KHA TIỆM LY


Truyền Thuyết Hoa Đà

1. Trị bệnh cho hoàng hậu.
 
Hoa Đà, một danh y, nhưng lại là người cương trực khẳng khái. Sau khi trốn khỏi huyện Tiêu, nước Bái, chỉ vì “tội” dám chỉ trích huyện lệnh về việc ăn chặn tiền cứu trợ lũ lụt vào năm Mậu Thìn. Ngày đêm đội nguyệt mang sao thẳng về hướng Bắc. Đến chân núi Vô Ưu thấy cỏ hoa xinh tốt, dược thảo dẫy đầy bèn dựng lều bên suối, bốc thuốc cứu người, xưng là Vô Ưu Thảo Hoa cư sĩ (thường gọi tắt là Vô Ưu). Người đương thời cho danh xưng nầy rất hay, bởi họ cho rằng “hoa cỏ chẳng ưu phiền”, nói lên niềm ao ước của mọi tấm lòng người dân quê chơn chất. Thực ra, Thảo Hoa là chiết tự của chữ Hoa: Trên bộ Thảo, dưới bộ Hoa, là họ Hoa của Hoa Đà tiên sinh.
 
Từ đó Vô Ưu tiên sinh thường làm lệch sổ Diêm đình, cải tử hoàn sanh chẳng biết bao người, ân đức tỏa xa ngàn dặm.
 
Núi Vô Ưu thuộc lãnh địa của nước Phong, một nước nhỏ nằm cạnh sườn, dưới quyền sanh sát của Ngụy Tào!
 
Vua nước Phong là Đại Chí, tên đúng như người. Nhà vua chí tựa Thái Sơn, nhưng tài thì như hòn sỏi! Dù vậy, uy quyền cũng át cả góc trời. Một ngày, hoàng hậu mang bệnh lạ, phụng thể thoắt nóng, thoắt lạnh, thoắt vui, thoắt buồn, mặt lại nổi đầy mụn lớn; bao ngự y trong triều phải chịu bó tay.
 
Cuối cùng Vô Ưu tiên sinh được lệnh truyền về cung.
 
Chỉ cần nhìn thần sắc hoàng hậu, không cần bắt mạch; tiên sinh liền tâu:
 
- Tâu bệ hạ! Bệnh của hoàng hậu không có chi phải lo lắng; nhưng nguyên nhân thì thần không tiện nói.
 
Nhà vua thở phào:
 
- Nhà ngươi cứ nói!
 
Qua vài giây ngập ngừng, Hoa tiên sinh tâu:
 
- Tâu bệ hạ! Hoàng hậu có ngày hôm nay chỉ vì thói thường thích ăn thịt còn chất máu tươi nên thiếu nặng đức nhân; thích nghe những lời xu nịnh nên chẳng phân biệt được điều phải trái. Lại hay dùng lời cao ngạo với kẻ thuộc quyền, xem thiên hạ như dưới mắt không người. Âu cũng là thói quen của kẻ ở trên tận cùng uy lực. Ngồi thì có người hầu, đi thì có người hạ, muốn chải tóc, có người cầm lược, muốn trang điểm, có kẻ đánh phấn tô son. Cho nên thân thể ngày thêm bạc nhược, nội tạng tương suy.
 
Ngoài ra trong lòng hoàng hậu luôn nơm nớp lo sợ kho châu báu rồi sẽ ra sao khi mà quân Tào có thể bất cứ giờ nào sẽ xua đại binh xâm chiếm. Những điều đó đã làm cho thần trí bất an, âm dương đảo lộn, khí huyết bất thông; làm cho can tâm sinh hỏa, tì thận sinh hàn, thất tình rối loạn; nếu để lâu ngày nội tạng tiêu hư, kinh mạch bế tắc, e thần tiên cũng khó cứu!
 
Hoàng hậu vừa nghe, thay vì nổi lôi đình, dè đâu lòng mừng khấp khởi, bệnh liền giảm đôi phần, bèn hỏi:
 
- Tiên sinh nói như vậy là có thể chữa khỏi bệnh ta?
 
- Tâu Hoàng hậu. Đây không phải là bệnh khó trị, nhưng cũng không thể chỉ dùng thuần thuốc mà hết được, mà cần phải hỗ trợ bằng nhiều liệu pháp, cũng như những kiêng cữ khắt khe. Nếu Hoàng Hậu chấp nhận và chịu đựng được, thì trong hai tuần sẽ bình phục như xưa.
 
Hoàng Hậu nghe xong, bệnh lại bớt thêm vài phần! Phấn khởi hỏi:
 
- Dung nhan ta có trở lại như xưa?
 
- Tâu hoàng hậu, việc đó còn tùy sự kiên trì hợp tác của Hoàng hậu như thế nào!
 
Thế là Vô Ưu cho hoàng hậu uống liền một liều Thối Ma Tán, tối đến phục thêm Định Thần Hoàn. Chỉ như vậy mà sáng hôm sau giấc tiên bình ổn, phụng thể an khang.
 
Kế đó, mỗi ngày Vô Ưu phải đợi hoàng hậu khi khát lắm mới cho vài giọt nước; khi đói lắm mới cho mấy muỗng canh. Lại còn bắt phải tự xách nước tưới hoa, tự thêu thùa may mặc…
 
Hoàng hậu khỏi bệnh, dung nhan diễm lệ như ngày nào; lại nói năng từ tốn ôn hòa. Nhà vua cả mừng, quần thần bái phục. Vô Ưu được lưu lại trong cung.
 
2. Tìm rồng cho vua.
 
Một buổi lâm triều, nhà vua nói với quần thần:
 
- Ta nhờ ân đức của tổ tiên mà từ khi kế nghiệp bốn biển thanh bình. Trong triều văn quan chẳng thua gì Quản, Lý, ngoài biên võ tướng cũng sánh được Tôn, Ngô. Cái ăn, dù chưa nếm được chả phụng hoàng, nhưng cái ở chắc không thua nơi thiên giới. Nói một lời trăm họ cúi đầu, hét một tiếng bốn phương vỡ mật! Duy có một điều nhỏ nhoi mà nếu ta không thực hiện được, thì sợ ngày về cùng tiên đế sẽ phí hoài một kiếp đế vương…
 
Nhà vua nhìn qua một lượt bề tôi. Mọi người kín đáo nhìn nhau. Vua tiếp:
 
- … Đó là ta muốn được cỡi rồng để chu du thiên hạ!
 
Trăm quan đều thót người! Mơ ước mà nhà vua cho là “nhỏ nhoi” ấy xem ra còn lớn hơn trời, còn khó kiếm như tìm sừng thỏ!
 
Tể tướng tâu:
 
- Tâu bệ hạ! Rồng chỉ là…
 
Tể tướng định nói “rồng chỉ là con vật không có thật ở trần gian”, nhưng sực nhớ ra, rồng cũng là biểu tượng của đấng chí tôn, nếu nói như vậy, chẳng phải mặc nhiên nói vua cũng là vật hoang tưởng; đầu sẽ rụng như chơi? Có lẽ thấu được lời tể tướng, nhà vua quát:
 
- Rồng chỉ là thế nào?
 
Vô Ưu vội quì xuống tâu:
 
- Tâu bệ hạ! Ý tể tướng nói rằng, rồng là một linh vật, nhưng không phải khó tìm, hạ thần sẽ thay mặt tể tướng sẽ mang về cho bệ hạ. Có điều…
 
- Nói!
 
- Có điều rồng là một linh vật biến hóa vô lường, thường đi mây về gió, nay chân trời, mai góc biển. Hạ thần xin bệ hạ trong vòng trăm ngày thần sẽ mang về chầu bệ hạ.
 
Bá quan nhìn Vô Ưu lo lắng. Tể tướng thì cảm thương cho người đã đỡ tội cho mình mà nói lời tự sát.
 
Bãi triều, Tể tướng nói với Vô Ưu:
 
- Ông bất tất vì ta mà tự hại mình như vậy.
 
- Tể tướng ngài chớ lo lắng. Bệ hạ không giết được tôi đâu.
 
- Nhưng ngài không kiếm được rồng thì họa cũng tới ta!
 
- Ngài yên tâm, tôi cũng sẽ không làm ngài thất vọng.
 
Từ hôm sau, Vô Ưu được phép miễn chầu để có thời gian tìm... rồng! Qua hai tháng không tin tức, Tể tướng lòng nóng như rang, quần thần thì mỗi người có một suy nghĩ riêng. Nhà vua vì mỏi mòn chờ đợi mà biếng ngủ biếng ăn, vóc rồng tiều tụy; mấy ngày sau nữa thì không ngồi dậy đươc, chỉ đổ nước cầm hơi. Đến khi hơi thở nặng nề, mà vẫn thều thào với các quan hầu hạ: “Rồ…ồng… đem.. rồ… ồng cho… ta!”
 
Các quan nhìn nhau chẳng biết phải trả lời thế nào thì Vô Ưu vào yết kiến:
 
- Tâu bệ hạ! Hạ thần đã mang rồng về cho bệ hạ!
 
Nhà vua mắt sáng lên nhưng không nói được lời nào! Qua thủ hiệu, mọi người biết được ý nhà vua muốn… cỡi rồng!
 
Kiệu được khiêng ra. Trước điện, một con rồng với đủ yên cương chờ sẵn. Với nanh, với vuốt, với thân hình uốn lượn đầy nét uy phong; đặc biệt đầu rồng quay lại nhìn vua gật nhẹ như một động tác cung kính, phục tùng! Nhà vua vui lắm, cười lên một tiếng rồi… thăng hà!
 
***
Tể tướng hỏi Vô Ưu:
 
- Thái y thật khéo tay, đã đánh lừa được bệ hạ. Nhưng sao ngài lại biết được nhà vua không còn thọ đến trăm ngày?
 
- Người  xưa nói: “Thiên nhược cải thường, bất phong tắc vũ; nhân nhược cải thường, bất bệnh tắc tử.” Hạ quan thường ngày hầu hạ vua, đã thấy được từ lâu long nhan thần sắc tiêu điều: Vết đen nằm dài dưới ngọa tàm càng lúc càng lớn, trùm cả niên thượng, niên thọ. Gần đây, phía trên thì lan đến tử khí, phía dưới thì bọc kín cả thủy tinh, điềm ấy hiện lên là dấu hiệu ngày về Diêm la gần lắm!
 
Tể tướng có vẻ hoài nghi, Vô Ưu tiếp:
 
- Ngày xưa ông Biển Thước cũng căn cứ vào lẽ ấy mà đoán biết Tề Hoàn Công sắp phải lìa đời. Nhà vua là con lạch nhỏ mà cứ ngỡ mình là đại hải trường giang; gần đây lại sinh hoang tưởng, mơ chuyện trên trời, thử hỏi sao không chết? Cái thuật nầy của tướng sĩ (người xem tướng) và y gia cũng giống như nhau. Muôn đời truyền lại, có chi đâu lạ?
 
- Thế sao thái y lại không tâu cho hoàng thượng biết?
 
Vô Ưu cười buồn:
 
- “Kẻ đáng nói mà mình không nói, thì mất người; kẻ không đáng nói mà mình nói, thì mất lời.” Vả lại, với hôn quân thì lời nói cần phải cẩn trọng, dè phòng, nếu không muốn rước họa sát thân. Những kẻ tài thô trí thiển thường vênh vang kiêu ngạo, có nói đi nữa cũng cầm bằng đàn khảy tai trâu!  Hơn nữa, sống trên đời nầy có khi có miệng mà nói được đâu?
 
Năm sau, Bắc Ngụy thôn tính nước Phong, đổi thành huyện Phong. Vô Ưu tiên sinh lại được Tào Tháo, vốn là đồng hương, gọi về. Trước khi lên ngựa Vô Ưu buồn bã nói với Tể Tướng:
 
- Muốn “vô ưu” cũng không được rồi! Hoa Đà nầy sẽ chết dưới tay gian hùng đó thôi!
 
Quả thật, mấy năm sau, Hoa Đà bị Tào Tháo bắt tội và chết trong ngục.


  Trở lại chuyên mục của : Kha Tiệm Ly