LÊ GIANG TRẦN
Phòng 109 Little Saigon Hotel
Mẹ già như trái chín cây
Trái chín cây gió lay thì rụng
Sau khi ba tôi qua đời, Vú tôi quyết định bán căn mobilehome ở gần bên khu Phước Lộc Thọ ở Little Saigon để dọn về ở với cô em thứ 8 của tôi bên Texas. May là Diệu em tôi không đi làm, là đứa con rất có hiếu, nên sẵn sàng thay mặt anh chị em nhận trách nhiệm chăm lo cho mẹ mình đến trăm tuổi già. Trước kia đã hai lần Ba Vú tôi ở với vợ chồng của Diệu, một lần ở với đứa em trai út tôi là Út Thu được vài năm, rồi bỗng một ngày đẹp trời đang ở với vợ chồng Diệu-Thắng, bỗng ba tôi đổi ý muốn ở riêng, mà lại không hẳn là vậy, lúc đó vợ tôi vừa từ Việt Nam sang được vài tháng, ba tôi gọi tôi bảo tôi bán căn mobilehome của tôi để về ở chung cùng ông bà.
Tôi đã ba lần bốn lượt về ở chung nhà với ba vú tôi, nhưng cách sống văn nghệ và đi làm báo, chơi với anh em cầm bút, ba tôi không thích cách sống đó, có lần ông nói "tao đặt tên cho mầy rất đẹp, vậy mà giờ mày đổi tên đổi họ, lê giang trần, lê lết trần gian, tao không hiểu nổi". Cái số của tôi sao đâu, vừa qua tới đảo là vợ đòi đi định cư bên Pháp, nhờ người cậu thứ Bảy bảo lãnh riêng, làm sao được khi đi với chồng và 3 con, người cậu bảy cũng từ chối thẳng. Nhưng rồi khi đến Mỹ thì nàng vợ vẫn giữ quyết định thôi nhau, ngoại trừ tôi phải rời bỏ cha mẹ tôi để đi theo nàng về sống bên gia đình người anh ruột của nàng. Chúng tôi đành chia tay. Và sau đó thì tôi cũng không ở được với cha mẹ, ra đi sống bụi đời nơi cái chốn gọi là Little Saigon.
Năm 2007, sau khi Ba Vú tôi cơm không lành canh không ngọt với vợ chồng thằng con trai trưởng là tôi, tôi nhứt định bỏ cái nghiệp layout báo, nghe lời vợ dọn sang Texas, có nhà cửa ở sẵn sàng nơi một thành phố tên Shepherd "người chăn dê cừu", dân số chỉ hơn hai ngàn người, dù nằm sát quốc lộ 59 North. Nhóm bạn thân đang tụ về Texas, sống cũng khá gần nhau, trong mục đích sẽ cùng làm chuyện kinh doanh. Thế nhưng kinh tế tuột dốc, tiền bạc trong công ty hùn hạp lại đã đầu tư vào đất hơn triệu bạc, gần cạn, nên quyết định dậm chân tại chỗ. Thế là sau 2 năm 1 tháng, năm 2009 lúc đó ba tôi trở bệnh, vợ tôi cũng mệt mỏi đi làm nail nuôi ông chồng ở không, đã bảo tôi là anh nên tìm việc làm vì em đuối rồi. Tôi về Cali thăm ba tôi, định khoảng 3 tuần, nhưng về gặp lúc tờ nhật báo Viet Herald ra đời, nhớ lời vợ bảo bèn nhận làm việc layout, cái nghiệp lại mang vào. Hai ba tháng sau thì ba tôi qua đời, 4 tháng sau thì vợ tôi bỏ căn nhà bên Texas chạy về Cali luôn. Cái số thêm lần nữa không cho tôi sống với bạn.
Số tôi cũng không được sống với con, vì khi tôi bị gãy cái lưng nằm xuống thì nàng vợ chia tay, xin tôi cho nàng mang hai con về ở cho có mẹ con với nhau. Nghe cũng phải, chứ dắt con đi ở nhờ garage hoài cũng tội mấy nhỏ, bèn chấp nhận và ra đi bụi đời, sống lang thang hết 20 năm, rồi chùn chân mỏi gối con ngựa hoang nên cưới vợ cho yên đời, được 10 năm thì cô vợ chán ông chồng quá bèn nói lời chia tay để đi tìm một tương lai sáng lạn hơn. Vậy cái số cũng không cho ở với vợ luôn. Tiếc là không đủ sức để đi tu và cũng không đủ gan để về Việt Nam sống bụi đời. Từ đó mặc cho ông trời ổng tính sao thì tính.
*
Vú tôi ở với cô em thứ tám cũng được 5 năm từ khi ba tôi mất. Bây giờ sắp sửa đón cái tết Ất Mùi 2015, Vú tôi đã gần như rơi vào tình trạng mất trí, không còn biết gì đến vệ sinh, nhưng cái óc ấy nhất định bắt con Tám phải đưa về Cali. Hai bà chị tôi và 2 cô em gái cùng cô em dâu là vợ của người em kế tôi đã qua đời năm 1977 vì vượt biên, phải họp lại để tìm phương án. Bà chị kế tôi nói, con tám chịu hết nổi rồi, phải thả nó ra một lúc, bây giờ mình phải xúm lại lo cho Vú thôi. Và, không còn giải pháp nào khác hơn là phải chấp nhận đưa Vú tôi vào Nursing home mới có thể quản chế và chăm sóc cho một bà cụ bị mất trí nhưng lại thường nổi lên cơn hung dữ. Thật là đau lòng. Trước khi rơi vào tình trạng mất trí, bà tụng kinh, nghe kinh mỗi ngày 3 cử, ăn chay trường, sau khi bị mất trí nặng không còn kiểm soát được ngay cả việc vệ sinh, làm cho cô em tôi hầu như phải canh giữ 24 trên 24, không còn cho bà đeo món gì trong người, vì có lần bà đã bứt chuỗi hạt đeo ở cườm tay để ăn hạt chuỗi. Không riêng gì nhỏ em, chúng tôi ai cũng khóc trước cảnh mẹ mình rơi vào tình trạng quá nặng nề, đành phải chọn giải pháp chẳng đặng đừng.
Hôm nay cô em cùng thêm một cô em bà con, đưa bà cụ đi máy bay về Cali, Litte Saigon. Little Saigon là danh từ mà những người Mỹ trong ngành truyền thông nghe được khi theo dõi về sinh hoạt của người Việt tị Nạn khi họ tập trung về định cư với một con số khá lớn tại thành phố Westminster, để từ đó người Việt gọi là "tiểu Saigon", nhưng nhà thơ Cao Đông Khánh khi còn sống và định cư tại đây, ông đã không bằng lòng với chữ "tiểu" vì thứ nhất đó là tiếng Hán-Việt, ngoài ra ông bảo nó giống như người Tàu chửi "tiểu na má", không thanh chút nào, nên ông nhất quyết gọi nó là "Saigon Nhỏ". Khi bà Hoàng Dược Thảo sắp ra tờ báo, đang tìm tên cho tờ báo, tôi đề nghị là chị nên lấy chữ Sài Gòn Nhỏ của Cao Đông Khánh mà đặt tên cho tờ báo thì sẽ được chú ý ngay, và chị Thảo đã nhanh tay chộp nó làm của riêng.
Little Saigon cũng được tôi mang làm tựa cho tập thơ đầu tay của tôi vào năm 1991, nhưng tôi lại không chịu thêm chữ "Nhỏ" nên tôi đặt tựa là "Sài Gòn ở phố lưu vong". Bà chị tư tôi vô tình lại thuê phòng ở khách sạn "Little Saigon Hotel". Khách sạn này nằm trên đường Brookhurst gần ngã tư Westminster, ngó xéo qua bên đường là tiệm 99¢, trước kia là một motel nhỏ rồi đổi chủ hiện tại và đổi tên mới cho đúng với Little Saigon Town nơi được người Mỹ đặt tên và người Việt gọi là "Thủ đô tị nạn". Hotel này được du khách Việt từ phương xa đến chọn ở, dù là một motel khiêm tốn và cũ kỹ, nhưng vì tiện nơi chợ búa, dễ dàng việc ăn uống và đi lại, không xa khu Phước Lộc Thọ là bao, có thể đi bộ là thưởng ngoạn được trọn vẹn khu trung tâm thương mãi của cộng đồng Việt Nam nằm trên đường Bolsa chỉ cách motel 2 miles, hai ngã tư lớn.
Tôi ghé vào cơm tấm Thuận Kiều gần Motel, mua phần cơm gà nướng togo, 7 giờ 30 phút tối, tôi vào motel tìm phòng 109 nơi chị Tư tôi thuê 2 phòng liền nhau có cửa thông qua để tạm cho Vú tôi ở vài hôm để đi lo giấy tờ cho bà nhập viện vì bà té u trên đầu còn sưng và sau đó sẽ đưa Vú tôi vào một Nursing home mà bà chị cho biết là chi phí nếu phải trả là 6 ngàn / 1 tháng, họ đã bằng lòng nhận Vú tôi nếu bà có đủ giấy tờ trợ cấp về Y Tế. Tôi ôm Vú tôi, bà chị Ba và chị Tư hỏi bà, Vú biết ai đây hông? bà đáp "thằng chó đẻ" hai bà chị cười, hỏi tiếp, thằng chó đẻ tên gì?, Vú tôi nói ra tên tôi, hai bà chị ganh liền, bảo là thằng con trai yêu quý thì nhớ tên, rồi chị Tư quay sang tôi nói, chỉ có mày, còn tao và chế ba thì bà không nhớ tên. Nhỏ em thứ chín lấy ít cherio bỏ vào chén nhựa cho bà ngồi bốc ăn ngon lành, mấy chị em xúm lại chụp hình bà.
Tôi sang phòng kế ngồi mở phần cơm gà ra ăn trong khi dì Út (em ruột của mẹ tôi) nấu thức ăn từ nhà mang đến rất ngon, nhìn đã phát thèm vì lâu lâu mới nhìn thấy được thức ăn quen của nhà nấu nướng. Nước mắt tôi cứ nằng nặng từ khi bước vào phòng 109, tôi chỉ muốn nó trào ra, trào ra đi, thế mà nó cứ nằng nặng mờ mờ nằm trong con mắt tôi. Tôi tội cho mẹ mình nghiệp nặng vào những ngày tháng gần đất xa trời. Vú tôi đã 88 tuổi, chỉ hơn một năm nay, từ khi bà bị rơi vào tình trạng mất trí, bà gầy hẳn phân nửa da thịt, so với lúc hơn năm trước về Cali chơi thăm dì Út mà bà bảo là đi lần chót, bà mập mạnh tươi tỉnh chụp cùng tôi tấm hình trông rất đẹp lão, vì Vú tôi hồi con gái bà rất đẹp và có duyên, con gái ruộng mà trong 14 anh chị em ruột của Vú tôi thì chỉ có Vú tôi thứ Sáu và dì Út thứ 14 hiện tại là da trắng như bông bưởi.
Vú tôi lấy chồng năm 17 tuổi, làm ruộng đã quá cực rồi, khi bên chồng mở nhà máy xay lúa, vú tôi cực nhọc vô cùng, nào cơm nước hầu hạ cha mẹ chồng, và dù có 2 cô gái giúp việc nhưng cả ba đều làm không xuể tay, nào cơm nước cho công nhân nhà máy ăn, nào một chuồng heo cả chục con, chuồng gà cả trăm con, ao cá phi phải rải cám nuôi, còn cây trái, rau cải trồng quanh nhà. Tinh mơ 4 giờ sáng đã phải xuống ngồi ở căn nhà mát cất sát bờ sông trước mặt nhà máy để đón xuồng của dân trong ruộng chở lúa đến chà gạo, vì xéo bên kia sông có một nhà máy xay lúa nhỏ hơn hiệu Công Thành nên hai bên phải cạnh tranh đón khách. Nhà Máy sau mùa gặt lúa thì chạy 24/24. Khi khách quá nhiều không xay cho họ kịp trong ngày thì vú tôi còn phải lo cho họ có chỗ ngủ qua đêm, phải điều động mang ghế bố đặt dọc theo mái hiên quanh nhà máy hay lẫm lúa, phải giăng mùng vì muỗi rất nhiều. Hết ghế bố thì giăng võng, mà võng cũng phải có mùng, hết võng phải thêm nốp cho đàn ông để chui vô ngủ không bị muỗi. Quan trọng nhất là phải cho họ ăn cho no bụng. Ôi thôi là cực, khi đó tôi chỉ mới là một cậu bé 6, 7 tuổi, vừa biết lội sông nhờ tập lội bằng mang hai trái dừa khô tét một sợi nhỏ của lớp vỏ rồi cột dính lại làm cái phao; không có 2 trái dừa thì ôm bẹ dừa nước, cái phần ở phía dưới của nhánh lá chặt ra, gọi là "bặp dừa".
Cũng trong thời kỳ làm nhà máy xay lúa độ 5,7 năm này, Vú tôi vì bị mẹ chồng áp lực nặng nề, bà tủi thân nên treo cổ tự vận. Chiều đó bà cho tôi $5, bảo tôi dắt thằng em kế tôi một tuổi, bảo dắt em đi tới chợ nhà Lồng chơi, mua đồ ăn ở chơi khi nào muốn về thì về. Hai anh em tôi có tiền nên đi liền, vì lúc đó có gánh cải lương tới xóm Cầu Sập của tôi dựng rạp vào ban đêm ở chợ Nhà Lồng hát vài bữa để lấy tiền dân quê mê cải lương, một vé bán $5. Đó là năm 1959, tiền còn lớn. Rạp đêm đó chiếu tuồng "Bánh xe lăn xã hội", chắc nói về chuyện đời hay tình cảm xã hội, tôi gặp chú Năm Hòa là em bà con chú bác với ba tôi, ông là công nhân làm cho nhà máy xay lúa của nhà tôi, vừa mới cưới vợ nên dắt vợ đi xem cải lương, thấy tôi, ông tới gần bên tôi, buồn bã nói chú dắt thím Năm mày đi coi hát mà vé mắc quá không đủ tiền, ai dè nó mắc tới $5 một vé, chú chỉ có tiền đủ mua một vé, chắc đứng nghe "ô pạc lưa" (loa phóng thanh) ca vọng cổ một hồi rồi dắt thím Năm mày dìa thôi. Nghe chú than vậy, tôi móc ra tờ $5 đưa cho chú, nói Vú con mới cho tiền hai anh em lợi đây chơi, mà tụi con không mua gì ăn, thôi chú lấy tiền này mua vé cho thím Năm vô coi cải lương cho vui. Chú Năm bất ngờ hơi sượng, nhưng rồi có lẽ nghe tôi nói cũng có lý nên mặt chú vui ra, cầm lấy tiền, nói thôi thì chú mượn của con rồi mai mốt chú trả lại. Tôi trong bụng lúc đó không vui thú gì, vì Vú tôi bệnh nằm ở nhà nên nói với thằng em là mình đi về đi, Vú bệnh, về nhà sớm cho Vú vui. Rồi hai anh em tà tà cuốc bộ một quảng đường khá xa để về nhà trong bầu trời trăng thanh gió mát.
Về nhà, hai anh em chun vô mùng ngủ thì Vú tôi từ giường bên kia giở mùng chun vô ngồi khóc thút thít, dặn dò tôi phải thương và lo cho em tôi. Tôi lúc đó 7 tuổi, còn quá nhỏ để đoán này đoán kia, nhưng linh cảm là có chuyện không tốt, bèn nói với Vú là con chạy qua nhà máy kêu ba về, rồi tốc mùng đi qua nhà máy kiếm ba tôi thì gặp ông đang châm nhớt cho cái đầu máy to tổ bố đặt trong phòng máy, tôi nói Vú Bệnh kêu ba về, ba nói ba mắc bận châm nhớt, xong rồi ba về. Tôi đứng chờ thấy nóng ruột, lại nói ba về liền nghe, Vú khóc đó, rồi chạy về. Về tới cửa buồng thì Vú tôi đã khóa chốt bên trong, linh tính hay nhờ sợ hãi sao đó mà tôi leo qua vách buồng ngủ vô trong được thì thấy Vú tôi đang treo mình lủng lẳng dưới sợi dây thừng, tôi hoảng vía kêu to lên "Ông Nội! Ông Nội" vì ông nội tôi đang ngồi uống trà ở đi văng giường ngủ đặt ngoài nhà trước, ông nội tôi cũng nhạy bén, ông có nghề võ nên ông phóng cái rẹt là vô trong phòng, tôi đang cố gắng ôm hai cái chân của Vú tôi đỡ lên, ông nội tôi tới tháo sợi dây thừng và ba tôi cũng vừa về tới. Nhờ Vú tôi quấn cái khăng bàng quanh cổ do bị bệnh nên không bị nghẹt thở ngay và cũng nhờ tôi về kịp lúc. Từ đó mãi về sau khi tôi lớn lên, mỗi lần thấy Vú tôi khóc thút thít nằm bệnh là tôi thức sáng đêm không ngủ vì sợ bà lại tự tử nữa, bao nhiêu dây chạc và dao kéo bị tôi lục ra đem giấu kỹ, sợ mẹ mình tìm nó thì mình có thể thành ra trẻ mồ côi.
Giờ đây tôi 62 tuổi già, vậy mà ôm Vú tôi vào lòng mà tôi cứ tưởng mình giống như hồi bảy tám tuổi lúc Vú tôi tự tử. Bây giờ trong lòng tôi cũng chợt nổi lên một nỗi lo sợ là Vú mình sẽ chết bỏ lại mình mồ côi mồ cút. Mà tôi là đứa con bị cha mẹ coi là con hư hỏng, không ưa gì, không tin tưởng gì, vì thật sự mà nói, từ khi qua Mỹ năm 1980 tới bây giờ, tôi chưa có trả được cho cha mình một chút xíu nào gọi là "có hiếu". Hồi ba tôi còn sống thì mỗi năm tôi chỉ làm được một việc là mua cho ba áo thun, quần lót, vài bộ Pyjama, vớ; hay vào mùa lạnh thì mua cái áo ấm, thật là bình thường và nhỏ bé. Có lần mua cho ông cái đồng hồ Omega cũ, ông đeo một lúc rồi trả lại, khiến trong bụng tôi buồn vì mình không có tiền để sắm cho ba mình cái đồng hồ mới, chỉ là cái đồng hồ cũ mua lại vài trăm bạc, mình thiệt tệ. Còn Vú tôi thì cũng chỉ là mấy món nhỏ nhặt, cái áo ấm, những món đồ ăn chơi vui miệng, Tết tới thì đưa cho bà vài trăm bạc giấy 1 đồng để bà có thêm tiền lì xì cho con cháu; cũng như cho ba tôi, thỉnh thoảng tô mì, tô bánh lọt khi đi ăn quán thấy ngon mua mang về. Ngoài ra, tôi chỉ là một con người nghèo nàn lang bạt, sống gần như không có tương lai gì cả.
Giờ đây, đêm nay ngoài trời sao quá giá lạnh, tôi mặc hai ba lớp áo, đầu chụp mũ len, cổ quấn khăn len, tôi đã là một ông già yếu đuối, giờ đây trước cảnh mẹ mình như thế, lòng đau như cắt, một giọt nước mắt cũng không rớt ra được, cảm thấy mình chỉ là một thằng con bất hiếu, bất lực, không lo được gì cho mẹ già. Thấy mình không còn ra con người nữa, những muỗng cơm nuốt vào tưởng chừng như nuốt sạn nuốt sỏi. Định mệnh của tôi ư? Tôi bỗng dưng thù ghét định mệnh và đồng thời chua sót cho cái kiếp sống tha hương. Giấc mơ trở về sống nơi quê hương Việt coi như cũng đã tàn, vợ con ly tán, bước vào giai đoạn sống trong tuổi già, trước mắt thật là vô vị và mông lung.
Thế hệ của Vú tôi ít ra còn có những người con thương tâm, cố gắng trả hiếu trả thảo cho cha mẹ và cố gắng lo cho cha mẹ già khi trăm tuổi. Đến thế hệ chúng tôi sống nơi đất khách thì không trông mong gì nơi con cái cả. Ai cũng mong có một ngày ngủ rồi đi luôn cho nhẹ nhàng, chứ ốm đau ngặt nghèo hay già lẩn trí thì không biết sẽ ra sao, dù biết ai rồi cũng rũ bỏ cái bọc thịt thối tha của kiếp nhân sinh, nhưng mỗi cái chết đều có số phần, cũng không thể biết trước, giống như lúc sinh ra đời, mình mới biết mình lọt vào đâu, nơi nhà cao cửa rộng hay nơi nhà nghèo bần cùng, để rồi từ đó mà gọi là định mệnh chăng? một thứ ngoài tầm tay của mình thì gọi nó là số mệnh ư? Ừ thì vô thường, nhưng nếu không có những khoảng sống thì làm gì có danh gọi là vô thường, sinh rồi diệt, diệt rồi sinh, là những chuỗi "biến tấu" bất tận, biết rồi, khổ lắm, nói mãi.
Tôi không hiểu bằng vào cái gì mà tôi lại trân quý cái sự sống. Từ khi còn bé, lúc ở nhà quê, nhìn những người nông dân khỏe mạnh, những thanh niên vác 2 bao gạo = 200 kg, tôi vô cùng khâm phục và đam mê cái sức sống mạnh mẽ ấy; hay dù chưa biết gì về xác thịt, nhìn những cô thôn nữ căng da căng thịt khỏe mạnh, tôi vẫn thấy có một sức sống gì đó toát ra rất hấp dẫn tôi nơi con người bị gọi là phái yếu ấy. Lớn dần lên, có học hỏi, có bước ra đời, mới hiểu được hai chữ "Life force", cái sức sống quả là một hấp lực để thu hút kẻ khác. Cũng chính vì vậy mà tôi cũng dễ thương tâm khi bắt gặp hình ảnh của một người yếu ớt, bệnh tật hay ngay cả rã rượi vì đau khổ hay sầu muộn gì đó, làm cho mình bỗng cảm thương muốn giúp đỡ cho họ cái gì đó để cho họ thoát khỏi cái yếu ớt ấy mà mạnh mẽ lên. Cho đến khi đọc kinh Phật, sinh lão bệnh tử trở thành "tứ diệu đế", trở thành nỗi tư duy lớn của một kiếp nhân sinh. Rồi nào là tham sân si, nào là 8 con đường gọi là "chánh đạo", ý lực v.v.. ôi một trời mông mênh cho tư tưởng thao thức.
Tôi có nói gì ghê gớm đi nữa, tôi vẫn phải đối diện. Tôi đang đối diện với hình ảnh của mẹ mình, và ngay cả với chính tôi trong cái gọi là tuổi già bóng xế, một thứ quy luật của sinh diệt. Tôi chỉ là một con người bình thường và có thể cũng tầm thường, tôi không viễn mơ mình có thể sống như một thiền sư chẳng hạn, mà chỉ đơn giản sống theo quan niệm "ở hiền gặp lành", niệm Phật hiệu thường xuyên hằng ngày, như là cách huân tập cho tâm tưởng mình đừng mống lên những ý nghĩ tham lam, tham dục, nhất là tham những cái của người khác. Tôi sống như là được Trời Phật nuôi hay Phật Trời độ, nhưng tôi cũng không ỹ lại vào sự ứng hiện đó, những ứng hiện qua bao lần tôi gục xuống rồi đứng lên, qua bao lần tôi tan nát rồi bình tĩnh và an bình, qua bao lần học những bài học nhân tình thế thái, tôi đều vẫn tâm niệm "ở hiền gặp lành" nhiều hơn là mê tín theo kiểu có thần linh hộ mạng, chẳng hạn.
Nhưng đồng thời qua khoa học lý luận rằng tất cả mọi thứ gì xuất hiện trong vũ trụ và hằng hà sa số vũ trụ bất tận đi nữa, tất cả từ một vật chất hữu hình đến những khoảng không vô hình, đều có liên hệ với nhau để tạo thành một lực quân bình mà ổn định cái hữu hình hay vô hình, làm cho nhìn vào thấy có lớp lang trật tự chứ tổng hình thể của tất cả vũ trụ không phải là một tình thế hỗn mang, hỗn độn. Từ đó cho tôi tin là cũng có những lực bí mật thiêng liêng nào đó liên hệ đến những sinh thể, khi nó đang là sinh thể hay dù nó đã trở thành vô thể. Rõ ràng như người Trung Hoa tin mạng số của con người là tiêu biểu bởi một vì sao trên trời, những vì sao chung quanh nó sẽ ảnh hưởng đến nó, do đó ảnh hưởng đến sinh hoạt trong cuộc sống của mình, đó là khoa tử vi. Do vậy, đừng vội ngã mạn với những từ ngữ thiêng liêng ví von về Phật lực, Chúa lực, Thánh lực, Thần lực, Tiên Lực, Ma lực, Quỷ lực, Vũ trụ lực, Mật lực, Chú lực, Phép lực v.v.. những thứ mà trí óc con người không thể nào hiểu biết nổi, mà cái gì mình không hiểu biết nổi thì đừng nên xem thường. Cho nên việc mình thoát chết, thoát hiểm, vượt qua những lúc tận cùng, cũng phải có một cái lực bí mật nào đó, cái lực "quân bình" nào đó đã tác dộng đến một cách có hữu ý. Vì nếu không có những thứ bí mật như thế, thì nhà Phật không nói đến thuyết "DUYÊN và NGHIỆP".
Tình huống của mẹ tôi ở tuổi gần đất xa trời, kết luận cuối cùng về nó là quy nó vào NGHIỆP. Quy "là nghiệp" một cách đau lòng và bất lực. Nếu tôi có thể thay thế cho tình trạng của mẹ tôi hiện tại, tôi sẵn sàng, nhưng khổ nỗi, nghiệp của mỗi người phải tự gánh lấy. Con cái chỉ có thể làm bớt nghiệp của cha mẹ mình bằng cách A,B,C,D theo nhà Phật dạy, và chỉ hết lòng tin tưởng, chỉ hy vọng thật sự được như vậy. Từ đây, ĐỨC TIN và HY VỌNG, trở thành một MẬT LỰC. Mật lực của đức tin vào sự nhiệm mầu cao quý đại từ bi của chư Phật chẳng hạn, và mật lực của con người là niềm hy vọng tuyệt đối bằng đức tin vào nó; hai thứ LỰC này cũng đã phát sinh những hậu quả tốt đẹp bất ngờ. Trong tất cả những phim ảnh về siêu khoa học ngoài không gian, hy vọng là niềm tin cuối cùng mà những con người đang rơi vào một tình huống bi đát nhất phải giữ vững lòng tin. Cho nên tôi luôn có đức tin trong kiếp sống và luôn có hy vọng trong cuộc sống. Tôi sống không bao giờ bi quan.
Trong kinh Phật có dạy "qua sông quên đò", người Mỹ cũng có câu "Don't look back". Vì đời sống là đi tới. Thời nay, người ta gọi một chứng bệnh là "hội chứng" để nói lên người mắc bệnh không xả bỏ được cái quá khứ đã hằn in vào trong trí óc của họ, như là "hội chứng chiến tranh" của những người lính còn sống sót nhưng vẫn mãi bị cái quá khứ chiến tranh mà anh ta trải qua ám ảnh anh ta suốt đời. Bởi vậy trong nhà Phật, "Hỉ Xả" rất quan trọng và được đặt liền theo "Từ Bi". Vú tôi, bà bị bệnh hội chứng quá khứ, khi sang Mỹ, bà bỗng phát sinh thù ghét cha mẹ chồng vì đã đày đọa bà, từ đó làm cho ba tôi trở thành một nạn nhân bị dính líu, làm cho bà hận chồng đã không yêu thương gì bà, bà chỉ là cái máy đẻ năm một, chẳng hạn, và vô số tội trạng khác. Vú tôi sanh 13 người con, bệnh mất 2 còn 11, sau năm 1975 mất thêm thằng em trai kế tôi do đi vượt biên và mất thêm đứa em gái út 9 tuổi do sốt xuất huyết và chôn cất ở một đảo nhỏ ở Indonesia.
Tôi còn nhớ rất rõ, khi tôi còn bé ngủ bên cạnh Ba Vú tôi, tôi thường chứng kiến cảnh hai người nằm ôm nhau và hôn nhau mùi mẫn, ánh mắt Vú tôi long lanh đầy tình thương yêu vợ chồng. Ba tôi từ khi qua Mỹ, chính ông là người hầu hạ vợ mình, giặt từ cái quần lót cho vợ, nấu cơm canh khi vợ nằm bệnh, bóp tay chân khi vợ đau nhức, cạo gió, làm hết việc vệ sinh trong nhà và ngoài vườn, và ông chịu đựng cái bệnh hội chứng của vợ, chỉ buồn âm thầm, trở nên cô độc, vì Vú tôi không còn ăn chung mâm, không còn ngủ chung giường với chồng nữa. Ba tôi than với tôi rằng, Vú mầy hành tao kiểu này tao chết sớm, và ông qua đời trước mẹ tôi.
Tôi trở về nhà và ngồi vào máy để viết lại những cảm nghĩ bức xúc của mình do tôi quá xúc động khi nhìn thấy mẹ mình đang rơi vào tình trạng bệnh mất trí, tôi hình dung đến lúc Vú tôi phải vào sống trong viện dưỡng lão là lòng tôi nghẹn lên. Tôi chỉ còn biết cầu Trời Phật cho Vú tôi tỉnh trí lại, đòi về nhà ở với con và bà trở về sẽ hiền lành như một đứa bé để cô em tôi có thể lo cho mẹ mình đến khi bà nhắm mắt; còn nếu không, làm sao Vú tôi có thể sống kỷ luật và ngoan ngoãn trong viện khi mà trí óc bà không còn kiểm soát được? Sự đau xót của tôi trở thành bất lực trong giây phút này. Mấy chị em của tôi cũng không khác gì tôi, tất cả đều hiện rõ trên gương mặt một nỗi lo buồn đè nén nhưng đè nặng.
Tôi không muốn viết thêm gì nữa, bấy nhiêu đã đủ nát lòng, bấy nhiêu đã đủ cho tôi trắng đêm trăn trở và nhiều đêm trằn trọc. Chợt có một sức mạnh nào đó đang bùng lên trong tôi, tôi sẽ làm những việc cụ thể thăm viếng mỗi ngày khi mẹ tôi nhập viện, chị em chúng tôi sẽ thay phiên chăm sóc và cầu nguyện và hy vọng và tin Trời Phật cũng sẽ có gửi đến một mật lực nào đó cho một người đàn bà mà đã từng đem hết sinh lực thời thanh xuân của mình ra sống trọn vẹn, và bà cũng là tiêu biểu cho hình ảnh còn sót lại của người phụ nữ sống trong thời chiến tranh, nhận chịu bao hậu quả oan nghiệt. Dù có phước được hưởng hay không được hưởng, họ đều đáng thương vô cùng.
(2:48 am, thứ ba, 012015, sau ngày lễ Martin Luther King)