LÊ VĂN THIỆN


Em Đi Thêm Một Đoạn Đường

Phòng khách nhỏ, vuông vắn, mỗi bề chừng bốn mét, có một cái bàn thấp, sáu chiếc ghế, vài tờ báo cũ, trên tường treo một đồng hồ tròn, chỉ vậy, chẳng còn thứ gì khác. Thiên Thanh bảo Đạt: “Anh đọc báo, đợi tôi chút.” Cô nàng vào phòng riêng trang điểm. Đạt đã ngồi trước thềm hơn một tiếng, giờ lại đợi ở đây… Thiên Thanh làm cao, đỏng đảnh, không xài điện thoại. Ai muốn gặp phải đến tận nơi, điều đình trực tiếp.
 
Đạt lái xe cho ông Phước Hải, công việc ít, nhàn hạ, nên anh kiêm luôn vai “tùy phái”, làm các chuyện râu ria, không tên, trong đó có những cuộc rước gái. Ông Phước Hải gắn kết với Thiên Thanh đã lâu, hơn hai năm, và cô gái bao này đem lại cho ông nhiều niềm vui cùng lắm điều phiền toái… Hơn nửa giờ, Thiên Thanh ra. Vẫn chưa xong. Nàng bê theo chiếc gương lớn và hộp son phấn.
“Ông Hải về lúc nào?”.
“Sáng nay”.
Đạt ngán ngẩm. Thiên Thanh chăm chú sửa sang cái mặt loang lổ của mình. Cô nàng mặc chiếc áo hở cổ, cực mỏng, da thịt vú mớm thỗn thện.
“Chán quá, tôi chỉ muốn ngủ”.
 
Để tránh nhìn bức tranh cận cảnh lồ lộ, Đạt giả vờ đọc báo, nhưng tất nhiên chẳng đọc được gì.
“Có khi nào anh buồn đến muốn chết không?”.
“Chưa”.
“Tôi thì thường, có lúc gặp luôn, bác sĩ bảo tôi mắc chứng trầm cảm… Người béo tốt, ham hố như ông Hải chắc chẳng bao giờ biết buồn?”.
“Có lẽ”.
 
Mùi nước hoa thơm gắt. Phiền thực, rườm rà như sắp phải lên sân khấu. Sao lại tạo ra lắm thứ dây nhợ, rối mắt, làm khổ mình như thế?... Đã quá 7 giờ. Đạt hẹn với Trâm 7 giờ tối sẽ về dự bữa cơm thân mật, tiệc chia tay, do Trâm đãi. “Vậy mà lúc này ta còn chôn chân ở đây”. Đạt than thầm. “Thế nào anh cũng phải có mặt đấy, chúng mình tâm sự lần chót, mai kia dễ gì gặp lại nhau”. Không phải bà con, Đạt và Trâm chỉ có tình hàng xóm. Trâm mướn một căn phòng nhỏ của ông Cường, cạnh nhà Đạt, sống với đứa con trai. Dạo đó Đạt còn sửa xe gắn máy, chưa làm cho ông Phước Hải. Anh không để ý đến đám tạp khách của ông Cường. Phần lớn họ là dân lao động chân tay, từ bốn phương đổ về, đa số còn trẻ, làm đủ thứ nghề… Đạt đoán Trâm dân miền Trung, qua giọng nói, nhưng không biết cô làm gì. Ở lâu thành quen, vào những ngày bận rộn hoặc đi làm xa Trâm gửi bé Ca nhờ Đạt giữ giùm. Thời giờ qua mau, thường mau hơn người ta tưởng. Ba năm. Những ngày đầu bé Ca bước chưa vững, nay nó lớn phổng, đã chạy đi chơi khắp các ngõ ngách của khu phố, và thuộc hàng chục bài hát. Rồi, khá bất ngờ, mai đây “mẹ con nhà cò” sẽ cuốn gói đi!... Mấy năm qua Trâm sống trong cảnh không chồng có con, nay nàng theo một ông tầm tầm, cỡ bốn mươi tuổi. “Em đi lấy chồng”, kiểu như băng ngang qua con đường tắt, chẳng xe pháo cưới hỏi gì!
“Con người vất vả cũng phải, tài xỉu chỉ hai mặt ta còn thua liểng xiểng, huống chi đời hàng trăm mặt”.
Thiên Thanh “triết” như mụ già chai sạn. Đạt không thích nghe, anh muốn về, chắc Trâm đang mong.
“Anh thấy đời có bao nhiêu mặt, anh Đạt?”.
 
Đạt giật mình.
“Đời à? Tôi chưa nghĩ… còn tùy!”.
“Nói vậy hơi yếu, lừng khừng – Thiên Thanh cười – Tôi mới nghĩ ra một ý rất tuyệt: mai mốt tôi sẽ mua tặng ba tôi một máy hút bụi!”.
“Máy gì?”.
Thiên Thanh cười lớn: “Biết mà, anh kinh ngạc! Ngạc nhiên quá đi chớ, anh đâu phải tượng đồng! Nào, để tôi nói nghe, hôm qua xem một phim truyền hình Pháp tôi thấy một bà cụ loay hoay, khổ sở vì vớ phải cái máy hút bụi hỏng hóc, hài hước lắm… Thế là bật ra sáng kiến này, vậy đó!”.
 
Trâm coi Đạt như ân nhân, nàng gọi sự giúp đỡ của anh là ngọn núi ơn nghĩa. Trong thành phố xa lạ, rộng lớn, giữa hàng triệu người ngược xuôi chóng mặt, đâu dễ tìm được nơi nhờ cậy. Trâm muốn nói đến những lần Đạt trả giúp tiền mướn nhà khi nàng thất nghiệp, mấy lần anh cho mượn tiền để nàng lo thuốc thang lúc bé Ca đau bịnh. Thực lòng, Đạt coi đó chỉ là chuyện nhỏ, bình thường, như nghĩa vụ tự nguyện, nhưng Trâm bảo nàng sẽ nhớ mãi, không được phép quên. “Làm sao em trả ơn cho anh?”. Đạt gạt đi: “Tình xóm giềng, giúp nhau chút ít, em đừng để ý”. Dù vậy, Trâm vẫn không quên, thỉnh thoảng nàng lại hỏi: “Mẹ con em lấy gì đền ơn anh?”. Đạt đùa: “Khi nào giàu em tặng anh vài viên kim cương, hoặc chiếc xế hộp”.
“Nếu em gái anh nói cô ấy muốn đi tu hoặc ra hoang đảo sống cu ki, anh nghĩ sao?”. Thiên Thanh hỏi.
“Tôi không tin”.
“Nếu biết gần đây tôi thường nghĩ vậy, anh tin chăng?”.
Đạt không đáp ngay, bởi thấy cần suy tính kỹ, câu này tế nhị.
“Anh cứ nói thẳng, tôi thích thế”.
“Có thể”.
“Ôi, có thể, buồn quá chừng! Thảo nào bác sĩ bảo tôi trầm cảm… Vậy là những nét bất thường đã lộ rõ trên mặt tôi?... Thôi, hoàn chỉnh, xỏ váy vào nữa là xong – Thiên Thanh nói với cái mặt mình trong gương – rồi tiếp: Trước kia tôi từng nghĩ, người có nhiều tiền chắc lúc nào cũng phơi phới, vui sướng, nay nhận ra chưa hẳn vậy… Hiện giờ tôi dửng dưng với tiền bạc, chẳng muốn mua sắm, xây cất, cũng không lo nghĩ về bất cứ vấn đề to lớn nào, thế mà người vẫn mệt, phải gọi đúng tên nó là mỏi và mệt. Có vậy mấy lão bác sĩ mới mập ú… Hay tại mình ăn no rửng mỡ?”.
 
*
Đạt đưa Thiên Thanh về đến nơi. Phòng ông Phước Hải, phòng khách, hành lang đều sáng đèn. Đã quá 8 giờ. “Chắc Trâm mong mình lắm, có lẽ bữa tiệc gần tan… Ta phải xin lỗi, sẽ nói như người ta thường nói: anh lấy làm tiếc!”.
 
Ông Chút – người làm vườn của ông Phước Hải – cho Đạt biết: Trúc Ly mới về. Thật bất ngờ. Đạt lúng túng.
“Đưa Thiên Thanh sang nghỉ tạm bên phòng tôi”. Ông Chút bảo. “Ông Hải mới chạy qua bên nhà hàng Đại Nam, lát nữa về”.
 
Trúc Ly là con gái ông Phước Hải, ở Huế. Cô ta vào Đà Lạt lo công chuyện làm ăn, qua ngang đây ghé thăm cha.
 
Thiên Thanh không chịu đến nhà kho chứa đồ cũ, chỗ ngủ của ông Chút. Cô nàng la lớn: “Về, chán chết… hôm nay là ngày gì!”. Lại lên xe, quay về điểm xuất phát. Tới nơi, cơn giận chùng xuống, Thiên Thanh dịu giọng:
“Phiền anh quá, tôi không muốn thế, mời anh vào chơi”.
 
Đạt lại vào cái phòng khách quen, ngồi xuống chiếc ghế cũ. Thiên Thanh thay áo, thật nhanh, rồi mang ra một dĩa bánh kẹo, mời Đạt.
“Giờ này mới đúng khỏe, chỉ còn một việc nhẹ: ngủ”.
Đạt ăn kẹo, Thiên Thanh uống thuốc an thần.
“Không lúc nào tôi thiếu thuốc trong nhà… Phí công làm đẹp! Chẳng ai buộc cả, anh ạ, trang điểm đã thành thói quen. Cũng khéo bày vẽ, tô son trát phấn! Tôi sẽ giữ nguyên cái mặt mo này cho đến sáng… Tốn bao công sức, khổ như đi cày, để lừa gạt người, và lừa cả mình!”.
 
Đạt ngồi nghe, còn biết nói gì. Khuya muộn, bữa tiệc của Trâm chắc đã kết thúc từ lâu, “Anh là ân nhân của em. Biết lấy gì đền ơn anh đây?”. Dịu dàng, khắc khoải như con đa đa!
“Tháng trước về thăm nhà, tôi gặp lại một cô bạn cũ… Chậc! Bằng tuổi mình, nay nó ba con, làm nông, buôn bán lặt vặt, nuôi heo gà… nom nó chẳng già lắm, nhưng săn chắc xám mốc như cây bonsai! Thế nên, nhiều ngày sau đó, hễ nằm xuống nhắm mắt là tôi thấy nó… nó và cái làng quê ấy, cái tuổi thơ ấy”.
 
Nhìn Thiên Thanh, chẳng hiểu sao Đạt nhớ tới mấy chị bán chè dạo với gánh hàng lỉnh kỉnh xoong chén, cất tiếng rao buồn, len lỏi vào các hẻm tối trong đêm khuya. “Cô nàng trưởng giả mới này làm mình lỡ hẹn với Trâm”. Đúng là trưởng giả! Thử nghĩ xem hai cô ả có gì giống nhau? Cũng dễ thấy. Điểm nổi rõ nhất là nguồn gốc xuất thân, cả hai cùng con nhà nghèo. Nhưng hiện giờ họ khác nhau nhiều, và có lẽ càng về sau họ càng xa nhau, như hai mũi tên bay ngược chiều.
“Rồi tôi sẽ chết dần mòn vì thuốc nhức đầu, thuốc an thần, vì nhịn ăn, lo rầu, buồn vô cớ… tóm lại, vì cái chứng trầm cảm của bọn “từ mẫu”… Trầm cảm, trầm mặc, nghe cũng hay! Anh Đạt thấy tôi thế nào, kỳ cục, chán mứa, hay đáng ghét?”.
 
*
Ra khỏi nhà Thiên Thanh, Đạt ghé vào một quán cà phê. Về lúc này chẳng làm gì, cũng chưa ngủ được. Quán thưa khách, nhạc hay, nghe bằng tai, không nhìn hình ảnh… Mười một giờ Đạt mới về nhưng Trâm vẫn còn thức đợi. Xung quanh vắng lặng, thiên hạ đã trò chuyện với chiêm bao. Trâm mời Đạt qua phòng mình. Nàng bưng ra mấy tô thịt xào, nộm, gỏi, và vài chai bia. Bình bông tươi rói trên bàn và mùi nước hoa ngập phòng, là hai thứ thường ngày không có ở đây.
“Mai em lại đi thêm một đoạn nữa trên đường… đường gì anh?”.
 
Trâm diện bộ đồ ngủ xanh nhạt, mỏng “khủng khiếp”, lộ rõ những món đáng lẽ phải che giấu, giống như Thiên Thanh lúc sẩm. Nàng ngồi sát vào Đạt, gắp thịt, rót bia, bắt anh ăn, ép anh uống. Ân nhân mà lại! Đạt vốn yếu kém về môn nói, câm đặc về chuyện tâm tình tâm sự, nên anh chỉ uống, và cười. Và anh thấy thú vị về cái kết quả mà lòng tốt của mình đem lại.
“A, em nhớ rồi, đường đời! Em sẽ đi trên một khúc đường đời mới… đấy, phải nói rõ như thế!”.
Đạt gục gặc, ừ à, hỏi:
“Anh ấy, chồng em, ở đâu vậy?”
“Đồng Nai, mà cũng không hẳn Đồng Nai… nó nằm đâu khoảng giữa Biên Hòa và Bình Dương, đại khái thế, em chẳng rõ nữa!”.
“Khá mơ hồ, cái bên nhà trai!”.
 
Trâm cười: “Em không lo đâu, anh ấy thực thà. Với lại, em đã chuẩn bị tinh thần rồi, dù cho gặp phải tình huống xấu em vẫn sẽ đứng vững… Giả như mai ảnh đưa em đến Đồng Tháp, không về Đồng Nai em cũng chẳng hốt hoảng. Trông thế này chớ em cứng cỏi lắm!”.
 
Đạt ngắm cô nàng, ôi, đầy vun những vú vít, mông đùi gò đống! Trâm cũng ăn mạnh, cũng uống bia.
“Hồi nãy tiếp mấy đứa bạn em chỉ cười nói suông, ăn qua quít, để dành bụng… giờ ăn với anh!”.
À, ra thế. Đạt thấy ấm lòng, vui, vì được trọng vọng!
“Uống nhiều vào! Em đã nói, mai sẽ xa nhau… biết đời nào gặp lại”.
Đạt uống liền, nỡ nào từ chối người bạn chân tình thế này. Càng lúc Trâm càng ngồi sát vào Đạt, nói cười sôi nổi, phả vào mũi anh mùi nước hoa và mùi bia sực nức.
“Anh tốt hiếm có… Em quê mùa, lại xấu, không thì em bắt xác anh rồi”.
“Có gì đâu, em cứ nhắc mãi mấy chuyện cỏn con”.
 
Trâm nắm tay phải Đạt, hôn thật lâu, thắm thiết, như các nhà quý tộc trong xinê hôn tay các mệnh phụ.
“Ở lại ngủ với em, nghe anh… phải ngủ, chẳng còn dịp nào nữa đâu”.
Đến đây thì Đạt hiểu: Trâm muốn trả ơn ./.

  Trở lại chuyên mục của : Lê Văn Thiện