LÊ VĂN THIỆN
 
Cổ Tích Mới

Liên nói với người đàn bà đang khệ nệ xách hai chiếc giỏ căng phồng:
“Để cháu phụ dì một tay, mấy cái giỏ chắc nặng”.
“Hay quá, cảm ơn cháu, đỡ giùm dì một chút, tới bến xe lam kia thôi”.
Đến nơi, đứng dưới trụ điện sáng, người đàn bà nhìn kỹ mặt Liên, kêu lên:
“Sao cháu xanh thế? Cháu bịnh phải không?”.
Không chỉ xanh xao, nếu nhìn gần người ta sẽ thấy trán Liên lấm tấm mồ hôi, hai tay run.
“Dạ, tại cháu chưa ăn cơm… hai bữa nay, cháu chỉ ăn bánh mì”.
 
Đúng ra đã ba ngày Liên không ăn cơm, và từ sáng đến giờ chẳng có một thức gì vào bụng… Trong nửa giờ Liên kể tóm tắt cho bà Thâm – người đàn bà đó – nghe quãng đời cơ cực mình vừa trải qua. Và bà Thâm nhanh chóng quyết định đưa cô gái cơ nhỡ về nhà, cho tá túc tạm trong khi tìm công ăn việc làm.
“Tội nghiệp cháu. Cháu có biết là con đường rộng rãi thẳng tắp này, cái công viên sáng choang kia chẳng khác gì khu rừng già, rất đáng sợ, nguy hiểm?”.
 
Nhà bà Thâm khá rộng, nằm trong một hẻm nhỏ. Bà làm công cho một quán cơm, đi suốt ngày, sẩm tối mới về. Con bà, anh Kỷ, làm thợ hồ, cũng đi suốt ngày, tối có khi về khi không.
“Cháu ở đây chơi, coi nhà. Dì sẽ tìm cho cháu một việc làm… Việc làm gay lắm cháu à. Người đông quá… không hiểu do đâu người ta cứ ùn ùn đổ dồn về thành phố này”.
 
Kỷ cao lớn, rắn chắc, không được đẹp trai. Liên nhận xét: “Nếu trán anh ấy cao thêm một chút, cằm không chẻ, mắt to hơn một chút thì hay biết mấy!”. Anh chàng tính dễ chịu, hơi ít cười, ít nói.
“Ba nó chết năm nó mười tuổi. Từ đó đến nay hai mẹ con dì lủi thủi sống với nhau. Nó hiền lắm, cháu à. Có thể nói thực là nó khờ dại, chậm chạp. Nghề thợ hồ, người ta chỉ học hai, ba năm, còn nó năm năm rồi vẫn chưa giỏi… Nó không hút thuốc, không rượu chè bài bạc, gần như không biết tán tỉnh gái”.
 
Bà Thâm giới thiệu con trai như thế. Bà nói lớn, cười to. “Kỷ làm sao, mặc anh ấy. Riêng dì là một bà tiên. Bà tiên ở trên mặt đất, không có phép mầu, nhưng sẵn lòng cứu giúp người gặp tai ương, xuất hiện đúng vào lúc ta cần một cánh tay nâng đỡ, một trụ cột vững chãi để nương tựa… Ta may mắn”. Sau này, mỗi khi nhớ lại chuyện cũ, Liên vẫn còn vui mừng thấy lúc đó mình đã gặp may.
 
Liên sống ở nhà bà Thâm qua tháng thứ ba thì Kỷ dạn dĩ, coi cô như người thân. Một bữa, bỗng dưng anh đâm ra lắm lời:
“Cô Ba à, chúng mình người Nam kẻ Bắc lại gặp nhau dưới mái nhà đầm ấm, thiệt đúng là duyên kỳ ngộ”.
Liên cố nín cười:
“Anh gọi em bằng tên, kêu cô Hai cô Ba nghe tức cười lắm!”.
Kỷ đằng hắng mấy tiếng, và tiếp:
“Liên đem đến cho tôi niềm vui sống, hạnh phúc bất ngờ… Liên bóng sắc, dung nhan mặn mòi, như những trang giai nhân… Còn tôi, một người tầm thường tục tử. Tôi ngẫm mình không đáng được hưởng diễm phước cận kề bên Liên”.
“Kỷ muốn gì vậy? Anh ấy nói cứ như người ta leo dốc, như các nhân vật trong mấy cuốn tiểu thuyết diễm tình”.
“Liên à, em hãy nói vài lời, cho thỏa lòng tôi. Thân phận tôi bọt bèo, hèn mọn… nhưng mà trời khiến xui nên chúng ta đã được ở chung nhà. Sớm đi ra tôi gặp Liên, chiều đi vô tôi cũng gặp Liên… vậy rồi bà con lối xóm họ kháo ầm lên rằng…”.
“Kỷ nói hệt như câu ca dao: Đi lên tôi gặp chị, đi xuống tôi cũng gặp chị. Thiên hạ đồn mộng đồn mị. Đồn tôi với chị là hai vợ chồng!”.
Sau một hồi lâu tâm tình theo lối văn hoa bóng bẩy như thế, Kỷ nói anh vừa tìm được cho Liên chỗ làm: phụ hồ.
 
Trong ngày, bốn lần Kỷ nói với bà Thâm: “Con thương Liên lắm”.
Bà bảo, cứ thương, không ai cấm cản, nhưng đừng quậy om sòm, Liên sợ. Kỷ nhờ mẹ bày cho cách nói để Liên hiểu. Bà lúng túng. Chẳng có gì để dạy, muốn sao nói vậy, thực lòng, cô ấy sẽ thích.
“Mày thua xa ba mày, không bằng cái móng tay ông ấy. Gặp trường hợp này, ba mày chỉ nói một câu: “Anh thương em”, rồi xáp vào cầm tay “em”, mau và gọn!”.
“Đâu được, con không dám!”.
Bà Thâm than: “Trời ơi, sao một ông cứng cáp như gỗ như thép, còn một thằng lại nhát như con… như con…”.
Vài phút sau, bà bảo:
“Nói thế này, khỉ mốc ạ: Liên, anh thích em, anh có cảm tình với em. Gần em anh vui, xa em anh nhớ. Anh muốn chúng mình sống bên nhau lâu dài… Nên nói lúc chỉ có hai đứa, tốt hơn hết là buổi tối, sau khi ăn cơm… lúc no người ta dễ chịu!”.
“Con hiểu”.
 
Lát sau, bà Thâm đổi ý:
“Nhưng nghĩ lại, chẳng cần nói năng quái gì… Mày cứ săn sóc ân cần, mời nó ăn những gì nó ưa, tặng món này món kia, dần dần nó sẽ thương”.
Kỷ nghệt mặt ra: “Làm sao biết nó thương?”.
Bà Thâm la lên: “Khổ quá, gà mờ ơi!... Ba mày gom hết mọi sự khôn lanh của đời, không để cho mày một hột, một hạt tí tẹo…”.
Nhưng Kỷ không buồn, anh cười tươi rói:
“Con sẽ nói: Liên, nghe anh đây, anh yêu em nhứt đời!”.
Bà Thâm mừng:
“Tiến bộ đấy, nhớ là nói nhỏ thôi…  Muốn nói nhỏ, phải ngồi gần nó”.
“Nhưng con không nắm tay đâu”.
 
Bà Thâm cười: “Không cần nắm, trò đó xưa rồi!... Chỉ chừng đó, hoặc nghĩ thêm vài câu nữa cũng được… Mày coi trên tivi, người ta anh anh em em tràn lan tối ngày, cứ nói như họ… Nghe nhiều lần nó sẽ quen tai, sẽ thích. Rồi vài ngày sau mày ôm nó, ôm vai hoặc ôm eo, nhẹ nhàng… sau cùng, tiến tới hôn nó, chẳng có gì khó!”.
 
Bà hay nhắc lại tính bạo dạn, xông xáo của chồng, nhưng có điều bà giấu: ông ấy “bạo” quá đà, trong mọi lãnh vực, kể cả những  nơi cần dịu nhẹ. “Khôn quá hóa ranh, lanh quá ra gian”, dễ thành kẻ bất lương, và ổng đã bất lương khá nhiều lần! … Dĩ nhiên, bà không đem tấm gương mờ ra để con soi.
 
Đang ngủ, chợt Liên nghe có tiếng động, như con gì bò sột soạt. Mở mắt ra, cô thấy Kỷ ngồi lù lù bên cạnh.
“Trời đất, anh làm gì ở đây?”.
“Cho tôi ngồi gần Liên một lát”. Kỷ nói thật nhỏ, miệng có mùi bia. Liên nhổm dậy.
“Anh ra ngay đi, không tôi la”.
Đèn vẫn sáng rõ. Kỷ lướng vướng trong mùng.
“Tôi ra đây… Tôi chỉ muốn nằm bên Liên, cầm tay Liên chút xíu”.
Liên xuống giường, đến bên bàn nước ngồi. Kỷ cũng lò dò tới ngồi ngay cạnh.
“Sao nay anh nghĩ ra cái chuyện nằm gần với lại cầm tay?”.
“Tôi không muốn xa Liên… Em là vầng dương rạng rỡ, là viên ngọc sáng ngời! Tôi thiếu em như trời vắng mây, cây không gió!”.
“Được rồi, hay lắm! Nhưng sáng dì về tôi sẽ mét”.
“Chết, em đừng ác! Má sẽ mắng, sẽ cười tôi”.
 
Kỷ vớ lấy chiếc nón quạt phành phạch:
“Nóng nực quá! Thôi, Liên ngủ đi. Tôi cũng đi ngủ”.
“Anh làm tôi sợ”.
“Xin hứa chắc, tôi đi ngủ ngay… Liên là hơi thở của tôi. Lời em nói như gió rừng xào xạc bay lượn trên ngàn cây, miệng cười như… muôn đóa hoa”.
“Hiểu rồi, hay lắm, ông hoàng tử! Nhưng bây giờ xin giữ yên lặng, để tôi ngủ”.
 
Hàng ngày Kỷ chở Liên đi làm, giúp đỡ, săn sóc cô như người mẹ chăm nom đứa con nhỏ. Nhiều lần, mấy cô bạn ở công trường xây dựng đùa cợt gọi hai người là đôi sam mới. “Nhìn xem, chàng Kỷ phục vụ mày có khác gì một gã nô lệ… Thôi, đừng chần chừ, kén chọn chi nữa. Kỷ khỏe, hiền hậu, tháo vát… Hoàng tử của lòng nàng đó! Không phải tốn công vào rừng tìm, khỏi mơ mộng mệt xác!”.
 
“Hoàng tử! Hay đấy, như trong các chuyện cổ tích. Nhưng mình thì mười kiếp nữa may ra mới thành công chúa!” Liên nghĩ, cười một mình… Sau những buổi làm việc mệt nhọc, nhìn mặt Kỷ đỏ kè vì nắng, người phờ phạc đẫm mồ hôi, Liên lại nhớ đến hai tiếng “hoàng tử”. Mỉa mai làm sao. Ở đây chẳng có nét nào giống một nhà quí tộc sa cơ, hoặc một ông tiên bị đọa… Và Liên nhớ lại, có lúc mình đã coi bà Thâm như bà tiên nhơn từ. Đúng rồi, Liên chưa quên. Căn nhà này không phải dinh thự, không phải tòa lâu đài trên mây, nhưng nó đã cưu mang cô trong những ngày trôi nổi. Nếu Liên không gặp bà Thâm, nếu không có những chén cơm đùm bọc, nếu Kỷ không giúp cô tận tình thì… Chẳng lẽ, giờ đây cô còn tin trên đời có những chuyện cổ ngọt mát như nước suối, đẹp như chốn bồng lai?
 
Liên đi ngủ. Đến 3 giờ rưỡi sáng, nghe tiếng xe lam chạy ngoài ngõ Liên choàng dậy. Đèn trong phòng vẫn sáng rõ. Chiếc đồng hồ tường vẫn gõ nhịp đều đều. Liên ngạc nhiên thấy Kỷ nằm ngủ còng queo dưới sàn, ngay cạnh chân giường cô. Ôi, “hoàng tử” đã say cô quá lậm!... Liên đứng nhìn Kỷ một lúc. Vẫn là con người có cái trán thấp, cái cằm chẻ, đôi mắt hum húp. Vẫn là anh thanh niên lầm lì hàng ngày khom lưng đạp xe chở cô đi về trên những quãng đường dài, một ông hoàng giữa cõi trần ai bụi bặm! ./.

  Trở lại chuyên mục của : Lê Văn Thiện