LÊ MỘNG BẢO
Ngày Đoàn Viên
Truyện ngắn
Ngày Đoàn Viên
Truyện ngắn
Thằng bé cụ cựa mãi như bị kiến rận gì bò trên người nó hay sao ấy. Mỗi lần nó cựa, ông Bốn lại cầm cái mo cau quạt quạt cho nó mấy cái, kèm một câu nặng trịch như ngái ngủ: Ngủ đi con! Cựa hoài…
Đồng hồ trên vách điểm hai tiếng chuông. Đã hai giờ sáng! Ông Bốn se sẽ lồm cồm bò dậy, sợ động giấc ngủ con trai - thằng cu Tèo ngọ nguậy cả đêm. Cố giữ cho đôi dép lê mòn không kêu lẹp quẹp, ông bước nhẹ nhàng về bếp rút nùi rơm nhóm lửa nấu ấm nước . Khói nghi ngút bay cay xè hai mắt. Ấm nước đã kêu ro ro, ông nhổm người với tay hốt nắm chè Huế trong trái bầu khô bỏ vào ấm nước. Đẩy thêm rạ vào bếp, cời tro ra ngoài ông Táo. Bổng ông giật mình đánh bộp. Thằng cu Tèo ở đâu nhảy bụp tới ôm cổ ông cười hì hì…
Hoàn hồn, ông ngoái lại mắng nhẹ:- Cha mày! Không ngủ đi dậy chi cho sớm, làm hết hồn hết vía luôn à!
Không để ý đến lời ông, nó lại nhe răng cười hì hì hỏi:- Ba ơi! Nhà mình có chú Bảy hả?
-Ừ!... ông Bốn bất ngờ với câu hỏi của con trai, trả lời cộc lốc rồi im lặng cời cời tro trong bếp.
-Vậy sao lúc trước không nghe ai nói hết. Con cứ nghĩ chú chết hồi nhỏ như cô Chín cô Mười chú Ba cô Út chớ!
-Chú đi tập kết! Nhưng giấu không dám nói vì sợ người ta nghi kỵ nhà mình có người theo cách mạng, theo dõi nguy hiểm…Vừa nói ông vừa quay sang ôm nó vào lòng xoa xoa cái đầu húi cua bé tẹo có đôi mắt sáng đầy vẻ tinh nghịch của thằng con trai đang học lở dở lớp năm.
Đẩy thằng con sang một bên, ông đứng dậy nhắc ấm nước chè đã sôi hai dạo đi về phía cái bàn chữ H trước bàn thờ. Rót đầy một bát, cẩn thận đặt lên bàn thờ, đoạn thắp ba cây hương thành kính khấn vái một hồi lâu rồi cắm lên chiếc lư hương bằng sứ có vẽ hình hai con rồng màu xanh giành viên minh châu đang cháy.
Thằng Tèo vẫn còn đó, đứng dựa mép bàn nhìn cha trân trân không nói năng gì. Ông bước lại kéo ghế ôm con ngồi xuống. Vừa xoa xoa đầu nó, ông vừa nói điều gì đó nho nhỏ chỉ vừa đủ ông nghe.
Thằng Tèo lức la lức láo, hết nhìn lên bàn thờ gia tiên lại ngó vào đôi mắt xa thăm thẳm của cha nó. Ông Bốn cố giấu những giọt nước đang nhòe trong mắt mình, kín đáo đưa tay quệt ngang mắt.
Nghe tin anh Bảy mai về đến nhà. Năm Bích, chú em họ đã vội vã xách cào ra sông cào cả trăm lịch rộng trong lu kia chuẩn bị món um với cháo đãi anh Bảy. Tội nghiệp, cái thằng vậy mà tình nghĩa quá trời. Mấy chục năm mà nó vẫn còn nhớ anh Bảy nó khoái món Lịch nên bỏ công việc kiếm cho bằng được.
Ngày mai chú Bảy nó về. Ngày mai cũng là ngày ông phải chấp hành lệnh tập trung cải tạo. Ngày xưa, chú ham đá gà. Chuẩn bị tập trung xuống tàu đi tập kết mà chẳng thấy mặt mũi chú đâu, ông đã vội vã đi tìm kêu chú về để kịp chuyến đi. Nhờ vậy mà chú được đi tập kết, chứ cỡ chú ở lại miền Nam thì chạy đâu cho thoát hai chữ ngụy quân ngụy quyền. Ngày ấy ông là cán bộ tuyên truyền của xã, chú là thanh thiếu niên lười học ham chơi nghịc nhất làng. Bây giờ, chú là cách mạng còn ông là ngụy. Cẩn thận, lợi dụng tình hình tranh tối tranh sáng như hiện nay, khối kẻ bắt người đưa lên ghe cột đá chà vào cổ thả xuống biển gọi là cho mò cua để trả tư thù tư oán cá nhân…
Thằng Tèo sà vào lòng ngủ lúc nào ông cũng không biết. Tội nghiệp cho nó, mai ông đi cải tạo không biết đến bao giờ mới về. Nó ở nhà phải đỡ đần má coi sóc bầy em, nghỉ học là cái chắc. Mà không biết có được về không hay rừng thiêng nước độc, sốt rét này nọ bỏ xác luôn cũng nên. À mà chiến tranh lẽ ra đã chết mấy lần rồi chứ đâu còn ngồi đây, giờ có chết cũng chẳng sao, chỉ tội cho lũ nhỏ bé bỏng quá, rồi mai lớn lên với cái lý lịch con ngụy biết làm gì ăn sống…Ông thở dài thật lâu, xoa tay chân đầu cổ nó như ý muốn đuổi muỗi cho nó vậy:- À mà con ngụy thì học hành gì cho phí cơm. Tèo ạ! Đời các con rồi khổ thôi. Ba đi chuyến này biết có sống để còn trở về với các con không. Ở nhà rang ngoan nghe lời má nghen!
Bà Bốn cũng đã dậy, tiếng kẻng bằng miểng bom canh nông của xóm vang om sòm. Giọng đầy mệt mỏi không chút gì có vẻ ngái ngủ:- Cha con thức chi sớm vậy? Ông không ngủ cho khỏe mà đi , phen này cầu trời phù hộ cho ông chứ tui hổng biết nói sao đây…Nói xong, bà day người hỉ mũi thật dài giấu bàn tay quẹt ngang đôi mắt đỏ ngầu thầm khóc cả đêm.
Người ta bỏ đi tập kết hết, còn lại ba bác cháu nhận nhiệm vụ tuyên truyền tổng cử và gầy dựng cơ sở. Bị bắt cả ổ, tù rục xương mấy năm, ho lao ho tổn dạ dày bao tử đủ thứ báo vợ báo con. Nhận mật lệnh ra làm thông tin xã hoạt động công khai trong lòng địch để lấy tin tức, bảo vệ cơ sở. Bây giờ bạn chiến đấu, bạn lý tưởng của ông đâu không bảo vệ ông thì thôi còn bắt ông đi cải tạo, rồi con cháu ông mấy đời lý lịch ngụy ngóc đầu không lên cho mà xem.
Ngồi im như pho tượng lo đời, ông thừa hiểu việc mình làm. Dù bản than không phải là Đảng viên, nhưng ông đã dành trọn nửa đời người để sống và làm việc cho quê hương, không có gì phải ân hận. Mười lăm tuổi tham gia cướp chính quyền, mười tám tuổi đi Vệ quốc đoàn, hai mươi lăm tuổi bị thương tật trở về tham gia hoạt động tại địa phương đến ngày bị bắt tù đày, rồi hoạt động công khai….Bao nhiêu năm nếu không có tiền của thuốc men công sức bản thân gia đình ông lén lút gửi cho, thì liệu cơ sở có trọn vẹn như ngày nay được không. Với những chiến dịch càn quét đã biết trước, những đường dây liên lạc bị bắt được tha bổng về. Nhưng bây giờ quê hương đã thực sự bỏ ông. Không công nhận công lao thành quả của ông. Giờ đây trong tay ông, đứa con dại đang ngủ và tờ giấy khôn ngoan triệu hồi tập trung cải tạo khẩn cấp. Đằng sau lưng là người vợ quê mùa khờ khạo, làm sao bà ấy có thể lo lắng được cho mấy đứa con thơ dại này đây… Đầu ông căng ra như chiếc bong bóng bay. Ông cảm nhận được nhịp của mạch máu đang đập trong đầu mình.
Tiếng chó sủa rân bên nhà hàng xóm và tiếng gọi í ới ngoài ngõ vọng vào:- Mẹ ơi! Các anh ơi! Bảy về rồi đây…
Bà Bốn quýnh quáng từ bếp chạy lên mở cửa nói như reo:- Chú Bảy về rồi ông ơi!
Người đàn ông ba mươi chín tuổi bước vào nhà cởi bỏ ba lô nhìn ông cười hớn hở: -Anh Bốn!
Quay sang bà Bốn ngờ ngợ:- Chào chị! Đây là chị…Bốn hả?
Bà Bốn ngượng ngịu :- Chào chú Bảy! Tui là chị Bốn đây, chú ngồi nghỉ với anh uống nước cho ấm rồi ăn sớm mơi. Mẹ ở bên kia với chú Một…
Thực tình bà không biết chú, khi bà về làm dâu nhà này thì chú đã đi tập kết mười năm rồi chứ ít đâu. Chuyện của chú, bà chỉ nghe chồng kể lén mỗi khi ông buồn đau mà biết, chứ có được gặp bao giờ đâu…
Ông Bốn nhìn chú ừ một tiếng rồi ngồi bất động nhìn lên bàn thờ không nói gì. Ông chờ đợi phút giây này hai mươi mốt năm rồi, nhưng bây giờ anh em gặp lại nhau ông lại lặng im. Chú Bảy tiến đến bàn thờ thắp hương, nhìn khắp lượt mấy chân dung trên bàn thờ rồi quang sang ông Bốn:- Ai vẽ hình cha giống quá anh nhỉ! Còn hai cái hình trẻ này là của ai vậy?
Thằng Tèo thức đậy từ lúc nào vùng dậy nhanh nhảu như reo: - Ô! Chú Bảy. Hình của cô Út và chú Ba đó chú.
Đoạn nó nhảy cẩng lên chạy xồ vào người đàn ông nó vừa gọi bằng chú. Hai chú cháu ôm chầm nhau. Trong nhà ồn ào hẳn lên, mấy đứa em nó đã dậy kéo ra dụi mắt uốn éo chân tay ú ớ :- Chú Bảy đó hả? Bà Bốn cũng hăm hở chạy lên giục mấy đứa nhỏ : Chú Bảy đó! Chào chú đi các con…
Ngoài sân , tiếng bước chân, tiếng nói cười chào mời đã rộn rã. Bà con nghe tin chú về kéo đến thăm đầy nhà. Chú Năm Bích cũng đã đến với giọng cà lăm đặc biệt. Từ ngoài sân chú đã nói lớn át hẳn mọi người:
- Chớ…anh …Bảy về…hả? Cái… cái cái mấy đứa đem đem lịch…lịch ra làm… làm đi bây! Cái… cái nấu nấu… nấu cháo nghen! Um um… um nữa…
Mọi người được bữa cười rũ ra, kẻ xăng người xái nhộn nhịp hẳn lên. Có nhiều người sinh sau này đâu biết chú là ai. Trong gia tộc , kẻ gọi anh người gọi chú gọi bác gọi ông đủ kiểu. Ở quê nên hàng xóm gì rồi cũng dây mơ rễ má, dính chùm không bên nội thì cũng bên ngoại không con gái thì cũng con dâu, không con trai thì cũng chàng rể. Nhà ông Bốn như sân đình làng ngày lễ tế xuân thu. Bà nội thằng Tèo cũng chống gậy bước vô. Bà lặng lẽ đến bên, hất hàm nhìn thẳng mặt chú Bảy. Chú hoảng hốt kêu lên: Mẹ!
Bà nội ôm chú khóc nức nở, không nói lời nào.
Có ai đó thằng Tèo không nhớ, cứ cười hềnh hệch nói đi nói lại hoài câu:- Ôi! Hòa bình rồi, có ăn hột muối cũng sướng cái bụng.
-Thằng Bảy! mày ở ngoài đó cách mạng sướng. Tụi tao trong này giặc giã tùm lum, né bên nào cũng trúng đạn trúng miểng hết. Khổ lắm!...
- Như thằng Bốn đây một đời hoạt động cho cách mạng, mà bây giờ đành mang tiếng ngụy phải đi cải tạo. Tụi tao nói miết mà các cha đâu có chịu. Công lao của nó đổ sông đổ biển hết!...
Nhiều lắm nhưng nó không nhớ hết. Đầu óc nó chỉ biết có chú Bảy về và ba nó chuẩn bị đi.
Ngoài ngõ, mặt trời mới vừa lên ngang chặng sào, mà ánh nắng đã chói chang gắt gao như sẵn sàng xói thẳng vào mắt kẻ nào dám cả gan nhìn nó. Anh chàng A lô của thôn cầm loa đạp xe vòng tới vòng lui, lặp đi lặp lại, réo vang danh sách từng tên ngụy quân ngụy quyền đã nhận giấy triệu tập cải tạo đợt này, yêu cầu khẩn trương trình diện tại sân ủy ban nhân dân xã.
Bảo lộc, 07/ 6/2017.