LA NGẠC THỤY

Cầu Quan

Người sống ở quê, có thể bắt đầu từ con đường mòn, ngoằn ngoèo uốn lượn loanh quanh ngõ xóm, cánh đồng trước nhà mênh mông cánh diều sau mùa thu hoạch, và đụn khói um rơm, tuổi thơ lóng ngóng nướng củ mì… còn người dân thị xã bắt đầu từ cầu Quan, là ký ức miên man từ thuở mẹ cha gồng gánh qua cầu trên đôi quang gánh; là nỗi nhớ đeo mang cho một đời người.
Tôi không bao giờ quên, mỗi khi đổ dốc, nắng sớm chấp chóa sau lưng và chiếc cầu ba nhịp lấp lánh trước mắt vắt ngang đôi bờ dốc, phố. Mùi nước lững mũi từ người quăng chài giữa lòng sông sóng vừa chao động, đượm trong tôi mùi cá lòng tong kho quéo mặn mà. Tôi càng nhớ những buổi chiều hè, tắm trong gió lộng, nằm ngữa trên nóc ghe mười, neo cạnh cầu Quan chờ chuyển hàng về xuôi ngắm con diều biếc lượn lờ trên bầu trời xanh... Thời ấy, cầu Quan chính là bến quê mỗi khi theo ghe mang hàng từ chợ thị xã xuôi về miền Tây. Cầu Quan quanh năm nhộn nhịp tiếng xe ngựa, xôn xao tiếng rao hàng, trả giá bán mua, hòa lẫn tiếng vung chài, gõ nhịp lưới cá như điệp khúc ngàn năm của một bến quê. Cầu Quan chính là niềm tự hào của người dân Tây Ninh.
Cầu Quan Tây Ninh là nắng, là gió, là sông nước hun đúc nên khí chất của người dân bán trung du rất kiên cường và bất khuất, chịu đựng gian lao với thiên nhiên khắc nghiệt để mưu sinh giữa “cá nước, chim trời” tạo bản sắc riêng.
Cầu Quan mãi mãi là niềm tự hào của người dân Tây Ninh khắc sâu vào ký ức nên những nhà lãnh đạo vẫn chủ trương giữ dáng dấp chiếc cầu như xưa, dù đang đập phá và tiến hành xây mới rộng và bề thế hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị. Giữa nắng gió mặn mòi của dòng rạch và không gian cầu sẽ thoáng đãng hơn, tôi sẽ hít thở thật sâu, đứng giữa chiếc cầu sau khi xây xong, dõi nhìn lên hướng bắc nhìn ngọn núi Bà Đen úp nón mây trắng lừng lững giữa trời mà nghiêng nghiêng ánh mắt tự hào.
Trong thời buổi đô thị hóa, có thể một số người bỗng quên mất tuổi thơ đầy ắp những kỷ niệm êm đềm của một bến quê hương. Đối với tuổi thơ, có thể chúng sẽ hờ hững trước sự kiện chiếc cầu bị đập phá, xây mới. Hy vọng chiếc cầu mới sẽ vẫn lưu giữ trong lòng người dân Tây Ninh dáng cầu xưa. Chiếc cầu ấy, dòng rạch này, đã hàng trăm năm qua đã ghi khắc trong lòng mỗi người một bến quê. Dù đi xa, bao lâu đi nữa cầu Quan vẫn là nơi neo đậu tình người.
Những ngày cuối tháng giêng, đứng nhìn dốc và phố đã cách ngăn, tự dưng đau đáu một nỗi niềm khó tả; bao kỷ niệm ngày xưa bỗng chốc quay về. Đường phố Gia Long xưa đã mất dần những căn phố cổ. Con đường đã rộng hơn, bán buôn tấp nập hơn và chiếc cầu sẽ nối lại hai bờ …Dường như môi ươm vị mặn, nhớ mùi vị của cá lòng tong kho năm nào dưới chân cầu Quan đã trở thành nỗi nhớ khôn nguôi.




 
  Trở lại chuyên mục của : La Ngạc Thụy