KHA TIỆM LY


Bánh Đúc Có Xương
 
Đến giờ này tôi đã lớn khôn, đã biết suy nghĩ phải trái thiệt hơn, mà nghĩ mãi không biết nguyên nhân gì mà “mẹ ghẻ” tôi lại chịu lấy ba tôi!
 
Thực mà khó trả lời câu hỏi này ở trong lòng tôi tự bấy lâu nay, khi mà tôi biết được cảnh ngộ của ba tôi thuở ấy.
 
Ba mẹ (ruột) tôi sống nhờ vào căn nhà lụp xụp của ngoại trong một hẻm dài tại nội ô thành phố Mỹ Tho. Ngoại đã già, nên mọi thứ đều do dì hai tôi làm chủ. Bà mất chồng sớm, ở vậy nuôi năm đứa con. Thế là căn nhà chỉ năm chục mét vuông lại bị dồn ép chứa mười hai người lớn nhỏ!
 
Ba tôi bấy giờ là cu li hồ, nhưng với thời buổi mà áo cơm còn chật vật, thì việc ở  nhà đẹp, khang trang thì ít ai dám nghĩ tới, nên ba thất nghiệp dài dài! Ba bèn vét mương, làm cỏ mướn, cuốc đất, vác mướn… và “ai kêu gì làm nấy” để kiếm chút tiền công. Nhưng với số tiền ít oi kiếm được, nó không đủ đâu vào đâu cho ba miệng ăn thường thiếu thốn của ba anh em tôi. Mẹ tôi lại bệnh lao ở thời kỳ cuối, thuốc men thời ấy phải mua chợ đen nên mắc như vàng! Những thứ ấy đè nặng trên hai vai còm cỏi của ba, nên ba chỉ khoảng ba mươi mà trông thảm hại vô cùng: Má hóp đi, thân tóp lại, xem chừng như một khúc tre! Da đen cháy, tóc vàng khè, vốn là kết quả bao ngày dầm mưa đội nắng. Nhường cơm cho anh em tôi, chạy thuốc cho mẹ, lại phải thường xuyên nghe những lời bóng gió của dì hai, tưởng chừng ba không còn sức đâu chịu đựng!
 
Mẹ tôi chết, tôi vừa biết đi lũn đũn, nên chỉ nhớ mang máng cế những chuỗi ngày đau thương ấy…
 
Đó là cái móc quan trọng trong cuộc đời ba và anh em chúng tôi, vì sau đó là ba tôi phải chịu trăm cay nghìn đắng về số phận của kẻ không nhà; thấm thía về cái đói, cái nhục của kẻ không tiền, của sự vất vả muôn bề của thân gà trống nuôi con!
 
Ba tôi là người hiền lành, có học thức, khiêm tốn với mọi người từ khi ông còn đương thời; nên sau này, dù nghèo rớt mồng tơi, bà con lối xóm vẫn thường tỏ thái độ thông cảm, lẫn chút xót thương, mà không hề khinh rẻ. Có lẽ đó là niềm an ủi lớn nhất của ba tôi lúc bấy giờ? Thế mà trong gia đình, dì hai lại xem ba tôi là kẻ đối địch không bằng! Lý ra dì còn phải tỏ ra quan tâm ba hơn, càng thông cảm, xót thương hơn mới phải. Đó là đạo lý tối thiểu của kẻ làm người khi gặp kẻ khác lâm vào cảnh khốn cùng, huống chi người đó là em rể của mình, đã vì căn bệnh của em ruột mình mà phải tán gia bại sản, giờ phải thân một mình gà trống nuôi con? Đây cũng là câu hỏi khó khăn mà đến giờ này tôi cũng không có câu trả lời ổn thoả. Phải chăng bốn cha con chúng tôi là gánh nặng của dì? Cũng có thể lắm, vì nếu ngày nào có việc làm thì tiền công ba đưa cho dì hai cũng chỉ đủ đong gạo cho anh em chúng tôi. Còn tiền điện, tiền nước, mắm muối linh tinh? Khổ nỗi đâu phải ngày nào cũng có việc làm! Những ngày thất nghiệp ấy, thấy tội cho ba tôi lắm! Ba nhịn đói, uống nước trừ cơm! Tất nhiên không ai có thể nhịn đói được lâu, nên thừa dịp dì hai vắng nhà, ba xuống bếp, lẹ làng bốc một cục cơm, nhanh cho vào miệng, nhai sơ sài rồi nuốt cho đỡ cái đói hoành hành!
 
Một lần ngoại bắt gặp, sững sờ::
 
- Bộ con chưa ăn cơm sao?
 
Ba ngượng ngùng:
 
- Dạ… rồi.
 
Ngoại lặng thinh mà trong lòng như hiểu một điều gì!
 
Qua ngày sau, ba lại thất nghiệp, tất nhiên ba không dám xuống ăn cơm. Ngoại buồn không nói, thì dì hai bảo tôi, giọng chát chúa, cốt để cho ba nghe:
 
- Mầy lên “mời” ba mầy xuống ăn cơm. Tao dọn sẵn rồi đây nè!
 
Tôi lên nhà, thấy ba ngồi ở thềm, nước mắt trào ra, tôi chưa nói gì thì ba khoác tay:
 
- Con xuống nói ba không ăn đâu, ba không đói.
 
Tôi vừa quay lưng thì ngoại đứng bên sau tự lúc nào, hỏi ba má giọng nghẹn ngào:
 
- Sao con không ăn cơm?
 
Ba quẹt nước mắt:
 
- Dạ, con không đói
 
Giọng ngoại lạc đi:
         
- Con xuống ăn cơm với má!
 
Ba lắc đầu, nghẹn ngào không nói được. Ngoại cương quyết:
 
- Con không ăn thì má cũng không ăn.
         
Có lẽ vì nể ngoại, nên khi ba ngồi vào bàn ăn thì dì hai không nói gì. Dù sao bữa cơm này với ba thật nuốt khó trôi! Ba chan đầy nước rau, rồi lùa vội vàng, tích tắc đã buông đũa, trong khi ngoại chưa và được miếng nào!
 
Ôi! Tình đời ấm lạnh…! Cái miếng ăn sao nó khéo chọn người! Nghe nói lúc trước, khi ba giàu có, thỉnh thoảng về thăm ngoại, không biết bao nhiêu lần dì hai hỏi ba, muốn ăn gì sẽ làm cho. Nhưng lúc đó ba có thèm thứ gì? Dì hỏi mãi, để cho vui lòng dì, ba nói đại một món gì đó, đại khái “da heo luộc”, “cá bóng kho tiêu”... “Trời ơi! Nó thèm cái gì mà rẻ tiền quá!”. Phải chi lúc đó ba nói thèm… gan trời thử xem sự thể ra sao?!
 
Ba có tật ghiền đọc sách báo. Không có tiền mua, ba thường lượm lặt những mảnh báo cũ đủ thứ ở mọi nơi, giấy gói hàng, kể cả... các toa thuốc Tây, thuốc Tàu ba cũng chẳng bỏ qua! Một tối, ba đang đọc lố chữ nghĩa hổ lốn đó, thì dì hai tôi oang oang ở nhà dưới:
         
- Đứa nào coi tắt đèn, tao đóng tiền điện không nổi à nghe!
 
Bốn cha con đùm túm trong một chiếc mùng được vá bằng cách dán lên mấy chục tờ giấy lịch. Tôi là con út nên được nằm gần ba, được gãi đầu, gãi lưng, được kể chuyện đời xưa trước khi vào giấc ngủ, được ba vuốt ve âu yếm nhiều nhất:
 
- Con có nhớ mẹ không?
 
Tôi không trả lời mà hỏi lại ba”
 
- Mẹ đâu có về nữa hả ba?
 
Ba ngần ngừ đáp:
 
- Thì... lâu lâu mẹ cũng về thăm con chứ!
 
Có lẽ lần đầu tôi buồn khi mẹ tôi mất:
         
- Mẹ không có về đâu! Người ta lấp đất lại làm sao mẹ về được?
 
Ba lặng thinh. Trong bóng tối, tôi nghe tiếng ba hít mũi, “thôi ngủ đi con!”. Rồi ba ru bài đầu tiên như mọi đêm:
 
“Ầu ơ… Gió mùa thu … ba ru con ngủ,
Năm canh dài…. ầu ơ… Năm canh dài… ơ ờ… thức dủ năm canh!”
         
Tôi quen dần với niềm sầu não của ba. Lớn lên chút nữa, tôi mới biết vì thương anh em chúng tôi ba phải chịu đựng trăm cay nghìn đắng, âm thầm trước quãng đường ẩm thấp tối tăm, mà như chẳng có lối ra. Tối biết ba muốn đưa chúng tôi ra khỏi vùng âm u thiếu nhiều dưỡng khí, nhưng phải làm sao khi trong người ba không một xu dính túi, theo đúng với nghĩa đen?
 
Tình cảnh của ba như thế, mà “mẹ ghẻ” tôi lại ưng ba tôi trong khi hãy còn con gái, tuổi xuân mơn mởn, hẳn không phải là chuyện dị thường?
 
Xin nói sơ lược về mẹ tôi. (Từ đây về sau, từ “mẹ” là chỉ người mẹ sau nầy đáng yêu đáng kính của tôi, mẹ trước tôi đã mất)
 
Mẹ là con trưởng của một gia đình, và cũng là chủ nhân của một lò kẹo dừa nhỏ ở Bến Tre khi mới hai mươi lăm tuổi. Mẹ không đẹp lắm, nhưng nửa nụ cười của mẹ cũng đủ làm nghiêng lòng không biết bao nhiêu chàng trai ở thị xã! Phong nghi của mẹ không được như các mệnh phụ đường trong các cung đình thuở trước, nhưng nét phúc hậu đoan chính của mẹ đã chinh phục lòng mọi người đối diện. Có nhiều vị có chức sắc khá cao, và các “thiếu gia” trong tỉnh, đã nhiều lần đến cầu hôn mẹ, nhưng mẹ đều chối từ. Bởi vậy, khi mẹ chịu làm đám cưới với ba, với “thằng bán bánh dạo”, mặt nám da đen, không bộ đồ lành, không nhà không cửa, lại có sẵn... ba đứa con còn nhỏ dại, đã khiến họ hàng lối xóm trong ngoài không ngớt lời đàm tiếu, rồi tự đặt câu hỏi “tại sao” như tôi, nhưng chắc chắn họ cũng không lời giải đáp, để sau cùng cũng kết thúc: “Thật là kỳ lạ!”. Thế thôi!
 
Phải nói, mẹ là người bản lĩnh, Trước khi về với ba, mẹ mời họp cả nhà, trả lại tất cả tư trang, tiền bạc mà mẹ đã giữ bấy lâu. Nói là “trả lại”, thực ra tất cả đều là của mẹ, do một tay mẹ làm ra.
 
Chuyện mẹ ưng ba làm chồng y như chuyện nàng công chúa từ bỏ cung vàng để theo một chàng nhà quê vào rừng đốt củi làm than trong chuyện hoang đường. Còn hơn thế nữa, bởi ba chắc không thể đẹp trai, khoẻ mạnh, trẻ trung như chàng trai ấy, Chẳng lẽ điểm mạnh của ba là có sẵn... ba đứa con còn tuổi dại khờ?!
 
Thật khó tả bao khổ cực của mẹ đã cùng ba tần tảo để nuôi sống anh em chúng tôi, nhất là những năm đầu, cuộc sống cực kỳ thiếu thốn, có điều cơm cũng được no. Từ từ, nhờ sự cần cù, cần kiệm, ba mẹ tôi đã mua được căn nhà tồi tàn ở cống Vựa Tro. Dù bệ rạc thế nào nó cũng là sở hữu của mình. Ba vui lắm vì không còn chịu cái cảnh ở mướn, ở nhờ. Giao thừa năm đó, ba ôm mẹ khóc sướt mướt trước mặt anh em chúng tôi: “Nhờ em mà cha con anh mới có căn nhà này...” Về sau ba thường nói: “Có nhà mới làm ăn khá được, ở nhà mướn thì đừng mong làm giàu!” Đó là câu “danh ngôn” ưng ý nhất của ba, nên ba thường nhắc đi, nhắc lại hoài! Mà quả thật, từ đó ba mẹ tôi phát lên thấy rõ. Anh em chúng tôi chẳng những được quần này áo nọ mà còn mô-đen nữa. Mẹ còn sắm cho tôi vòng vàng rủng rỉnh, cái mà không có mẹ, tôi nằm mơ cũng không thấy!
 
Có câu chuyện vui châm chọc những người khoe của: Một bà mới mua một nhẫn vàng. Muốn khoe, bèn đến nhà lối xóm, chìa ngón tay có đeo nhẫn ra, lắc lắc: “Bà cho tôi xin miếng vôi!”. Bà kia lại vừa mua đôi bông tai; trùng dịp, liền kéo tai, chìa trước mặt bà đeo nhẫn: “Bà nói gì tôi nghe không rõ?”. Hoặc có bà muốn khoe sợi dây chuyền, hễ gặp ai cũng xoa cổ than: “Sao cứ ngứa cổ hoài vậy ta?”. Tôi không đến nỗi lố lăng như thế, nhưng thỉnh thoảng về thăm ngoại, tôi cũng cố tình đeo những gì mẹ cho để cho lối xóm lé mắt chơi, và cũng để cho dì hai biết, tôi đang sống với mẹ như thế nào! Ngoại thì mừng lắm còn dì hai thì mai mỉa:
         
- Hứ, làm bộ để che mắt thiên hạ! Vài ngày nó (chỉ mẹ) lột hết rồi mắc cỡ.
 
Tôi không kém, lời có gai có gốc:
         
- Lột ở đâu không thấy, mà thấy mỗi ngày cứ tăng thêm, đeo không hết phải cất bớt!
 
Dì Hai nổi cáu:
 
- Mẹ! Để coi! Mấy đời bánh đúc có xương mậy? Nói đâu cho xa, xóm nầy đây nè! Mẹ! Nó bắt con chồng bán vé số, lượm bao ny lông, bán ế, về bị đánh muốn què chân, lại bỏ đói bỏ khát. Hứ! Mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng mậy?
 
Cuộc chiến sắp mở màn. Nhưng tôi không muốn giao chiến với một đối phương có đầu óc đen như lọ nên bỏ đi, sau khi buông một câu bực dọc:
 
- Cũng tùy người...
 
Từ đó tôi dị ứng với từ “mẹ ghẻ”. Coi ti vi hoặc nghe radio, mà có chuyện mẹ ghẻ hành hạ con chồng thì tôi “phụp” (tắt máy) ngay. Rồi rủa thầm sao mấy thằng viết chuyện nó ngu quá, đầu óc chắc cỡ con tép, con tôm; tầm mắt nó chắc thấy được trước vài bước chân hay sao ấy, viết văn viết kịch gì cứ theo một khuôn sáo cổ điển, ý tưởng khô khan, luôn bị kìm hãm cũng như mực đen bị nhốt trong bình! Bút không tung hoành vào chiều sâu chiều rộng ở mọi lãnh vực, mà cứ gò bó, nắn nót như trẻ học i tờ! Tôi viết văn dở ẹt, chưa chắc đúng ngữ pháp, và đúng chính tả, nhưng cũng mạnh dạn gọi loại văn ấy là loại rẻ tiền. Nhắm mắt mà viết theo “sách vở”. Viết văn mà như làm toán, phải dựa vào công thức, định lý, để “rặn” từng câu, mót từng chữ, như người bị táo bón lâu ngày! Trên đời này, theo họ, thì mẹ ghẻ không bao giờ thương yêu con chồng, vì công thức là: “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng!”, thì phải áp dụng theo, nếu không, người đọc sẽ cười họ không thuộc “công thức” thì còn gì thể thống “nhà văn” (?!). Nếu vậy thì xin hỏi, có phải mẹ ruột chẳng bao giờ hành hạ con mình? Như thế chẳng lẽ trẻ sơ sinh lại tự chui mình vào thùng rác, hay tự mình đến được trước cổng viện mồ côi? Ai đã bán con, đợ con, bắt con ăn mày, để suốt ngày có tiền uống rượu, đánh bài? Chẳng phải là cha mẹ ruột đó sao? Như vậy là thương yêu đó sao?
 
Mẹ về với ba ba năm thì sinh cho tôi đứa em trai, sáu năm nữa, tôi lại được một đứa em trai nữa. Ông bà nói: “Có đức thì sinh con trai”, điều nầy đã ứng nghiệm với mẹ. Khi em út tôi năm tuổi thì tôi đã trưởng thành, tức mẹ đã về với ba ngót nghét hai mươi năm! Thế mà một lần có bà lối xóm (bà Thoa) hỏi mẹ trước mặt tôi:
 
- Sao con Lam nó gọi bà là mẹ, còn thằng Sử (anh hai tôi), nó gọi bà bằng “hai” không vậy? Bộ hồi nhỏ nó khó nuôi lắm hả?
 
Mẹ nhìn tôi:
 
- Bây giờ tụi nó lớn hết rồi, tôi nói thật với bà cũng không sao: Ba đứa lớn là con riêng của ổng đó.
 
Bà Thoa trố mắt:
         
- Con riêng? Thôi đi bà nội! Vậy bà là mẹ ghẻ hả? Thấy cười quá!
 
Mẹ cười:
 
- Vậy chớ thằng Sử bao nhiêu tuổi? Tôi bao nhiêu tuổi? Chẳng lẽ mười sáu tuổi tôi đẻ nó được hả?
 
Bà Thoa sững sờ, chịu phép:
 
- Ờ... ờ…thôi, tôi tin hai đứa lớn bà đẻ không được đi. Còn con Lam chắc chắn là con bà, bà đẻ nó dư sức!
 
Như đã nói, tôi vốn dị ứng với từ “ghẻ”, nên sa vào lòng mẹ, tỏ thái độ không đồng ý với câu chuyện của hai người:
 
- Mẹ!...
 
Bà Thoa khoái chí cười lớn:
 
- Thấy chưa? Ai đời con ghẻ gần có chồng rồi mà lại nhõng nhẽo với mẹ ghẻ kìa…! Hí…hí…bà dấu đầu lòi đuôi rồi bà ơi!
 
Hai mươi năm nuôi con chồng khi chúng còn bé tí cho tới trưởng thành, mà lối xóm vẫn tưởng là con ruột, đủ hiểu tấm lòng mẹ cao cả biết chừng nào!
 
Ba thường nói với ba anh em chúng tôi:
 
- Người ta bảo “sinh dưỡng đạo đồng”, nghĩa là ơn sanh và ơn dưỡng nặng như nhau. Nhưng không phải vậy, ơn dưỡng dục nặng rất nhiều lần so với ơn sinh. Lớn lên các con sẽ biết, nuôi một đứa con đến khôn lớn, cha mẹ phải nhọc nhằn đến mức độ nào!
 
Chúng tôi biết, ba đã thầm khuyên anh em chúng tôi không được quên ơn mẹ, nhưng những lần ba nói vậy mẹ dường như không hài lòng, nói với ba: “Có một câu cứ nói hoài!”
 
Bây giờ anh hai và chị ba tôi cũng được mẹ dựng vợ gã chồng, có riêng có tư. Phần tôi cũng đã lớn khôn, và không bao lâu tôi cũng phải rời mẹ, xa em như số phận dành riêng cho bao người con gái khác. Bây giờ, năm người trong gia đình chúng tôi, hiện sống chan hoà, yêu thương nhau, vô cùng hạnh phúc. Bữa cơm mà thiếu vắng một người thì canh cá bữa đó xem chừng lạt lẽo, không ngon. Nhưng cái nghi vấn “sao mẹ lại ưng ba, khi hoàn cảnh ba lúc đó…” cứ theo ám ảnh tôi hoài. Hỏi mẹ mấy chục lần mà mẹ cứ ỡm ờ. Bữa cơm hôm ấy, tôi quyết hỏi ba:
 
- Ba, ba…hồi đó ba dùng lưỡi Tô Tần thế nào mà mẹ ưng ba, vậy ba?
 
Ba nhìn ngang về phía mẹ:
 
- Thì… thì ba sợ mẹ ế nên ba cưới, chứ Tô Tần, Trương Nghi gì?
 
Mẹ cười mím. Tất nhiên tôi không tin lời ba, nên lại hỏi mẹ:
 
- Mẹ! Mẹ nói đi mẹ?
 
- Thì… thì… thì hồi đó mẹ thấy con ngoan, mẹ thương, nên… thương ba con luôn!
 
Mẹ cứ úp úp mở mở hoài, làm sao tôi lại không thắc mắc mãi được. Mà ngẫm cũng có lý, bởi có lần tôi hỏi như thế, mẹ đã đáp nghiêm chỉnh:
 
- Nếu lúc đó ba con giàu thì mẹ đâu có ưng!
 
- Vậy tại sao mẹ lại ưng ba khi ba đã có ba đứa con riêng?
 
- Nếu ba không có các con thì mẹ cũng không ưng luôn!
 
Bây giờ thì tôi không cần hỏi nữa. Dù thế nào, tôi cũng rất thỏa mãn về cái không khí đầm ấm luôn hiện diện trong gia đình chúng tôi, tất cả cũng nhờ người mẹ tuyệt vời của chúng tôi.
 
Nhớ lúc trước, anh hai… muốn vợ. Khi mẹ và tôi đang nấu ăn, thì anh hai tôi òn ĩ với mẹ:
 
- Bữa nào rãnh rỗi, mẹ mua cho con cái “máy đa năng” đi mẹ?
 
Mẹ hơi ngạc nhiên, không phải vì tiếng “mẹ” anh hai gọi mẹ quá ngọt ngào (bởi thời gian gần đây anh hai vẫn thường gọi mẹ như vậy), mẹ hơi chau mày,  ngạc nhiên hỏi lại:
 
- Máy đa năng là máy gì, con?
 
Anh hai cười hí hí:
 
- Nó làm cái gì cũng được hết đó, nó giúp mẹ giặt đồ, lau nhà, rửa chén, nấu cơm, đủ thứ , miễn lên giây thiều, là nó làm theo ý mình liền hà!
 
Mẹ ngưng tay bếp, chưa hiểu, nhìn anh hai dò xét, rồi nhìn lại tôi như hỏi ý. Tôi biết anh hai nói gì, nên nheo mắt với mẹ, ngầm bảo mẹ để ảnh nói hết xem sao. Anh hai cười nắc nẻ:
 
- Máy nầy xịn lắm đó mẹ, xài vài năm nó còn khuyến mãi cho một cái máy nhỏ nữa!
 
Mẹ cười ngất:
 
- Muốn vợ rồi phải không mậy?
 
Lần đầu tiên tôi nghe mẹ gọi anh hai là “mậy”, thế mà tôi thấy tiếng đó thân thương vô cùng. Mẹ lấy tay chậm những giọt nước mắt sung sướng, những giọt nước mắt đầy hạnh phúc, nó báo hiệu con mình đã lớn khôn. Mẹ nén nghẹn ngào hỏi:
 
- Ở đâu vậy con?
 
Thế là năm sau mẹ và ba sắm chiếc “máy đa năng” theo yêu cầu của anh hai. Rõ là “hàng Việt Nam chất lượng cao”! Thế mà chỉ hai tháng sau, “chiếc máy” bị trục trặc kỹ thuật, nó “ụa ọe” suốt ngày, nó dị ứng với mọi thứ thức ăn trong nhà, kể cả mùi hành tỏi nhà bên nó cũng không ưa! Công năng của nó bị liệt hẳn, mẹ lại lo cơm cháo cho cái máy bị rơ trong thời gian còn bảo hành này... Thấy mẹ chăm sóc tận tuỵ quá mức, tôi cũng tức giùm mẹ, nửa đùa nửa thật với anh hai:
 
- “Cái máy đa năng” của anh giúp mẹ đâu không thấy, mà em thấy mẹ giống làm dâu cho cái máy của anh quá!
 
Mẹ rầy tôi:
 
- Con không nên nói chơi như vậy, chị hai con nghe được, tội nghiệp nó.
 
Anh hai thì sượng sùng nói với mẹ:
 
- Đó là dấu hiệu để mẹ được khuyến mãi cái máy nhỏ, phải không mẹ?
 
- Ờ, ờ... đúng đó con!
 
Tôi phát sùng sự thật:
 
- Lúc đó còn làm mẹ vất vả thêm nữa vì phải lo cho cái máy khuyến mãi của anh!
 
Cứ sáng, mỗi người một việc, kẻ đi làm, người đi học, đến buổi cơm mới quây quần bên nhau. Những lúc nầy ba thường đem cái triết lý “sanh dưỡng đạo... bất đồng” của ba ra nói với anh em chúng tôi. Mẹ không bằng lòng:
 
- Bộ không có gì hay hơn hay sao? Cũ mèm, nói hoài...
 
- Vậy chớ không phải sao? Ai cần con tôi giúp giùm cho, mà đẻ rồi không giao nuôi à nghen! Hi hi...
 
- Ông thiệt hông? Có người nhờ kìa, ông không giúp tính sao?
 
Sợ mẹ giận, ba chột da, yếu xìu:
 
- Thì tất nhiên mình cho phép anh mới không nỡ từ chối.
 
Mẹ cười bí mật:
 
- Cho phép, cho phép! Có các con làm chứng nghe! Người nghĩa khí không được nuốt lời đó!
 
Ba ngưng nhai cơm:
 
- Ai dám liều mạng vậy ta?
 
Mẹ nhìn quanh chúng tôi, cười:
 
- Cái bà mỗi sáng ngồi ở góc chợ, gặp ai nhìn, bả cũng le lưỡi ra đó!
 
Em út tôi nãy giờ cũng chăm chú nghe, chợt reo lên:
 
- A! Bà khùng, bà khùng ở dơ!
 
Em Lộc tôi cười sặc, phun cả một họng cơm trong miệng, túa ra cả bàn, dĩa cá kho điểm đều những “hoa cơm” lí tí. Em út tôi nhăn mặt:
 
- Anh Lộc làm văng “i-ti” tùm lum, thấy ớn quá!
 
***
                                                           
Một người mẹ kế nuôi ba đứa con chồng từ thuở ấu thơ đến tuổi dựng vợ gả chồng mà xóm giềng cứ ngỡ là mẹ ruột; đây chẳng phải là “bánh đúc có xương” đấy sao? Bây giờ tôi không cần thắc mắc câu hỏi “vì sao” như đã nói phần trên, mà chỉ cần biết, chính mẹ đã dẫn dắt bốn cha con chúng tôi ra khỏi vũng sình lầy lội, thoát khỏi vùng tối âm u. Tôi chắc rằng, ngoài mẹ, xã hội ta còn rất nhiều ba mẹ kế cao quý khác, nhưng không được biết tới bởi cái quơ đũa cả nắm của nhiều tâm địa nhỏ nhen. “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng!”. Thực là một quan niệm cổ hủ và đầy mù quáng của tiền nhân. Đó không những là những sự cay độc, mà còn là tội ác và dốt nát nữa. Nó đã nhận chìm bao tấm lòng cao cả của những người mẹ kế đầy lòng bồ tát như mẹ tôi. Khổ thay, cái quan niệm ba trợn, nhỏ nhen, hẹp hòi, thô bạo và không kém phần độc ác và thiếu hẳn độ lượng và ngu muội nầy lại được nhơn ra bởi các nhà văn nhiều chữ nghĩa mà thiếu tìm tòi! Chỉ dựa vào kinh điển mà thiếu mầm sáng tạo.
 
          Như đã nói, tôi bập bẹ viết văn. Văn tôi, nói theo các “kỳ thủ” thì là “chưa sạch nước cản”; ngữ pháp, và chính tả có thể trật tùm lum, nhưng tôi cứ mằn mò, rị mọ viết, mục đích là cám ơn mẹ tôi, cám ơn bao người mẹ kế tuyệt vời khác, đã thương yêu, nuôi nấng, dạy dỗ con chồng như thể con mình.
 
 


  Trở lại chuyên mục của : Kha Tiệm Ly