LA NGẠC THỤY
 
Những Mảnh Đời Gian Truân 
Bút ký
 
 
Chợ thị xã Tây Ninh, mới 4 giờ sáng mà đã thấy có người đến mua bán. Người bán là những nông dân từ các xã ven thị xã, đa số ở huyện Châu Thành. Họ bán đủ thứ nông sản: rau quả, hoa tươi, gà vịt … những thứ mà tự họ sản xuất, nuôi trồng. Có cả những người bán vé số. Bà Mãi, hàng chục năm qua bám trụ chợ này, tại một góc phố trước nhà lồng chợ đón mua hàng rồi bày bán lại ngay tại đây từ nửa đêm đến 8 giờ đêm hàng ngày. “Vựa” hàng của bà là một tấm vải mủ trắng đã úa vàng la liệt với đủ loại rau quả. Hơn 50 năm qua, cuộc mưu sinh của bà cứ thế chầm chậm trôi qua. Có ai biết được góc “vựa” hàng của bà đã nuôi các con khôn lớn, có người đã thành đạt, tốt nghiệp đại học hẳn hoi. Thế nhưng bà vẫn bám trụ nơi này. “Quen rồi. Nghỉ ở nhà buồn lắm chú ơi”. Rồi bà tặc lưỡi: “Chắc cũng phải nghỉ thôi. Mấy đứa con cứ “cằn nhằn” mãi. Nhưng bây giờ thì chưa ”. Nhìn bà cân hàng, tính tiền, trả tiền vẫn còn nhanh nhẹn, sành sõi dù tuổi đã gần 70, khiến tôi liên tưởng đến một ngày không còn bóng dáng bà ở đây, góc chợ này chắc còn nhiều khách hàng quen nhớ đến bà?
Bà Mãi hướng mắt về ánh đèn xe từ ngã xã Thanh Điền rẽ vào chợ, bà đứng lên, vội vả đón chiếc xe chở đầy giỏ khổ qua. Một phụ nữ dáng lam lũ, bước xuống chưa kịp gạt chống xe, bà Mãi đã đon đả: “Bửa nay” sao mày xuống trể vậy? Thằng chồng mày lại say sỉn nữa à? Rõ khổ. – Thì ngày nào “ảnh” chẳng vậy. Thôi cân nhanh lên thiếm, con còn phải chở thêm chuyến nữa. Bà Mãi nhìn theo chiếc xe Honda 67 mang người phụ nữ rời “vựa”. Bà tặc lưỡi theo: Tội nghiệp con nhỏ, giỏi giang thế mà có thằng chồng “vô tích sự”. Không hiểu bà tặc lưỡi cho thân phận của người phụ nữ hay chính bản thân bà?
Bà Mãi vẫn không ngơi tay sắp soạn những thứ mua được và sẵn sàng “sang tay” cho những tiểu thương khác. Bà cho biết, năm nào cũng vậy, dù mưa gió nhưng chợ vẫn đón nhận thêm một số phụ nữ buôn bán “bất đắc dĩ”. Ngoài những tiểu thương có quán tạp hóa ở các xã nông thôn, nhưng vào tháng này có cả những mẹ, những chị đến đây chỉ với vốn liếng là chiếc xe đạp hoặc đôi quang gánh cùng vài trăm nghìn đồng, khá hơn là những chị có xe đẩy, họ mua rau quả, thịt cá tại đây rồi tỏa đi các phố bán lẻ. Chị Thu, đang đứng trả giá thúng cải bẹ quăn với một người đàn ông đứng tuổi vừa mới chở ra bằng xe đạp. Chị kỳ kèo thật lâu mới mua được. Chị nói: Không phải dễ mua đâu chú ơi! Những nhà trồng nhiều thương lái đến tận vườn mua hết rồi. Đây là những người trồng ít, mỗi ngày chở một mớ đi bán. Mua tại chợ giá có “mắc” hơn, nhưng vốn ít đành chịu vậy. Nhà tôi ở Cầy Xiêng, không ruộng đất, ai mướn gì làm nấy, tháng này ở nông thôn chưa vào vụ thu hoạch, lại sắp đến tựu trường nên ra chợ mua hàng đi bán dạo, kiếm chút tiền để mua sắm quần áo, tập vở cho mấy đứa con. Mua bán thế này không cần nhiều vốn, lại cho thu nhập hàng ngày nên dễ tích cóp. Nhưng kiếm tiền cũng không đơn giản, ngày nào cũng phải chịu khó thức từ sáng sớm đến chợ mua hàng rồi chở đi bán lẻ, đến tối mịt với về.
Bán dạo thức ăn hàng ngày có thể nói đã trở thành một nghề, kể cả nghề bán hủ tiếu gõ. Xe hủ tiếu gõ cũng là một quầy hàng, có đầy đủ dụng cụ chế biến thức ăn, thau nước rửa tô, chén…kể cả ghế cho khách ngồi. Tuy nhiên, hũ tiếu gõ hiện nay ít người bán và chỉ bán vào ban đêm. Riêng ban ngày, vào sáng sớm cũng có người bán hủ tiếu dạo, nhưng không phải trên chiếc xe đẩy như hũ tiếu gõ mà trên chiếc xe đạp. Không hiểu những địa phương khác có ai bán như thế chưa? Nhưng ở ấp Hiệp Long, xã Hiệp Tân (Hòa Thành) có một người. Đó là cô Ánh và sống với nghề hơn 5 tháng qua. Nhìn dáng cô cũng khá đẫy đà, mỗi sáng đẩy chiếc xe đạp, phía sau yên xe ràng rịt một giỏ bội, trong giỏ là lò than, trên lò là chiếc nồi nước lèo, bên trong nồi có một ngăn nhỏ chứa nước trụng hủ tiếu. Phía trước giỏ xe là vài cái tô và các hủ đựng gia vị, rổ giá sống; trên ghi đong treo tòn ten bọc bánh mì chừng hơn 10 ổ. Vỏn vẹn chỉ có vậy cũng trở thành một quầy hàng bán hủ tiếu dạo. Vì chỉ bán trong xóm nơi cô ở, mỗi sáng bán vài chục tô, nên nước rửa tô chỉ cần vào một nhà quen nào đó rửa là xong. Trước đây cô Ánh bán hủ tiếu trước hiên một quán tạp hóa trong xóm, nhưng cũng chỉ có 2 cái bàn thấp và vài chiếc ghế mủ. Nhưng do xóm nghèo, đa số là người làm thuê sáng sớm đã đi làm, mà người bán bánh mì, xôi, bắp nấu trên xe đạp lại qua khá nhiều nên hủ tiếu ít người ăn, thường là huề vốn hoặc lỗ nên cô nghỉ bán hết vài tháng. Nhưng nghỉ mãi, mức thu nhập giảm thiểu cuộc sống gia đình rơi vào bữa đói, bữa no. Nên cô tìm cách khác. Người ta bán dạo bằng xe đạp, tại sao mình không thử bán hủ tiếu bằng xe đạp xem sao? Nghĩ là làm vì “cái đói” cứ bám đuổi cuộc sống gia đình cô. Nay gần đến ngày tựu trường, chiếc xe hủ tiếu dạo của cô nối dài đoạn đường hơn. Cô nói: có vất vả hơn, nhưng bán “được”, mỗi ngày vài chục tô, kiếm vài chục ngàn đồng sống qua ngày, so với trước không còn lo “ế” nữa, vì cứ đẩy xe đi bao giờ hết hàng mới về.

Những cảnh đời trên, dù sao họ cũng chọn được cho mình một nghề. Cũng có những phụ nữ không có được một nghề nhất định, chấp nhận đi làm thuê thời vụ. Ở nông thôn thì đi dẫy cỏ hoặc thu hoạch mì, mía … còn ở vùng thị trấn, thì tứ có chị đi làm việc nhà hoặc theo chân các công trình xây dựng, làm đường với những công việc phụ hồ, quét cát bụi trên những công trình thi công làm đường… Công việc tuy có nhẹ nhàng hơn cánh “đàn ông”, nhưng vẫn đòi hỏi phải có sức khỏe. Đặc biệt đối với những việc làm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Tôi từng trực tiếp chứng kiến cảnh quét đường của một số phụ nữ, trên đoạn đường từ Cửa Hoà Viện đến ngã ba xã Bàu Năng (Dương Minh Châu) đang khẩn trương thi công phần đường còn lại kịp trước tết Nguyên đán. Nhìn các chị, các cô đang quét cát trên phần đường chuẩn bị láng nhựa mà nghe xót xa. Mặt mũi tuy bịt kín bằng khẩu trang, nhưng bụi cát vẫn bốc lên mù mịt theo từng nhát chổi. Họ lẳng lặng làm việc bất chấp bụi cát kia có len lỏi vào lồng ngực hay hậu quả sau này vướng một căn bệnh nào đó. Còn ở những công trình xây dựng, nhất là những công trình do tư nhân thi công, có những chị người nhỏ thó, gầy gò mà vẫn vận chuyển xi măng, gạch cát nặng nhọc, chỉ trừ giờ nghỉ, còn lại cả ngày quần quật, thế nhưng thu nhập sau một ngày cật lực lao động cũng chỉ trên dưới 100 ngàn đồng.

Trên những con phố, những ngả đường xóm thôn, lác đác những bóng dáng nhỏ bé, xiêu vẹo cùng kiếp mưu sinh. Các em làm đủ thứ nghề có thể để có thêm bữa ăn no và đỡ đần cho gia đình quanh năm túng quẩn. Đa số chọn nghề bán vé số. Một số em đã bỏ học hẳn, nhưng cũng có em tranh thủ bán vào những buổi nghỉ. Những em bán buổi sáng thời gian nhiều hơn, thì thu nhập cao hơn những em tranh thủ bán buổi chiều. Hàng ngày mỗi em thu nhập được từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng tuỳ theo bán buổi sáng hay buổi chiều.
Trên lề đường Cách mạng tháng 8, bên ngoài tường rào nội ô Toà thánh nhiều người bày bán nhiều thứ vật dụng cá nhân: kính mắt, dây nịt da, bóp da … tháng cận tết có thêm những người bán tranh phong cảnh, hoa lan; có cả những chị mua gánh bán bưng nào ổi, mận, bắp nấu, chè … Hầu như họ chỉ bán cho khách đi đường nên thu nhập của họ cũng thất thường theo lượng người cần mua. Nhưng dù sao họ cũng có địa điểm cố định, ít vất vả hơn những người bán rong. Chứng kiến một bé gái tuổi khoảng 15, ngụ ở xã Ninh Sơn (thị xã Tây Ninh) hàng ngày, từ nhà em phải mang cái "quầy bách hóa" nặng trĩu bên vai, rong rủi khắp nơi rao bán từng cặp kính, cái ví..., cho đến cái que tăm, cái móc tai, có cả vài quyển sách bói toán. Ngày nào em cũng quanh quẩn khắp các ngã đường trong nội ô Toà thánh. Tỏ ra từng trải, em cho biết: "Gia đình cháu sống bằng nghề chằm nón lá nhưng thu nhập chẳng là bao. Được người quen hướng dẫn nghề này, em đi bán thử. Mới đầu chưa quen nghề, nhiều hôm bán không được hàng cháu buồn muốn khóc! Giờ thì sau nhiều năm trải nghiệm với nghề, cháu có nhiều cách để bán được hàng và  lời cũng được kha khá!". Khi tôi đang hỏi thăm hoàn cảnh của em, thì có một ông khách ghé vào hỏi mua một cặp mắt kính. Em ra giá 80.000 đồng, kèm theo lời giới thiệu về chất lượng món hàng. Nghe giọng chào hàng như... rót mật, kèm theo nụ cười tươi của cô bé, ông khách có thiện cảm, bèn trả giá cho có lệ... 70.000 đồng. Thế là em cười tươi như hoa, trao ngay cặp kính cho khách. Tôi nhẩm tính số tiền lời em kiếm từ cặp kính cũng được vài chục ngàn đồng!
Dường như không ai bảo ai, tất cả mọi người lao động đều rất tiết kiệm và họ tiết kiệm cho một mục đích có thêm chút tiền cho cuộc sống khá hơn... Chính vì thế, nhiều người vì mải miết mưu sinh, có nhiều người chẳng còn biết thời gian nghỉ ngơi, cứ hết hàng mới chịu trở về nhà.
Giá vàng tăng tốc, giá xăng leo thang, hàng tiêu dùng, thức ăn cần thiết cho cuộc sống theo quy luật cũng lăn bước theo khiến cho đời sống gia đình có mức thu nhập thấp ngày càng lao đao, khốn khó. Cuộc mưu sinh vì thế ngày càng vất vả hơn đối với mọi nhà. Những ngày tháng tám, trời ngày nào cũng buông những cơn mưa lớn báo hiệu những ngày hè sắp qua, đồng nghĩa mùa tựu trường sắp đến. nhu cầu đi học của con em thúc đẩy họ càng lao vào cuộc mưu sinh, đặc biệt là những phụ nữ gánh nặng trách nhiệm gia đình.
Đó là những góc khuất của cuộc sống và những phụ nữ chấp nhận thân phận khốn khó. Nét đẹp trong họ là quyết tâm vượt khó cho dù cái khó cứ mãi đeo đẳng.

 
 
  Trở lại chuyên mục của : La Ngạc Thụy