LÊ LIÊN
 

Tự Bạch
Thơ Ngưng Thu

 
KHẤN NGUYỆN
 
Tôi nói với tôi
về người đàn ông đi qua cánh đồng
đêm rét mướt đã thôi
linh hồn biển bay thật hiền trên sóng mây trôi tìm miền xưa cũ
tôi nhìn tôi như mùa
rộn rã khúc tình ca.
 
Tôi nắm lấy tay tôi
đi về ngày kí ức
đêm ngọn đuốc trong lòng đốt cháy một thời đông
tiếng nấc của thời gian không nghẹn mùa đang chảy
tôi tự ủi an mình
đi cho hết một vòng xoay.
 
Tôi thét gọi tên tôi
trong đêm ngây ngất mớ
nhành liễu ngật ngưỡng say trên ngọn trăng đầu làng mị ảo
linh hồn gió lạc bay không kịp cho những ngôn từ hình dung ra diện mạo
tôi lặng người nghe anh hát giữa chừng mơ.
 
Tôi tự nhủ mình
tôi ơi thôi đừng chạy
cánh đồng đời gió ngút mênh mông
quên đi điều cần quên
hãy nhớ điều nên nhớ
vui vị đời thứ tha
 
Tôi nghe rõ tiếng mình giữa nghìn trùng thống hối và nghe...
lời tự tâm khấn nguyện
 
                                         NGƯNG THU
 
Lời Bình:

Rồi có một lúc nào đó, (Cứ như là một dấu lặng trong bản nhạc vậy...) bỗng nhiên ta thoát ra khỏi những bề bộn của cuộc sống, thả trôi mình ngược về miền ký ức. Và tự bạch với chính mình :
Tôi nói với tôi
về người đàn ông đi qua cánh đồng
đêm rét mướt đã thôi
linh hồn biển bay thật hiền trên sóng mây trôi tìm miền xưa cũ
tôi nhìn tôi như mùa
rộn rã khúc tình ca
               ( Thơ Ngưng Thu)
 
“Cánh đồng” này là cánh đồng gì nhỉ ? Tôi thầm mong nó đừng là những mẩu chuyện buồn, đầy khốn khó trong  “Cánh Đồng Bất Tận” của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư. Mà tôi hy vọng nó là biểu tượng của một thời đã qua, tràn ngập hương hoa tươi đẹp trong cuộc đời tác giả? Nhưng tôi bỗng thấy mình thật mâu thuẫn..nếu như người đàn ông kia “đi qua” bỏ cánh đồng tươi đẹp... thì thật thương cho người ở lại phải gặm nhấm nỗi muộn phiền?
 
Nhưng thật may người ở lại đó đã đủ lòng bao dung, mà tự thoát ra khỏi vùng tê buốt đã hoành hành tâm hồn mình.
Đêm rét mướt đã thôi
Linh hồn biển bay thật hiền trên sóng mây trôi tìm miền xưa cũ”
                                             (Thơ Ngưng Thu)
 
Bạn thử hình dung xem:
·   Biển thì bao la, Linh hồn thì không có giới hạn, vậy “Linh hồn Biển” lại “bay thật hiền hòa trên SÓNG MÂY TRÔI tìm về miền xưa cũ”...
 
·   Mà “sóng” lại có ĐỢT lên, xuống dâng trào...trên mặt biển êm đềm kia, có khi lại có cả những cơn sóng ngầm xoáy cuốn trong lòng đại dương nữa đó!?
 
·   “mây” thì không định hình...
 
Thế mà, chúng lại quyện vào nhau “trôi về miền xưa cũ”...
Ô! Thật là trừu tượng.Thi phong của Ngưng Thu thật lạ kỳ nhưng không dị kỳ, nó làm cho tâm hồn chúng ta phóng khoáng, bay bổng ! Thật là đáng yêu khi nhà thơ tưởng tượng ra điều này!
Phải,
Khi ta lựa chọn chỉ nhớ những điều tốt đẹp đã dành cho nhau trong quá khứ, thì ký ức thật là tươi sáng, và tôi đã học được suy nghĩ tích cực, tràn ngập yêu thương cùng lòng độ lượng ở đoạn thơ này.
 
“Tôi nhìn tôi như mùa
rộn rã khúc tình ca”
                  (thơ Ngưng Thu)
Từ “mùa” trong ngữ cảnh này ta liên tưởng đến việc làm đất hoặc giá thể để gieo trồng, chăm sóc rồi mới thu hoạch.
Thật tuyệt vời khi ai ai cũng biết nuôi dưỡng tình yêu thương, thì họ sẽ gặt hái đươc Hạnh Phúc. Có ai mà không mưu cầu Phước Hạnh trong cuộc sống đâu, nhỉ?
 
Tôi nắm lấy tay tôi
đi về ngày kí ức
đêm ngọn đuốc trong lòng đốt cháy một thời đông
tiếng nấc của thời gian không nghẹn mùa đang chảy
tôi tự ủi an mình
đi cho hết một vòng xoay
              (thơ Ngưng Thu)
 
Tôi đã đọc đâu đó “ Người ta có thể lấy đi mọi thứ của bạn. Nhưng không một ai có thể lấy đi quyền lựa chọn của bạn” Phải, Chỉ có ta mới tự chịu trách nhiệm với sự lựa chọn của chính mình. Và tác giả đã khôn ngoan khi quyết định:
 
“Tôi NẮM LẤY tay tôi
Đi về NGÀY ký ức
ĐÊM ngọn đuốc trong lòng ĐỐT CHÁY MỘT THỜI ĐÔNG”
                                        
Tôi thật ngưỡng mộ sự quả cảm của tác giả khi “nắm lấy” (đối diện với nan đề của mình) một cách thấu đáo (đi về “ngày” ký ức).
 
·         Ô! “ngày” là biểu tượng của ánh sáng. Của thời tươi vui.
Mà ánh sáng bao giờ cũng mang cho ta nhiệt năng cả. Cảm ơn nhé cảm giác ấm áp đang lan tỏa trong tâm hồn ta khi đọc thêm câu thơ này:
“Đêm ngọn đuốc trong lòng đốt cháy một thời đông”
 
Vâng,
·          “đêm” biểu tượng của tăm tối...
·          đã được tác giả (giới hạn) bởi “một thời đông” giá lạnh mà thôi!
 
Không phải ai cũng sáng suốt khi biết tận dụng “ngọn đuốc trong lòng” nếu không có tâm hồn cao thượng, phải không bạn văn của tôi?
 
tiếng nấc của thời gian không nghẹn mùa đang chảy
tôi tự ủi an mình
đi cho hết một vòng xoay
               (thơ Ngưng Thu)
 
Nhưng muốn hay không thì chúng ta cũng phải thừa nhận bản ngã yếu đuối của mình? “Tiếng Nấc” này cho ta giai điệu đẹp vì nó “không nghẹn” , bởi thời gian là liều thuốc nhiệm mầu chữa lành mọi vết thương cho “mùa đang chảy”. Chảy gì? Chảy tràn nhựa sống trân yêu giá trị bản thân mình. Có như thế ta mới đi hết “một vòng xoay” cuộc đời.
 
Tôi thét gọi tên tôi
trong đêm ngây ngất mớ
nhành liễu ngật ngưỡng say trên ngọn trăng đầu làng mị ảo
linh hồn gió lạc bay không kịp cho những ngôn từ hình dung ra diện mạo
tôi lặng người nghe anh hát giữa chừng mơ.
                                             (thơ Ngưng Thu)
 
Có một lần tôi tôi được chiêm ngưỡng bức thư pháp “Mặc Như Lôi” của Giảng Sư. Thích Nguyên Hiền.
Tôi đã nghiền ngẫm, muốn khám phá sự mầu nhiệm tiềm tàng, mà ngài Văn Thù Sư Lợi đã suy tư, rồi gởi gắm trong đó ? Đọc khổ thơ trên của Ngưng Thu bỗng nhiên tôi  nhận ra nó có phảng phất phần nào đó. trong Mặc Như Lôi ( Im Lặng Sấm Sét) của Ngài.
 
NS Trịnh Thịnh đã phổ thơ Hà Huyền Chi khi ngẫm “... hỏi gió phiêu du qua bao đỉnh Trời...” đã làm cho bao tâm hồn nghệ sỹ phiêu lãng.
Còn Ngưng Thu thì từng là “ Linh Hồn Biển” vẫn chưa đủ tự tại, giờ còn làm “Linh Hồn Gió lạc bay” đến vô định, vô ngôn...
 
Thật quý khi người ta biết tiếng lòng của mình trong đêm “ngây ngất mớ”, rồi bình thản với tri âm. (“lặng người nghe anh hát giữa chừng mơ”)
 
Tôi tự nhủ mình
tôi ơi thôi đừng chạy
cánh đồng đời gió ngút mênh mông
quên đi điều cần quên
hãy nhớ điều nên nhớ
vui vị đời thứ tha
                       (thơ Ngưng Thu)
 
Nếu trong Phật Pháp dạy ta hỷ xả buông bỏ, phá chấp được (“quên đi điều cần quên / Hãy nhớ điều nên nhớ”)  để lòng thanh tịnh.
 
Thì trong Kinh Thánh Chúa răn dạy Con Chiên của Ngài lề luật yêu thương là phải tha thứ đến “bảy mươi lần bảy” ( Ma-Thi-Ơ 18:22) (“Vui vị đời thứ tha”).Tôi rất thích từ “VỊ” trong câu thơ này. Nó như một dấu hóa, làm thăng hoa giai điệu sống vậy. Không dễ gì tận hưởng  “ Vui Vị Đời Thứ Tha” nếu ta không có lòng quảng đại.Tự hỏi mình có thanh thản “... để gió cuốn đi...” (TCS) được không, nhỉ ?
 
Tôi nghe rõ tiếng mình giữa nghìn trùng thống hối và nghe...
lời tự tâm khấn nguyện
                      (thơ Ngưng Thu)
 
Khi ta " đọc vị " được bản thân nhờ sức mạnh nội tại, thì chẳng bao giờ ngoại cảnh chi phối được ta.
Thật tuyệt vời khi Ngưng Thu đã kết thúc bài thơ tràn đầy nội lực với tâm tình thống hối.
Từ bài thơ rất mạch lạc, tôi đã học được lòng độ lượng, tính khiêm nhu, sự thỏa lòng vốn dĩ cần có trong đời sống này.
Cảm Ơn nhà Thơ rất nhiều.
 
Lê Liên
Mùa covicd-20
 
 


  Trở lại chuyên mục của : Lê Liên