LÊ VĂN THIỆN
|
Âm Thầm |
Truyện ngắn |
Kéo tấm mền đắp lên ngực ba, vặn ngọn đèn dầu cao thêm chút nữa rồi Đoan ra khỏi buồng. Chị Trầm ngồi nơi bàn, hai tay chống cằm, cúi gầm đầu như đang chăm chú ngắm một cái gì. Đoan đẩy cửa ra trước thềm. Gió lay vườn chuối lào rào, lào rào. Trời đất đen hầm. Những khóm cây bên gò chùa to sầm, thu lu như những đống đất cao. Ban đêm ít khi Đoan dám ra ngoài. Ba nói thổ ngơi gò ấy hiển linh lắm. Trước kia có một ngôi chùa xây nơi đó, trụ trì là một ông sư già. Ngày nọ ông sư tìm được trong mảnh vườn nhỏ mấy chiếc hủ sành đựng đầy vàng. Ông đem về chôn kỹ sau liêu. Rồi hàng ngày thừa lúc vắng vẻ lại ra moi lên ngắm nghía. Ông ra vào thăm nom hoài nên có người thấy được sinh nghi. Họ theo dõi nhà sư và ít lâu sau lén tới khuân vàng đi mất. Nhà sư tiếc của, ngơ ngẩn suốt mấy tháng rồi lâm bệnh mà chết. Ngôi chùa bỏ hoang, bây giờ dấu tích chỉ còn cái nền gạch cây cỏ phủ đầy. Người ta nói ban đêm thường trông thấy có nhiều điềm lạ hiện ra quanh vùng đó. Khi thì vài đốm lửa xanh đỏ chập chờn, nhảy múa lởn vởn. Khi thì một ánh đuốc sáng lòe xuất phát từ cái nền chùa cũ bay vút lên cao, kéo theo chiếc đuôi dài ngòng tím thẫm. Dân chúng cho là hồn thiêng của ông thầy chùa hiển hiện hoặc những hủ vàng vẫn còn sót dưới đất, và đêm tối hơi vàng bay lên “đi ăn”. Lắm người mò tới moi móc tìm kiếm, và lúc trở về tất cả đều bị bịnh một cách kỳ dị. Họ bị vàng “bắt”. Thế là sau ấy không ai dám mon men lại gần chốn u linh ấy nữa. Cây cối ngày một lên cao, cỏ dại mặc tình sinh sôi. Ba nói thỉnh thoảng ba cũng thấy được các hiện tượng lạ, thường là vào lúc nửa đêm thanh vắng trong những ngày đầu tháng, rằm lớn, giỗ kỵ. Đoan nghe và để tâm kinh sợ. Lào rào, gió rít mạnh thêm. Đằng xóm giữa có tiếng chó sủa. Ban đầu một hai tiếng lẻ tẻ, rồi lan ra, xôn xao. Chắc là chó đánh hơi có người đi ngang. Lạ, nửa đêm thế này mà ai đi đâu. Đoan quay vội vào nhà, hình như có một luồng gió nhẹ bay vờn sau gáy, cọ sát vào da lạnh buốt, Đoan rùng mình. Chị Trầm tới giường ngồi, ngọn đèn trên bàn được chị vặn to từ lúc nào. Ba rên mỗi lúc một lớn hơn, kéo dài ồ ồ. Chị Trầm bảo nhỏ: - Mày vô xem ba thế nào ? Đoan giương mắt nhìn chị. Chị lớn sao chị không đi trước coi. Con gái thường hay nhát nhớm. Ngày má còn mạnh không đêm nào chị rời má. Thế mà hôm má sắp chết chị sợ hãi bỏ ra ngoài, không hề bước lại gần chỗ má nằm. Cảnh vật vắng tanh, người ta có thể nghe tiếng tàu chuối xô nhau bên ngoài rõ mồn một. Cánh cửa thiếc sau chuồng heo bị giật đập lẻng kẻng. Phải chi lúc này có dượng Hanh thì yên tâm biết mấy. - Đập thằng Chữ dậy chị Trầm. - Biểu nó dậy làm gì ? Đoan gắt: - Cho vui. Ba rên đều đều, chắc bây giờ ba mở miệng rộng ra mà tống hơi thở chứ không phải rên như thường nữa. Đời ba thật khốn khổ. Từ nhỏ đến giờ ba chỉ hưởng được một thời gian thảnh thơi ngắn ngủi. Đó là quảng ngày ba đi lính, hồi xa xưa. Đoan nhớ những buổi chiều ba dẫn tốp lính mới ra bãi cỏ sau luyện tập đi, “ỏn đơ, ỏn đơ”. Ba mặc cái quần ka ki vàng ống dài tới trên đầu gối, áo vàng ngắn tay, đội chiếc mũ thon thon như cái thuyền nan. Ba ngậm còi thổi từng chặp, tốp lính bước đi rập rập coi lạ mắt. Ba làm xếp. Người ta kêu bằng thầy đội. Tuy lúc ấy còn nhỏ lắm nhưng Đoan vẫn nhớ được trong đồn huyện có nhiều ông Tây cao ngồng, đen thui và rất thương trẻ con. Ba nói chuyện với các ông Tây đó một cách ngon lành. Dân ở ngoài cũng nể ba, nên chi mỗi khi bắt tay ba họ thường cúi mọp mình xuống đầy vẻ cúm rúm kính cẩn. Sau này, những lúc nhớ thời gian hiển hách đó là thường giở xem lại những bức hình xưa, mân mê, nhìn ngắm hàng giờ. Những bức hình chụp ba ăn mặc bình phục oai nghi, áo gắn huy chương, lưng đeo súng lục, và tay cầm ba-tong. Ba gìn giữ nâng niu những tấm hình như người ta quý trọng vật gia bảo. Còn những tháng năm về sau toàn là những ngày gian lao. Ba làm lụng tối tăm mặt mũi cũng không đem lại cho gia đình một cuộc sống no đủ. Trời đất gạt gẫm không cho ba sung sướng. Có lần ba đã liều lĩnh mò qua gò chùa tìm vàng. Gạt sang một bên những lời đồn đãi, ba mang cuốc xẻng đi đào xới trong nhiều đêm liền. Kết quả không có gì, ba lại bị đau. Đau nặng tưởng chết. Thiên hạ được dịp phao rùm lên là ba bị vàng bắt. Người bị vàng bắt thì nước da xanh mướt, tròng mắt vàng chái. Thời xưa những người hiền thường gặp sự lành. Dù trước có khổ sở lận đận bao nhiêu chừng kết cục vẫn sum họp, giàu sang. Vân Tiên bị kẻ tiểu tâm hăm hại đui mù hoạn nạn, gian truân, nhưng sau vẫn đậu Trạng, làm vua. Xuân Nương có đau tủi nhọc nhằn, chết đi sống lại rồi cũng là Hoàng hậu, đoàn viên cùng Lâm Sanh. Ba đọc thơ và nói ba cũng hiền lành thôi, mà sao tới giờ vẫn còn khốn đốn. Đoan vô buồng tới gần giường, ba nằm yên, chân tay thẳng đơ. Đầu ba hơi nghếch lên cao để chiếc cổ chuôn dài cho hơi thở dễ lưu thông. Ngoài này chị Trầm đập bép bép lên mông bé Chữ, chị kêu khe khẽ: - Dậy Chữ, dậy. Thằng nhỏ lăn qua phía khác ú ớ trong miệng. - Dậy đi em, dậy em. Và chị lại đập bép bép. Hồi sẩm dượng Hạnh tới thăm, chị em Đoan năn nỉ dượng ở lại ngủ cho có bạn. Ba mê man đă mấy hôm nặng quá sợ khó qua, ba chị em chỉ biết chúm chụm lại mà lo sợ. Nói thì nói nhưng Đoan biếi không thể cầm dượng Hạnh ở ngủ. Đêm nào như đêm ấy, chiều vừa chập xuống làng xóm đã im lìm. Trai trẻ đàn ông kéo lên xã ngủ từ sớm. Những người còn lại lo rút êm vô nhà, đóng cửa tắt đèn. Tiếng chó sủa ban đêm rót vào bầu không khí vẻ dọa dẫm, nặng nề. Dượng Hạnh vẹt mền sờ bụng ba. Cái bụng mấy hôm cương chang bang nay xẹp xóp, như dính sát tận xương sống, hai lớp xương sườn tranh nhau nhô ra ngoài trơ trẽn. Dượng đặt lên trán, lên cái mũi tím ngắt đón hơi thở. Quay ra dượng thở hắt buồng rầu : - Yếu quá. Mấy đứa cháu nhìn nhau lo ngại. Dượng Hạnh ngồi rán lại một đỗi lâu, uống nước, nhấp nhổm ngó ra cửa. Quả đất lăn lẹ. Vườn chuối đã nhuốm màu thâm thẫm. Chợt dưới cuối xóm một con chó sủa lên rông rổng, rồi chỉ trong khoảnh khắc đă có thêm nhiều con khác phụ họa rầm rộ. Dượng Hạnh bật dậy, nhảy tới hiên lấy xe, dượng dặn với mấy câu rồi lật đật ra ngỏ. Tiếng chó sủa từng hồi, từng hồi gấp rút tống mạnh dượng Hạnh chạy khỏi làng. Trong nhà không khí lạnh lẽo trùm lên những người còn lại. Tiếng rên của người bệnh giờ một lớn thêm, như muốn lấn át tiếng gió bên ngoài. Bé Chữ bị đập thức ngồi dậy ngơ ngáo, nó toác miệng ngáp và đưa tay dụi mắt. Chị Trầm nhìn nó, rồi chị cũng dụi mắt, và ngáp. Trông chị có vẻ bơ thờ mệt mỏi, chị từ từ vén mảng tóc rối ngà phủ trên má, nhưng chị vừa bỏ tay ra nó lại ngă xòa xuống, chị để yên không vén nữa. Đoan lật quyển sách trên bàn, liếc những tấm hình. Mới về hơn một tuần mà thấy như đă lâu lắm. Ngày giờ sao bỗng nhiên chạy qua thật chậm. Bữa nhận được thư chị Trầm gửi về, Đoan linh cảm là lần này có cái gì khang khác với những lần về thăm nhà trước đây. Đoan thu xếp sách vở mang theo, trả hết tiền trọ, từ giã mọi người, ra xe, lưu luyến. Chị Trầm viết “ Ba đau nặng quá Đoan ”. Chỉ một câu đó cũng đủ báo cho Đoan biết là mình chắc không còn dịp trở lại nhà trường. Đoan mân mê tấm bảng danh dự kẹp giữa sách. Những dòng chữ bay bướm đậm nét. Tấm này chưa đưa ba xem. Sợ ba sẽ không còn thời giờ để xem nữa. Năm nay con chỉ kiếm được có hai lần danh dự, con cố gắng hết sức rồi đó. Mấy tháng gần đây tiền chị Trầm gởi lên thất thường, còn những lá thư kể lể sự túng thiếu thì dài và đều đặn. Nhiều bữa Đoan không ghé lại quán cơm học sinh mà lủi ra bến xe đò mua một ổ bánh về nhai đỡ bụng. Đến trường không còn thấy vui. Tối tối cái buồn ở đâu ập xuống. Và từ đó những trang vở bỗng toát ra sự lạt lẽo. Ba nói : - Mỗi năm mày mỗi kém đi, thích chơi rồi hả con ? Tao còn sức moi gạo ra cơm mà. Đoan chối bay : - Dạ không đâu ba. Tại trên tỉnh nhiều nhân tài chớ, dân tứ xứ tụ lại đông lắm. Dưới trường quận mình chỉ có một năm người xoàng xoàng để qua mặt, ở trển thì khó vượt hơn. Ba không thắc mắc thêm. Chỉ có những tấm giấy khen mang về là làm cho ba vui. Mấy năm ở lớp dưới Đoan kiếm được khá nhiều giấy khen, về sau ít dần, ít dần đi. Ba mỗi năm một già xọm, gầy mòn. Cơm gạo chạy vào thúng ba thưa thớt, cũng như những tấm bảng danh dự ngày càng tránh xa tay Đoan. Đoan có lý do bào chữa cho sự kém cỏi của Đoan. Còn ba, không thấy ba nói tới việc xuống dốc của mình. Chẳng khi nào ba xem xét bài vở của con, vì ba có biết gì đâu mà xem. Đoan thường kể những sinh hoạt ở trường, ba chịu khó nghe và đôi khi cũng tỏ vẻ thích thú. Học trò bây giờ nghịch lắm ba. Thầy giáo, cô giáo trẻ thường bị chúng quấy chọc. Vào một lớp xồ xào, học trò lúc ngúc nói chuyện, cô giáo bèn đập bàn bảo im, cô nói : - “Các em im lặng, học đi rồi cuối giờ cô cho chơi ”. – Im lặng ngay. Và đến cuối giờ “các em” nhao nhao : “Gần hết giờ rồi, cô cho chơi đi cô. Cho chơi chút đi cô”. Tiếng cười cợt , tiếng tán thưởng ầm ĩ. Giờ vạn vật vài đứa tìm đủ cách để xuyên tạc các bức vẽ của thầy trên bảng, chúng tìm những ý nghĩa khôi hài gán cho những hình ảnh đó, để hiểu ngầm và cười với nhau. - “Thưa cô vì sao nhũ hoa đàn ông không nẩy nở như đàn bà?” Thưa cô thế này, thưa cô thế nọ, rồi lại xồ xào, rúc rich. Nghe qua ba lắc đầu. Hồi trước đâu có tình trạng đó. Học sanh sợ thầy như sợ cọp. Trên bàn thầy nạt một tiếng là dưới chiếu cả bọn nín khe và run. Chữ nghĩa được quý trọng, sách vở không dám lót đít mà ngồi. Ba nói : - Thời đại bây giờ có nhiều cái bậy quá hỉ. Nhưng mà này, mày đừng bắt chước bọn nó nghe, trước học lễ sau mới học văn các cụ ta ngày xưa nói vậy đó. Ba cố gắng chịu cực chắt mót cho con theo học để may ra sau này nó làm được một cái gì, lạ hơn, vẻ vang hơn là tưới mồ hôi xuống ruộng cát, tưới mồ hôi xuống rừng rẫy để kiếm cơm, như cha ông nó. Đời ba đen đủi, cho tới ngày gần chết rồi ba cũng chưa biết mặt mày ông cha bà mẹ ngang dọc thế nào, đừng nói chi đến chuyện học hành. Gà gáy lẻ tẻ dưới xóm. Gió vẫn còn rít vun vút. Vườn chuối bị vần xơ xải, tàu lá te bầm rách mướp. Bé Chữ khom mình mân mê chơi với mấy ngón chân của nó. Chị Trâm ngồi gục đầu xuống gối. Hình như ba đã ngủ hoặc mê đi, không còn nghe tiếng rên. Có lẽ trời sắp sáng. Mùa đông đêm dài hơn ngày. Đoan thấy đôi mắt mình muốn cụp xuống, mấy đêm liền thức trắng làm con người rã rời. Cót két, cót két, tiếng kêu dọc đường của những chiếc xe đạp già nua vang lên ngoài ngõ, rồi lớn dần, chạy vào tới sân. Dượng Hạnh ho đánh tiếng. Đoan mừng rỡ chạy ra mở cửa. Dượng Hạnh hỏi lớn : - Ba có bớt chút nào không cháu ? Gió mạnh đánh bạt tiếng nói. Đoan long ngóng không nghe rõ. Dượng Hạnh đi ngay vào buồng. Chợt nghe dượng kêu : - Ủa…trời ! Đoan giật mình, dượng Hạnh quay lại : - Tụi mày không canh chừng, ảnh bỏ đi tự lúc nào. Đoan bước lên. Ba nằm đó, cặp mắt trợn trừng, cánh mũi đen kịn như bị ám khói. Dượng Hạnh vuốt mắt ba, xếp đặt tay chân ngay thẳng, xong dượng dẹp bỏ những chai thuốc trên đầu giường. Đoan sững sốt, chị Trầm thút thít ngoài cửa. Dượng Hạnh kéo mền phủ mặt ba, rồi dượng xuống nhà sau lấy một lưỡi dao cùn đem bỏ lên bụng người chết. Dượng làm nhẹ nhàng, lặng lẽ./. |
Lê Văn Thiện |