LƯƠNG MINH


XUÂN SƠN 
HỌA SĨ CHUYÊN VỀ TRANH PHẬT

Tình cờ tôi quen được Xuân Sơn khi anh ghé chùa Lá, Gò Vấp. Anh vẽ tranh còn có viết thư pháp. Bài thơ Thánh Vương của Bích Nhãn Hồ được anh viết thư pháp và được thầy Nhuận Tâm treo ngay trong phòng khách.
Được biết anh là người ở Đà Nẵng vào Sài Gòn chơi với anh em văn nghệ. Anh đi cùng với cư sĩ Minh Mẫn người viết nhiều sách về Phật Giáo.

Quen với anh từ dạo ấy, như có duyên nên dần dần tôi anh thân nhau. Anh thường gửi thơ cùng tranh tham gia cho đặc san văn nghệ mà tôi quen biết. Hôm đầu năm, anh có rủ tôi tháng ba ra Đà Nẵng dự lễ hội Quan Thế Âm tại Ngũ Hành Sơn, tôi muốn đi lắm nhưng cơ duyên chưa cho phép. Ở Đà Nẵng anh là họa sĩ có danh tiếng trong hai lãnh vực chuyên về danh thắng Ngũ hành Sơn và tranh về Phật giáo.

Tôi không có kiến thức về hội họa nhưng nhìn tranh của anh vẽ là biết ngay của Xuân Sơn không lẫn đâu được. Những bức tranh trong cuộc triển lãm Dấu Ấn Ngũ Hành Sơn năm 2016 mới biết anh có lòng với quê hương như thế nào! Không phải đứng trước cảnh vật thiên nhiên để phóng cọ mà là tìm hiểu những sự kiện từ sách báo, từ các nhà sử học để có ý tưởng, đề tài cho bức tranh như Sự tích bia Phổ Đà, đền thờ Huyền Trân Công Chúa, đình Khuê Bắc và cũng trong lễ hội này anh được ban tổ chức đề nghị ghi tên anh vào kỷ lục Việt Nam: Hoa sĩ có tranh về di tích Ngũ hành Sơn nhiều nhất nước. Anh còn là chủ nhiệm CLB họa sĩ Trúc Văn tập hợp được 30 người từ Đà Nẵng đến Vũng Tàu. . . chuyên sáng tác về danh thắng tại địa phương.

Là người hào phóng, thân thiện cùng với điều kiện trong gia đình có quán cà phê Lá Trúc của hiền nội là chị Cẩm Vân nên anh giao du với nhiều văn nghệ sĩ ở khắp nơi. Họa sĩ Phật giáo Không ở chùa, không là tu sĩ Phật giáo nhưng anh vẽ và viết thư pháp cho nhiều chùa trong thành phố và các nơi khác. Bạn bè ở quê nói anh có duyên với đạo Phật từ nhỏ , bức vẽ đầu tiên của anh lấy từ câu chuyện sự tích Đức Phật mang tên Vườn Lâm Tì Ni, sau đó các bức tranh khác cũng theo mảng Phật giáo mà hình thành.




Diệu Âm Quán Thế Âm

Đến nay, anh đã có 2 cuộc triển lãm cá nhân: Chắp Tay Nhân (2013) tại TP. HCM và Dấu Ấn Ngũ Hành Sơn tại TP. Hội An.(2016).. Năm nay, TP. Đà Nẵng có Triển lãm Mỹ thuật quy mô Diệu Âm Ngũ Hành Sơn, HS Xuân Sơn có những bức như: Non Nước Rồng, Diệu Âm Ngũ Hành Sơn, Bồ Đề Đạt Ma; Hương Hoa, những đề tài không mới nhưng qua nét cọ Xuân Sơn thì thấy có khác lạ.
Xuân Sơn còn viết thư pháp tại các cuộc triển lãm ở chùa An Hải, Quận Sơn Trà, Chùa Hương Sơn, quận Ngũ Hành Sơn.


Nhà thơ Xuân Sơn

Ngoài những bức tranh vẽ, Xuân Sơn còn có những bài thơ cộng tác với các báo Diệu Âm, Thiện Nhơn (chùa Lá), Sông Quê, trang web tongphuochiep-vinhlong.com. với lời đơn giản , chủ yếu là tấm lòng

Trời tháng hai mùa Xuân lễ hội
Cây lá đâm chồi người nô nức hân hoan
Ngày của Mẹ dâng lên lòng thành kính
Ngũ hành Sơn ơi! Mùa lễ hội chúng ta về

Anh từ đâu miền thùy dương cát trắng
Gió lạnh đêm trường hiu hắt đêm thâu
(MÙA XUÂN LỄ HỘI )

Hay:

Lễ hội Quán Âm mười phương góp mặt
Cầu nguyện an bình mỗi bước chân thiêng
Đêm lắng xuống nghe ra hương ngàn gió biển
Suối mát từ bi Mẹ tắm gội nhọc nhằn !

Đêm nay Con về hòa giọt nước trùng khơi
Xin đảnh lễ mười phương Tam bảo
Cho tình thương sưởi ấm hình hài
Vầng trăng Mẹ mãi bao dung ngời sáng!

Nhìn chung, Xuân Sơn không phải là nhà thơ tài danh nhưng với nhiệt tình với mọi người, mọi cơ sở Phật giáo mà được giới Phật tử chấp nhận. Với vị thế của một họa sĩ chuyên về Phật thì tên tuổi Xuân Sơn ngày càng được biết đến.

LƯƠNG MINH
  Trở lại chuyên mục của : Lương Minh