LA NGẠC THỤY


Nỗi Khoắc Khoải Trong Thơ Vĩnh Thuyên.
Qua Bài Thơ “Tôi Tìm Tôi” 
 

TÔI TÌM TÔI

Vĩnh Thuyên
 
Tôi tìm tôi
mệt nhoài không thấy
Ngày vật vờ
đêm ngủ trên non
Núi vẫn cao
suối rừng vẫn chảy
Chuyện xưa nay
được mất có còn

Dòng suối chạy
đi đâu em biết
Thương đời nhau
không biết đâu về
Đá nghin năm
có tên không tuổi
Có đau không
nước chảy đá mòn

Có buồn không
suối khô sông cạn
Nắng bên này
đồng cháy bên đây
Nước xa khơi
chất đầy nần nợ
Tôi thấy tôi
nửa giọt Trăng ngày
V.T

 
Lời bình của Kháng Ngôn (L.N.Th.):
 
Vĩnh Thuyên làm thơ từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Vậy mà đến nay đã hơn 40 năm giọng thơ của anh vẫn không thay đổi. Thơ Vĩnh Thuyên thường xuất hiện trên Wisite Đất Đứng (datdung.com), mỗi bài đều toát lên nỗi khoắc khoải về cuộc đời, cuộc tình nhưng lại mang nét đặc trưng riêng, không lẩn vào nhau. Đọc thơ Vĩnh Thuyên người đọc cũng khoắc khoải theo anh. Bài thơ “Tôi tìm tôi” là bài thơ mới nhất đăng trên trang thơ riêng của anh là sự chiêm nghiệm về cuộc đời mà anh viết để tặng cho một người bạn thân thiết cũng không thoát khỏi nỗi niềm khoắc khoải vốn là đặc sản của anh.

Tôi tìm tôi
Mệt nhoài không thấy.
.....
Chuyện xưa nay
được mất có còn

Tứ thơ thật lạ.
Trong đời người có ai tự tìm mình bao giờ. Thì không thấy cũng đúng thôi. Nhưng sự “không thấy” của anh chính là “nỗi khoắc khoải” trong suốt cuộc đời của chính mình, nên dù vật vờ hay tỉnh táo, dù đang ở đâu, làm gì thì chuyện xưa nay “được mất có còn” vẫn thế. Bởi được đó rồi mất đó, có còn hay không (?) “tôi vẫn là tôi”. Rất lạ. Lạ ở:

“chuyện xưa nay
Được mất có còn”.

Theo logic thì “được rồi mất, có rồi không”; chứ sao lại “có rồi còn”?! Lạ là đấy.
Còn nữa:

“Dòng suối chạy
đi đâu em biết”

Dòng suối chạy hay em chạy? Chạy đi đâu để biết nguồn suối? Sao suối không chảy? Vì suối chảy chỉ xuôi dòng, em phải chạy mới ngược dòng tìm nguồn. Gốc cuộc đời ở đâu? Ở nỗi khoắc khoải khi chưa tìm được cội. Vì “Thương đời nhau, không biết đâu về. Đá nghìn năm, có tên không tuổi. Có đau không, nước chảy đá mòn? Nếu viết thành câu văn xuôi như thế thì không có gì lạ. Lạ ở chỗ ngắt câu và không có dấu ngắt, biến khổ thơ mới thành “nỗi khoắc khoải” được.
Chưa hết:

“Có buồn không
suối khô sông cạn
Nắng bên này
đồng cháy bên đây
Nước xa khơi
chất đầy nần nợ”

Suối khô sông cạn? Nắng bên này, đồng lại cháy bên đây? Nước xa khơi, sao lại chất đầy nần nợ? Mâu thuẩn quá phải không? Mà còn hỏi “có buồn không”. Hỏi mà không có dấu chấm hỏi (?), vì sao nhỉ? Thủ thuật sử dụng câu cú của Vĩnh Thuyên chính là “nỗi khoắc khoải” của chính anh.
Và cuối cùng, anh cũng tìm được chính anh. Nhưng “tôi tìm được tôi” chỉ trong “nửa giọt Trăng ngày”. Trăng giữa ban ngày, mà chỉ nửa giọt thôi. Thì đúng là “khoắc khoải hay vô vọng?”
Vĩnh Thuyên sử dụng từ ngữ thật thô mộc, nhưng lại chở đầy chất “thiền”. Mới đọc lên nghe như “chuyện thường ngày ở huyện”. Thế nhưng lại mang “triết lý thật sâu xa”.
Tuy nhiên, quá tiếc bài thơ chưa thật sự trọn vẹn. Còn những câu

“Núi vẫn cao
Suối rừng vẫn chảy”

Quá bình thường với tứ thơ toàn bài.

Kháng Ngôn (L.N.Th.)


 
 
  Trở lại chuyên mục của : La Ngạc Thụy