng phát bịnh cùi! Thôi thì đủ thứ lời ra tiếng vào. Mấy bà trước thì đổ thừa cho bà Tư lây bịnh, rồi mấy bả sợ lây tới mấy bả nên lần lượt bỏ đi. Như chú biết, bệnh cùi đâu có lây dễ dàng như vậy: nếu tiếp xúc trực tiếp với người bịnh qua vết thương thì cũng mười năm, người hệ miễn dịch tốt thì ba bốn chục năm mới thấy triệu chứng. Điều làm cho mọi người kinh ngạc là càng ngày bộ dạng Hai Phát càng gớm ghiết, thì bà Tư càng lúc càng dài tóc trắng da! Hì hì... Họ bảo nhau là bà Tư đã "sang" bịnh cho ông ấy! Hì hì... Bịnh mà "sang" được thì cần gì thuốc men nữa!
 
- Chắc bả bỏ ổng rồi?
 
- Không! Chẳng những không bỏ mà bà ấy còn hết mực chăm sóc thuốc men, miếng ăn giấc ngủ vô cùng chu đáo. Bà ấy hễ nghe đâu có thuốc hay thầy giỏi thì bất chấp đường xa bao nhiêu cũng tìm cho bằng được. Nhưng vi trùng Hansen thì lúc đó chỉ có thuốc tiên mới hy vọng mà thôi. Mà tiên tìm ở đâu ra? Tội nghiệp bà Tư, bả cứ nói "còn nước còn tát", nên sau khi đi năm non bảy núi tìm thầy, tìm thuốc mà vô hiệu; thì ai bày thứ cây lá gì bả cũng phải tìm cho bằng được, mang về. Uống đi chú! Chuyện còn dài mà.
 
Tôi làm nhanh một ly, nôn nóng:
 
- Sao không vào trại (cùi) cho người ta chăm sóc? Ổng thừa tiền của mà?
 
- Đó! Chính vì thừa tiền của nên ổng không đi. Đi rồi ai coi hàng mấy trăm mẫu ruộng khi mà dù có bốn bà nhưng chẳng một mụn con ? Ở trại làm sao được nệm ấm chăn êm, có người vợ hiền đẹp đẽ ngày đêm cận kề chăm sóc? Vả lại có ai vào trại mà hết bịnh chưa? Họ suy nghĩ vậy cũng phải thôi. Cho đến bây giờ, dù ổng lở loét , hôi thối, bà Tư vẫn kề cận chăm nom
 
Tôi ngạc nhiên:
 
- Ủa? Bộ họ còn sống sao? Vậy mà em tưởng...
 
- Tui là tá điền của ông già ổng, rồi tới ổng. Ổng chỉ chạng tuổi tui thôi.
 
- Ồ!... Vậy ổng trên dưới sáu mươi thôi sao?
 
Anh Hai gật đầu, tiếp:
 
- Gọi là "bà Tư" là để tôn trọng vậy thôi, chớ bả nhỏ hơn ổng hai chục tuổi, nên giờ vẫn trẻ măng! Ban đầu khi bả về, mọi người nhất là ba bà vợ trước, ai cũng nói bả sẽ dụ ổng mà ăn hết của; đến khi ổng phát bịnh thì mồm miệng thiên hạ còn độc địa hơn; họ bảo thế nào bả cũng túm một mớ rồi cao chạy xa bay. Ai gặp bả thì ngoài mặt cũng dạ thưa, nhưng vắng mặt thì trề môi nhún mỏ; cho đến sau nầy, họ thấy những việc bà Tư làm không như họ nghĩ, nên từ khinh thường trở thành kính trọng.
 
*
 
Tôi chèo xuồng đến thăm hai vợ chồng đặc biệt nầy. Đó là ngôi nhà lợp ngói âm dương ba gian hai chái rêu phong buồn bã phủ đầy vách mái, kể cả lối đi; nó nằm tại ngả ba Đầu Sấu. Theo anh Hai Thiếu kể thì nơi nầy trước kia nhiều cá sấu lắm; chúng hung dữ đến nỗi thấy bóng người trên cây bần cũng phóng lên đớp, cho nên ghe xuồng qua đây đều phải đề phòng cao độ, hớ một chút là tiêu mạng như chơi! Người phụ nữ trung niên (mà tôi chắc chắn là "bà Tư") trong bộ bà ba đen khá cũ kỹ nhưng vẫn toát ra vẻ đẹp quý phái, sang trọng nhìn tôi bằng nét ngạc nhiên trên đôi mắt. Tôi nói rõ ý định của mình, bà miễn cưỡng mời tôi vào.
 
Nhờ tìm hiểu qua anh Hai Thiếu, nên tôi thản nhiên khi thấy chủ nhân là một người bịnh cùi đang ngồi co ro trên bộ ván gõ nhìn tôi với ánh mắt không vui, lẫn nhiều kinh ngạc, pha chút bực mình, hiện trên gương mặt sần sùi với những cục u nần gớm ghiếc. Khác với những người cùi dơ dáy mà tôi thấy; ông rất sạch sẽ với bộ đồ ngủ màu xanh lơ. Tôi chào ông; vẻ bình thản của tôi làm ông có ít nhiều thiên cảm:
 
- Mấy chục năm nay nhà nầy không có khách.
 
Tôi tự kéo ghế ngồi. Chủ nhân nhìn khay trà kế bên, rồi nhìn tôi:
 
- Xin lỗi! Không dám mời uống trà!
 
Nếu nhìn bộ dạng của ông với mười ngón tay bị căn bệnh quái ác tàn phá, ai cũng sẽ nghĩ các vật dụng trong nhà cũng theo đó mà dơ bẩn, bầy hầy. Nhưng không, mọi thứ đều ngăn nắp gọn gàng. Bình trà và hai cái ly trong bóng, khác hẳn những nhà khác trong ấp mà tôi đến, chúng bám cáu vàng khè, tanh ói. Tôi cười cười, tự tay rót trà vào hai ly:
 
- Cháu từ nhà anh Hai Thiếu đến đây cũng hơi xa. Xin phép chú cho uống chút nước. Cũng khát lắm rồi.
 
Ông nhíu mày khi thấy tôi bình thản uống cạn:
 
- Chú em... không sợ lây bịnh sao?
 
Tôi "làm" thêm một ly:
 
- Bịnh chú đâu có lây đâu mà sợ? Tại người ta không biết đó thôi!
 
Lời nói tôi làm ông vui hơn. "Bà Tư" từ sau nhà bước lên, nói:
 
- Phải ai cũng hiểu như... thầy thì đỡ cho tụi tui biết mấy. Mấy chục năm nay không ai dám bén mảng đến nhà tụi tui. Tụi tui ở đây mà như ở trong rừng trong núi! Ủa? Mà thầy bà con sao với ông Hai Thiếu vậy?
 
Tôi cười thầm trong bụng về tiếng "thầy" của bà Tư. Bà con ở đây như vậy, quanh năm suốt tháng ai cũng áo quần lam lũ; hễ thấy ai mặc áo trắng, cái "màu" mà suốt đời họ không bao giờ rớ tới vì dễ bị "dơ" bởi bùn sình hay nước phèn làm vàng ố. "Thầy" đây không nhứt thiết là người dạy học mà là chỉ chung giới làm việc cho nhà nước. "Thầy chú" đó mà! Tôi kể hết mọi chuyện cho hai vợ chồng nghe, cuối cùng nói:
 
- Nghe anh Hai nói về chuyện chú thím, cháu rất kính phục thím ba đây nên đến thăm.
 
"Thím ba":
 
- Có gì đâu mà thầy phải nói vậy? Đạo vợ chồng thì một ngày cũng nghĩa, huống chi ông nhà tui đã thương yêu tui, cưu mang tui, từ khi tôi còn là một cô gái giang hồ. Tui nói thiệt mà không mắc cỡ đâu thầy à. Thì khi ông nhà tui hoạn nạn, tui phải chăm sóc, là phải đạo làm người thôi mà.
 
Tôi càng thấy kính trọng người phụ nữ nầy hơn. Bây giờ ông Ba  mới cười, lại khôi hài:
 
- Ông Hai Thiếu kể cho chú em nghe tương đối đầy đủ nhưng vẩn còn... thiếu! Ổng đâu phải tên "Thiếu" đâu chú em, mà là tên Đủ! Hồi trước các anh các chú tá điền không biết lý do gì mà không gọi ngay tên người đó mà gọi né... một bên! Không phải là kiêng cữ gì hết. Chẳng hạn người tên Sáng thì kêu là Trưa; tên Đúng thì kêu là Sai, tên Đồng thì kêu là Ruộng, Tên Lúa thì kêu là Nếp. Ha ha...
 
"Thím ba" cũng vui lây:
 
- Mấy chục năm nay mới thấy ông nhà tui cười đó thầy!
 
Ông Ba:
 
- Nhìn chú em tôi đoán chắc là nhà văn, nhà nghiên cứu chi đây; chớ cái miệt khỉ ho cò gáy nầy mấy ông làm việc dễ dầu gì tới, nhứt là tới nhà tui. Nếu là vậy, tui cũng cho chú biết thêm một chi tiết nữa là tui có một toa thuốc trị bịnh cùi! Hì hì! Bà nhà tui mua nó với một ngàn giạ lúa!
 
Tôi hỏi câu trớt hướt:
 
- Nó... nó... có hiệu nghiệm không chú?
 
- Hì, hiệu nghiệm thì tui đâu có như vầy? Mà nói vậy cũng không đúng, bởi tui uống có hai toa thì không uống nữa vì nó vật người xỉu lên xỉu xuống, và nước vàng từ các cục u bong ra là hôi thúi chịu không nổi. Tui ngưng thuốc vì lẽ đó một phần mà cũng vì hoài nghi nó một phần, một phần nữa là thương cho vợ tui phải nhiều vất vả hơn (thở ra). Bịnh nầy là bịnh trời ban, thì sống được tới đâu cũng là trời ban (thở ra). Tui giờ giao nó cho chú em, để chú em nhờ các thầy thuốc nghiên cứu coi nó có giúp ích gì cho căn bịnh nầy không mà cứu người hoạn nạn. Hoặc coi đây là một kỷ niệm tui tặng một người dã dám đến thăm vợ chồng tui. Mình vào lấy toa thuốc đi mình!
 
Toa thuốc mấy mươi năm dù được cất giữ cẩn thận nhưng cũng bị ố vàng theo dấu thời gian!
 
Tôi chèo xuồng về nhà anh Hai Thiếu, lòng nhiều nghĩ ngợi. Chú Ba dù mang căn bịnh quái ác, nhưng hai vợ chồng họ thật hạnh phúc. Bà vợ đẹp đẽ thủy chung, trên đời hiếm thấy. Lời thím còn văng vẳng bên tai tôi: " ... Thì khi ông nhà tôi hoạn nạn, tôi phải chăm sóc, là phải đạo làm người thôi mà".
 
Thiệt đáng trân trọng thay lời nói và việc làm của người từng là một cô gái giang hồ.
 
Đã mấy mươi năm, toa thuốc nầy hiện giờ tôi vẫn còn giữ, giữ rất cẩn thận mà không biết để làm gì?


  Trở lại chuyên mục của : Kha Tiệm Ly