MAI QUANG
Trích Đọc 7 Cặp “Kết cú” Trong thơ Đường luật của Vinh Hồ
thơ Vinh Hồ- Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ- Florida USA 1999.
Gởi Điềm Ca
Niêm hoa vi tiếu là khi
Mùa-Xuân chạm phải Xuân-Thì
vỡ ra (MQ)
Nhà thơ Vinh Hồ (tác giả thi tập: thơ Vinh Hồ) và chúng tôi (tác giả bài viết) có cùng với nhau ít nhất là 4 cái “đồng”: Đồng hương; đồng trang lứa; đồng điệu và đồng cảnh ngộ.
Cho nên người viết không lấy gì làm ngạc nhiên (và hiểu được tại sao), cách đây trên 20 năm, anh đã chọn thể thơ xưa Đường luật thất ngôn bát cú (1) để gói ghém, truyền tải, diễn đạt xúc cảm, nội tâm (bên cạnh, anh còn dùng những thể thơ khác trong sáng tác).
Phạm vi bài này cũng không đi sâu vào khảo sát Thi pháp có đặc biệt chi, khiến có ai đó đã gọi thơ Đường luật của anh là “Đường-luật-Vinh Hồ”.
Không!
Không có ý đi vào khảo sát Chương pháp, Cú luật. Không đi vào phân tích thủ pháp Vinh Hồ qua Khởi- Thừa- Chuyển- Hiệp hay coi thử trong mỗi bài anh Khởi đề ra sao, Phá đề thế nào? Không săm soi chi 2 cặp 4 câu Đối (Trạng và Luận).
Người viết chỉ chú mục vào Kết Cú, cặp Kết (câu 7 & 8), nơi đó lắng đọng ý thơ toàn bài. Nơi đó cũng là nơi tác giả điểm nhãn cho con rồng “thất ngôn bát cú” bay vào cõi Thơ. Nơi đó mở ra một chân trời mênh mông bát ngát, với dư âm, vọng âm “ý tại ngôn ngoại”. Nơi đó tiếng lòng của người thơ vang vọng không dứt. Nơi đó có đủ hỉ, nộ, ái, ố... Nơi có thể là tiếng kêu thảng thốt, trầm thống, hay tiếng gọi đò lạnh cả bến sông khuya tịch mịch… Nơi đó cũng có thể là “đầu sào trăm trượng” ; “vực thẳm buông tay” (2 a, b).
Nào! chúng ta cùng thử đi vào 7 bài Đường luật sau:
1.Bài Rừng Núi Hòa Sơn (Trang 20- thơ Vinh Hồ)
Vợ chồng đùm túm đến Hòa sơn/ Rừng núi mênh mông trải nỗi buồn/ Gò đất khô khan tro bụi thốc/Lán nhà trơ trọi gió mưa tuôn/Bứt mây, làm rẫy ăn qua bữa/Đi điệu đãi vàng đứng nhớ con.
2 câu kết:
Bè bạn xa khơi, đời vạn nẻo
Đường về hun hút ngút cô đơn
Mở ra một chân trời cô đơn tột cùng tuyệt lộ của một định phận rất riêng, bất khả đồng hành, bất khả sớt san, chia xẻ.
Ở đó nhà thơ của chúng ta:
Một mình một cõi băng qua (Thơ MQ)
2.Trại Xuân (Trang 21- Sách đã dẫn= Sđd):
Chờ đợi vu vơ một bóng người/Bâng khuâng trại vắng gió xuân cười/ Hoa Mai vắng bặt rừng trơ trọi/ Cây Trúc không còn suối lẻ loi/ Đi hết ngọn đồi, đồi trọc trụi/Ngồi lì trên đá, đá dôi doi.
2 câu kết:
Dưới kia thác nước gầm phun khói
Ba chú nai ngơ! Chẳng bóng người.
Màn lụa bạch của thác nước dưới kia trắng xóa, sôi sục, ầm ì tung bọt triền miên đến thiên nhiên cũng ngơ ngác!
Bóng người? -Tuyệt mù!
Khiến không khỏi liên tưởng đến cái lạnh Giang Tuyết của Liễu Tôn Nguyên:
Thiên sơn điểu phi tuyệt
Vạn kính nhân tung diệt
Cô chu thoa lạp ông
Độc điếu Hàn giang tuyết.
Tạm dịch:
Núi núi cánh chim tuyệt,
Nẻo nẻo bóng người biệt.
Ông thuyền: Nón, áo tơi
Một mình câu sông tuyết (MQ).
Tuyết chỉ là một chi tiết của hình nền. Cái lạnh cô tịch, không do tuyết mà là cái lạnh nội tại kinh người!
3.Ta Đứng Bên Này (Trang 23 Sđd)
Ta đứng bên này nhớ phía đêm/Đại dương vời vợi, sóng xô ghềnh/Florida nắng vàng cây cỏ/Núi Vọng Phu mưa tím nỗi niềm/ Hồn gởi về quê, mây lãng đãng/ Sống xa cách bạn, bến im lìm
2 câu kết:
Ngày ra đi có trăng theo tiễn
Thoát đã mùa cau rụng trắng thềm.
Những mùa trăng bình yên thơm nức hương cau thoảng gió đồng của thời thơ ấu. Sáng ra, đã thấy hoa cau trải trắng đầy thềm. Cái “nhân chi sơ” vẫn trẻ thơ nguyên đó, dù trong lưu lạc, lúc rộn ràng tất bật hay lúc tịch tĩnh khoá mình trong phòng văn thì cuốc vẫn kêu xuân muộn, mưa bụi vẫn nở hoa xoan đầy sân. Cái của người nay, cái của người xưa không khác. Cái khác chỉ là hoa cau với hoa xoan (hề chi!):
Cuối ngày nhàn nhã khóa phòng văn
Khách tục không lai vãng đến gần
Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn
Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan.
(Cuối Xuân Tức Cảnh-- Vinh Hồ dịch thơ Nguyễn Trãi) (3)
4.Thiên Ân Tự Hoài Cảm (Trang 31 Sđd):
Hạc nội, mây ngàn in dấu, trưa/Nơi non thâm, nước quạnh, chim mùa/Am thiền tiếng mõ vang Khe Đá/ Gậy trúc đường quê khởi Đại Thừa/Tổ đạo sen vàng vui xóm vắng/Dòng đời dâu bể lạnh chùa xưa
2 câu kết:
Hàng dương soi, lá bàng rơi ngõ
Hòa Thượng như về đứng! Tháp mưa…
Hàng dương (phi lao) soi bóng đứng chào ai. Lá bàng chạm ngõ theo bước gió. Đến, ở, đi, về trong một chuỗi thành trụ hoại không. Rồi dẩn tới cái Không của không khứ không lai. Như khứ như lai!
Tiếng mưa vỡ hạt trên cổ tháp vẫn mãi tùy thuận tùy duyên. Và:
Tiếng mưa vỡ hạt trên cổ tháp vẫn mãi tùy thuận tùy duyên. Và:
Tào Khê nước chảy vẩn còn trơ trơ!
5.Vũ Trụ Cô Đơn (trang 34 Sđd):
Kể từ chân ghé bến Hòa Sơn/Thấy núi càng thương suối đổi hờn/ Cảnh khổ núi non thành núi trọc/ Đời nghèo chân cứng đá thì mòn. Rừng đàn suối hát nằm trăn trở/Vượn hú chim kêu ngủ chập chờn
2 câu kết:
Lại có những đêm yên tĩnh lạ!
Người hòa vào vũ trụ cô đơn
Đêm yên tĩnh/ Người định tĩnh. Sao trời ngừng lung linh. Thời gian ngưng chảy trong dòng ý niệm. Cõi Phi-Thời- Gian. Người hòa vào vũ trụ- Vạn vật đồng nhất thể-không còn ranh giới nhị nguyên, tha- tự, chia chẻ. Một cô đơn tuyệt cùng:
Ta cất tiếng gọi người
Chỉ âm vang vọng lại lung linh
Cười rũ rượi thương mình khờ khạo
Bởi đường Mây duy kẻ độc hành
(Khúc Hát Con Đường Mây Trắng. MQ)
6. Bên Tháp Bửu Dương (Tr35 Sđd):
Chiều xuống ngồi bên tháp Bửu Dương/Bâng khuâng hoa điệp nở ven đường/Long chầu, lân phục văn kinh pháp/Hạc nội, mai ngàn lẩn khói sương/Cây gạo bao năm rồi trút lá/Dòng sông một thoáng hiện vô thường
2 câu kết:
Về đâu trong vạn trùng sinh tử
Cát vữa âm thầm. Đêm hhả hương.
Sinh tử sự trùng trùng về đâu? Cát vữa âm thầm bong tróc, vỡ vữa với thời gian và trở về với Đại địa. Bên dòng sinh tử luân hồi, đêm vẫn nhả hương ngàn đời tịch tĩnh. Mùi hương của Giới-Định-Huệ, Giải Thoát, Giải Thoát Tri Kiến. Của:
Hoa lưu động khẩu ưng trường tại (Tào Đường)
7. Chùa Thiên Bửu (Trang 65-Sđd)
Ba trăm năm trầm mặc phương đông/Tháp cổ, me già ôm mái cong/Lối gạch trăm đường nhòa sứ đạo/Chày kình một tiếng đọng tầng không/Dòng sông trong trẻo, mây in bóng/Tán gạo tơ non, ráng tụ đồng
2 câu kết:
Khách đã đi rồi chùa tĩnh lặng
Me vàng lả tả rớt bên song...
Khách đi/Khách đến quang cảnh rộn ràng. Chùa vẫn tĩnh lặng với nụ cười trầm mặc trên tòa sen. Cây me vẫn rắc lá vàng trong gió, lả tả bên song như nhắn nhủ thế nhân đang sống-chết, đánh mất cái đang-là trong từng sát na sống.
Còn rải rác đâu đó là Tiếng Vô Thanh của Đoạn Trường.
Dư hưởng tiếng hú trên đỉnh Cô phong vẫn mãi còn vang vọng và lạnh ngát bầu trời xanh (4)
Có lộng ngôn lắm chăng?
Thật sự là hay nếu người đọc đang có trên tay thi tập: thơ Vinh Hồ. Chắc chắn bạn đọc đi vào cõi thơ Vinh Hồ sẽ còn tự mình khám phá và cảm nhận thêm biết bao nét lạ lẫm…
Lắng nghe tiếng vỗ của một bàn tay! (5)
May-2015
Mai Quang
---------------------------------------------------------
Phụ Chú:
(1).…"Thể thơ Đường luật, về hình thức, các nhà thi học phần đông đều công nhận là toàn hảo. Nhưng nó chỉ thích hợp với những tình cảm đã tiết được tiết chế, với những tâm hồn trầm tĩnh, với những người nặng về đời sống nội tâm. Nó không thích hợp với người hiện đại, bởi lòng luôn luôn bị ngoại cảnh chi phối, rất ít khi được yên tĩnh, ung dung, nhịp lòng với nhịp thơ không thể hài hòa với nhau được thỏa đáng…” (Quách Tấn- Chút Lòng 23.9.1980-Thi Pháp Thơ Đường).
(2).
(2a). Đầu sào trăm trượng:
Bách trượng can đầu tu tấn bộ
Thập phương thế giới thị toàn thân
(Thiền sư Cảnh Sầm)
Đầu sào trăm thước thêm một bước
Mười phương thế giới hiện toàn thân
( dịch giả?)
(2b)Vực thẳm buông tay:
Huyền nhai tán thủ,
tự khẳng thừa đương,
Tuyệt hậu tái tô,
khi quân bất đắc
(Hố thẳm buông tay,
Một mình cam chịu
Chết rồi sống lại,
Ai dám chê mình ?)
(3).Mộ Xuân Tức Sự:
Nhàn trung tận nhật bế thư trai
Môn ngoại toàn vô tục khách lai
Đỗ vũ thanh trung xuân hướng lão
Nhất đình sơ vũ luyên hoa khai.
(Nguyễn Trãi- Ức Trai thi tập)
(4).Ngôn Hoài
Không Lộ
(Thiền sư VN đời Lý)
Trạch đắc long xà địa khả cư
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.
Minh Đức Triều Tâm Ảnh dịch:
Tìm đất ẩn mình, chọn được nơi
Tình quê dân dã suốt ngày vui
Có khi chót vót đầu non quạnh
Một tiếng cười vang lạnh cả trời!
(5) Công án của Bạch Ẩn Huệ Hạc, Thiền sư Nhật bổn 1686-1769)
MAI QUANG