LÊ VĂN THIỆN

Cổ Cao Mắt To

 
        Trâm đứng ở thềm giếng gọi: “Hương ơi, qua chơi”. Hương nhìn đồng hồ, mười giờ rưỡi. Còn sớm. Mọi đêm mười một giờ mới nghe Trâm gọi “Hương ơi, qua chơi”, lúc nào cũng thế.
        Hương chui rào qua, liếc nhìn vào quán. Chỉ còn hai ông khách ngồi ở một bàn trong góc xa. Máy mở nhỏ một bài hát cũ: “Người ơi, một chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa? Người ơi, đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò. Còn đó tiếng tre êm ru. Còn đó bóng đa hẹn hò…” chậm, thủ thỉ, bâng khuâng. Trâm vớt chồng ly trong xoong nước sôi ra xếp lên bàn, bảo Hương: “Em ăn chè đi”.
        “Để em phụ rửa với chị”.
        “Đừng, gần xong rồi”.
        Chè còn nhiều. Tối nay vắng khách, đa số khách uống cà phê, không ăn chè. Trâm nói: “Không mưa mà ế. Chị cho Mỹ và Phụng về sớm. Kiểu này chị em mình ăn hai ngày không hết”.
        Nhà Hương ở kế quán Trâm, hai người thân nhau từ nhỏ, như chị em ruột. “Ôi, những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một giấc ai mơ. Dù đã quên lời hẹn hò. Thời hoàng kim xa quá chìm trong phôi pha.” (Cung Tiến), tâm sự, gần như nói, giọng nam trầm ấm. Một trong hai ông khách là Giai.
        “Em thấy Giai không, đang ngồi nhìn ra đường ấy… Tuần này Giai đến đây không sót đêm nào, thường ngồi lại rất khuya”.
        “Thế à, chắc có đột biến gì đấy, trong bụng, trong đầu anh chàng”.
        “Chị đoán biết được một phần của cái đột biến ấy”.
        “Chị tài quá”.
        “Hôm qua Giai hỏi: Hương dạy ngày mấy buổi. Chị có thấy cổ Hương thật cao, thật sang không. Sao mắt Hương to và buồn thế!”.
        “Ấy chết, thật sao chị?... Các đấng nam nhi nhạy bén, quan sát giỏi đáng sợ lắm”.
        Dọn dẹp xong, Trâm pha một ly cà phê nhỏ cho mình. Máy bắt qua một bài ca khác, một cuộc tình khác. Có quá nhiều chuyện tình. Làn tóc rối – bờ vai gầy – thắm duyên – sóng mắt – vòng tay ấm! Hương đùa: “Ông Khôi có khen chị cổ cao không?”. Trâm ôm bụng cười, hỏi lại:
        “Em có chuyện gì vui không?”.
        “Một ngày như mọi ngày!”.
        “Thế cũng quí, còn sống là được!... Chúa ban cho em sự bình an”.
        “Yên ổn và lặng lờ, êm xuôi và tẻ nhạt… Nhàm chán ở trường, buồn nẫu ở nhà… Ông Khôi có đến không chị?”.
        “Không, ba đêm rồi”.
        “Chắc ông ta bận đi xa”.
        “Cũng có thể do bị vợ quản thúc, cấm đi đêm… Bà Thanh rao rùm beng: ông Khôi đến quán Thu Trâm tám đêm mỗi tuần!... Chị sẽ cho em coi cái này”.
        Trâm mở tủ ly chén lấy ra một chiếc máy ảnh. “Ôi, đẹp quá!”. Hương reo.
        “Khôi tặng đấy. Chị không nhận, ông ấy cứ vứt lại”.
        “Ông ta thích chị mê mệt”.
        Trâm cười buồn: “Mê mệt! Rồi ai mê bà Thanh?... Chắc ông ta muốn chơi nước cờ chai lì, lập lờ, hàng hai”.
        Khôi định trồng ở đây một cây si cổ thụ? Đã lâu, gần hai năm rồi, ngày nào ông ta cũng tới quán này ít nhất một lần. Ông ấy có vợ, ba con, ba đứa con gái. Mọi sự lằng nhằng bắt đầu từ chỗ những đứa con gái này. Theo quan niệm xa xưa, nếu chỉ có con gái là chưa đủ. Sinh năm con gái tương tự như chưa có con! Nên Khôi luôn miệng nói: “tôi chỉ có ba con gái”, để người nghe hiểu rằng: “tôi muốn tìm vài đứa con trai!”. Nhưng Thanh, vợ Khôi, nghĩ khác. Chị ta không coi chuyện trai, gái là vấn đề. Chị ta chỉ thấy ở đây mầm mống một vụ ngoại tình.
        Thanh, người đàn bà mần ăn chắc thiệt, mướn một sứ giả đến gặp Trâm. Đó là một chàng trai trẻ cao to, mắt xếch, đầu tóc bùm sùm, nói chuyện vòng vo khéo léo đúng điệu một nhà ngoại giao. Trâm đáp lại đơn giản, thẳng thắn: “Đây là hàng quán, em ạ, làm sao tôi cấm anh ấy đến”.
        “Nhưng chắc chị dư biết anh Khôi đến đây không phải vì những chén chè, những ly cà phê?”.
        “Biết thế nào được, em. Tôi không phải chiêm tinh gia. Và quán này có hàng trăm khách”.
        “Nhưng, chị Trâm à, loại khách có mặt tám ngày một tuần chắc không nhiều?”.
        Trâm kêu trời, nói như thề bồi: “Trời đất chứng minh cho lòng dạ tôi. Tôi luôn muốn đi trên con đường quang đãng, để làm ăn dài lâu”. Anh thanh niên nhếch mép, cười. Miệng anh ta vẽ phác nên một nét cười, nhưng ánh mắt thì nghiêm, lạnh. “Tôi là em bà Thanh. Chị Trâm à, xin cho tôi được nói rõ mấy ý lớn này: chúng tôi muốn chị không thân thiết, không chuyện trò, không tiếp anh Khôi nữa”. Anh ta đặt ly đánh cộp xuống bàn, bỏ đi thẳng.
        Trâm thường nói không muốn dính líu tình cảm với ông Khôi. Nhưng Hương thấy, lắm lúc thái độ, hành động của chị bộc lộ nhiều điểm mập mờ, mâu thuẫn, khó hiểu. Trâm đã nhận quà tặng của ông ấy nhiều lần, một chiếc đồng hồ kiểu mới, một cây bút máy lạ, vài cuốn sách. Chị nói, có vẻ khổ tâm: “Chị không nhận, nhất định không sờ tới mấy món đó, nhưng anh ta cứ quẳng đại lên quầy… Sao quỉ ma không bắt xác anh ta đi! Khổ, người đâu mà dai nhẵng, như sợi dây thun!”. Hương góp ý:
        “Em nghĩ, chị nên cương quyết hơn, dứt khoát không nhận. Chị đâu cần các món đó. Nhất quyết không nói chuyện lâu với ông ấy”.
        “Khó quá, anh ta là khách quen”.
        “Chị cố gắng thêm tí nữa. Phải biết ghét ông ta, đừng nhìn thẳng mặt, không cười”.
        Trâm nhăn nhó, đau khổ.
        “Em có lý. Chị cũng thấy, Khôi có thể đem đến cho mình nhiều phiền toái, hoặc những bất trắc khó lường… Sao anh ta không đi đâu lại cứ chui vào đây?”.
        “Chị hiền dịu, dễ bị lung lạc”.
        “Sao Khôi cứ lặp lại mãi: ba đứa con gái, toàn con gái!”.
        Hương cười: “Dễ hiểu thôi. Ông ấy muốn nói: em hãy hợp tác với tôi để sản xuất ra những đứa con trai!”.
        “Khôi cũng đàng hoàng, đáng thương, nhưng chị không phải là một thứ phương tiện, công cụ”.
        “Chị nghĩ đúng đấy… ôi, các đấng đàn ông lắm mưu mô!”
        “Anh ta là con rắn trong vườn địa đàng… nhưng chị sẽ không ăn trái cấm”.
        Hương nắm hai tay Trâm, lắc mạnh.
        “Hoan nghênh chị bé bỏng của em, có thế chứ!”.
        “Chị lạc lòng, chẳng bao giờ muốn làm người khác buồn. Em biết không, có lần Khôi đã quì xuống bên chân chị, cầm tay chị…”
        “Lạy Chúa tôi! Quì à?... Rồi ca bản gì?”.
        “Ừ, quì, như người ta kịch!... Khôi nói, nếu chị đồng ý chung sống, ông ta sẽ coi thằng Vinh của chị như con ruột, sẽ bảo đảm hoàn toàn về mặt vật chất, sẽ dàn xếp với bà Thanh, sẽ vân… vân, chị không nhớ xuể!”.
        Hương giậm chân: “Tức chết đi được! Nếu gặp em, em đã cốc lên trán ông ta một cú rõ mạnh và bảo hãy chạy về mà quì tạ lỗi trước mặt vợ!”.
        “Ông ấy khen thằng Vinh tướng thông minh, đẹp như thiên thần, rồi hôn tới tấp lên tay chị”.
        “Chết mất, hỏng cả chị ạ!... Tất cả đều là những lời đường mật. Xưa con rắn cũng nói với bà Eva như thế! Chẳng lẽ chị không hiểu, ông ta có thể đem lại cho chị vô số điều tệ hại?”
        “Khôi làm vậy chị thấy kỳ kỳ, và chị muốn khóc, mừng quá hoặc buồn quá chị đều muốn khóc!... Cái lạ là, chị cũng biết mình đang quờ quạng, dại dột… Lần đổ vỡ trước để lại cho chị thằng Vinh và nỗi cay đắng đậm đặc. Chị không muốn có thêm một thằng Vinh và một vố cay đắng mới!”.
        Giai gọi: “Chị Trâm ơi, cho vài điếu ngựa trắng”. Hương đem gói thuốc ra. Giai kéo ghế mời:
        “Hương ngồi đây chơi vài phút… Nhờ Hương cho thay băng nhạc khác, có băng mới không?”.
        “Dạ có, “Ca khúc da vàng” hay “Tâm ca”?”.
        “Còn gì nữa?”.
        “Dạ nhiều, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Đoàn Chuẩn, Cung Tiến”.
        “Hay quá, cho nghe Cung Tiến, Từ Công Phụng trước”.
        “Rồi nghe tất cả các người kia. Tiếp đến, ta nghe ả đào, bài chòi, quan họ, ca trù cho tới sáng!”. Người bạn của Giai nói, và cười ngu ngơ.
        “Dường như Hương dạy ở thị trấn?”.
        Hương gật đầu.
        “Dạy học hợp với phụ nữ, một nghề mỏng mảnh mà cao đẹp!”.
        “Đàn ông hợp với phụ nữ, và cũng hợp với rượu!”. Người bạn nói.
        “Nó bình lặng, buồn anh ạ”.
        “Anh có nhiều bạn giáo viên”.
        “Tôi cũng yêu thích nghề giáo, yêu tất cả các cô giáo!”. Anh bạn say lại nói.
        “Yên nào, Định! Để mình nói chuyện. Mới nhắp sơ vài ly đã say sao?”. Giai quay sang Hương: “Định đã nhậu bên Mây Hồng suốt chiều nay… Thấy bọn anh rượu chè thế này Hương có chê cười không?”.
        “Các anh uống bia, đâu có uống rượu”.
        Giai nhăn mặt: “Hương đừng mỉa mai. Cái khổ là, chúng ta là con người, không phải những cỗ máy, nên đôi khi cũng…”.
        Định cười hì hì: “Em nói móc nó chi tội nghiệp. Nó là tín đồ tôn sùng em hết cỡ đấy”.
        Giai nói nhỏ: “Hương có đôi mắt thật buồn”.
        “To, đen, và buồn!”. Định nói.
        Hương che miệng cười: “Nhưng tính em vui lắm. Mọi người thường bảo em nghịch, nhộn… Gương mặt buồn thì sang nhưng khổ, anh ạ”.
        Định chen vào: “Bà xã tôi lúc nào cũng cằn nhằn, buồn xo, nhưng chả sang tí nào!”
        “Anh ngồi lại đây thật khuya cốt để chờ Hương… Chị Trâm nói, Hương đoan trang, hiền, chị coi Hương như em”.
        Một giọng nữ khàn khàn cất lên hát về một cuộc tình. Lại tình! Có biết bao nhiêu cuộc tình trên đời này… Lạ sao, người ta hay nói về những chuyện tình buồn.
        “Thiên hạ vẫn nghĩ tình buồn là tình đẹp, em nghe Thanh Thúy đấy, hay chết được!... Anh sẽ đến đây thường hơn để được gặp Hương”.
        “Em không bán quán”.
        “Anh biết, nhưng anh vẫn đến”
        Định đứng lên, bước loạng choạng. “Xin lỗi, nhị vị ngồi chơi nói chuyện, tớ nằm nghỉ một chút”.
        Anh chàng tới nằm nơi chiếc ghế dài cạnh quầy. Chợt có tiếng xe máy chạy đến gần, nhiều xe. Ba chiếc gắn máy đổ xịch trước quán. Ba thanh niên bước vào, trong đó có anh chàng cao kều hôm trước đã đến thương lượng vụ liên quan tới ông Khôi. Anh ta ăn mặc toàn màu đen, tay xách một thùng lớn, loại thùng đựng xăng. Họ đi thật nhanh đến quầy hàng. Một người tới vỗ vai Định: “Ông bạn, đồ nghề đâu?”.
        Định chồm dậy, lôi dưới ghế ra một chiếc giỏ nhỏ. “Nó đây, có đủ món, anh Ba”. Mặt Định vẫn đỏ, nhưng trông anh ta tỉnh khô, không còn dáng vẻ người say.
        “Tốt, vào mời nàng ra đây”. Anh Ba bảo, giọng chỉ huy. Định dạ. Rồi họ, ba người xông thẳng ra sau quầy, tới bao quanh Trâm. Người kéo tay, kẻ xô lưng, họ đẩy Trâm ra giữa phòng. “Anh Ba” đứng giạng chân, chống nạnh trước mặt Trâm, cười khẩy:
        “Đĩ bợm, mày phá nát gia cang người ta, mày là loài hồ ly”.
        Không để cho Trâm nói tiếng nào, hắn bảo đàn em: “Làm đi”. Ba tên xúm vào ấn Trâm ngồi xuống một chiếc ghế. Trâm gào la thất thanh. “Anh Ba” quát: “Câm mồm, quỉ cái, mày phải đền tội!”. Hắn rút trong cái giỏ của Định ra một chiếc kéo sáng loáng, và chỉ trong chớp mắt, hắn cắt phăng mái tóc Trâm. “Cạo nhẵn luôn, anh Ba!” Định nói. Hương hét lên hãi hùng. Giai ngồi như bị cột vào ghế… Trâm vùng vẫy, thét lạc giọng. “Ngồi im, không thì rách toạc da đầu mày”. Hắn vứt kéo, lấy tông-đơ ủi. Hắn làm thật gọn, rất nhanh. “Mưa có rơi và nắng có phai. Trên cuộc tình yêu em ngày nào. Ta đã yêu và ta đã mơ, mơ trăng sao đưa đến bên người. Một lần gặp gỡ đã như quen…” (N.T. Miên), cái máy hát hét lớn hết mức. Xong việc, “anh Ba” bảo các tay em: “Buông ra, cho nó thở”. Chỉ vào cái thùng nhựa, hắn phán: “Đây là nước mắm. Nay cảnh cáo, anh chỉ tô điểm đầu tóc mày thôi. Nếu còn ngoan cố, lần sau anh sẽ cho mày thưởng thức thùng bia Phan Thiết này!”. Trâm gào la như con heo bị chọc tiết. Bọn hung thủ bỏ đi, xách theo thùng mắm và giỏ đồ nghề. Định ra sau chót. Hương té quị xuống, khóc ngất. Giai vẫn ngồi chết sững, trố mắt nhìn. Hương bảo Giai: “Anh ra đường la lớn lên, cho cô bác người ta đến”. Giai phân trần:
        “Định không phải bạn anh, tối nay anh ngồi chung bàn với nó là do tình cờ… Thôi, không nên làm rùm beng, không hay”.
        Ra tới cửa, bỗng Định lại quay vào. Hắn đến góc phòng tắt điện. Tối đen! Cái quán đột ngột rơi tõm vào vũng tối mịt mùng. Tiếng khóc Trâm vang lên, loang ra, dập dềnh, như chuỗi âm thanh chết chóc, ghê rợn trong các phim kinh dị. ./.

  Trở lại chuyên mục của : Lê Văn Thiện