Bên Trời Mơ Ước
Truyện Ngắn
Hễ cứ nhìn bóng Khải và Hiền khuất sau bờ dậu trước ngõ là lão Thuận trở vào ngồi lặng lẽ ở đầu hiên nhìn ngó mông lung rồi buồn. Mỗi chiều ngó thấy Hiền kè kè tấm áo mưa bên Khải khập khiễng từng bước cong cớn bước xuống sân, từng bước âm thầm ra ngõ, từng bước lặn lội qua mấy con hẻm nhầy nhụa trơn trợt ra đường, tự dưng lão thấy buồn thắm thía. Buồn ngẩn ngơ. Buồn vời vợi. Mấy hôm đầu bà Thuận không hề để ý, sau thấy lão ngồi tần ngần cả buổi ngoài hiên với những cơn mưa thấm lạnh, bà mới biết lão buồn cho thằng Khải. Trước mọi nỗi gian nan, đau xót lão ít khi phàn nàn, than vãn nhưng những cơn buồn thầm riêng rẽ vẫn thường bám sát lão, mải miết. Những lúc biết chồng buồn, bà khôn dám ló mặt, đụng chạm tới. Đó là một cái lệ hay một điều cấm kỵ mà bao năm chung sống, bà đã biết, giữ gìn. Sự ép buộc bà phải lãng quên, dửng dưng, câm lặng này lúc đầu khiến bà khóc. Bà ấm ức khóc suốt buổi khi tưởng có thể khuyên giải lão sớm quên được cái chết của thằng Ngọc, không dè đã xảy ra chuyện gây gỗ, to tiếng. Bà nghĩ giận cho nỗi im lặng lạnh lùng của chồng. Bà nghĩ buồn cho những khuyên giải không được nói. Đã là vợ chồng có mấy ai không chịu nghe những lời an ủi, đùm bọc của nhau đâu? Nhưng lão Thuận đã khó tính ít chịu nghe ai nhất là những lời khuyên can. Có lẽ lão muốn để mặc cho lão buồn ? Cũng có thể trong những bận ngồi thầm với mênh mông im lặng, lão đã tìm thấy được nhiều an ủi, xoa dịu hơn những lời nói ? Bà Thuận nhìn thấy, dù sau này những nhăn nhó, rầy rà to tiếng không còn, nhưng vẻ lầm lì ngầm nhiều trách giận không mất đi trên nét mặt, bộ tịch của lão; nên dù bây giờ nhìn thấy lão ngồi ngẩn ngơ, im lìm ray rức, lòng bà xốn xang nhưng không thể bộc lộ. Những lúc muốn mở miệng khuyên lơn chồng một câu đã làm bà vô cùng ái ngại. Và rốt cuộc, bà cũng không hề đả động tới, đành chọn sự im lặng, cay đắng như bấy lâu. Bây giờ thấy lão ngồi co ro, sửng sờ, hồn phách như lạc tan vào màn mưa trắng xóa, bà chỉ biết lấp ló nhìn lẳng lặng bỏ đi, cố quên như bao lần trước.
Lão Thuận thôi nhìn vào màn mưa, thôi ngó hàng cây rũ nước; Lão quay nhìn xuống những giòng nước chảy ngoằn ngoèo trong sân. Lão ngẩn ngơ nhìn như thể cố tìm kiếm trong những giòng nước chảy những gì mới lạ nhất sẽ quyến rũ lão. Nhưng không, lão lại ngước trông hờ hững ra đầu ngõ, thò tay vào túi lấy một điếu thuốc châm hút. Những điếu thuốc lẻ loi cho buổi chiều đưa Khải và Hiền xuống phố bắt đầu. Những điếu thuốc quạnh hiu được đốt lên liên tục cháy đỏ trên tay cho những tưởng nhớ đã lạnh lẽo.
Lão hút một hơi thuốc dài, nhả khói bay lãng đãng, điếu thuốc như cái ngòi cháy xa vào nỗi nhớ nhung, mơ ước. Trong mắt lão, trong màn mưa mờ mịt, hình bóng Khải khập khiễng trên đôi nạng bên tay Hiền như còn chập chờn qua lại. Nhìn bóng Khải lênh đênh xiêu vẹo đó, lão bỗng nhớ thằng Khải ngày xưa nghịch ngợm quá đỗi. Lão nhớ da diết thằng Khải hồi còn đi học dưới phố trở về với đám bạn bè ồn ào lục lạo khắp vườn. Lão còn nhớ, lúc sinh Khải vừa được một năm, lão đã bỏ sở trà ở Biển Hồ trở về quê gầy dựng buôn bán. Sau bao nhiêu năm làm cai ở đồn điền cao su không để lại gì cho lão ngoài những hình ảnh hung bạo, của mấy thằng Tây chủ sở. Dù là chef-commander với nhiều đặc quyền, lão cũng không thể ở lại lâu hơn để hằng ngày nhìn thấy đám phu bị hành hạ, quá sức. Hồi đó, dân từ nhiều tỉnh cao nguyên miền Bắc, miền Trung được dẫn dụ, mua chuộc đến đồn điền, để rồi sau đó phải cắn răng cam chịu trong từng trại tập trung bưng bít, vây hãm. Đời sống thực là lam lũ, khó nhọc: Bốn giờ rưỡi sáng điểm tâm, lũ lượt kéo vào rừng, quần quật làm việc, mười hai giờ giở cơm ăn với nhúm cá khô dòi bò lúc nhúc, cắm đầu làm việc, bảy giờ chiều lếch thếch rũ rượi trở về, ăn cơm với nhúm cá khô dòi bò lúc nhúc., chui vào trại tập trung hôi hám ngủ, sáng bốn giờ rưỡi điểm tâm… Cứ thế, một năm mười hai tháng, bốn mùa, lúc nào đẩu cổ cũng bờm sờm, rách rưới, thất thểu. Khổ đến nỗi có rất nhiều người phải bỏ trại trốn đi vào giữa khuya dù băng rừng lội suối, dù vẫn biết nếu chẳng may bị bắt, hắn sẽ bị hành hạ. Hình phạt dành cho những kẻ toan trốn thoát như sau : Trói cắp ké hai tay, dùng ma trắc đánh nhừ vào đôi bàn chân, bắt chạy và đếm tới một trăm bước. Nhiều kẻ chỉ ngoi đầu lên đi được mươi bước đã ngã quỵ xuống lăn cù. Và hình ảnh của gã đàn ông người nùng dùng sà gạt (I) chặt đứt cả một bàn tay để được trở về, làm lão khiếp đãm suốt trong thời gian còn lưu lại đó. Vũng máu lênh láng ở một bên chân cầu đã thúc giục cho ý định bỏ sở của lão đã nghĩ từ trước. Cơ hội đã tới: Buổi chiều vừa từ rừng cao su trở về, lão nghe có tiếng gọi của gã gác dan ngoài cửa, lão hỏi vọng qua một cánh cửa sổ trống, không mở cửa lớn. Sau đó, thằng Tây đặc trách việc mộ phu gõ cửa phòng lão. Nó nhớn nhác bảo có hai thằng phu đã trói sẵn ngoài xe, phải hành xác gấp, bởi cũng theo lời nó, chúng đã xách động đám phu trốn, chống lại chủ sở; lão nghe thấy ngầy ngật, choáng váng trong đầu. Gương mặt lão đỏ rần. Hơi thở lão gấp gáp: Cơn giận cũ đã tới. Những lần chứng kiến cảnh đánh đập trước đã ám ảnh, nhức buốc tâm trí lão hoài trong nhiều tháng lâu dần, hai ba năm, lão như thường xuyên bị rối loạn thần trí bởi những tiếng rên siết, quằn quại ; bởi những giòng máu tươi tắn chảy ròng trên đá sỏi; bởi những thân thể xanh xao thấp thoáng dị kỳ. Lão xua tay đuổi thằng Tây ra khỏi phòng, đóng mạnh cửa, lão nói, tôi bị đau, tôi không thể cùng đi với ông được nữa. Ngày hôm sau lão thanh thản ở nhà để chờ đợi lệnh nghỉ việc. Để ra khỏi chốn ngục tù dù lão chỉ tên cai coi sóc. Ở đây chỉ có thuần những bóc lột, hành hạ. Làm gì có được một chút mơn trớn, dịu ngọt, ân cần, của những thằng Tây, thằng cai tay sai khi đi mộ người? Lão nghĩ, quả thực cánh rừng cao su đã tươi mượt cũng chỉ nhờ mồ hôi, nước mắt của hàng vạn người đã đổ thấm xuống. Và những giòng cao su kia, đang chảy vào thùng, là những giòng máu của bao người đã bị cực hình. Một ngày chờ đợi không thấy đả động tới, lão bỏ sở đi luôn. Một lần nữa, ở Biển Hồ, lão lại phải làm thông ngôn cho thằng Tây chủ sở trà để có cái sống trong những ngày lưu lạc, lông bông. Và cũng chính ở giữa rừng trà, giữa những đống trà cao ngất, lão đã tìm ra bà Thuận trắng trẻo, hiền hậu, duyên dáng ngồi lựa từng cọng trà hằng ngày. Sắc đẹp dễ làm xiêu lòng người đàn ông, cho dù là người đàn ông lưu lạc dạn dày tưởng đã cằn khô như lão Thuận: Một tháng sau khi nhìn thấy bà Thuận, cô gái lựa trà trắng trẻo, hiền hậu, duyên dáng lão nằng nặc xin cưới liền cho dù người thím hẹn phải chờ người mẹ của bà từ Bình Định lên. Cưới được bà Thuận, người con gái lựa trà ngày nào, lão không để cho bà làm việc như xưa. Một người con gái xinh như bà đi làm những việc lam lũ vẫn làm lão thấy tội nghiệp. Thằng Ngọc được ra đời giữa núi rừng trà bát ngát vào một tối mùa đông ướt át, quạnh quẽ. Kế đó, tới thằng Khải. Có thêm thằng Khải, lão nghĩ tới việc bỏ sở quay về quê cất nhà, gầy dựng, buôn bán. Những dự tính ngày mai nào nói với vợ, cũng không có chút dính dấp tới mấy thằng Tây, tới sở này, đồn điện nọ nữa. Lão chán ngán cái nghề làm cai, làm thông ngôn, làm tay sai cho mấy thằng Tây chủ sở. Nó lông bông, lêu bêu, phiền não làm sao ấy. Lão nghĩ, không lẽ suốt đời mình chỉ biết sống bám vào những thằng Tây lưu vong, bóc lột ? Không có Tây làm cho Tây đâu phải chết đói ? Và nhất là mấy năm sống heo hút, khiếp đãm, bưng bít trong đồn điền cao su dạo nào đã cho lão thấy chỉ có sự trở về với cõi sống riêng mới yên ổn, chắc chắn. Tương lai của thằng Ngọc thằng Khải nhất định không thể quanh quẩn, tối tăm trong những rừng trà hoang dã này cũng không chút dính dấp với thằng Tây này thằng Tây nọ. Khi thằng Khải vừa đúng thôi nôi, nhân có vụ cãi cọ qua lại với thằng Tây chủ sở, lão dắt díu vợ con trở về thực sự. Với số vốn liếng dành dụm bấy lâu, lão đã xây nhà, mở cửa hiệu tạp hóa ở cạnh chợ, trên phố. Hình như sự có mặt của thằng Khải đã đem tới cho gia đình lão nhiều may mắn, phát đạt, yên thắm sau đó. Lão và vợ cưng chìu nó rất mực. Nó càng lớn lên càng nghịch ngợm, kỳ khôi không ai chịu nỗi. Riêng lão vẫn tin rằng hết lứa tuổi kỳ chướng nó sẽ điềm đạm, chừng mực như thằng Ngọc, nên ít khi rầy rà mà còn nhìn ngắm nó ngang ngạnh một cách thích thú. Nó với thắng Ngọc khác xa một trời, một vực: Thằng Ngọc hiền khô, điềm đạm thì nó ngang tàng, phách lối. Thằng Ngọc đen điu, nhỏ thó thì nó trắng trẻo như mẹ, dềnh dàng như cha. Cũng chính vì vậy, vợ chồng lão cưng chìu nó như trứng mỏng, như hũ mắm treo đầu giàn. Sau Khải, con Lý, thằng Hòa sống èo uột đâu được mấy năm rồi chết. Qua hai cái tang con, Lão bắt đầu nhìn thấy sự sa sút, thất bại của lão nên sang lại cửa hàng, cho thuê nhà, một lần nữa đùm bọc vợ con về miền quê. Chiến tranh lan tràn khắp đô thị. Chiến tranh vây siết thôn quê. Thằng Ngọc chết đi âm thầm, bí ẩn trong rừng núi liên khu . Rừng núi liên khu đã chất chứa biết bao là nỗi chết. Lão không tỏ chút xót xa khi nghe tin báo mập mờ, trễ tràng đó, nhưng nỗi buồn sau này những ngày tản cư, khó khổ đã làm lão dật dờ, bệnh hoạn. Cũng trong những ngày gồng gánh ngược xuôi mai ghềnh, chiều núi, bà Thuận có mang con Kim. Kim khóc tiếng khóc đầu đời giữa cánh đồng không mông quạnh cạnh bìa rừng. Hai năm sau, đình chiến. Tin loan đi như lời nguyện ước đã đến. Con người có thể ngóc cổ lên, nhìn rõ mặt trời. Gia đình lão hết ngủ bờ, ngủ rừng, ngủ núi, ngủ hầm. Trở về mấy năm sau bà Thuận lại sinh con Thượng muộn màng khi lão tưởng đã dứt hẳn đường con cái. Cuộc đời lão dường như đã móc tựa vào sự có mặt của từng đứa con. Bây giờ nhìn thằng Khải, nhìn thằng con ngày nào hy vọng phơi phới trở về với những vết thương sâu hoắm. Với người vợ cũng xanh xao, gầy mòn, bơ phờ như nó nhiều lần, lão rưng rưng muốn khóc. Bấy năm, hết khuyên tới ép buộc nó cưới vợ, nó vẫn ngang ngạnh không chịu, một hai cũng lắc đầu. Lúc nào nó cũng cười cười, nói dửng dưng: Hơi sức nào cha lo chuyện đó nữa? cha cứ yên tâm nghỉ dưỡng tuổi già chuyện vợ con cứ để đó, con lo cho. Nếu hỏi tới khi nào mày tự lo lấy, nó cũng cười, khi nào có hòa bình, khi nào con thích là con lo liền mà. Bà Thuận tra gạn nó cả buổi, con thương ai, mày đã thương ai, thương đứa nào, nói thiệt để ở nhà lo liệu, nói thiệt đi, con thương đứa nào cũng đặng; nhưng rồi trước sau gì nó cũng chỉ lập lại mấy lời, rồi cười cợt, rồi bỏ qua. Riêng lão Thuận; khi nghe Kim nhắc tới những lý do đã nghe anh tâm sự, càng hiểu được lòng Khải mà không nỡ ép, dù lòng vẫn thường buồn vì chuyện vợ con của Khải: Kim nghĩ coi, lính tráng chân cẳng đứng ngồi không yên như vầy, có vợ để thêm khổ cho họ à ? Cái lý do nghe thực tầm thường, rất nhàm chán nhưng cũng rất gần gũi với anh là đời anh sống mất từng giờ. Nay còn mai mất. Ngay những lúc anh trở về nói cười với em, nhưng anh cứ thường bị nỗi chết chia xa ám ảnh. Sự thực đời anh vậy đó. Có đi lính, có đánh nhau, có gần kề cõi chết mới biết hết được lòng dạ những đứa làm lính như anh. Anh chỉ nói với em một lần này, rồi thôi anh sẽ chẳng bao giờ muốn lập lại. Đời lính cũng chẳng có gì để lập lại cả. Ngay trong những thư sẽ viết cho em sau này, anh cũng không kể, nói tới chuyện lính. Lý do dễ hiểu là anh ghét lính dù anh rất thương đời lính. Chắc Kim hiểu anh ?
Một năm sau trong lúc bà Thuận hết còn mơ tưởng tới ngày rộn ràng làm đám cho Khải, hết nghĩ tới buổi tụ họp đông đảo của họ hàng; nói tóm lại mọi âm vang của tiếng cười nói chúc tụng ngày cưới Khải đã nhạt nhòa trong trí bà để thay vào đó sự nhẫn nại chờ đợi cho tới ngày hòa bình (hai chữ “hòa bình” bà rất thường nghe đọc trong những lá thư của Khải gởi về; rất quen thuộc rất tha thiết, nhưng vô cùng mờ ảo như nỗi tưởng tượng mông lung của bà hằng đêm) thì bỗng dưng nhận được thư của khải báo tin sắp cưới vợ. Con sắp cưới vợ rồi, một câu nói thật dễ dãi nhưng là lòng trông ngóng dai dẳng bao năm của bà Thuận. Nghe Kim đọc thư, bà hấp háy đôi mắt bắt Kim lập lại, và cuối cùng hai hàng nước mắt chảy ròng xuống khuôn mặt bà rạng rỡ. Còn lão Thuận, lão thoáng mỉm cười (nụ cười đã rất lâu Kim mới thấy lại nơi đôi môi lặng lẽ, nơi khuôn mặt buồn phiền), hỏi thêm Kim vài chi tiết (nó cưới vợ ở đâu? Vợ nó năm nay được bao nhiêu tuổi? Còn đi học hay đã đi làm?) Lão làm tợ như Kim là người thấu hiểu hết mọi ẩn tình về cuộc tình duyên bất chợt của Khải. Sau mấy câu hỏi vội vàng, lão im lặng. Lão tưởng tới ngày cưới vợ của con ở phương xa, không họ hàng thân thích, không hoa nữ lễ lộc, mà thấy tội nghiệp cho con.
Ngày đầu tiên Hiên theo những bước chân xiêu vẹo của Khải, trở về gầy hư bên những vết thương của chồng, lão đã thấy xót thương cho nó. Xót thương cho một đời con gái long đong, lận đận. Nhìn thấy cha mẹ Khải, nàng sụt sùi khóc không nói năng gì trong cảnh già nua, cô độc của cha mẹ Khải. Hiên nhớ tới mẹ nàng ở trong Nam quá. Thấy Hiên khóc, bà Thuận cũng chảy nước mắt theo. Còn Kim, lúc đó, nàng mới hiểu rằng những phán đoán khắt khe về những người Nam hư hỏng, hoang phí, là không đúng. Hiên trước mắt nàng lẻ loi, lùi xùi, chí tình đã khiến nàng xốn xang hối hận. Nàng bối rối xót xa nhìn chị như khi nhìn những vết thương trên mình mẩy, chân tay Khải. Liền sau đó, Kim đã tới bên Hiên thực tha thiết, hiền thục. Trong lúc đó bé Thượng cứ đứng thập thò ở xó cửa nhìn lén Hiên, rồi cười cười…
-Trời tối rồi à ?
Trời tối thực. Mưa mờ mịt trong bóng tối nặng trìu, bằn bặt. Lão Thuận quẳng mẫu thuốc ra hiên, đứng dậy, thở dài.
Khải nằm đong đưa trên chiếc võng vải mắc ngoài hiên nhìn Hiên và Kim đang khều khế chín trước sân. Hai cây khế, một chua, một ngọt, vàng um những quả chín mùi cuối mùa không ai hái. Có lẽ từ ngày có Hiên về, những trái khế chín mới được người nhà nhìn tới. Kim bẻ được một đùm khế chín tươi, không rơi dập xuống đất, đưa cho Hiên. Hiên chọn lấy một trái, trả đùm khế cho Kim. Kim Chạy vào đưa cho Khải:
-Khế ngọt này, chị Hiên chê khế ngọt, anh ăn khế đi…
Khải cười đưa cánh tay phải khỏe mạnh ra đỡ cả đùm khế. Những trái khế chín tỏa mùi thơm ngọt ngày nào đã quyến rũ anh bỏ ngủ trưa, trốn trèo lên cây với cối muối ớt, để rồi khi ăn no nghe trong ruột cào xót khó chịu lại bị quất mấy roi mây nữa. Những trái khế chua nhiều vị chát trong cổ hái cho bầy con gái dưới phố hí hửng lên xin, phá phách, những hôm nghỉ lễ hồi nào. Khải đưa khế lên miệng ăn, nghe như hương vị của dĩ vãng không hề phai lạt trong từng trái khế trên tay. Khải lại nhìn lơ đãng ra sân; Hiên vẫn còn mải mê ngước nhìn lên những trái khế chín, dày đặc. Trong bộ tịch bé bỏng, lầm lũi của Hiên, Khải bỗng thấy thương vợ quá chừng. Ước mong lớn lên cưới cho được cô vợ người Nam bé nhỏ, thực thà, để ngày đêm nghe giọng nói chả chớt, nũng nịu, tràn đầy những vỗ về, thắm thiết của Khải bây giờ đã thực hiện được. Hiên bé nhỏ, ngơ ngác, nặng tình nặng nghĩa thực sự đã vỗ về, đùm bọc anh rất nhiều từ thuở mới thương tới ngày què quặt, tàn phế. Những khổ ải, hèn kém, thua sút mà Hiên đã hết lòng lãnh chịu đã giúp Khải hiểu thấu lòng dạ nàng. Anh nghĩ, chỉ có những bất hạnh mới đo lường được lòng tin yêu nơi con người mà thôi. Trong sự phủ phê, sung túc, làm gì có niềm tin yêu bền vững như ở Hiên đã có. Không biết chừng, mọi cảnh xa hoa, mọi đời dư dật sẽ làm tàn lụn lòng tin yêu nơi con người nữa là đằng khác. Những cái trứng gà của bầy gà Hiên gầy nuôi dành cho anh mỗi sáng có khác nào anh đã hút từng giòng sữa ngọt ngào kết tụ nơi Hiên ? Những dành dụm nhỏ nhặt, những lo lắng chiu chắc cũng chỉ cốt lo cho anh hằng ngày của Hiên, đã làm anh nao nao thương vợ. Và Khải biết mình không làm sao quên Hiên được, như không thể quên quả trứngvịt Hiên nhặt ngoài mé ruộng bên đường, mừng rỡ mang luộc cho anh ăn hôm nào. Đôi lúc, dù nhìn lại thân thể mình sứt mẻ, tật nguyền, nhưng nghĩ tới tình nghĩa của Hiên, anh cũng đã vơi đi nhiều buồn tủi, ray rức. Và đứa con trong lòng Hiên đang mang nặng đã như những liều thuốc ngủ êm ái, dỗ dành anh những đêm nghe nhức buốc mình mẩy, chân tay, bởi những mảnh đạn chưa được lấy ra. Khải nghĩ nay mai rồi đứa con đó cũng sẽ ra đời bên người cha tàn phế như Khải, để lúc lớn lên hỏi cha nó về cái chân què, cái tay cụt, cái vết sẹo dài ở ngực; người cha biết làm cách nào để nói với con, trả lời cho con những điều đó rành rọt đây? Chẳng lẽ bảo cha đã có hồi cầm súng, đã có hồi đeo lựu đạn, đã có hồi thù hằn bắn giết để rồi trở về với những thương tích một đời trên thân thể ? Khải mơ hồ thấy buồn với những điều không thể nói hết…
Khải nhìn chậm chạp, sững sờ lên những vết thương đang khô dần, lành lặn ở hai cánh tay. Một cánh tay bị bể xương, trộn lẫn với những mảnh đạn sưng lên ở khủy, phần thịt hai bên khô héo lại, nhỏ xíu. Hết nhìn những vết thương ở đôi tay, Khải dò dẫm nhìn xuống những vết thương còn quấn băng ở ngực và chân trái. Tất cả những mảnh đạn trong các vết thương đó chưa được nhặt ra, chờ đợi lành lặn hẳn các vết thương mới giải phẩu lần hồi. Anh có thể lấy một ngón tay, lựa tìm từng cạnh mảnh đạn trong các thớ thịt sưng đau nhức. Lần nào cũng vậy, tìm thấy một mảnh đạn còn nằm sâu trong thịt, Khải chua xót nghĩ rằng, thịt xương anh đâu phải là nơi chưa đựng những mảnh đạn, những thù hận? Xưa nay, có ai ngờ rằng, có ngày trong thịt xương giòng máu mình sẽ có những mảnh sắt giết người không ? Khải buồn bã nhìn thoáng ra sân, bóng Hiên và Kim đã mất; trời hanh nắng, thứ nắng vàng vọt của những ngày đầu đông được tạnh.
Thượng đi học về, chạy lại nắm một đầu võng lay gọi Khải dậy:
-Anh Khải, anh Khải có cái thư này…
Khải mở bừng mắt, đôi mắt mệt mỏi thoáng nhìn ngơ ngác:
-Thư nào? Cái thư nào, của ai?
Thượng cười:
-Thư của thầy em đó…
Không đợi Khải hỏi, Thượng nói tiếp cũng với giọng nôn nao cũ:
-Thư của thầy gửi cho chị Kim mà, thầy thường gửi thư cho chị Kim lắm.
Cầm cái thư trên tay. Khải biết được rằng, chắc ông thầy trẻ tuổi đa tình nào đây dạy ở trường Thượng viết thư tán tỉnh nặng lòng vớí Kim rồi. Khải cười với Thượng, Thượng vào trong nhà cất sách vở, rồi kêu chị Kim vào đây anh Khải nhờ chút việc, gấp lên nghe chưa ? Thượng dạ lớn một tiếng, chạy ù vào trong nhà, như kéo tiếng cười theo từng gót chân thon. Khải nhìn lướt qua nét chữ tô điểm cẩn thận như lúc ông thầy viết tập cho bọn học trò trên bì thư: “Thương gửi em Trần Thị Minh Kim”.
-Anh gọi em, anh Khải?
-Ờ, không nhờ chuyện gì cả, Kim có cái thư …
Khải đưa cái thư về phía Kim - Kim luống cuống, bỡ ngỡ. Đợi Kim lấy thư, Khải nói:
-Sao Kim giấu anh ?
Kim gắng gượng cười:
-Em đâu có giấu…
Khải cười theo em:
-Em không giấu nhưng em chỉ không nói, làm thinh thôi?
Kim đứng gần Khải hơn, tay vịn đầu võng, đong đưa:
-Tại ông thầy của Thượng…
-Tại ông thầy của Thượng thế nào?
-Ổng viết thư cho em đó chớ.
-Rồi em có viết thư cho ổng không?
-Có.
-Anh biết, thôi bây giờ kể rành rọt đầu đuôi cho anh nghe đi, anh giúp cho.
Kim nhìn thật lâu lên gương mặt anh, bắt đầu kể: Hôm trước xa, thật xa, em quên mất ngày nào rồi, Thượng nó đau trái rạ đó anh, ở nhà cha sai em lên trường xin phép cho Thượng nghỉ đôi ba bữa nếu không Thượng nó khóc hoài, nó nói không có gia đình xin phép thầy cho điểm xấu, cho zero, cuối cùng em phải liều đi cho nó yên. (Kim dừng lại nhìn anh) Rồi… rồi gặp ông thầy của Thượng, ông thầy còn nhỏ, ông ta hỏi thăm Thượng, thăm nhà, sau đó hết giờ dạy ông ta có tới thăm Thượng, cha lên phố, má còn ở ngoài chợ, một mình em (dừng lại đong đưa chiếc võng), ông thầy hỏi thăm em, thăm anh. Rồi sau đó, em cũng không nhớ ngày nào, Thượng mang về hớn hở đưa em một bì thơ, có thơ của thầy. (Kim ngập ngừng). em đọc rồi em… viết thư trả lời. Hôm sau lại có thư nữa cho tới bây giờ, thư này là lá thư thứ mười hai đó…
Khải nhìn kỹ lên khuôn mặt Kim, thấy nó cũng đã lớn nhiều. Anh vẫy tay cho Kim rời anh: Thôi vậy được rồi, lúc nào muốn anh đọc thư thì cứ đưa, có điều gì không viết được, hỏi anh nhé? Kim sẽ sàng đi thoăn thoắt ra sau vườn, như đàn chim vui mừng vỗ cánh. Khải nhìn theo em, như nhìn theo những ước mơ ôm ấp ngày nào của mình. Những ước mơ đẹp như những lời thư tình. Trong cảnh sống cay nghiệt, chua xót này có được những giấc mơ đẹp như thế, không có gì đáng trách. Nhất là với Kim, người con gái đã cúi xuống quá nhiều bên nỗi nhọc nhằn, lận đận của cha, mẹ , anh, em.
Mùa đông đã về rõ ràng trong những trận mưa dài mục đất, ngút ngàn. Mùa đông đã che kín bầu trời bởi những lớp mây đen, dày đặc. Mùa đông thê lương nơi làng quê hẻo lánh của lão Thuận đã được nhìn thấy với nỗi vắng vẻ mỗi ngày một hiu hắt, chột dạ. Đêm đêm, trong tiếng mưa, lão còn nghe rất nhiều tiếng chó sủa ghê rợn dò dẫm theo từng gót chân lén lút, di động. Từ ngày Kim bị dẫn đi cùng với con Hở, con Hương, con Lực, tiếng chó sủa càng nhiều, gay gắt, khó nhắm mắt được. Trong bảy đứa con gái cùng bị dẫn đi với Kim, lão nghe nói, có hai đứa là người cũ đã có lần lên núi trước đây. Bây giờ, lúc này, những gì xảy ra chung quanh đối với lão đều khó hiểu, khiến lão giựt mình. Có con Kim ở nhà đỡ đần việc này việc nọ nay nó đi mất, khiến con Hiên phải khổ trăm bề. Mấy hôm rày, con Hiên kêu đau bụng đẻ, nó nằm xuống, lại không có ai coi ngó trước sau. Lúc sáng, Khải đã trù tính đem Hiên lên phố sinh, nhưng lúc lão hỏi, sinh ở đâu, nằm ở đâu, ai chăm sóc mẹ con nó, thì Khải im lặng. Khải cũng biết rằng, ở nhà Hiên sẽ có mẹ anh hơ háp, lửa củi, cháo cơm; còn bước lên phố thì hoàn toàn xa lạ. Căn nhà người thím thì cũng chỉ dành cho một chỗ để đặt chiếc giường bố cho anh mỗi đêm thôi, đâu còn chỗ nào để bao dung cho mẹ con Hiên được? Không có nơi dành riêng, và cũng không có tình nghĩa nào rộng rãi hơn một xó giường bố đã đặt ở chốn phố chợ phồn hoa. Những nghĩ ngợi tính toán nào cuối cùng cũng chỉ cho anh nhìn thấy thêm sự lạc lõng, khốn đốn của gia đình. Khải nghĩ mà muốn ứa nước mắt.
Theo lời cô đỡ vừa được mời đến thì có thể Hiên sẽ sinh trong đêm nay, đêm mưa gió đầy trời. Nghe lời cô đỡ nói, Khải nghĩ đến việc ở lại, không đi xuống phố nữa: Mình phải ở lại bên Hiên trong giờ phút nàng đớn đau làm mẹ. Ngày nào Hiên cũng đã căn dặn anh, hễ ngày em sinh anh phải có mặt bên em, cho em đỡ sợ, cho em tin tưởng. Hiên đòi phải có Khải đứng cạnh nàng ngay trong phòng sinh nữa, nàng mới chịu. Khải chịu hết, nhưng bây giờ phải tính sao? Con Kim đã đi, từng đêm chó sủa vang dậy, súng nổ rền trời, liệu anh có thể yên tĩnh đứng cạnh Hiên chờ nàng sinh không? Hay anh phải quờ quạng từng bước lủi trốn như lão Thuận? Khải bồn chồn khi bóng chiều mỗi lúc càng xuống thấp ngoài ngõ.
-Mày phải đi, nhất định mày phải đi ngay bây giờ…
Lão Thuận lập lại câu nói với nhiều vẻ cương nghị, hoảng hốt. Tiếng Hiên rên khóc kêu gọi tên anh trong buồng gây niềm hoang mang, đau xót trong lòng Khải. Hễ tới ngày em sinh, anh phải có mặt bên em, cho em đỡ sợ, cho em tin tưởng. Khải đứng dậy, rời khỏi võng. Anh vói cầm cặp nạng, chống thân đi từng bước tới buồng Hiên. Không biết sao, đến cửa anh dừng lại. Tiếng Hiên rên lên từng chặp , từng chặp khắc khoải. Khải cảm thấy đau nhói trong lồng ngực như thể một mảnh đạn nào đang cựa quậy trong đó. Anh đứng dựa vào thành cửa, im lặng- một lát, Khải vội vã ra hiên, với tay lấy tấm áo mưa, khập khiễng đi lần ra ngõ. Anh dừng lại bên gốc cây khế, tựa lưng vào đó – không còn có thể lê bước thêm nữa …
Buổi chiều trời mưa tầm tã, gió rạt rào trên những cành cây cao.