MANG VIÊN LONG


Chữ Hiếu
Truyện Ngắn

Khi buổi lễ vừa mãn, mọi người nao nức trở về, mặt trăng tròn và to đang nhẹ nhàng bước, tỏa ánh sáng vàng tươi mát xuống cánh đồng. Chú Nguyên Hương bước lên chánh điện để thu dọn mấy chiếc chiếu trải lót nền, quét thềm, và tắt các ngọn đèn… Khi vén màn của chiếc kệ cao đặt ngay trước bàn thờ, chú bỗng giật mình, hỏi lớn : “Ai đó? Ai chui vào trong này vậy?”.
Một cậu bé trạc mười bốn tuổi lom khom bò ra : “Dạ, con… con!”. Chú nhìn kỹ cậu bé từ đầu đến chân, cảm thấy yên tâm vì cậu bé trông hiền và tội nghiệp.
- Sao em lại chui vào đây vậy?
Cậubé còn vẻ ngơ ngác, rụt rè, giọng ấp úng :
- Dạ, em trốn… bà em!
Nguyên Hương không giấu được nụ cưới, ôn tồn bảo : “Bà của mình, sao lại trốn ? Bà sinh ra mẹ, nuôi em khôn lớn, thương yêu em hết lòng… em trốn bà thì em sống với ai ?”.
Cậu bé lắp bắp, gịong rất nhỏ :
- Cho em ở chùa…
Nguyên Hương tưởng mình nghe không rõ, chú hơi cúi xuống, áp tai gần miệng cậu bé: “Em muốn sống ở đâu ?”. “Dạ cho em ở chùa !”.
Chú vừa cầm tay cậu bé, vừa dắt cậu bé đi: “Em ra đây, anh thưa lại với thầy, anh không giúp em được chuyện ấy… Ở chùa không dễ như em nghĩ đâu !”.
Nguyên Hương bước vào phòng thầy Thiện Đạo – ông đang đọc sách nơi chiếc ghế dựa đặt gần cửa sổ, ánh trăng sáng trong lọt vào một góc phòng. Thầy dừng đọc, gấp sách, nhìn ra cửa : “Có chuyện gì vậy con?”.
Thưa thầy, có một một cậu bé chui vào nằm dưới bàn thờ, con thu dọn bất ngờ trông thấy – giọng chú có vẻ linh hoạt.
- Đâu ? Thầy Thiện Đạo hỏi – con cho vào gặp thầy…
Chú bước ra cửa, nắm lấy cánh tay cậu bé, dắt vào. Cậu bé có vẻ sợ sệt, nét lo lắng, bàng hoàng còn hằn rõ trên gương mặt thơ ngây.
Thầy đứng dậy, đặt quyển sách lên bàn, kéo ghế ngồi sát bên cậu bé. Tiếng thầy ấm áp, dịu dàng: “Sao? Tại sao con lại vào đây? Cha mẹ ở đâu? Con bình tĩnh nói cho thầy nghe đi…”.
Cậu bé lí nhí kể cho thầy nghe, giọng nhỏ, yếu ớt đến nỗi thầy phải nghiêng đầu gần vai cậu. Theo lời kể, cậu bé cho biết đã mồ côi cha lẫn mẹ, sống lang thang, tối không biết ngủ đâu,đi ngang qua chùa thấy đông người, chen vào xem, rồi nảy ra ý tìm cách chui vào dưới gầm bàn, nhờ có tấm vải lớn che phủ, không ai có thể nhìn thấy, cho đến khi gặp chú Nguyên Hương…
Thầy Thiện Đạo nở một nụ cười. Thầy kéo cậu bé vào lòng, hỏi nhỏ:
- Con bao nhiêu tuổi rồi? Tên gì?
- Dạ, mười lăm… Tên Gia Tuấn…
- Học lớp mấy?
- Dạ… lớp bảy!
- Trường học của con ở đâu?
- Trường Trung học Đống Đa…
Thầy Thiện Đạo reo lên : “A, trường con ở xã Bình Tường phải không?”.
-Dạ…
Chú Nguyên Hương đã đi tắt các bóng đèn, đóng cửa ngõ phía trước, trở lại phòng thầy cùng với Nguyên Hạnh. Đứng ở ngoài, chú nghe rõ lời cậu bé kể, lòng cảm thấy dạt dào niềm thương cảm đối với cậu bé bất hạnh. Nỗi buồn đau lớn nhất cho một đời người, có lẽ là ngày cha mẹ vĩnh viễn ra đi… Bất chợt, chú lại ao ước mong sao thầy cho phép cậu bé ở lại chùa, cùng đi tu, cùng đi học… Như vậy, chú và cả Nguyên Hạnh nữa sẽ được gần gũi cậu bé, như anh em một nhà…
Nguyên Hương buớc vào, vòng tay trước mặt thầy: “Thưa thầy, Gia Tuấn muốn được ở lại chùa, muốn đi tu, lúc nãy đã nói với con vậy…”
- Có đúng vậy không, Tuấn? Tiếng thầy nhẹ nhàng, thoáng chút ngạc nhiên.
- Dạ thưa đúng! Cậu bé ngước lên nhìn chú Nguyên Hương như thầm biết ơn.
- Con muốn sống ở chùa là tốt. Muốn làm theo lời Phật dạy là tốt nhưng – thầy dừng lại một phút - nhưng con có còn anh chị em, cô chú bác gì không?
- Dạ , không…
- Không còn một ai thân thiết nữa sao ? Giọng thầy vẫn dịu ngọt, gần gũi.
Cậu bé không trả lời thầy Thiện Đạo mà cúi đầu nhìn xuống bộ chân trần với chiếc quần cụt vừa mới tắm thay lúc xế chiều…
Thầy nhìn Gia Tuấn, mỉm cười. Thầy bảo Nguyên Hương đưa Gia Tuấn về phòng, lo chỗ ngủ cho Gia Tuấn.
Như chợt nhớ, thầy hỏi:
- Con đã ăn uống gì chưa ?
- Dạ , chưa… Gia Tuấn nhỏ nhẹ đáp.
- À, Nguyên Hạnh hâm thức ăn, dọn cơm cho em nhé!
Khi cả ba vừa chắp tay chào thầy, định quay bước, thầy Thiện Đạo vỗ vào vai Gia Tuấn, xoa đầu cậu bé- vẫn giọng ôn tồn:
- Còn chuyện ở chùa hay ở nhà, ngày mai thầy sẽ nói tiếp, bây giờ con đi ăn cơm rồi ngủ cho ngon nhé!
Sau thời kinh buổi sáng sớm, Nguyên Hương vâng lời thầy dặn, vội vã dắt xe ra ngõ, trong lúc Nguyên Hạnh đang tưới cây, và Gia Tuấn quét sân. Theo lời thầy, chú phải tìm cho ra nhà Gia Tuấn, gặp cha mẹ cậu ấy, và mời họ đến chùa gặp thầy “để có chút việc cần”. Chú vừa đạp xe, vừa nghĩ: “Gia Tuấn bảo đã mồ côi cha mẹ rồi, không còn ai thân thích, sống lang thang không nơi ngủ trọ, làm sao phải tìm gặp cha mẹ cậu ấy?”. Lúc nhìn thấy Nguyên Hương có vẻ ngơ ngác, ngạc nhiên, thầy đã vỗ vào đầu chú, cười: “Con cứ làm y như lời thầy dặn… Lúc trở về, đưa vào phòng riêng…”.
Nguyên Hạnh vào phòng Gia Tuấn, vừa cười vừa lay gọi Tuấn dậy : “Dậy đi, dậy đi, chiều tối rồi, ngủ nhiều em không sợ mục mắt sao?”.
Gia Tuấn cựa mình, bỗng ngồi bật dậy, hai tay dụi dụi vào mắt. Vẻ mặt nó còn phảng phất nét buồn lo, lẫn bàng hoàng. Nguyên Hạnh vẫn ngồi bên cạnh, giọng vui vẻ : “Em ra rửa mặt cho tỉnh rồi lên phòng gặp thầy…”.
Nghe nói “gặp thầy”, Gia Tuấn vội bước xuống giường, đi thẳng ra ngõ giếng nước. Từ sáng sớm đến- giờ, Gia Tuấn không được gặp lại thầy ; hình như sau thời kinh, thầy ở luôn trong phòng? Cậu ta lộ vẻ lo lo, buồn buồn, thầm nghĩ : “Thầy cho gọi mình lên phòng có việc gì ? Thầy có đồng ý cho mình ở lại chùa tu như chú Hương, chú Hạnh không ?”. Hết câu hỏi này đến câu hỏi khác cứ lẩn quẩn trong đầu làm Gia Tuấn cảm thấy hơi nhức buốt, mệt mỏi.
Nghe thầy có tiếng bước chân dừng ở cửa, thầy nói lớn: “Vào đi…”. Gia Tuấn rụt rè đẩy cửa, bước vào, đứng im.
- Con ngồi xuống ghế đi!
Gia Tuấn ngồi xuống. Thầy bưng tách trà ở bàn, lại ngồi ngay chiếc ghế đối diện Tuấn, cười: “Con nói học lớp bảy, thầy hỏi con một câu nhé?”.
Gia Tuấn thoáng nhìn lên gương mặt đầy đặn, hiền từ của thầy, hơi cúi đầu.
- Làm người, con học chữ nào trước, chữ nào theo con là quan trọng nhất? Giọng thầy thân thiết. Gia Tuấn im lặng.
- Chữ nào? Tiếng thầy vang lên.
- Dạ thưa, chữ “lao động” ạ!
Thầy bỗng cười lớn: -Cũng đúng đấy, nhưng trước khi biết để lao động cho giỏi, chữ gì mà tất cả ai ai, từ lớn đến bé, ai ai cũng phải học, phải làm cho tốt, mới xứng đáng làm người…
- Thưa, chữ “lễ phép”…
- Con thông minh đấy – thầy xoa tay lên đầu cậu bé, một chữ quan trọng hơn chữ “lễ phép” nữa kia… sau ba lần khuyến khích, Gia Tuấn vẫn im lặng, nó có vẻ cố gắng suy nghĩ, nhưng không tìm ra chữ nào theo lời thầy cả.
- Chữ Hiếu. Chữ Hiếu. Con biết chưa?
Gia Tuấn bỗng ngước lên nhìn thầy chăm chăm. Trong ánh mắt nó có điều gì ẩn khuất. Dường như là một nỗi hối tiếc, xen lẫn niềm kính nể đặc biệt. Thầy lên tiếng gọi Nguyên Hương từ phía cửa sổ hướng ra vườn sau. Một lán, Nguyên Hương vào, chắp tay cúi chào thầy.
- Con về phòng mời bà khách đến gặp thầy “có chút việc” nhé ! Nguyên Hương “dạ” một tiếng thật lớn, quay đi. Theo đúng lời thầy đã dặn trước, Nguyên Hương đã mời bà khách vào phòng riêng, rồi đến trình với thầy ; cả Nguyên Hạnh và Gia Tuấn đều không hay biết gì. Thầy đã gặp bà ngay sau đó, đã hỏi han mọi việc về Tuấn và dặn bà chờ…
Người đàn bà rón rén bước vào phòng thầy. Gia Tuấn bỗng đứng bật dậy. Thầy nhẹ nhàng ấn vào vai cậu bé, tươi cười : “Con cứ ngồi đấy, gặp lại mẹ mà con không vui mừng sao?”. Thầy nghiêm giọng hỏi:
- Con bỏ học theo bạn hư hỏng đi thị xã chơi có đúng không?
- Dạ, đúng…
Cha con mất, các chị có chồng xa, con đã không phụ giúp mẹ một tay mà còn trốn học, về nhà đòi tiền mẹ, có không?
- Thưa, có…
- Chiều hôm qua bị mẹ rầy la, dạy dỗ, con có mắng lại mẹ không?
- Thưa, có…
- Có cầm cây đòn gánh phang vào chân mẹ không?
- Dạ, có… Con lỡ tay, con không cố ý!
- Được rồi, thầy khen con thành thật, biết nhận các lỗi mình làm. Thầy chợt cười, đó là tâm thiện của con vẫn còn, rất diễm phúc!
Gia Tuấn vẫn ngồi yên, hơi cúi đầu. Thỉnh thoảng liếc nhìn về phía chân mẹ. Bà Tám áy náy nhìn con, lòng cảm thấy xót xa, bất lực. Thầy Thiện Đạo bỗng đứng dậy, đến bên bà Tám : “Bà kéo ống quần lên cho Gia Tuấn thấy vết sưng bầm… một chút nữa là gãy chân, bà phải đi bằng cặp nạng gỗ!”. Gia Tuấn nhìn sững sờ lên ống chân đang sưng to, bầm tím của mẹ.
- Dầu con có “lỡ tay” thì đó cũng là một cái tội rất nặng, con biết không? Con đã bất hiếu với cha mẹ rồi, thì sẽ không biết hiếu thảo, lễ phép với ai thật lòng đâu! . Im lặng một lát, giọng thầy đều đều: “Khi con đã là người con bất hiếu rồi thì Phật cũng sẽ không đồng ý
cho con ở chùa nữa… Dầu thương con, thầy cũng không làm khác được”.
- Con còn muốn ở chùa, đi tu nữa không? – Tiếng thầy chợt vang lên như một tiếng chuông. Gia Tuấn ngước nhìn thầy, đôi mắt rươm rướm : “Dạ, còn…”.
- Được rồi – Thầy dịu giọng, thầy sẽ đồng ý cho con ở chùa, sẽ dạy dỗ con tu học như Nguyên Hương, Nguyên Hạnh; nhưng bây giờ hãy về sống bên mẹ, lo cho mẹ chu đáo, chăm học và ngoan ngoãn… đến lúc nào mẹ con qua đời, con hãy trở lại đây với thầy; thầy luôn luôn chờ đón con…
  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long