MANG VIÊN LONG
Bài Học Để Quên Lại
Tạp bút
Bài Học Để Quên Lại
Tạp bút
Ông Tám – Bình tuy mới bước qua khỏi tuổi 60 nhưng sức khỏe đã suy kiệt nhiều. Ông bị bệnh thấp khớp mãn từ năm hai mươi, nhưng vẫn cần mẫn với nghề thợ rèn, cho đến ngòai sáu mươi tuổi, khi ba người con đều đã tốt nghiệp đại học, mới thu dọn khu trại hành nghề, làm chuồng nuôi mấy lứa heo. Cô con gái lớn có chồng xa, cậu giữa và cậu út công tác ngoài thành phố; ông lui cui sống ở quê một mình từ ngày vợ qua đời đột ngột vì bệnh suyễn.
Cô con gái mua cho ông chiếc điện thoại Nokia rẻ tiền, để khi cần thì liên lạc. Hai chuyện buồn xảy đến với ông cũng từ chiếc điện thoại, khiến ông mỗi lần cần phải cầm nó lên để nghe, đều cảm thấy buồn!
Hôm xuống thành phố thăm cậu giữa, và dự ngày vui về nhà mới của gia đình con, cùng bạn bè; đang ngồi trong bàn tiệc – bỗng có chuông điện thoại reo, ông loay hoay thế nào, vô ý để chén thức ăn đổ vào áo người khách ngồi bên cạnh. Ông khách buồn ý, nhưng không nói gì. Cậu con chạy đến, kéo ông Tám - Bình ra khỏi ghế: “Ba ra nhà sau ngồi ăn một mình đi! Già mà còn bày dùng điện thoai!”. Ông đứng dây, lầm lũi bỏ đi, nhưng không ra nhà sau để ngồi ăn một mình, mà đi vào phòng nằm …Ông cảm thấy luồng cảm giác tê lạnh chạy rần khắp chân tay ông, khiến ông ngơ ngẩn, giống như lần vào quán với cậu út. Lần đó, cũng là điện của người con gái gọi về, đã lâu không nhận được tin tức của gia đình con nên vừa nghe tiếng chuông báo, ông vội đứng dậy, chạy ra một góc phòng, ngồi thụp xuống, áp sát chiếc điện thoại vào tai để nghe cho rõ. Cậu út đã vội đến giật chiếc điện thoại từ tay ông – giọng hằn học: “Không biết sử dụng điện thoại còn bày đặt làm gì?”. Ông ngơ ngẩn: “Vậy phải nghe làm sao?” – “Phải ngồi tại chỗ, để điện thoại vừa xa đủ nghe, không ngồi vào góc nhà như kẻ ăn xin…” – “Quán ồn, tai ba không nghe rõ cơ mà!”.
Là bạn cùng hẻm đường, tôi thường ghé hiên nhà ông Tám – Bình để nhâm nhi chút trà mỗi sáng, chiều, và lai rai chuyện trò cho qua buổi. Nghe ông kể lại hai mẫu chuyện về hai cậu con mà ông nói rằng “rất đỗi đau khổ!”. Nghe ông, tôi lại nhớ đến câu chuyện vừa đọc được của Saradha Jitendran. Chuyện kể rằng: “Người con trai đưa cha già vào nhà hàng ăn tối. Người cha già nua yếu ớt khi ăn cứ làm rơi vãi đồ ăn lên quần áo. Khách các bàn ăn chung quanh ai cũng liếc nhìn ông ta có vẻ ghê tởm, nhưng chàng trai vẫn điềm tĩnh săn sóc cha mình.
Ắn xong, anh con trai không một chút lúng túng, lặng lẽ đưa cha mình vào phòng vệ sinh, lau sạch các mẩu đồ ăn, các vết dơ, chải lại mái tóc bạc cho cha, sửa lại cặp kính lão cho ngay ngắn trên sống mũi cha.
Khi họ trở ra, cả nhà hàng im phăng phắc nhìn hai cha con họ. Họ ngạc nhiên không hiểu sao lại có người con có hiếu như thế và cũng đã làm cho mọi người đều ngượng nghịu.
Người con trai trả tiền bữa ăn xong, rồi dìu cha ra về.
Lúc ấy, một người đàn ông lớn tuổi trong số các thực khách buột miệng gọi với theo người con, ông ta hỏi: “Anh bạn trẻ này, anh có nghĩ là anh để quên cái gì đó ở đây không vậy ?”
Chàng trai liếc nhanh chỗ ngồi ban nãy rồi trả lời: “Không, thưa ông, cháu không có để quên gì đâu ạ…”
Người đàn ông nhẹ nhàng bảo: “Có, anh có quên, anh đã để quên lại nơi đây một bài học cho tất cả những ai làm con, và để quên lại niềm hy vọng cho tất cả những ai làm cha”.
Nhà hàng chìm vào yên lặng…”
Người con trai của ông già kia đã để lại cho mọi người lòng ngưỡng mộ, quý mến; ngựơc lại – hai cậu con trai của ông Tám – Bình, cũng đã vô tình để lại cho tất cả một bài học, nhưng là sự khinh bạc, và xa lánh!