LÊ VĂN THIỆN

Ánh Sáng Trước Mặt

Vợ chồng ông Mùi từ một làng quê miền Trung vào Sài Gòn thăm con. Không phải du lịch, thăm suông, mục đích chuyến đi là làm quen vợ cho thằng con lớn.

Đến nơi, trời mờ sáng. Xuống tàu, không ai đón, hai người lúng túng. Chỗ lạ, người đông, loay hoay chẳng biết nên đi về hướng nào. Rồi, nhờ hỏi han, nhờ taxi, bốn mươi phút sau họ cũng đến nơi cần đến: nhà người em họ, trong một con hẻm đường Hoàng Diệu, Quận 4.

Sau khi ăn điểm tâm và dạo một vòng thăm chợ Xóm Chiếu, về nhà, anh chị bước vào cuộc trò chuyện căng thẳng, giống như cuộc họp đúc kết, rút tỉa kinh nghiệm canh tác của hợp tác xã.
Nói thoải mái, vợ chồng anh Lập, chủ nhà, đã đi làm, mấy đứa trẻ đi học. “Chán, chẳng đứa nào ra đón”. “Ông biểu đừng đón rước mà”. “Tôi biểu, nhưng hai thằng vẫn đón mới phải”. Bà Mùi xuống giọng, nhỏ nhẹ: “Ta chớ nên khắt khe, tụi nó nhiều việc. Ông thấy đấy, ngoài đường kia, người ta đi hấp tấp... Thằng Khôi làm cách đây hơn sáu mươi cây số”. “Còn thằng Quyền?”.
“Không thấy cũng biết, nó mệt, phờ người ra vì chạy xuôi ngược, lo tiền bạc, nhờ chỗ này mượn chỗ kia... nghĩ coi, lương nó hẻo”. Ông Mùi nói, với giọng bực tức: “Ai buộc nó? Chưa đổi được chiếc xe Tàu, lương lậu còn nằm sát đất đã tính cưới vợ”. “Vợ chồng duyên số. Cũng có thể nó coi đó là chuyện bình thường... Ai cấm người đi xe sáu triệu cưới vợ?”. “Chắc nó quên, mình vào đây là vì nó... Nó định làm đám cưới lớn, lấy gì làm?”. “Muốn tiếp cận giai cấp cao phải trải qua thủ tục rườm rà đó”. Một bà gánh một gánh hàng khá nặng, chạy chậm, rao to một câu nghe như hát, không rõ rao gì. “Nếu bạn gái ở Tuy Hòa vào, chúng nó có đón không?”. “Đừng khó, xét nét, ông ơi... Nhìn lại mình xem, trước kia ta đối đãi với cha mẹ thế nào?”. “Mua cho ta cái tủ, cái giường, gửi cho vài triệu bạc, chắc thằng Khôi nghĩ nó đã làm tròn bổn phận. Đồ... toàn một lũ heo!”. “Chớ nên nặng lời, tụi nó đang trên đường gia nhập vào giới trí thức. Trí thức là mềm mại, dịu dàng”. “Tôi làm ruộng... Tôi không thèm quan tâm tới mấy cái trí thức”. Bà Mùi không giận. “Giọng ông vẫn trẻ trung ngang bướng”. “Ngồi trên taxi tôi không nhìn phố phường, đèn đóm, chỉ nghĩ: nếu bạn gái từ Tuy Hòa vào, bọn nó có đón không”.

Trọn buổi sáng nhị vị nằm dài trên giường xem tivi, chẳng bỏ mục nào, ca nhạc, thể thao, hoạt hình, dạy hát... cốt để giết thì giờ. Hai thằng con gọi điện chào hỏi, nhưng chưa thấy đứa nào đến. Thằng Khôi làm cơ khí ở một hãng gì đó “nằm cách Biên Hòa hơn hai mươi cây số”. Thằng Quyền là nhân viên một công ty thực phẩm ở Bình Chánh. Nghe nói thế, nhưng ông Mùi không có một khái niệm rõ ràng nào về vị trí của các địa danh ấy... Mỏi cổ, mờ mắt, tắt tivi, hai người lại nói tiếp câu chuyện bỏ dở. “Lần đầu chúng ta đi Sài Gòn, một sự kiện có ý nghĩa!”. “Thôi mà, đừng bơm cho nó phình to ra! Lần đầu, đúng, nhưng không gán cho nó cái nhãn “sự kiện”...
 
Mình nằm trong đám đông vô danh, dạng con nhái... Ta nên thương con. Tụi nó khổ đã lâu, đã thiệt thòi nhiều... Vào đây học, con nhà người ta xài mỗi tháng hơn triệu bạc, con mình chỉ tám trăm... Tôi nhớ mãi, hồi năm kia thằng Khôi đi Đà Lạt chơi với bạn, ta chẳng cho nó xu nào”. “Không có một đồng, lấy gì cho?”. “Khi nó tốt nghiệp, lẽ ra phải gửi tiền thêm vài tháng để nó ăn đi tìm việc, ta lại cúp ngay”. “Quen tật vu khống, không tiền sao gọi là cúp!”. Từ cổ ông Mùi phát ra những tiếng gừ gừ, đó là dấu hiệu cho biết ông đang nổi cáu. “Hơi buồn đấy, nhưng mình nên rộng lượng”. “Chúng nó sẽ phải trả giá”. “Ông định làm gì?”. “Dùng tiếng trả giá hơi nặng, tôi muốn nói bọn nó sẽ được “đáp lễ”, ví dụ như sau này cha mẹ vợ chúng nó qui tiên tôi sẽ không vào”. “Khéo lo xa, họ chẳng chú ý đến ta đâu”. “Vài trăm ngày, ba bốn năm nữa tôi vẫn sẽ còn nghĩ: nếu bạn gái chúng ở Tuy Hòa vào, chúng có ra đón không”.
 
Ông Mùi thuật lại buổi làm quen ở nhà ông sui mới. Anh Lập nghe, thích thú, háo hức... Ông Châm – cha vợ Quyền – chưa đến sáu mươi, tóc bạc, người thấp, hay cười, siêng nói. Người nói nhiều thường dễ tính? Chỉ có bà chị ruột ông Châm hỏi ông Mùi mấy câu, những người kia coi như ông không có mặt. Ông hiểu, mình chẳng có gì nổi trội để thiên hạ nhìn ngắm. Không buồn, ông còn mừng, nếu họ bu vào hỏi chuyện chắc ông cuống! Ngồi đây, giữa căn phòng lộng lẫy, nước da nâu của ông dường như sậm hơn, bộ veston (đồ mướn) ông mặc có vẻ chật chội. Ông ngồi dán trên ghế, nhìn quanh, nhìn quanh. Ông nhớ, đây là lần thứ tư trong đời ông diện đồ lớn, mệt!... Ông Châm nâng ly, hớp ngụm bia, nói hơi lớn: “Sống là đối phó, đối phó với hoàn cảnh, với tha nhân, với số phận”. Ông hỏi ông Mùi về phong cảnh làng quê miền Trung – do đâu mức sống của nông dân thấp – sống nhiều đời ở đó sao không nghĩ ra được cách tránh bão hiệu quả – đặc điểm của các tỉnh nằm gần nhau: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên là gì... Ngồi cùng bàn với ông Mùi, ngoài chủ nhà còn có bốn ông khác. Ai cũng trắng đẹp, mặt mũi đăm chiêu, chẳng nói gì. Họ để ông Châm độc diễn. Ông nhận định về giá vàng, giá đô la. Rồi qua, tình trạng tranh mua tranh bán của các đầu nậu nhà đất. Và, sự xô bồ, nhộn nhạo trong thời kỳ “tiến về phía hiện đại” của giới trẻ. Ông Mùi chăm chú nghe, đầy vẻ kính trọng. Ông ấy giỏi, biết nhiều quá! Giỏi là phải, ở giữa thành phố đầy ắp tiện nghi này, không biết gì mới đáng buồn. Có một câu ông Châm nói hai lần: “Trong hàng chục triệu người sao tôi không kết thân với ai, lại kết anh... đó là duyên số. Dù không biết ai sắp đặt, nhưng tôi yên tâm với sự sắp đặt này”. Có một câu ông ấy hỏi, ông Mùi không trả lời được: “Tại sao ta gọi thanh niên mười tám tuổi là người trưởng thành. Mười tám, không phải mười sáu, hai mươi? Người trên mười tám mà còn dại, ta gọi “vị thành niên” được không?” Ông Mùi ú ớ, ấp úng, cười trừ! Khi tiễn khách, ông ấy nói một câu ông Mùi không hiểu: “Có vui nào mà không buồn, có được nào không mất, có ràng buộc nào không có hậu ý”.

Anh Lập hỏi, bà Châm ra sao, đãi ăn có gì đặc biệt. Bà Châm? Ông Mùi ngồi yên, nghĩ một lúc. Bà ấy thường thường, như dân quê, không giống người quý phái. Bà cao hơn chồng, ít nói hơn chồng, hay hỏi “tại sao”, hay nói “thế à”. Khâu đãi đằng, bữa tiệc có sáu bàn, món ăn nhìn chung hơi giống những đám cưới ở ngoài quê, chỉ có bia ngoại là xịn. “Tôi không ngờ họ sang trọng đến thế”, ông Mùi nói như kết luận. “Anh không sợ?”. Anh Lập hỏi. “Lúc đầu cũng hơi khớp, mới đứng trước cửa đã hãi, nhưng rồi, mình trấn tĩnh được ngay. Chẳng quái gì phải sợ! Ta không nhìn vào két sắt nhà họ, không có ý nhờ cậy họ, thì ta có thể ung dung, phải không?”.
 
Tối, anh Lập đưa ông Mùi ra chợ Xóm Chiếu ăn bò vò viên. Bà Mùi và chị Thoa, vợ anh Lập, ở nhà to nhỏ chuyện trò, tâm sự. Nhà bên cạnh có người nói lớn tiếng, mẹ chửi con, bên này nghe rõ. Chị Thoa nói nhỏ: “Lúc túng thiếu hoặc giận chồng, bà ấy lôi con ra chửi”. “Nếu bà ta tụng suốt buổi chắc mình điên?”. “Rồi cũng quen, chị à. Ban đầu chán lắm”. “Quen?”, bà Mùi không tin. “Chớ sao, như quen khổ vậy”. Bà Mùi nói như đã nghĩ trước: “Tôi nghèo lâu, nhưng không quen. Mình biết mình khổ là không quen”.

Ngoài đường, con đường nhỏ, xe qua lại không ngớt. Bà Mùi thoáng nhớ vườn nhà mình, cái vườn xanh um xoài mít, rộng hơn năm sào. Khu phố này nhà cửa san sát, nhỏ hẹp. Đã non ba mươi năm, chị Thoa bỏ đồng ruộng lại sau lưng. Ở đây làm việc nhẹ, không gồng gánh, tránh được mưa nắng, nhưng nhịp sống hối hả, chụp giựt, cũng khiến người ta mệt. Mệt kiểu “công nghiệp”. Vậy là có nhiều lối khổ... Anh Lập khuân vác, và làm những việc không tên khác ở các kho hàng, các chành lúa gạo. Chị Thoa buôn bán lặt vặt bên chợ phường. Hai người đi tối ngày, không có chủ nhật, hiếm khi nghỉ. Không dễ ăn. Thế nhưng, Quyền, Khôi đều tính chuyện xin làm cư dân phường phố, tránh xa cày cuốc. Bằng cấp sẽ đỡ đầu sức trẻ. Ông Mùi ủng hộ ý thích của các con, ông nói: “Từ khi có trời đất, hai bên nội ngoại chúng ta đều bám làng xóm, nay hai đứa tiến về thành là hợp lẽ!”.

“Bà Châm nghiêm hơn chồng. Bà nói cười, đi đứng giống các diễn viên đóng vai mẹ trong những phim truyền hình”. “Tướng sang không”, chị Thoa hỏi. “Thường, trung bình. Nếu thả bà ấy vào làng tôi chắc sẽ được mọi người  gọi bằng “chị”, chị thôi, không tới cấp “bà””. “Chị quan sát kỹ đấy... Nhiều người lẽ ra chỉ đáng vai “cô”, nhưng nhờ lắm tiền nên được thiên hạ nể, tôn cao thành “bà”... Bảo rằng không phân chia giai cấp, dẹp bỏ thành kiến, nhưng sâu kín bên trong vẫn còn nhiều mốc phân cách, xếp hạng con người: tôn giáo, sang hèn, sắc tộc, trình độ”. “Bao trùm lên trên là cái nhãn giàu nghèo... Bà Châm nói một câu đáng nhớ”. “Đáng nhớ, nhưng thú vị không?”. “Bà ấy bảo, sang năm sẽ ra nhà tôi chơi”. “Hấp dẫn đấy!”. Nghe chị sui nói vậy, bà Mùi giật mình. Bản mặt của mỗi gia đình là cái nhà, nhưng nhà bà hơi khiêm tốn, nhỏ và cũ, tầm thường và xấu. Nó nằm đó, đã ba mươi năm, trước mặt mọi người... Ngay từ lúc này phải nghĩ đến ngày “trọng đại” đó, ngày bà Châm về thăm. Mối lo này, suy cho cùng, xuất phát từ sự tự ti của người “giai cấp” thấp. Mong rằng bà ấy chỉ nói cho vui, nói xong quên ngay, không về. Chị Thoa đưa ra một nhận xét, để bà Mùi bớt lo: “Trọng tâm của vấn đề là đám cưới, các chuyện râu ria xung quanh đều phụ”.

Bà Mùi bị bất ngờ khi thấy chồng đón nhận tin này rất bình thản. Ông bảo, tất nhiên, họ sẽ ra. Thăm sui gia là việc của họ. “Bà lo ngại, sợ họ chê cười? Thằng Quyền từng nói nhiều lần: ta không cưới nhà cửa, xe cộ của họ... Nhà cửa lụp xụp? Họ chỉ ở chơi vài hôm, còn ta, ta gắn bó với nó đã mấy mươi năm. Nghèo, mỏng mảnh, đáng thương, chính do các điểm ấy mà ta khuyến khích con hướng về thành phố. Tương lai nằm ở đó... Thôn quê hiền hòa, thân quen bao đời nhưng đã lạc hậu, ẩm mốc”. Ông nhớ lời ông Phát, bạn thân, động viên ông trước hôm lên đường: “Mình không nhìn vào tủ tiền của họ, không định nhờ cậy họ việc gì, thì chẳng sợ”.
   
Bà Mùi không nói nhiều về nàng dâu. Nhìn phớt qua, có thể chấm “nó” trên trung bình. Khá cao, trắng, nhẹ nhõm, thanh tú. Chỉ vậy. Mỗi người có mắt nhìn, cách đánh giá khác nhau. Thực lòng, bà Mùi chú ý đến cặp “đối tác” sui gia hơn là cô dâu.
 
Sau cuộc làm quen, họ ở chơi thêm bốn ngày. Sài Gòn là đây, người kìn kìn, xe cộ cuồn cuộn. Bước ra cửa thấy ngay xe và người... Tối đến, lên giường, bà Mùi lại nhớ vườn cây nhà mình. Mới mấy ngày sao thấy lâu như hàng tháng. Đã ngoài hai mươi năm, nay bà mới xa nhà lâu ngày. Bà nhớ bầy gà, hai con chó, tiếng chim kêu giấc xế chiều, và cả cái nhà nhỏ “đặc trưng” của sự khổ... Khôi đãi cha mẹ một đêm cải lương, Quyền đưa nhị vị đi chơi gần trọn một ngày ở khu giải trí ST. Vui, lạ, chủ yếu là vui... Có một biến đổi thấy rõ, là tính tình ông Mùi. Chỉ một tuần, từ người khó tính, cố chấp, ông trở nên trầm tĩnh, dịu dàng. Hình như có chất gì đó, như thuốc tẩy rửa, đã tác động mạnh vào nhận thức về đời của ông. Ông ít nói hẳn. Ông quên mất chuyện hai thằng con không ra ga đón mình. Ông thấy rõ, chúng nó không vô tâm. Chúng làm việc nhiều, tất bật, quay mòng, khổ. Rất khổ. Cái khổ “công nghiệp”, lớn, mới, khác xa khổ mưa gió cày bừa, nhưng cũng là khổ. Mình nên thương chúng nó. Rút kinh nghiệm, chớ vội phê phán những điều mà ta chưa thấy rõ, chưa nghiền ngẫm kỹ.
Ngày hai lão nông lên tàu về quê, trên sân ga, Quyền dúi vào tay mẹ một phong bì, trong đó là tiền “để bố mẹ ăn đi đường”. Tuyệt, chu đáo, ông Mùi xúc động! Đột nhiên, ông nhớ lời ông Châm: “... có được nào không mất, có ràng buộc nào không có hậu ý” ./.
  Trở lại chuyên mục của : Lê Văn Thiện