MẶC PHƯƠNG TỬ
Lối Cũ Ân Tình Xưa
Mùa Vu Lan Báo Hiếu
(Tạp Văn)
“ Một hôm, Tôn giả Xá Lợi Phất đi trì bình khất thực trong thành Vương Xá, khi ngang qua một khu vườn, trong vườn có người Bà La Môn làm vườn tuy nghèo khó và tuổi đã cao, nhưng phải đổi lấy sức già để được có chút vật thực nuôi thân qua ngày, ông thấy Tôn giả ôm bát đi ngoài ranh vườn, liền đến thăm hỏi thân thiện, và để biết sự việc, sau đó ông để vào bát một phần thực phẫm mà ông có được phần thọ dụng trong ngày, Tôn giả chứng minh và chú nguyện phước lành cho ông. Và rồi cũng từ đó thời gian đã trôi biền biệt giữa Tôn giả và ông lão Bà la môn làm vườn.Lối Cũ Ân Tình Xưa
Mùa Vu Lan Báo Hiếu
(Tạp Văn)
Một ngày đẹp trời, ông Bà la môn ấy đến gặp Đức Phật tại Tinh Xá Kỳ Viên ( Thành Xá Vệ) và xin Phật được xuất gia, Phật quán xét thấy ông ta có thể đắc quả Thánh, nên mới hỏi trong đại chúng có ai đã chịu ơn với người Bà la môn nầy lần nào không ? Khi ấy, Tôn giả Xá Lợi Phất đối trước Đức Phật và đại chúng mà thưa rằng : Có lần con khất thực trong thành Vương Xá, người Bà la môn kia đã để vào bát của con một phần thực phẫm mà ông đã có được trong ngày ! Lúc ấy, Phật liền dạy: Vậy ông hãy tiếp độ người Bà la môn nầy và được làm phép xuất gia. Thời gian không bao lâu, được sự hướng dẫn của Tôn giả, người Bà la môn ấy được đắc quả A La Hán trong giáo pháp giải thoát của Phật.”
Từ câu chuyện được kể trên, chúng tôi muốn nói đến một việc trong những sự việc dù đã, hay đang xảy ra trong bối cảnh đất nước còn chiến tranh hay ngay bây giờ. Chuyện được kể rằng: Ở thời điểm trước đây, khi chiến tranh còn leo thang và ác liệt, sống trong nỗi lo âu, sợ hải ở một vùng miền quê xa xôi, việc cơm áo dù có khó khăn, nhưng sự sống chết, ly tán, đau thương mất mát đưa đến bất ngờ đầy nghiệt ngả. Nơi ấy có một người mẹ bị bom đạn cướp đi mạng sống, cha thì phải bôn ba xứ người để tìm áo cơm, còn bé trai mới lên 6-7 tuổi, phải nhờ đến các cô Ni nuôi dưỡng lo cho cái ăn, cái mặc rồi đến trường để tìm con chữ cho mai sau.
Cơm áo, tiền nông cũng không phải dễ dàng có được trong thời buổi xã hội còn lắm nhiễu nhương nầy. Vã lại, có được đồng tiền chân chính lại càng khó hơn. Với một rổ bánh, một lố nhang thơm, đội nắng đội mưa ngày ngày hai buổi kiếm sống, tháng năm mòn mỏi lê kiếp thân nghèo, áo vai bạc màu sương gió, ánh mắt hoen bao lớp bụi phong trần, lo cho bản thân và cháu, chỉ ước mơ cho cháu sau nầy nên thân, nên phận với đời, và để biết cảm thông sâu xa cho những ai một đời cũng sớm mất mẹ và hiểu mà nhớ ơn đền ơn đối với những ai đó đã trót một đời lo cho mình và vì mình.
Thời gian lặng trôi qua bao khúc quanh, bao bước ngoặc của dòng chảy cuộc đời, thăng trầm, thịnh suy, vinh nhục bao độ của thế nhân, ngược xuôi giữa cuộc sinh tồn tạm bợ, say khướt theo ảo huyền mộng thực. Người cháu, người học trò xưa giờ đã thành danh thành phận, ôm lấy những mảnh giấy học vị (văn bằng) mà nơi ấy đã hóa thân từng con chữ, từng lời, từng câu, từng nhịp thở của buồng phổi, từng ý niệm của khối óc con tim của quí Ni, của người thân và của Thầy-Cô. Nhưng nào phải bao nhiêu việc đó thôi đâu ! Khi có được mảnh giấy danh phận ấy, để rồi được bao nhiêu lợi dưỡng trong cuộc phù sinh mỏng manh tạm bợ, thỏa mãn với bao ước vọng khoái lạc của trần tục tầm thường, thoáng chốc rồi cũng thành sương khói, rồi còn gì cho ta, cho người ! Có biết đâu rằng: Những nỗi vui buồn lẫn vào tháng năm cơ cực, lắm nỗi lo toan cơm áo sớm chiều, một nắng hai sương gót lê kiếp nghèo tất bật, chiết từng ước mơ thuở ấy, đã thấm mặn bao giọt lệ tinh khôi khi còn cái thuở quê nghèo lưng trần chân đất bạc phếch áo vai gầy.v.v.. Để cho có được ngày mai, cái ngày mai đã thấm đẫm tất cả…vào mảnh bằng mà người cháu, người thanh niên này nay có được.
Rồi một sớm trở lại quê hương, cái cảnh lên xe, xuống xe, kẻ đón người đưa, trông ra bây giờ không còn như thuở hàn vi xưa kia nữa, từ cái đi, đứng, ngồi nay đã chuyển sang lắm vẻ dáng màu danh phận, đến cái ăn mặc, nói năng cũng khéo vẽ nên hình thức địa vị… Làm cho chúng ta nhớ lại thi sĩ Nguyễn Bính đã ưu tư :
“Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều…” (Chân Quê)
Cái cảnh tha hóa đổi thay vốn không có gì đáng trách trong thói đời thường tình. Nếu có chăng, bởi sự cảm thụ tri kiến lại rót nhằm vào tờ lá sen mà nơi ấy không có sự thấm đẫm và giữ lại, càng thêm nhớ xa hơn nữa từ lời của một đại sư Tịch Thiên (Shantideva) đã khuyên nhắc và giúp chúng ta làm để có được những điều lợi lạc: “ Hãy khởi tâm hành thiện, hoặc khởi tâm đối trị (bất thiện) như cúng thí vào 3 ruộng phước là ; Kỉnh Điền (Tam Bảo), Ân Điền (Cha Mẹ) và Bi Điền ( Mọi người nhất là những người nghèo khó) thì sẽ được phước lớn” (Nhập Bồ Tát Hạnh,V.81 ).
Điều muốn nói ở đây, không nhất thiết phải đề cập đến Tam Bảo, trọng tâm thứ nhất ở chổ xác định một tính cách “nhân bản” của con người, tính nhân bản ấy đã được thiết lập trên hai nền tảng cơ bản đó là ; Sự nhớ ơn và đền ơn cha mẹ, đến những người nuôi dưỡng, cưu mang về mình và thứ đến, nói lên tình người trong cái nhìn có sự hiểu biết, yêu thương và cảm thông cùng kiếp sống như ta và nhất là những người có đời sống bất hạnh hơn ta.
Có được nền tảng cơ bản ấy chính là một nhân cách sống lành mạnh trong sáng, như thế, ta đối với Tam Bảo mới có thể nói lên sự cung kính toàn mãn, bởi vì có biết ơn và đền ơn cha mẹ, có lòng thương tưởng đến mọi người và rộng hơn là mọi loài, thì chính ở đây đã có âm hưởng sâu sắc đến đời sống có văn hóa, phải đâu từ những mảnh bằng kia, nó chỉ là tri thức suông, mà chính hành động có đạo tình đạo nghĩa, luôn nhớ ơn và đền ơn, đó mới thật chất người, là cái hồn của văn hóa. Mà cũng là sự nương tựa và kính trọng Tam Bảo.
Vì rằng ; Tam Bảo là điểm nương tựa, trở về, là mục tiêu phục vụ đem lại sự an lạc hạnh phúc lâu dài cho chư thiên, chúng sanh và loài người.
Trong một lời dạy khác của Đức Phật như sau :
“ Nầy các Tỳ kheo, thế nào là địa vị không phải chân nhân ? người không phải chân nhân, nầy các Tỳ kheo, không biết ơn, không nhớ ơn. Đối với những người độc ác, đây là đặc tánh của họ được biết đến, nầy các Tỳ kheo, tức là không biết ơn, không nhớ ơn. Đây hoàn toàn là địa vị không phải chân nhân… Còn bậc chân nhân, nầy các Tỳ kheo, là biết ơn, là nhớ ơn. Đối với những thiện nhân, đây là đặc tánh của họ được biết đến, nầy các Tỳ kheo, tức là biết ơn và nhớ ơn…”
(Kinh Tăng Chi, IV, 118-119).
Ngang qua lời dạy trên, chúng ta thấy Đức Phật đã khẳng định qua hai tính cách, hay một lời xác chứng về đặc tánh của các bậc thiện nhân cũng như những ai được coi là phi chân nhân. Sự kích hoạt chất liệu ấy phải được nói lên bằng cử chỉ, hành động việc làm, ý tưởng như thế nào của con người đó. Như vậy, nhớ ơn, biết ơn là một ký hiệu đặc tánh của các bậc thiện nhân hay chân nhân và trái lại, không biết ơn, không nhớ ơn cũng là một ký hiệu đặc tánh dành cho những ai được xem là phi chân nhân, chưa trọn hình người.
Sống giữa đời thường, cho dù một tổ chức, đoàn thể, đảng phái chính trị, tín ngưỡng, tôn giáo.v.v… Thì tính cách nhân bản phải được nói đến như là một nếp sống, y cứ chuẩn mực tiêu biểu từ tính thể con người. Nếu tự thân chỉ biết lợi dưỡng để thỏa mãn những ước vọng thèm khát thường tình thấp kém, lấy địa vị danh xưng hay chút khả năng mọn có được để làm mục đích trú ẩn và tự mãn, ta xem đây là nguyên nhân nẩy mầm những bất thiện và có khả năng nguy cơ bất ổn, mất thăng bằng trong xã hội nói chung, và trong mỗi tổ chức đoàn thể và cho dù đó là một tổ chức tôn giáo, hay chính trị.v.v….
Những ơn nghĩa đạo đức được sống như là một sức mạnh tất yếu và thực sự được tôn vinh từ mỗi con người, thì giai cấp, địa vị, chức danh sẽ trở thành một bổn phận đúng nghĩa, có tư duy chân chính trong mọi hành xử và phục vụ, còn nếu như ân nghĩa, đạo đức, nhân tính và sự tôn vinh không đúng “ như pháp”, không chiết xuất từ tâm lực, niệm lực của bậc Thánh, bậc chân nhân, thì nó sẽ biến thành những độc tố nguy hại tàn phá vào tận gốc rể của cây đời và cho cả bao đời tiếp nữa.
Tóm lại, tánh cách của người biết ơn, nhớ ơn hay những vong bản vô ơn, cả hai đều tồn tại trong đời, nhưng điều gì tồn tại mà được ca ngợi, tán thán của người có trí chân chánh, thì chính đó là “lõi cây”. Những gì tự thân đã thọ nhận dù trước đây hay bây giờ để tiếp sức cho máu tim, những con chữ làm nên hiểu biết, không chỉ về pháp thượng nhân để tự điều phục chính mình mà còn phải hiểu biết sâu xa tận cùng vào trong từng mảnh đời giữa cuộc sinh tồn nhân thế, có gần gũi để thương yêu giúp đỡ, để lắng nghe, cảm thông và chia sẻ bao tâm tình, xem như là một nghĩa cử tri ân, nhớ ân mà câu chuyện về Ngài Tôn giả Xá Lợi Phất đã được nói đến, nhớ và biết mình có thọ nhận chỉ một phần thực phẫm trước đây từ nơi vị Bà La Môn già xưa mà mọi việc đã trở thành đạo nghĩa cho ngàn đời. Trái lại, với thái độ từ người thanh niên có mảnh văn bằng đã được đề cập ở trên, đủ để cho chúng ta tự thẩm xét lại chính mình. Ngày nay, chúng ta cũng không ít ưu tư về những tư duy ấy, dù cổ xưa nhưng vẫn đẹp bền, còn để lạc mất đi hay quên lãng bao chất liệu ấy thì khác nào như bị những loài cỏ hoang dại khõa đầy trên những lối mòn xưa cũ.. Để kết thúc, chúng ta cùng đọc lại lời Phật dạy:
“Người trị thủy dẫn nước
Kẻ làm tên, nắn tên
Người thợ mộc uốn gỗ
Bậc trí nhiếp tự thân” PC. 80.
Long Xuyên, 12.01.2013