LÊ GIANG TRẦN

 

Ngôn Ngữ Xanh Thơ Mộng
Nguyễn Thị Khánh Minh

 

người dệt thơ như tơ lụa
dệt văn như dòng sông êm trôi

Đinh Cường

Trong khi thế giới phương Tây đã nổi dậy phong trào hiện sinh thì nơi phương Đông vẫn đi trên một con đường trầm lặng. Đó là con đường của nghệ thuật, các thế hệ tiếp nối nhau trong một thế giới lặng lẽ với những khát vọng trung thành nhất của đời sống. Đông phương là một thế giới trầm mặc xa xôi, mà nghệ thuật lại là con đường của cái trầm mặc đó… Trong nghệ thuật, con người đã lấy ngay chất liệu đau khổ của thế gian dựng thành ý nghĩa cứu cánh của đời sống… Qua con đường trầm mặc của nghệ thuật, chúng ta mới có thể xúc cảm sâu xa trước những gì mà tư tưởng và triết học không bao giờ có được. Dưới tác động của thời gian, đời sống là một cái gì đó rất mong manh, và hạnh phúc là một thứ chất lỏng không thể nắm bắt được. Chất lỏng đó chảy xuôi thành một dòng sông biến động của thời gian. Chỉ trong những phút trầm mặc chúng ta mới có thể trầm mình vào suối để thưởng thức hương vị hiu hắt của hạnh phúc… Qua xúc cảm ấy, tâm hồn con người được mở rộng để đón tiếp mọi người mọi vật ngay giữa lòng sống động của hiện hữu. Người ta nói tâm hồn Đông phương là một tâm hồn trầm mặc và bao dung, chính là ở chỗ đó. (Văn Tuyển, Tuệ Sỹ, Hương Tích Phật Việt, Hoa Kỳ, 2014, tr. 12, 36, 37, 39)
 

Ngon Ngu Xanh


Thật là những phát biểu rất mực thâm trầm của thi-đạo sĩ Tuệ Sỹ, tôi mượn ghi ra đây mở đầu bài viết giới thiệu về tập thơ Ngôn Ngữ Xanh của Nguyễn Thị Khánh Minh, bao gồm nhiều bài thơ được làm theo thể thơ tự do, được tác giả cho biết, “Tổng hợp thơ cùng một chủ đề viết từ 2002-2019”. Nguyễn Thị Khánh Minh có biệt tài chuyển những ý tưởng thay vì phát biểu bình dị về một biểu cảm, thành ra một câu chữ văn chương mượt mà tươi đẹp đầy thơ mộng, chan chứa nét lãng mạn trong sáng, không riêng về tản văn mà cả thi phú; nhưng tôi không đặt thơ Nguyễn Thị Khánh Minh vào trường phái Lãng Mạn, mà, tôi thích gọi là trường phái Thơ Mộng, mặc dù xuyên qua lịch sử thi ca chưa có trường phái nào gọi là Chủ Nghĩa Thơ Mộng cả.
Nhà thơ Khế Iêm, trong bộ biên khảo về thơ, Vũ Điệu Không Vần, nói vắn tắt về phong trào Lãng Mạn, đại ý: Cuối thế kỷ 18, xã hội Âu Mỹ thay đổi bởi hậu quả của hai cuộc cách mạng xảy ra tại Hoa Kỳ (1783) và tại Pháp (1789) đã đưa đến sự thay đổi về tâm lý, và nói riêng về lãnh vực thi ca, ra đời “Chủ Nghĩa Lãng Mạn”. Và tới thế kỷ 19, thơ không vần trở thành mấu chốt cách mạng của phong trào lãng mạn. Thơ không vần chuyên chở được cảm xúc, tránh được sự quá chú tâm vào bản thân ngôn ngữ. (Vũ Điệu Không Vần, Khế Iêm, 2019, tr. 110-111).

Thơ Nguyễn Thị Khánh Minh không liên quan gì đến Chủ Nghĩa Lãng Mạn như thế, và tôi thích phát biểu của Tuệ Sỹ về sự trầm mặc của phương Đông, một nỗi trầm tịch có đủ cả hai yếu tính  lãng mạn và  thơ mộng mà  lý trí  duy lý  đặc thù của phương Tây không lột tả đến đỉnh được; điều mà Kant vô hình trung phát biểu tương tự như Duy Thức Luận của đạo Phật, rằng: Giác quan cung cấp nội dung kiến thức của chúng ta, còn tâm trí tạo ra hình thể của nó. Tâm trí nếu không có giác quan thì trống rỗng, còn giác quan không có tâm trí thì mù lòa… Sự vật chúng ta quan sát bằng giác quan chỉ là những hiện tượng bề ngoài. (Vũ Điệu Không Vần, Khế Iêm)

Như thế, siêu-hình-học của Tây phương bất khả luận về những chủ-thể không có những hiện tượng bề ngoài. Từ khi tiềm-lượng-tử Quantum được khoa học cận đại khám phá, nó có một đặc tính kỳ diệu, nếu có ý lực muốn quan sát nó thì nó hiện hữu, nếu không có ý lực nào kêu gọi nó thì nó là sóng vô-hình. Có lẽ từ nguyên ủy này, Hawking tuyên bố “Triết Học đã chết” ngầm đáp lại lời của triết gia Nietzsche, người khơi lên ngọn lửa “siêu nhân” cáo phó “Thượng Đế đã chết!”
Ẩn tàng phất phơ hay phơi phới thi-chất thơ mộng lãng mạn trên dòng sông thơ rạng rỡ trăng, rực rỡ trời, muôn màu bông hoa của Khánh Minh không phải không có những bông lục bình màu tim tím dâng lên một nỗi buồn man mác nhẹ nhàng lững lờ trôi theo dòng nước về một phương trời viễn tưởng. Nàng tâm sự qua đoạn thơ cuối của bài Phút Mong Manh Giữa Những Từ:

Khó mà thoát khỏi sự cám dỗ
Tôi mải miết
Điều gì khi tôi đặt dấu chấm hết một bài thơ?

Sau một vụ mùa
Tôi chỉ đem về nhà được đôi ba hạt lúa chín
Chút màu vàng của nó lấp lánh trên tay
Làm tôi đã vô cùng sung sướng
Tôi đã tắm đã hưởng
Tất cả những ngọt ngào mát mẻ của con sông
Và dẫu tôi không mang về một hạt nước nào của nó
Nhưng làn da tôi thì mãi còn dư âm cái trườn mình của dòng chảy
Bài thơ hoàn tất.
Là một điểm hẹn quyến rũ
Nhưng phút mong manh giữa những từ
Lại là lúc đóa hoa đang nở. Đang tỏa hương
Tôi có gì đâu phải vội

Đoạn thơ này có câu ẩn chứa trùng hợp với điều Tuệ Sỹ bảo rằng “Hạnh phúc là một thứ chất lỏng không thể nắm bắt được. Chất lỏng đó chảy xuôi thành một dòng sông…” Một dòng sông trầm mặc. Hãy đọc bốn câu thơ khác của nàng:

Tôi nhảy ra ngoài khung tranh đẹp đẽ
Thấy thế giới vô cùng khác lạ
Và bắt đầu những cuộc phiêu lưu
Xóa tôi đi dưới những cái nhìn quen thuộc


Sau khi đọc toàn bộ bài thơ trong tập Ngôn Ngữ Xanh một cách thú vị và ngưỡng mộ, quả là ngôn ngữ xanh thiệt! Và đặc biệt hơn, những câu thơ của nàng đã vượt ra khỏi tiêu đề một bài thơ, chúng ta có thể tùy theo tâm thức của mình, chọn và ghép một số câu thơ của Nguyễn Thị Khánh Minh lại sẽ có ngay một bài thơ ngắn hay dài, tiêu biểu cho nội tâm của mình đã đồng cảm với những câu thơ ẩn ngữ, vì nói lên được một tâm trạng mà mình không thể diễn đạt hay hơn lời thơ thơ mộng như thế. Điều này khiến tôi bỗng nhớ có lần Mai Thảo khi ai đó hỏi ông về thơ của Bùi Giáng, ông nói rằng, “Thơ Bùi Giáng không có bài thơ (ý là không cần thiết đến một tựa đề) chỉ là ‘thơ Bùi Giáng’, thế thôi!” Và tôi thật thích phát biểu này dành cho thơ của những thi nhân là-thi-sĩ.
Như vậy, thơ Nguyễn Thị Khánh Minh tự thân giống như một thiền giả đã vượt qua giai đoạn cần đến một đối tượng để quán tưởng, nói nôm na cho vui là thơ ấy đã đắc-đạo-thơ, hồn nhiên tự tại, cái tiểu ngã không còn, mà, mông mênh chan hòa cùng đại ngã, (đại ngã được đạo lý Đông phương tượng trưng cho sự tự nhiên vô ngại của vũ trụ.) Thơ của công nương Nguyễn Thị Khánh Minh đã không cần thiết − hay đã gỡ bỏ − những cái tựa bài thơ mà người làm thơ theo tục lệ, tạm gắn một tiêu đề – giống như gắn một tép ghi họ tên nơi miệng túi áo trước ngực một cá nhân – mang nội dung biểu cảm nào đó. Tôi làm việc này, vì trong thức thứ tám A-Lại-Da của tôi có lưu trữ những tâm trạng mà thức thứ bảy tàng thức (mạt-na) chưa chọn ra để đáp ứng cho ý thức thứ sáu phát biểu; và mấy câu thơ tuyển chọn giống như “bói Kiều”, bố cáo cái tâm trạng của mình!
Do mỗi người có tâm trạng của tự thân, nên khi có những câu thơ đánh động tâm hồn hay trái tim của mình, có nghĩa là lời thơ ấy tạo nên một nỗi đồng cảm sâu kín nào đó trong mình, những lời thơ ấy dường như diễn đạt được những cảm xúc mà mình khó thốt nên lời, có khi chỉ một hai câu thơ nhưng nhớ suốt đời, thí dụ hai câu của Bùi Giáng làm cho nỗi lưu vong đầy bi kịch: “Những tưởng đầu đường thương xó chợ / Ai ngờ xó chợ chẳng thương nhau”. Thơ ấy đã không còn là của tác giả, đã siêu việt tự ngã, trở thành là của mọi người nên cá nhân nào cũng thấm thía được. Vậy xin đừng tò mò thắc mắc khi đọc những câu thơ “bói Kiều” do tôi ghép lại trong bài viết này là ở bài thơ nào của tác giả? Chỉ là, Thơ-Nguyễn-Thị-Khánh-Minh.

Thơ Là dòng sông. Cho tôi trôi đi
Là tiếng khóc. Cho tôi rơi lệ
Là dấu mốc. Nhắc tôi trở về
Là bàn tay. Cho tôi nắm lấy
Nhưng thường khi. Nó là bóng đám mây bay

Cho tôi bay cao
Chỉ riêng nỗi đau từ chính Nó gây ra
Nó lại không làm gì cả
Chỉ thản nhiên bóc ra từ tôi những hạt lệ…
Tôi viết nên bài thơ
Chẳng phải bằng con ruồi giả – như người ta câu cá –


Nhà thơ Trịnh Y Thư đưa ra nhận xét về thơ Khánh Minh:

Thơ Khánh Minh bao nhiêu năm rồi vẫn như thế, thi ngôn nền nã, sáng đẹp, thi tứ trữ tình, lãng mạn, đậm buồn, giàu thi ảnh, tràn đầy cảm xúc, và luôn luôn có những biến ảo lạ lùng trong ngôn ngữ khiến thơ như chắp cánh bay cao và bay xa trong những chiều kích khôn cùng… Lý Bạch ngày xưa ‘Ngửng đầu nhìn trăng sáng / Cúi đầu nhớ cố hương’, Nguyễn Thị Khánh Minh ngày nay ‘Cúi xuống một hồn trôi ảo ảnh, Kéo về đâu tôi bốn phía đêm’. Cách nhau hơn nghìn năm, nhưng hiện thể uyên nguyên là một.  Nguyễn Thị Khánh Minh bày tỏ: 

Tôi rơi. Đơn độc. Hạnh phúc
Nơi bài thơ tôi viết. Nơi bài thơ tôi đọc
Tôi giấu mình. Vui sướng
Trong lẻ loi tiếng khóc
Trong mơ mộng tự do


Nhà thơ Khế Iêm bỏ ra hơn mười năm, hoàn tất bộ biên khảo công phu dày cộm về lịch sử nghệ thuật thơ, trong tiêu đề “Nhịp điệu phi tuyến tính,” ông dùng ngôn ngữ phương Tây và đậm màu khoa học đương đại để nói về thơ, không kém thơ mộng: Hình ảnh của hiện thực, siêu thực, trừu tượng, ấn tượng, và những dạng thức của đời sống… xoắn lại, nhảy vọt, đảo ngược, hóa thân thành cơn sóng ngầm trong thơ. (Vũ Điệu Không Vần, Khế Iêm, tr.70)

Và Khế Iêm nói về thơ tự do:

Loại thơ dùng kỹ thuật dòng gãy và phân mảnh để phá vỡ cú pháp, khiến cho ngôn ngữ đành quay về chính tự thân ngôn ngữ. Cho nên người đọc nương theo chiều dài của hơi thở và âm vực mỗi âm tiết, chẳng khác nào người ca sĩ khơi dậy cảm xúc và tưởng tượng bên trong nhà thơ và người đọc, với độ rung của âm thanh trọng âm, hình ảnh ẩn dụ gợi lên từ chữ-cụ-thể là nội dung bài thơ… Ý nghĩa bài thơ không phải nghĩa đen của chữ và nhóm chữ, mà tùy thuộc vào  hành động của tâm trí  (act of mind), nẩy sinh từ tiến trình đọc, và mỗi người đọc cảm nghiệm một cách khác nhau, nên bài thơ có những ý nghĩa khác nhau. Đa tầng đa nghĩa là đặc trưng của ngôn ngữ thơ. (Vũ Điệu Không Vần, Khế Iêm, tr.98)

Thơ là nghệ thuật của âm thanh và ngôn ngữ…. Bài thơ, bằng nghệ thuật, phải có khả năng mang sinh khí trực tiếp đến mọi thành phần người đọc. (Vũ Điệu Không Vần, Khế Iêm, tr.117)

Phát biểu tương tự, Charles Olson nói:

Bài thơ xuất hiện thế nào trên trang giấy, không phải là hình thức đóng hay mở, mà là những năng lực tràn ra, thể hiện tinh thần của nhà thơ. (Vũ Điệu Không Vần, Khế Iêm, tr.176)

Thơ Nguyễn Thị Khánh Minh:

Ngày. Bói không ra nụ cười
Đêm. Trùm chăn ngủ. Ngậm ngùi giấc mơ

Cảm xúc sóng dội
Trôi tôi trên biển của lời

Cảm xúc sểnh ngõ, câu thơ
Xua tôi, con chữ ngu ngơ lạc bầy
Liệu có còn tôi không đây

Lời. Khi như dòng sông trôi
Con nước ngửa mặt cho trời xanh chung
Lời. Khi như gió mông lung
Hụt hơi buộc cái vô cùng chờ nhau

Phát biểu của Khế Iêm và Charles Olson đều hay ho, nhưng tôi thú vị hơn với phát biểu của Tuệ Sỹ:

Ngôn ngữ của thi ca, nơi này, người ta hy vọng tìm thấy hình ảnh của một thực tại sống động, chỉ có trong đời sống của kinh nghiệm cá biệt, và nội tại, luôn luôn lại là những tiếng nói của sự im lặng; giống như sự im lặng của lòng biển sâu thẳm. (Văn Tuyển, Tuệ Sỹ, tr. 51)

Thơ Nguyễn Thị Khánh Minh bất ngờ phương Đông:

Phương Đông im như ai vừa sập cửa
Ngày oằn vai cõng tối. Nắng theo đi
Đường mờ sương hút từng con bóng chạy
Nhìn treo lên lúc lỉu những phương trời
Trời xa đuối. Lòng đêm sâu thẳm miết
Mắc cạn lòng nhau giấc ngủ đìu hiu


Tất cả phát biểu của phương Tây và phương Đông đưa ra như trên, kỳ lạ là đều nằm trong Luận Duy Thức của Thế Thân, (và trở thành) bộ luận quan trọng thuộc Đại Thừa Phật Giáo, cho rằng, “tất cả tồn tại duy chỉ là thức” và nói rõ hơn, “Duy Thức là nói rằng tất cả tồn tại ngoại giới thảy đều là sự biến hiện của thức, được sáng tạo bởi thức”. (Luận Thành Duy Thức, Tuệ Sỹ, tr. 13). Và ngay hai câu đầu tiên của Kinh Pháp Cú đã gióng lên tiếng đại hồng chung cảnh tỉnh này: “Ý dẫn đầu các pháp / Ý làm chủ, ý tạo.” Ở trên, Khế Iêm (vô tình) nói hành động của tâm trí, theo Duy Thức Luận giải thích, là hoạt động của ý thức nạp trình một sáng tạo, kết quả sau khi nó tái cấu trúc, một giai đoạn mà kinh điển gọi là biến kế phân biệt (parikalpa).
Bởi vì luật vô thường là sự vật hiện ra rồi biến mất trong một sát na (cứ thế tiếp diễn); nếu kéo dài 2 sát na thì có thể 3, có thể kéo dài vô tận trở nên bất biến không còn vô thường; cho nên cái tồn tại được nhận thức giống như từng tấm âm bản ghi hình ảnh trong cuộn phim, chiếu lên màn ảnh tiếp nối liên tục những bức phim (tượng trưng cho 1 sát na) tạo nên cái tồn tại, trở thành đối tượng được nhận thức, tồn tại ấy không xuất hiện trong thức nó như là nó, mà xuất hiện qua ảnh tượng được xử lý, hay được tái cấu trúc bởi thức. Thức không bao giờ nhận thức được tự thân của sự vật, nghĩa là thức-thể không đạt đến như tính của tồn tại, mà chỉ nắm bắt được những gì sau khi chúng đã được tái cấu trúc. Nó là một hành vi nhận thức, hoặc như là thông tín viên. Do sự thông báo kết quả nhận thức này, lập thành giả thiết được cho rằng, “bản chất của tất cả tồn tại chính là thức”. (Luận Thành Duy Thức, Tuệ Sỹ, tr. 14-15).    Trở lại, Khế Iêm dẫn dụ thêm một chút bằng mượn thơ của người Việt: Thơ tiền chiến và tự do dễ bị vướng vào cơ chế chuyển động tuyến tính, những âm thanh, hình ảnh, ý tưởng tuần tự hiện ra, bất động, tưởng như có một tâm sự, một câu chuyện kể lại từ đầu đến cuối theo một đường thẳng.

Và nhà thơ kết luận thơ mộng rằng:

Nếu thơ như hình ảnh một dòng sông lúc nào cũng dung chứa vô số dòng chảy, nhiễu sóng, ươm chồi, khởi sinh, hủy diệt, ôm lấy, cuốn theo, luân vũ, hiện hữu như dòng đời đã từng hiện hữu. (Vũ Điệu Không Vần, Khế Iêm, tr.71-75).

Tập thơ Ngôn Ngữ Xanh có khá nhiều bài thơ bằng thể điệu tự do, làm cho tôi chú ý đến những phát biểu của nhà thơ soái chủ Tân Hình Thức, mà chính vì do ông đề xướng và là chưởng môn của phái thơ này nên Khế Iêm đã tốn công sức viết thành bộ biên khảo giá trị về thơ, cung cấp nhiều điều lý thú về thơ. Hai câu thơ Đinh Cường diễn tả thơ Nguyễn Thị Khánh Minh để dẫn vào bài viết này giống như tấm bảng đồng gắn nơi cổng tòa lâu đài xưng danh dòng họ danh giá chủ nhân.
Tôi ngưỡng mộ người thơ Nguyễn Thị Khánh Minh về chữ nghĩa văn chương mượt mà thơ mộng, và vài nhà thơ khác cũng đẹp óng ả chữ nghĩa, làm tôi khâm phục, như thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ, Nguyễn Tất Nhiên, Cao Đông Khánh, Trịnh Y Thư, Khế Iêm, Lữ Mộc Sinh, Mộ Dung… là vài điển danh vì tôi được hạnh duyên kết mối thân tình; dĩ nhiên có nhiều thi nhân tài danh nổi bật từ xưa đến nay, như tôi khâm phục ngôn ngữ thi ca của Hàn Mặc Tử, Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê, Phạm Công Thiện… ngôn ngữ nhạc của Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương, Trúc Phương… nói chung là những vị có công làm mới tiếng Việt trong lãnh vực nghệ thuật văn chương. Sự ngưỡng mộ của tôi vì bản thân quen ăn nói tiếng miền Nam chơn chất, không thể nào so được với những cao thủ sử dụng ngôn ngữ tài tình mà tôi bái phục. Mời đọc tiếp thơ Nguyễn Thị Khánh Minh do tôi chọn để “bói-Kiều”:

Tôi đã mở cửa ban mai. Bằng nụ cười
Tôi đã đóng cửa ban mai. Bằng tiếng khóc
Đừng bật thêm đèn nữa

Người vẫn không ngừng
Nhóm lửa câu thơ
Sao có khi Người để sau lưng mình. Ánh sáng?

… Tôi đang viết giấc mơ
Trên tiếng gió giữa hàng cây ngoài phố
Gió quái Santa Ana nắng mưa tráo trở
Trên dự báo những ngày đen tối

Trên tiếng gấp gáp bay đi của đàn chim
… Ủ tất cả tứ thơ trên thế gian này thành hạt mầm để gầy lại niềm mơ mộng trong thế giới ngày mai. Hạt mầm ấy là điều thiện duy nhất con người để lại. Hạt mầm Thơ, di sản mộng mơ lãng mạn nuôi vòng tay nhân gian nồng ấm cõi ngày mai.

… Có phải cùng lúc với nụ cười
Là âm thanh lãng quên kéo tôi vào hy vọng
Bầy ảo mộng thôi huênh hoang

Có phải cùng lúc với nụ cười
Ngưng đọng thời gian nơi âm thanh tôi còn vang
Bay đi thời gian nơi âm thanh tôi đi đến

… Chui ra từ giấc ngủ. Mơ màng
Mùi cà phê sớm mai còn dính đầy căn bếp
Rơi rớt trên mặt bàn vụn bánh mì nướng
người đã ăn sáng và ra khỏi nhà

Trời rắc mưa Buổi cuối thu Santa Ana
Lưỡi gió đã liếm sạch những tàng cây
Báo mùa trơ trụi

Lúc tuổi thanh niên ở trong nước trước 1975, âm nhạc và văn chương nghệ thuật thế giới du nhập vào Sài Gòn rất giới hạn. Thời chiến tranh bấy giờ có vài hiện tượng hấp dẫn đối với học sinh sinh viên: Quyển sách Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ & Triết Học của Phạm Công Thiện. Ca khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn, những tình khúc của Lê Uyên Phương, Từ Công Phụng. Vài nhà thơ nổi trội như Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê, Tô Thùy Yên, Nhã Ca. Ở Mỹ phong trào Hippy phản chiến đưa đến đại nhạc hội Woodstock ba ngày ngoài trời ở bang New York quy tụ khoảng 400.000 giới trẻ (có 2 phim documents về Woodstock chiếu ở Netflix). Nhạc trẻ trong thập niên này trăm hoa đua nở. Tuổi trẻ Sài Gòn ảnh hưởng mốt để tóc dài của The Beatles và quần áo bông hoa kiểu Hippy. Nói chung thì miền Nam có 20 năm văn học rực rỡ và chấm dứt khi miền Nam bị đánh chiếm. Thơ thời ấy huy hoàng, nhà thơ được ái mộ, những bài thơ-hay được ngâm phổ biến trên đài radio. Học sinh sinh viên đều yêu thơ và sính làm thơ. Nàng sinh viên Luật, Nguyễn Thị Khánh Minh đã trở thành thi nhân từ dạo ấy.
Điều nói ở trên muốn nhấn mạnh, cuộc chiến tranh Nam Bắc đã ảnh hưởng nặng nề tuổi trẻ Việt Nam. Và cuộc sống lưu vong tị nạn cũng không kém, đã tạo nên căn bệnh “Hội Chứng”. Người thơ Nguyễn Thị Khánh Minh ngoại lệ là điều khiến tôi ngạc nhiên vô cùng. “Văn là người” nhưng trong tất cả áng văn chương của Nguyễn Thị Khánh Minh tôi không bắt gặp một sự yếm thế nhỏ nhoi nào, toàn bộ toát lên trong sáng, tươi tắn, lãng mạn, đẹp đẽ, tri ân, yêu đời, dù ngay cả trong kiểu cách chán đời của nàng cũng thơ mộng thơ ngây. Đến độ tôi đánh giá con người này chưa từng biết hai chữ đau khổ là gì, giống như Thái tử Sĩ-Đạt-Ta khi chưa ra khỏi hoàng thành, không biết gì về sinh lão bệnh tử mà sau này khi giác ngộ thành Phật đã tức thì giảng về Tứ Khổ Đế. Do đó tôi nghĩ đích thị nhà thơ này là chưởng môn nhân thành lập trường phái “Thơ Mộng”.
Kinh Pháp Cú mở đầu bằng hai đoạn kệ đối đãi, một cái thiện lành và cái ngược lại thì nhận lấy đau khổ:

Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo; Nếu với ý ô nhiễm, Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau, Như xe, chân vật kéo.

Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo; Nếu với ý thanh tịnh, Nói lên hay hành động, An lạc bước theo sau, Như bóng, không rời hình.

Những lời trên nói gọn bình thường là “chúng ta là những gì chúng ta nghĩ”. Nhưng với Nguyễn Thị Khánh Minh sự ngoại lệ không có tướng của Khổ, tôi cho là hồng cầu của nàng có tính miễn nhiễm Khổ vì trong tầng thức thứ 8 của nàng không có chứa chủng tử Khổ của tiền kiếp, và hiện kiếp thì những thứ ngoại cảnh ngoại vật đối tượng của 5 thức nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, chúng không thu nhận tính-khổ hiện hình lên cái màn ảnh monitor để con CPU-ý-thức của cái máy-computer người chạy một giải trình biến kế phân biệt được cung cấp bởi lượng RAM Mạt-Na hay hard disk A-lại-da chứa đựng dữ liệu để tái cấu trúc, sáng tạo thành cái được gọi tên là Khổ. Hoặc hơn nữa là bạch huyết cầu của nàng, vũ khí kháng thể này luôn luôn tức khắc tiêu diệt ngay bất cứ tố chất Khổ nào không may xâm lăng vào huyết quản nàng. Trường hợp ngoại lệ của Nguyễn Thị Khánh Minh, theo Duy Thức thì luận rằng:

Nếu mắt của người đang nhìn không hư hoại, sắc vật bên ngoài người này không lọt vào tầm nhìn, lại không có sự chú ý thích đáng khiến cho chú mục, thì thức tương ứng không phát sinh. (Luận Thành Duy Thức, Tuệ Sỹ)

Tình huống này giống như Disneyland chỉ sản xuất những sản phẩm lành mạnh cung cấp cho những tâm hồn trẻ thơ, những trái tim thơ mộng và cũng là liều thuốc giúp cho những tâm trạng đau khổ, chán đời. Đọc Thơ-Khánh-Minh, tâm hồn cảm thấy yêu đời, trái tim cảm thấy yêu người, và nếu có bắt gặp một nỗi buồn nào thấp thoáng trong thơ nàng thì giống như nghe tiếng khóc giận dỗi của trẻ thơ, sao mà dễ thương đến nỗi chỉ muốn ôm vào lòng điệu khóc kêu gọi con tim.

Rất mãnh liệt một cơn gió
Dội xuống tiếng chuông từ ngực nóng
Tôi quỳ xuống một ý nghĩ duy nhất

Hào phóng mùa hy vọng
Trên mảnh đất mầu mỡ của trái tim.
Ra hoa. Đậu trái
Mầu rực rỡ và âm thanh sáng lóa của điều đang hưởng thụ

Rưng rức ngày trên những giác quan đang nở hoa
Trưa hái từ tim tôi một đóa mãn khai

… Của nhẹ lắm tiếng trái tim đang đập
Và hạt lệ không rơi ra khỏi mắt

Xa như tiếng mưa buồn cuối phố
Mắt nuối nhìn trong đêm. Mưa bay
Mưa sẽ tạnh. Mùa sang rồi sẽ lá
Xanh trên cành. Nhựa thức dậy trong cây

Khi bước ra ngoài thế giới, thấy nghệ thuật văn chương chữ nghĩa kỳ ảo bao la hơn. Chỉ riêng âm nhạc và điện ảnh thôi, đủ cho người đam mê nhận chân ra thế giới sáng tạo của phương Tây là một thế giới đầy trí tuệ. Nhà thơ bạn Phạm Vũ trước là sinh viên du học ở Bỉ và Pháp 1971, ra đi trước khi cuộc chiến Việt Nam leo lên cao điểm. Có thể do tuổi trẻ anh không va chạm, không sống trong không khí chiến tranh, nên anh làm thơ tình yêu thật trong trẻo thơ mộng nơi khung cảnh hữu tình lãng mạn của Âu châu. Anh giới thiệu tôi nghe những nhạc phẩm Pháp quen thuộc trong thập niên 60, dù do ca sĩ nổi tiếng đương thời ấy, nhưng phong cách ca hát và hòa tấu chỉ ở tầm mức phục vụ đại chúng; cũng ca khúc này nhưng trình diễn bởi ca sĩ có đẳng cấp cao thì nâng cấp lên hạng nghệ thuật “sang trọng”, đáp ứng cho giới trí thức, thượng lưu. Ở Mỹ cũng có loại nhạc lời như vậy, gọi là Audiophile, hầu hết được hát bởi ca sĩ thượng thặng.   Mượn âm nhạc, nói để thấy không riêng một lãnh vực nào, đều bị phân biệt đẳng cấp; ngay cả đến con người cũng phân chia giai cấp, nói rằng không “đồng đẳng” thì khó “bình đẳng”. Chỉ khi nào con người siêu việt từ tình yêu lên từ bi may ra mới nói được như Nguyễn Du, rằng “Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”. Lúc bấy giờ nơi trái đất và trong vũ trụ không có một thứ gì bị gọi là xấu. Là điều mà Thiền Sư Tuệ Sỹ đã nói “Qua xúc cảm ấy, tâm hồn con người được mở rộng để đón tiếp mọi người mọi vật ngay giữa lòng sống động của hiện hữu”. Thơ Khánh Minh từ bi cho nên rung động lòng người. Hay nói thơ mộng thì nàng có trái tim trẻ thơ nên người lớn ai cũng yêu.

Sau cơn mưa chiều hiện ra tinh khiết
Ánh nắng ửng chín nơi ô cửa mở
Ký ức mới tinh. Ngăn nắp Như tôi có thể bất cứ
Kéo ra một năm tháng
Những điều tôi hằng khát khao
Hóa ra là những điều tôi đã có

… Sáng nay sao thấy lòng tha thiết quá
Có con hải âu bay đến đậu trên thành ban công
Rực sáng những hàng cây cọ dài
Mùa đã muốn thu…

Cắn miếng bánh mì thơm tho
Cà phê ngọt nắng
Buổi sáng no và ấm
Căn phòng yên và đầy
Những con chim đang cắp vụn bánh mì ríu rít bay đi
Hàng cọ bung xòe những mũi tên tình yêu ngọt ngào   
ngực nắng

Anh ơi. Đó là gió. Và nắng.
Và em Của phố biển Huntington Beach. Hôm nay

… Hoa giấy khúc khích đỏ
Mùa thu se chồi nắng non tràn bờ buổi sáng
Gió Sunset Beach reo.
Tiếng cười. Rất trẻ
Nụ hôn ấu thời kéo kỷ niệm ùa về
Tôi, một không gian nhỏ, mềm ra thành những hạt lệ
Và chùm hoa giấy rực đỏ như nắng mùa Nha Trang tuổi nhỏ

… Một thân cây mang đầy vết gậm của đàn mối
Dấu lở lói thời gian, nhớ cây xưa đứng u trầm bên ngõ làng cười khóc với nghìn năm…

Chiếc dép nhựa bé xíu. Mường tượng tiếng chân nhảy lò cò trên vuông sân gạch đỏ, bàn chân bé tung tăng nắng đến trường, đi đâu, để lạc loài nơi góc biển chân trời chiếc dép rời vô chủ?

Con bóng hoài niệm kia
Có khi sau lưng
Có khi phía trước
Lại có lúc mình dẫm lên nó
Vậy mà có khi nó chễm chệ trước mắt
Cười ngạo thời gian. Và ta. – Con rối –

… Ảo hóa lớp lớp sóng jazz
Trên đỉnh ngất cao. Tôi. Mảnh vạn hoa
Lanh lánh hưởng thụ

Ngấn xô bờ sau cảm xúc cùng tận của thủy triều
Là dấu hoan lạc trên bờ cát
Nhắc tôi mùa hè đang dần xa…

… Tôi thấy mình trôi
Những đám mây bay qua
Tìm hoài bóng mình trên mặt biển
Dường như đó cũng là cách em tìm mình. Nơi anh

… Có những đêm mùa thu
Tiếng gió nghe như tiếng sóng
Biển nào mọc lên
Tràn trề thân thể
Làm xanh hết ký ức tôi

Bước sang thế kỷ 21, thế giới đã dùng Internet để con người có thể nối kết với nhau dễ dàng. Phương tiện quan trọng này được Hoa Kỳ cho công chúng sử dụng vào thập niên cuối thế kỷ 20 đã khiến nhà phân tích toàn cầu, Thomas L. Friedman, viết tác phẩm The World Is Flat (Thế Giới Phẳng) nói về tương lai của nhân loại sau khi thế giới mạng ảo phát triển kết nối ngày càng tăng tốc. Lợi ích của nó là truy cập được những thông tin muốn biết. Hậu quả là sách báo giấy không còn một đời sống huy hoàng như trước. Tác phẩm văn chương thi phú trở nên thứ yếu so với game và những mạng xã hội, giải trí… Những thứ này chiếm một ngôi bậc cao ngất trong thế kỷ điện tử vi tính hiện đại. Ảnh hưởng nặng nhất là thế hệ trẻ hiếm có nỗi đam mê về văn chương, tuổi trẻ ở Nhật Bản khuyên nhau hãy bỏ thú đọc sách vì văn chương đã lỗi thời, không còn giúp ích chi cho trí óc trong thời đương đại v.v… Như thế, thảm trạng còn bi đát hơn đối với chữ nghĩa Việt Nam, nhất là thơ, ở trong nước và ngay cả ở hải ngoại, thơ không còn được nhà xuất bản nhận phát hành, nhà sách không nhận bày bán. Tự in thơ chỉ là việc thực hiện cho xong một tác phẩm, và ấn phẩm thơ làm quà tặng cho bạn thơ của mình, còn bán thi phẩm là việc không buồn nói đến. Hạnh phúc nhỏ là có thể những bài thơ đăng trên mạng có được con số người vào đọc làm cho tác giả ngạc nhiên. Báo ngày, báo tuần ở Little Saigon hiện nay không còn đăng thơ từ nhiều năm. Tuy vậy, thơ Nguyễn Thị Khánh Minh vẫn được những người yêu thơ liên lạc mua cũng như được có con số đọc cao trên mạng đăng thơ của nàng, dù niềm hạnh phúc ấy chỉ là thứ hạnh phúc chất lỏng không thể nắm bắt được như Tuệ Sỹ ví von.
Những câu thơ của nàng đã được tâm hồn yêu thơ bảo nhặt lấy, và những nhánh hoa thơ chụm lại tạo thành một lẵng hoa, và những đài hoa này được bày biện trong phòng triển lãm của trái tim, nếu người chọn hoa kém nghệ thuật cắm hoa, lỗi không ở hoa mà ở sự vụng về của người chọn ghép lê giang trần, mong được chủ vườn hoa Nguyễn Thị Khánh Minh và quý khách xem triển lãm niệm tình. Phòng hờ cho trường hợp bất khả tha thứ, xin ngâm tặng cho công nương chủ nhân vườn hoa thơ cùng quý vị thưởng lãm, bài kệ trong phẩm HOA trong Kinh Pháp Cú:

Hương các loại hoa thơm
Không ngược bay chiều gió
Nhưng hương người đức hạnh
Ngược gió khắp tung bay
Chỉ có bậc chân nhân
Tỏa khắp mọi phương trời.


Và bây giờ xin mời những khách tâm hồn, khách tấm lòng, khách trái tim, khách thân hữu, khách phương xa, cùng bước vào phòng triển lãm những lẵng hoa thơ của công nương Nguyễn Thị Khánh Minh do nghệ nhân cắm hoa lê giang trần thực hiện:

Có tiếng chim nhại tiếng rơi chiều
Vườn vắng. Người ngồi nghe lá rụng
Nghe buồn chiều xóa nốt dấu chân
Để lại trên thềm cành hoa khuya ngất trắng

… Xuân lên nhựa căng hối hả
Yêu đi yêu tuột bến bờ
Đường thời gian dài không dặm
Mùa xuân ngựa chạy mê man

… Xuân rung. Rung nghìn nốt nhạc
Gieo Tình. Sao cho đúng nhịp

… Không thể nữa một ngày da non lại
Trên hồn người. Tang thương bầy thú vấy
Chìm xuống đáy nghìn thâu dấu hỏi
Rồi lặng im. Lặng im. Và câm.

… Chiều Sài Gòn những hạt mưa xanh
Rơi vào mắt cô gái hai mươi. Sững lệ
Những chàng lãng tử đi qua
Mầu xanh một thời của những bản tình ca …

Những mảnh trăng xà cừ
Phản chiếu từ ánh mắt cô gái.
Thẳm xanh và im lặng
Hạnh phúc như viên đá xanh trên ngực. Topaz mầu biển tự do
Cho tình yêu cất cánh

… Những cánh chim ngược gió. Thổ giọng tuyết khô
Trong giấc mơ của loài chim. Phố xanh yên bình mộng mị

Mộng du vào đường rung âm thanh
Ngân nga bóng tối. Ngân sóng núi đồi. Ngân muối mặn lệ
Tôi thấy mình ngồi yên trong giáo đường khuya
Dưới bàn tay vỗ về của thánh ca
Dịu dàng ẩn mật
Đó là bức tranh tôi muốn treo lên Trên tường.
Nơi chiếc ghế tôi vẫn nằm viết những bài thơ về giấc mộng
Đó là ngôn ngữ xanh. Và. Tín ngưỡng xanh
Lúc người ta còn tin vào những chuyện thần tiên,
những lời thơ nói về vẻ đẹp vĩnh cửu. Của trái tim

… Rơi. Khẽ tiếng chân người
Rơi. Vỡ tiếng chim hoảng hốt
Đợi Người về đốt lửa
Cho mùa đông theo khói bay lên

… Mở hết xích xiềng của thời gian
Trong khí hậu chiêm bao của tiếng chim hót sáng
Nơi góc vườn kia
Dưới nắng sớm và chiều thu
Và nhặt được một đóa hoa hồng
Canh giữ những giấc mơ

… Dốc tử sinh lao chao bờ vực
Có mặt trời. Tỏa ánh lưu ly
Ô. Tiếng chim báo ngày nắng tới
Nhạc bình minh réo rắt phương Đông

… Đứng rất buồn và ngó đất xa
Mắt từng con rơi dày ngọn cỏ
Úa một ngày vàng như con bệnh
Nhớ ra rồi. Xuân đợi ở đằng kia …

Trộn vào tinh mơ. Ánh nhìn lãng đãng
Vẽ những lối quanh con nắng ngập ngừng
Ai đứng đó hay vừa mới tới
Nắng từng bầy nhảy nhót ban mai

Xin cảm ơn bóng đôi
Chỉ thiếu một khoảng cách
Này một chấm. Huyễn hư
Tạ lòng nhau, Cuối đất …

Ánh nhìn lui tàn lụi những hoài mong
Rêu trong người mối ẩm rủ nhau xông
Vừa ngó xuống đã muôn trùng đá lạnh
Những con chim ngược gió thất thanh …

Tôi ngồi cong mảnh trăng non
Cúi xuống một hồn trôi ảo ảnh
Xa lắm thế một cõi người tít tắp
Chiêm bao bay ra ngoài giấc mộng

… Hát đi. Một bè mây trắng
Nhảy nhé, vào cho đúng nhịp
Hoa mùa náo nức âm thanh
Ban mai tấm bạt vừa căng …

Tưởng phía quen là đêm khuya khoắt
Đi đi hoài còn vấp một nỗi xa
Trái tim nhỏ một ngày khêu ánh mắt
Nụ cười khơi hạt lệ quen quen

Trổ hoa mùa cây trái nhân gian
Reo hai vai đôi bờ nắng nở
Hoài thai nào không nặng không đau
Đậu trái ngọt lời thơ diệu vợi …
Đêm va vào tối
Những nỗi cô đơn
Mặt hồ thời gian
Những vòng tròn tan
Những vòng tròn đồng tâm
Đâu nói chuyện một mình

Nếu quý vị yêu thích những hương hoa của vườn NGÔN NGỮ XANH NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH xin mời đến VƯỜN HOA THƠ MỘNG của nàng, sắp đến mùa mãn khai, để mang về một lẵng hoa đáng yêu.


  Trở lại chuyên mục của : Lê Giang Trần