KHA TIỆM LY


Tản Mạn Về Một Mỹ Tho Xưa

Theo đà phát triển của đất nước, TP Mỹ Tho cũng từng bước đi lên, vì thế bộ mặt bên ngoài cũng do đó mà thay đổi rất nhiều. Và như một qui luật, những gì cũ kĩ cũng phải bị đào thải qua thời gian…

Tuy nhiên, về một “Mỹ Tho xưa”, có lẽ vẫn còn là một hình bóng êm đẹp với nhiều người lớn tuổi mà họ thường nhắc nó với niềm thân thương trong những buổi trà dư tửu hậu.

Chúng tôi nói “xưa”, là lấy mốc thời gian chừng sáu bảy chục năm trở lại đây; những gì xưa hơn, khoảng hai ba thế kỉ trước (như Mỹ Tho Đại Phố chẳng hạn), thì xin hẹn dịp khác.

Điều làm bộ mặt Mỹ Tho thay đổi rõ ràng là lượng xe cộ quá đông và đường phố khang trang rộng rãi, hàng quán rộ lên rất nhiều so với trước kia

Mỹ Tho hồi ấy ít xe lắm, mà đa số là xe đạp, công chức, thầy cô giáo cũng không mấy người có xe gắn máy, còn học sinh thì trăm phần trăm đi xe đạp. Đến năm 66, dù xe honda đã vào nước ta nhưng đường phố cũng chẳng sung túc bao nhiêu. Chỉ có những giờ cao điểm là lúc tan trường, tan sở thì ngoài đường khá nhộn nhịp đôi chút, nhưng chỉ tập trung ở ngã tư Lê Lợi - Đinh Bộ Lĩnh. Ngã tư nầy có biệt danh là “chim bay cò bay”, cụm từ nầy mô tả thủ hiệu của chú cảnh sát đứng trên “lồng cu” làm nhiệm vụ điều khiển lượng xe qua lại.

Xe gắn máy ít nên cả thành phố chỉ có mấy cây xăng. Đó là cây xăng Hồng Vũ tại bến đò Hồng Vũ, cây xăng Năm Nồi tại khu vực Năm Nồi, một cây xăng ở trên chợ Vòng Nhỏ và một cây xăng tại bùng binh chợ Thạnh Trị cũ. Cây xăng nầy dẹp trước năm 60, nhưng địa danh “Ngã tư Cây Xăng” vẫn tồn tại đến năm 75, và cho đến nay vẫn còn người nhắc đến. Sau đó có cây xăng tại Ty Cấp Thoát Nước (giờ cây xăng nầy cũng không còn)

Đường xá thì chỉ có Đại Lộ Hùng Vương và đường Gia Long (nay là 30-4) là rộng rãi và sạch sẽ nhất, còn hầu hết thì loang lổ, long chong

Hai bên đường đa số được trồng cây me chua, nhất là đại lộ Hùng Vương và đại lộ Lê Lợi (xưa dùng từ đại lộ). Khoảng đường từ “chim bay có bay” đến đường Gia Long có lẽ là đoạn đường đẹp nhất, thơ mộng và êm ả nhất, nhờ hai hàng me cổ thụ hai bên phủ bóng mát rượi, lại ít xe cộ nên yên tịnh, và nhất là rất sạch, vì khu nầy là nơi tập trung của các cơ quan, nhà ở của công chức nên không có rác sinh hoạt tràn ra đường.

Trồng me hai bên đường có nhiều cái lợi. Thứ nhất là rễ me ăm sâu xuống đất nên chống chọi được bão giông, thứ hai là có nguồn thu nhập cho nhà nước, và kế nữa, theo chúng tôi, là được… lượm me chín để ăn, và cho mẹ nấu canh chua!

Mùa me chín bắt đầu từ gần tết cho tới gần sa mưa. Cứ sau một cơn gió là me rụng lộp bộp trên đường. Me nhiều, nhưng “đoàn quân…hái lượm” cũng không ít, vả lại đâu phải lúc náo cũng có gió mạnh, nên mỗi đứa lượm cũng chẳng được bao nhiêu. Để chủ động, chúng tôi đem theo một khúc củi (lúc đó chưa xài gas), hoặc ná thun; coi chùm nào ưng ý thì phang hay bắn lên. Chiến thuật nầy hiệu quả vô song, nhưng không may tổ trát, gặp mấy chú cảnh sát thì “vũ khí” sẽ bị tịch thu, có khi bị xách lỗ tay dọa đem về bót, hay nặng hơn là bị mấy cái bốp tay nháng lửa!

Đại lộ Lê Lợi là khu vực chợ nên có lượng xe nhiều nhất , kế đó là Đinh Bộ Lĩnh nối liền với Thủ Khoa Huân, vì lượng xe từ hướng Gò Công đi lên, và từ mọi miền đổ xuống đều phải qua ngõ duy nhất là Cầu Quây. 

Dù ở trung tâm thành phố nhưng những con đường như Huỳnh Tịnh Của, Huyện Toại, Trương Định, và khúc đường Alexandre de Rhodes (giờ là Nguyễn Tri Phương), từ Đài Chiến Sĩ (vị trí ngay đầu cầu Hùng Vương) chạy dài cho đến trại Nguyễn Văn Mua (nay là Cục Thuế TP) lại vắng hoe, có người ở Mỹ Tho từ nhỏ nhưng cả … 20 năm cũng không có dịp đến những con đường nầy!

Đường Trần Hoàng Quân (giờ là Tết Mậu Thân), đường Yersin nằm dọc theo hai bên giếng nước có người “cả đời không đi tới” bởi ai cũng ngại sự lầy lội, dơ bẩn của nó.

“Đất Thánh Tây” là khu vực từ đường Vòng Nhỏ (nay là Trẩn Hưng Đạo) chạy dài đến Cầu Dầu lại càng thưa thớt, lên xa hơn nữa là chợ Đồng Xanh rồi đến Quan Âm Tu Viện thì hai bên cỏ mọc um tùm, còn mang dáng dấp miệt vườn.

Câu hỏi lí thú: Có dường Vòng Nhỏ, tất phải có đường Vòng Lớn, vậy nó nằm ở đâu? Xin thưa, đó là con đường từ chợ Cầu Cống đến đầu cầu Rạch Miễu, con đường nầy có tên là lộ Vòng Lớn, sau đổi là lộ Bờ Dừa, và nay là QL 60 (người ở Mỹ Tho “hàng tám, hàng chín” mới biết điều nầy!)

Tịnh xá Ngọc Tường hồi mới thành lập nó nằm giữa ruộng, xung quanh không hề có nhà cư dân. Từ đó trở lên Cầu Sắt, đến năm 62, 63 hai bên đường còn là đồng lúa xen kẻ với những rặng trâm bầu và lau sậy, cỏ dại um tùm. Ban đêm ếch nhái ểnh ương cùng hòa lên khúc nhạc ma quái não nùng!. Mãi cho tới mấy năm sau 1975, con đường nầy vẫn còn tối thui như thuở trước, nó có biệt danh là “Xa lộ không đèn”. Người “yếu bóng vía” phải lạnh giò khi có dịp buộc phải đi qua..

Đường Trưng Trắc từ Cầu Quay đến cây xăng Hồng Vũ là đoạn đường sầm uất nhất của thành phố, bởi đó là khu của chợ cá, chợ rau, chợ gà vịt, chợ miệt vườn; lại là nơi tập trung nhiều đại lý bánh kẹo, tạp hóa,… cho các vùng xa. Nhưng đến 18, 19 giờ thị lại vắng tanh theo qui luật “chợ về chiều”; bù lại, đoạn đường từ Cầu Quay kéo dài đến Vườn Hoa Lạc Hồng (nay là CV Thủ Khoa Huân) vào thời điểm nầy lại vô cùng náo nhiệt nhờ một dãy bar nằm cặp bờ sông bán đủ loại thức ăn, thức uống. Nổi tiếng nhất là A Lục (hủ tiếu), Việt Hải, Xừng Ký (cơm), Hương Duyên, Duyên Thắm (kem). Đến năm 65, 66, để đáp ứng nhu cầu cho quân viễn chinh, khu vực nầy lại mọc thêm những “sờ nách” bar ở cuối dãy với những tiếp viên ăn mặc thật ‘nghèo” (thiếu vải), môi mồng đỏ choét, uống bia như rồng hút nước và nói tiếng Anh… bồi như gió!

Có những con đường, hay những địa danh nổi tiếng mà đến nay người ta vẫn còn dùng hay vẫn nằm sâu trong tiềm thức, dù những chỗ ấy giờ không còn một tàn tích nào của một thời vang bóng. Đó là Bót Số Tám ( vị trí ngay Y Tế Dự Phòng); Đoạn đường Trần Hoàng Quân (nay là Tết Mậu Thân) từ khu vực Thư Viên Tỉnh cho đến gần Sân Bay (Hồ Tắm bây giờ) là đoạn đường có những cây còng cổ thụ vì thế nên đoạn đường nầy có biệt danh là Đường Hàng Còng, hay Xóm Hàng Còng. Đó là Ngã Tư Quốc Tế, giao lộ của Đinh Bộ Lĩnh – Trịnh Hoài Đức. Đó là Năm Nồi, (khu Năm nồi bây giờ). Ba địa danh nầy nổi tiếng là tụ điểm bát nháo của giới “chị em ta”.

Ngoài ra còn có Bến Tắm Ngựa, Ngã Ba Sở Rác, (giao lộ Ta Thu Thâu – Đinh Bộ Lĩnh), “Chim Bay Cò Bay”, Cây Xăng (như đã dẫn trên). Đó là Trại Giam, từ để chỉ Trung Tâm Cải Huấn cũ, nằm ngay vị trí nhà hàng Sông Tiền bây giờ. Đó là Hãng Xáng, chỉ địa điểm cuối đường Tết Mậu Thân hướng bờ sông ngày nay. Đó là Quân Tiếp Vụ, để chỉ khu vực Cây Xăng số 9…

TP Mỹ Tho thời trước có ba rạp hát đó là Hí viện Vĩnh Lợi chuyên chiếu phim Ấn Độ; tiền thân của rạp nầy là rạp cải lương của Thầy Năm Tú, rạp hát cải lương đầu tiên của miền nam. Sau 75, Hí viện Vĩnh Lợi được cãi tên là Tiền Giang. Rạp Định Tường, chuyên chiếu phim Tây, và Viễn Trường, không chuyên loại phim nào.

Tiền thân của rạp Viễn Trường, là rạp cải lương Huỳnh Kỳ của Bạch Công Tử. Sau tên Viễn Trường là Tân Viễn Trường. Năm 1980 lại đổi là Mỹ Tho (nhưng không ai gọi hai tên sau nầy). Sau một thời gian bị bỏ hoang, rạp Viễn Trường lại bị phá bỏ để xây dựng siêu thị Thành Nghĩa.

Than ôi! Rạp hát cũng như người nghệ sĩ đều phải trải qua những khúc đoạn trường!

Rạp Vĩnh Lợi và Viễn Trường có lợi thế là chứa được nhiều khán giả nên cũng là nơi mà các đoàn cải lương hay đại nhạc hội ghé thăm, cũng là nơi tụ tập của hàng mấy chục sòng bầu cua cá cọp trải dài trước rạp vào những ngày tết, đã làm cho không gian hai khu vực nầy càng thêm bát nháo, ồn ào.

Rạp Định Tường dù nhỏ, nhưng có lẽ lượng người coi đông nhất, và phần đông là dân “trí thức”, bởi phim luôn “phụ đề việt ngữ”, chứ không được “chuyển âm tại phim trường Mỹ Phương” như rạp Vĩnh Lợi, nên khán giả bình dân khó theo dõi được.

Vào những ngày chiếu phim hay như Benhur, OSS 117…thì rạp chỉ bán mỗi người hai vé (sợ mua nhiều mà tuồn ra chợ đen!). Hàng chục bàn tay luồn vào cái lỗ bán vé nhỏ xúi; khi cầm được vé, rút tay cũng trầy vi tróc… da tay! (sic). Ngày nay, lượng khán giả hai rạp nầy thật thê thảm!

Điều đặc biệt là TP mỹ Tho trước có nhiều trường tư thục từ sơ cấp đến trung học cấp 2, 3. Sơ cấp thì có Lễ Nghi Học Hiệu (gần trường Hoa văn Quảng Triệu) của bà Đốc Tiền , trường nầy nổi tiếng về kỉ luật và lễ phép, đặc biệt trường dạy cả “tiếng Tây” với những câu chào hỏi thông thường; và trường Quang Trung (ngã tư Chợ Cũ cũ). Trung học thì có Thiên Hộ Dương (phía sau Trường Nữ Tiểu Học, giờ là trường Tiểu Học Thủ Khoa Huân), trường Văn Hiến (đối diện Nữ Tiểu Học), Trường Chân Phúc Liêm (Gần cổng trước Khu Bảo Tàng Tỉnh bây giờ), Trường Hùng Vương (cuối Đại Lộ Hùng Vương), trường Phụ Huynh Học Sinh chỉ dạy từ 19 giờ mỗi ngày (đặt ngay trường Nữ Tiểu Học). Đặc biệt là trường tiểu học Trương Công Định, là một trường được xây dựng bằng gỗ tọa lạc tại khu vực Trung Tâm Văn Hóa Tỉnh bây giờ. Vào năm 60, trường nầy được đổi tên là trường trung h ọc Bán Công Trương Công Định . Đến năm 62, trường Bán Công Trương Công Định được dời về ngã tư Lý Thường Kiệt – Vòng Nhỏ (nay là Trần Hưng Đạo) và được đổi tên là trường Bán Công Mỹ Tho, là tiền thân của trường Trần Hưng Đạo ngày nay.

Về “trường Tàu” thì có hai trường: Một là trường Quãng Triệu , sau đổi là Việt Tú, hai là trường Đức Hạnh ở đường Phan Thanh Giản. Hai trường nầy giờ là trường tiểu học Nguyễn Trải và Trung Tâm Giáo Dục Thường xuyên

Đến bây giờ mà nếu nói ‘Nhà tôi ở Chợ Cũ” thì cũng nên nói thêm là Chợ Cũ cũ, hay Chợ Cũ… mới để người nghe khỏi thắc mắc, vì Chợ Cũ trước kia nó nằm từ ngã tư Đinh Bộ Lĩnh –Nguyễn Huỳnh Đức kéo dài khỏi miễu Kim Liên ( bây giờ gọi là chùa Kim Liên). Nhưng nếu nói “ngã tư Chợ Cũ”, phần đông người ta hiểu đó là ngã tư Chợ Cũ cũ!

Chợ Vòng Nhỏ cũng tương tự như vây, nó nằm ngay giao lộ Vòng Nhỏ - Ngô Tùng Châu (giờ là Lê Thị Hồng Gấm). Tên “Chợ Vòng Nhỏ cũ” chỉ được khai sanh khi Chợ Vòng Nhỏ mới ra đời. 

Cầu Bắc cũ nằm cuối đường Nguyễn Trung Long (nay là Nam Kì Khởi Nghĩa) cũng chịu số phận ấy.

Về chợ búa thì hầu như bớt đi về số lượng, nhưng sự sung túc thì hơn hẳn trước kia.
Chợ Hàng Bông một thời náo nhiệt, phải bị giải tỏa đi để xây Trung Tâm Thương Mại, thường gọi là “siêu thị lớn” với sức mua èo uột đáng thương!

Chợ Đồng Xanh vốn là “chợ không người nhóm”, đã bị phá đi để làm Cầu Bắc Mới 

Nối liền hai bờ đông tây của sông Bảo Định chỉ có Cầu Quây đã có từ hơn trăm năm trước (1895). Vào thập niên 60, nhóm tư nhân người Hoa mới lập thêm một Cầu Sắt nối liền từ Hoàng Hoa Thám đến bến đò Hồng Vũ. Sau 75, không biết lí do gì, cầu bị dở bỏ, để ít lâu sau, cầu Nguyễn Trải được thành lâp. 
Trước kia phía bắc đại lộ Hùng Vương được kết thúc bằng Đài Chiến Sĩ, và phía kia bờ Bảo Định là vườn tược sum suê. Năm 2005, cầu Hùng Vương được thành lập để nối hai bờ.

Lớp trẻ ngày nay đâu ai ngờ rằng tại thành phố mình từ năm 1885 đã có xe lửa chạy ngày hai chuyền Saigon – Mỹ Tho mà nhà ga ngay tượng đài Thủ Khoa Huân hiên tại, cho mãi đến năm 1958 mới hết sử dụng; và một Hãng Xáng qui mô nhất Đông Nam Á chiếm một diện tích rộng lớn bao gồm các đường Tết Mậu Thân, qua Lý Thường Kiệt, qua Nam Kì Khởi Nghĩa, và cạnh kia là sông Tiền. 

Thành phố Mỹ tho ngày trước có ba công viên: Công viên Cầu Tàu nằm ngay vị trí Chợ Đêm bây giờ - chỗ Nhà Hàng nổi; công viên Dân Chủ, ngay vị trí Cung Thiếu Nhi (mặt đường Hùng Vương), Nhưng lớn nhất vẫn là Vườn Hoa Lạc Hồng, nay là công viên Thủ Khoa Huân.

Chợ hoa ngày trước tập trung tại công viên Dân Chủ và tại xóm Hàng Còng, với số lượng hoa khiêm tốn hơn ngày nay rất nhiều.

Cũng nên nhắc lại, từ năm 1900 có một lò gạch của ông Bang chủ người Phúc Kiến, mà nghệ sĩ Phùng Há đã từng là nhân công cho lò gạch nầy. Đến năm 1958, nhà nước cho giải tỏa đền bù để thành lập Bến Xe Mỹ Tho. Vị trí lò gạch nầy là chơ Thạnh Trị ngày nay.

Nói về Mỹ Tho xưa mà không nói về những di tích kiến trúc cổ thì e thiếu sót. Nằm trên đầu đường 30 tháng 4 có một Bungalow , đó là một loại nhà hàng khách sạn dành cho người Pháp, nay là nhà sách Tổng Hợp; kế đó là dinh Tỉnh Trưởng cùng Tòa Hành Chánh chế độ cũ, nay đã bị phá bỏ thay vào đó là UBND Tỉnh. Sát bờ sông có Câu Lạc Bộ Người Pháp. Sở dĩ có từ “Người Pháp” là để phân biệt với Câu Lạc Bộ Ngưới An Nam (Cerle Anamite).Trước 75, CLB Người Pháp được dùng làm căn cứ hải quân; sau 75, được chuyển thành hệ thống nhà hàng khách sạn Chương Dương. Còn CLB An Nam đã bị đập bỏ để xây dựng Công Đoàn Tỉnh. 

Tháp Nước bằng sắt tại Ty Cấp Thoát Nước nằm gần Cầu Bắc cũ có tuổi đời độ 120 năm, về sau vì nhu cầu, người Pháp lại xây thêm một tháp nước bằng Pê tông cốt sắt kế bên. Đây có lẽ là công trình cao nhất thời bấy giờ. Nhà máy nước được dời đi như kế hoạch: Chúng cũng bị khai tử như số phận những di tích xưa!

Trên đường Lê Thị Hồng Gấm có biệt thự của Đốc Phủ Lượng, là một tòa nhà lớn, có lầu, chiếm một không gian rộng lớn, hồi nhỏ chúng tôi gọi là “biệt thự kinh hoàng” vì nằm trên một khu đất hoang vắng (cách nay 6, 7 chục năm), cộng vào nét cổ kính nên nó nên nhuộm đầy màu sắc Liêu Trai! Tiếc thay nay đã bị phá bỏ để xây dựng Đài PT và Truyền Hình.

Trên đường Đinh Bộ Lĩnh có nhà của Bạch Công Tử nằm cạnh rạp Hát Viễn Trường (nay vẫn còn).

Trên đường Lê Lợi thì có Ủy Ban Hành Chánh Xã Điều Hòa, nghe nói đây cũng là nhà của Bạch Công Tử trước kia (?), ngôi nhà nầy cũng bị phá bỏ để xây Trung Tâm Thương Mại, thường gọi là “Siêu Thị Lớn”

Gần góc đường Nguyễn Trải, có biệt thự của Lê Văn Đức (quốc tịch Pháp), sau bán lại cho Đốc PhủTiên. Tiên lại nhường lại cho con rể là Bác sĩ Nguyễn Kiểng Bá, sau Bá lại nhường cho con rể là Bác sĩ Trần Quang Minh. Thời Nguyễn Kiểng Bá, khu vực biệt thự nầy biến thành một bệnh viện tư, thường gọi là “Bệnh viện Ông Bá”. Sau năm 1975, ngôi biệt thự nầy lại được phá bỏ để làm Nhà Văn Hóa Thành Phố

Tới chút nữa, tại góc đường Phan Hiển Đạo lại có ngôi biệt thự của Đốc Phủ Lộc, thường gọi là Bá Hộ Lộc (nay vẫn còn).

Đường Hùng Vương thì nào là Nhà Thương Lớn (bệnh viện Đa Khoa bây giờ), bệnh viện Sản khoa, BCH Quân Sự Tỉnh, Nào là trường Nguyễn Đình Chiểu với những dãy phòng học cũ kĩ và nhà của đốc học cổ kính đã được xây dựng từ năm 1879. Nào là Viện Dưỡng Lão (vị trí ở tại trường mầm non Lê Thị Hồng Gấm)…

Những kiến trúc về nhà ở, kĩ sư Pháp xây dựng theo lối “kiến trúc thuộc địa” (style colonial), tường luôn xây bốn mươi, có nhiều nóc, có mái vòm. Quanh năm đều ấm áp. Tiếc thay những công trình kiến trúc cổ kính, vừa có giá trị thẫm mĩ, vừa có giá trị lịch sử như vậy, phần lớn lại bị phá bỏ hay cắt xén thật thảm thương!

Thay lời kết: TP Mỹ Tho xưa rất còn nhiều điều cần phải nói thêm, nhưng khuôn khổ báo có hạn nên đành hẹn một dịp khác chúng tôi sẽ trình bày chi tiết hơn. Bài nầy, đa phần là viết theo lời của những bậc trưởng bồi kể lại, cộng vào một chút ít tư liêu, nhưng chủ yếu là viết theo kí ức và sự hiểu biết hạn hẹp của mình, vì thế chúng tôi không khỏi vấp nhiều sơ sót. Nhưng với tấm lòng yêu nơi đã nuôi mình khôn lớn, và để mừng ngày TP được tròn 333 tuổi, chúng tôi đành mạo muội góp phần. Kính mong các đấng cao niên, các bậc trí giả vui lòng lượng thứ những khiếm khuyết ngoài ý muốn, cũng như vui lòng chỉ bảo thêm. Đó là nguyện vọng của chúng tôi.



  Trở lại chuyên mục của : Kha Tiệm Ly