LÊ VĂN TRUNG


Mầu Nhiệm Hư Vô

(một góc nhìn về thi sĩ Nguyễn Đức Sơn)


 
Nguyễn Đức Sơn

Tôi đang lắng nghe tiếng đồng vọng mênh mang của đất trời u tịch, huyền âm thiên cổ của “bóng nguyệt mang mang”, của “gió tai ương ngàn lần đổ vỡ”, của “đắm đuối tan hoang” một hồn du tử.
 
Tôi đã chạy mõi rã rời, đã “nhắm mắt đuổi theo”, đã hít thở thiên hương “một chút quần áo lót của hồng nhan”, để rồi gục đầu sám hối “bên bờ cát bụi”.
 
Khi lặng chìm trong u trầm tịch mạc, là một trời huyễn mộng phủ trăng sương.  Tôi lắng nghe tiếng gọi của vô cùng, nơi vĩnh cửu linh hồn tôi cùng mầm cây ngọn cỏ ươm nỗi niềm hân-hoan-tĩnh-lặng, trần truồng và trinh bạch, vô thỉ và vô chung.
 
“Tôi nằm xuống một khuya vàng bên suối
Mở hồn ra làm bãi trắng tinh khôi”

         Từ:
“Những mối sầu đâu tự buổi sơ sinh” 
 
Hồi ức của trời xưa còn rớt rơi trong tiềm thức kiếp nào, tôi luôn ngậm ngùi về kiếp nhân sinh vật vờ vô định.
 
Trong hồn tôi vành cỏ mộ xanh rì”
 
Hổn hển chạy theo bóng trăng tà
Ngây ngất lăn dài theo ngọn gió vàng phai
Ngất lịm u trầm trong tịch mịch rừng mây
 
“Khi thấm mệt tôi đi luồn ra núi
Cuối chiều tà chỉ gặp cỏ hoang sơ
Bước lủi thủi tôi đi luồn vô núi
Nghe nắng tàn run rẩy bóng cây khô
Chân rục rã tôi đi luồn ra núi
Hồn rụng rời trước mặt bãi hư vô”
 

Đồng vọng của cõi-lặng-im như tiếng gọi của hồn tôi từ nấm mồ thiên cổ, từ những “mang mang sầu vạn thuở”.
 
Nghe lạnh hàn khi chạm đáy hư vô
Hồn đã ủ ngàn năm trong lá cỏ”

 
Tiếng réo gọi của hư vô với nỗi rộn rã ngất ngây mê hoặc, máu trong tim chảy tràn như suối, máu trong tim đặc quánh tím bầm, tôi đâm đầu chạy đến với hư vô, điên cuồng chìm trong hấp lực huyễn hư cô tịch.
 
“Đau đớn quá trong tôi niềm tuyệt đối
Nên cởi truồng chạy giữa đám vi lô
Tôi động cỡn nhảy kè bên khe núi
Rồi ôm đầu lao thẳng xuống hư vô”

 
Hư vô là niềm cám dỗ không nguôi, là nỗi quyến dụ của chân như hiện thực, là nơi nhàn thoát u tĩnh thiên thu, nó hút ta về miền tồn-sinh-vĩnh-cửu trong sát na kỳ ngộ.
 
“em hỡi em ơi cõi nào xa biếc
Ta sẽ về ngủ lại với thiên thu
Em sớm theo ta đến cõi xa mù
Hay ở lại để sầu theo mây nước”

 
Tôi sẽ về! Tôi sẽ về theo tiếng gọi hư vô, bởi vì các em hỡi: “Hồn anh trong bóng nguyệt”
 
“Các em làm sáng rực cả vô minh”
 
Tôi nghìn năm đứng đợi bên bờ vực tử sinh, mà vòng xoay sinh tử cũng vô cùng hư ảo.
 
“Suốt một đời chỉ nói với hư vô”
 
Tôi nói gì với hư vô? Khi hư vô không là một nơi để đến, khi hư vô không là một cõi đi về.
 
“Mộng vừa chín các em đều mấp máy
Những đêm vàng khép lại cửa vô minh”

        mà:
“Một ngàn năm kỳ ảo cửa tồn sinh”
        nơi đó:
“Hồn sinh tử xin thề không dẫy dụa”
 
*
*    *
 
“Ta cắm đầu lao thẳng tới hư vô”
 
Là một viễn khách chối từ quán trọ ta bà, bỏ lại một chỗ dừng chân của kiếp người bi tráng đam mê, chối từ một-mái-ấm-nhân-gian hiện hữu, chối từ cả bụi tro lưu chuyển luân hồi.
 
“Suốt một đời chỉ nói đến hư vô”
 
Lao thẳng xuống hư vô” là buông rời bản ngã, là nơi không có cái tôi hoang mang tình lụy.  Nhưng tôi có thực đã lao thẳng tới hư vô? Hay một lực phản hồi tung ngược tôi như quả bóng dội vào tường, rơi xuống và tưng tưng về lại kiếp hiện sinh?
 
Và phải chăng hư vô chỉ là một khát vọng?
Một cõi về huyễn mộng?
Hay một nơi đi không là để đến?
 
Để rồi tôi lại chợt nhìn ra một con người “chiều thu xưa tôi hiện đến trong đời” lang thang trên mặt đất này với một linh hồn “như cỏ dại”, như “vì sao rụng giữa thu xa” và “da thịt đã bắt đầu thấy rợn”.
 
Khi hiện diện trên mặt đất này, tôi, một linh hồn trong veo, thuở đất trời khai lập với bao hỗn mang trong cái nhỏ nhoi phận người, tôi đã vội nhìn ra, đã sớm tìm thấy cái u uất huyền vi trong vô tận đất trời: “Chiều thu xa chiều thu xa chiều thu xa” nơi cái
 
“hồn tôi nữa mượt mà như con gái”
Như áo lót trong của những nàng trẻ dại”

 
Cái mùi hương mê hoặc từ chiếc áo trong của những nàng con gái đó đã chảy vào máu tim một khao khát tai ương, một ham muốn lưu đày:
 
“Nhưng từng đêm thao thức đến khuya dài
Tim đã thấy bao thoáng buồn hiện đến
..............................….
Thôi phải rồi sầu đã ngự trong tôi”

 
Từ đó tiếng vọng của mối sầu thiên cổ như hồi chuông chiều nhịp vào tim tôi từng nhịp rã rời, từng nhịp u trầm tịch mịch, từng nhịp hoang hoải mênh mang.
 
Từ tiếng “con sáo ngàn lên tiếng gọi thu sang
                con bướm hoang tìm nắng giữa đêm tàn”

 
Và để “Tôi một mình trở lại rừng thu xa
           Chiều thu xa chiều thu xa chiều thu xa”

 
Nguyễn Đức Sơn, phải chăng cái tên đã quyện vào định mệnh kiếp đời nên tôi sống giữa Sơn rừng yêu tuế nguyệt phong vân, nên ảo ảnh tiền thân cứ hiện về tiêu dao theo các vì sao chiếu diệu. Tất cả rồi cũng khép lại từ đây, từ cái sát na nhiệm mầu để tôi trở về cái rỗng không, một cõi hư vô viên mãn.  Tất cả đã khép lại từ đây, nơi cái giao điểm của một trang đời đìu hiu gỗ mục.
 
Khép lại để mở ra khu rừng ngàn thông vô tận. 
Khép lại để mở ra bầu trời thong dong mây trắng.
Khép lại để mở ra muôn trùng biển sóng chập chùng.
Khép lại để mở ra hư vô mầu nhiệm.
Tôi muốn gửi lại nơi đây trang cuối cùng vô tự.
 
Người viết bài này xin mượn những dòng cảm nhận về anh, nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, để khép lại như một nén nhang khói vương trên đồi Phương Bối: “Như cánh chim bay qua không lưu ảnh hình trên mặt nước, chẳng cần gì giữ lại cho kiếp hậu lai, anh giản đơn là làn gió qua song trong biển đời miên viễn.  Lòng đất nào anh đã nằm im nhìn ngàn sao vỡ vụn hóa thân, còn chăng là trần gian mãi hoài niệm về một ngôi “sao trên rừng” quạnh cuồng tinh đọng.  (Viên Hướng)”
 
Lê Văn Trung
Quê nhà, tháng sáu mười hai, 2020
 


  Trở lại chuyên mục của : Lê Văn Trung