LA NGẠC THỤY


 
Từ Đờn Ca Tài Tử đến Rạp Hát, Chiếu Bóng…
 
Người trong hẻm nhà lá, xóm chợ hay người trên phố chuyển mình thành thị dân, buổi đầu vẫn giữ những nghề kiếm sống từ lâu đời: nông nghiệp, thủ công nghiệp, buôn bán nhỏ… Rồi thương mại kinh doanh và các nghề dịch vụ phát triển. Bộ mặt thị tứ thay đổi không chỉ là đường phố, đèn điện, nhà cao tầng mà còn là gương mặt thị dân, điển hình là tầng lớp công chức (làm việc trong bộ máy quản lý của chính quyền hay những nghề như nhà giáo, bác sĩ, kỹ sư...). Tuy buổi đầu còn ít ỏi nhưng đó là tầng lớp học thức của thời đại mới. Trường học, bệnh viện, rồi thư viện, bảo tàng, báo chí, in ấn… những thiết chế văn hóa đô thị lần lượt xuất hiện và trở thành một phần không thể thiếu của đời sống thị tứ. Vậy nhưng đời sống tinh thần truyền thống vẫn như mạch nguồn trong lòng đất. Lễ kỳ yên ở đình hay cúng rằm, mùng một ở chùa được lưu truyền cho đến ngày nay.
 
Ánh sáng ngọn đèn điện ngoài đường phố hay nơi công cộng, và ánh sáng cây đèn dầu nhỏ trên bàn thờ ông bà trong mỗi gia đình là hai nguồn sáng góp phần tạo nên diện mạo thị tứ và thị dân buổi đầu khởi lập.
 
Nếu những bậc trí giả ngày xưa có bốn thú tiêu dao tao nhã là: cầm, kỳ, thi, họa thì từ đầu thế kỷ 20 người nông dân miền sông nước Cửu Long cũng bắt đầu biết đến một thú tiêu dao bình dị nhưng rất hàn lâm: Đờn ca tài tử. Đến hiện tại có thể nói rằng, Đờn ca tài tử là một bản sắc văn hóa độc đáo của người Nam bộ.
 
Có lẽ đờn ca tài tử ở Tây Ninh nằm trong ḍòng chảy của đờn ca tài tử Nam bộ được hình thành vào cuối thế kỷ 19 và phát triển mạnh vào những năm đầu thế kỷ 20 bắt nguồn từ nhã nhạc cung đình Huế và vốn quý nghệ thuật cổ truyền của quê hương mình theo người dân Ngũ Quảng vượt biển xuôi Nam kết hợp với người dân bản địa cũng có thú vui là hò đối đáp, ghẹo nhau trên đồng ruộng mỗi khi gieo mạ hay cắt lúa; hò trên sông, rạch khi chèo ghe vung chài, bơi xuồng thả lưới, giăng câu hay hò đêm trăng trong những lúc nông nhàn … bằng những điệu lý, dân ca tạo thành đờn ca tài tử. Sau này anh em Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang, Cao Quỳnh Diêu là những môn đệ đầu tiên của nghệ nhân Nguyễn Quang Đại (Tám Đợi) khi gia nhập giáo phái Cao Đài, trở thành chức sắc Thiên phong đã phổ biến đờn ca tài tử trong vùng và nâng lên thành nhạc lễ phục vụ trong các nghi lễ tôn giáo gọi là Lễ nhạc truyền bá rộng rãi cho tín đồ.
 
Như vậy, có thể nói đờn ca tài tử ở Tây Ninh do các môn sinh của nghệ nhân Nguyễn Quang Đại đặt nền móng đầu tiên, phát triển hầu hết tại các vùng miền trong tỉnh. Họ thường tập họp lại ca hát sau những ngày lao động vất vả, hình thành dần các nhóm sinh hoạt có tổ chức, nổi bật nhất là các nhóm ở Vên Vên, Bến Kéo, Bến Trường Đổi, Trường Đua, Hiệp Ninh... Thuở 13, 14 tuổi tôi rất mê nhóm đòn ca tài tử ở Trường Đua. Nơi đây có sự kết hợp của những người chân quê trên ruộng lúa với những ngư dân trên sông Vàm Cỏ Đông tạo thành nhóm đờn ca tài tử độc đáo. Ban đầu nhóm này chỉ có 3 người: ông Út Khái đờn được hai nhạc cụ là đờn kìm và đờn cò, anh Tư Pháo đờn guitar phím lõm và anh Bi hát vọng cổ. Vào những ngày nông nhàn hay những đêm trăng sáng nhóm này tụ họp tại nhà một lão nông gần bến nước, thường được ông chiêu đãi nồi cháo gà cùng vài xị rượu nếp than, bày trên tấm đệm lớn trải trước sân nhà để đờn ca. Bà con trong xóm rủ nhau đến thưởng thức, ngồi chung quanh. Họ cũng đóng góp vài bao thuốc lá hay bịt thuốc rê, bánh kẹo… Đặc biệt lũ trẻ con cũng quây quần, chộn rộn, háo hức chờ nghe và ăn ké cháo… sau chính lũ con nít này trở thành những hạt nhân đờn ca tài tử trong vùng. Thuở ấy tôi chỉ biết có nhóm này do gần nơi gia đình tôi cư trú.
 
Lớn lên một chút, có dịp đi nhiều nơi nhờ sở thích đi đây đi đó tôi mới hiểu phong trào đờn ca tài tử phổ biến khắp xóm thôn trong tỉnh. Đặc biệt ở xã An Tịnh có gia tộc họ Đỗ tài hoa, am hiểu nghệ thuật cổ truyền đã tiếp thu, nghiên cứu nhạc lễ, học bài bản tài tử Nam bộ… và trở thành những nghệ nhân nổi tiếng ở Tây Ninh đến tận ngày nay mà nghệ nhân ưu tú – soạn giả Đỗ Văn Trượng – Thanh Hiền, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Tây Ninh vẫn đang miệt mài truyền bá đờn ca tài tử cho thế hệ mai sau. Gia tộc họ Ðỗ truyền đời nối nghiệp tạo nên nhóm đờn ca tài tử lớn nhất Tây Ninh thời bấy giờ. Trảng Bàng cũng chính là nơi phát sinh ra nhiều nghệ sĩ cải lương cho quê hương Tây Ninh, nổi tiếng trên cả nước. Như vậy, dù sinh ra và trưởng thành từ nơi thôn dã, nhưng Đờn ca tài tử thật sự là một nghệ thuật mang tính hàn lâm. Tức là, không phải khi ca tài tử là muốn ca thế nào thì ca, mà rất có khuôn phép, bài bản. Người ca phải ca làm sao cho đúng nhịp, đúng dây đờn. Hơn thế nữa, người ca phải hiểu được nét tinh túy của các bài bản tài tử, đó là: mỗi bài bản tài tử đều có ý thể hiện một tâm trạng cụ thể, đó là “cái thần” của Đờn ca tài tử. Thuở còn con nít, không ai có thể quên tiếng trống, tiếng chập chỏa của đoàn mãi võ sơn đông diễn ảo thuật, xiếc khỉ, múa võ để bán cao đơn hoàn tán ở các chợ hoặc bên lề đường, khu đất trống đông dân cư. Nói  là đoàn cho oai chứ thật sự mỗi đoàn mãi võ chỉ năm ba người. Một hai người vừa biểu diễn võ thuật và vài trò ảo thuật “lẹ tay nhanh mắt”, có đoàn có vài con thú nhỏ như khỉ, chó diễn trò giúp vui để thu hút đám đông; một người đánh trống và phèng la đệm cho người múa võ và một hai người thường là trẻ con hai tay bưng tràng thuốc đi mời mọc khách hàng đang đứng chung quanh sau mỗi màn biểu diễn. Và có lẽ, ai cũng có một vài kỷ niệm nhớ đời qua đoàn mãi võ sơn đông này. Mỗi đoàn như thế đều có chiếc xe tải nhỏ. Tất cả thuốc men, dụng cụ biểu diễn và con người đều chất lên chiếc xe đó trở về nơi xuất phát hoặc chuyển đến các địa điểm khác, mỗi nơi họ biểu diễn vài ba ngày, khi bán hết thuốc mang theo hoặc người dân nơi đó sức mua đã giảm. Những đoàn này thường là của người Hoa ở Chợ Lớn, có nguồn gốc từ tỉnh Sơn Đông Trung Hoa chuyên bán thuốc lưu động, có lẽ từ đó họ gọi là đoàn mãi võ Sơn Đông. Riêng ở Tây Ninh, chắc không ai có thể quên đoàn mãi võ Năm Nghĩa cũng chuyên bán cao đơn hoàn tán ở khắp các chợ, xóm thôn trên đất Tây Ninh. Đây là những đoàn nhỏ ăn theo ở các chợ, có khi ở bên vệ đường đông dân cư, những nơi mà họ nhận định là có thể bán được. Và họ chỉ thường bán vào ban ngày. Tôi còn nhớ rất rõ có một đoàn cũng chuyên quảng cáo và bán thuốc gia truyền của các nhà thuốc Đại Từ Bi và Đào Nguyên, nhưng được tổ chức bài bản và qui mô hơn diễn vào ban đêm dưới ánh sáng của những chiếc đèn khí đá và đèn măng xông. Họ không diễn võ, ảo thuật hay xiếc thú mà họ diễn tuồng hẳn hoi với các trích đoạn cải lương của các đoàn hát lớn mà thường là các tuồng Trần Minh khố chuối, Lâm Sanh Xuân Nương hay Lục Vân Tiên… Nhà tôi lúc ấy ở gần ngã ba Mít Một, nên thỉnh thoảng được đi xem hát ngoài trời khi có đoàn đến diễn ở khoảng đất trống ở dốc Trường Ðua. Vào mỗi chiều khoảng 4 giờ, một chiếc xe lôi đạp chở theo một người đứng tuổi chạy từ đầu làng đến cuối xóm phát loa để mời bà con đến xem hát chơi bằng chiếc loa tay. Ðêm đến, dưới ánh đèn măng xông, khán giả thường là đàn bà, con nít, đàn ông cũng có nhưng rất ít. Người lớn thì mang theo ghế một, ngồi vắt chân chữ ngũ thoải mái, người không có ghế thì ngồi bệt hoặc chồm hổm dưới chiếc đệm con trải dưới đất cùng lũ con nít, choai choai quay vòng tròn cạnh bên chiếc bàn bày các loại thuốc “cao đơn hoàn tán” trị bá bệnh: ho, nhức đầu, xổ mũi, đau bụng, nhức mõi tay chân… có cả thuốc dưỡng thai. Sau khi diễn một trích đoạn, nhân viên đoàn đi vòng quanh mời chào bà con mua thuốc vừa trị bệnh vừa ủng hộ. Vài đêm đầu bà con còn mua thuốc, có đêm bán ế quá, đoàn bày ra chiêu trò diễn một trích đoạn thương tâm nhất trong tuồng Lâm Sanh Xuân Nương với cảnh Xuân Nương tay dắt mẹ đi lòng vòng, vừa ca vừa đưa chiếc nón rách ra xin tiền bố thí, lay động lòng nhân hậu, từ bi của khán giả. Nhiều người quá xúc động rộng tay móc tiền bỏ vào chiếc nón. Ðêm nay diễn tuồng Lâm Sanh Xuân Nương, thì đêm mai diễn tuồng Trần Minh Khố chuối… dù tuồng nào có hay không cảnh xin ăn thì họ cũng hát cương để moi tiền. Tôi còn nhớ như in, bà Năm bán mắm đã móc ra tờ giấy bạc 1 đồng in hình người đàn bà gánh gánh, xé đôi bỏ vào nón, còn phân nửa giấy bạc bà bỏ lại vào túi áo nói chừa lại đêm mai có bố thí tiếp. Thời ấy nếu người bán không có tiền thối lại, họ xé đôi tờ giấy bạc để thối, nhưng tờ bạc bị xé ra vẫn có giá trị. Tình cảm nồng hậu, chân tình của bà con dành cho gánh hát nghèo, sống cảnh “gạo chợ, nước sông” thật sâu đậm làm sao!
 
Giai đoạn này Tây Ninh chưa có rạp với sân khấu đúng qui cách dành riêng cho các gánh hát cải lương, thế nhưng vẫn có nhiều gánh hát nhỏ, loại gánh hát “Bầu tèo” sống kiếp tằm phải trả nợ tơ trong cuộc đời gạo chợ nước sông dù thành kiến “xướng ca vô loài” vẫn đè nặng tâm trí người dân, họ đến Tây Ninh biểu diễn vẫn được bà con bình dân đi xem rất đông. Do vậy các gánh hát “thường thường bậc trung” này hay đến là vậy. Và các gánh này thường diễn ở các nhà lồng chợ như chợ Thương Binh, chợ Mít Một… Gần Bộng Dầu có rạp Nguyễn Văn Hảo, là một rạp chiếu bóng cột gỗ, vách ván, mái lợp tôn, nhưng nếu có gánh hát cải lương nào muốn diễn ở đây, chủ rạp cũng sẵn sàng ngưng chiếu cho thuê với giá phải chăng. Trong cuộc đời có hai gánh hát ghi đậm trong ký ức tôi là gánh Điều Viên hát ở nhà lồng chợ cũ Long Hoa và gánh Mộng Vân hát ở nhà lồng chợ Mít Một với nhiều đào kép nổi tiếng, và bám trụ khá lâu ở hai địa điểm trên.
 
Khi chợ mới Long Hoa được xây cất xong và đi vào hoạt động, nhà lồng chợ cũ được gánh hát Điều Viên bám trụ để biểu diễn. Gánh Điều Viên lưu diễn khắp nơi trên chiếc ghe mười, khi đến Tây Ninh lần tìm nơi diễn. Nhà lồng chợ được che chắn bằng bồ tre và tôn cũ. Sân khấu được kê bằng những bộ ván gỗ do bà con mê cải lương thương tình cho mượn. Gánh hát cũng tậu được một máy phát điện, công suất nhỏ nên chỉ dành riêng phục vụ âm thanh. Ánh sáng là những chiếc đèn măng xông. Phía trước sân khấu thiết kế một chiếc thùng có ba khung giấy kiếng màu vàng, xanh, đỏ có dây kéo lên xuống để khi người diễn xuống câu vọng cổ hay có tình huống bi thương, sẽ thay màu cho sân khấu trở nên lung linh, phù hợp với tình huống diễn ra trên sân khấu hơn. Nói chung, đoàn hát chỉ có phông màn cảnh trí, trang phục biểu diễn… Sau đêm diễn các diễn viên trụ cột đến ngủ nhờ ở các nhà dân mê cải lương. Còn các nhân viên kéo màn, phục vụ thì trải chiếu trên sân khấu ngủ tại chỗ… Chính từ những ưu ái và ủng hộ của bà con mê cải lương nên gánh Điều Viên trụ lại đây diễn suốt hơn ba năm với hai nghệ sĩ Văn Sách và Ngọc Huệ đóng đào kép chánh. Cuộc sống của nghệ sĩ giai đoạn này rất khó khăn, đêm diễn ngày phải chạy chợ hoặc làm thêm nghề tay trái như kép chánh Văn Sách mở tiệm hớt tóc cất tạm bên lề đường trước cửa 3 chợ. Đào chánh Ngọc Huệ mở lều cà phê trước của rạp hát sống qua ngày để đêm đêm được đứng trên sân khấu tạm bợ bán giọng hát và tiếng khóc, mua nụ cười cho khán giả mê cải lương. Đào kép chánh đã thế thì cuộc sống của các diễn viên phụ và nhân viên phục dịch cho đoàn hát càng thê thảm hơn. Họ làm đủ nghề kể cả việc bốc vác hàng hóa cho các tiểu thương. Ấy vậy mà họ lại đào tạo được lớp con cháu kế thừa đủ quân số lập hẳn một đoàn hát Đồng Ấu nổi tiếng, lưu diễn khắp nơi kể cả nơi phồn hoa đô lệ Sài Gòn. Tuổi tôi lúc bấy giờ cũng ngang tuổi các nghệ sĩ nhí Đồng Ấu. Tôi đặc biệt khoái coi ở hậu trường, khoái coi họ hóa trang hơn là coi họ diễn trên sân khấu. Mẹ tôi bán gian hàng cơm tấm ở trong nhà lồng cửa 5 và nấu cơm tháng cho kép chánh Văn Sách nên tôi trở thành khán giả thân thuộc ở hậu trường. Tôi tự do đi lại cả ngày lẫn đêm trong rạp hát, đôi lúc cả gan nghịch ngợm những dụng cụ hóa trang, từ bộ râu quai hàm đến đao, kiếm, lông công diễn tuồng hồ quảng… Thời ấy, gánh Điều Viên hầu như diễn toàn tuồng cổ trang đượm màu kiếm hiệp diễm tình.
 
Còn gánh Mộng Vân hoàn cảnh cũng tương tự như gánh Điều Viên, bám trụ ở nhà lồng chợ Mít Một thời gian khá dài. Nếu như gánh Điều Viên thường hát tuồng cổ trang, dã sử thì gánh Mộng Vân chuyên hát tuồng tâm lý xã hội, nhất là những tuồng thuộc loại chiến tranh với nhiều xảo thuật tân kỳ của thời kỳ sơ khai kỹ thuật. Tôi còn nhớ, khi diễn một cảnh có bắn súng, khi kép diễn rút súng ra nhắm vào bạn diễn, nhưng khi người diễn bóp cò súng vài lần nhưng người phục vụ cảnh diễn bên trong châm điện mãi mà thiết bị không chịu phát ra tiếng nổ, người diễn khi đó khá nhạy bén thực hiện cảnh “cương” không có trong kịch bản là đút súng vào bao và nói: “Ta chỉ dọa ngươi thôi, nếu ta bắn thật thì ngươi tiêu đời”. Vậy đó, chuyện hát xướng ngày xưa hay xảy nhiều tình huống “cười ra nước mắt” ngoài kịch bản, và người diễn phải kịp thời “cương” để người xem không phát hiện được. Từ đó, khi quá “bí” không có tuồng để diễn, bầu gánh cũng soạn “tuồng cương”, đào kép cũng “hát, diễn cương”, miễn sao hợp lý và người xem chấp nhận được. Những ngày đầu khi mới đến, chiều chiều bầu gánh cho nhân viên đi phát tờ rơi quảng cáo vở tuồng sẽ diễn. Sau vì quen, gánh chỉ giới thiệu tuồng mới trước khi cánh màn nhung khép lại.
 
Trước khi có các gánh hát cải lương, người dân Tây Ninh cũng thỉnh thoảng được xem hát bội, một loại ca ra bộ từ xa xưa vào mỗi dịp đình làng tổ chức lễ Kỳ yên. Đặc biệt đình Hiệp Ninh là nơi sinh hoạt gắn bó với dân làng trong các lễ Kỳ yên và cúng đình theo cổ lệ hàng năm mà lũ con nít chúng tôi mê đắm, không bỏ một đêm diễn nào, vì đình Hiệp Ninh nằm ở trung tâm châu thành Tây Ninh rất gần nhà tôi và mỗi năm chỉ có một lần. Khi đến gần ngày lễ cúng, Ban hội tề phải xuống tận Sài Gòn rước gánh hát bội nổi tiếng về diễn. Nơi diễn là sân khấu lộ thiên do đình dựng lên trước sân đình hoặc trong gian Võ ca sau đình. Mà muốn rước được gánh hát thì Ban hội tề phải xuất quỹ đình ra mua giàn. Mục đích của lễ cúng Kỳ yên là để tạ ơn thần Thành Hoàng Bổn Cảnh đã phù hộ cho người dân được mưa thuận gió hòa, mùa màng trúng vụ. Hát bội là một phần quan trọng của lễ và chuyên hát những vở tuồng cổ: Phụng Nghi Đình, Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê, Thần nữ dâng Ngũ linh kỳ… Đặc biệt là vở tuồng San Hậu rất được ưa chuộng thời bấy giờ vì mang đủ ý nghĩa, nhiều xung đột khốc liệt, hình tượng nghệ thuật độc đáo do chính nhà nghiên cứu Đào Duy Từ soạn thảo vào thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1626-1643). Thường mỗi tuồng chia làm 3 hồi, mỗi hồi  đủ cho một đêm diễn, nên mỗi kỳ cúng đình đều diễn 3 đêm, sau thành lệ. Cảnh trí trên sân khấu lộng lẫy sắc màu, không có màn nhung khép lại khi tuồng chấm dứt như bên sân khấu cải lương. Khán giả được đến coi miễn phí đông vui, phía trên gần sân khấu dành cho Ban hội tề, hương chức, các vị bô lão; phía sau dành cho khán giả khắp nơi đủ cả người lớn và con nít.
 
Trong các đêm diễn tuồng, có một tục lệ không thể thiếu là chiếc trống chầu đặt bên phải trước sân khấu. Cảnh trí trên sân khấu rất rực rở và trang nghiêm. Cầm chịch trống chầu là vị Hương cả hoặc một vị bô lão đức cao vọng trọng am tường hát bội. Đây là hình thức khen thưởng hoặc phạt đào kép đang diễn tuồng trên sân khấu. Các vị lớn tuổi ngồi phía trước mặc áo dài gấm, đầu đội khăn đóng nghiêm trang xem hát, tay phe phẩy chiếc quạt giấy xếp.  Đừng tưởng chiếc quạt này chỉ dùng để quạt cho mát trong bầu không khí đông đảo con người nên rất nóng nực, mà nó còn dùng để các vị kẹp tiền vào quăng lên sân khấu thưởng cho các diễn viên khi nói lời thoại hay hoặc diễn xuất đúng bài bản các động tác của nghệ thuật tuồng. Người có am hiểu thì quăng quạt lên thưởng theo quán tính, người hiểu lơ tơ mơ, hoặc không hiểu thì nghe tiếng trống chầu mà hùa theo để chứng tỏ mình cũng biết xem. Tôi nhớ không biết chính xác không vì quá lâu không đi xem hát đình nữa. Nếu tiếng trống chầu vang lên “thùng, thùng, thùng” ba tiếng là khen, còn “Cách thùng, cách thùng, cách thùng” là phạt. Tiếng trống chầu cũng góp phần khiến cho diễn viên hát nghiêm túc hơn. Bởi lẽ nếu ca diễn hay thì được khán giả quăng tiền lên thưởng, hàng đêm số tiền này cũng kha khá, còn diễn ẩu, mắc lỗi lúc diễn thì bị phạt, chẳng những không chiếc quạt nào được quăng lên mà tiếng trống phạt dồn dập chê bai hòa cùng tiếng la ó phản đối, người diễn nghe được cũng rối chân tay diễn càng bị lỗi nhiều hơn.
 
Các đoàn hát bội thời kỳ này cũng rất ít, không như các đoàn cải lương. Từ các gánh hát nhỏ “bầu tèo” đến các đoàn lớn “đại bang” thì rất nhiều, lưu diễn khắp miền Nam. Các gánh “bầu Tèo” thì di chuyển bằng ghe, các đoàn “đại bang” thì có hẳn một hai chiếc “cam nhông” chở nhân viên phục vụ và cảnh trí. Các gánh nhỏ thì hát ở nhà lồng chợ, các đoàn lớn thì hát ở rạp hẳn hoi. Năm 1956, châu thành Tây Ninh mới có rạp hát Thanh Sơn do ông Năm Dõng xây cất nằm trên bờ rạch Tây Ninh, cách chợ mới Tây Ninh vài chục mét dành riêng cho các đoàn cải lương. Nếu không có đoàn nào về hát thì cho chiếu phim. Muốn đi xem cải lương ở rạp Thanh Sơn, khán giả từ các địa phương lân cận thường đi xe lôi gắn máy hiệu Follis hoặc xe lôi đạp. Các “đại bang” cải lương Thanh Minh – Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Kim Chung, Hương Mùa Thu, … đều có về diễn ở rạp nầy.
 
Các đoàn cải lương “đại bang” thì có cách quảng cáo hiệu quả và hấp dẫn hơn các gánh “bầu Tèo” rất nhiều. Ðoàn dùng một chiếc xe cam – nhông nhỏ, gắn loa phóng thanh phát các bài vọng cổ trong tuồng sẽ diễn trong đêm, rải cả tờ rơi giới thiệu đào kép chính và sơ lược nội dung tuồng. Hai bên hông xe treo hai bảng vẽ chân dung đào kép bằng nước sơn nhiều màu lộng lẫy để thu hút sự chú ý của bà con. Nhờ có loa phóng thanh nển xe quảng cáo chỉ chạy trên các đường lớn, nhưng tiếng loa vang dội đến tận đến nơi xa. Lũ trẻ con thường chạy theo sau xe tranh nhặt các tờ rơi mang về khoe với người lớn.
 
Trước cửa nhà tôi có anh Hai chạy xe lôi máy, nên mỗi khi có đoàn về hát ở rạp Thanh Sơn, mẹ tôi thường nhờ anh mua giúp vé và anh nhận luôn nhiệm vụ đưa rước. Mẹ tôi và vài bà bạn rất mê cải lương rủ nhau đi xem, đương nhiên lũ con cháu chúng tôi được ăn theo, xem ké. Thuở ấy con nít dưới 10 tuổi không phải mua vé. Khi vào ghế ngồi thì ngồi trong lòng ba, mẹ. Có những đứa không có người lớn đi xem thì chực chờ ở quầy bán vé, năn nỉ những ông bà không dẫn con cháu theo dẫn vô. Khi vào trong rạp thì chúng tự tìm chỗ ngồi, nhất là ngồi bệt trước sân khấu. Sự say mê cải lương của các cô, bác từ sồn sồn đến lớn tuổi đều say mê hát bội và cải lương hơn là coi chiếu bóng. Hai loại hình ca diễn này đã gắn chặt với cô bác qua các đêm xem hát, để hồn được bay bỗng vào cốt chuyện hư ảo với sự đam mê đã thấm vào máu thịt, vào tâm hồn của người “Nam Kỳ lục tỉnh”.
 
Còn rạp chiếu phim (ngày xưa gọi là chiếu bóng) ở châu thành Tây Ninh có rạp Lạc Thanh xây dựng kiên cố, quận Phú Khương có rạp Điện An xây cất bằng cột gỗ, vách ván, lợp tôn, gần thánh thất Long Hoa hiện nay. Các quận Gò Dầu Hạ, quận Trảng Bàng cũng có rạp chiếu phim thường xuyên chiếu những phim Ấn Độ hoặc phim Pháp lồng tiếng Việt hấp dẫn người xem.
 
Trong khoảng thời gian từ năm 1968 – 1975, sau khi đậu Tú tài và tốt nghiệp sư phạm cấp bổ túc, tôi đi dạy ở Bà Rịa – Vũng Tàu, nên không còn dịp cùng mẹ đi xem hát cải lương. Niềm đam mê của mẹ cũng giảm dần. Những bà bạn một thời cùng nhau chia sẻ miếng trầu, cục thuốc xỉa, những câu chuyện bán buôn, lời lỗ cũng dần nhạt phai chuyện hát xướng. Bà nói: không có con cùng coi, một mình mẹ cũng hết hứng thú. Ôi, tội nghiệp mẹ tôi…
 
Nhắc chuyện cải lương ở Tây Ninh mà quên ghi công bà Nguyễn Thị Thơ (thường gọi là bà bầu Thơ – chủ đoàn hát Thanh Minh – Thanh Nga và chị em nghệ sĩ Thanh Nga, Bảo Quốc là sự thiếu xót lớn. Gia đình nghệ sĩ tài danh này sinh ra và lập nghiệp ở Tây Ninh, đã đóng góp lớn vào nền sân khấu cải lương Việt Nam. Cái chết của nữ nghệ sĩ Thanh Nga là một thiệt thòi lớn, vì nữ nghệ sĩ Thanh Nga là ngôi sao lớn, một nữ danh ca cải lương tài sắc vẹn toàn đạt nhiều giải Thanh Tâm – giải thưởng dành cho sân khấu cải lương, từng được mệnh danh là nữ hoàng sân khấu cải lương Việt Nam.
 
Chuyện hát bội, cải lương, chiếu bóng ở Tây Ninh vào những năm 50, 60 thế kỷ trước là thế. Vẫn còn nhiều sự kiện chưa thể nói hết vì ký ức một người không đủ để lột tả toàn cục. Đến những năm 70, loại hình diễn trên sân khấu thoại kịch mới xuất hiện, cho dù loại hình này do Pháp mang sang Việt Nam từ đầu thế kỷ trước, mà đại diện là đoàn kịch nói Kim Cương do kỳ nữ Kim Cương thành lập và diễn vai chính cùng kịch sĩ Thương Tín. Và tôi không thể nào quên khi đoàn kịch nói Kim Cương về diễn tại rạp Thanh Sơn với vỡ kịch “Trà Hoa Nữ” đã lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt khán giả Tây Ninh, vì giai đoạn này tuổi tôi đã lớn, đủ kiến thức để phán đoán một sự kiện có ảnh hưởng đến sự hưởng thụ văn hóa một thời kỳ. Tôi cũng không ngoại lệ, đã nhòe  lệ, biểu hiện một thái độ khóc vay, khi xem đoạn cô vũ nữ do Kim Cương đóng giả bộ bỏ rơi người tình do Thương Tín đóng, để trả người yêu về gia đình cưới vợ khác. Dù đã ở thời điểm những năm 70 mà khán giả Tây Ninh không quên lệ cũ vừa khóc, vừa kẹp tiền vô cán quạt quăng tới tấp lên sân khấu để tưởng thưởng, khiến các anh em soát vé phải ra tay can thiệp. Nhớ lại thuở còn thơ tôi chỉ khóc khi bị mẹ đánh đòn hay mè nheo xin tiền mua đồ chơi, uống sâm bổ lượng đắt tiền… Và có khóc như thế, tôi mới hiểu vì vì sao người dân Việt ai cũng mê đi xem hát và cũng khóc vay khi xem đến đoạn bi kịch của một vỡ tuồng, nhất là các chị mê đọc tiểu thuyết diễm tình vừa đọc vừa sụt sùi khóc.
 
Tây Ninh không chỉ có hát bội, cải lương, thoại kịch, chiếu bóng để thư giản cuối tuần ở những vùng thị tứ. Còn ở nông thôn người dân chất phát, thật thà, chân lấm tay bùn họ cũng được hòa mình vào đờn ca tài tử, nhất là nghe cải lương qua giàn máy hát chạy bằng dây thiều hiệu “con chó thổi kèn” ở những năm 60. Tây Ninh cũng như Nam bộ luôn mang theo bước di dân gian lao đầy nước mắt, nếu không có những bài bản ca cổ đượm buồn của thuở khẩn hoang, cho đến những tuồng tích dã sử, cổ trang của hát bội, cải lương trên sân khấu để mà vượt qua cuộc sống mãi nhọc nhằn đeo đẳng.
 
Nhắc đến chiếc máy hát chạy bằng dây thiều hiệu “Columbia”, nhưng do trên thùng máy có in hình con chó đang thổi kèn, dân quê chẳng hiểu tiếng tây, tiếng u cứ gọi là máy hát “con chó thổi kèn”. Nhà bà ngoại vợ anh Ba tôi có sắm được một giàn máy.
 
Thời đó, cả xóm chỉ độc nhất có gia đình bà là có giàn hát máy nên rất quý. Mỗi khi nhà có đám giổ hay tiệc tùng lớn thì bà mới cho mang ra hát, lũ con nít chúng tôi bu lại chật nhà. Tôi là cháu “ăn theo” anh Ba, có học lại ngoan ngoãn nên được phụ giúp bà ngồi canh giữ giàn máy. Giàn máy hát được đặt trang trọng trên bàn nước kể giữa nhà. Giàn máy là chiếc thùng gỗ vuông, bên trong là cái đầu máy có hệ thống mâm đặt đĩa hát và một cần gắn kim, trên đầu chỗ gắn kim có gắn chiếc loa nhỏ nhìn in hệt loa kèn của xe honda… Trước khi cho máy hát, phải lấy đĩa ra lau bụi đặt vào mâm đĩa, gắn kim, lên dây thiều rồi đặt cần có gắn kim và loa vào phía bên ngoài cùng đĩa hát. Kim phải nhọn và sắc lọt vào khe đĩa, khi đĩa quay tròn theo tâm đĩa, đầu kim lọt vào khe đĩa phát ra tiếng hát. Có khi đang hát ngon lành, rủi trong nhà hết kim mới thì tôi có thêm nhiệm vụ mài kim cũ đã tà mũi để dùng lại. Cũng có khi gặp đĩa hát cũ, đã hát nhiều lần nên cái khe đã mòn, cây kim không chuyển qua khe kế được mà cứ chạy trên khe đã chạy, khiến máy phát ra âm thanh như người nói “cà lăm”, tôi lại phải đẩy cần máy cho kim lọt vào khe kế máy mới hết “cà lăm”. Mỗi khi như thế, lũ trẻ con nhìn tôi với đôi mắt thán phục và tôi thường nghênh nghênh đầu hãnh diện. 
 
Kể thì phải kể cho hết, vì còn một loại hình để người dân hưởng thụ văn hóa. Đó là truyền hình đen trắng xuất hiện vào giữa thập niên 60. Tôi nhớ rất rõ ở vùng Thánh địa có 2 điểm chiếu truyền hình công cộng để cho dân xem cải lương vào mỗi đêm thứ sáu trong tuần: một ở trước cửa chợ Long Hoa và một tại ngã ba chợ Cửa số 7 ngoại ô. Thuở đó, nếu ngoài các rạp vẫn diễn chủ yếu là tuồng cổ trang thì tuồng tâm lý xã hội lại được phát nhiều hơn trên truyền hình, mà trong đó, đa số là các kịch bản tuyên truyền có lợi cho chế độ hay phản ảnh thực tế tâm lý xã hội vô thưởng vô phạt để cho thị dân chưa thoát khỏi truyền thống chân quê thưởng thức. Một tuồng cải lương in đậm dấu ấn nhất thời bấy giờ là tuồng “Tướng cướp Bạch Hải Đường” do đoàn Dạ Lý Hương biểu diễn, qui tụ hầu hết các nghệ sĩ nổi tiếng thời bấy giờ: Hùng Cường, Bạch Tuyết, Thành Được, Ngọc Giàu, Dũng Thanh Lâm, Văn Chung…
Vậy đó, các loại hình nghệ thuật thời xưa cũ đã qua, tồn tại chăng là loại hình “Đờn ca tài tử” vẫn thấm sâu vào lòng mọi người mãi mãi…
 
 
 


  Trở lại chuyên mục của : La Ngạc Thụy