LÊ GIANG TRẦN
Mỹ Nhân Bất Quá Như Chén Rượu
Bữa nay hơi quởn và đang buồn thơ mộng, đọc lại bài viết của bạn hiền Phan Tấn Hải viết điểm thi tập Tạm Người Quá Bước của tại hạ, thi hữu PTH riêng một câu thơ của tại hạ, "mỹ nhân bất quá như chén rượu" trong bài thơ 4 câu sau đây:
Mỹ nhân bất quá như chén rượu
Thi phú coi như khói phù du
Nghiệp duyên đôi khắc như quỳnh nở
Lại say tình chẳng biết hổ ngươi! (tr. 65)
thì bạn ta, nhà thơ hiền lành lương thiện hơn tại hạ vạn lần, đã không đồng ý, nêu ra ý kiến để tồn nghi: "Mỹ nhân như chén rượu? Chỗ này xin không đồng ý, và hy vọng các nhà nữ quyền lên tiếng chỗ này." làm tại hạ cứ cười tủm tỉm mãi cho cái thi tâm thiện lành của người bạn thân tình của mình. Nhân post bài của PTH lên tường FB cho các bạn FB đọc cho vui, rồi cũng nhân thơ mộng buồn tình, tự khui một chai rượu chát, ngồi độc ẩm nhậu với món mồi SN912 của mình, nghĩ miên man về chuyện này.
Nhớ có lần được nghe thi sĩ Phạm Công Thiện nhân hào hứng trong bữa nhậu với anh em trong nhà, bàn về đề tài đàn bà, ông có kể cho nghe, chính đức Phật, để nói lên cái "vĩ đại" (chữ mà PCT hay dùng) của đàn bà, ngài đã thổ lộ rằng, nếu thật sự ngài biết rõ đàn bà thì ngài đã không thể thành Phật như ngày hôm nay. Câu nói mang tính tôn vinh sự vĩ đại về nữ nhân chứ không có tính miệt thị mỉa mai. Đấy là đại ý mà triết gia PCT đã nghiêm trang kể cho bọn anh em biết trong cuộc rượu lưu vong trên xứ người.
Và có thể sau khi đắc đạo, hiểu thấu đáo cái bản chất cũng như "thể tính" của nữ giới, đức Phật tỏ ý không muốn truyền đạo pháp mà ngài đắc được cho nữ nhân; mãi đến khi vì mẹ của ngài cầu xin "quy y" thì ngài phải buộc lòng "thí pháp". Nhưng sau đó, ngài đã tuyên bố, từ cơ duyên này mà khoảng 500 năm về sau, Phật pháp sẽ rơi vào một giai đoạn thoái hóa, gọi là phải chịu đựng một thời "mạt pháp" lâu dài trước khi được phục hưng và sẽ có thời điểm Phật A Di Đà tái xuất nơi thế gian này làm hưng thịnh lại Phật pháp.
Thi nhân cũng là con người nên cũng có những ý nghĩ rất con người trần tục, tuy nhiên khi nhập vào thơ thì biến những ngôn ngữ trần thế trở nên thi ngữ thơ mộng, "nghĩa bóng" sẽ dành cho những ai có đầu óc thơ mộng tự biến hóa thành "nghĩa đen" tùy theo mức độ tâm linh của người ấy, thi nhân không chịu trách nhiệm với những ngôn ngữ "nửa vời" đầy "huyền nghĩa" hay "mật nghĩa" mà thi nhân bí mật dụng công để ngầm thăng hoa lên một tính "triết lý" nào đó.
Thực vậy, ngôn ngữ thi ca hoàn toàn khác hẳn chữ nghĩa của tản văn. Ngôn ngữ thơ cũng tựa như ngôn ngữ của đạo giáo, của chính trị, của một vị hoàng đế, tổng thống, chữ nghĩa đó 50/50 có thể hiểu nửa là như vầy, nửa là như kia; có tệ lắm thì cũng như lời lẽ của một nhà luật sư dùng hùng biện trước tòa án để bênh vực cho trường hợp của thân chủ được biện hộ, có thể lật ngược lại tình thế, biến sự việc được coi là vô lý trở thành một sự thật có lý phải công nhận. Trở lại chữ thơ, chúng như đang diễn tả về "một cái gì đó" mà dường như cũng mông lung ngầm hướng về "một cái gì khác", đẩy sự tưởng tượng từ cụm chữ này đi đến một "phương trời viễn mộng" (chữ của Tuệ Sĩ) khác, tiềm ẩn, mông lung, mở ảo, ẩn hiện giống như tính cách khi là "HẠT" khi là "SÓNG" linh hoạt của "tiềm nguyên tử" Quantum.
**
Trước khi tản mạn về điều muốn nói, xin được tản mạn thêm một chút hiểu biết cỏn con, mà từ khi hiểu được như vậy, mới cảm thấy cái bí mật của nữ nhân cũng vô tận, mong được quý vị thiện tri thức miễn chấp cho việc khua môi múa mỏ thô thiển này.
Từ khi khám phá về Quantum, khoa học tỏ ra đồng ý với thuyết "VÔ THƯỜNG", ngầm nói lên ý nghĩa thâm diệu của "Pháp" biến hóa bất tận, giống như thuyết vũ trụ nở mãi; Truy đến tận cùng, đi sâu vào thế giới vi tử, từ tiềm nguyên tử và càng nhỏ hơn mãi, vì sự biến hóa huyền nhiệm đó mà "NGÃ" không có thật, bản chất của mọi thứ không bao giờ có cái khi nó xuất hiện đã là sẵn như thế và vĩnh viễn vẫn là như thế; cho nên "TÍNH KHÔNG", không phải nghĩa là không có đối lại với có (nhị nguyên), mà ngôn ngữ này được tạm sử dụng để nói lên tính chất không như thật như đang là hiện tượng nhìn thấy cái "đang là" như thế. Trong đạo Phật, tính Không đã được Bồ Tát Long Thọ lập thành thuyết "bát bất", trở thành một "đại luận" của Đại Thừa trong Phật giáo. Nhưng cũng nên biết rằng kinh điển đạo Phật cũng có tiềm ẩn vi tế trong đó những đạo lý của Bà La Môn v.v. vì Ấn Độ đã có trước đạo Phật rất nhiều tôn giáo có đạo lý cao siêu khác nhau.
Chú ý là kinh Phật vẫn dùng ngôn ngữ thế gian để ẩn dụ nên vẫn nói "đại ngã" và "tiểu ngã". "Cái đang là" mà bậc giác ngộ nhìn nhận ra, khác với "cái đang là" theo con mắt nhân gian nhìn thấy. Thí dụ dễ hiểu giống như ánh sáng của một vì sao mà mọi người đang nhìn thấy không phải là ánh sáng của sao ấy đang phát ra, mà có thể ngôi sao ấy đã chết từ lâu rồi. Con người không thể không công nhận, cũng như không thể phá hủy được "cái đang là", dù đó gọi là hiện tượng, gọi là ảo cảnh hay hư ảo, một "hình tướng" được nhìn thấy trong phạm vi thế giới 3 chiều của con người, trong cái thế giới "nhị nguyên", thế giới được thành tựu bởi phối ngẫu của "âm dương", bởi kết tinh của tứ đại, bốn tính chất "đất, nước, lửa, gió"... Tất cả những thứ thành hình hiện hữu mang đầy tính giới hạn sinh-diệt này đồng thời tạo nên ngôn ngữ (và cả toán học) giới hạn, không thể nào dùng ngôn ngữ giới hạn để diễn tả về cái vô hạn, do đó ngôn ngữ sẽ trở thành "vô ngôn" đối với một thiền sư hay một bậc giác ngộ, khi mà tâm linh liễu ngộ được lẽ nhiệm mầu, trí tuệ của họ trở thành "trí huệ", cảm nhận ra cái bí mật ở ngoài tầm lĩnh hội của trí óc và của ngôn ngữ giới hạn của con người. Rồi sau khi một bậc đã bừng sáng, lại nói bằng ẩn dụ, rằng "ban đầu núi là núi, kế đến núi không phải là núi, rồi núi trở lại là núi", nghĩa là, từ hiện tượng như là như vậy, nhìn ra cái bản chất không-tính không-ngã của của nó, xong rồi trở lại bình thản vô ngôn với cái hiện tượng như là như vậy ấy, không còn thắc mắc chi nữa về cái lẽ huyền nhiệm, sống tự tại với mọi biến chuyển của tạo hóa, hoàn tất một giai đoạn nghiệp sống mang thân xác con người, đó chỉ là cái bề ngoài vi tế của một hiện tượng xuất hiện trong vũ trụ này trong một thời kỳ, thế thôi, không có tính vĩnh hằng. Lão tử cũng chỉ ra, "sống thuận với lẽ tự nhiên tuần hoàn của trời đất".
Theo đức Phật nói, khi nào vào "tứ thiền" mới khám phá ra chân trời huyền nhiệm... và ngài đã giác ngộ khi ở tầng thiền cao thứ bốn này, đạt được cái mà danh từ gọi là "quả vị Phật", quả vị của sự bừng sáng, quả vị của giác ngộ; A La Hán, Bồ Tát, hai bậc này cũng đều bừng sáng giác ngộ vì cũng đã viên thành thiền định ở mức thứ bốn, chỉ khác với đức Phật, sự khác biệt có thể dùng danh từ là do "nhân sinh quan" khác nhau. Đức Phật là vị tiên phong khám phá ra nên trở thành người sáng tạo một con đường để chỉ ra cho chúng sinh cùng mọi bậc vị đắc pháp khác nhìn thấy con đường chân thật này mà đi theo. Giống như một nhà phát minh ra một phương tiện để cho mọi người sử dụng phương tiện lợi ích đó. Do "nhân sinh quan" đặc thù nên chứng đắc theo hạnh nguyện đặc thù của người ấy, A La Hán làm công việc A La Hán, Bồ Tát hành Bồ Tát hạnh, chư Phật làm việc của chư Phật.
Cái bế tắc chưa giải quyết được của khoa học vũ trụ là mọi sinh-vật-thể cũng như con người nơi trái đất không vượt qua vận tốc của ánh sáng được. Khoa học ngày nay, dù sao, cũng khá gần gũi và có thể hiểu được, hơn là những thứ thuộc về tâm linh trừu tượng quá xa vời mấy ngàn năm về trước lưu truyền lại. Khoa học đang có chiều hướng đi về một mục tiêu cùng đạo giáo tâm linh. Khoa học vũ trụ càng ngày càng ngạc nhiên hơn, từ những khám phá mới mẽ cho thấy, từ hằng bao nghìn năm trước, con người tận dụng tâm linh đã khám phá ra chân trời huyền diệu, để ví von về vũ trụ, lẽ nhiệm mầu của tạo hóa tạo ra vật chất, tạo ra đặc biệt là sinh linh nơi một hành tinh là quả đất này với những điều kiện sinh thành và hủy diệt đặc thù của địa cầu; Mà, khoa vũ trụ học ngày nay mới bắt đầu có phương tiện để hy vọng khám phá phần nào lẽ huyền diệu.
Sự sống có ngoài vũ trụ bao la không? Khoa học ngày nay hé lên tia hy vọng, năm 2009, các nhà khoa học tìm thấy một hợp chất cơ bản của sự sống trong bụi thiên thạch. Đây là bằng chứng mới nhất về khả năng sinh vật sống tồn tại bên ngoài trái đất. Năm 2011, kính thiên văn không gian Hubble phát hiện những dấu hiệu về sự tồn tại của các phân tử hữu cơ phức tạp, thành phần quan trọng tạo nên tế bào sống, trên bề mặt Diêm Vương tinh. 2012, các nhà thiên văn phát hiện phân tử đường, một trong những chất cơ bản tạo nên sự sống, gần một ngôi sao có khối lượng tương đương mặt trời. Ngôi sao mới ra đời, có tên IRAS 16293-2422, là một thành viên trong hệ sao đôi, Space đưa tin. Nó có khối lượng tương đương mặt trời và nằm cách chòm sao Ophiuchus. 2013, trong một bài báo trên tạp chí Astrophysical Journal Letters, các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) khẳng định hydro peroxide (H2O2) là chất phổ biến trên bề mặt của vệ tinh Europa quay quanh Mộc tinh. Sự tìm tòi cật lực của con người vẫn tiếp tục dọ dẫm...
**
Bây giờ trở lại câu chuyện đời thường về nhi nữ. Triết gia Phạm Công Thiện gọi cái bí mật của nữ nhân là "Hố Thẳm", từ ngữ này còn được ông dùng trong vài tựa đề sách triết lý của ông, như "Im lặng hố thẳm", "Hố thẳm tư tưởng". Về sau, ở tuổi già dặn hơn, khi ông bỏ ra hơn 5 năm để đọc những sách biên khảo về vũ trụ, ông lại rất thích thú với "Black Hole" mà chữ Hán dịch ra nghe rất hay: "Hắc Đổng", trong khi tiếng Việt nếu dịch ra là "Lỗ Đen", cái chữ tượng hình với thanh ngữ này nghe trần tục quá; cũng như thuyết "super string" trong vũ trụ học, Hán dịch là "siêu thằng" âm thanh nghe rất OK! Phạm Công Thiện liền nghịch ngợm đổi "hố thẳm" thành ra "hắc đổng" để cho cái bí mật của nữ nhân "linh diệu" cao cấp hơn. Vì khi một sao bị hút rơi vào vùng bán kính của hắc đổng, không thế nào thoát ra khỏi lực hấp dẫn của nó được nữa! Khi một ngôi sao chết nén lại thành một lỗ hổng đen, đến ánh sáng lọt vào trong nó cũng không thể thoát ra được! Hắc đổng được gán danh hiệu là nàng "tham ăn".
Ngài thi sĩ Bùi Giáng còn là bậc tinh nghịch thượng thừa, ngài không chỉ quy tụ nhắm vào cái bí mật hắc đổng thục nữ, ngài nới rộng biên giới của nó ra thành một "vùng phi quân sự", ngài gọi là "Ngả Ba" và đặt tựa cho một quyển bình về triết của Heidegger là quyển "Con đường ngả ba" với chữ nghĩa hấp dẫn vui nhộn, mục đích là chỉnh chu nhà văn hiện sinh Jean Paul Sarte. Cả đời ngài thi sĩ này luôn làm thơ quỳ lạy mẹ Kim Cương nghệ sĩ, mật ý của ngài ngầm xưng tụng cái bí mật nữ ấy quý giá như kim cương và bất hoại như kim cương, kim cương còn là tiêu biểu cho bộ kinh đại thừa "Kim Cang" hay "Bát nhã Ba La Mật Kim Cang Kinh", cũng như thơ ngài thường xưng tụng những thiếu nữ thơ mộng xuất hiện mà ngài bắt gặp v.v.. có khi dí dỏm mà cắc cớ vô cùng, như:
gái lội qua khe, chân gái ướt
cho gái mượn cái khăn trên đầu
gái lau tay lau chân, lau bất cứ chỗ nào gái thích
( có thể tôi nhớ không rõ từng chữ)
Nguyễn Đức Sơn cũng không vừa, với bài thơ ba chữ ba câu mà cái tựa hai chữ, tựa là "nhân sinh", nghe đầy triết lý sống, mỗi câu một chữ, như sau:
Hột
Thì
Le
Nhà thơ Du Tử Lê xưng tụng những tình nhân là "Bồ Tát", nhà thơ Mai Thảo không phải là không nghịch ngầm, ông có câu thơ mà tôi nhớ đại khái không chính xác là "đặt tay vào chỗ không đặt được", rồi nghịch ngợm hỏi là "thế có tài không?". Nhà thơ Cao Đông Khánh thì ví von cái bí mật nhiệm mầu kia là cái "Hồ Lô", thu liễm được mọi thứ trên đời. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương thì có 2 câu thơ tả cái quạt giấy cầm tay và được lưu truyền đến nay là "xòe ra ba góc, da còn thiếu / xếp lại đôi bên, thịt vẫn thừa", tượng hình tuyệt vời!
Còn rất nhiều thi sĩ có những ví von bằng thi ngữ, một cách kín đáo nhưng rất thi vị để mô tả và tôn vinh cái nơi chốn sinh ra con người. Bản thân tôi, khi chợt ngây người ngẫm ra rằng đàn bà sinh ra đàn ông, từ đó một mực kính bái nữ nhân, không bao giờ dám xúc phạm. Nhớ có người bạn kể câu chuyện: Thượng đế tạo ra trái đất xong, nghỉ ngơi. Thấy trái đất cần được trông nom nên tạo ra người đàn ông, xong rồi ngài nghỉ ngơi. Lại thấy đàn ông cần được chăm sóc nên tạo ra người đàn bà. Từ khi người đàn bà xuất hiện thì thượng đế, trái đất, người đàn ông, cả ba đều không được ngơi nghỉ.
Câu thơ "Mỹ nhân bất quá như chén rượu" của tại hạ, xin thưa các hạ rằng, đó là ví von mỹ nhân như rượu, cái chất làm cho nam nhân nghiêng ngã ngã nghiêng, có kẻ mê nó suốt đời như ông Lưu Linh của nước Tàu. Có kẻ bị nó làm cho thân bại danh liệt. Có kẻ nghiện ngập, có kẻ từ bỏ, có kẻ không dám rớ tới. Đức Phật khuyên chúng sinh, cảnh giác chúng đệ tử tục gia và nghiêm cấm tăng chúng về rượu; ngài đã từng là hoàng tử trải qua những cuộc nhất dạ đế vương, thấu hiểu thế nào về ảnh hưởng của nó. Tại hạ không phải kẻ nghiện rượu, chưa bao giờ nhậu một mình, trừ ra đôi lần thất tình, đôi lần quốc biến gia tan, đôi lần nhà tan cửa nát, một lần vì cảm thương người tị nạn trên đảo hoang, đôi lần vì cảm nhận ra số phận của kiếp đời lưu vong, những con người tha phương cầu thực, sống nơi xứ lạ quê người mưu cầu một tương lai, một đời sống tự do. Tuy nhiên vẫn là kẻ rất thích nhậu nhẹt với bạn bè, mỗi khi có dịp tụ lại đánh chén đều tỏ ra hưng phấn, đầy sinh động và vui nhộn, đó là những dịp trút bỏ mọi phiền não, có khi là những buổi thù tạc đầy ý nghĩa, học hỏi thêm từ bằng hữu những điều hữu ích, những kiến thức mà mình không có, nay được lắng nghe từ những thiện tri thức, thật là hi hữu và được mở rộng tầm nhìn.
Tiệc rượu nào cũng tàn, ly rượu rồi cũng cạn, chất rượu rồi cũng tan... Hiệp rồi tan, tình đến rồi đi, say rồi tỉnh. Nữ nhân như chén rượu, uống một chén thì lâng lâng, đôi ba chén thì ngà ngà, đủ độ thấm thì say sưa, quá độ thì có thể ói mửa tanh hôi hoặc gục ngã thê thảm. Dân nhậu đã có bài vè diễn tả, tuy bình dân học vụ mà chế diễu thấm thía:
nhất xị giải phá cơn sầu
nhị xị mũi chảy đầy râu
tam xị đụng đâu đái đó
tứ xị cho chó ăn chè
ngũ xị vợ đè cạo gió
.....
Khổ nỗi, nếu uống rượu mà không uống say thì thà đừng uống, như một bài hát tân nhạc có câu "uống rượu không say nào hay...", và nhớ hồi xưa nghe Hùng Cường ca bài vọng cổ về say rượu, nói lối rằng "người say mặt mũi đỏ gay / trời say trời cũng lăn quay như thường". Nữ nhân còn mê hoặc và cám dỗ hơn rượu vạn lần. "Bất quá" còn có nghĩa là "cùng lắm", cùng lắm em giống như ly rượu, mà cái ly rượu thôi đã thành chuyện với dân nhậu, họ nói uống một ly thôi chứ mấy ly? ai dùng mấy ly để rót rượu cho mình uống bao giờ? trừ phi bị phạt! Nữ nhân cũng chỉ một thôi đã đủ say khướt, đủ đảo điên, trời phạt cho mấy nữ nhân thì chưa chắc sung sướng, kẻ từng có kinh nghiệm nói thơ rằng:
một vợ ngủ vườn lèo
hai vợ ngủ chèo queo
ba vợ ra chuồng heo mà nằm!
nhắn gửi cho những anh chàng ham hố, mê sắc, đắm dục để cảnh giác.. khà.. khà...
Bất quá em đốn tôi ngã như ly rượu uống vào say. Nhưng khoan đã, còn phải nói tới chất rượu trong ly nữa chứ, giống như thân thể trong lớp trang phục, chất rượu XO hay X-Tra, hay Cordon Bleur, thì khác xa với VS, tối thiểu em cũng phải VSOP, ở đây không nói tới những phẩm hạng thượng lưu như Louis XIII hay XIV, thuộc loại hoa hậu hay ngôi sao màn bạc dành cho tầng lớp đại gia. Tuy nhiên, con người kỳ lạ thật, ông vua đi tìm mẻ kho dân dã để thưởng thức, người quê mùa tìm đến đại tửu lầu để thưởng thức thức ăn của hàng nhà giàu cho biết mùi vị; cho nên cô gái quê mùa mộc mạc không phải là không toát ra dòng điện hấp dẫn thu hút người trai thành thị. Rượu đế làm nên bởi vài ba thứ, nhưng rượu nếp trắng là thơm ngọt dịu dàng và say đầm thắm, cứ muốn uống miết... Trên thế giới có rất nhiều loại rượu, cung cấp cho mọi giới, ông trời cũng sinh ra nghìn trùng con gái tùy nghi cho mọi hạng người có thể chọn lấy để say sưa, đặc biệt đối với đàn ông có tiền thì họ bảo rằng "có tiền mua tiên cũng được".
Bởi vậy mà cảm thương cho những loại rượu có thân phận kém cõi hay hèn mọn, "nồi nào úp vun nấy", rượu thuốc rẻ tiền thì có công nhân nghèo như quét rác, xích lô, bán hàng rong chạm vào, phải đành dùng nó. Thỉnh thoảng kẻ hèn mọn gặp được rượu ngon thì trở thành kẻ thưởng thức thô lổ, làm mất đi giá trị của thứ rượu ngon. Đời con gái cũng thế, khi trớ trêu giống như "đóa hoa lài cặm bãi cứt trâu" hay "em như cây quế thơm lừng, để cho thằng mán thằng mường nó leo" thì tủi thân, có nàng còn xem là tủi nhục.
Nguyễn Tất Nhiên, thi sĩ này từng là bạn thân, có lần tuyên bố là tao thương phân nửa con người trên trái đất này, đó là con số khiêm tốn cho nó bằng nhau, phân nữa đó là nữ nhân, rồi cười lên ha hả, khoái chí bưng ly rượu làm cạn một hơi, nét mặt đầy mơ tưởng. Không nam thi nhân nào không yêu ái nữ nhân cả, yêu bằng tâm hồn thi nhân, bằng trái tim thi sĩ, vẽ lên những hình ảnh nữ nhân bao giờ cũng đẹp, cho dù em là người phụ bạc, anh vẫn diễn tả em đẹp trong cái cách phụ bạc ấy, thơ tình của Nguyễn Tất Nhiên đã có những bài trở thành âm nhạc và rất thấm thía dễ thương...
Bất quá em như ly rượu, cùng lắm em là chất rượu đốn ngã anh, đó là một "hạnh phúc đau thương" cho anh và tràn đầy nỗi cảm thương cho em, là "vũng lầy của chúng ta", nói theo chữ nghĩa Lê Uyên Phương. Ly rượu em, anh trân trọng nâng niu, uống nó bằng một tấm tình hào sảng đón nhận, vì đó là cơ duyên anh có được em, dù em là chất rượu gì trong ly ấy hay là ly loại gì chứa chất rượu ấy, bất quá nó là vậy, cùng lắm nó là như thế, nhưng em đã làm anh say, đã làm tâm hồn anh bồng bềnh khi em chảy vào huyết quản anh, cho anh cảm tạ, cho anh những giây phút không còn bị nhiêu khê của đời sống khuấy động trong trí óc, chỉ biết đang có em, đang chìm đắm say sưa em, nhờ có em trong người, anh nhìn ra cuộc đời bỗng đáng yêu, bỗng thơ mộng, bỗng trở nên đáng sống vô cùng... cho nên nhớ đến Vũ Hoàng Chương, tuyệt vời hai câu thơ mà chỉ có những tâm hồn thi nhân mới chân tình đến thế:
Em ơi lửa tắt bình khô rượu
đời vắng em rồi say với ai?
"Thúy đã đi rồi" chỉ là một câu hát nhưng đã trở thành câu nói tình phụ cho những anh chàng bị người yêu bước ra đi. Với tại hạ... các hạ à...., cái tên trùng hợp với người mình tưởng sẽ mãi là người bạn đời... Hồi thời học trò cũng có một mối tình thơ mộng với một cái tên đó. Không hiểu sao người mẹ lại thích đặt cho con gái mình cái tên màu xanh của ngọc, có lẽ cũng muốn chúc phúc cho con gái mình rồi ra sẽ giống như ngọc phỉ thúy. Thế mà cũng hơi buồn, khi đi vào chốn lầu xanh, khám phá hầu hết các mỹ nhân nơi này đều chọn cho mình những cái tên đẹp đẽ biểu trưng cho các loài hoa hay cho các loại ngọc ngà, các loài chim quý. Giống như hàng hóa giả mạo, tên hàng hiệu nhưng phẩm chất thì..., lại cảm thương cho thân phận giả danh, cho người xài bạc giả. Sao cái gì trên đời này nói tới đều thấy thương như thế nhỉ??
Hình thể nước Việt Nam được ví giống như một cô gái có dáng người mảnh mai. Đến khi xa cách nghìn trùng cái đất nước của mình thì mới biết thương nhớ đến thế nào. Nhờ vậy khi yêu em, khi hôn em, anh nhận ra mình đang hôn trên từng địa danh của đất nước mà mình tương tư.
em có những địa danh trên thân thể
mái tóc Tam Quan, ngón chân Cà Mau nước mặn
đôi mắt Hà Nội buồn, môi ngọt nhãn Hưng Yên
Huế ở gáy thon, đôi vai sông Trà Khúc
Đà Lạt ở ngực hồng, lưng ở Blao
Vũng Tàu eo nhỏ, Sài gòn nơi dâng hiến
cánh tay dài ra Phú Quốc Côn Sơn
Rạch Giá Cần Thơ trên truông đùi nõn
Châu Đốc Long Xuyên về phía chân kia
Bạc Liêu anh ở gần mắt cá cườm chân
anh hôn quê hương trên khắp cùng thân thể
thân thể quê hương nào cách biệt ngàn xa.
để rồi khi duyên tình tan vỡ thành một nỗi đau:
ngày yêu nhau ngọt thơm môi miệng
ngày chia tay say lịm thịt da tình
anh hít thật sâu từng hơi buồn em thở
nhớ còn thơm từng hơi thở buồn xa.
em là hương quê hay là quê hương nhỉ
mà hương gây mùi nhớ quá quê hương
nhớ quê hương anh hôn em cùng khắp
hôn chỗ nào cũng thấy nhớ quê hương.
Dân nhậu còn gọi rượu đế là "nước mắt quê hương", khi chia tay 10 năm tình ấy, em bất chợt trở thành ly rượu đế rượu vua... bất quá như ly rượu, cùng lắm như ly rượu mà anh cầm lên uống vào, nhưng trong ly đó, chất rượu đã trở thành "nước mắt" và "quê hương", thứ nào uống vào cũng xé gan đứt ruột. Phải chi em chỉ là một thứ thì anh chỉ chết nửa người, đằng này em còn là quê hương nữa... từ đó anh đã chết trọn vẹn và tái sinh một kiếp khác, mà sao, vẫn còn thương cuộc đời của em hoài...
lê giang trần
(12-9-2015, gửi đến người bạn nhậu cố tri Đào Anh Tuấn, Texas)
lê giang trần
(12-9-2015, gửi đến người bạn nhậu cố tri Đào Anh Tuấn, Texas)