MANG VIÊN LONG
 

Cảm Ơn Nhau
Truyện Ngắn 
(Tặng Bạn - nhỏ - năm - xưa")

 

Khoảng 11 giờ khuya, Quế nghe chiếc điện thoại để bên gối bỗng reo vang. Từ xưa nay, không ai gọi cho anh vào giờ này – ngay cả cô con gái duy nhất đang làm việc ở Saigon. Quế cầm máy, số điện thoại lạ - rất la. Cả dãy số “không” phía sau – nhưng anh vẫn áp máy vào tai, “alô”.

Tiếng người nữ - ấm, vui và có vẻ vội vàng:
- Thưa, có phải số phone của Thầy Quế - Lê Trần Quế không ạ?
- Đúng rôi! – Anh ngập ngừng - Nhưng cô là ai?
- Dạ, em là Mai, Thúy Mai lớp 10 C đây ạ…
Sau cuộc điện đàm hơn nửa giờ với Thúy Mai khuya hôm ấy, Quế thường nhận được phone của Thúy Mai gọi về vào lúc 7 giờ tối. Giờ nầy, bên kia đại dương – Thúy Mai cũng vừa thức dậy, tập đi bộ quanh công viên gần nhà, trước khi lái xe đến sở làm việc.

Năm 1974 –Thúy Mai học lớp 10 do Quế làm giáo sư hướng dẫn (1) và dạy môn Anh Văn. Thúy Mai hơi gầy, nhưng có lẽ cao nhất lớp, tuy tuổi chỉ bằng trang lứa các học sinh khác trong lớp. Thúy Mai đẹp. Không chưng diện gì hơn so với các bạn trong lớp dù nhà Mai khá giả, có hiệu thuốc tân dược lớn nhất thị xã. Quế nhận ra mối cảm tình đặc biệt dành cho Thúy Mai của các bạn trong lớp, rất thân tình, chan hòa, ấm áp. Đôi lúc, Quế nghĩ - có lẽ không ai có thể ganh ghét với Mai được vì nàng rất khiêm tốn, hồn nhiên, biết chia sẻ cùng tất cả, ngay cả với các bạn trai. Thúy Mai còn là một cô bé học khá giỏi, yêu thơ văn, hay làm thơ, những bài thơ tuổi học trò. Và trong việc này thì cô bé rất gần gũi Quế. Đôi khi Thúy Mai cũng “can đảm” khoe vài bài thơ dễ thương của cô với ông thầy Anh văn. Thúy Mai như đã là một người bạn-nhỏ của Quế, dù anh chưa bao giờ nói ra.
Chưa kết thúc niên khóa thì xảy ra những ngày sôi động gần cuối tháng 4 năm 1975 – thầy trò đã phải xa cách…
Theo lời Thúy Mai kể, gia đình nàng phải lánh nạn đạn bom, vào trú tạm ở nhà người dì ở cảng Cam Ranh. Cuộc chiến ngày càng gần – như dồn đuổi tất cả vào ngõ cụt trong các thị xã, thành phố. Trong những ngày căng thẳng vì lo sợ đạn bom, thù hận – gia đình Thúy Mai đã di tản theo gia dình người dì trên chiếc thuyền máy mua lại của những ngư dân. Mấy ngày đêm hãi hùng lênh đênh trên biển, cuối cùng thuyền của gia đình Thúy Mai cũng được tiếp cứu kịp thời, đưa vào một hòn đảo của Malaysia…
Trả lời câu hỏi thăm về gia đình, sinh hoạt hằng ngày và sức khỏe – Thúy Mai do dự giây lâu – rồi òa lên khóc: “Thầy ơi! Em khổ tâm lắm. Em hiện sống không thiếu bất kỳ thứ gì, nhưng em buồn và cô độc lắm! Ngoài ngày một buổi đi làm theo ca, em nằm nhà – chẳng biết làm gì? Bạn bè, người thân thì thỉnh thoảng mới có dịp gặp – sống với nhau một buổi, một ngày vào các dịp nghỉ lễ, hay nghỉ phép mà thôi!”
- Còn cha mẹ, chồng con em?
- Khi em vừa tốt nghiệp đại học, xin được nơi làm việc đàng hoàng - thì cha mẹ em đã lần lượt qua đời..
- Còn chồng và con nữa chứ, em?
- Em không muốn nỗi bất hạnh của em sẽ làm thầy buồn…
- Thúy Mai, em đừng nên nghĩ vậy!
- Em có chồng, và sinh được một cháu trai, đã tốt nghiệp đại học, vừa cưới vợ năm ngoái…
- Còn anh ấy?
- Anh ấy cũng rất thương em, nhưng…
- Sao?
- Chúng em đã ly thân từ 5 năm nay rồi…
- Vì lý do gì vậy em?
- Em tự nguyện làm vậy, vì… – Thúy Mai bật lên khóc sướt mướt, không thể tiếp tục nói gì thêm, dường như những giọt nước mắt ấy đã chờ đợi quá lâu ngày để tuôn trào – măc dù Quế đã để máy chờ khá lâu.
- Em nên nghỉ ngơi đi, thầy xin lỗi, không khơi dậy nỗi buồn riêng của em nữa… Quế tắt máy.
Những lần gọi sau, Thúy Mai có vẻ sôi nổi hơn khi kể lại chuyện gần suốt năm năm đi “sưu tầm” tin tức của Quế qua bạn bè đồng hương của nàng và cả đồng hương của Quế, mà chẳng biết được tin gì mới - ngoài những lời “nghe được” chung chung, rất mơ hồ. Có lúc, nàng muốn nhờ người cháu gái ở Việt Nam đăng báo giúp mẩu tin “Tìm Thầy Cũ” với hy vọng có được địa chỉ và số phone của Quế…
Nhận được tin người bà con từ Việt Nam vừa sang thăm, còn nhớ rõ số phone của Quế, Thúy Mai vui mừng gọi thử ngay cho anh, dù biết giờ nầy có thể Quế đã ngủ! Thúy Mai kể lại vanh vách từng kỷ niệm nhỏ thuở xưa được gần gũi bên Quế năm lớp 10, có nhiều điều anh không thể nhớ ra, và cũng có nhiều điều làm anh “chợt nhớ” để rồi ngạc nhiên về cô học trò nhỏ đã sớm biết yêu thương, nhung nhớ. Nghe nàng kể nhiều về kỷ niệm, Quế nghĩ và nhớ lại, có lẽ - các bạn gái trong lớp thuở ấy với Mai cũng đều biết tình cảm đặc biệt của nàng dành cho người thầy trẻ vừa mới ra trường – họ cứ mãi nhắc đến Thúy Mai khi gặp anh - và có lần còn hỏi: “Thấy thấy Thúy Mai cắt mái tóc mới có đẹp không, thầy?” – “Hôm nay Thúy Mai mặc váy đầm trông thế nào, thầy?”…

Quế cảm thấy vơi dần nỗi phiền muộn từ ngày “gặp lại” Thúy Mai cho dù sự chia sẻ yêu thương chỉ qua chiếc máy điện thoại di động nhỏ mỗi đêm. Từ sau ngày anh chấp nhận việc đòi ly hôn của Lệ, Quế cũng đã giảm bớt nỗi lo âu, ray rứt đã kéo dài theo đời anh suốt hơn mười lăm năm. Tiếc nhớ níu kéo làm gì khi tình yêu đã khô cạn! Anh sống lầm lũi, cô độc, tìm vui bên những trang viết mối ngày khi được thư thả công việc mưu sinh. Đêm đêm anh thao thức bên chiếc computer cũ của một người bạn văn gởi cho mà tha hồ giải bày, chia sẻ!
Về sau, anh càng nhân ra, Thúy Mai không hề che giấu tình cảm riêng của nàng đã dành cho Quế từ ngày xa xưa. Nàng bày tỏ chân tình, hồn nhiên, mãi nhắc những lần thương nhớ mỗi khi đến lớp, mỗi lần trò chuyện, hay vài lần thầy trò cùng đi ăn kem ở quán Ngọc Thành, về thăm miền quê của Vân, của Hạc… Thúy Mai đọc cho Quế nghe những bài thơ nàng đã viết cho Quế bằng cả trái tim mới lớn đầy ắp yêu thương và nồng nàn nỗi nhớ mà nàng dã lưu giữ suốt gần 40 năm. Nàng không chỉ là cô học trò dễ thương ngày xưa, mà còn là người bạn-nhỏ chân tình của Quế tự thuở nào cho đến hôm nay. Mỗi lần được nghe Thúy Mai trò chuyện – Quế càng cảm thấy yêu thương, trân quý nàng nhiều hơn. Có ai, đã gần 40 năm xa cách mờ mịt - vẫn canh cánh bên lòng một tình thương yêu thủy chung như thế nếu không là một duyên nợ? Nàng trách anh sao sau biến cố năm 1975 không chịu tìm nàng? Không cho nàng một cơ hội gặp gỡ trước ngày nàng quyết định lập gia đình? Thúy Mai nói – nếu em biết được tình yêu của thầy đã dành cho em - thì chúng ta đã được sống bên nhau trọn vẹn suốt đời… Trởi ơi, thầy như con chim trong lồng, con cá trong chậu – biết em đang trôi dạt ở phương trời nào mà tìm? Khi nghe Quế trả lời về tình cảnh gia đình riêng của anh - Mai đã bật khóc: “Đời thầy đã chịu bất hạnh nhiều quá! Em mong được chia sẻ cùng thầy những gì có thể, cho dầu đã muộn màng…” Lần nầy - lần đầu tiên sau gần một năm “găp lại” Thúy Mai, Quế bàng hoàng thốt lên: “Anh vô cùng cảm ơn em!”
Sau hơn một năm được “gần nhau” qua chiếc điện thoại nhỏ mầu nhiệm - Thúy Mai báo tin nàng sẽ về thăm quê, sẽ gặp Quế vào ngày 11. Quế rất vui, cảm thấy dường như đang có một sự chuyễn hóa thiêng liêng vô hình cho cuộc đời mình. Anh bấm đốt tay nhẩm tính từng ngày chờ nàng về. Đời sống tưởng đã lụn tàn ở tuổi gần sáu mươi như đang phơn phớt mầu xanh kỳ diệu.
Ở sân bay Tân Sơn Nhất, Thúy Mai đã gọi ngay cho anh - đề nghị Quế vào Nha Trang sáng 12. Nàng sẽ đi chuyến bay ra Nha trang vào lúc 8 giờ 30 để gặp Quế trước khi về Ninh Hòa thăm quê: “Anh sẽ rất hạnh phúc được gặp lại em ở thành phố biển ghi dấu nhiều kỷ niệm thanh xuân của anh. Em yêu!”
Thúy Mai đã ôm choàng lấy Quế ngay khi vừa đặt chân xuống sân bay. Nàng tựa đầu vào ngực anh – thổn thức. Quế yên lặng, tận hưởng phút giây hạnh phúc sau gần bốn mươi năm. Anh hôn nhẹ lên trán Thúy Mai – khẽ nói: “Chúng ta về khách sạn, em nhé!” Cả hai gọi taxi về thành phố, đến ngay khách sạn Hoàn Mỹ nằm dọc theo bờ biển xanh xinh xắn mà Quế đã vào sớm lấy sẵn phòng. Căn phòng số 401 – tầng 4…
Trong thang máy – Quế ôm hôn Thúy Mai. Nàng vẫn ghì chặt lấy anh khi tiếng chuông nhỏ báo hiệu thang máy đã đến nơi, cửa đang mở. Quế giúp Thúy Mai mang hành lý đến trước cửa phòng 401 – tra chìa, mở rộng cánh cửa đợi chờ. Đóng khóa cửa phòng xong – Quế dìu Thúy Mai đến ngay chiếc giường nệm bên phải (phòng có hai giường cá nhân) – đặt nàng nằm xuống, nhìn ngắm nàng giây lâu - rồi bất chợt ngã lên người nàng, đặt những nụ hôn da diết lên khuôn mặt dịu dàng, tình nghĩa của “người bạn nhỏ” năm xưa. Anh cảm thấy như đang sống lại tuổi thanh xuân của những ngày đầu vừa ra trường với xúc cảm dâng tràn bên Thúy Mai…

Chiếc bàn đặt gần cửa sổ, hướng ra biển. Ngồi ở đó, nhìn qua khung cửa kính rộng - một phần bờ biển uốn cong dào dạt những đợt sóng trắng xóa hiên ra thật mời gọi. Trên con đường hai chiều rộng thênh, xe và người lướt thướt trôi qua mơ hồ nhưng sinh động. Thúy Mai khen anh đã khéo chọn căn phòng rất tiện nghi, xinh xắn - nhất là có vị trí rất tốt để cả hai ngổi trong nhau cùng ngắm biển mỗi sáng chiều nếu lười đi ra ngoài.
Thúy Mai nằm yếu mềm trong đôi tay anh, lắng nghe từng xúc cảm đang sôi nổi trong từng hơi thở, từng mạch máu dường như cũng đang căng dần lên mỗi lần Quế áp mặt hôn lên bờ ngực trần tròn đầy, hay vội vã hôn lên môi nàng không rời… Nàng đâu có thể ngờ rằng, người nàng đã thầm yêu, thầm nhớ thuơng suốt gần 40 năm – đang là của nàng. Đang sống cuồng nhiệt bên nàng trọn vẹn, nồng nàn.
Với Quế, người “bạn nhỏ” năm xưa một thời áo dài trắng tóc xõa ngang vai hồn nhiên chập chờn thương yêu bóng gió tưởng đã mờ xa cùng năm tháng lang bạt bể dâu - đang nằm gọn trong đôi tay anh - đang gối đầu lên cánh tay anh - đang cùng anh xao xuyến lắng nghe từng xúc cảm tràn ngập. Quế chợt nghĩ: “Cuộc đời vẫn còn dành cho ta những gặp gỡ nhiệm mầu mà ta không thể tưởng tượng ra được… Dòng nhân duyên thật diệu kỳ, thật công bằng với tất cả…”
Tiếng Thúy Mai mơ hồ: “Anh cười gi vậy?”
- Anh hạnh phúc quá – giọng Quế thì thầm bên tai nàng – anh đang nghĩ đến tình yêu của chúng ta, nghĩ đến duyên mệnh của cả hai, và nghĩ đến thời khắc đang nằm bên em – tất cả như một giắc mộng, em yêu!
- Em cũng đang nghĩ vậy!
- Cảm ơn em – giọng Quế nhẹ nhàng, nồng ấm.
Buổi trưa Quế mơ màng ngủ - Thúy Mai đang tắm trong phòng bên cạnh – anh thức dậy ngồi vào chiếc ghế nhìn ra cửa sổ! Nắng trong veo mênh mông. Mây trắng và xám nhạt lênh đênh trên cao. Sóng biển từng đợt đều đều vỗ vào bờ. Không có ai ở bãi biển vào giờ này. Yên ắng. Thăm thẳm… Trước mắt Quế, trên mặt bàn là cuốn sổ tay nhỏ của Thúy Mai. Anh cầm lên, mở ra xem - một đoạn thơ nàng vừa mới viết trưa nay ghi rõ ngày giờ (Nha trang 3 giờ chiều, ngày 13…):

“Em ngồi ngắm biển. Thương anh
ngủ say với giấc mộng lành ban trưa.
Ngoài kia con sóng ngàn xưa
vỗ hoài lên đá bên bờ nhân gian.
Em ngồi ngắm anh. Bàng hoàng,
tóc anh nhuốm bạc – mùa sang – bao giờ?
Ngoài kia núi đứng ngẩn ngơ
nhìn anh-em với tình thơ tháng ngày”(1)
Và bài thơ Thúy Mai đã viết vào đêm hôm trước, sau một đêm sống bên nhau:
“Nha Trang cõi xưa tôi về
Một đêm cháy hết cơn mê cuối đời.
Một đêm ngàn con sóng trôi
Cuốn tôi đi mãi bên người trăm năm.
Tình xa rồi tình lại gần
Cảm ơn khoảnh khắc ân cần cho nhau
Sóng còn vỗ mãi ngàn sau
Tôi còn chết ngộp - tình sâu của người.”(2)
Tâm hồn nàng vẫn đầy thơ dù đã nhiều năm sống ở nước ngoài. Quế đọc, và cảm thấy bàng hoàng với tình thương yêu mà Thúy Mai đã dành trọn cho anh – như một mối tình đầu (cũng là tình cuối) thật mầu nhiệm thiêng liêng. Bốn mươi năm - thời gian gần hết đời người - cho đến hôm nay… Quả thật Tình Yêu chân thật trong sáng ban đầu diệu kỳ, sâu đậm biết bao!
Một ngày dắt tay nhau lang thang dọc bờ biển rì rào tiếng sóng và gió. Sáng lên ngồi ở Café Hòn Chồng nhìn xa ra Hòn Rùa, nhìn cao lên bầu trời trong xanh tháng hạ, nhìn biển ngan ngát một mầu mênh mông – Quế cảm thấy vô cùng cảm ơn Thúy Mai. Nàng đã đem lại nguồn sống tưởng đã lụn tàn. Nàng đã chia sẻ hạnh phúc trăm năm cho dầu rất ngắn ngủi. Nàng đã bao dung và an ủi đời anh để tiếp tục cuộc hành trình nơi cõi tạm nhiều phiền lụy, thương đau. Quế đã hôn lên bàn tay trắng mịn thoảng một mùi thơm như đã quen thuộc từ lâu – nhìn sững lên đôi mắt to tròn, đen láy của Mai: “Anh vô cùng cảm ơn em! Em yêu!” Thúy Mai mỉm cười, hôn phớt lên tay anh – nói khẽ: “Anh đừng nói vậy. Chúng ta cám ơn nhau! Cám ơn đời còn cho ta cơ hội sống bên nhau – anh ơi!” Thúy Mai mân mê lòng bàn tay chai sạn, nổi cộm từng cụm – nhìn Quế, tha thiết: “Em rất thương hai bàn tay của anh! Anh đã phải cơ cực và chịu bất hạnh bao năm…” Nghe nàng nhắc, Quế mới nhớ - cuộc phong trần dài dặt bao điều phiền não, khổ đau đã lướt qua đời anh như một cơn mơ. Lần đầu tiên anh mới được nghe có người để ý đến đôi bàn tay chai sần vì lao khổ của mình – cảm thấy thương yêu Thúy Mai quá đỗi. Nàng yêu thương anh - yêu thương cả những nỗi khổ, nỗi đau, nỗi bất hạnh mà chính anh đã đôi lần phải tự nhủ - hãy quên đi, hãy bước tới…
Buổi trưa Quế và Mai ghé lại quán cơm chay Viên Giác trước khi về phòng. Họ sống rất giản dị bên nhau. Quý từng giây phút trong tay nhau. Thời gian được phép trở về bất thường của Thúy Mai chỉ gói gọn trong một tuân lễ. Quế rất sợ giờ phút phải chia xa. Sợ những tháng ngày lăng lẽ nơi con phố nhỏ hiu hắt cô độc. Những sáng chiều ngồi một mình nơi hiên nhà, những đêm mưa dầm lê thê vắng lạnh. Đĩa cơm đạm bạc, đơn sơ, nhưng được gần gũi bên nhau, vui cười trò chuyện cùng nhau hôm nay – với Quế là phải đợi chờ gần bốn mươi năm. Hơn hai mươi năm ngày hai bữa ghé quán cơm bụi dọc phố chợ, cặm cụi ăn, lủi thủi buồn. Anh ăn từng miếng cơm nhỏ, chậm rải - vừa ăn vừa nhìn Thúy Mai - vừa ngẫm nghĩ. Và cảm thấy đời mình đã được bù đắp thật mầu nhiệm. Mỗi lần cảm giác nầy đến trong anh – Quế lại cảm thấy rất biết ơn nàng. Cảm ơn duyên phận. Cảm ơn Tình Yêu. Cám ơn đời…
Sau giấc ngủ trưa dài quấn quít không rời - gần 4 giờ chiều – Quế đưa Thúy Mai đến quán bánh canh số 10 đường Cô Bắc, ăn tô bánh canh đầy hương vị ngọt ngào của biển và tình yêu, rồi lang thang đến quán café Gió Biển ngồi hóng mát, ngắm biển trời mênh mông, trò chuyện… Khoảng gần 6 giờ, trời mát dịu, gió trong lành dạt dào - Thúy Mai chợt cầm bàn tay khô ráp của anh lên môi hôn: “Mình ra ngồi ở bãi cát kia đi anh! Em chỉ còn một buổi chiều và đêm nay được sống với biển với anh mà thôi!”.
Hai người chọn một chỗ ngồi cao, thoáng sạch - trải tờ báo, cùng ngồi bên nhau – im lặng nhìn biển. Quế ve vuốt đôi bàn tay trắng muốt từng ngón tay dài, áp lên má, đưa lên môi, và cắn nhẹ vào ngón tay áp út có đeo chiếc nhẫn bạch kim nạm ngọc. Thúy Mai quàng tay qua lưng, ôm lấy anh siết nhẹ. Đêm dần xuống, biển vắng người - Quế kéo nàng nằm xuống lòng mình, hôn lên môi má nàng - thật lâu. Thúy Mai như chìm đắm trong xúc cảm khi Quế hôn lên ngực nàng: “Đêm hôm qua – chính là đêm tân hôn của chúng ta, em nhỉ?” Quế nghe hơi thở nàng phập phồng, gấp gáp, căng thẳng. Một lúc sau – giọng Thúy Mai như đứt quãng: “Chúng ta còn một đêm nữa bên nhau thôi”.
Trước khi về lại phòng - Thúy Mai đã ghé mua thêm hai hôp cơm, mấy quả trứng gà luộc, hai ổ bánh mì, hộp phó mát “Con Bò Cười”, cùng với mấy thanh chocolate đen Hershey có sẵn trong xách tay - dành cho buổi tối.“Em muốn chúng mình sẽ cùng nhau thức suốt đêm nay”, nàng nói – mắt long lanh màu nâu cát biển mà lần đầu tiên trong đời Quế chợt nhìn thấy. Màu cát biển thấp thoáng trong những giấc mơ bao năm của hai người.

(1) GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM BÂY GIỜ, TRƯỚC NĂM 1975 ĐƯỢC GỌI LÀ GIÁO SƯ HƯỚNG DẪN.
(2) Thơ NB

  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long