KHA TIỆM LY
 
 
Phiếm Luận Về Con Mèo

Chưa ai dám khẳng định con mèo đã hiện diện trên trái đất nầy bao lâu. Có tài liệu thì nói khoảng một vạn năm, nhưng mới đây, các nhà khảo cổ đã tìm được bộ xương mèo hóa thạch cách nay khoảng… 3,7 triệu năm! Vì thế việc chúng đã “sống chung hòa bình” với loài người từ khi nào vẫn còn là một ẩn số! Chỉ biết ngày nay, với người Tây Phương, mèo là thú cưng của hầu hết gia đình.
 
“Mèo” là “tên khai sanh”, còn “miu” là tên mà người chủ thường gọi (Khi gọi mèo tới ăn, người ta luôn gọi “miu miu, miu miu”). Tôi không nghĩ “miu” nó bắt nguồn từ “Miêu  từ Hán Việt.
“Mỉu” là tên đọc trại ra từ “miu”; “Mão, mẹo” là chi thứ bốn trong 12 chi cầm tinh con mèo. Gần đây, con cháu của lưu linh gọi mèo là “tiểu hổ”, ý nói là con cọp con!
Mỗi quốc gia, họ nhìn con mèo với đôi mắt “tốt”, “xấu” khác nhau. Ở đây chúng tôi chỉ nói “đôi mắt” của người Việt Nam trong văn chương bình dân!
 
1.Con mèo dù không có tên trong “lục súc” nhưng nó lại là con vật được gần gũi, được chủ thương yêu, vuốt ve, bồng ẵm thường xuyên không thua gì chó. Dù vậy, với văn chương bình dân, con mèo có đủ thứ “tật xấu”, và người ta đã khôn khéo đem những “tật xấu” nầy ngầm gán cho con người với mục đích chỉ trích lẫn giáo dục.
 
Có thể liệt kê tượng trưng những tính xấu của người (mà người ta đã “bán cái” qua mèo) qua vài thành ngữ, tục ngữ như sau: “Mèo mả gà đồng”, “Giấu như mèo giấu cứt”, “Mèo khóc chuột”, “Như mèo thấy mỡ”, “Im ỉm như mèo ăn vụng”, “Chó tha đi mèo tha lại ”, “Mèo khen mèo dài đuôi”, “Mèo già hóa cáo”, “Mèo đàng chó điếm”, “Ăn như rồng cuốn, làm như mèo mửa”, “Mèo chê chó lắm lông”, “Chưa học bắt chuột đã học ỉa bếp”, …
 
2. Với quan niệm người Việt thì mèo còn là hình tượng của sự xui xẻo : “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu/sang”. Câu nầy không biết có chịu ảnh hưởng câu “Miêu lai cùng, cẩu lai phú  貓 來 窮, 狗 來 富”của Tàu hay không, bởi nghĩa nó y hệt! Không biết bao nhiêu lời giải thích đồng ý hay không đồng ý một cách hoang đường về hiện tượng nầy. Trên thực tế, chưa thấy ai bị phá sản hay trở nên phú quý vì chó hay mèo tới nhà cả, nếu có thì chỉ là trong muôn một mà thôi! Mùa World Cup năm nay, không biết bao người tán gia bại sản đến nỗi phải nhảy cầu, nhảy lầu, chả lẽ những người nầy đều bị mèo tới nhà hay sao?
 
Chuyện kể, có anh nhà nghèo nọ sáng thức dậy thì thấy một ổ chó mẹ chó con trong nhà mình (nhà vách lá rách nên chó vào dễ dàng). Ai cũng chúc mừng, nói anh sẽ phát tài, đến nay anh ấy gần chết mà vẫn nghèo mạt rệp!
 
Lại có chuyện một anh nhà khá giả nọ, mèo hoang thương xuyên đến nhà rồi “đóng đô” tại nhà anh ta luôn; tiếng ra tiếng vào bảo anh phải giết nó mới hết xui. Anh không chịu và chấp nhận nó như một thành viên trong gia đình. Cuối cùng anh là một cự phú trong vùng. Anh đùa, bảo câu “mèo đến nhà thì khó,…” có lẽ người xưa nói  sai, thực ra là “mèo đến nhà thì CÓ, chó đến nhà thì GIÀU” (“giàu có” mà). Ý anh muốn nhạo người xưa bày điều huyễn hoặc, giàu hay nghèo là do mình có nỗ lực làm ăn hay suốt ngày cờ bạc rượu chè mà thôi.
 
3. * Mèo có một thói tốt là ăn chậm rãi, nhỏ nhẹ, từ tốn. “Nữ thực như miêu”, người phụ nữ có tướng ăn như mèo là quý tướng. “Ăn nhạt như mèo”. Không phải riêng mèo mà bất kỳ động vật ăn thịt nào cũng ăn “nhạt”, bởi chúng nó không biết…chấm muối (hi). Thực ra chúng không ăn nhạt chút nào, bởi vị mặn trong máu của con mồi đã đủ sức mặn rồi!
 
* Với người Việt Nam, mèo là con vật không trung thành, khác hẳn với chó: Khi người chủ của chó qua đời, chó ta bèn nằm luôn bên mộ chủ mình quên cả uống, ăn. Chủ dọn nhà đi bao lần thì chó luôn theo bên chủ., bất kỳ nơi sơn cùng thủy tận nào! Còn mèo, thì chủ đi đâu mặc chủ, nó vẫn “trung thành” với…nền nhà cũ, và trở thành mèo hoang! Điều nầy giải thích vì sao không thấy chó hoang, trừ trường hợp gia đình chủ bị tai họa nào đó mà bị chết cả nhà!
 
* Có lẽ loài động vật nào cũng thích được vuốt ve, nhưng với mèo, nó lại có những cử chỉ như là … nhõng nhẽo khi được bàn tay của người mơn trớn: Nó chui rút, kêu “meo meo”, và cọ mặt, cọ tay vào người vuốt ve nó. Có phải vì hình ảnh nầy khá giống với hình ảnh đôi trai gái mới yêu nhau, nên thị phi có cụm từ “con A là ‘mèo’ của thằng B”“Thằng đó tối ngày chỉ ‘o mèo’, không chịu làm ăn gì hết”. O trong từ “O bế”,  là… dê gái đó bạn!
 
* Theo dân gian, Linh miêu là “đứa”…con lai có mẹ là mèo rừng và cha là một loài rắn hổ chuyên ăn thịt cóc! Nếu linh miêu nhảy qua xác chết, thì xác chết nầy sẽ ngồi bật dậy và thành quỷ nhập tràng! Đây là chuyện phản khoa học, cực kỳ phi lý mà đến nay không ít người vẫn còn tin! Không trách gì một cố đạo người Pháp nói: “Dân An Nam rất thích chuyện hoang đường, huyễn hoặc!”
 

“Miêu công” trong võ lâm là công phu trèo tường như mèo!
 
* Dân quê thường chôn xác mèo dưới gốc cây khế chua; theo họ điều nầy sẽ làm khế chua hóa ngọt! Họ cũng không ăn thịt mèo vì không muốn rước sự xui xẻo vào mình!
 
* Điều lạ lùng là, con mèo không hề bị bò chét, trong lúc con chó thì không biết bao nhiêu mà nói!
 
* Nói về “ma đề” thì  thật lắm chuyện: Mèo nhà số 18; mèo rừng số 14. Nằm chiêm bao mà thấy mèo đen, mèo mướp, mèo vàng, mèo trắng, mèo tam thể…thì “sách vở” dạy thế nào thì “đánh” con đó! Lại nếu thấy mèo ngủ, mèo bắt chuột, mèo mắc mưa, mèo chết, bị mèo cắn,… , thì cũng phải  nhờ “thầy bàn” mà “đánh”! Chưa hết! Nếu thấy một con thì đánh khác, hai, ba con, hay một bầy thì đánh khác! Có điều chắc chắn là nếu ai ghiền đánh để thì sớm hay muộn cũng tán gia bại sản mà thôi, kể cả “thầy bàn”!
 
4. Chuyện tiếu lâm về mèo: Có anh học trò lên kinh thi, vào quán bên đường ăn lót dạ, khi no bụng, anh ta ôm con mèo của cô chủ quán vuốt ve, rồi nói với cô chủ:
- Cô ơi! Con mèo của cô biết nghe tiếng người, nó mới trả lời tôi đây nầy!
- Làm gì có chuyện đó?
- Nếu nó trả lời được câu hỏi của tôi, cô không tính tiền bữa ăn nầy nhé!
Cô chủ gật đầu, và anh ta hỏi con mèo:
- Nầy mèo! Cô chủ của mầy tròn hay méo?
Liền đó, anh ta nắm sợi râu con mèo giật mạnh, mèo đau quá, bèn kêu “méo” một tiếng rồi chạy đi. Anh ta cười lớn vì vừa gạt được cô chủ!
 
Đây là một trong những chuyện tiếu lâm vô duyên, không chút trí tuệ trong hàng trăm chuyện tiếu lâm vô duyên, không trí tuệ khác. Biết vậy, nhưng chúng tôi cố ý đăng lên để nhấn mạnh rằng, cái khôn lỏi của người Việt Nam lúc nào cũng tiềm ẩn trong đầu minh: Chuyện Cống Quỳnh, chuyện Ba Giai Tú Xuất đã chứng minh điều đó!
 
5. Thành ngữ, tục ngữ về con mèo có khá nhiều; đây chỉ là bài phiếm luận 氾論, nói chuyện trên trời dưới đất cho vui, nên chúng tôi chỉ nêu vài câu mà mình cảm thấy ưng ý để hầu quý bạn (không theo thứ tự ABC, và chỉ giải thích câu nào mà có lời giải thích khác):
 
 “Mèo khóc chuột”; “Mèo lành chẳng ở mả, ả lành chẳng ở hàng cơm” (chỉ người phụ nữ hư đốn); “Buộc cổ mèo, treo cổ chó” (chỉ kẻ keo kiệt, bủn xỉn); “Chuột gặm chân mèo” (như “Mò dái ngựa”, “Vuốt râu cọp”); “Hùm mất hưu hơn mèo mất thịt”; “Đá mèo quèo chó” (như “Giận cá chém thớt”); “Mèo mù vớ cá rán” (tương đương với “Chuột sa hũ nếp”); “Mèo tha miếng thịt thì đòi, Hùm tha con lợn chẳng ai la rầy”; “Chuột cắn dây buộc mèo”; “Rửa mặt như mèo” (cẩu thả); “Mèo lại hoàn mèo”; “Mèo đàng chó điếm”; “Mèo hoang gặp chó hoang” (như “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”); “Mèo ra cửa, chuột xướng ca” (tương đương với “Vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm”/ có nhiều dị bản); “Sắc nanh chuột dễ cắn cổ mèo” (dù là kẻ yếu,  như nếu có mưu và phương tiện tốt thì cũng thắng được kẻ mạnh); “Chó treo mèo đậy”; “Chẳng biết mèo nào cắn mỉu nào”;“Mèo già khóc chuột”;…

Trước thềm năm mới, kính chúc quý bạn an khang, và nhất là được… “con mèo” như ý!


  Trở lại chuyên mục của : Kha Tiệm Ly