LA NGẠC THỤY


Vũ Miên Thảo
Hành Trình Tìm Về “Nỗi Nhớ
(Đọc “Dòng sông và nỗi nhớ” thơ của Vũ Miên Thảo – NXB Văn nghệ 2007)
 
                                      
 Tình cờ tôi có dịp đọc lại tập thơ này. Tập thơ mỏng chứa vỏn vẹn 49 bài thơ mà anh đã chắt lọc trong gia tài thơ của mình sau hơn 30 năm làm thơ, nên tập thơ mang tính chủ đề đậm nét. Hai câu thơ “Con khôn lớn từ đảm đang sẵn có/ Của quê mình và của mẹ yêu thương” mà anh chọn in ở trang đầu tiên của tập thơ, là cả hành trình tìm về “Nỗi nhớ” của anh. Đọc hết 49 bài thơ và tựa từng bài, người đọc thấy Vũ Miên Thảo nói nhiều đến thời gian, sông suối, rừng núi, sắc màu và thiên nhiên, vạn vật đó cùng với sự vần xoay của trời đất, để từ đó anh suy ngẫm về cuộc sống và kiếp người.  Có thể nói cách tư duy này xuyên suốt trong tập thơ của anh và đây cũng là cách tư duy cổ điển của phương Đông, nhưng thơ của Vũ Miên Thảo lại mang sắc thái riêng của một hồn thơ luôn tìm tòi đổi mới với những ray rức, trải nghiệm từ nỗi nhớ của anh trong bài “Dòng sông và nỗi nhớ”:
 
Hoài tìm
Một thoáng hương xưa
Sông tôi chảy giữa lời đưa đẩy
Tình!
Lớn ròng con nước phù sinh
Phà ngang vẫn nhớ hành trình
Khách quen.
 
Vũ Miên Thảo đã phá cách thể thơ lục bát cổ điển tài tình và trong tập thơ có hơn phân nửa bài thơ như thế. Và đây cũng chính là nét thơ riêng của anh cho mãi đến sau này. Không phải Vũ Miên Thảo muốn phá cách mà anh muốn chiêm nghiệm, thể hiện khát vọng thoát ra khỏi cái vòng trói buột của thể thơ cổ điển.

Mới vào bến lỡ cặp xong
Lạ chân em bước đò chòng chành
Trôi
Chưa qua kịp,
Phía bên bồi
Đò chao nghiêng sóng
Em rơi
Sông vùi
Tôi lao về phía ngậm ngùi
Tìm em
Chỉ chạm dòng trôi lạnh lùng
(Lạnh lùng)
 
Biết tình yêu vốn lạnh lùng, nhà thơ vẫn yêu, vẫn say, vẫn không bỏ cuộc, dù biết rằng chỉ “chạm …lạnh lùng” và lao về phía ngậm ngùi. Khát vọng sống, khát vọng yêu, khát vọng khám phá, chiêm nghiệm, đó là câu trả lời của thơ Vũ Miên Thảo. Nhưng tình yêu luôn đau khổ và cuộc đời luôn nghiệt ngã, khiến anh thốt lên:
 
Một tuần với em.
Bảy ngày tất bật
Những lo toan trong cuộc sống đời thường
Anh cũng vậy
Giữa bộn bề chật vật
Một ngày chờ
Thêm một “nhớ thương”.
(Thơ đêm)
 
Không mệt mỏi, anh vẫn bền bỉ trong cuộc kiếm tìm vô định:
 
Lạ thay cái sợi tơ hồng
Quấn trăm mối
Vẫn như không mối nào
(Cho người năm trước)
 
Và trong cuộc hành trình tìm kiếm ấy, đôi khi anh cũng tự hỏi:

Tình em không có được… Nụ tình không có có được… Tháng ngày không có được… “để rồi” dễ gì không thổn thức
Tự hỏi
Ta là ai?
(Không)
 
Thì ra tình yêu tưởng như hữu hạn, lại chẳng có bến bờ, nên khi chạm vào nó chỉ là “Dòng sông và nỗi nhớ” mà thôi.
 
Cuộc tình cũng như cuộc đời, là trò chơi của tạo hóa, là sự thách đố của số phận. Vì thế nỗi buồn và cô đơn luôn là bạn đồng hành. Cứ nghĩ Vũ Miên Thảo như viết về tình yêu nhưng ngẫm ngợi đó lại là những trải nghiệm vốn sống và niềm đam mê:
 
Tôi
Những cánh lục bình
Trôi mãi trong dòng đời
Không đến được biển tình em
Cho dù
Ký ức tình yêu dạt dào sóng nhớ
Nỗi đam mê là cánh gió
Khôn cùng
(Cho dù ngày nắng đêm mưa)
 
Thơ Vũ Miên Thảo chân thật đến lạ kỳ, khẳng định một thể thơ mà anh đang tìm tòi và khám phá. Chân thật ở chỗ ngôn ngữ thơ lúc nào cũng bình dị nhưng gieo vào lòng người những nỗi buồn thăm thẳm, chất chứa nỗi cô đơn và hy sinh, chỉ cho mà không đòi hỏi như “những cánh lục bình trôi mãi trong dòng đời/ cho dù ngày nắng hay đêm mưa”. Hình ảnh: “Nắng đâu vào trúng ngực em/ Cho tôi và phố thót tim mỗi ngày” là nỗi đau với những ai “Từ khi nợ gặp duyên/ niềm đau rơi lăn lóc”. Và nỗi đau cũng là hệ quả tất yếu của cuộc tình vô vọng. Thơ Vũ Miên Thả đã diễn tả tâm trạng này bằng những thủ pháp khác nhau. Có khi bằng ẩn dụ, so sánh, mượn hình ảnh thiên nhiên để diễn đạt thay mình: “Đã biết ngày mai/ mưa rừng thương nhớ phố/ cũng se lòng/ nước mắt ướt sương môi” (Không thể nói gì). Hay: “Em nằm quên phận, quên duyên/ chợt cơn sóng dập/ kéo thuyền quyên trôi” (Theo dấu mặt trời). Cũng có khi nhà thơ trực tiếp bày tỏ thái độ của mình trước cuộc tình đau khổ: “Không có em trong mù sương phố núi/ Thương nhớ và cái rét cũng nhân đôi/… Làm tội tình tôi” (Tình quê)
 
Đó cũng là sự trở về với chính mình sau những trăn trở, ray rức, cô đơn vì cuộc tình. Đối với Vũ Miên Thảo, thơ tình yêu là thế mạnh. Có những bài nói về tình yêu mẹ cũng da diết không kém:
 
Mẹ xa
Mây khóc thành lời
Lòng con bão dậy
Vàng rơi
Lá vàng
Hai sương
Một nắng
Dầm chang
Mẹ
Phai màu tóc hồng nhan
Tím chiều
(Mẹ)
 
Hay như:
 
Đồng hoang vu trầm mặc ếch kêu chiều
Nặng gánh lúa mẹ về. Sương ướt nhẹ
Mẹ lặng trong sương hay sương trầm trong mẹ
Để chiều vàng cò nặng cánh thương yêu
(Quê hương và mẹ)
 
Ôi hình ảnh “cánh cò lặn lội” của Vũ Miên Thảo thật khác người và cũng thật độc đáo làm sao? Nhà thơ nào diễn đạt được như anh khi nói về mẹ với bao nỗi vất vả vì con, đặc biệt là hai câu: “Mẹ lặng trong sương hay sương trầm trong mẹ/ Để chiều vàng cò nặng gánh thương yêu”. Từ “lặng”“g” thoát ra khỏi câu: “cánh cò lặn (không “g”) lội” mới thấy cách sử dụng từ của anh thật độc đáo. Điều đặc biệt nhất là nỗi vất vả của mẹ, anh diễn đạt thật lạc quan:
 
Những nhánh lúa ấm vòng tay mẹ gặt
Cánh đồng vàng reo nắng vàng thu
Nơm nớp rơm chờ tay mẹ chất
Giữa chiều vàng cao ngất thương yêu
 
Những bài thơ viết về mẹ trong tập thơ thật ít, chỉ có ba bài. Nhưng bài nào cũng là nỗi lòng anh nghĩ về mẹ, cũng là “nỗi nhớ” trong anh. Những bài thơ như thế không thể dễ dàng viết ra, vì đó là kết quả của sự trăn trở và nỗi đau có thực, nó tạo niềm tin và chinh phục người đọc bởi tính chân thực của thơ anh.
Thơ Vũ Miên Thảo là cuộc hành trình tìm kiếm và sáng tạo đến tận hôm nay anh vẫn còn tìm kiếm. Có quá lắm không khi cho rằng anh muốn tạo dựng nét mới cho thơ của thể thơ truyền thống, cổ điển như thơ lục bát? Ước muốn ấy thật đáng trân trọng. Tuy nhiên, dù anh muốn bức phá nhưng thơ anh vẫn còn âm hưởng nét xưa cũ chưa thể thoát ra được. Bỡi lẽ, đọc tập thơ, người đọc thỉnh thoảng còn bắt gặp bên cạnh những tứ thơ quá hay vẫn còn những từ ngữ, hình ảnh đã cũ, không còn phù hợp với cách cảm, cách nghĩ của thơ mà anh muốn tìm tòi, khám phá như: trầm mặc, phù sinh, khôn cùng, luyến nhớ, tri kỷ, cải thiện, trầm luân, đêm nguyệt lạnh, màu nguyên thủy, vị hương xuân… nhưng nhìn chung, sau khi đọc và nghiền ngẫm “Dòng sông và nỗi nhớ” vẫn còn lắng đọng trong lòng người đọc chứ không trôi tuột đi theo “dòng sông”.
 
Kháng Ngôn (L.N. Th.)



 

  Trở lại chuyên mục của : La Ngạc Thụy