LUÂN HOÁN

Tiên Phước,
Một Nhánh Ấu Thơ Tôi

Ngày nay, Tiên Phước là một trong mười hai huyện, và là huyện đầu tiên trong năm huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Năm mươi lăm năm về trước, sự phân bố địa lý cho cơ chế hành chánh, có thể có ít nhiều khác biệt. Nhưng con đất giàu cây xanh, đá tảng này vẫn nằm ngoan một chỗ.

Và một nhánh ấu thơ tôi vẫn thơm cùng Tiên Phước.
Bạn hãy kể cho tôi một chút gì về Tiên Hội !
Bạn hãy nhắc cho tôi một vài hình ảnh Tiên Châu !
Những xã, những thôn của Tiên Phước một thời.
Đã bốn mươi chín năm xuống núi,
chưa một lần thăm lại
tôi nhớ
tôi thèm biết bao nhiêu.
Những đọt khói, những rẻo gió...ngào ngạt xanh một góc đời.

Bạn ở đâu ? đang làm gì ? Sao ngần ngại ?
Sự xa lạ chẳng phải là khoảng cách
nếu bạn đã hoặc đang thở hít cùng hơi đá núi
đi loanh quanh qua những gốc chà là
và gói trong lòng những mùi hương dủ dẻ.

Xin hãy nói về quê hương mình cho nhiều người biết
cho nhiều người cùng được thưởng ngoạn
để xứ sở thân yêu ấy càng khởi sắc
càng giàu thêm tình người.
Trong khi chờ bạn dẫn tôi về lại một miền đất cũ, tôi xin gắng nhớ, gắng vẽ lại một đôi điều thân thương vẫn nằm hoài trong trái tim


Năm 1946, năm tôi lên năm. Chẳng thể là một tình cờ, ba tôi cõng tôi đến đây. Cuộc chiến Việt Pháp là gốc rễ cho một nhánh ấu thơ tôi bén lên vuông đất rừng Tiên Phước.

Sau một đêm ngủ vùi, hai cha con cùng thức dậy. Giữa cái se lạnh của hương trời, ánh nắng đã vàng ửng, đầy tràn cả mặt sân rộng. Mặt sân với những viên gạch màu nâu già, chen vai sát vào nhau, trải ra như một thảm vải với nhiều nếp nhăn xanh. Đó là những đường cỏ cú mọc chen giữa những kẻ gạch thiếu khắng khít.

Ba tôi ngồi xếp bằng giữa chiếc chiếu Yến Nê, trải ngay ngắn trên nền nhà. Một tay ông để trên đùi, một tay sờ cằm, trầm ngân. Tôi ngồi nhích phía sau lưng ba tôi một chút. Hình như có tiếng gì đó rụng ở ngoài vườn. Gió chảy sát gốc một đám cây, đứng tiếp sát mặt sân làm chao nhiều mặt lá. Lúc này, tôi mới kịp nhận ra, chúng tôi đang ngồi giữa lòng một mái đình.

Đình rộng và cao. Có nhiều cây cột gỗ lớn nghiêm nghị, đứng thẳng tắp đội sườn nhà. Dưới mỗi gốc cột được kê một tảng đá xám, hình tròn, lăn quăn những đường chạm trỗ. Mặt tiền của đình hoàn toàn phơi trống, các cánh cửa cao rộng liền nhau, đã được thoát gỡ tự bao giờ. Hai cánh cửa bên hông, sát mặt tiền, cũng cùng được bỏ ngõ.

Ba tôi bỗng hỏi :

- Má con và em không biết bây giờ đi đến đâu rồi ?

Tôi hơi nhướn mắt, ngơ ngác. Có lẽ ba tôi không có ý hỏi tôi. Ông nói cho có nói, hoặc tự hỏi chính mình. Bởi vì cho đến lúc đó tôi cũng chưa biết má tôi đã cùng người cháu gái, mang chị và em trai tôi đi về một hướng khác. Về sau tôi mới hay, vì không thể theo chân cơ quan Kho Bạc, nơi ba tôi làm việc, thay đổi hoài chỗ ở, nên má tôi đưa cả gia đình vào Quảng Ngải. Nơi má tôi đã từng quen biết và có cơ sở buôn bán trước đây.

Sự có mặt của tôi bên ba tôi vốn là một bất đắc dĩ của ông. Ông vốn sợ cô đơn. Không biết tôi đã lấp được mấy phần khoảng trống này của ba tôi ? Nỗi buồn nhớ những người thân yêu chợt chia xa, làm người tôi như co cụm lại. Càng co cụm trong da thịt như lỏng lẻo, rộng mãi ra, Tôi nghe thấy những hạt bụi rơi ấm vào hai mắt, xốn xang...

Cơ quan làm việc của ba tôi cũng đóng tạm ở một cái đình khác gần đâu đây, và vì diện tích khiêm nhường, nên chúng tôi phải tá túc tại ngôi đình hoang phế này. Hôm đầu tiên ở một mình trong đình tôi rất sợ. Nắm tay ánh nắng, tôi lủi thủi ra sân, nhìn quanh bốn bề dày đặc cây và lá. Cũng may có rất nhiều tiếng chim rộn rã ca hót.

Tôi lắng nghe nhưng không nhận ra được một tiếng chim quen. Thật sự trước đây tôi chỉ biết mặt và nghe tiếng chíp chíp của đám se sẻ nâu trên mái ngói. Nay được thấy những con chim vàng óng, những con chim nhiều màu sặc sỡ hoặc đen mướt ca hót luôn miệng tôi vô cùng thích thú và chợt bạo dạn rất nhiều.
Bước theo những tiếng chim, tôi được gặp thêm nhiều loại bông thật lạ mắt, tuyệt đẹp. Vài loại bông này, về sau tôi biết chỉ là những loại tầm thường, chúng là những cây ráy, cây huệ, cây đùng đình...

Ba tôi chạy đi chạy về, ngày vài ba lần, nên tôi cũng yên bụng. Và ngày hôm sau tôi dạn dĩ hơn, đã bắt đầu mon men đi dòm xem từng bệ thờ. Tôi phát giác, bệ thờ nào cũng có bát hương, với lưng lửng nửa bát cát vàng ố lẫn lộn với tro hương. Một vài ba que hương còn sót lại, đứng xiêu vẹo, mỏi mệt, ngán ngẫm. Trong ba bệ thờ lớn, chỉ có một bệ có ba tượng người. Cả ba người đều là đàn ông. Nhờ mặt mày lem luốc che bớt phần nào nét dữ tợn của họ. So về hình dáng, cả ba ông thần thấp hơn tôi một chút. Vậy mà họ đều có râu. Những thỏi râu thật dài, thật cứng. Những ông thần, có phải thường thường giống nhau ? không chừng, tất cả đều là ba anh em. Ba ông tôi gặp: Một ông mặt đỏ, một ông mặt hơi đen, và một ông mặt khá trắng. Ông mặt trắng, có vẽ hiền và mạp mạp hơn hai ông kia.
Dựa người vào ánh nắng rực rỡ chung quanh, Tôi đặt tay sờ vào từng người. Đôi ủng của ông Mặt Đen có mũi ngang, coi bộ rất nặng. Vồng râu của ông Mặt Đỏ, cong vẹo về một bên, cứng ngắt bụi bặm, rõ ràng đã lâu không được tỉa, chải. Cái bụng của ông Mặt Trắng hình như ăn không tiêu đã lâu ngày vẫn chang bang, làm cho cái đai nịt xệ hẳn xuống. Tôi chợt thấy một con gì nhỏ nhỏ,bằng ngón tay út bay vòng vòng sát đầu ông Mặt Đen. Dòm kỹ, thì ra bên sau vành tai ông ấy sưng vù. Cục sưng là một ụ đất nhỏ. Giữa ụ đất có một cái lỗ bằng đầu ngón tay út: một cái ổ. Không chậm trễ, tôi chạy ra sân lượm một cục đá rồi chạy vào, nhảy phóc lên bệ thờ. Nhìn kỷ lại, không thấy con tò vò (sau này tôi mới biết tên) tôi lập tức đập vở ụ đất. Chẳng có gì bên trong. Dù sao, tháo gở cái ổ đất đi, ông Mặt Đen chắc sẽ dễ chịu hơn. Tôi lại xoay qua kiểm tra hai ông kia. Tôi phủi giúp họ những đám bụi đóng lâu ngày. Những đường tơ giăng của nhiều ổ nhện nhỏ xíu. Mặt mũi, áo quần của ba ông rõ ràng sáng sủa ra. Tôi nghe sâu thẳm trong đầu tôi những tiếng cười, những lời khen ngoan của cả ba ông. Tôi vui lắm, nhất là tối hôm đó, qua ba tôi, tôi biết được danh tính của ba người.

Nỗi lo nhớ trong lòng ba tôi có lẽ có lắng đi một chút, khi ông kể cho tôi biết một đoạn Tam Quốc Chí và sự kết nghĩa vườn đào, thời xửa thời xưa, ở tuốt bên Tàu. Ông mặt đỏ là Quan Công, Ông mặt không sáng lắm là Trương Phi, và ông Lưu Bị, mặt mũi trắng trắng.
Cả ba ông đã trở thành ba người bạn chơi đầu tiên của tôi, trong những ngày tôi khởi sự, hấp thụ sương khí đá núi, để giữ mãi trong cổ họng, một giọng nói đậm đặc cao nguyên cho đến bây giờ. Cái giọng Quảng Nam của tôi, vốn đã nặng ngàn cân, nay mang thêm mấy trăm tạ nữa, trách gì không khó nghe, khó hiểu. Ba mươi mốt năm sống với Đà Nẵng, không lột bớt một phần nào. Thế nhưng, khi tôi cao hứng ca hát cho một mình tôi nghe thì lại khác...âm giọng ấm áp, ngon lành lắm.

Tình bạn của bốn chúng tôi đang thân mật, bất ngờ một buổi xế trưa, ba tôi từ cơ quan về hối dọn đi. Đi đâu ? Có gì để dọn ?
Tôi có năm bộ đồ, ba tôi hình như cũng chừng ấy. Tất cả luôn luôn nằm gọn trong cái ba lô của ông. À còn hai cái chén kiểu men xanh, nổi vân hoa . Không có đũa nhưng có hai cái muổng bằng sứ trắng, vẽ hình con cá đỏ giữa lòng muỗng. Và một cái mền, hai màu ở hai mặt. Mền được viền sa tanh xanh rộng bản chung quanh 

Sau khi xếp cái mền cho thật gọn gàng, ba tôi cột dính phía bên ngoài ba lô, mang sau lưng. Ông không mang một bên vai như những lần trước. Thấy vậy, tôi biết cái lưng của ông không còn là chỗ của tôi. Như thế, chỗ sắp đến không mấy xa. 
Trong chuyến ‘dời nhà’ này, tôi được phân công ôm theo chiếc chiếu. Mặc dù chiếc chiếu đã được cuốn gọn, gấp vào nhau ba lần, có cột giây chuối cẩn thận, tôi cũng tha nó một cách khó khăn. Bước đi càng lết bết khi qua vài con đường lởm chởm đá. Vẫn đôi giày sandale trong chân, nhưng thỉnh thoảng tôi nghe nhói vì một hột sạn. Tôi có thói quen mang giày từ khi mới biết đi lựng chựng.

Cơ quan làm việc của ba tôi có lẽ đã chọn được một chỗ trụ lại an toàn. Cùng với một người bạn đồng nghiệp, chú Kinh, chúng tôi đến cư ngụ trong một ngôi nhà bỏ hoang. Làm sao tôi nhớ nổi ngôi nhà này nằm ở thôn xã nào. Nhưng cái bề thế, rộng lớn của nó thì không quên được. Cái vĩ đại của ngôi nhà có thể bị nhân lên, do sự đánh gía của một đứa bé chưa biết quá năm chữ cái. Nhưng không thể phủ nhận, đó là một ngôi nhà của một nghiệp chủ giàu có. Theo sự kể lại của dân địa phương, tất cả con cháu thuộc dòng họ cũng gia đình đó đều đã qua đời bởi nhiều lý do kỳ bí. Ngôi nhà lớn trở thành vô chủ.
Sự sát hại vô hình và ghê gớm vẫn tiếp tục tái diễn cho nhiều người, đã lập tâm vào chiếm ngôi nhà này. Cuối cùng, không còn ai đủ can đảm, liều lĩnh và cả công trình kiến thiết qui mô, lộng lẫy của thời ấy bị hoang phế dần theo năm tháng. Trong khi cây lá thuận mưa nhuần nắng càng ngày càng xanh tốt um tùm, trở thành một tụ điểm của ma qủi. Đó là lời khẳng định chắc nịch của dân địa phương.

Chú Kinh trẻ hơn ba tôi rất nhiều. Chú mới lập gia đình và sắp sửa có con. Là một thanh niên, hăng say theo cách mạng, Chú Kinh luôn luôn chứng tỏ mình là người đi đầu trong nhiệm vụ phá bỏ những tục lệ bị phong trào kháng chiến cho là lạc hậu.
Mê tín, dị đoan là một ‘mặt’ nổi cộm trong cao trào bài bát đương thời. Để chứng tỏ, trên đời làm gì có ma. Và dẫu có, ta đây cũng không sợ. Chú Kinh chọn ngay một căn khang trang nhất trong giang sơn nhà ma. Căn này nằm sát với một căn đầy ắp những bàn thờ, tăm tối, kỳ bí, dễ chừng đôi ba năm nay chưa ai mở cửa.
Tôi và ba tôi đặt một giường tre vừa mua vào căn nhà ngang, hoàn toàn trống rỗng. Căn chúng tôi chọn nằm xa với căn của gia đình chú Kinh bởi một hành lang có mái lợp, và một căn nhà khác, có một bức vách đã ngã.
Toàn bộ những căn nhà đều có cửa chính, châu đầu vào một cái sân gạch rộng. Giữa sân, có xây một cái hồ nuôi cá cảnh hình thuẩn rất lớn. Chiều dài dễ chừng có đến ba mét. Hòn non bộ ở giữa, không được săn sóc, càng tạo được một khuôn mặt tự nhiên. Những con chim sâu, không ngại líu lo chuyền trong các nhánh cành, vươn ra từ hòn gỉa sơn.
Cả cơ ngơi giàu sang của một dòng họ bất hạnh ngày xưa, tọa lạc sát một dòng sông. Sông không quá rộng. Mặt nước bằng phẳng xanh mát, Không có tiếng sóng, nhưng mặt nước thỉnh thoảng gợn lên những đường lăn tăn tùy theo cường độ của những cơn gió. Những đường nước trắng lăn tăn này có thể từ bên kia tìm sang bên này, hoặc ngược lại. Cũng có thể, từ hướng dưới kia bò dọc, ngược lên. Tất cả đều dịu dàng, nhởn nhơ, vô tư lự.

Tôi cố gắng nhớ lại, nhưng không tìm ra được tên gọi của dòng sông này. Hình như nó không có danh xưng. Ngẫm nghĩ mãi, trong lòng, trong đầu, vẫn chỉ hiện ra cái con đường dẫn xuống mặt sông. Một con đường, tạo nên bởi những viên đá núi, đã được những bàn tay nào đó, dùng dao cắt bằng phẳng, và sắp xếp chúng lại cận kề nhau thành những bậc thang bước. Những bậc thang dẫn đến một nguồn sống tối cần cho mọi sinh vật: nước. Một số lớn dân trong xứ đã đến với những bậc thang vững chãi này, đã đến với dòng lụa xanh ngọt ngào, mền mại. Họ đến, bốn mùa, tấp nập tắm giặt, gánh nước. Lộng lẫy thật. Có cả một cái cầu ao đầy nghệ thuật dưới đó. Và những con cá trong lòng nước. Những con chim ca hót, làm tình trên những nhánh cành của trăm loại cây, chen nhau đứng sát bờ nước.

Cuộc sống có hơi thở người đồng loại trở nên ấm áp, vui vẻ hẳn ra. Nhiều lần tôi la cà ra hướng sông, nhưng không xuống sát mặt nước. Tôi rất thèm được lặn hụp như mấy đứa bé đang nô dỡn, nghịch nước cười vang với nhau. Nhưng ba tôi đã dặn đi dặn lại, không được xuống dưới đó một mình. Phần những đứa trẻ, tuy say tắm, nhưng cũng nhận ra sự hiện diện của tôi trên bờ cao. Cả bọn ba bốn đứa, nhất loạt nhìn lên, vừa ngạc nhiên vừa tò mò. Ánh mắt cùng những cái thúc cùi chõ vào nhau của chúng đã làm tôi nhận ra điều đó. Hẳn nhiên giữa tôi và đám trẻ địa phương có ít nhiều khác biệt. Tôi cũng có thể nhận ra ngay từ đầu tóc, màu da đến cách ăn mặc. Một cậu bé tương đối khá giả ở thành phố, bất ngờ bị bứng lên đồi núi, chưa đủ thời gian để hoà mình, đồng phục.

Một tuần sau khi đến chỗ ở mới, vợ anh Kinh sinh được một đứa con trai bụ bẫm. Trong khu vườn rộng lớn vang lừng nhiều giọng chim, đã được chen lẫn vào đó những tiếng khóc trẻ thơ vãi ra. Rồi những giọng ru em mượt mà, một thời tôi đã được nghe quanh nôi em Hân tôi, diù dặt bay trong màu nắng xôn xao vàng. Tôi lắng nghe những tiéng à ơi... kéo dài. Mịn màng quá, uyển chuyển quá ... ôi những âm tha thiết, dỗ dành, vuốt ve. Tình yêu thương bát ngát không bờ bến, từ những giọng ru của người được làm mẹ, biết làm mẹ, thật linh hiển. 
Tôi luôn luôn theo bén gót những tiếng ru con của thím Kinh. Có lẽ đấy là những ca khúc tuyệt vời nhất tôi được nghe và giữ mãi trong suốt cuộc đời mình. Những bài ru em chân chất, ngắn gọn như những giọt mật cô đọng, không những đã mở cho tôi những khoái cảm thưởng ngoạn, mà chúng đã đỡ, đã dắt tôi đi những bước đầu vững vàng trong cuộc dong chơi chữ nghĩa của tôi mai sau.

Ba tôi chợt ngã bệnh. Ông bị cảm cúm thông thường, chứ không phải vướn vào sốt rét. Tuy vậy mỗi buổi tối, ông không cho tôi ôm cứng lưng ông như thường lệ. Đã vậy, ông còn bắt tôi phải nằm cách một khoản. Tôi vô cùng sợ hải. Căn nhà này có nhiều ma. Điều đó ai cũng biết. Những người đến tắm giặt dưới bến sông vẫn nhỏ to nhắc nhở hoài. Họ kinh ngạc lẫn lo lắng cho chúng tôi. Để lời khuyên được thuết phục hơn, họ cố tình kể nhắn lại những mẫu chuyện ly kỳ vẫn bao trùm cả khu nhà. đại khái như:

Trước đây căn nhà này có một đơn vị công an đến đồn trú. Đối với công an, nhất là công an của Việt Minh, chuyện ma qủi là một điều không thể có, không thể chấp nhận. Nhưng qua một thời gian liên tục xảy ra nhiều hiện tượng lạ. Như mân đũa dọn lên bàn xong, vào bếp mang nồi cơm lên thì nồi cơm không chân mà chạy ra ngoài ảng nước. Khi nồi cơm được tìm thấy, mang vào, thì mân chén, bát đũa đã được đẩy sâu dưới gầm phản nằm...
Bực mình, một lần ba bốn anh công an hì hục khiêng vào một tảng đá to, rồi viết lên tảng đá một vài chữ để làm dấu, xong cả đám khiêng ra chôn sâu sau vườn. Sau đó đám công an vào nhà lớn tiếng thách thức: 
- Nếu quả có ma qủi thật thì đêm nay hãy ném tảng đá đó vào nhà.
Kết quả, từ miệng của những người kể, làm tôi nổi da gà ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Tảng đá có chữ ghi dấu của công an, quả thật đã được nén một cái đụi vào giữa nhà. Đám công an nhìn nhau, rồi lặng lẽ dọn đi. Những người truyền chuyện còn kháu nhau, chờ xem những gì sẽ xảy ra cho chúng tôi. Và đến bao giờ cái bọn ‘cán bộ vô thần’ mới sáng mắt ra.
Hình như ba tôi đã và đang tìm hiểu cội nguồn của ngôi nhà, nên một hôm được nghỉ việc, đặt tôi ngồi lên đùi, ông kể...chuyện đời xưa :
....Giang sơn này là sở hữu của một đại phú. Ông đã cậy sự giàu có và quyền thế, xây dựng cơ sở ngay trên một nghĩa địa vô chủ là khoảng đất này. Do đó đã bị báo thù cực kỳ dã man. Những con cháu trong gia đình mấy đời của ông, dồn dập bị vặn cổ chết bất đắc kỳ tử. Rồi những người chết sau, tiếp tục trở thành cô hồn. Và đội ngủ những con ma được tăng cường quân số, và chia làm hai lực lượng, không ngừng tranh chấp, chống đối nhau. Nhóm ma kỳ cựu, thường tập trung và lang thang quanh vườn. Nhóm ma mới thường sắp hàng ngồi dọc trên bờ thành hồ có hòn non bộ giữa sân. Khuya khuya, nếu ai dạn dĩ có thể rình xem họ ngồi bắt chí cho nhau, hoặc đọc cả những cuốn sách, mà có người quả quyết đó là truyện Chàng Nhái Kiễn Tiên, truyện Lão Trượng Tiên Bửu hoặc truyện Phạm Công Cúc Hoa...
Ba tôi vừa kể, vừa cười. Nhưng trong nụ cười của ông có phần nhỏ nhẹ, giữ lễ lẫn thủ thế. Ông cũng không quên nói vớt: kẻ khuất mặt, khuất mày thì ở đâu cũng có, miễn mình đừng chọc giận, đừng đụng chạm đến họ, tránh voi chẳng xấu mặt nào...
Trong mỗi lần ngã bệnh, ba tôi đêm đêm thường nằm nói nhãm. Có lúc ông đọc thơ Thúy Kiều trộn lẫn với Lục Vân Tiên...Tôi đâu đã biết gì về nàng Kiều, nàng Nguyệt Nga, chỉ nghe ba tôi đọc thơ như rên rĩ, và không quên nói với tôi:
- Thơ Kiều đó con, thơ Vân Tiên đó con...hay lắm, lớn lên con sẽ học. 
Cũng nhiều lúc ba tôi xổ hàng tràng tiếng Tây, có lẽ ông nhớ đến thời ông ngồi trên ghế trường Pellerin ở Huế....Rồi một đêm, giữa khuya, chẳng đau ốm gì, ba tôi ngồi đậy, hé cửa nhìn ra sân. Tôi toát mồ hôi thấy ông giật mình quay lại giường, ôm lấy tôi. Ba tôi vốn cũng nhát gan. Nằm trong lòng ông, tôi nghe ông cụ cựa cả đêm với những tiếng thở dài lo lắng.
Về phía chú Kinh, không hiểu vì lý do gì, một hôm sau khi đi làm về, chú Kinh chạy thẳng vào căn nhà có đặt nhiều bàn thờ. Nghe nói chú đã nhảy lên đái vào hầu hết các bài vị trên ấy. Miệng không ngớt thách đố, chửi tục vung vít. Biết chuyện, thím Kinh tái mặt, run cầm cập. Thím đã trốn chú Kinh, mua nhang đèn, len lén về vái van đàng sau mấy gốc cây trong vườn. Thím không dám bước chân vào gian nhà đầy dãy những oan hồn.
Năm ba hôm sau, không rõ vì bị một chứng bệnh kỳ lạ, trùng hợp, hay vì một nguyên nhân thần bí nào, hạ bộ của chú Kinh sưng vù. Bước đi cáng náng, khó khăn. Chú nằm nhà nhưng không ngớt miệng chửi vớ vẩn và nói nhảm như một người trúng tà. Chưa hết, vào một buổi trưa, có lẽ là ngày chủ nhật. Sau một trận sấm chớp và mưa núi, trời bỗng sáng ra chảnh quảnh. Cái nắng quá ngọ như đã được lọc, vàng ánh, trong veo. Thím Kinh thấy dưới cầu ao, đã có nhiều bóng người đến giặt gĩu. Thím cũng thu dọn tả lót của con để đem đi giặt. Thím ngửi thấy mùi nước tiểu ẩm chiếc chiếu nôi. Bồng con ra để tạm trên giường của hai vợ chồng. Thằng nhỏ kháu khỉnh, rất ít khóc. Thím Kinh đến giở tấm chiếu nôi, và khựng lại...Thím thấy ngay dưới gối nằm của thằng con có một chiếc vòng ba màu, lớn hơn miệng chén. Thím Kinh thò tay lấy, bất thần thím hét lên, ngã ra bất tĩnh. Nghe tiếng thất thanh của thím Kinh, ba tôi và nhiều người lớn dưới sân lần lượt chạy lên, xoa dầu, giựt tóc cứu Thím Kinh tĩnh dậy. Cái vòng thín Kinh định cầm xem chỉ là một con rắn mái gầm mới sinh. Rắn Mái gầm còn có tên rắn cạp nong, đây là một loại rắn có mọc độc kinh khủng nhất ở Tiên Phước. Sau khi bị rắn này cắn mọi con mồi, kể cả người, đều ngã ra, chết tại chỗ. Một câu tục ngữ của dân bản xứ phán ánh cái tàn độc đó: mái gầm tai chỗ, rắn hổ về nhà. Chị Kinh chưa bị rắn cắn, con chị cũng an toàn. Nhưng đám dân đã xì xào: một cảnh cáo, một dằn mặt...của ai đó, họ không dám gọi tên.
Gia đình chú Kinh đã dọn đi ngay buổi chiều hôm đó. Tôi ứa nước mắt đứng nhìn chú thím ẳm con lặng lẽ ra đi như trốn chạy một cái gì. Bước đi của chú Kinh vẫn còn thấy khó khăn. Chú không nhìn ai. Mặt chú bợt bạc và cả người như mệt mỏi, chỉ chực đổ nhào xuống. Tôi vừa buồn cho sự chia tay, vừa lo sợ quắn quýu trong lòng. Nhưng tôi không phải hồi hộp, lo sợ lâu, như đã nói ba tôi là người nhát gan, chỉ sau một đêm, ba tôi dẫn tôi đến ở đậu nhà ông Viện.

Tiên Phước thời bấy giờ, hay đúng hơn khu vực chúng tôi ở vào thời ấy, dưới mắt tôi, không quá hai mươi nóc gia. Trong chừng hai mươi gia đình này, giàu nhất, không ai khác hơn là ông Viện và ông Cứ.
Nhà ông Viện là một cơ ngơi rộng lớn, gồm ít ra ba bốn ngôi nhà ngói, được xây cất trên một khoảnh đất cao ráo, quây quần chung quanh một sân gạch rộng như một sân bóng tròn ở chợ Huyện. Tôi không biết chính xác gia đình ông Viện mưu sinh bằng nghề nghiệp căn bản nào. Có lẽ gia đình ông có nhiều nương chè, nhiều rẫy quế, nhiều hồ tiêu...Tóm lại là khai thác, kinh doanh nhiều loại lâm sản .
Ở Tiên Phước cũng có một ít cánh đồng lúa, nhưng diện tích những cánh đồng này thường là những rẽo đất nhỏ, nằm vắt vẻo trên những ngọn đồi thoai thoải. Và tôi đoán rằng những vạt lúa xanh thưa thớt này đều thuộc quyền sở hữu chủ của ông Viện hoặc ông Cứ. Nghề đốn củi, xẻ gỗ gần như tôi chưa gặp qua. Hào hứng, hấp dẫn tôi nhất là đại gia đình ông Viện theo đuổi nghề săn bắn.
Những cảnh phơi lưới, vá lưới, mà tôi thấy ở các làng sống về đánh cá sau này, tôi đã sớm thấy từ nhà ông Viện. Dĩ nhiên những cuốn lưới của nhà ông Viện thuộc loại sợi to và gồ ghề, kềng càng hơn nhiều. Cùng với lưới tôi cũng được nhìn tận mặt những loại bẫy bằng sắt lớn nhỏ nhiều cở, dành riêng cho từng loại thú. Chủ yếu các giống thú thường được săn đuổi, gài bẫy ở Tiên Phước là chồn và heo rừng. mang, nai...

Nhưng bẫy và lưới không đem cho tôi nhiều chú ý và thích thú bằng bầy chó săn nhà ông Viện nuôi. Dễ chừng có đến ba mươi con, đủ màu lông, trắng, đen, vàng, vện, mốc, đốm....Những con chó thật khỏe mạnh. Gần như không có con nào quá mập hoặc quá ốm. Chân của chúng đều cao, bụng thon. Đuôi một số con hình như được cắt bỏ bớt. Chúng sống với nhau một cách hòa bình. Không mấy khi gây gỗ và cắn lộn nhau. Chúng có những máng ăn là những gốc cây dài, được đẽo rỗng thành máng. Khi cám, chuối và một thứ gì đó được nấu chín, đổ đầy các máng, người nhà ông Viện dùng một cái boulon (bù loong) dài đánh vào một đoạn rây đường sắt đã treo sẵn trong một chái hè. Tức thì bầy chó săn tề tựa lại dùng bữa với nhau, thật hòa nhã. lịch sự, không tranh dành, không háu hức. Một hình ảnh bất nhẫn làm tôi không ưng ý và khó chịu nhất là chọn giống. Tôi đã từng thấy, người nhà ông Viện tuyển lựa những con chó con chưa mở mắt, một số để lại nuôi, một số đem quăng sông cho nước cuốn. Sự tàn bạo đối với một sinh vật cận kề có đủ cả nghĩa trung, thật khó tha thứ những người xử sự, mà đứng đầu là ông Viện, một người tầm thước, khoẻ mạnh và không thiếu lịch lãm, hoạt bát.

Khi đến nhà ông Viện, chúng tôi ở trong một căn nhà ngang tương đối rộng rãi. Ngoài cái giường tre có sẵn, ông Viện còn cho chúng tôi mượn một cái bàn và mấy cái ghế đẫu. Ba tôi sắm thêm một bình đựng nước và mấy cái chén nhỏ dùng để uống nước chè. Cơ quan của ba tôi lại thêm một lần thay đổi vị trí. Ba tôi vắng nhà liên tục nhiều ngày nên ông phải gởi tôi cho người nhà ông Viện trông nom. Ba tôi cũng cho tôi biết, má tôi sắp dẫn chị và em tôi về sum họp và định cư tại Tiên Phước. Tôi mừng trong bụng, nỗi sợ khi vắng người thân tự nhiên thấy giảm đi nhiều. Trong thời gian chờ đợi má tôi đến, ba tôi còn cho tôi đi học.

Những ngày sau cùng bỏ Hội An, tôi đã được sắm cho cặp táp, vở, bút chì, và cũng đã có một vài buổi đến một trường mẫu giáo, nhưng chưa học được quá mấy chữ a, b, c...
Trường học chính thức đầu đời của tôi là một đình làng trên vùng đất núi rừng Tiên Hội này. Khác với cái đình tôi đã ở, ngôi đình này rộng hơn, khang trang hơn và có đầy đủ những cánh cửa. Bệ thờ trong đình không nhiều, nhưng trên các bệ thờ hầu hết còn đủ các vị thần ngồi, đứng yên lặng theo đúng sự thiết kế, bố cục từ trước. Trong đám tượng thờ này, tôi cũng gặp lại ba ông bạn cũ Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi của tôi dưới một lớp áo màu mè khác.

Lớp học không có bàn cũng không có ghế. Với sĩ số chín, mười đứa cao, thấp không đều. Chúng tôi đều nằm sấp, hoặc ngồi sắp bằng để học, tùy theo từng lúc tập đọc hoặc tập viết, đúng hơn là tập đồ lại những chữ đã được thầy viết sẵn. Chúng tôi không học i, tờ như các lớp bình dân học vụ sau này, mà vẫn bắt đầu bằng a, ă, ớ, e, ê, i...
Người thầy đầu đời chính thức của tôi là thầy Y. Danh xưng này chính xác trăm phần trăm, không phải vì sợ trùng lặp sự thật ở ngoài đời mà tôi viết tắt hoặc thay đổi. Tên gọi thân thương này đúng là tên tôi đã từng được gọi một thời. Tôi chỉ không rõ phải viết bằng y dài hay i ngắn, vì ngày đó hình như tôi không có dịp viết tên thầy một lần nào.
Thầy Y của tôi không biết bây giờ ra sao ? Còn sống hay đã ra người thiên cổ ? Khả năng tồn tại cùng thời gian của thầy, kéo đến lúc này quả là khó. Dễ gì vượt qua những khắc nghiệt của cuộc sống vốn vô cùng kham khổ trong chiến tranh. Dù sống hay chết, con cũng tin thầy hiểu được sự kính yêu lòng biết ơn bày tỏ thật muộn màng của con.

Đứng cạnh ‘trường học’của tôi có một mái tranh thấp. Đó là mái ấm của một cặp vợ chồng già, không con. Ông bà vẫn khỏe mạnh và dễ tính. Người đàn ông cũng búi tóc như vợ, nhưng cái búi tóc của ông chỉ to bằng một quả thầu dầu khô, tương đương như một trái mù u. Suốt ngày ông lão cỡi trần, ngồi vót những sợi mây rừng thành những sợi giây để cột. Ông ngậm thường trực trên môi một điếu thuốc lá lớn, nhưng rất ít khi thấy lửa và khói trên đầu ngọn thuốc. Ông cười nhiều hơn nói khi chúng tôi xúm xít bên ông. Tôi thường quan sát tỉ mỉ cái rựa ông cầm để vót mây. Cán rựa bằng một ống tre bóng ngời, vì đã được bàn tay thô nhám của ông cọ xác đến độ lên nước. Lưỡi rựa sáng loáng và hơi nhàn nhạt xám ở gần cái mũi cong của nó.
Những sợi mây đã vót xong được thả nằm chài bãi trên mặt sân đất. Một con gà mái dẫn một đàn con sáu, bảy đứa lúc thúc, quanh quẩn, mổ lia lịa. Con gà mẹ luôn miệng gọi con và thỉnh thoảng nghiêng má nhìn trời nghe ngóng. Ó , quạ ở cánh rừng này khá nhiều, nhưng không sao, chúng đã có vợ chồng ông bà che chở.
Từ lu nước, bà vợ quơ cái chỗi là nguyên một cái tàu cau, quyét ra. Những vụn mây từ lòng rựa ông chồng vải bừa bãi, được bà vợ kịp thời gom lại thành từng nhúm nhỏ. Hai vợ chồng gần như ít khi nói chuyện với nhau. Tình yêu thương đậm đà, khắng khít không còn cần đến ngôn ngữ. Cái rừng, cái núi, cái lá, cái cây hiểu lòng họ lâu rồi, và họ cũng hiểu nhau như hiểu cái cây, cái lá, cái rừng, cái núi. Họ sống đơn giản không cần nhớ đến tên, tuổi. Chẳng thể nào đoán đúng cái chiều dài thời gian cặp vợ chồng này đã có mặt trong cuộc sống này. Nhưng qua thầy Y, đám nhóc chúng tôi cũng biết ông ‘già rừng’ tên Hộ. Biết chỉ để biết thế thôi. Chúng tôi chẳng thằng nào dám gọi tên ông bà.
Điểm đặc biệt về nhân dạng của ông bà Hộ là những ngón chân cái của họ. Những ngón chân cái thô sần, bè ra, với cái đầu ngón nghiêng ra ngoài. Nếu để cặp chân song song, hai ngón chân cái sẽ cụng đầu vào nhau.Họ hẳn là hiện thân của một giai đoạn chúng ta, giai đoạn Giao Chỉ.
Tôi đã được ăn rất nhiều củ khoai vang nóng hổi, bươi ra từ bết tro của ông bà Hộ . Những trái chuối chát to lớn, chín ngọt có rất nhiều hột đen, như những hột tiêu, tôi cũng được ăn lần đầu ở đây, trong sự yêu mến của ông bà. Dù gì tôi cũng là một thằng bé trắng trẻo, dễ thương nhất của đám học trò thầy Y.

Một hôm đi học về, tôi vô cùng mừng rỡ, má tôi, chị Kim Anh và em Hân...đã có mặt tại nhà ông Viện. Hơn thế nữa, ngoài người cháu gái tên Bông của má, mà tôi đã biết. Má còn dẫn về cho tôi một người chị, con đời chồng trước, đã mất của bà. Đó là chị Hòa. Chị Hòa lúc này đã là một thiếu nữ.
Ba tôi cũng về đến nhà ông Viện ngày hôm sau. Dự định của ba má tôi là phải tìm mua một căn nhà, hoặc tìm đất dựng nhà. Tôi không rõ kế hoạch này được thực hiện ra sao, chỉ thấy vài ngày sau, má tôi dẫn chị Kim Anh vào lại Quảng Ngải, hình như để tính toán thu hết các món nợ trong đó. Cùng lúc, ba tôi phải sớm lo tìm cho được một mái nhà riêng.

Nhờ vào tháo vác hoặc nhờ vào những may mắn, chẳng mấy ngày sau, ba tôi xin phép ông Viện, dẫn chúng tôi đến một chỗ cư ngụ mới, trước mấy ngày má tôi cùng chị Kim Anh về tới Tiên Phước. Gia đình ba má chúng tôi chính thức tái lập nghiệp giữa núi rừng, nơi dung dưỡng nhiều loại thú qúi lẫn dữ tợn như rắn rít, cọp beo...
Khởi nghiệp của ba má chúng tôi là một ngôi nhà tranh khang trang trên một ngọn đồi. Ngôi nhà này ba má tôi đã mua lại của một người đàn bà, ở tuổi ba mươi, chưa chồng mang tên chị Bé. Chị Bé hình như cũng là con của một địa chủ không may, lâm vào cảnh toàn gia tuần tự qua đời. Chị Bé đã thoát bàn tay tử thần nhờ sự quyết tâm bứt ra, trồng đời riêng của mình trên một mạch đất khác. Chị Bé cũng đã tìm được tình yêu, Sau khi bán nhà cho ba má chúng tôi, chị Bé theo chồng lên tuốt Trà My.

Để có một nơi cư ngụ thoải mái, ba má tôi đã cho làm thêm một ngôi nhà mới, đứng cạnh ngôi nhà đã mua. Cả hai ngôi nhà gần như liền nhau, được lợp bằng tranh săn dày, một loại tranh tốt nhất, có khả năng chịu đựng mưa nắng trên mười năm. Tôi biết được điều này nhờ nghe lời bàn bạc giữa ba tôi và những người đến góp tay dựng nhà.
Tôi vẫn nhớ thật rõ nét cả khu nhà đã cưu mang tôi ròng rã gần sáu năm. Dưới mái tranh là những kèo cột bằng những cây tre ngâm vững chắc, kết lại với nhau hầu hết bằng những nút mây bền bĩ, dẽo dai. (Mây là một loại cây, mình giây, thân có nhiều gai rất nhọn, mọc nhiều trong rừng, ngay những con đường đi núi đã mòn nhẵn. Mây tươi được đốn về, rót võ và phơi để thành sợi dùng vào việc cột buộc. Những thân mây lớn còn được dùng để làm bàn, ghế hoặc rương, thúng vv...) Nền nhà bằng đất núi, nện cứng như một loại xi măng. Vách nhà không bằng phên nan, mà được dựng bởi những cật tre to bản, đan kín lại với nhau, sau đó trét cả hai mặt, trong, ngoài, một loại đất sét, để tạo cho vách nhà có độ cứng chắc như một bức tường gạch. Ba má chúng tôi không làm cửa chống lên, sập xuống để ra, vào như hầu hết những người khác. Cửa chính của nhà chúng tôi được mở đóng tương tự như những nhà xây dựng ở phố thị.
Như đã kể, nhà của ba má chúng tôi toạ lạc trên một vùng đồi, nên chúng gần như đứng trên nóc xưởng chè lớn nhất, đã ngưng hoạt động của Tiên Phước thời bấy giờ . Theo hướng cửa chính của khu nhà, xưởng chè Tiên Phước nằm rụt đầu ở phía trái vườn nhà chúng tôi. Để xuống vọc cát chơi quanh xưởng chè, tôi và Hân thường phải tuột một đường dốc đất. Cuối đường dốc này tiếp nối với một con đường mòn, hai bên mọc đầy hoa dủ dẻ, chen lẫn với các loại cây khác như ráy, duối, đùng đình...Con đường mòn này cũng dẫn tuốt xuống thị xã Tam kỳ, đi bộ hoặc bằng hai bánh xe đạp. Trước khi tuột dốc, xuống mặt đường mòn, cần phải qua một vạt đất, mà tùy theo mùa má tôi cho trồng sắn, khoai lang, hoặc Sam. Sam là một loại cây ăn củ, còn có tên gọi là Trút, nhưng củ mài thành bột gọi là bột bình tinh. Những danh xưng này là tiếng miền núi, có thể khác đi với những nơi khác, tôi không được rõ lắm.
Nếu cánh trái, chúng tôi phải tuột một dốc đất để đi đây đi đó, thì bên cánh phải chúng tôi phải xuống bằng một con dốc có bề rộng trên năm mét, toàn mặt dốc bằng đá tảng, chất chồng thoi thoải lên nhau. Sự gối đầu của những tảng đá có nhiều loại diện tích, nhưng có chung một màu trắng xám, không tạo những bậc cấp để bước mà chỉ lài lài xuôi xuống con đường lớn phía dưới. Dốc đá này đủ tiêu chuẩn để gọi là một phong cảnh đẹp. Bởi ở đây cây lá xanh tốt, luôn luôn phảng phất một mùi hương hoa, không nếm mà vẫn nghe được vị ngọt. Tuy vậy, chúng tôi rất ít khi xử dụng con dốc đá này, vì đến với nó mõi chân lắm. Và vào ban đêm gần như tuyệt đối không dám qua. Bởi dân địa phương cho biết, tại dốc đá này có nhiều loại rắn lớn và độc, đồng thời cũng là chỗ ngồi rình mồi của nhiều anh chị beo rừng.
đầu dốc đá có con beo lớn
tối tối ngồi chờ dọa người qua
mòn cả đít không ai qua lại
con beo buồn dỡn bóng trăng sa

(Ngày ở Núi - Trôi Sông)
Cũng ở bên cánh phải, tiếp giáp với mặt sân đất là những hàng cây chè tàu, chụm đầu với nhau thành một bụi cây dài. Đây là giang sơn của tôi và Hân. Chúng tôi đã khéo léo phát rỗng lòng bụi cây thành một cái động khá rộng rãi. Ngày ngày chúng tôi quét dọn sạch sẽ lòng động này, rồi trải trong đó một chiếc chiếu cũ. Những món đồ chơi linh kỉnh được đem vào đó cất giữ. Hiện diện trong động chè tàu của chúng tôi, còn có một vài con rắn mối mà chúng tôi thường cho ăn nên chúng lui tới thường xuyên. Về sau còn tăng cường một vài con gà giò, đó là thời kỳ chúng tôi nuôi ‘gà tự túc’.
Bụi chè tàu mát mẻ đó còn là một cái hầm lộ thiên trốn máy bay của tôi và em Hân. Không hiểu sao, khi ngồi dưới mái lá xanh mỏng mảnh kia chúng tôi vô cùng yên tâm khi máy bay khu trục của Pháp lượn gần sát bên trên. Và kỳ cục hơn nữa là chính má tôi cũng có lần chui vào đó với cả cái hòm đồ qúi gía của gia đình. Ngày tôi rời Tiên Phước, dù không biết trước sẽ không trở lại, tôi cũng đã đứng thật lâu trước cái vòm cửa rúc vào lòng bụi. Tôi chưa biết ngậm ngùi nhưng rõ ràng đã có một cái gì đó rất lạ trong lòng.

Bạn vàng,
Xin đừng trách tôi lẩm cẩm nghe. Viết, kể về một nơi đã sống, tưởng giản dị, dễ dàng, nhưng không đâu, nhất là đối với tôi. Cùng một lúc bao nhiêu hình ảnh sống dậy trong lòng. Hình ảnh nào cũng thân thương, cũng ruột thịt cả. Bỏ làm sao. Loại làm sao, những chi tiết vốn biết thở, biết cả nhớ nhung lẫn hờn giận. Rõ ràng tôi đang nghe tiếng khóc của một nhành quế. Rõ ràng tôi nghe giọng hờn lẫy của cái sân đất một chiều mưa phùn chớm xuân, còn lồ lộ những vết chân gà lúc thúc bên những nhành hoa cải. Bạn cho phép tôi nói tiếp nhé....

Hướng trước mặt nhà của chúng tôi, mở mắt ra đã gặp một dãi lụa sáng loáng. Sự lấp lánh hình như thay đổi mỗi ngày. Từ cái vàng ối, đến cái phơn phớt mở gà, ánh nắng ban mai tuyệt nhiên không bao gìờ giống nhau. Tôi cảm biết như thế. Tôi đã từng theo chân cái tảng sáng này nhiều lần. Và bao giờ cũng cảm thấy hụt hơi, để rồi sau đó đi luồng trong vạt quế, tiến sát đến bìa khu vườn, nhìn xuống quán hàng xén của bà Ngữ, một người cũng là dân tản cư như chúng tôi đến lập nghiệp.
Quán hàng xén của bà Ngữ không lớn, nhưng có bán nhiều thứ tôi ưa thích, chẳng hạn như những miếng bánh tráng hình tam giác, lớn cở bàn tay, có tẩm đường. Trên mặt chất ngọt nâu nâu là những hột đậu phụng rang, được đặt nằm dính cứng, không sát nhau lắm. Những miếng bánh tráng đó được gọi tên là kẹo đậu phụng, một món ăn tôi ghiền một thời. Cùng với kẹo đậu phụng là những bánh Khoanh, bánh Da dẽo, kẹo Ú...Mỗi thứ một ngôn ngữ riêng, luôn luôn lên tiếng rũ rê tôi hàng ngày. Những bữa cạn nhẵn tiền quà, tôi đứng dựa vào thân quế, nhìn xuống. Và một đôi khi, xòe bàn tay phủi sơ thân cây quế, kê răng cắn một miếng. Vị cay chưa chín tới, phần nào đã đánh lui chốt lát cái thèm ngọt đeo dính tôi đến sau này..
Trước mặt nhà như thế, còn phía sau ? Hai căn nhà của ba má tôi, đứng dựa lưng vào những tảng đá cực kỳ lớn. Có tảng đầu nó xấp xỉ ngang mái nhà. Chúng đã sống ở đây tự bao giờ ? Mãi mãi sẽ là một khối câm lặng ? Chúng không biết làm tình nhưng hình như thỉnh thoảng sinh con? Tôi đã nghe qua, nhiều vùng đá ở Tiên Phước có nhảy thêm những tảng đá con.
Sau những lần ăn những trận roi của má, tôi thường tìm ra với những tảng đá này. Dựa lưng chúng mà thút thít. Hoặc ngồi bệt dưới chân chúng, bức những ngọn cỏ đá (tên gọi của lá thuộc bài của chúng tôi thời ở Tiên Phước), một cách thô bạo, để rồi lơi tay dần dần, lòng cũng nhẹ theo. Cái ấm ức như tan biến. Sự vỗ về của đá quả nhiên kỳ diệu.
Tôi đứng cùng với đá
trên ngọn đồi thong dong
chúng tôi không ai nói
nhưng nghe nhau thì thầm

đá rằng đá không phải
hồn nhiên đứng ngàn năm
tôi rằng tôi không phải
sống suốt đời động tâm

đá rằng không phải đá
hạnh phúc một đời câm
tôi rằng tôi không phải
lăn miết đời long đong

(cùng đá Tiên Châu - Trôi Sông)
Giữa tôi và đá tảng luôn luôn có sự thông cảm mơ hồ, mặc dù sau này tôi nghiệm ra:
đá sống đời của đá
cây sống đời của cây
riêng tôi thích sống ké
vào cả vũ trụ này

(Ngắm Đá - Mời Em Lên Ngựa)
Cái vũ trụ ở sau vườn nhà tôi đang quá tải nhiều loại cây, đề huề sống bình đẳng với nhau. Bây giờ chúng vẫn tiếp tục sum xuê trong lòng tôi.
Mất vào đâu được, những hàng cau cao vút, thân thẳng, đầu lá xòe ra như một cái dù, xanh. Hương hoa cau là một mùi hương khó tính. Không dễ gì nó mang cái qúi phái của nó trao gởi qua đường cho một người vô tình. Đã mấy lần tôi nhận ra hương hoa cau ? Hiếm lắm. Tôi bình dị, tầm thường, nên chỉ hay nghe được những tiếng gió cù léc trong tàu lá. Hoặc thân mật hơn, buộc một cuống lá chuối quanh thân cau, rồi ngồi ngó những dòng nước mưa dông xuôi từ những tàu lá đến cuống chuối, đổ vào những bẹ chuối khác đã được kết nối như một máng xối đơn giản, dẫn nước mưa vào lòng ảng, lềnh bềnh cái gáo dừa dài cáng.
Mất vào đâu được, những cây mít sai trái, khô, ướt ngon ngọt. Lưỡi tôi đã bao nhiêu lần thâm đen vì dái mít chấm muối ớt . Cái vị bùi, chát, mặn, cay hòa hợp thật linh hiển. Tôi đã chằm, đã đội biết bao nhiêu mũ cánh chuồn bằng lá mít xanh. Dù chẳng bao giờ có một sân khấu giúp tôi diễn cảnh Lữ Bố hý Điêu Thuyền.Tôi mãi mãi không là một vị quan văn, võ, nhưng hoài hoài là một ông vua của tưởng tượng, hoài niệm.
Cùng với cau và mít, thấp bé hơn,ở sát mặt đất hơn, nhung nhúc những bụi Thơm, bụi Ráy lẫn lộn cùng những lùm Rau Sưng, Cải Tàu Bay, Vấp Cá....Tôi thành thật xin lỗi tất cả những loài cỏ hoa mà tôi quên, hoặc chưa kịp biết tên một thời ở vườn sau nhà. Xin các bạn khướu bạc má, bù chao lùm, bìm bịp, khách đen, vàng anh..tiếp tục hót, giúp tôi chia những lời xin lỗi, thăm hỏi thật đồng đều...Nhớ nhé, những con rắn lửa, những con rắn học trò cũng có phần....nhớ quá.

Bạn ạ, nói lung tung như vậy, bạn có biết được điểm đứng của căn nhà, nơi một nhánh ấu thơ tôi phát triển ? Thêm một vài chi tiết để tọa độ bạn chấm khỏi sai lệch nhé. Nhưng nhớ chỉ rót vào đó những trái đạn cối bằng mơ mộng và tình thương yêu.

Từ nơi cư ngụ của ấu thơ tôi, có thể nhìn thấy một cánh đồng nhỏ. Ở đó, ngoài những con cá lia thia lực lưỡng và nhiều màu sắc sặc sỡ, nép mình dưới chân một gốc mạ, hoặc giữa một nhúm nước bọt tròn tròn như bãi nước miếng, còn có những con rạm đồng với đôi mắt thao láo, thách thức, những con đĩa dài ngoằn đen nhánh, lượn lờ uyển chuyển. Tôi có cái hân hạnh được nhiều lần bị đĩa hút máu, nhưng không bỏ được cái run sợ, rùng mình bởi cái nhơn nhớp của thân thể loài đĩa.

Quanh đi, quẩn lại thì ra bạn đã biết cái vạt đất Tiên Châu của Tiên Phước ngày ấy. Một Tiên Phước mà tôi viết đi viết lại nhiều lần, vẫn thừa ra những cái vụng về và thiếu sót hàng trăm điều thân thiết. Mặc dù tôi vốn là một anh học trò đàng hoàng, ngay từ những ngày đầu đời. Bạn xem coi:
Theo với sự chuyển dịch của thời gian. Tôi đã theo học tại một trường tiểu học ở Tiên Hội. Tiên Hội chẳng cách Tiên Châu bao xa. Nhưng cùng với vài quyển vở đóng bằng giấy ‘tự túc’ vàng xỉn. Tôi còn mang theo một nắm cơm gói trong lá chuối. Rất kén ăn. Tùy tạng, khẩu vị không thích ứng được nhiều loại cá, mắn, nên tôi thường dùng cơn lạt nếu không có một cục đường đen, hoặc một trái chuối ăn kèm.
Ở lớp học, tôi bắt đầu có bạn. Và tính đi tính lại, nhớ tới nhớ lui. Tôi vẫn chỉ nhớ được một thằng bạn dộc nhất với tên Em A. Thật ra tên thằng bạn của tôi là Em, nhưng vì trong lớp có đến hai thằng Em, nên nó được tăng viện thêm một chữ A, để khỏi nhầm lẫn.
Thằng Em A láu cá hơn tôi nhiều. Nó tối dạ với chữ nghiã, nhưng mọi cuộc chơi nó đều xuất sắc. Nhờ bổ túc ưu điểm cho nhau, tôi thân nó, chắc vậy. Em A dạy tôi những trò chơi rất người lớn, như kéo quốc, săn chồn, đốt ổ ong...Hai đứa như cặp bài trùng, cùng bắt đầu đen thui vì da ăn nắng.và ốm nhom, ốm nhách vì lười ăn, lười cả ngủ.
Phong trào sinh hoạt công cộng được phát động. Đám học trò chúng tôi đều có mặt trong đội ngủ nhi đồng với phù hiệu là hình vẽ một búp măng non. Những buổi du ngoạn và những cuộc cắm trại được liên tục thực hiện. Nhờ những cuộc đi chơi xa này, tôi biết được nhiều nơi khác thuộc lãnh thổ Tiên Phước. Hình ảnh còn đọng lại bền vững trong trí nhớ của tôi là dòng sông Tứ Hòa.

Đây lòng một dòng sông tương đối rộng. Lưu lượng nước bất thường. Ban ngày mực nước thấp, người lớn có thể đi băng ngang sông. Nhưng ban đêm, nhất là vào giữa khuya, nước nguồn ào ạt đổ xuống sẽ cuốn đi bất cứ cái gì trên mặt sông, kể cả một con trâu to lớn. Nét đẹp của sông Tứ Hoà nằm dưới lòng sông. Một lòng sông được thiên nhiên lót toàn những đá tảng. Nước trong xanh, nhìn thấy được tận đáy cả nhưng con cá nhỏ bằng một lóng tay trỏ. Giống cá này màu đen, dẹp lép với cái bụng có chất nhựa, nên khi bắt chúng lên có thể ép dính ngay lên mũ đội như một huy hiệu rất ngộ nghĩnh. Cho đến bây giờ tôi cũng không rõ, có phải dòng sông Tứ Hòa ngày nọ của tôi thuộc một phần của sông Tiên, mà tôi đọc thấy trên sách vở ?
Ngoài sông Tứ Hòa, tôi còn đến được một vài vùng của huyện Trà My. Nơi có nhiều núi non hiểm trở và cũng giàu có thú dữ hơn Tiên Phước. Phải nhìn nhận rằng ở Trà My có những tảng đá thật dị hình dị tướng, nằm bên cạnh những tảng đá thật lộng lẫy, bằng phẳng, rộng như một mặt sân quần vợt.
Nhờ đến Trà My, tôi mới nhận ra Tiên Phước ấm áp hơn. Cái ấm không đo bằng khí hậu, mà đong bằng hơi thở của con người. Cỏ cây muông thú của Tiên Phước dường như nhờ tiếp xúc cận kề với một sinh vật thông minh, giàu tình cảm nên cũng dần dà trở nên hiền hậu, rạng rỡ ra.
Những ông ba mươi (cọp) nghe nói một phần lớn đã khăn gói di tản qua Trà My hoặc lên phần đất cao hơn nữa, những Hiên, những Giằng...mù mù khí độc. Tuy vậy vào đúng một đêm ba mươi cuối năm, tôi được mục kích tận mắt một cuộc săn bắt một con cọp ròng rã suốt ba ngày Tết Nguyên Đán.

Chuyện khởi sự vào tối hai mươi chín. Một chúa tể sơn lâm, không hiểu tình cờ hay cố ý, đã ghé thăm nhà một người dân bản xứ. Nhân thấy con heo mập mạp của chủ nhà định ngã thịt đón năm mới. Ông chúa tể cầm bụng không đậu, bằng xơi ngon lành mất nửa con heo. Số thịt còn lại, ông giấu dưới một hốc cây cách đó không xa. Cả gia đình người chủ heo, đều biết ngay sự có mặt đầy đe dọa của người khách rừng xanh, nhưng chỉ lặng lẽ cố thủ bằng những mũi mác, những mũi vụ bén ngọt, chờ cho đến rạng đông hôm sau.

Dẫu biết rằng ông trùm sẽ trở lại thu hoạch tiếp số thịt đã cất giấu. Nhưng quá cận ngày Tết, không thể đi mượn của người. Gia đình người mất heo đành phải xử dụng mấy cái bẫy heo rừng ngay tại khu vực có số thịt còn để lại.
Đêm xuống, Tiên Phước im lặng chìm trong hơi sương và khói đá. Hai cái lạnh từ trời từ đất gặp nhau giữa một thời điểm sắp sửa giao mùa, càng làm tăng sự ấm cúng, đậm đà của lửa bếp nồi bánh tét. Không mấy ai biết một ông bạn ba mươi đang đạp lần lượt hai cái bẫy heo rừng vào một chân trước, một chân sau. Với sức mạnh và tức giận có lẽ lên đến cực độ, con cọp thiếu may mắn đó, đã nhổ tung hai cái bẫy sắt, được đóng sâu trong đất núi bằng hai cái cọc sắt dài và băng chạy vào rừng, vốn nằm tiếp giáp ngay sau hè nhà.
Chiêng trống tức thì được gióng lên vang dậy một góc rừng. Tôi bung chạy đi xem, mặc dù ngay phút ấy, ba tôi từ nhiệm sở phơi phới bước lên thềm nhà, sau cả tháng xa gia đình.
Cũng như mọi cuộc săn trước. Nhân lực thiện nghệ của hai gia đình ông Viện và Cứ được tự nhiên huy động. Hai đàn chó săn hùng hậu của hai ông tức khắc được phối hợp, cùng nhiều lực lượng lẻ tẻ khác. Còi sừng trâu vo vo bay trong gió sớm. Mù sương và hơi đá núi tan dần. Cuộc săn đuổi được thực hiện nhịp nhàng. Những con chó hăng hái lầm lũi lao vào rừng xanh. Những tràng ‘đánh’ anh ách của chúng thỉnh thoảng nổi lên, báo hiệu chúng vừa phát hiện một con mồi nào đó. Nhưng tuyệt nhiên chưa tìm ra được dấu vết của con cọp.
Những người đi săn lành nghề, nghe hiểu ngay từng tín hiệu qua ngôn ngữ của đàn chó săn gởi vói ra. Sự khác biệt giữa những tiếng sủa bình thường và những tiếng sủa được gọi là ‘đánh’rất dễ nhận. Những tiếng ‘đánh’ này cũng được phân định khá chính xác giữa một con thú ít nguy hiểm và một con cọp dữ. Với một loài thú rừng bình thường như chồn, heo rừng, mang, nai, nhím...tiếng ‘đánh’ của chó săn thường dồn giả, quyết liệt. Với cọp, beo, tiếng ‘đánh’ngoài cái tích cực còn pha trộn những gầm gừ, thủ thế. Nhưng dù phát đi những tín hiệu nào, giọng ‘đánh’của chó săn cũng tạo nên những hào hứng tuyệt vời cho người tham dự.
Tôi cũng đã từng quyết tâm đổi một vài trận roi đòn của má tôi để được làm một cái đuôi của đoàn người đi săn. Nhờ đó một vài lần, sau khi cúng lưới, tôi còn được chia cho một ít thịt rừng. Dĩ nhiên sự chia phần này có được chỉ vì những người chủ chốt cuộc săn muốn tỏ ra hào sảng, hoặc tán thưởng một thắng nhóc rắn mắt, lì lợm.

Trở lại với cuộc săn ông Ba Mươi. Vào xế trưa, đàn chó săn đã phát hiện tung tích của con cọp mắc bẫy. Người ta bắt đầu giăng những cuộn lưới lớn chận đầu. Nhưng rừng quá rậm bước tiến đến con mồi khá khó khăn, có lẽ vậy. Những đòn bánh tét, những cái bánh ú, những ổ bánh tổ, cùng những bánh hộc, bánh nổ... được bày ăn chung ngay giữa lòng rừng. Rồi đêm xuống, lửa được đốt lên. Tôi theo sát lưng một người anh đã quen mặt từ hồi còn ở nhà ông Viện. Ngày hôm sau, con cọp chuyển qua một chỗ ẩn khác. Đàn chó săn không ngừng bám ‘đánh’ Một vài cây súng hai nòng, được công an mang đến. Nhưng vị trí chính xác của con cọp vẫn chưa được định rõ. Thêm một ngày nữa. Con cọp có lẽ đã đuối sức. Hắn đi dần xuống một sườn đồi. Lập tức người ta cho đốt rẫy tranh tiếp cận để vùng quan sát thuận tiện hơn. Nhờ sức gió, rẫy tranh chẳng mấy chốc trơ ra những gốc đen sát mặt đất. Con cọp đã được nhìn thấy. Hắn đang ở một khe suối. Thì ra hắn đang cần nước. Hai người công an lãnh phần hạ thủ. Nhưng vì khá nhát gan. Họ thậm thò, thậm thụt tiến tới, dội lui mãi. Đám thợ săn phải mở đuờng. Họ cầm những mũi vụ sắt bén hăm hở. Thú và người đã gầm gừ dằn mặt nhau. Hai tiếng nổ lớn chợt xé rừng vang đi. Con cọp to lớn gã bậc ngữa. Năm ba người trong đám thợ săn nhào tới. Bất ngờ con cọp vùng dậy, vươn tay chụp. Rất may động tác của hắn không còn nhanh nhẹn và thiếu sức. Một phát súng nữa kịp thời đưa những người thợ săn đến ghìm mũi giáo lên thân cọp. Họ mau lẹ bịt bốn chân con cọp bằng bẹ chuối tươi đem theo sẵn, và đốt trụi ngay những hàng râu ria của ông ba mươi.

Để đổi những lằn roi ngang dọc... ‘nhớ chưa, chừa chưa’ của má, lần đó tôi phải tình nguyện tham gia vào việc đạp chè lá. Thật ra, những lằn roi mây của má tôi lần đó rất nhẹ tay, hơn nữa hương vị mùa xuân cũng chưa kịp đi qua hết nên tôi thật bằng lòng với những gì mình đã làm.
Chắc bạn chẳng thể quên công việc đạp chè lá , nhưng hẳn bạn chưa hiểu vì sao gia đình chúng tôi thường làm những công việc này?
Sau khi ba tôi bắt buộc phải có mặt thường xuyên ở nhiệm sở, đã nằm cách xa nhà. Má tôi phải trực tiếp quán xuyền gia đình. Bà trở về nghề buôn bán cố hữu, dưới một dạng thực hành mới. Má tôi bắt tay vào việc thu mua và đổi chát các đặc sản của rừng như chè, tiêu, quế, cau khô... bằng cách đưa lại cho người tiêu dùng những vải kaki, thuốc ký nin, đá lửa...và những hàng lỉnh kỉnh khác. Nguồn hàng này, chính phủ Việt Minh xếp vào loại ‘xa xí phẩm’. Má tôi giao dịch, trao đổi với một bạn hàng đã lâu. Bà này người Việt nam có chồng Tàu ở Tam Kỳ. Công việc làm ăn của má tôi có khá nhiều vất vả. Bà phải dùng nhiều đến đôi chân. Phụ tá đắc lực của má tôi là Bông, con thứ của em gái má tôi. Ngày ngày hai dì cháu ra đi khắp các thôn xóm. Bông gánh một đôi bầu. Má tôi xách một cái cân tay bằng sắt không nặng lắm.
Hàng bán ra hầu hết gọn, nhẹ, Nhưng hàng thu vào đa số kềng càng, nặng nề, Mặt hàng thu vào nhiều nhất là tiêu, cau khô và chè lá. Ngoài chè khô, má tôi không ngại lấy cả chè tươi,sau khi thỏa thuận để cho người đổi hàng, gánh cả gánh đến tận nhà. Chính vì thế mới có việc cả nhà phải xúm vào đạp chè cho săn lại, trước khi đổ ra nong phơi nắng,
Những lần đầu, vò dưới bàn chân mình những ngọn lá xanh mát rượi, tôi cảm thấy dễ chịu. Mùi thơm của lá chè cũng rất đặc biệt, nó vừa nhẹ nhàng lại vừa nồng nồng, hăng hắc. Nhưng đã là một việc làm, khó có thể hấp dẫn một cậu bé như tôi được lâu. Một cặp chân thiếu chạy nhảy làm sao thích thú được.
Đạp chè đã vậy, nhưng uống nước chè có thú hơn không ? Trong vườn nhà tôi cũng không thiếu những cây chè xanh tốt. Chúng chẳng có chiều cao hơn tôi lúc này là bao. Một cái vói tay, tôi có thể ngắt được những đọt chè non nhất. Độ xanh của lá chưa đạt tới mức, hãy còn trong veo.Những đọt lá non này sau khi phơi, co rúm lại, còn rất ít so với số lượng của chính nó khi chưa khô. Nhưng pha nước sôi vào, chúng trở thành một loại trà uống thấm thía nhất. Chất chát đắng của đầu lưỡi tức khắc sẽ thơm trong miệng và cái vị ngọt dịu dàng thấm dần vào vị giác. Trời nắng, uống một bát nước nấu bằng những lá chè tươi xanh, càng đã khát.
Tiêu, quế và cả cau khô cũng được má tôi mua vào, rồi mang xuống Tam Kỳ đổi hàng đem về. Những chuyến đi Tam Kỳ luôn luôn có mặt má tôi. Nhưng những người được chọn đi theo cũng thường hay thay đổi. Ngoài việc thuê một phu gánh, cô cháu Bông cũng thường xuyên có mặt. Cái đuôi tháp tùng có lúc là chị Kim Anh, có lúc là chị Hòa và thỉnh thoảng cũng có tôi. Những địa danh như Cây Sanh, Cây Cốc, Chợ Được , Quán Rường...vv, tôi đã lượm bỏ vào trí nhớ mình qua vài chuyến đi khá mõi chân như thế.
Với Tam Kỳ, tôi còn đến được một lần do anh Anh, một công an làm việc tại nhà lao Tiên Hội, chở đi bằng cái xe đạp ngang, không porte-bagages của anh. 
Anh Anh là một thanh niên trẻ, vui tính. Anh đã có tình ý với chị Hòa tôi, nên thường hay lui tới nhà. Một hôm anh có việc phải xuống Tam Kỳ. Anh lên rũ chị tôi đi. Nhưng dĩ nhiên chị tôi từ chối, mau mắn tôi lên tiếng đòi đi theo. Để lấy điểm của chị tôi, anh Anh vui vẻ chấp nhận. Với tôi, đây là dịp đầu tiên được ngồi lên một chiếc xe đạp, dù chỉ ngồi trên một thanh ngang của sườn xe.
Đường từ Tiên Phước đến Tam Kỳ là một con đường đất, có chỗ thật hẹp, có chỗ rất rộng, xe hơi di chuyển được. Nhưng mặt đường lồi lõm, cọng với những đá sỏi, nên hai bánh xe đạp luôn luôn bị dằn, xóc. Với thế ngồi nghiêng, sức nặng của thân thể không là bao, nhưng giữ mãi một vị thế, trong một thời gian khá dài, cái mông bé bỏng của tôi, chỗ thì bị sườn ngang xe đạp đẩy lún vào, chỗ thì phình ra, ứ máu, mõi hết biết. Trong lúc đó, anh Anh vừa đạp xe vừa huýt sáo. Cao hứng anh còn hát vang giữa con đường vắng hoe. Hai ca khúc mà sau này tôi mới biết tên là Nụ Cười Sơn Cước của Tô Hải và Xuân Và Tuổi Trẻ của La Hối và Thế Lữ, tôi đã được nghe từ cái yêu đời của anh Anh trong lần đi Tam Kỳ đó. Và không chừng đó là khởi điểm bắt đầu mê nhạc của tôi.

Tại Tam Kỳ, lúc bấy giờ, tôi có một người chị cùng cha khác mẹ đang cư ngụ. Chồng chị tôi, một ông cai lục lộ, chạy giặc, đang làm nghề đóng dép râu độ nhật. Cửa hàng sập xệ của vợ chồng chị tôi được mở gần sân vận động Tam Kỳ. Tuy đã đến Tam Kỳ, nhưng tôi chỉ đứng trên con đường nhựa, chạy ngang qua cửa sân vận động, ngó mông về hai hướng đường rồi thôi. Quang cảnh vắng vẻ, buồn xo còn hơn Tiên Phước của tôi.

Trở lại việc buôn bán của má tôi. Hình như thỉnh thoảng bà vấp phải những trục trặc. Có một lần người lên giao hàng cho má tôi bị tịch thu. Không rõ người giao hàng này có phản ánh câu ca đương thời: 'đầu phồng đá lửa, ruột chữa ka ki' hay không, mà bị bắt. Khoảng một tuần sau, má tôi bị mời lên cơ quan huyện để nhận lại. Sự can thiệp của ba tôi, có kết quả tốt.
Cơ quan huyện lúc này đặt ở Chợ Mới. Tôi được má tôi cho đi theo bà và con Bông. Một rủi ro khá thú vị đối với tôi xảy ra trên đường đi. Khu trục cơ của Pháp bất ngờ tấn công Chợ Mới. Thường thường những cuộc oanh tạc của Pháp đều được thực hiện sau mấy vòng bay thám thím của máy bay ‘bà già’nhưng lần này Pháp bức giai đoạn. Khi chúng tôi sắp bước vào địa phận Chợ Mới, đã phải hoảng hốt chui vào một lùm cây bên đường trốn đạn. Những trái rốc kết nổ khá gần. Tôi nghe được những mùi cháy khét. Và qua vòm lá thưa, tôi thấy rõ cảnh máy bay đảo lượn. Chiếc khu trục chúi đầu xuống, rồi nhấc mình lên, sau đuôi nó lóe lên những lằn lửa, xé trời. Cũng có lúc chiếc khu trục nghiêng cánh bên này hoặc bên kia nhã ra những luồn khói trắng, thật ngoạn mục. Mọi sự tàn phá hung hãn hình như thường tạo ra những cảnh hùng vĩ, những cái đẹp gian ác.
Thiệt hại trong cuộc khủng bố của Pháp không đáng kể. Đó là báo cáo tôi nghe lóm khi đã đứng xớ rớ ở trụ sở huyện. Ông cán bộ Việt Minh, coi bộ rất nông dân, ngồi chồm hỗm trên mặt bàn nói chuyện oang oang qua điện thoại. Đây cũng là cơ hội đầu tiên, tôi nhìn cái điện thoại một cách thích thú. Nó đen thùi lùi và rườm rà giây nhợ. Hình như có đến hai cái vòi cách khoản nhau. Một cái để bên tai, và một cái kê ngay trên môi...tôi không nhớ rõ.
Hàng của má tôi nhận lại không đủ số nhưng còn hơn không, má tôi trên đường về. nói vậy. Và khi đến nhà, bà cho tôi một quyển vở, một trăm trang, giấy trắng bóc, có kẻ nhiều hàng nhỏ trong những hàng kẻ chính. Bìa quyển vở có hình một thằng Tây đen. Thằng tây cao to, mặc quần đùi, tay cầm cái vợt cá, trong tư thế chờ đỡ một trái mù u, Dưới hông thằng tây có một tấm lưới giăng ngang. Sau này tôi biết đây là hình ảnh một người đang chơi quần vợt.

Cuộc làm ăn của má tôi có vẽ thu nhập khá. Bạc tín phiếu từng bó được má tôi bỏ trong lòng một cái rương lớn, có bốn bánh xe, đẩy đi được. Cái rương này cũng là cái phản của tôi, em Hân, chị Kim Anh ngủ hàng đêm. Cái mền hai màu vẫn đi theo ba tôi, nên lúc này chúng tôi phải đắp chiếu để ngủ. Tôi ngắn đòn nên không có vần đề gì. Mấy chị tôi thì luôn luôn bị lạnh chân hoặc lạnh đầu, nếu không muốn phải nằm co cả đêm. Một câu đố tả thật đúng cảnh đắp chiếu , tôi còn nhớ : thụt thò , thò thụt, chẳng thà , nằm co,không thèm, thò thụt

Cuộc sống hằng ngày thiếu hầu hết các tiện nghi. Nhưng khí hậu Tiên Phước không độc địa như những tin đồn, thêu dệt từ trước, Có lẽ vì thế, nên tôi có thêm một bà chị cùng cha khác mẹ vào lập nghiệp. Đó là chị Bảy, vợ anh Võ Quảng, người chiến sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng đã Pháp xử tử năm 1945 tại chân núi Phước Tường Đà Nẵng, cùng nhiều đống chí của anh..
Anh Quảng mất để lại một cháu gái tên Võ thị Diệu Phương, nhỏ hơn tôi chừng vài tuổi. Cháu Phương cũng theo mẹ đến với gia đình chúng tôi. Một trùng hợp không hẹn, anh ruột má tôi, cậu Phòng, người có đứa con trai duy nhất đi bộ đội, ghé vào thăm, và cũng mang vào gởi cho má tôi một người con của một bà dì khác là chị Dần. Gia đình chúng tôi trở nên đông đúc, nhưng nhờ công việc làm ăn của má tôi còn trôi chảy, nên những sự hiện diện bất ngờ này được xem như là tăng cường nhân công.

Chị Dần là người lớn tuổi nhất trong bọn. Chị đến nhà mang theo những vui nhộn, vì bản tính ưa sinh hoạt văn nghệ của chị. Chị tham gia diễn kịch cùng mấy anh công an trong vùng. Chị cũng rũ luôn chị Kim Anh xuất hiện trên các sân khấu lộ thiên giữa sân vận động Chợ Mới, với những bài tình ca yêu nước.
Ngoài những sinh hoạt và việc làm thường ngày, các chị tôi còn tổ chức đi móc củi, hái chà là, hái sim. Tôi có mặt thường xuyên trong các cuộc vô núi này. Những nhánh củi tôi lượm nói lên rất đúng nghĩa chữ mót. Bởi vì đó chỉ là những nhành cây khô thật nhỏ, bị chê bỏ, vứt rải rác dọc đường núi. Cái chính của tôi trong các chuyến đi cũng không phải là những trái sim, không lấy gì làm ngọt, cũng không phải là những trái chà là chát ngầm, mà là những anh khướu bạc má thật dạn dĩ, hót quá hay. Tôi luôn luôn ao ước được nuôi một con, như nhà ông Ruộng, một người dân cùng thôn, đang nuôi. Con khướu của ông Ruộng, khôn đến độ thả bay quanh quẩn trong vườn, nó còn biết cả việc giữ nhà, ngoan ngoản nhưng hung hăng không thua gì một con chó.
Sự có mặt của chị Dần, chị Bảy, đã giúp tôi và chị Kim Anh mất dịp đi khiêng nước. 'một cái thùng con con, một đoạn tre nho nhỏ...' đã sớm giã từ chúng tôi. Và cái hình ảnh thân thương:
‘giếng trong xanh nước mát
uống lưng một vành gàu
chị múc em đứng hát
nắng chiều vàng tàu cau..
.’
(Khiêng Nước - Ngơ Ngác Cõi Người)
đã sớm trở thành những chồi kỷ niệm, có da có thịt, ngủ kỹ trong tôi, cho đến sau này...
Song song với việc đem không khí nhộn đến với gia đình chúng tôi, chị Dần cũng thường hay tặng má tôi những bực mình vì bản tính khá ngang bướng, và gần như chẳng sợ ai của chị. Một hôm đi tham gia văn nghệ về, chị mang theo một vạt áo đầy trứng vịt. Một bữa ăn trứng luộc thật hả hê dưới con mắt soi móc, nghi ngờ của má tôi. Mọi việc không đổ vỡ ra bên ngoài. Nhưng chị Dần bị má tôi chửi cho một trận nên thân, bà còn hăm sẽ đuổi về Vĩnh Điện. Thì ra chỉ một ngày sau, má tôi biết xuất xứ số trứng mà chị Dần có. Đó là số trứng chị tình cờ ăn cắp khi đi ngang qua vườn ông Cứ. Vốn là vịt thường có thói quen đẻ vào ban đêm. Vườn nuôi vịt của ông Cứ nằm sát đường đi. Chị Dần chỉ việc thò tay qua một hàng rào sưa là lượm được vô số trứng rớt dọc theo hàng rào. Một lần khác, chị Dần còn xúi tôi bắt trộm gà nữa. Thật ra nói bắt trộm thì không đúng hẳn. Bởi vì hôm đó trời bất chợt đổ mưa dông lớn. Những con gà đều tụ tập vào hè nhà để núp mưa. Tôi không rõ tại sao các vách nhà của chúng tôi, chung quanh đều để hở khỏi mặt đất chừng nửa gan tay người lớn. Những con gà đứng núp mưa phơi cả những cặp chân rất rõ ràng. Và việc nhìn một cặp chân gà lạ với chân gà nhà không khó lắm. Tôi đã thò tay qua vách nắm gọn một cặp chân gà theo xúi bậy của chị Dần. Cũng may con gà đó lớn xác quá , không lôi lọt vào được, nên tôi kịp thời thả ra. Chị Dần hôm đó đã mắng tôi : 
- đồ ngu, gà rừng mà sợ chi ai, sao lại thả...
Tôi ngớ cả mặt, không cải lại chị, dù tôi biết chắc, không khi nào gà rừng xuống đứng nấp mưa chung với gà nhà bao giờ. Con gà đó của ai cũng khó biết. Vì hai căn nhà của ba má tôi nằm cách với các nhà hàng xóm ít ra nửa cây số. Xa ngót một tiếng kêu, không tới, nói theo lối dân địa phương.
Chị Dần cũng còn là cái gai trong mắt chị Hòa tôi. Bởi hai bản tính đối nghịch hẳn nhau. Chị Hòa đã trầm lặng càng âm thầm hơn khi ngã bệnh đau màn óc. Chị phải bỏ dở việc học ở trường huyện. Chị khóc lặng lẽ mỗi ngày, tôi biết thế, nhưng vô phương chia xẻ được với người chị tôi yêu mến nhất này. Giúp chị, tôi cùng chị Kim Anh thường lên chợ Mới mua óc heo về cho má chưng cách thủy để chị ăn cầm hơi.
Căn bệnh ngặt nghèo của chị Hòa xô gia đình chúng tôi vào một ngã rẽ. Riêng tôi, mặc dù lúc này tôi đã có thêm một vài người bạn học. Cụ thể như anh Phương khùng, chơi bóng chuyền rất hay. Thằng Thảng, đá kiện lông gà một cây. Thằng Đó nắm bắt trái ươi bay rất giỏi...Ngoài bạn trai, tôi còn quen được một vài đứa con gái cùng trường. Đã thế còn thấy thinh thích các con tóc dài, da trắng đó nữa. Có đêm tôi ngủ chiêm bao thấy em Cúc mắt to, tóc bum bê, đã đóng vai em Ríp trong một vở kịch truyên truyền chống Pháp. Có đêm tôi mơ thấy Nguyễn Thị Thanh Thận, với má núm nính, cái miệng chúm chím cười thật là ngọt. Thanh Thận là em gái bà con của Anh Phương khùng, Thận còn có người em gái, mang tên thật đẹp Nguyễn Thị Lạc Giao. Bây giờ những người tản cư lên Tiên Phước đó đang ở đâu ? Hoa Kỳ ? Canada ? Pháp ? Uc ?....

Chị Hòa thân yêu của tôi, đã ra đi vào một chạng vạng, ngay lúc một con Cú ghé đến đầu tảng đá sau nhà, kêu lên vỏn vẹn đúng ba tiếng ‘cú, cú, cú’. Cú kêu ma ăn. Một tương truyền đầy mê tín ở Tiên Phước thời đó. Đây là một chi tiết gây cho tôi nhiều hoang mang. Bởi vì không ngờ đây là một sự linh ứng có thật, nhắc lại tôi còn thấy ngỡ ngàng, rùng mình. Sự huyền bí trong cuộc sống ít ra đã có mặt trong lòng tôi.

Cái chết của chị Hòa tuy đã được mọi người biết trước. Nhưng rồi những hụt hẫng, đau xót vẫn ập tới sâu hút. Ngay em Hân tôi, một cậu bé hoàn toàn chưa biết gì cũng không cầm nổi cái que, đào khoai mụt, một thú chơi đắc ý và thường xuyên của nó, trong suốt mấy ngày .
Tang lễ ma chay cho chị Hòa đơn giản. Mộ chị nằm một góc bên con dốc đá có nhiều nguy hiểm về ban đêm như tôi đã kể trên.

Chiến cuộc chợt sôi động hơn. Tiếng máy bay bà già, L19, không còn giúp tôi nằm buồn, thả lòng đi theo những tiếngu..u..nữa. Những con rắn rồng vào nhà bắt chuột cũng tự do hơn, không bị tôi xua đuổi . Cả những con ve cũng không còn bị cây sào gắn mũ mít của tôi thăm hỏi. Tôi thường nằm dài trong bụi chè tàu ngó quanh, và một đôi khi lượm ngay ở đuôi mắt mình một giọt nước, chẳng biết tròn hay vuông.
Cũng sau cái chết của chị Hòa, chị Bảy tôi gởi bé Diệu Phương cho chị Kim Anh. Chị lội bộ về vùng bị chiếm để thăm mẹ lớn tôi, vẫn đang ở tại Liêm Lạc Hòa Đa, Hòa Vang. Chuyến đi của chị không cho ba tôi biết. Nhưng non một tháng sau, ông từ cơ quan hối hả về, và đau xót cho má tôi hay chị Bảy đã bỏ mình trên biển Hà Quảng. 

Chỉ trong một tháng tôi mất liền hai người chị. Dù có khờ dại đến đâu, dù có vô tư đến cở nào, tôi cũng thấy ra quanh mình sự trống vắng lạnh lẽo.
Hình như đã có kế hoạch, sau một đêm bàn luận thì thầm với má, ba tôi ẳm em Hân hôn thật lâu, rồi dẫn tôi, chị Kim Anh cùng bé Phương ra đi. Má nói với theo trong tiếng khóc:
- Tìm xác con được rồi, ông nhớ dẫn mấy đứa nhỏ về sớm !

Đúng, chúng tôi tìm đến biển Hà Quảng, nhận nấm mộ của chị Bảy qua những chi tiết được dân biển ở đó kễ lại. Những ngọn hương mua vội, cắm vội lên mặt cát. Ba tôi không khóc một tiếng nào. Tôi cũng lặng yên. Chỉ trên mắt chị Kim Anh nhem nhuốt . Ngoài gió và nắng hình như còn một cái gì cày trên mắt chị Anh. Tôi không muốn nhận ra. Chị thả lõng hai bàn tay trên vai mỏng mảnh của bé Phương. Ánh mắt nó sao mà trong quá. Con bé đã mất cha vừa mới mất thêm một nguồn sinh lực. Hình như nó biết cả, nhưng nó chỉ dúi cặp chân trần nhỏ xíu xuống cát biển một cách lặng lẽ, cam chịu. Phải chi nó khóc lên một tiếng. Ông ngoại nó đang thừa hai tay, người cậu tí hon của nó đang thừa hai tay..Biển lặng trời vắng cả những đám mây trắng nhất.

Chúng tôi đã không quay trở lại Tiên Phước, như lời năn nỉ. vói theo của má. Ba tôi đã hiểu ra: “chú phỉnh tôi rồi chính phủ ơi’, Chú khiêng tôi đến chiến khu rồi, Thi đua chi đó thua đi mãi. Kháng chiến để rồi khiến chán thôi”, Ông lập tức cho chúng tôi có cơ hội biết mùi say sóng biển, cho chúng tôi có cơ hội chạy không bén gót trên nền cát lún, nóng sôi dưới ánh mặt trời. Chúng tôi tìm về quê nội.

Tôi đã bỏ Tiên Phước mà đi như vậy đó. Và đi , đi mỗi ngày một xa, đi miết không một lần trở lại.
Căn nhà của má tôi sau đó là nhà lao Tiên Hội. Tội danh của bà được thành lập bởi mặt trận Việt Minh: buôn lậu, có chồng Việt Gian, đào tẩu về vùng địch.
Căn nhà của em Hân tôi sau đó là những tấm lòng rộng mở của những người con dân chân chất Tiên Phước.

Cho đến một ngày của năm 1954, Ba má tôi đã trở về được với nhau. Bài đường thi của một ông phán ngày nào, ném vào lòng một chiếc nón của một cô bán cơm tháng, chừng như vẫn còn ngọt ngào âm vận.

Nhưng không lâu, má tôi lại vội vã trở về với đất Đà Nẵng, vào năm bà lên 54 tuổi. Khuất mặt nhưng má tôi chưa hề chết, bởi vì tôi may mắn, biết gìn giữ thân xác của bà đã mang nặng đẻ đau. Tôi còn đang được hít thở, còn đang săm soi lại tất cả những vui buồn vẫn mới tinh khôi. Và má tôi vẫn lộng lẫy ngồi trong tôi. Dễ chừng trên bàn tay xinh đẹp của bà còn nhịp nhịp ngọn roi mây.

Ba tôi cũng đã về với đất Đà Nẵng, năm lên 84 tuổi. Nhưng cũng như má, ông đã chết đâu. Mỗi chữ trên tay tôi ươm xuống, đều có ông tham dự, đều có ông hân hoan khuyến khích. Cuộc đời tôi đã dài gần chấm mút sáu mươi năm, trí nhớ kỳ diệu không phai nhạt một góc cạnh nào, nhưng tôi không nhớ nỗi, ba tôi đã có lần nào làm đau thịt da tôi chưa, dù một cái búng tai ? Rõ ràng là chưa. Chưa bao giờ ông biết đánh phạt con.

Chị Kim Anh của tôi giờ vẫn còn ở quê nhà. Một người chị tài hoa nhiều mặt trong sinh hoạt trình diễn, đã không đi được đến đâu. Chị đã mất dịp lâu lâu hơi cau có và cũng chẳng còn mỗi lần chị nói bị em la nữa. Chị vẫn trông thư mỗi ngày, Nhưng tôi chưa cai được cái lưới biếng viết thư, nhất là viết cho những người thân yêu.

Em Lê Hân của tôi thì may mắn ở rất gần tôi. Chỉ sáu tiếng trên đường trường để thấy mặt. Nhấn mười một con số là nghe ra tiếng nhau. Em bỏ quên quá lâu cái thời lăm le đến với những trang Tuổi Xanh, giờ chừng như muốn bắt đầu lại. Em cười nhiều hơn nói. Anh em tôi gặp nhau cái điểm này...
Còn cô cháu, Võ Thị Diệu Phương, nàng dâu của ông chủ tiệm thuốc bắc Mặt Trăng Đà Nẵng , rong chơi những đâu kể từ 30 tháng tư năm 1975 ? Cháu đã nghe một tiếng gọi từ biển ? Giòng họ mình vốn kỵ nước, nhất là biển, cháu không nhớ sao ? Cậu vẫn nuôi hy vọng và chờ đợi, trong một đêm mơ mơ màng màng nào đó, có tiếng điện thoại reo, cậu vói lấy ống nghe, và lặng đi: 

- Cậu Châu đó hả, cháu Diệu Phương đây.

Hãy gắng gọi cho cậu, dù cháu đã gặp được mẹ cháu từ một cõi xanh thẫm, bát ngát... Phương ơi !

Và Tiên Phước, một nhánh ấu thơ tôi, vẫn thơm xanh một góc đời:

bốn hướng mù mù mây giáp đất
thọc tay xuyên thủng, xé không ra
ngùn ngụt khí hàn trồi mặt đất
máu tưởng chừng như đọng dưới da

rừng dạy cây vươn cành tự tại
chen vai dựa bóng thở vào nhau
nghìn năm chuyển bước không dợn nét
âm thuần, dương chuẩn tận ngàn sau

hương núi lừng lừng nuôi hổ sói
đá chồng đá dưỡng dế giun sinh
mạch suối man man dòng nhạc tấu
chim gọi tình nhau âm tái sinh

Tiên Phước đội trời nghênh ngang đứng
tôi chào ra mắt thuở lên năm
lòng như vạt đất mời cây mọc
xin gọi lại một lần, thay viếng thăm:

cây quế, cây tiêu, cây đủng đỉnh
cây ưi, cây ráy, cây dầu lai
cây mây, cây sơn, cây lật mất
rau sưng, rau má, cải tàu bay....

còn bao tên gọi không kịp nhớ
vẫn trổ hoa trên gót chân ngày
lòng như nhánh đậu cho chim hót
thả giọng lại xem những cánh bay

bìm bịp, cú mèo, vàng anh, khướu
họa mi, chất quạch, sáo, bù chao...
những tiếng hót vàng chưa tên gọi
đang thổi âm thanh đến cõi nào ?

lòng như ổ ấm trùm muôn thú
mái gầm, bò cạp, vắt, đĩa, mang...
hiền lành, hung dữ đề huề sống
ngôn ngữ riêng : chung một diễn đàn

lòng như thảm bạch mời ông lão
búi tóc tròn vo một củ hành
hai ngón cái chân còn quay lại
tìm nhau trong bước ngại đi nhanh

Tiên Phước ôm tôi năm bốn sáu
xưởng chè rộng bỏ gió tan hoang
úp lưng trong mái đình Tiên Hội
tôi vẽ i tờ xuống mấy trang

củi lượm mấy que dồn cho chị
chà là mấy nhánh bẻ cầm tay
trái sim mập ú như bụng nhộng
vui miệng lai rai cắn cả ngày

đi xuống đi lên đồi tiếp núi
con đường dủ dẻ gọi bâng quơ
sông Tứ Hoà xanh lòng đá lát
ba năm nằm chưa nổi bao giờ

Tiên Phước buồn ơi, tôi đã bỏ
con cá lia thia, con rạm đồng
con gà tự túc lông chưa đủ
sấm chớp ào ào chiều mưa dông

tôi đã đi rồi, tôi xuống núi
một lần ghé lại cũng đành không
bom có dội nhằm vào bụi duối
lòi con rắn mối thuở tôi chôn ?
Luân Hoán



Ghi thêm :

Đoạn viết về Tiên Phước trên đây, được một ít người đọc.Trong ít người này, có vài người liên lạc với tôi. Trong vài người này, có người chính hiệu Tiên Phước gởi thư ‘nhắc’ lại một số chi tiết nhớ sai của tôi, thật là một niềm vui không nhỏ. Tôi thành thật cảm ơn anh Nguyễn Hùng Phi, một người viết báo, hiện ở xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước Quảng Nam, đã sốt sắng nhắc lại cho.
Tôi cũng không quên ơn bà Nguyễn Thị Khâm, anh Võ Tuấn tại Toronto và Hoa Kỳ, đầu mối trong việc liên lạc hiệu đính này. Và để bạn đọc cùng rõ những điều tôi nhầm lẫn, xin anh Hùng Phi cho tôi được trích một vài đoạn trong thư của anh.

Thành thật cảm ơn,


Tiên Phước, ngày 12-4-2002-05-01

Kính gởi bác Châu

....................

Thưa bác, nơi mà ngày trước ông thân sinh của bác đã cõng một cậu bé 5 tuổi đến đó và để rồi sau một giấc ngủ vùi, bác đã nhận ra ‘chúng tôi đang ngồi giữa lòng một mái đình’Nhưng thực tế đó không phải là mái đình, đó là nhà thờ vị tiền hiền (tức là người đầu tiên khai sinh ra khu đất nơi đó) của thôn Hội Lâm. Bởi lẽ theo tìm hiểu của cháu thì ở Tiên Châu này chỉ có nhà thờ tiền hiền Hội Lâm mới có cái tượng thờ như bác đã nhớ rõ. Rất may khu nhà thờ này nay còn sót lại một gian chính. Nhưng đã xuống cấp trầm trọng. 
Ngôi nhà thứ hai mà bác gọi là ngôi nhà ma thì đến nay hoàn toàn mất. Nó chỉ còn lại một khu đất mà nay người ta đã chiếm dụng làm vườn cây trồng quế, sắn, khoai ..vv..Chủ nhân ngôi nhà ma đó tục danh là ông Cửu Bảy. ‘Vườn ông Cửu Bảy lắm qủy nhiều ma’ngày nay người ta vẫn đồn như vậy.
Còn ngôi nhà thứ ba mà bác còn nhớ, đó là nhà ông Viện, bây giờ cũng còn một căn chính, và nó cũng không còn nguyên vẹn như xưa. Bởi các đợt dội bom năm 1972 làm sụp đổ phần gát gỗ và xuống cấp nhiều. Còn hai gian nhà ngang, mà trong đó có một gian là chỗ ở của bác ngày xưa, thì sau 1975 con cháu cụ Viện đã bán đi để mua gạo nhằm đối kháng với sự nghèo đói..
.....Nhân đây cháu cũng xin tự giới thiệu đôi nét về mình để bác rõ Cháu là cháu của cụ Viện. Gọi cụ Viện bằng ông Cố. Ba của cháu tên Chiêu - tuổi Mẹo (Kỷ mão), nếu còn sống thì nay cũng ngang cở tuổi bác. Theo cháu nghĩ: nếu bác đã ở căn nhà ngang của ông cố cháu thì ít ra bác và ba cháu cũng đã đôi lần chơi chung với nhau thuở ấy, nhưng có lẽ vì ’49 năm xuống núi’ nên bây giờ bác đã quên.
Về ngôi trường đầu đời mà bác đã đến thì đó chính là một ngôi nhà ngang của khu nhà vị tiền hiền đất Hội Lâm chứ không phải là cái đình làng như bác hồi tưởng. Vì ở đây nơi đây ngày ấy mới có cặp vợ chồng già, mà ông cụ có một búi tóc nhỏ xíu..có hai ngón chân cái bè ra như người Giao Chỉ. Tục danh của cụ ông là ông Trườu. Còn ông bà Hộ có nghĩa là người giữ nhà thờ- thủ hộ tức giữ nhà nên người ta gọi là ông Hộ vậy. ông này hiện nay đang còn có cháu nội vẫn sống ở xứ sở này.
Còn thầy Y thì bây giờ đang ở Hoa Kỳ. Thầy sang Hoa Kỳ cách đây 4 - 5 năm theo chương trình H.O.
Lần tìm theo cái dốc đá, rồi tảng đá lớn, thì ngôi nhà thứ tư mà bác ở cùng với gia đình thì hiện nay cái dốc đá đó không còn nữa nó đã trở thành một con đường bê tông rộng 1,5 mét. Duy cục đá vô tri ấy thì nay vẫn còn.
Còn cái quán của bà Ngữ ngày nào thì bây giờ là một phần của khu vườn mà chủ nhân chính thức của nó bây giờ cũng đi theo diện H.O sang Hoa Kỳ rồi....
...Vâng, dòng sông Tiên ngày nay là dòng sông Tứ Hòa ngày xưa đó bác. Theo lịch sử thì ngày xưa ở tổng Tiên Hội gồm có 5 thôn là : Hội An, Hội Lâm, Thanh Bôi, Thanh Sơn và Thanh Trung. Sau này Hội An và Hội Lâm nhập lại gọi là Tiên Qúy. Còn bên kia sông gọi là Thanh Bôi.Sau đó sát nhập lạ i- Thanh Bôi và Tiên Qúy- gọi là Tứ Hòa; rồi Tiên Châu, Phước Hòa và bây giờ là Tiên Châu

...............

Nguyễn Hùng Phi

  Trở lại chuyên mục của : Luân Hoán