LÊ VĂN THIỆN |
Đêm Núi Và Nhạc Buồn Truyện ngắn |
|
Những năm đó quê tôi gặp thiên tai liên miên, hết bão lụt đến hạn hán, dân làm nông mà nhiều nhà không khoai, không lúa, thúng bao treo ngược lên gác bếp. Mức sống của nhiều làng tụt thấp, đầu năm 1980 có lúc một chỉ vàng chỉ đổi được năm giạ bắp hột. May sao, trong cơn bối rối, người ta nghĩ ra một cách đối phó hay: lên rừng. Trong năm 1981 khá đông đàn ông, thanh niên xã tôi “thượng sơn”, tìm trầm. Đi dài ngày, và đi xa. Chuyến ngắn nhất cũng nửa tháng, phần nhiều kéo trên hai mươi ngày. Lúc đầu quanh quẩn trong tỉnh Khánh Hòa, sau ra Phú Yên, Bình Định, rồi ngược lên Pleiku, Kontum. Tới đâu cũng gặp đồng hương, đỉnh cao thung sâu nào cũng chộ mặt dân Vạn Ninh, Ninh Hòa. Năm 1981 đáng nhớ ấy tôi nằm núi hơn chín tháng, trước sau bốn chuyến, trong đó chuyến cuối lâu đến hai tháng rưỡi. Đó là cuộc “trường chinh”, gian nan, đáng nhớ… Tháng mười, tôi nhập toán (gọi là bầu) của anh Điểm, một người có nhiều kinh nghiệm trong nghề tìm trầm kỳ. Chúng tôi bốn người, đều còn trẻ, anh Điểm lớn nhất mới 38 tuổi. Không nói ra, nhưng ai cũng vững tâm, vì đi với anh Điểm thường được lộc rừng, ít khi đói. Nhưng trớ trêu, lần ấy, đi thật nhiều, dạo gần nát rừng của các vùng dó Kontum, Pleiku nhưng chúng tôi chẳng tìm được của quý, chỉ gặp toàn trầm xô, loại hạng ba, hạng tư. Sau mỗi đợt nửa tháng, một tháng, chúng tôi xuống các thị trấn (như Dakto, Sa Thầy) nghỉ vài hôm, bán đổ tháo những thứ lèng xèng, kiếm vừa đủ tiền mua diêm, mễ (muối, gạo), cá khô, thuốc lá, đường, bánh kẹo, thuốc tây, rồi mở chuyến mới… Bấm dốc ở phía tây Vân Canh (gần Qui Nhơn) lúc mùa mưa mới bắt đầu, bầu tôi xuống núi (kết thúc năm, về nghỉ tết) ở một buôn người Ba Na, phía tây nam thị xã Kontum, một ngày giá buốt cuối tháng chạp. Chúng tôi vào buôn lúc nhiều nhà đã ngủ, khoảng 10 giờ tối. Ai cũng mừng. Sau hai ngày ròng đi đường núi, xuống đến vùng bằng như đã về tới đích, dù còn rất xa nhà. Điều vui nhất là Phi vẫn đi được, tỉnh táo. Nó bệnh đã năm ngày, nhiều bữa bỏ ăn, thường bị sốt vào giấc chiều và tối. Nó vẫn đi với anh em, nhưng chẳng nói năng gì, khi đến chỗ nghỉ là nằm ngay, mê man, không thay quần áo. Tối đến, anh Điểm thường thắp nhang, vái van các đấng khuất mặt, thánh thần ở núi phù hộ cho Phi khỏe, để cả bầu về yên ổn. Cầu xin hơi “mông lung”, nhưng có rơi vào tình cảnh này mới thấy con người bé nhỏ. Biết làm gì hơn. Chúng tôi đến nghỉ ở cái quán nhỏ giữa buôn. Quán chị Bông, người Kinh. Buôn Ba Na, chỉ sáu hộ người Kinh. Quán tạp hóa, bán mắm muối, bánh trái lặt vặt, nghèo đến tội nghiệp. Anh Bông đã về tỉnh lấy hàng. Chị Bông cho biết, việc làm ăn tạm được. Chị mua hàng hóa dưới xuôi lên, bán và đổi, rồi gom những đặc sản ở đây như heo, gà, đu đủ, nấm, chuối, bí đỏ, măng, khoai lang, tải về phố bán. Mỗi tháng anh Bông đi hai đợt, đi về lúc nào cũng mang đầy, chở nặng… Chị Bông vui tính, xởi lởi, nói cười rổn rảng như đàn ông. Chị đem ra những thứ chúng tôi cần, nhóm bếp, bảo: “Các anh cứ tự nhiên, tự phục vụ”, chị phải vào nằm với đứa con nhỏ. Món đặc biệt nhất của quán không phải thực phẩm, rượu thịt: một máy cát xét. Cái máy hát cũ mèm, bụi bẩn, với một chồng băng đen xỉn, đứt, dập, thảm hại. Nhưng bình ắc qui còn tốt, máy vẫn xài được. Anh Điểm treo cái đưa (võng) để Phi nằm, cho nó uống thuốc. Tôi lãnh phần nấu cơm. Quyến loay hoay với chiếc cát xét. “Gần ba tháng chẳng được nghe hát hò… Cái máy bảo tàng này dù sao vẫn là máy!” Quyến thích ra mặt. Nhưng nhìn qua chồng băng nhạc, nó thất vọng: “Chán, cũ nát, cứ như mới moi trong đống rác ra!” Phần lớn băng bị đứt, nhiều cái chỉ còn một nửa. Bài bản cụ kỵ, rặt loại ướt át, buồn thảm, sướt mướt. Nhưng có hai băng còn khá tốt, nhạc Trịnh Công Sơn. À, chắc đây là hàng ít được dùng. Dân vùng sâu thường không thích, không nghe được dòng nhạc này. “Các bạn xem, những gì đây.” Quyến nói như reo. “Hạ trắng, Tôi sẽ đi thăm, Đại bác ru đêm, Tuổi đá buồn… và gì nữa: Nắng thủy tinh, Diễm xưa, Gia tài của mẹ, Tình nhớ… Cha, mẹ ơi, phong phú, ngon ngọt!” Trong bầu, nói về chữ nghĩa, không ai qua Quyến. Dù mưa gió đã bào mòn nhiều, cốt cách nó vẫn còn nhiều nét dân sang. “Gọi nắng cho tóc em dài loài hoa nắng rơi. Nắng đưa em về miền cao gió bay. Áo em bây giờ mờ xa nẻo mây. Gọi tên em mãi suốt cơn mê này.” (Hạ trắng). Tôi nướng mấy con cá khô cuối cùng, quẳng nhúm bột ngọt cuối cùng vào xoong canh lỏng bỏng mớ tôm khô cong queo. Phi rên nhỏ, nó sốt cao, trở mình là nó rên. Mới mấy ngày nó đã hốc hác như ông già. “Lạ lắm, nhiều lúc đi nhưng em nhắm mắt, như ngủ, người bồng bềnh, vẫn đi được, không vấp” nó nói vậy. Anh em biết, nó cố gắng hết sức, để không thành gánh nặng cho mọi người. “Bước tới hư vô, khoác áo chân như, long lanh giọt lệ, giọt lệ thiên thu.” (Giọt lệ thiên thu). Quyến nói: “Tôi không rành nhạc lý cho lắm. Tôi không biết phân tích, bình luận như các nhà phê bình… Những giai điệu giá băng, mầu nhiệm này nâng suối lời ca lắt léo, thanh thoát, liêu trai lên cao, đẩy nó bay xa… Tôi thấy nó hay qua cảm tính. Loại này mình nghe bằng tâm hồn.” “Chà, nóng dữ!” Anh Điểm sờ trán Phi. “Cũng may, nếu hôm qua nó sốt thế này thì trẩu (chết) cả đám!” Điều anh em băn khoăn là kết quả chuyến đi, rất nhẹ, mỏng. Hơn chục ký trầm dó niệt (loại giá rẻ) chẳng bù đắp được công sức, mồ hôi của mọi người đã đổ ra. Nó chỉ vừa đủ để trang trải các chi phí trong hơn hai tháng qua. Phi cần tiền. Cha Phi bệnh rầm rề đã lâu, hai đứa em tuổi ăn học, tháng 2 (ra giêng) nó cưới vợ. “Nghĩ đến việc nhà, em hoảng”, Phi tâm sự. Vì núi trách nhiệm đó, nên nó siêng năng, xốc vát như người lính đi đầu. Giờ đây, đã không tiền, lại chuốc lấy thứ bệnh ác này, bệnh có thể kéo dây dưa hai, ba năm. “Em đứng lên mùa đông nhạt nhòa. Từng đêm mưa, từng đêm mưa, mưa lạnh lùng dưới tay ngà.” (Gọi tên bốn mùa). Trong nhạc Trịnh Công Sơn có nhiều “em”, nhưng ngoài đời, tới nay, vẫn chưa có em nào gắn bó bền chặt với ông. Chắc nhờ vậy nên các “em” ông luôn đài các, thanh khiết?... Có người yêu mê gọi đây là nhạc kinh cầu, bởi chất trong trẻo, du dương của nó. Họ bảo, có thể lập một đạo mới (đạo hát thơ), dùng những tình ca này hát trong khi hành lễ, như kinh kệ. Nó nhiều, đa dạng, sẽ dễ dàng thuyết phục được tín đồ và thần thánh! Tôi dọn cơm ra, mời anh em tới xóc (ăn)… Đi rừng, dễ chạm mặt với nhiều rủi ro, nên người ta kiêng cữ. Sơn lam chướng khí, nước độc, trăn rắn… Nếu thấy tận mắt những con rít dài ngoằng, đen thui, những con bọ cạp lớn gấp hai bọ cạp dưới xuôi, nằm trong lớp lá mục, ai không quen sẽ ớn lạnh. Nên rắn rít được gọi là con râu dài. Cọp là cào cỏ. Té ngã là nhễu. Đi lạc là xịnh! Cũng tránh nói các chuyện nặng nề, chém giết, thô tục. Trời lạnh. Sương mù dày sà xuống phủ mờ những nóc nhà sàn, những lùm cây… Đứa nhỏ khóc ọ ẹ, chị Bông hát ru, giọng ngái ngủ. Nghe trong gió có mùi khen khét, hôi hôi, thứ mùi “đặc trưng” của các buôn xa. Đó là mùi phân bò, phân heo lưu cữu, “bắt nguồn” từ việc gia súc sống chung hòa thuận với người. “Tình ngỡ đã phôi pha, nhưng tình vẫn còn đầy. Người ngỡ đã đi xa, nhưng người vẫn quanh đây” (Tình nhớ). Tha thiết, mượt mà. Có người gọi, đây là dạng hát thơ. Rất nhiều tình, nhiều tay gầy, mưa qua, vai nhỏ, mắt môi, nhưng nghe vẫn không nhàm. Những giai điệu lạ, mới, kiêu sa tiếp năng lượng, thổi hồn cho luồng ca từ phù phép (nhiều câu đọc lên nghe lục cục, tưởng như vô nghĩa), khơi gợi cho đầu óc ta liên tưởng đến những hình ảnh kỳ diệu, phiêu bồng. “Lạnh quá!” Quyến kêu. Lạnh, có gì lạ, miền núi vào mùa này lúc nào cũng vậy. Mặc hai áo tôi vẫn thấy lạnh. “Dường như Trịnh Công Sơn sống lâu ở Ban Mê Thuột, Lâm Đồng nên thường viết về mưa? Loạt ca khúc hay của ông được viết ra trong thời kỳ ông 25 – 33 tuổi?” Tôi hỏi Quyến. Đó là những chi tiết tôi đọc thấy trong báo, đã lâu… Người ta nhận xét: Đặc điểm nhạc Trịnh Công Sơn là uyển chuyển, mềm mại nhưng vẽ được cảnh khốc liệt, điêu tàn. Thủ thỉ, nói điều nhỏ, gần, nhưng cùng lúc cũng nói về chuyện đất trời rộng lớn. Dưới ngòi bút tài hoa của ông chiến tranh, bom đạn nghe cũng dịu nhẹ, lãng đãng, (và khi nghe nhiều nó thấm sâu, nhức nhối). Có thể thấy rõ, ông yêu con người, luôn viết trong tâm trạng dằn vặt, đau đớn. “Nhạc Trịnh!” Quyến cười: “Nhiều anh tai gỗ nghe thiên hạ khen Trịnh Công Sơn cũng xúm vào gật gù gục gặc “nhạc Trịnh”, nhưng chắc chẳng hiểu cái khỉ khô gì… Chỉ có thể cảm nó bằng cả tấm lòng.” “Có đường phố nào vui, cho ta qua một ngày. Có sợi tóc nào bay, trong trí nhớ nhỏ nhoi… Em về hãy về đi, ta phiêu du một đời. Hương trầm có còn đây…” (Ru ta ngậm ngùi). Hai con heo đen nhỏ, bụng xệ sát đất, tới ủi gần bếp, dạn dĩ. Về lại xóm làng, được nghe chó sủa, gà gáy, còn sướng hơn ăn nhậu… Từ nhà bên cạnh, một con bò đột ngột kêu to mấy tiếng, như người ngủ mớ. Càng về khuya trời càng lạnh ./ |