MANG VIÊN LONG
Chị Sáu Cô Đơn
Truyện Ngắn
Chị Sáu Cô Đơn
Truyện Ngắn
Cuối con dường phố rộng mang tên một vị anh hùng có một xóm nhỏ nẵm lọt sâu trong con hẻm, đoạn đường dẫn vào xóm gần hai mươi nóc nhà gồ ghề; một bên là dãy nhà tôn, một bên là chiếc ao sâu diện tích khoảng một trăm mét vuông, nhưng kéo dài đến vùng ruộng thấp phiá dưới – nhà chị Sáu Cô Đơn ở cuối đường tiếp giáp với mấy đám ruộng ấy.
Ngôi nhà xây tạm vách gạch chưa tô, mái tôn gỉ sét của chị nằm kẹt gần dãy tre già làm bờ ngăn nước, cũng là ranh giới cuối của con xóm mang cái tên ngộ nghỉnh “Xóm Kẹo”. ( Dễ hiểu là cái xóm nhỏ chen chúc mọc lên như cỏ dại nầy gồm những gia đình chuyên làm kẹo cục, kẹo cà. kẹo kéo mang ra chợ bán từ thời loạn lạc trước năm 75). Vị trí ngôi nhà của chị Sáu Cô Đơn và cái tên “xóm Kẹo” – làm ngưởi ta dễ hiểu dễ nhớ địa chỉ nhà chị và có thể phần nào nhận biết được cả cuộc đời lận đận có cái tên “cô đơn” kèm theo vị thứ “sáu” của chồng chị trong con xóm nầy. Chị vừa trôi dạt phương xa về muộn sau năm 80, may mắn còn chút đất cạnh bờ tre không ai ngó đến – chị là người sau cùng chen chân chui rúc vào đây để có chỗ nương thân cùng đứa con gái nhỏ tám tuổi sau cuộc tang thương. Chẳng biết ai đã nghĩ ra và đặt cho chị cái tên vừa lạ, vừa rất thơ nầy từ ngày chị về nấn ná sống ở đây?
Không ai có thời gian để thắc mắc gì đến cái tên mới và lai lịch của chị – và ngưởi trong xóm, từ nhỏ đến lớn cũng dều gọi chị là “Sáu Cô Đơn” mỗi lần gặp hay gọi để mua vài chiếc bánh rán hay bánh bò rất ngon của chị vào mỗi sáng mỗi chiều chị mang thau bánh ráng và ôm kè kè thẩu bánh bò bắt đầu rời túp nhà quạnh hiu xuống phố…
Chị Thảo năm nay khoảng 50 tuổi. Con số 50 là có vẻ hơi nhiều so với vóc dáng nhỏ nhắn gầy thấp, tóc phi dê ngắn của chị. Nỗi gian truân và sự lạc lõng của chị cũng khó có thể giúp người đối diện đoán tuổi chính xác; nhưng điều dễ thấy biết nhất là chị như con sóc hay cười. Mau mắn. Nhanh nhẹn. Cởi mở. Như con gà mái chăm chỉ. Lui cui. Cặm cụi. Từ mờ sáng đến tối mịt. Tuy vậy – dù nhìn dáng vẻ lùi xùi hôm nay, nhưng người ta cũng có thể liên tưởng đến thời trẻ, thời con gái của chị không sai lắm: Đó là một cô nữ sinh xinh xắn, nhỏ nhắn, có dôi mắt gợi cảm và đôi môi liếng thoăng tươi hồng. Có lẽ, như bao cô gái khác – Thảo cũng đã trái qua một thời bướm ong thơ mộng nữ sinh?
Dường như lúc nào nhìn thấy chị, đôi môi đó cũng luôn cười. Nụ cười luôn nở nên đôi môi như được tô một làn son mỏng làm cho nó bớt đi mầu tái xám, bớt đi sự lạnh lẽo. nhọc nhằn. Người lớn, người già gọi chị là “ Sáu cô dơn” – chị cười sẽ sàng, im lặng. Trẻ nhỏ gọi chị “ Sáu cô đơn” – chị cười lớn, thân tình: “ Cháu có biết “cô đơn” là gì không?”.
Năm Thảo đang học lớp đệ tứ, chuẩn bị thi lấy bằng trung học đệ nhất cấp, để xin thi vào trường Nữ hộ sinh quốc gia ở Huế thì ba chị mất đột ngột trong chuyến về thăm quê bị kẹt giữa cuộc giao tranh, không biết đã trúng phải những viên đạn của bên nào mà thân thể nát bét? Dù là đạn của ai – chúng đều là những thứ sẵn sàng giết chết người trong nháy mắt! Chúng đã xuyên qua người cha Thảo nhiều đến nổi không thể đếm được!
Chị nghỉ học giữa năm – thay cha trông coi cửa hàng bán lẻ thuốc cao đơn hoàn tán để nuôi hai đứa em đang đi học. Khi cậu em trai lớn thi hỏng tú tài một, tránh đi lính xa – chị dã bỏ ra cả lượng vàng cho em được nhận vào trung dội “nghĩa quân ma” ở xã. Thảo nghĩ – vàng còn kiếm được, chứ nếu em chị chẳng may như thằng Hợi, thằng Bê vừa chân ướt chân ráo ra trận, đã tan xương nát thịt rồi thì biết tìm kiếm đâu ra? Lo chuyện cho em vừa xong – chị giao cửa hàng cho cậu em lớn trông coi để nuôi đứa em nhỏ. Thảo nghe lời Dì Út khuyên, vào Nha trang học nghề uốn tóc ngay tiệm uốn tóc của Dì ở đường Độc Lập…
Có lẽ thời gian học nghề với Dì Út ở Nha Trang mới chính là thời gian Thảo sống nhiều cho ước mơ và hy vọng của mình: Lúc tay nghề đã tương đối có thể về quê “làm riêng” như dự định của chị với hai em – thì Tuyên đến!
Một sáng chủ nhật – từ quân trường Đồng Đế, Tuyên đã ghé lại thăm “cậu mợ Út” như đã hứa. Gặp ngay Thảo ở phòng làm nghề phía trước – Tuyên hỏi: “ Cô ơi! Có mợ Út ở nhà không vậy?”
– Ở đây chỉ có Dì Út – không có “Mợ Út” nào cả! – Thảo liếc nhìn Tuyên từ chiếc đầu húi ngắn, đến đôi chân đang mang đôi bodechaut nặng trịch – đáp lạnh lùng!
– Dì hay Mợ… gì cũng đưực cả mà! – Tuyên cười, cô em khó tánh nhỉ?
– Trời ơi! Tôi làm em anh hồi nào?
– Không lẽ làm chị?
– Tôi chưa hề làm em ai – Thảo che bàn tay lên môi cười, – làm chị hai đứa em trai ở nhà thì có!
Dì Út từ phòng sinh hoạt riêng của gia dình phía sau đi lên: “ Tuyên đó hả? Sao hôm nay cháu mới đến?“. Quay nhìn Thảo – Di cười: “ Hai cháu cải nhau gì vậy?”
– Cô bé nầy đòi làm chị cháu! Tuyên đáp thay Thảo.
– Thảo nó nhỏ hơn cháu một tuổi mà! – Dì Út nhìn Tháo, Cháu gọi Tuyên bằng anh nhé!
– Dạ! -Thảo bẻn lẻn dán mắt vào chiếc đầu trùm kín khăn của cô gái đang ngồi chờ Thảo giở ra để chải gội.
Tuyên theo mợ Út ra phía sau nhà – Thảo quay lại, ngó theo, lòng còn ấm ức. Cô bạn đồng nghiệp từ góc phòng đang trang điểm đầu tóc cho cô dâu, nói vọng lại: “Thảo ơi! Nhất gái hơn hai; nhì trai hơn một nghe em!”.
Nghe lời kể lại của dì Út – Thảo vơi dần đi nỗi ấm ức khó chịu trong lòng về Tuyên. Thế vào cái “ghét” thoáng qua ban đầu bị Tuyên bắt nạt, là cái “thương” thấm dần trong từng đêm mơ tưởng. Đời Tuyên khổ vậy – nhưng sao anh vẫn cứ thản nhiên cười, thản nhiên nói, thản nhiên sống nhỉ? Trên gương mặt hình chữ điền phúc hậu là đôi mắt biết cười. Là đôi môi luôn tươi tắn với cái nốt ruồi nhỏ môi dưới. Là chiếc mũi tròn. cao – gợi cảm. Là vầng trán rộng thông minh độ lượng. Hình bóng Tuyên cứ tự nhiên quay về trong đầu Thảo không thể kìm giũ, hay lãng tránh. Tình yêu vẫn có riêng sự tồn tại không thể chối bỏ bên đời sống của mọi người hay sao?. Nó vẫn thường lặng im – nhưng có thể bùng cháy dữ dội?
Trong bữa cơm chung buổi chiều – hay lúc cùng ngồi ở phòng khách với dì Út – Thảo lân la tìm cớ hỏi chuyện vềTuyên. Một hôm – dường như dì cũng đoán ra trong cái đầu ngây thơ đang vương vấn yêu thương của Thảo – dì nhìn chậm lên mắt Thảo, cười: “ Thảo, cháu đã yêu thằng Tuyên rồi phải không?”.
Như bị châm lửa – Thảo dẫy nẩy: “ Trời ơi! sao dì lại nói vậy? Cháu có yêu thương gì đâu?”
– Thôi! Dì lại cười, vỗ tay lên vai Thảo – đừng có dấu! Không yêu thuơng thì “mắc mớ” gì chuyện riêng của người ta – cứ theo hỏi dì hoải vậy? Ai dại gì mà tự “vạch áo cho người xem lưng”?
– Dạ, cháu thấy…
– Thấy thế nào?
– Anh Tuyên cũng rất đáng thương, dì ạ! – Thảo thờ dài, cuộc đời mồ côi cha mẹ của anh Tuyên làm cháu…
– Thương hại?
– Không hẳn vậy đâu dì!
– Chứ sao?
– Cháu cảm thấy – Thảo cười, nhìn dì dò xét – khó nói quá!
– Thôi, được rồi! Dì cũng đã nghĩ không sai…
Được dì cảm thông – nhất là nhận làm “chiếc cầu” cho cả hai được gần nhau, Thảo đã nhận lời mời của Tuyên cùng đi thăm chơi Nha trang một ngày trước khi Tuyên về Tuy hòa thăm gia đình để lên trình diện đơn vị ở Pleiku.
Tuyên mượn chiếc Honda 68 mới của cậu Thái – chồng dì Út, chở Thảo đi loanh quanh các ngã phố biển Nha trang. Đã vào sống ở đây gần nửa năm – nhưng với Thảo, đây mới thật là lần “thăm Nha trang đầu tiên”. Cũng khu chợ Đầm nhộn nhịp quen thuộc, cũng bãi biển sóng biếc có lần đã cùng các bạn ngồi chơi cả buổi – nhưng Thảo cảm thấy một niềm vui thật mới lạ, thật xao xuyến đang dâng tràn trong lòng. Nó như những đợt sóng, tiếp nối – dạt dào, khiến Thảo như miên man chìm đắm. Thảo nhín thấy cảnh vật cung quanh mình dường như đều mới hơn, lạ hơn và cũng tưới tắn hơn…Nha trang như dược khoát lên bộ áo tinh khôi sung mãn của một phố biển hiền hòa quyến rủ.
– Em muốn đi thăm những nơi nào? – Giọng Tuyên ân cần.
– Dạ, nơi nào tùy anh…Thảo đáp khẽ, như nỗi xúc động đang chẹn lấy giọng nàng.
– Sao lại tùy anh?
– Vì được đi chơi với anh, em thấy nơi nào cũng đẹp…
Vậy là Tuyên đưa Thảo đi thăm hết khu Hải Học Viện. tháp hải đăng, lầu Bảo Đại, đến khu bán đồ lưu niệm bằng vỏ ốc và đồi môi. Anh càm tay Thảo dạo qua những gian hàng bán đồ lưu niệm, chọn mua cho Thảo xâu chuỗi hạt trai, mấy vòng đeo tay, chiếc nhẫn bằng dồi mồi…Lúc Tuyên quàng xâu chuối vào cổ và đeo vào ngón tay Thảo chiếc nhẫn – Thảo nín thở. Nàng lặng im lắng nghe tim mình đập. Những nhịp đập rối loạn, dồn dập và đứt quảng – khó kìm giữ.
Rời khu biển, Tuyên chạy thẳng lên Xóm Bóng. Ghé Hòn Chồng. Bến ghe. Và sau cùng, buổi trưa – cả hai leo lên tháp Tháp Bà trên ngọn đồi thoai thoải bên nầy cầu Hà Ra với lỉnh kỉnh thức ăn và nước uống. Và, cũng chính tại ngôi chùa tháp linh thiêng nầy – Tuyên và Thảo đã ước hẹn sẽ cùng nhau trọn đời chung sống…
Đám cưới của Thảo được tổ chức sau khi Tuyên lên đơn vị trình diện được ba tháng, tại quê nhà Tuyên – dưới chân cụm núi Sầm. Ngôi nhà của cha mẹ Tuyên để lại nầm ngay trên hương lộ từ thị xã lên Hòa Trị Tây dược giao cho người chị cả dọn về ở để bày hàng tạp hóa nhỏ kiếm sống thay cho nghề làm bánh trán ở quê chồng bên Hòa Trị Đông. từ ngày Tuyên bị đưa vào Dồng Đế.
Bà con phía Thảo – ngoài vợ chồng dì Út, có người em trai lớn, và người chú là thương binh đi xe đò Thuận Thành vào Tuy hòa từ chiều hôm trước. Trong lòng ai cũng nơm nớp lo, và lặng thầm cầu nguyện cho Thảo. Buổi sáng, cùng hẹn gặp nhau ở ngôi nhà từ đường của Tuyên mà người chị đang sống để làm lễ, sau đó cùng tiếp bà con họ hàng và bạn bè Tuyên lai rai đến dự chia vui đến bốn giờ chiều, là kết thúc. Đám cưới chỉ được tổ chức một lần ở quê Tuyên, không có đưa và rước dâu. Đâu còn cảnh đưa rước dâu bằng bò của thời thái bình mà ca dao Phú Yên đã ghi lại? (Tiếng đồn Hộ Tịnh giàu lâu/ Gã con Thông Lý – đưa dâu bằng bò!). Thảo bây giờ đã được bà con gọi là “ vợ thằng Sáu Tuyên” ( hay vợ “thằng Sáu”) rồi, Thảo cũng không dám đòi hỏi gì hơn. Cuộc chiến như đang thảy dần tất cả vào chiếc lỏ lửa khổng lồ – tình yêu thương cũng hề ngoại lệ – phải vội vàng và giới hạn từng ngày như cuộc sống rẫy đầy biến dộng, tang thương…
Vợ chồng Thảo tạm thuê phòng trọ ở phòng ngủ Vĩnh Đông Á một tuần trước ngày Tuyên hết phép, để cùng nhau vào lại Nha trang. Thảo được Tuyên chở đi thăm cái thị xã nhỏ bé, hiền từ, nhưng rất đáng yêu của quê anh. Dường như buổi chiều nào cả hai cũng đưa nhau xuống biển. bời phố chợ Tuy hòa chỉ có bốn con đường lớn song song đi mươi lăm phút là hết! Bãi cát trắng dài, vắng hoe, chỉ có tiếng sóng. tiếng gió, tiếng vi vu của mấy hàng thông còn sót lại – là cõi riêng đang rất cần cho Thảo và Tuyên bên nhau lúc nầy mà thôi. Trong cái im vắng gây lạnh của bnổi chiều giữa thu nơi bãi cát trống, hai người ngồi tựa vào nhau, tận hưởng cái thời khắc hiếm hoi của một ngày sắp tàn, của một tuần sắp hết. Truyền hơi ấm và niềm hy vọng mong manh cho nhau bằng những nụ hôn bất chợt. thảng thốt. Rồi mai đây – Tuyên lại phải đi xa– Thảo trở về với bao lo toan. không có lời hẹn một ngày mai trở về chắc chắn!
– Anh nói gì đi chứ? – Tiếng Thảo thốt lên.
– Anh đang chờ em …Tuyên đáp.
– Em không muốn nghĩ đến ngày mai…
– Anh cũng vậy, rất sợ em ạ! – Tuyên chợt thở dài – Trước ngày cưới. anh không nghĩ gì nhiều như lúc nầy – quay nhìn lên gương mặt xanh xao của Thảo – Ước gì thời gian dừng lại mãi thế này, em nhỉ?
– Nhưng – Thảo ngồi thẳng lên. nhìn Tuyên – có lúc nào anh nghĩ đến con của chúng mình…
– Nghĩ đến con? – Tuyên trầm ngâm giây lâu – sao lại không?
– Nhưng rồi tất cả đều phải bị cuốn hút vào cơn lốc hung hãn của đời sống như vậy mà anh? Tiếng Thảo lạc lõng trong cơn gió – nàng ôm chầm lấy Tuyên hôn như sợ hình bóng nầy tan đi.
Họ ngồi bên nhau, ôm siết nhau, và dường như thời gian của đêm có thể đem lại cho cả hai một niềm an ủi mơ hồ, rộng lớn bên nỗi buồn không thể chối bỏ, ngày càng nặng nề…Như mọi hôm, khoảng hơn 8 giờ. họ quay về quán ăn Mị Châu Thành trước khi trở lại phòng ngủ đóng kỹ cửa phòng…
Mùa Hè năm 72, Thảo sinh dứa con gái đầu lòng – Tuyên về thăm mẹ con Thảo được một tuần. đặt tên con là Hòa Bình – Lê thị Hoà Bình. Khi Hòa Bình giáp thôi nôi – Tuyên trốn đơn vị về thăm mẹ con Thảo ba hôm khi chờ đợi quá lâu mà không nhận được tấm giấy phép đặc ân hiếm hoi. Từ ngày ấy – mùa Hè năm 73, Tuyên không còn dịp về thăm mẹ con Thảo lần nào nữa cho đến giữa năm 75, được bạn bè báo tin Tuyên đã chết dọc đường liên tỉnh lộ số 7 ( sau nầy là quốc lộ 25) khi cùng đơn vị tháo chạy về Tuy hòa.
Mẹ con Thảo được dì Út đùm bọc. Gởi con cho dì Út, sáng sớm Thảo bươn bả xuống chợ Đầm mua đi bán lại các loại rau củ quả từ miệt ngoại thành chở đến. Buổi chiều – tối, Thảo ra đi với thúng hột vịt lộn từ dọc phố cho đến bãi biển. Thảo muốn xin dì ôm con về quê kiếm việc làm ăn cho ổn định – nhưng, ngôi nhà cũ ở phố hai người em đã bán. Chia nhau. Gom góp tiền về dưới quê cất lại nhà để lo chuyện trồng trọt, chăn nuôi rồi – về lại thì mẹ con nấn ná nơi đâu? Tin tức của cậu em và bà con ở quê cho Thảo biết chuyện làm ăn ở đó – ngày càng thu hẹp lại rồi! Nghề uốn tóc trang điểm làm đẹp của Thảo đâu còn ai thuê mướn gì nữa? Tất cả đều đổ dồn vào cho cái ăn, cái mặc đã mệt đừ rồi còn thời gian và tiền bạc đâu mà ngồi vắt chân cho ngưởi ta tô điểm?. Cậu em liên tục nhắc: “ Dầu sao chị ở trong cái thành phố ấy còn “sướng” hơn ở đây nhiều!”. Thảo không biết nghe theo lời ai – bởi, đâu có ai tỉnh táo và hiểu biết để biết rõ ngày mai sẽ ra sao? Mọi sự đổi thay cú như chong chóng trướcc cơn gió dữ…
Trong một lần đi dạo bán hột vịt dọc bãi biển trống vắng – Thảo gặp người khách lạ nói giọng miền ngoài đang ngồi một mình, trông buồn buồn! Thảo ghé lại mời. Anh ta nhìn Thảo giây lâu – thản nhiên. hỏi: “ Em còn đi học không?”
– Dạ, không!
– Vậy ở nhà làm gì?
– Kiếm sống…
– Cha mẹ em đâu?
– Chết hết rồi!
– Còn bà con. anh chị em?
– Ở xa lắm!
– Xa là ở đâu?
– Nhơn Hưng…
– Em chưa có gia đình chứ?
– Có rồi!
– Có con…
– Một đứa lên ba tuổi…
– Còn anh ấy?
– Chết!
– Sao chết trẻ vậy?
– Ai biết!? Chiến tranh mà…
– Em hiện đang ở đâu?
– Ở nhờ nhà bà dì…
– Thỉnh thoảng anh ghé thăm mẹ con em được không?
– Thưa, không được!
Thảo đứng dậy – chớm bước đi..
– Em gói cho anh 5 quả nhé! Người khách móc chiếc ví ở túi sau lấy tiền – về nhà trọ anh mới ăn…
– Dạ…
Thảo đã luôn từ chối gặp lại hay lời hẹn hò xa gần tha thiết với nhiều “khách lạ” như vậy, sau hai lần bị lừa gạt. Lần đầu. vì tiền. Lần sau. vì tình! Trước mắt Thảo lúc nầy. cái xấu – cái bất thiện – như những đợt sóng biển hết đợt nầy đến đợt khác dồn dập xô vào bờ không ngớt. Chúng làm Thảo đôi lúc cảm thấy choáng váng, như một nỗi thất vọng – cùng lúc là một nỗi cô đơn rộng lớn bao trùm lấy cuộc đời mình, không thể cứu vãn…