LƯƠNG MINH
 

NHỮNG BẠN VĂN Ở HÀ NỘI

Năm rồi, tòa soạn Thời báo Tài Chính kêu ra Hà Nội dự kỷ niệm 30 năm thành lập báo. Tôi ra Hà Hội công tác sẵn dịp thăm bạn bè bấy lâu biết mà chưa lần gặp mặt. Đầu tiên là gọi Đặng Xuân Xuyến, nhà thơ trẻ thường gửi bài cộng tác với trang web của tôi. Xuyến nghe tôi ra vui vẻ hẹn chỗ gặp là quán cà phê Lốc ở  phố Thiền Quang, nơi người bạn tôi đã giới thiệu.

Đặng Xuân Xuyến thường gửi các bài thơ mà em sáng tác. Hay dở tôi không dám phê vì đây không phải là lĩnh vực của tôi, nhưng xem ra các trang web và nhiều tạp chí ở nước ngoài như Ngôn Ngữ, Văn Học Mới thường đăng các bài thơ của Xuyến. Đặng Xuân Xuyến (ĐXX) gửi cho tôi hai tập thơ, một về văn hóa tâm linh. Được biết, trước đây ĐXX có làm nghề xuất bản sách, nhiều sách về Tín ngưỡng dân gian, tử vi,  kiến thức về tình yêu đã được viết và đưa ra thị trường. Xuyến nhỏ hơn tôi hơn một giáp, nhưng sức làm việc của em rất đáng nể. Lãnh vực nào em cũng am tường, có lẽ vì làm việc quá sức nên em bị thoái hóa cột sống, ngồi lâu chẳng được. Anh em trò chuyện chưa được một giờ thì em phải kiếu ra về, tôi chưa kịp trao đổi với em về việc in sách mà tôi rất muốn biết. Tôi nghĩ, tới đây sẽ trao đổi với em qua điện thoại, giờ thì gặp mặt rồi không còn chi e dè.
Xuyến ra về, tôi ở lại trò chuyện với chủ nhân cà phê Lốc, người có nick name là Sở Vương. Cô có mối quan hệ rộng trong giới mỹ thuật. Ngồi trong quán, tôi được quen với  vài họa sĩ là khách hàng, bạn bè với cô. Đa số tranh được treo trong quán là do cô mua, trò chuyện với Sở Vương mới thấy kiến thức về mỹ thuật rất sâu, một phần do cọ xác với thực tế, trao đổi với các họa sĩ hàng ngày, vào Nam ra Bắc để sưu tầm tranh có giá. Ở kệ sách tôi thấy rất nhiều sách về Mỹ thuật trong nước cũng như trên thế giới.

Trò chuyện với Sở Vương tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy cô quen biết với nhiều nhà thơ nhà văn ở Quán Văn như Liên Tâm, Hoàng Khởi Phong, Lê Triều Hồng Lĩnh chứng tỏ ở lãnh vực thơ cô cũng quan tâm. Ở phòng tranh tại Lốc tôi thấy rất nhiều tác phẩm từ họa sĩ danh tiếng đến họa sĩ trẻ, từ tranh treo tường triển lãm đến những tranh gỗ to bằng quyển vở. Loại nào Sở Vương cũng có một ít treo đầy các phòng, nếu tính giá trị không biết cơ man nào mà tính.


Ở Sài Gòn tôi có quen với Lê Khanh tại chợ đồ cổ đường Nơ Trang Long, em chuyên mua bán tiền xưa. Ra Hà Nội, tôi nói với Lê Khanh chú muốn tìm người chơi tiền xưa như cháu. Thế là Khanh giới thiệu với tôi em Lê Thái Dũng, vậy là hẹn ngày mai gặp ở quán cà phê Tẹo đường Văn Cao.
Gặp nhau, Thái Dũng gửi liền cho tôi 6 quyển sách về lịch sử như: Các vua triều Lý; Chuyện hay trong lịch sử Việt Nam; Chuyện kể chốn hậu cung; Em ký tặng tôi mỏi cả tay làm tôi cảm động trước thái độ thân tình của người bạn nhỏ mới quen. Được biết Thái Dũng đã xuất bản gần 50 đầu sách chuyên về lịch sử…Cùng đi với  Thái Dũng có nhà báo Đức Anh làm ở báo Pháp Luật, cả hai đều mê sử. Thái Dũng chỉ cho tôi biết chợ Bưởi ở quận tây Hồ và hướng dẫn để tôi tự khám phá. Dũng và Đức Anh hẹn tôi hôm sau  lên Đền Trâu Vàng để xem di tích ở đó.

Nguyễn Trương Quý là nhà văn chuyên viết về Hà Nội, ra đây muốn biết thêm phải gọi Trương Quý thôi. Quý hẹn tôi 10:30g ở cà phê Bonjour, đường Nguyễn Đình Thi, Q. Tây Hồ. Tôi đi bộ đến sớm vì nhà trọ gần đó. Trương Quý đến sau, hai anh em trò chuyện rất lâu. Quý hiểu rất sâu về Hà Nội, hàng chục quyển như: Hà Nội bảo thế là thường; Triệu dấu chân qua những cửa ô; Tự nhiên như người Hà Nội. . .Tôi nhớ Nguyễn Trương Quý có cuốn “Ăn Phở rất khó thấy ngon” nên bắt qua chuyện phở. Quý nghe xong liền chở tôi đến tiệm phở Lý Quốc Sư, chủ quán vồn vã với Quý chứng tỏ đây là thân chủ lâu năm của quán. Theo chuyên gia sành ăn thì đây là quán giữ được hương vị gốc của phở Hà Nội. Tôi may mắn có dip được nghe phân tích vị ngon này.



 
Chia tay với  Nguyễn Trương Quý  ở Hà Nội, hôm sau lên máy bay lại thấy bài của anh  trong cuốn Heritage – Một ấn phẩm được phát trên máy bay. Anh cho tôi biết: Viết cho Heritage là một cách để luyện bút. Bởi đây là tạp chí đa dạng, bao quát các vùng văn hóa khác nhau nhưng phải ngắn gọn, súc tích, nội dung phong phú. Tôi nghĩ những điều anh nói rất hữu ích cho bạn bè, những ai muốn cộng tác với tạp chí này.

Còn một ngày ở Hà Nội, Đậu Huy Sáu, Phó tổng biên tập Thời Báo Tài Chánh hẹn uống cà  tôi  để từ giã. Huy Sáu là nhà báo năng nổ, giỏi về vi tính nên được cơ quan phân công phụ trách báo điện tử. Từ khi có trang mạng, báo phát triển không ngừng nên vừa qua anh được Bộ Tài Chánh điều về làm Tổng Biên tập tạp chí Chứng Khoán, cơ quan ngôn luận của UB Chứng khoán Nhà Nước. Báo điện tử thì tin tức bài vở cập nhật hàng ngày, ấn phẩm tạp chí in thì mỗi tháng ra một số, hy vọng về cơ quan mới anh sẽ làm tờ báo phát triển hơn lên. 

LƯƠNG MINH
 


  Trở lại chuyên mục của : Lương Minh