LÊ VĂN THIỆN


Một Chút Huyền Ảo

Ở nhà không có ai trò chuyện, bà Lạc nín thinh tối ngày, ở đây có người nghe, bà nói suốt. Chuyện về thằng Bửu, con bà, có thể kể cả tuần không hết. Nó là người thế nào, cả làng biết, nhưng nay nó đã chết, nên bà bỏ qua các tật xấu, cố ý nhấn mạnh vào mấy chỗ tốt của nó. Ông thợ nghe, gật gù, cười nhỏ tán thưởng. Tai nghe, nhưng hai tay ông Phu vẫn làm việc đều. Ông đo, ngắm nghía, tô vẽ, cắt, dán. Ông làm nhà, lắp xe, cắt quần áo tủ giường bàn ghế, tất cả đều bằng giấy. Loại hàng đặc biệt dành cho cõi âm, khách là người chết.

“Thằng nhỏ giỏi, tội nghiệp, nó mấy tuổi?”.

“Dạ, hai mươi tám”. Tính nhẩm một lúc, bà Lạc nói lại “hai mươi chín”.

“Quá trẻ, chưa hưởng gì. Trước kia, hồi bằng tuổi đó, tôi đi hỏi vợ”.

“Lấy gì hưởng, anh. Nhà khổ, nó phải làm quần quật… À, lâu lâu nó giải trí giải sầu bằng mấy lít đế, nó uống dữ lắm”.

Ông Phu thông cảm: “Bọn trẻ bây giờ đều vậy. Không trách chúng được, người không phải máy, làm phải có lúc nghỉ, nghỉ thì giải khuây”.

Bà Lạc buồn xo: “Anh nói phải, nhưng nó chết vì mấy xị nước đắng ấy”.

Bé gái, con bà Miêu, kéo tay mẹ, nhắc nhỏ:

“Mẹ, nói bác làm cái ti vi và đôi giày cho ba”.

“Mẹ nhớ”. Bà Miêu bảo ông Phu:

“Anh làm thêm cho tôi đôi giày và chiếc ti vi”. Không đợi ông thợ hỏi, bà nói luôn: “Con bé này nằm mơ thấy cha nó. Ông ấy bảo đã thấy cái nhà mã tôi đặt rồi, nhưng cần có thêm cái máy truyển hình, đôi giày”.

“Thiệt à?”. Ông Phu hỏi.

“Hai đêm tiếp, nó gặp cảnh mơ giống hệt nhau, nghe rõ như vậy”.

“Thế đấy”, ông Phu có vẻ hài lòng. “Nhiều người chê, vụ cúng kính này vớ vẩn, mê tín, như đốt tiền, nhưng chắc không phải vậy, bằng chứng là chưa lúc nào tôi ngơi tay, rảnh việc”.

“Ai nói sao mặc họ, anh à”, bà Lạc nói “nhìn các đạo khác sẽ thấy, người ta bỏ ra biết bao công sức để vun đắp, tô bồi cho đạo. Họ cầu kinh ngày hai ba lần, xây vô số nhà nguyện chùa miếu to rộng, rực rỡ. Còn mình, như bọn lười, lâu lâu mới làm một vài thứ lặt vặt cho phần hồn”.

Dân làm ruộng hiếm khi có dịp diện đồ lớn, đi giày, thắt cà vạt. Ông Đôn, chồng bà Miêu, có đôi giày cũ mèm, rách. Ngày ông qua đời bà quên, không đốt giày.

“Năm ngoái có một ông ở Long Thới tới đây”, ông Phu kể, “ông ta đặt hàng cúng bà vợ. Ngồi xem tôi làm nửa ngày, hỏi đủ mọi thứ, cuối cùng ông ta đặt một tòa nhà ba tầng khổng lồ, với ba mươi món đồ bày trong nội thất. Nó là tác phẩm lớn nhất xưa nay của tôi. Ông khách luôn miệng nói: “anh cứ làm, đừng nghĩ về tiền bạc, tôi thương vợ tôi”. Ông ta bảo, không ngờ thời buổi tân tiến mà còn nghề này. Mấy đứa con bày vẽ, giục ông làm để cúng. Suy nghĩ vài hôm, ông nhận ra một điều, việc này nhìn qua có vẻ buồn cười, nhưng nó chỉ cho người ta thấy, con người khác trâu ngựa heo chó, là có phần hồn. Linh hồn, hơi mập mờ, nhưng ngẫm lại thấy có lý, người phải khác thú vật. “Tôi thương vợ. Lẽ nào chết là mất sạch. Tôi nhớ bà ấy”.

“Tội nghiệp, nghe thương quá!”. Bà Lạc nói như thở dài.

“Chưa hết, trước ngày nhận hàng, ông nhà giàu đó bảo tôi làm thêm sáu món, trong đó có những thứ không ngờ, như vài chậu bông đặt trước ban công, hai chiếc nón, bốn khung ảnh dán trên tường”. Đó là ý của lũ con ông, bốn đứa. “Chúng nó thương mẹ lắm, thương sâu đậm, hơn tôi nhiều”.
 

Giờ đây, mỗi khi gặp dịp thuận lợi, bà Miêu thường nói về ông Đôn – chồng bà – bằng những lời đẹp, ngọt lịm. Người nghe dễ tưởng họ là cặp vợ chồng yêu thương nhau mặn nồng, nhưng thực ra không phải vậy. Bà Miêu coi thường ông Đôn, ngay từ ngày còn trẻ, vì ông hơi lười, hữu dõng vô mưu!

“Chồng chị mất lâu chưa?”. Ông Phu hỏi, để có chuyện nói cho vui.

“Hơn bốn năm”.

“Lúc gần đi anh ấy có để lộ ra dấu hiệu gì, làm hoặc nói, bất thường?”.

“Để nhớ xem”. Bà Miêu nhìn ông thợ hồi lâu. “Ông ấy hay nói: ngày giờ qua mau, năm bảy năm mà như mới hôm qua. Và nữa: sống quá mệt mà ai cũng sợ chết”.

“Câu sống khổ mà sợ chết, ông xã tôi cũng thường nói”. Bà Lạc chêm vào,

“Còn câu này: nghĩ coi, mấy người sống dai tám mươi chín mươi năm rốt cục ích gì, hơn những kẻ thọ sáu mươi bảy mươi điểm nào?”.

“Tức là…”.

“Là hay nghĩ về chuyện chết sống, trước ổng không nói giọng đó”.

“Hiểu rồi, ấy là nói, còn việc làm?”.

“Bình thường, chẳng có gì lạ”.

Đàn ông, nhưng ông Đôn không phải cột trụ gia đình, mọi việc làm ăn đều do bà Miêu vẽ ra, chỉ dẫn thực hiện, vậy nên cái chết của ông không tác động nhiều vào tủ tiền gia đình. Nói bất nhẫn, nhưng sự việc đúng như thế.

“Hai chị có tin phép thuật của thần thánh, trong đời có rủi may không?”.

Bà Lạc đáp, hàng hai: “Lúc tin, lúc không”. Ông thợ và bà Miêu cùng hỏi, tại sao.

“Mấy tên ba trợn, ẩm ương mà làm ăn lúc nào cũng vượng, phất cao, trong khi nhiều người hiền như tượng lại gặp đủ loại trở ngại, nghèo mãi. Thấy vậy, mình hoang mang”.

Bà Miêu nói: “Hồi trẻ tôi không tin, càng lớn tuổi càng tin… Có điểm này lấn cấn, chúng ta hay bảo: người ta hơn thua nhau ở chỗ sinh nhằm ngày tháng tốt xấu, số mạng thế này thế kia, nhưng nhìn xem, dân ở phố, con cái những nhà khá giả ai cũng sướng, đứa nào cũng học hành tới bến, vật chất sáng choang, bất kể mạng nào tuổi gì”.

“Vấn đề này cũ, rộng, bàn luận cả năm không xong, nó giống vụ sống thọ, chết yểu. Hai chị tin không, chỉ trong tháng này tôi tiếp bảy, tám bà khách góa chồng?”.

“Anh hên thế còn nói”, bà Lạc đùa.

“Nghĩ mãi tôi vẫn không hiểu vì đâu phái mạnh cứ tranh nhau chầu trời sớm!”.


Ông Phu thích tô đậm các yếu tố thần bí khi nói về cơ duyên đưa đẩy mình bỏ nghề thợ hồ, nhảy sang làm công việc đặc biệt này. Thời gian đầu, còn ít người biết, ế ẩm, ông định đốt đồ nghề. Nhưng một đêm, ngủ mơ, ông thấy mẹ về. Bà cụ khuyên ông nên kiên trì làm tiếp. Người cõi âm cũng như người sống, biết phải trái biết nhớ ơn, cứ bình tâm làm, các vong linh sẽ phù hộ. Hãy nhớ, thế giới người chết đông đúc hơn người đang sống nhiều. Bà cụ xoa đầu, hôn lên trán ông. Sáng ngày, thức dậy, ông hoảng hồn khi thấy chỗ mẹ hôn có vết đỏ tròn, to bằng nửa đồng tiền. Mỗi ngày vết son mờ đi một ít, bốn hôm mới tan hẳn. Nghe chuyện, nhiều người không tin. Riêng ông, ông tin, tất nhiên. Và nụ hôn huyền diệu ấy khiến ông hăng hái, đem lại cho ông nhiều khách. Một giáo viên trẻ, cháu ông, góp ý: “chú nên nghĩ ra nhiều chi tiết ly kỳ nữa, đem tô xung quanh cú hôn này, nó sẽ tăng thêm nét hư ảo, hấp dẫn cho sự việc. Ui chà, cứ nhìn sẽ thấy, có biết bao thứ hoa hòe trôi nổi quanh ta!. Chú biết không, chục năm nay các thắng cảnh, di tích lịch sử mọc ra khắp nơi. Người ta dán, ghép lên chúng những huyền tích bay bổng, để lôi cuốn du khách. Cũng tốt, xới lên cho đời sôi động, bớt tẻ nhạt… Nghề làm ăn với những kẻ khuất mặt cùng loại với đồng cốt, bói toán, nó nhẹ hều, lãng đãng, nhưng cũng đã thọ cả ngàn năm rồi đấy”.
 

Như bà Miêu, bà Lạc cũng dành những lời ngọt, đẹp cho người chết. Bửu, con bà, tính nết khác người. Nó chỉ sợ cha, khi cha chết nó chẳng nể ai nữa. Bà Lạc nói về con như kể chuyện phim, lạ lắm, bà lặp lại “nó lạ lắm”. Nhưng, như đã nói, bà giấu các nhược điểm, tặng cho nó nhiều đức tính lớn… Nghỉ học, Bửu đi học nghề ba lần, lần nào cũng chỉ kéo dài ít tháng, rồi nghỉ ngang. Có dạo, hơn hai năm, nó bỏ nhà đi rong, lên Lâm Đồng hái cà phê, vào Sài Gòn làm mướn, làm chán rồi lủi thủi về. Tuổi khá cao, vẫn không nghe nó nói lời nào về chuyện bạn gái, vợ con, nhưng kết bạn trai rất đông, cả chục đứa. Nó thường mời bạn về nhà, ca hát, ăn uống. Bạn nó toàn dân lạ, ở các tỉnh xa, trông đứa nào cũng đẹp. Nhiều đứa ở lại chơi vài tháng, có đứa nằm lì nửa năm. Chúng chỉ chơi thôi, chẳng làm gì, mà vẫn có tiền tiêu xài, kể cũng giỏi. Dù không chú ý lắm, bà Lạc vẫn thấy lạ. Thấy và đâm ra suy đoán này nọ, và sợ. Một lần, bằng giọng đùa bỡn, bà hỏi Bửu: “Con và các bạn có định làm cú gì cho cả làng bật ngửa không?”. Bửu nói, sau vài phút do dự: “Dạ, tụi nó dư ăn, làm hay không chẳng thành vấn đề, con thì… chắc con sẽ vù lên Đà Lạt, hoặc Kon Tum, đi tu”. Bà Lạc chới với, hoảng sợ. Quái đản. Sao có thể nghĩ ra chuyện đó! Lo lắng, đau khổ, nhưng bà giữ kín, giấu kỹ trong lòng, không nói với ai. Bửu là đứa con trai duy nhất của gia đình. Có thể nó đùa, nhiều lúc bà Lạc cầu mong đó chỉ là câu nói giỡn, bởi bà thấy Bửu vẫn thích ăn ngon, mặc đẹp, và đặc biệt thích đi xe sang. Nó mượn bạn một chiếc xe xịn, loại 40 triệu, săm soi o bế lau chùi sáng loáng, rong chơi khắp nơi. Cuối cùng, trong một lần đi Pleiku, nó và một anh bạn phóng thẳng xuống hố, không về nữa. Dường như chúng nó say. Nay thì mọi việc đã cũ mờ, lắng xuống. Bà Lạc căn dặn ông Phu, trong các vật dụng bày biện trong ngôi nhà cúng, ông nhớ làm một chiếc xe máy kiểu mới, xe Nhật, thiệt to!


“Hôm trước có anh chàng, cháu vợ tôi, trên tỉnh về ghé vào đây. Hắn sang trọng, lịch lãm. Nhìn lướt qua các sản phẩm sương gió mỏng mảnh của tôi, hắn nhếch mép cười khinh thường, rồi phê thẳng: đây là những món vô bổ, man mọi. Nếu chỉ có mình hắn thì tôi bỏ qua, nhưng lúc đó có hai ông khách, nên tôi quật lại: những thứ này mơ hồ, mê muội, còn cái ngày tốt để cháu cưới vợ có mơ hồ không? Dượng thấy mấy món đồ này cũng giống như loại nước phép mà các đạo sĩ thường xức lên trán cháu. Nếu động não, sáng suốt, cháu sẽ thấy chúng giống nhau… Nhiều người có cái nhìn méo, con trùn ở vườn nhà mình gọi là trùn, trong vườn thiên hạ lại gọi vi khuẩn! Ai cũng bảo tài sản của mình quý, nhưng hãy nhớ, trên trái đất có hàng ngàn đạo, và chưa chắc chỉ hai trăm triệu đồng đạo của cháu được lên thượng giới, còn những người khác đều rơi tọt xuống âm phủ… Hãy chỉ cho dượng thấy, có gì chắc chắn nói rằng những người như dượng sẽ là công dân của nước Âm ty?”.

“Rồi sao nữa?” Bà Lạc hỏi.

“Hắn bỏ đi, không nói thêm, có lẽ hắn nghĩ lão già này không đáng để hắn tranh luận. Tốt thôi. Hắn ghét hay thương không đáng kể. Đời phức tạp. Có loại người chỉ được lớp vỏ bên ngoài, sặc sỡ như công… Lúc hắn ra tới cửa, tôi còn nói với theo: đừng lên mặt sớm, nghĩ lại coi, ông bà cố mười đời, hai mươi đời của cháu giờ làm gì, ở đâu? Dượng nói cho biết, họ đang sống trong các nhà giấy đấy”.

“Anh hăng quá!” Bà Miêu khen.

“Tôi nổi xung, nhưng cố nén lại, nếu ồn ào thì ta cũng như nó… Tôi biết rõ tâm tính, tài cán nó. Cái vỏ ngoài lòe loẹt của nó rất là… lòe loẹt. Hai chị biết đấy, nhìn thoáng qua đời sống có vẻ bằng phẳng, buồn, nhưng nếu để ý ta sẽ thấy nhiều lúc màu sắc của nó sáng, hương vị của nó nồng, thơm… Tôi có ông bạn thân ở Tân Bằng. Ông đẹp lão, tướng phương phi, nom giống tiên ông trong cổ tích. Thời trẻ ông ấy cũng lông bông như tụi mình, khi lớn tuổi thì tu tập, ăn chay trường. Ông bảo, dân quê ta đa số sống kiểu hời hợt, dễ dãi. Ông hay nhắc một câu của một đạo sĩ Ấn giáo: sống sao để khi chết nếu không được lên niết bàn thì xuống âm ti, không rơi tọt vào chuồng cầm thú”.

“Nghe ghê, vậy nghĩa là…”.

“Thế giới bên kia không chỉ có thiên đường, địa ngục, mà còn có cái động thú khổng lồ. Người Hindu nói vậy. Nằm trong đó triệu năm chán lắm! Nghĩ thế nên dân Ấn hiền… Các chị biết không, hai mươi năm gần đây phong trào lên đồng, hầu đồng trỗi dậy rầm rộ ở nhiều nơi. Tôi thấy việc làm của chúng ta văn minh, có lý hơn cái trò đồng cốt, ợ ngáp.

Nói hai chị nghe, trước đây tôi có ông chú ruột kỳ quặc, khác đời. Thời đó chú là gương mặt nổi bật trong xã, chú có nhiều tài lẻ, nhưng nghèo. Những thứ chú làm rành đều không đem lại tiền bạc, chỉ thu được mớ tiếng khen phù du. Sau này, người ta biết, có một người coi khinh chú, là bà vợ, thím tôi. Những năm cuối đời, chú bỏ nhà lên tỉnh sống lang thang, rồi chết đâu đó, như gã mất trí. Chuyện đã cụ kỵ, nay chắc chẳng còn ai nhớ nữa. Bất ngờ, cách đây hơn hai năm, chú về bảo tôi làm cho chú vài bộ quần áo và cái mũ”.

“Mẹ, về để con đi học”. Cô bé con bà Miêu nói to. Ông Phu móc điện thoại gọi xe ôm. Chỉ vài phút, xe tới. Bà Miêu trả tiền công, bê nhà giấy lên xe. Con bé đi xe đạp.

“Chị chờ tôi, còn mấy chỗ cần sửa”, ông thợ bảo bà Lạc.

“Bao lâu, anh?”.

“Chừng hai tiếng. Tốt nhất là chị về, mai tới”.

Bà Lạc nhấp nhổm, không muốn chờ, cũng chẳng thích để đến mai.

“Lẽ ra xong rồi, nhưng hôm qua có một ông ở Phước Hải qua ngồi chờ cả ngày, thúc làm hàng ngay. Kẹt quá, không ươn thiu mà cũng gấp”.

“Đến xế sợ không còn xe”, bà Lạc buồn.

“Đừng lo, tôi sẽ đưa chị về”.

Thế là, tay làm miệng nói, ông Phu bôi bôi dán dán, kể chuyện xa gần cũ mới, không ngớt. “Tôi sẽ đưa chị về”, ông nhắc lại ba lần, và còn tấu hài “tôi thích phục vụ phụ nữ lắm”!

Ông khách Phước Hải là trường hợp hiếm gặp. Ông ta bảo sẵn sàng trả tiền gấp hai nếu hàng đẹp, làm xong ngay. Ông đặt một biệt thự cho con gái. Ông cho biết, cô này bợm, sống thoáng, quậy mát trời như nam sinh “cá biệt”. Nó toàn kết bạn với con trai, bị cảnh sát phạt vì chở ba vài chục lần, bị té xe gần chục lần. Cha mẹ nói, nó nghe, chẳng cãi lại, nhưng không thay đổi lối sống. Không đổi, cứ lừng lững tiến tới, lớn lên theo kiểu cách của nó. Rất dễ thấy màn cuối của cuộc chơi. Nó chết do chạy xe nhanh, húc vào trụ điện, như tự tử.

Bà Lạc nghe, nhìn ra sân, lơ đãng. “Tôi sẽ đưa chị về” là điều bà quan tâm… Mới đây, cô gái con ông Phước Hải nhập vào một thằng bé. Thằng nhỏ lạ cứ áp vào ôm chân ông, gọi ông bằng ba. Với giọng con gái, nó nói nhiều chuyện làm ông sợ, và tin đây chính là con mình. Sau rồi, ông vui vẻ làm tất cả những điều thằng bé bảo. Và, ông nhận ra, trong cuộc sống có cái gì đó khó hiểu, không có thật, nhưng cũng không phải rơm rác, sương khói.

Nhìn ông Phu, bà Lạc muốn cười. Mặt ông sáng, mắt long lanh, rõ vui. Việc ông làm, ngó qua thấy giống trò chơi trẻ con, như đùa, nhưng có ích, ích cho kẻ cần nó. Đó là những người thất vọng, buồn đau, khủng hoảng tinh thần, chẳng biết bám vào đâu… Khó biết người chết tiếp nhận các phẩm vật này thế nào, nhưng người sống thì thanh thản, mừng, tựa như được uống ly nước tăng lực hay viên thuốc an thần ./.


  Trở lại chuyên mục của : Lê Văn Thiện