LÊ GIANG TRẦN
 

Soi Gương Nhìn Lại Mặt

 
Lặng lẽ, một ngày lại trôi qua. Cái gì làm cho mình cứ sống lặng lẽ qua ngày?
 
Có thể bắt đầu từ một cảnh ngộ chia tan trong quá khứ? Không chắc. Nhưng nhìn lùi về dĩ vãng thì chia tan có nhiều lần. Chia tan đau lòng nhất là chia tan tình chồng vợ và xa rời con.
 
Tôi không phải là một người chồng hoàn hảo, tôi có một đứa con riêng trước khi cưới vợ. Gia đình tôi buôn bán tại sài gòn, tôi trong tư cách giao dịch, tiệc tùng hầu như đêm nào cũng có, nhà hàng này, vũ trường nọ, quán nhậu kia, tư gia, biệt thự... thù tạc với những người làm ăn buôn bán hay chạy áp phe. Tụ họp không ngoài mục đích thu nhặt những nguồn tin trong giới đồng nghiệp, để trở tay cho kịp trước những biến chuyển lạm phát, để đầu cơ tích trữ, hay có kế hoạch phân phối khi một lô hàng nhập cảng sắp về tới... Không khí ăn chơi về đêm của sài gòn luôn tưng bừng náo nhiệt cho đến giờ giới nghiêm. Tôi trở về nhà đều thường vào giờ giấc như thế, con thơ đã ngủ say và người vợ còn trằn trọc chưa ngủ, chờ chồng về nhà mới dừng lại nỗi lo, vì không biết anh chồng tung hoành gì ở ngoài những con phố giăng đèn như giăng cạm bẫy, đốn ngã bọn đàn ông bằng bất cứ cuộc chơi bời nào, nhất là nơi những quán bia ôm, vũ trường.
 
Tôi cũng không phải là một thanh niên không bị quyến rũ bởi những cô gái tràn trề sức hấp dẫn trong vũ trường hay trong những quán nhậu thuần túy gọi là bia ôm. Mấy cô làm nghề này, mục đích là kiếm nhiều tiền nơi mà đàn ông sẵn sàng chi ra để mua một trận cười qua đêm. Ở vũ trường, chọn một em ca ve hợp nhãn, mua đứt thời gian nhảy trong một đêm, đút lót cho bà tài pán, để được độc quyền sở hữu nàng suốt trong thời gian mờ ảo đầm đìa lời ca tiếng nhạc. Quán bia ôm cũng không khác, sẽ gọi em nào mình thích nhất đến ngồi bên, mặc tình tỉ tê tâm sự. Anh nào giữ tư cách thì chỉ choàng vai hay thỉnh thoảng nhẹ nhàng hôn phớt lên tóc nàng, lên má nàng như thể hiện nỗi say đắm; kẻ không kiềm chế được, hay có ý lợi dụng, sẽ tấn công vào vườn đào hay khu rừng cấm của cô gái, một cách thô bỉ hoặc kín đáo, chưa kể những nụ hôn môi tham lam đầy thô tục. Hành vi có thể sẽ tăng lên mức dâm ô khi cơn say quá độ, cho thấy bản chất tồi tệ của một gã đàn ông. Bọn đàn ông sau đó còn có thể chi sộp để dẫn dụ nai mang đến một khách sạn hay đưa về nơi căn gác thuê riêng để hành lạc.
 
Tôi cũng có nhiều bạn bè lính tráng, mỗi lần bạn về phép đến nhà tôi ở chơi vài ngày, sau giờ làm việc, ban đêm hay chủ nhật, thế là tụ họp thêm bạn bè để kéo nhau đến quán nhậu nhẹt, cho những người bạn quân nhân ăn nhậu xả láng bù lại và quên đi những giây phút đối diện với tử thần trong những trận đụng độ súng đạn chiến trường. Nhậu đã đời chưa xong, những anh bạn lính đòi đi giải quyết sinh lý, thế là đưa mấy chàng tới những nơi như ngả năm chuồng chó hay Bình Hòa v.v.. Riêng tôi, phần đã có vợ, không thiếu thốn chuyện này, hàng tá ca ve cùng mấy em bia ôm sẵn sàng, nếu muốn thì vẫn có thể được đáp ứng, bằng tiền hay ngay cả bằng tình cảm từ những cô tình nguyện dành cho.
 
Nhưng tôi đặc biệt dị ứng với chuyện đi mua sinh lý, mà đàn ông gọi trắng ra là đi chơi bời, chữ chơi bời không còn mang ý nghĩa lành mạnh như người Bắc sử dụng. Cả cuộc đời đã trải qua, tôi không làm việc này. Ở Mỹ, trong thời gian dài sống độc thân, tôi chưa từng nằm bên một thân hình lỏa thể của cô gái phương Tây để xem cảm giác ra sao, nhà quê đến thế. Hồi đó, có lần, trong khi ngồi chờ ngoài phòng lúc mấy anh bạn lính hành sự "trả thù dân tộc" bên trong, thương hại một cô gái điếm vì nghe cô năn nỉ bà chủ động, con sáng giờ hơn 10 dù rồi, con mệt lắm, má cho con nghỉ dưỡng sức một lát; nhưng khách đang đông nghẹt, bà chủ liền giận dữ. Thấy thế, tôi bước tới dúi một số tiền hậu hĩnh riêng cho bà, cộng thêm tiền đi khách gấp nhiều lần, nhỏ nhẹ xin má cho con cô này một tiếng đồng hồ nghe, má dùm bảo tụi bạn con ngồi chờ. Tôi đưa cô gái trẻ măng này vào phòng, nói em có 1 tiếng đồng hồ để nghỉ mệt hay ngủ, em ngủ đi, anh canh tới giờ kêu em dậy. Ngồi bên cạnh giường nhìn cô gái ngủ ngon lành, nét mặt ngủ say trông hiền ngoan thơ ngây, trong lòng tôi nổi lên bao ray rứt thương tâm cho đời cô gái giang hồ bán thân. Đến giờ phải lay cô gái thức dậy, tôi cười dịu dàng đặt vào tay cô thêm một số tiền to, cô trợn mắt nhìn gấp tiền giấy một ngàn, nước mắt cô ào ra, lí nhí cám ơn và bàn tay nắm tiền run rẩy... Chiến tranh, nghèo khổ, tiền, hoàn cảnh gia đình... là nguyên nhân hay lý do bào chữa; chưa kể những cô gái bán mình hay nhảy dủ, chỉ để đổi lấy lối sống hào nhoáng, se sua, phung phí, liều mạng, kiểu liều mạng của tuổi trẻ sa đọa, chủ trương của con thiêu thân tung mình vào ánh sáng, "thà một phút huy hoàng rồi tắt lịm". Mình không nên khinh rẻ bất cứ một thân phận nào, mỗi con người có một nghiệp lực để tạo nên con người họ và có thể chỉ là giai đoạn, đừng viện dẫn những cô gái nghèo sống trong sạch, tội lỗi không chỉ có một thứ bán trôn, rất nhiều thứ tội lỗi tày trời được che đậy dưới danh nghĩa nào đó; hoặc là hành vi không ai chạm vào được của kẻ quyền thế độc tôn.
 
Thương gia giàu có của đại gia đình chúng tôi đã chấm dứt sau ngày 30 tháng tư 75. Ba tôi bảo tôi, "Kể từ bây giờ, nhà mình sẽ không còn tài sản nữa, chỉ còn lại con người thôi, vậy tụi con phải đùm bọc nhau và còn phải sống tự lực nữa. Hết rồi con, tất cả mất hết rồi!!". Đúng vậy, toàn bộ nhà cửa, xe hơi, tài sản của đại gia đình chúng tôi gồm có 4 gia đình của anh em ba tôi, giao hết cho nhà nước, chạy ra ngoại ô cất một căn nhà nhỏ đơn giản cho hợp thời buổi, nhưng cuối cùng cũng không được sống yên ổn như thế, đại gia đình chúng tôi nhờ còn chôn giấu được một ít vàng nên sau 3 năm chịu đựng, tất cả đều rời khỏi Việt Nam bằng đường vượt biển. Năm 1977, em trai kế tôi, học năm cuối Chính Trị Kinh Doanh ở Đà Lạt thì chiến tranh sắp kết thúc, em tôi đã tổ chức một cuộc vượt biên không thành, em bị bắn trọng thương rồi em tự tử trong nhà thương để gánh trách nhiệm.
 
Ba tôi đưa vợ con cùng vài người cháu, gia đình vợ của đứa em trai chết, tổng cộng là 32 người sẽ vượt biển đi. Chiếc ghe vượt biển dài 17 thước, chở 353 người, nếu tính thêm gia đình bên vợ của người chú, tổng cộng nhóm chúng tôi lả 53 người, đóng vàng cho nhà cầm quyền để được đi bán chính thức trong chiến dịch bài Hoa, đuổi người Trung Hoa ra khỏi nước Việt. Tàu bị cướp te tua một ngày trước khi lọt vào gần bờ biển Mã Lai buổi sáng sớm, bị tàu hải quân Mã chạy tới chận lại, cột dây kéo ra khơi, bỏ nơi hải phận của Indonesia. Sau này tôi được biết, đó là lúc các quốc gia cứu người tị nạn họp tại Thụy Sĩ quyết định đóng cửa biển Thái Lan, Mã Lai, Singapore vì con số người vượt biển trong những trại tị nạn đã quá cao, Nam Dương sẽ là quốc gia cuối cùng dành cho người tị nạn, lấy 2 đảo Galang làm nơi tập trung.
 
Tàu hải quân Mã sau một ngày kéo làm đứt dây 3 lần, cuối cùng khuya đêm đó họ cắt dây kéo tàu, bấy giờ tôi nhìn thấy ngọn đèn hải đăng quơ vệt ánh sáng từ một điểm rất xa. Ghe chúng tôi tấp vào đảo nhỏ có ngọn đèn hải đăng tên Mang Kai (đọc là măng cai). Sáng sớm, nhóm chỉ huy tàu lập vài người đại diện, tìm đến trạm lính canh đài hải đăng, nhờ họ đánh điện tín cảm ơn chính quyền về việc tàu tấp vào và hiện có 353 người tạm trú trên đảo nhỏ này. Nhờ điện tín tỏ lòng tri ân quốc gia Nam Dương, 2 ngày sau chính quyền thuê một tàu tải to đến chở toàn bộ số người này, chạy khoảng 24 tiếng để về tới đảo LeTung (đọc là lơ tung) là đảo lớn nhất trong nhóm đảo có tên Jemaja Le Tung. Đảo LeTung nghèo nàn, dân số ít ỏi, nhà cửa tập trung hai bên đường từ cầu tàu đi dài vào xóm và dẫn lên núi, đặc biệt không có nước đá để bán, chỉ có một tiệp chạp phô của người gốc Tàu, nhờ vậy cung cấp thực phẩm thêm cho người tị nạn có tiền mua, mừng nhất là có bán nước mắm chai. Số người mang về đây có thêm khoảng 6,7 thanh niên của một ghe nhỏ xíu như chiếc xuồng, họ đi từ Vũng Tàu. Tất cả được đưa qua hòn đảo nhỏ ngang mặt đảo Le Tung, tên là Brahala, về sau thành danh "đảo ruồi" vì chứa chật đảo hơn 2000 người vượt biển, còn phải lấy thêm một hòn nhỏ hơn nằm bên cạnh tên là ToLay (đọc là tô lây) cho khoảng 1000 người ở.
 
Khái lược như trên để nói là tôi chứng kiến ngay cảnh giành giật, con người xấu xa, từ khi đặt chân lên hòn đảo Mang Kai, từ một vật dụng đến ngụm nước suối rỉ ra từ một lỗ mọi chảy yếu ớt, đến miếng đất để dựng lều cho từng nhóm người hay mỗi gia đình, và sẽ còn tiếp tục cảnh nồi da xáo thịt, cho tôi nhìn thấy cảnh đổi đời thêm một lần nữa kề từ sau ngày 30 tháng 4 đen. Tôi nói với vợ, mình đã trải qua cảnh đổi đời, em hãy yên tâm, anh sẽ tận lực lo cho gia đình, anh không còn là con người ngày xưa nữa. Tôi coi đó là lời thệ nguyện danh dự của một người chồng, mà trước mắt 3 đứa con còn nhỏ, 4,5 và 7 tuổi. Nhưng có lẽ ông trời bắt tôi phải trả cái nghiệp sao đó. Vợ tôi khi ở trại chuyển tiếp Tanjung Pinang, đã gửi thư yêu cầu người cậu ở Pháp bảo lãnh riêng. Dĩ nhiên không được, nhưng mầm mống chia tan đã hiện ra.
 
Chỉ sau vài tháng định cư tại vùng up town của thành phố Chicago, tôi may mắn được làm Manager cho 2 building cũ vừa mua lại của một nhóm người Đài Loan, ông Chow là người trực tiếp điều hành. Tôi làm tốt công việc nên càng được tin cẩn, đi học nghề Electronic Technician ở trường đào tạo Devry, về đến nhà và 2 ngày cuối tuần thì làm việc sửa chữa và quét dọn ngoài việc thu tiền nhà và cho thuê apartment. Để rồi sau 2 năm hoàn tất việc học, chuẩn bị đi làm với đồng lương $9.55 / giờ vào năm 1982, tôi lại bỏ hết để đi Cali lập nghiệp, ba tôi bảo, bỏ hết đi con, ba với chú mày sang cái tiệm chạp phô, cần có con, mình gây dựng lại sự nghiệp, nếu trời thương và mình tận lực, mình có thể có lại tất cả những gì mà mình đã mất mát.
 
Nhưng chỉ được 2 năm, phố Bolsa dựng lên thành khu thương mãi, tiệm phải sang bỏ vì quá nhỏ, không có bán thịt cá, lại nằm bên Orange city. Tôi sau 1 năm làm tiệm, bị tai nạn cột sống, vợ tôi mang 2 đứa con ra đi lúc chồng đang chịu cảnh không thể làm việc lao động. Từ đó, 20 năm độc thân, rồi 10 năm tái lập gia đình lại đổ vỡ, tôi trở về lại một cuộc sống lẻ loi trong cái tuổi bước vào hồi hưu. Người vợ đầu qua đời bởi bệnh ung thư. Người vợ sau bỏ con thuyền nhỏ chông chênh để bước qua con thuyền to có thể an toàn cho một cuộc sống tiền bạc. 3 con gái thì đã lập gia đình, bận bịu con cái, ở xa, hiếm khi cha con gặp mặt. Cái số thì phải chịu.
 
Có thể từ những chia tan đó, tôi sống thu mình trong thế giới im lặng và cô độc của mình, lại dần mất đi những người bạn thân tình từng quấn quýt sống bên nhau, tôi lại càng sống cô lập hơn, không còn thiết tha chi vật chất và đàn bà, lủi thủi sống qua ngày đoạn tháng cho yên thân. Người ta bảo như thế là rơi vào trầm cảm. Tôi thật sự không biết đúng không, nhưng mỗi sáng thức dậy tôi đều có suy nghĩ đến lối sống của mình, thỉnh thoảng tôi đánh nhau với tôi còn hơn là trận tranh cãi dữ dội của luật sư nơi tòa án để phân tranh thắng bại. Nhất là con người lấy đêm làm ngày của tôi bị tấn công nặng nhất... Từ khi sang sống trên xứ người, tôi luôn nuôi mộng có ngày sẽ trở về sống trên quê hương mình, hãy cố gắng làm việc đã, nhưng dần theo thời gian xảy ra bao cảnh ngộ, mơ ước được về sống trên quê hương có lẽ sẽ không thực hiện được.
 
Tôi không sống bi quan, vẫn còn tính nghịch ngợm, hợp câu chuyện thì hào hứng thao thao bất tuyệt. Nhưng khi trở về không gian chỉ có một mình, im lặng đã trở thành thói quen, bình thản trước mọi sự đến với mình, "que sera sera". Niềm an ủi dịu dàng trong cuộc sống trước nay, vẫn là những bài thơ thành tựu trải dài theo cuộc sống mưu sinh và lưu vong. Với niềm tin bất thối chuyển vào đạo Phật, tôi sống cứ tự nhiên và thản nhiên, cảm tạ và bình thản với một ngày mới thức dậy, với một ngày được ăn cơm no bụng, với tí tiềm còm còn làm ra được bằng cái nghề layout trên computer, còn có chút ít con chữ đổi lấy miếng cơm; luôn nghĩ mình dù sao đi nữa, vẫn còn được trời thương và người thương, còn sống tốt hơn những người kém may mắn, mà họ, hoặc cuộc sống khó khăn hơn, hoặc do khủng hoảng tâm thần nên chịu cảnh sống bụi đời. Đó là nơi tôi đang sống, một nơi tập trung đông đảo người Việt, người Mỹ đặt là Little Saigon vì được coi là thủ đô tị nạn. Tôi có vài đoạn thơ để hình dung:
 
Ừ. Thì đi về Santa Ana
Nơi nóc chợ chưa rêu, lòng người mốc thếch
Đêm chưa lên, thương xá đã im lìm
Ngày sáng bật, Bolsa còn ngái ngủ.
 
Không ai kể đời định cư thuở trước
Không ai nhớ gì đời hời hợt mai  sau
Đời sống phăng phăng như con sâu đo tới
Trí nhớ trắng hều như âm bản phim hư.
 
Nhưng nhớ rất rõ những mơ hồ, mường tượng
Những khoảng cách vô hình chắn giữa yêu thương
Những dửng dưng thâm tình thăm viếng
Những đuôi mắt rắn ẩn tàng trên gương mặt giai nhân
Nét đăm chiêu trên người tàn úa
Nét thẩn thờ mất việc sinh nhai
Nét băn khoăn chen chân hội nhập
Nét rượi buồn dự lễ động quan…
 
Nhớ rất rõ những bất ngờ không ai giải thích
Như tình yêu hạnh phúc khổ đau
Tử sinh ly biệt điên cuồng…
Nhớ đến độ ngũ quan vô cảm giác
Tim nhịp đều những nhịp chết quen tai
Không ai gõ cửa tâm hồn ai
Như thể không chạm tay vào bông pháo bông đang cháy.

 
(trích đoạn bài thơ "Trạm người quá bước")
 
 
Từ dòng sống của bản thân và nhìn ra chung quanh, dòng thơ của tôi hầu hết mô tả về cái đời sống trăn trở, đau đáu, của con người sống trong cảnh lưu vong, bôn ba xứ lạ quê người, tha phương cầu thực, mà, hai câu thơ của thi sĩ Bùi Giáng khi lần đầu tiên tôi đọc được, tôi càng thấm thía:
 
"Những tưởng đầu đường thương xó chợ
Ai ngờ xó chợ chẳng thương nhau"
 
Cái đau thấm đạn nhất, đó là căn bệnh gọi là "hội chứng chiến tranh" được gán cho những người từng lăn mình vào cuộc chiến nam bắc VN, có thêm lớp người như thế lại còn bị tù đày cải tạo. Hội chứng không riêng chỉ chiến tranh và tù đày, còn hội chứng về quá khứ vàng son, hội chứng về giàu sang đã mất, hội chứng về văn chương một thời, hội chứng về quan quyền, địa vị xã hội v.v. Bài học nước Nhật sau hậu quả bom nguyên tử tàn phá đất nước, giải pháp cấp thời là học hỏi, làm việc, tiến bộ để vươn lên cho ngang tầm văn minh cùng thế giới; Bài học của người Do Thái trở về lập quốc, những con người này dường như xem nhẹ, mãi sống trong cơn đồng thiếp, lặn ngụp trong ảo tưởng... Hậu quả là thời gian không ở lại với cơn mê hội chứng, họ đã già nua, thế hệ con cháu cách xa họ trong cuộc sống hiện thực. Có ghi ơn những công lao xương máu bằng những tượng đài chiến sĩ, nhưng chưa thấy tạc tượng một bậc tiền bối nào tiêu biểu một danh nhân. Gần đây, tên nhạc sĩ Việt Dzũng được người Mỹ đặt cho một khúc liên đại lộ 39 hay Beach Boulevard, thuộc khu vực Little Saigon: "Việt Dzũng Human Rights Memorial Highway" (Xa lộ Nhân quyền Việt Dzũng), khánh thành tháng 8, 2014.
 
Tôi biết có rất nhiều con người, có thể ví như kình ngư, đại bàng, hay cao quý hơn, như con rồng như con phượng, họ sống kiếp tha hương một cách im lặng, khiêm cung khiêm tốn, nhưng luôn thể hiện một nhân cách và một nhân phẩm đáng kính trọng, chưa kể đến kiến thức, tài năng, đạo hạnh. Dù có người tuổi tác nay đã cao bằng Khương Tử Nha nhưng khí phách vẫn hiên ngang. Và đừng quên, vẫn phát sinh những con người ở lớp tuổi trẻ cùng lớp trung niên, trong âm lặng lặng lẽ, họ đều xứng đáng là những anh hùng hảo hán hay một bậc tướng quân. (Xin đừng hiểu lầm cái kiểu nói có ý ngầm có mình trong đó, tôi chỉ là một con người bình thường sống im lặng do hoàn cảnh cá nhân.)
 
Hôm nay tôi gặp một người bạn chí cốt thâm giao, có một cuộc nhậu lâu ngày tương phùng, lai rai thù tạc tán phiếm, nên bỗng hào hứng "hội chứng" nhớ lại chút chuyện xưa, soi gương nhìn lại bản mặt mình.
 

(ngày đầu tháng 10, 2015, nhậu với Nguyễn Diệu Thắng)

  Trở lại chuyên mục của : Lê Giang Trần