LÊ GIANG TRẦN

 

không thể kêu gọi tình yêu,
chỉ có thể hy vọng tình yêu sẽ đến với mình.

 (gửi ngỗng xanh 091915)
 
 
 màu xanh ngọc,

mỗi sáng khi choàng mắt thức dậy, việc đầu tiên là niệm Địa Tạng Vương Bồ Tát, anh luôn niệm Phật danh của ngài mấy chục năm nay trước khi ngủ và khi thức dậy. bây giờ còn niệm thêm Thánh danh của Cha Trương Bửu Diệp, anh rất tin ngài linh thiêng. dù biết là, chỉ thể hiện một niềm tin của tâm thức mình vào thiêng liêng bí mật, ngoài ra không nên chấp trước gì, nhưng mình cứ thể hiện niềm tin, vì niềm tin mạnh mẽ cũng là ý lực, một loại năng lượng hỗ trợ cho hy vọng, cho niềm khao khát, rất có thể bất ngờ giúp cho thành đạt những ước ao khi tận lực thực hiện.
 
mỗi sáng khi thức dậy, sau khi niệm Phật, anh nghĩ đến cuộc sống đang xảy ra của mình, trước hết cảm tạ một ngày mới được mở mắt sống một ngày trước mặt và cảm thấy cơ thể mình an toàn, khỏe khoắn. dù đang sống một cuộc sống nhạt nhẽo, đều đặn lặp lại hay đều đặn trôi tới, giống như tiếng tíc tắc đều của đồng hồ, nhưng mình rất tự do, có thể nói là mình hoàn toàn được sống trong một đời sống có tôn trọng tự do và cho mình tự do. trân trọng từng giây phút được sống, dù sống lặng lẽ, thu mình trong thế giới của mình, quanh quẩn trong một căn nhà bé nhỏ và yên ắng vì không có ai để sinh hoạt trong nhà sinh động sôi nổi lên.
 
trước kia, nhà anh ngày nào cũng có người lui tới, do công việc làm đưa đến hay bạn bè đến chơi, có khi mang thức ăn, bia rượu đến, coi như tới hàng quán để ăn nhậu. đã từ lâu, sinh hoạt như thế giảm dần khi anh lập gia đình, bây giờ không còn sinh hoạt đó nữa, bạn bè tản lạc hoặc cao tuổi nên hạn chế sinh hoạt đi lại, hiếm khi bạn thân tụ lại thù tạc, cùng thư giãn, nhậu nhẹt nhẹ nhàng, trao đổi những kiến thức cho vui, "động viên" nhau khi nói đến tuổi già, cái cảnh tương lai chỉ thấy u ám nhiều hơn sáng sủa. dù sao cả đám đều đã trầm tĩnh, thản nhiên sống và không phải không phấn đấu trong cuộc sống đối đầu cơm áo mưu sinh. nhưng nói cho cùng, ở đâu đi nữa trên trái đất này, mọi sinh hoạt của con người sinh sống đều giống nhau, ngoại trừ một số ít người tạo được cuộc sống sung túc thì khá hơn, giàu sang thì sung sướng vật chất, mỗi người dường như có một định mệnh như con người nghĩ như thế, rồi phán "kẻ sung sướng nhất là kẻ bằng lòng với số phận", nên hiểu câu này trong chiều hướng 'triết lý" và tích cực, để "quẳng gánh lo đi", bình thản sống trong sự tuần hoàn của thiên nhiên và chi phối của vũ trụ, giống như Lão tử nhìn ra và chủ trương đi theo đường lối sống tự nhiên ấy.
 
từ khi có cơ duyên đọc kinh nhà Phật, thấm thía "tứ diệu đế" mà thản nhiên không sợ hãi "khổ" ‒ dù trong ý nghĩa nào, bình thản với tuần hoàn của "sinh diệt", không hãi hùng với cái chết, dù bất ngờ hay một kiếp người chấm dứt hay già lão cái bọc thịt người, đến lúc giã từ một cuộc nhân sinh, cảm tạ một đời người đã trải qua; thứ đến, ngoài sự hiểu biết về những cái hay ho của ông Khổng Tử, nay biết thêm "bát chánh đạo", nhận ra "kiến" (thấy) là quan trọng nhất, là cơ sở, căn bản, logic, để từ kiến mà tuần tự huân tập 7 bước còn lại, thực hành trong cuộc sống của mình, quyết tâm sống như thế, nhờ vậy lương tri mình không bị cắn rứt điều chi. cũng không còn chấp nhứt những người bị sống trong "tà kiến". mỗi người có một nghiệp, nặng hay nhẹ, thoát hay vướng, ngẫm đến tận cùng, dường như rất bí mật, ngoài sức hiểu biết của con người, mình chỉ sống sao đừng tạo cho nghiệp thêm rối rắm để sẽ nhận chịu một hậu quả nào đó, là mừng cho tâm thức của mình không bị ô nhiễm.
 
thí dụ như khi nghĩ đến thân phận con người sống trong chủ nghĩa cộng sản hay sống trong đất nước tự do dân chủ, hoặc họ là nạn nhân hoặc họ là người may mắn, tạm gọi như thế, nhưng xét cho cùng, một quần thể xã hội do một nhóm người nắm giữ chính quyền, dùng chủ nghĩa hay chủ thuyết để cai trị quốc gia, công dân sống dưới chế độ khắc nghiệt đều là "nạn nhân". quy luật "vô thường", từ vũ trụ bao la đến nhỏ nhoi và có giới hạn như trái đất, có sinh có diệt, không gì tồn tại vĩnh viễn. một ngôi sao rồi đến lúc cũng chết, co rút lại thành một hố đen, lại sinh ra Big Bang để bắt đầu ra đời những vì sao trở lại, cứ thế dòng sinh diệt mãi bất tận, vũ trụ tiếp tục nở rộng ra trong vô biên... loài người nơi trái đất sinh sôi nhiều hơn, sinh loại mạnh tàn sát sinh loại yếu, con người tàn phá mọi thứ, dù khoa học cảnh báo sự tàn hại ấy làm cho trái đất mẹ suy vong, đến có thể hủy diệt tất cả mọi sinh linh nơi trái đất, chỉ là lời kêu cứu tuyệt vọng. trái đất như thế cũng có cái nghiệp của nó ư?
 
đến khi đọc bộ kinh dữ dội nhất của đại thừa Phật giáo, "bát nhã ba la mật đa tâm kinh", ngẩn người ra, bao nhiêu y hống của trí óc, triết lý hạn hẹp của con người dường như không còn chút giá trị nào nữa. từ đấy tâm thức trở nên khiêm tốn khiêm cung, kham nhẫn; biết thêm những công trình tìm hiểu về vũ trụ, cái "đại thể", cùng với sự nghiên cứu khám phá về cái "tiểu thể", đi sâu vào thế giới vi-sinh-vật-chất, con người ngạc nhiên hơn về cấu trúc hình thành vật chất, mới thấy tạo hóa rất thông minh trong việc sáng tạo, dường như tất cả đều được sinh ra bởi "ý lực", mà nói ý lực là ngầm mang ý nghĩa đã có chiều hướng, sắp đặt, tính toán, mục đích v.v.. vật thành hình dường như có một nghĩa vụ gì đó mới hiện thành như thế, dù chỉ tồn tại trong một giai đoạn, sự hiện hữu của nó trong thời gian đó đều có tác dụng "cân bằng", làm cho những hiện tượng đang xảy ra ở vào thế quân bình theo ý nghĩa nào đó. thí dụ trong thế giới con người, 2 quả bom nguyên tử giết hại hằng triệu sinh mạng, hay 2 cuộc thế chiến đã xảy ra, cái gì đã xui khiến nên? hậu quả của nó đã thúc đẩy cho con người xây dựng lại một thế giới hoàn toàn đổi mới, thành ra ngày hôm nay, rất đáng suy nghĩ. rồi đây, mặt trời sẽ hết năng lượng, bấy giờ ảnh hưởng đến địa cầu ra sao nếu trái đất vẫn còn sống? trái đất với sự tiếp tục tàn phá của con người, sinh mệnh và tuổi thọ của nó sẽ ra sao?
 
càng biết, càng nhận thức về cái đại thể và cái tiểu thể, thấy con người trong giới hạn một kiếp sống, giới hạn bởi vận tốc của ánh sáng, thật là mong manh dễ vỡ, thật là lạc hậu v.v.. nhưng sinh vật nào cũng thế, chúng thản nhiên với quy luật tạo hóa, cật lực sinh sống, truyền giống để duy trì tồn tại cho chủng loại. con người cũng thế, tận lực làm hết khả năng, tiếp tục phát triển, tiếp tục tìm hiểu cái bao la bí mật, tiếp tục truyền giống, tiếp tục hy vọng một cuộc sinh tồn, tiếp tục tạo phương tiện để phục vụ cho chủng loại có điều kiện khỏe mạnh, an toàn và sống sung sướng về vật chất, tình cảm và tinh thần. Tất cả mọi phấn đấu vươn lên trong mục đích cao cả nhất, phải được những con người hưởng thụ trân trọng và ý thức, để loài người may ra kéo dài cái định mệnh của quả cầu trái đất, nơi sự sống của muôn loài sinh linh nương nhờ và tùy thuộc vào sự tồn tại của nó.
 
anh chợt gặp em, không ngẫu nhiên chút nào. em tạo cho anh suy tư và có thể ngược lại. từ cái "kiến" (thấy), hạnh ngộ nhau, tâm hồn, tình cảm, lý trí, con tim của hai người sẽ có những nhận thức sao đó để hoặc gần gũi thân thương yêu quý nhau; hoặc do không có một ý lực kết hợp nào, không nhận lấy được một tần số nhân điện nào của người kia nên người này vô cảm. chỉ cần một người vô cảm giác, thế là hai người này rời nhau, biến thành xa lạ, không có chi để nói.
 
muôn loài đều thể hiện có tình cảm với đồng chủng của mình hoặc ngay cả với dị chủng. con người đặc biệt hơn, dùng danh từ "tình yêu" để diễn tả về mức độ tình cảm rất đặc biệt, xảy ra nhất là với hai con người khác giống là nam và nữ. ngoài sự kết hợp để truyền giống mà tạo hóa đã sắp đặt, tình yêu là thứ tình đầy huyền bí và thiêng liêng, một con người khi phát sinh tình yêu dành cho một đối tượng, sự quyết định ấy còn có thể can đảm chấp nhận tử vong vì người mình yêu; cho nên, những hậu quả ở dưới mức cái chết, đau thương đến thế nào đi nữa, người có tình yêu đều chấp nhận được. may mắn, họ có hạnh phúc được ăn đời ở kiếp với người mình yêu, thì họ chung thủy vĩnh viễn.
 
con người ở thời đại nào cũng phải đồng thuận sống theo quy ước của xã hội lúc đó, tình yêu dần ra cũng không còn tuyệt đối nữa, lệ thuộc và bị chi phối bởi rất nhiều điều kiện sống. đây cũng là bí mật dành cho định mệnh của "tình yêu", cuộc sống thực tế, "cái bên ngoài" trở nên thiết thực hơn "cái bên trong". Tuy nhiên ở mặt tâm linh, con người thấy rằng cũng cần thiết có nó song hành với cuộc sống hiện thực. những con người đã lắm ê chề bởi cuộc sống cơ khí vật chất, họ cũng tìm về thế giới tâm linh, vì tôn giáo, đạo giáo, những kinh điển sâu thẳm về tâm linh vẫn còn chi phối tâm thức con người. tình yêu cũng vậy, dù thời đại này đã bị thôi chột ý nghĩa cao thượng, nhưng đối với một người phát sinh tình yêu thật sự, có cảm giác là nó rất quý báu chứ không tầm thường. lý lẽ của tình yêu ở ngoài sự phán đoán của lý trí, cho nên những hành động của tình yêu đều có lắm bất ngờ.
 
người đời nói đến duyên số, định mệnh. anh gặp em, anh nảy sinh một tình cảm yêu quý dành cho em. cái gì tác động để sinh ra ra tình cảm đó? đó là cuộc đời của em, là "em đang là" như thế. cái cuộc đời của em tạo thành "em đang là", và "con người em đang là" tác động đến những sợi dây thần kinh tình cảm trong trí óc và trong trái tim của anh. trí óc nảy sinh đánh giá một cuộc đời. trái tim phát sinh tấm tình yêu quý một con người, không phải bởi nhan sắc, mà bởi phát xuất từ âm thanh của lời nói, bởi ánh nhìn long lanh của mắt, bởi sự toát ra từ nụ cười, sự dịu dàng của cử chỉ, sinh lực của bước chân đi, hơi thở nhịp nhàng nơi lồng ngực, sức căng của cơ thể làm cho y trang rộn ràng, nét diễn tả khi cúi mặt hay nghiêng đầu làm cho mái tóc và những sợi tóc sống động... còn cảm nhận được hơi thở thơm tho, có cảm giác xao xuyến rung dộng khi chạm vào da thịt, và nếu được dâng tặng nụ hôn, có lẽ người nhận sẽ run rẩy toàn thân bởi một dòng điện làm tê rân huyết quản và ngây dại châu thân... cho nên hai người yêu nhau khi họ ân ái sẽ đón nhận cảm giác sung sướng hạnh phúc đắm đuối đến dường nào, sinh lực của họ cuộn vào nhau như hai ngọn lửa hòa nhập một, họ bốc cháy, đạt đến cảm giác tuyệt đỉnh vô ngôn, thứ cảm giác mà những vị ngay lúc giác ngộ lẽ huyền nhiệm cũng nói có một hương vị tuyệt đỉnh vô ngôn như thế.
 
làm sao em có thể dễ dàng biến mất trong anh, dù em có trở thành một con người khác, cách biệt diệu vợi, không mong nhìn thấy trong lai. thực thể biến mất nhưng cảm giác, cảm nhận của tình yêu vĩnh viễn còn tồn tại trong ký ức mỗi khi hồi tưởng, hình ảnh ở thời diểm yêu đương sẽ hiển hiện lên như thật sự người đó có đó, không già đi, không xấu đi, trái lại tạo nên những bức xúc nhớ thương vô cùng, thật đẹp. tình yêu không bao giờ để lại những vết tích thương đau ‒ nếu thực sự là tình yêu. tình yêu thực sự sẽ để lại những hồi niệm tuyệt vời của yêu ái. tương tư là một nỗi nhớ thương về người yêu với tràn đầy cảm xúc mơ tưởng. tương tư không bao giờ là một nỗi hận tình vẽ lên một đối tượng xấu xa. tương tư thuộc về tình yêu nên trong nỗi nhớ quay quắt là một sự thèm khát ngon lành, giống như thèm một món ăn ưa thích lâu ngày chưa nếm lại. có ai thèm một món ăn làm cho mình nôn mửa bao giờ?
 
mỗi sáng thức dậy, anh tương tư em, và ảo tưởng hay áo giác đó trở thành thứ sinh khí nuôi tâm trí anh, nuôi nấng tâm hồn anh, một lực bơm cho máu huyết trong châu thân anh tuần hoàn vào trái tim, do thế, hình ảnh em luôn ngự trị trong tim anh, luôn chu du khắp huyết quản và định cư mãi trong trí nhớ anh. anh chỉ biết mình đang có tâm trạng yêu một người, thế thôi, hạnh phúc với tâm trạng đó, không để tâm trí phóng chiếu bất cứ những gì gọi là không phải tình yêu, là những gì có thể gây nên sầu đau. giống như đứa bé nghĩ đến nàng tiên lý tưởng của nó, làm sao lại có thể là một hình ảnh không đẹp được?
 
người ta gọi tình yêu không được đáp lại là tình yêu một chiều, là tình yêu đơn phương. dù cho như thế, tình yêu không đơn phương bao giờ. thực thể của người đó đã trở thành một hình ảnh linh diệu, chính cái hình ảnh diệu huyền ấy tạo tác nên tình yêu, không nhất thiết phải có thực thể thân thể đó bên cạnh, hình ảnh của người đó luôn hiện diện trong tâm trí, luôn đối diện với con tim thì sao gọi là đơn phương? có đối tượng hẳn hoi chứ, một hình ảnh đã định hình, đã là người đó nên lúc nào mình cũng cảm thấy kề bên, hình ảnh đó đã ở trong lòng mình vĩnh viễn. giống như cha mẹ mình có qua đời nhưng hình ảnh thương yêu của song thân vẫn luôn hiện diện sống mãi trong tâm tưởng của mình. đôi vợ chồng lúc răng long đầu bạc sống bên nhau, cái hình thể bị biến dạng xấu xí theo thời gian chỉ là một hình ảnh phụ thuộc không ảnh hưởng chi đến hình ảnh đã hóa cẩm thạch, hóa vàng ròng, kết tinh kim cương trong lòng họ, giống như một bức tượng tạc đẹp sống động, giống như một bức tranh kỳ ảo, vẫn mãi thế, không bao giờ bị "thời gian làm cho tàn tạ".
 
bây giờ anh sống mỗi ngày bằng nhớ thương em. em có thể đã đi lấy chồng. em có thể tàn tạ dung nhan. em có thể đã già. em có thể đã chết. hình ảnh em, hình ảnh mà anh yêu quý vẫn không bao giờ thay đổi. anh sống trong một nỗi niềm yêu thương không hy vọng gì. có lời một bản nhạc, "que sera sera", cứ như thế, đừng mong cầu, cứ hy vọng, vì hy vọng là ý lực, hy vọng là lẽ sống, hy vọng xuất hiện mỗi khi con người rơi vào tuyệt vọng. hy vọng của anh không phải sự cầu xin, cầu xin Tình Yêu, cầu xin đức Quán Âm, cầu xin Phật A Di Đà; hay tuôn ra những câu mật chú "Om Mani Patme Hum"... hy vọng của anh đơn thuần là hy vọng rất con người, bình thường nhưng tuyệt đối mạnh mẽ bởi ý lực bất thối chuyển của mình.
 
không thể kêu gọi tình yêu, chỉ có thể hy vọng tình yêu sẽ đến với mình.
 
thực sự anh không hiểu tại sao anh yêu em? nhưng, có yêu em thì chắc chắn là tuyên ngôn.
 
người ta nói duyên nợ do trời, do ông tơ bà nguyệt quăng sợi dây tơ hồng buộc hai người lại, nên hai người hạnh ngộ rồi nảy sinh ra tình yêu, hoặc một người nảy sinh trước, gọi là bị tiếng sét ái tình, nếu tình lực của người phát ra tình yêu trước đủ chân thành thì may ra sẽ làm rung động người kia để đáp tình lại. anh thì, không biết phải làm sao khi nảy sinh tình yêu với em, chỉ biết cứ dâng hết tấm tình của mình cho em, cho cô gái mình yêu quý, yêu thương, yêu ái. Giả sử em có là bồ tát mà anh cơ may gặp được, anh chẳng cầu xin gì cả, chỉ hạnh phúc cảm tạ giây phút được gặp bồ tát. nếu trái tim mình rung động yêu bồ tát thì thưa rằng tôi yêu bồ tát, vậy thôi. bồ tát có hạnh nguyện và từ bi của bồ tát, mình hãy tin tưởng như thế, đừng mống ý cầu xin mà hãy bày ra hương hoa thành tâm thành kính trong lòng mình, cúng dường bồ tát, thế thôi. nguyên tắc hỗ tương rất rõ ràng: cánh cửa có mở thì mới đi vào được. đục khoét để chui vào như một tên trộm, đặt chất nổ giật sập cánh cửa khóa không cho mình vào, là những chuyện không nên làm. cảm hóa, chuyển hóa, làm rung động con tim, xúc động tâm hồn, siêu lòng người, chỉ có một thứ duy nhất là tình yêu thương chân thật, người ta còn gọi là mãnh lực tình yêu.
 
anh sẽ mãi sống như thế, mãi niệm "Địa Tạng Vương Bồ Tát" mãi kính tin Thánh hạnh của "Cha Diệp", mãi yêu quý em chân thành, mãi trân trọng và cảm tạ từng sát na sống còn trong kiếp nhân sinh. vậy đó, cái màu xanh ngọc.
 
lê giang trần
(091915, cali chuyển mình vào thu)
  Trở lại chuyên mục của : Lê Giang Trần