Quế
Quán cây me ở đầu làng là một quán tranh nhỏ nhưng thu hút khá đông khách, nhờ nó nằm trên vị trí tốt, và vì Quế – cô chủ – trẻ trung, dễ mến. Quế vui vẻ, ân cần với mọi người. Cô có thể nói chuyện giòn tan, cười đùa ầm ĩ với chị em đi củi, đi gặt; có thể tán phào lan man, suốt buổi cùng tốp công nhân lò gạch, và các bà đi chợ về, nên dần dà cái quán trở thành nơi nghỉ chân thân quen của nhiều người.
Quán nhỏ, chẳng có thứ gì nhiều: một thúng trái cây, vài thẩu bánh khô, mấy chục chai nước ngọt, một chồng bánh tráng, ba thẩu kẹo, ít thùng nước mắm, vài cây thuốc đen, một mớ xà bông, mì tôm, nhang giấy... Ở quán này, ngoài nhân vật chính là Quế, còn có thằng Hậu, con chó đốm, và hai con chào mào... Hậu – em Quế – ban ngày chăn bò, tối ra quán ngủ. Xóm vắng vẻ, Quế không dám ngủ một mình. Con chó đốm “bốn mắt” hiền lành giữ vai trò bảo vệ. Ban ngày nó không sủa, thích nằm trên thềm, lúc nào cũng như bận suy nghĩ điều gì cao siêu. Đôi chim chào mào ngự trên ngọn me giữa sân, luôn ở cạnh nhau, bay chuyền không biết mệt, chuyện trò ríu ran như những kẻ lắm điều.
Đang giữa mùa mưa, người qua lại trên đường thưa thớt, quán vắng khách. Chỉ có một người ngày nào cũng cần mẫn ghé lại hai lần, con đốm già và cặp chào mào đều nhẵn mặt. “Anh Giao đến kìa!” – “Không ai siêng năng, chịu khó như anh ấy.” – “Ngày nào anh Giao cũng đi về bốn lượt, chẳng kể sớm trưa.” – “Nghe đâu anh ấy là con ông chủ lò gạch ngói.” – “Có nghe chị Quế reo không: ơ kìa, anh Giao! Tiếng reo hớn hở quá chừng.” Hai con chim nói với nhau.
Giao bước lên thềm, cúi xuống búng tai con đốm. Con chó vẫy đuôi nhưng chẳng buồn mở mắt. Vào nhà, Giao ôm chầm Quế, hôn lên tóc, lên má nàng, và nói lúng búng:
“Em yêu của anh! Em bé nhỏ, thanh thoát... em sáng như trăng, ấm nóng như trái bắp nướng!”
Quế cười khúc khích: “Thôi, tắt đài đi, ông kẹ, chỉ giỏi nịnh... Đứng yên, đừng nói có được không nào.”
“Anh yêu ánh nắng, tiếng gió ở đây. Anh yêu tiếng chim rù rì trên cây me, yêu mùi thơm cỏ lúa ngợp tràn trong không khí... Anh sẽ mọc rễ, tỏa cành trên mảnh đất này tới trăm năm!” Giao nói, như đọc thơ.
“Yêu thương hơi nhiều, hứa hẹn mặn quá đấy!... Nói thì trơn tru, mượt mà, nhưng sẽ nhớ được bao lâu?”
Giao moi túi áo lấy ra một chiếc nhẫn vàng tây.
“Đưa tay đeo nhẫn đây... em hãy mang chiếc nhẫn này mãi mãi, anh thề...”
Giao đeo nhẫn vào tay Quế, rồi vừa hôn vừa nói. Anh thề nguyền, hứa thật dài, thật ngọt, trôi chảy, như em bé đọc bài trước cô giáo... Giao nói, từ nay anh là phó quản đốc xí nghiệp gạch ngói. Đến cuối mùa mưa cơ sở sản xuất sẽ xây thêm một lò mới, tuyển thêm bốn mươi công nhân. Hôm chủ nhật, một tay nhà thầu cung cấp củi, muốn lấy lòng anh, đã mời anh vào nhà hàng Chà Là, ép anh uống suốt một ngày. Anh phấn đấu để tới khoảng năm 40 tuổi sẽ chen được vào giới tai mặt của thị trấn. Anh là người của tương lai.
Hai con chào mào trò chuyện: “Chưa thấy ai quấn quít nhau như họ.” – “Không có cặp trai gái nào xứng đôi hơn họ.” – “Hình như chị Quế không bao giờ biết buồn, chị hát, ngâm thơ, cười đùa.” – “Họ nói gì với nhau suốt ngày thế nhỉ?” – “Làng này không có cô gái nào dịu dàng, nết na bằng chị Quế.”
Cuộc tình tươi đẹp, êm ả của họ kéo dài hơn ba năm, trải qua sáu mùa lúa, ba lần cây me đơm bông, kết trái... Đến quãng giữa hè vừa qua bỗng xuất hiện những dấu hiệu khác lạ, một sự đổi thay mang dáng dấp bất thường: người ta không còn thấy Giao ghé lại quán. Mỗi lần đi ngang quán anh nhìn thẳng, cho xe chạy nhanh, vẻ mặt nghiêm nghị. Quế không còn ngồi soi gương, chải tóc hàng giờ, không ra đứng trước thềm ngóng nhìn về phía chợ.
Trưa hôm đó, một tốp công nhân lò gạch tạt vào quán uống nước, nghỉ chân. Họ bàn tán về Giao:
“Gần đây mình thấy ông Giao chở nàng Ngọc dạo mát đều đều.”
“Ngọc nào vậy?”
“Như Ngọc của tiệm may Hoàng Gia ở chợ Cũ.”
“Ờ, tôi cũng gặp mấy lần. Cô ta đẹp quá.”
“Quế ơi, bạn thả anh Giao chạy rong, không sợ mất sao?”
“Cô Ngọc ấy xinh nhưng hơi kiêu kỳ, trông vẻ mặt sao sao ấy.”
“Đó là nét mặt người giàu, nó sưng sưng điều điệu.”
“Quế ơi, coi chừng mất chồng!”
Bà Tương đặt chồng sách xuống bàn, trước mặt Quế.
“Sách gì vậy mẹ?”
“Truyện thiếu nhi, của thằng Giao cho thằng Hậu, hơn sáu chục cuốn.”
“Anh Giao tặng, nhưng nay...” Quế định nói: “nhưng nay anh ấy không tặng nữa.”
“Nó muốn mua chuộc, bịt miệng thằng nhỏ... nhưng làm sao nó bịt được miệng dân làng... thiên hạ nói rát cả tai!”
Quế lúng túng, chẳng biết phân trần thế nào.
“Thằng Hậu khoe với bọn trẻ, tối nào nó cũng được ăn bánh mì, uống sữa.”
Quế muốn nói: “Đấy là trước kia, nay không còn nữa.”
“Dì ba Xuân biểu mày nên cẩn thận, giữ mình, chớ để xảy ra chuyện gì đáng tiếc làm ê mặt dòng họ. Cậu sáu Ngôn nói, lâu nay chứa chấp thằng Giao trong quán, chắc mày định chơi nước cờ gì đây. Nhưng phải cảnh giác, ta khó qua mặt họ lắm, họ gian ngoan, khôn ranh.”
“Quá muộn, còn gì để giữ.” Quế nói với mình.
“Nó tấp vào đây như khách qua đường ghé bóng cây tránh nắng... gia đình nó cao sang.”
“Anh ấy cũng gốc dân quê.”
“Nhưng khác hẳn thứ quê của mình. Bà con nói, ngoài tài sản ở đây, cha nó còn có phần hùn trong nhiều lò gạch ngói ở Ninh Phụng, trong mấy trại tôm giống ở Cam Ranh.”
Tất cả những thứ đó Quế đã biết từ lâu, chính Giao kể, nhiều lần, anh ta muốn khoe.
“Nói mẹ nghe, tình trạng hiện nay thế nào?”
“Giao nói là thương con...” phần sau của câu này: “nhưng ba tháng rồi anh ấy không đến đây nữa” Quế giữ lại trong lòng.
Một sáng trời trong nắng dịu, toán thanh niên tảo mương trên đồng Gò Cát thấy Quế đi thơ thẩn như tìm kiếm vật gì trong các thửa ruộng. Họ hỏi, Quế cuời:
“Em tìm chiếc nhẫn thề.”
Các chàng trai ngơ ngác, “nhẫn thề?” Quế bận bốn năm chiếc áo, đội mũ tai thỏ của trẻ con, mang lủng lẳng trước ngực một chiếc dép và hai ca nhôm. Nhưng đáng nói nhất là nụ cười, Quế cười xa xôi, giá lạnh, ngây dại.
“Quý anh có thấy chiếc nhẫn thề ở đâu không?... Sao cứ nhe răng ra cười như mấy con bò vậy!”
Tốp thanh niên nhìn nhau. “Cô nàng này điên rồi.”
“Chắc điên thật... nhìn xem, cô ta ăn mặc...”
“Con Quế đây mà, sao nó thế này?”
“Vì tình... chẳng có lý do nào khác đâu.”
“Kỳ lạ, thời buổi này mà còn người điên vì tình.”
“Tình yêu cũng phập phù, tù mù như đồng bóng. Nay vẫn còn nhiều người tin đồng bóng đấy.”
Họ xúm lại dẫn Quế về nhà. Ngay chiều hôm ấy cái tin “con Quế hóa dại” đã lan ra khắp làng.
Sau đó, ngày nào Quế cũng ra ruộng, đi lang thang, bắt nhái, dế, cào cào bỏ đầy túi áo; hái hoa dại giắt sau lưng, cài lên tóc. Cô chửi mắng mấy bà nhổ cỏ lúa, gọi họ là quân hút máu người, phường bội bạc, bọn ma trơi, đồ xỏ lá... Cô nói với một em bé chăn trâu:
“Mày là Tèo Lác phải không? Tèo Lác diễm kiều thương mến của chị, hãy cho chị cầm tay em chút xíu... Tèo là niềm vui, là nguồn sống của chị. Ôi, trên người em không có gì xấu cả! Cho chị sờ bụng em một tí, tí chút thôi!... Em tươi mát, thơm nồng như biển sáng!... Em nóng ấm, ngọt ngào như trái bắp nướng!... Kìa, đừng sợ... Ta sẽ chọn ngày lành để ba má mang trầu rượu qua nhà em... A, dây tơ hồng ai trồng...”
Quế lúc tỉnh lúc ngây, không còn buôn bán được nữa. Bà Tương cho thằng Hậu tạm thời trông coi quán. Nhưng Quế cũng còn làm được hai việc: gánh nước và nấu cơm. Cô nấu xoong cơm mất trọn buổi, lúc chín lúc sống. Cô đội nước như con dã tràng xe cát, đổ ngã, tóc tai ướt mẹp, quần áo lấm lem bùn đất... Lũ trẻ con bu theo chọc ghẹo Quế.
“Bà Ba tàng tàng! Hát bài “anh về phương nào, hỡi anh đa tình” đi, chị Quế... Sao chị không gánh mà đội thùng nước khó khổ vậy?”
“Thùng nào, anh gạch ngói của tao đó!... Phải đội anh yêu, không thì anh té... Chúng mày có biết chiếc nhẫn thề không? Nó là vàng thật, nhé. Vàng thật mà lời không thật!... Đây, tao đeo nó ở ngón tay này. Nó chính là anh, là mặt trời đen... Em sẽ mang nó suốt đời, vĩnh cửu như tình hai ta... nó mềm mại như tơ nhện, thơm ngát như trứng gà... Anh về phương nào, hỡi anh...”
Quế đội thùng nước trên đầu, bước đi nghiêng ngả, than thở với người vô hình:
“Anh yêu dấu ơi, đừng hát ca nhảy múa trong đầu em... đừng mưa gió buốt giá xuống mặt em!”
Hai con chào mào nói với nhau: “Chị Quế nói chuyện với ai suốt ngày thế?” – “Chị ấy nói một mình.” – “Một mình cười cợt, hát hò ra rả.” – “Anh Giao đi luôn, biệt dạng, lạ chưa.” – “Chắc anh ấy thành tia chớp rồi.” – “Chị Quế đáng thương làm sao. Hãy nhìn chị đội thùng nước kia kìa... Mong cho chị cũng hóa thành tia chớp để được tan biến đi.”
Quế chẳng cần biết người ta nói gì về mình, cô đi chuệnh choạng, sấp ngửa, nghêu ngao hát: “anh ơi, xin anh đừng mưa xuống mặt em!” ./.