Chùa Cô Ba
Truyện Ngắn
Người dân ở xã Phước Hưng vẫn quen gọi ngôi Tổ đình Thiên Đức là " Chùa Cô Ba" mà ít người biết rõ nguồn gốc của ngôi Tổ đình đã được Tổ sư Minh Giác-Kỳ Phương khai sơn vào năm Canh tý ( 1720) nhằm năm thứ nhất niên hiệu Bảo Thái đời vua Lê Dụ Tông ( 1705-1727)-đã trải qua hơn 300 năm. Tên "chùa Cô Ba" có lẽ đã được những người dân quê trong xã quen gọi vào khoảng năm 1963-năm cuộc chiến trở nên ác liệt biến Phước Hưng thành một vùng hoang sơ vắng bóng người!
Năm 1958-Cô Ba đã được Hòa Thượng Huệ Chiếu trụ trì Tổ đình đời thứ 13 cho thí phát xuất gia sau khi mãn tang mẹ vỉ cảm mến công đức của gia đình Cô đối với nhà chùa và nhất là với tấm lòng mộ đạo cầu học của Cô rất tinh tấn. Hòa Thượng bổn sư đã đặt cho Cô Ba pháp danh là Nguyên Ý. .Năm ấy Cô Ba đã ngoài ba mươi tuổi.
Gần mười năm được Thầy truyền dạy Phật pháp được sống chan hòa gắn bó với quê nhà và nhất tâm lo việc chùa không quản ngại gian khó-Hòa Thượng Huệ Chiếu đã tin tưởng phó thác ngôi Tổ đình cho cô chăm sóc khi ngài và chư tăng phải tạm lánh về thành phố theo yêu cầu của Giáo hội sau khi đã trùng tu lại ngôi Tổ đình vào cuối năm 64-năm cuộc chiến như vết dầu lan tràn khắp xã ...
Còn lại một mình trong ngôi cổ tự thênh thang rợp bóng cây u trầm vắng lặng-Cô Ba ngày đêm cặm cụi công việc chăm sóc chùa như thuở còn Thầy. Tiếng chuông chùa sớm tối vẫn vang vọng khắp xóm như lời nguyện cầu nhắc nhở tình người tình đạo giữa chốn đao binh thù hận mịt mùng.. Ngoài hai buổi công phu tụng niệm vào buổi sớm và chiều tối-Cô Ba dường như ít bước chân ra khỏi ngôi tổ đình. Có thể vì xóm làng.ngày càng thưa dần bóng người những tiếng nổ bất chợt vẫn cứ vọng lại đây đó - cũng có thể việc học kinh chăm lo cho chùa không cho Cô có thời gian rỗi rảnh mà bước chân ra khỏi cổng! Đám ruộng một mẫu của chùa nằm phía bên kia con mương nhỏ đã được Cô gieo trồng chăm nom vào mỗi sáng cuối tuần như một thói quen để có thể kiếm sống cho mình và góp phần trợ giúp cho những cảnh đời neo đơn nghèo đói hằng tháng vẫn thường đến với Cô. Ra đồng nhìn quanh-Cô cũng chỉ trông thấy rải rác vài dáng người lom khom im lặng như những hình nộm. Làng xóm ngày một vắng hoe trống trải và buồn thiu. Nhiều gia đình đã di dời lên thị trấn hay sang tạm trú ở các thôn láng giềng còn im tiếng súng-những người còn lại-là người già đã liều mạng mà gắng gìn giữ thửa ruộng mảnh vườn thay con cháu phải ra đi. Họ cũng chỉ loay hoay. lui cui quanh quẩn trong vườn ngoài sân mà ít dám bước ra khỏi ngõ. Tiếng nổ và sự thù hận đã khiến họ khiếp đảm và tự khép kín cuộc đời mình . Cảnh chùa từ ngày chộn rộn tiếng súng càng thêm vắng vẻ trầm mặc....
Vào một buổi sáng sớm đầu năm 68- sau thời kinh công phu Cô Ba ra vườn gánh nước tưới rau chăm sửa lại giàn bầu đang ra quả thì nghe tiếng máy bay gầm thét trên bầu trời còn ẩm hơi sương. Hai chiếc máy bay lượn vòng quanh xã và khu Hòn Bà-những tiếng bom nổ ầm ầm dội lại rung chuyễn mái ngói-Cô Ba dừng tay- đến ngồi ngay dưới gốc cây cổ thụ Bồ đề gần đó chí tâm cầu nguyện. Vài phút sau bỗng nhiên một tiếng động vang rền ngay bên cạnh-Cô mở choàng mắt ngước lên- phía trái mái chánh điện đã bị sập bụi bốc lên mù mịt. Cô vẫn ngồi yên niệm kinh chờ đợi tiếng máy bay đi xa-rồi vội vàng bước lại: Trước mắt Cô là một quả bom đen sì còn nguyên vẹn ...
Hơn một tuần nay ba mẹ con bà Thiện đã đến xin ở trong căn phòng chứa vật dụng phiá sau chùa. Cô Ba đã hoan hỷ phụ giúp ba mẹ con có nơi ăn ở tươm tất như chăm sóc cho ngưởi em ruột thịt bất hạnh. Tiếp đến là vợ chồng lão Tám Ruộng cũng lể mể ôm chăn chiếu đến xin ngủ ở gian nhà khách vài hôm chờ im tiếng súng. Lần lượt cho đến nay- chỉ trong một tuần đã có 5 gia đình dời dọn về chùa xin tá túc che chở. Đánh nhau càng nhiều-bà con càng lao đao họ như đàn vịt luôn bị dồn đuổi - bí đường chạy lại chỉ biết rủ nhau về chùa mỗi ngày một đông thêm. Cô Ba phải luôn xoay xở để thu xếp cho từng gia đình có một nơi ngã lưng có chỗ trú tạm mưa nắng bom đạn ở các phòng tăng nhà khách hậu liêu và sau cùng là che tạm mái liều tôn hoặc tranh trong khuôn viên nhà chùa.
Ngày đầu tiên bà Thiện dắt đứa con 6 tuổi đến gặp cô Ba-Bà nói như khóc: " Xin Cô Ba thông cảm cho mẹ con tôi ở nhờ trong chùa một thời gian để tôi còn chạy đi chạy về lo cho đám ruộng mảnh vườn-mấy con heo có cái mà gởi cho thằng Tý ăn học ở trên phố! Ba chúng đi lính đi đánh nhau hoài không có thư từ tin tức! ".
Rồi ông thôn trưởng tìm đến-với gương mặt khắc khổ lo lắng:" Cô Ba ơi! Cô thông cảm giúp cho gia đình tôi nhé? Ông bà già tôi nhất định không chịu dời lên ở nhà thằng em tôi trên phố để tránh bom đạn-một mực đòi ở lại-sống chết gì cũng ở tại quê! Chúng tôi xúm lại năn nỉ ông bà mới chịu buổi tối lên ngủ nhờ ở "chùa Cô Ba"-sáng trở về nhà lo việc vườn tược heo qué!".
Sau hai trường hợp có " thưa gởi" ấy-còn lại bà con chỉ biết đùm túm nhau chạy vào chùa mỗi khi có trận đụng độ hay cuộc càn quét qua xã. Câu chuyện về trái bom rơi ngay góc trái chánh điện ở " chùa Cô Ba" không nổ đã đem lại niềm tin cho bà con cùng khổ tìm đến ẩn náu nơi Chùa Cô Ba ngày càng đông. Trong tiếng nổ vang rền giữa những đám cháy ngùn ngụt từng đợt khói bốc cao mờ mịt xóm làng-Cô Ba một mình chạy lui chạy tới lo thu xếp cho bà con có nơi yên thân tay cầm tràng hạt- miệng không ngớt lời an ủi nguyện cầu...
Vào một đêm nọ -đang giờ công phu buổi tối Cô Ba bỗng nghe tiếng súng các loại dồn dập nổ vang từ con xóm bên kia mương mỗi lúc một gay gắt gần gũi- nhưng vẫn thản nhiên chuông mõ tụng niệm . Tiếng chuông mõ và lời kinh trầm trầm réo gọi tha thiết của Cô đã làm an lòng những gia đình cư ngụ trong chùa-xoa dịu nỗi đau và ru mùi giấc ngủ cho bao người khi đêm đến. Qua ánh đèn dầu lờ mờ Cô Ba thoáng thấy có bóng người bò vào một góc chánh điện. Cô dừng tay vội bước lại - thì ra một người bộ đội bị thương -cậu ta đang tự xé áo băng bó vết thương nơi bụng. Một thoáng Cô dìu người bị thương về phòng- lấy bông băng thuốc sát trùng cầm máu vết thương- rồi dấu cậu ta nơi hậu liêu của Sư phụ. Mấy ngày sau- nhờ sự chăm sóc tận tình vết thương mỏng nơi phần bụng trái đã ổn định . Cô Ba mới yên tâm nhở đám du kích liên lạc với đơn vị- tiễn cậu ta ra đi vào một đêm yên vắng . Người thanh niên-tuổi còn rất trẻ - đã phải bịn rịn từ giã Cô với những giọt nước mắt thâm tình...
Thỉnh thoảng nhà chùa cũng thường bị các toán lính ở quận tràn vào lục soát .rồi ngã lăn quanh thềm chánh điện mà ngủ vùi. Lại có cả lính Đại hàn vào chùa chia nhau đi quanh khuôn viên như săn tìm- rồi biến mất! Có một lần gặp toán lính Đại hàn xồng xộc tràn vào chùa-Cô Ba đứng chận ngay ở cổng-lấy tờ giấy carton gần đó viết dòng chữ Hán rồi đưa cho tên lính đang đứng trước mặt: " Chúng tôi Thờ Phật- Các ông hãy tôn trọng giúp đỡ-không nên quấy phá! ".Sau đó Cô Ba vẫn thản nhiên-tay cầm tràng hạt-dạo bước theo họ-yên lặng. Từ hôm ấy đã thấy vắng bóng của lính Đại hàn ngang nhiên vào chùa lùng sục. Cô cảm thấy thương xót họ-những mảnh đởi đang trôi lăn dần vào cõi tối tăm đau khổ-nhưng không thể chia sẻ được lời nào? .Đó là nỗi buồn thầm kín ray rức dai dẳng mà Cô phải chịu bao năm- chưa thể bày tỏ được cùng ai? Sau mấy lần bị quấy nhiễu bất ngờ như vậy-Cô Ba quyết định viết một tấm bảng nhỏ bằng 3 thứ tiếng Việt-Anh-Hán treo trước cổng chùa : " Đây là nơi trang nghiêm thờ Phật. Xin không được làm náo động! Đa tạ! ".
Bà Thiện lên thăm đúa con đang trọ học trên phố về-gặp Cô Ba ở cổng chùa-đã khóc nấc lên: " Cô Ba ơi! Con khổ lắm!"- Cô bàng hoàng cầm lấy bàn tay gầy khô của bà Thiện như nắm giữ nỗi đau-giọng ôn tồn: " Ai ai cũng khổ cả con à! ".-" Chồng con đã chết rồi ! Người ta vừa đưa cho con giấy báo tử ngày mai con phải đi lên quân y viện Trung đoàn để nhận xác về!". Cô Ba nhìn thật chậm lên gương mặt tóp khô ràn rụa nước mắt của Bà Thiện - " Con cứ đi đi ở nhà Cô sẽ lo cho hai cháu được mà!". Bà Thiện đờ đẫn rởi tay Cô Ba-lầm lũi đi về phía sau vườn. Tiếng cô Ba nói vọng theo: " Tối nay con nhớ lên chánh điện cùng Cô tụng kinh cầu siêu cho chú ấy nhé? ".
Sau khi đã cùng bà con phụ lo việc mai táng cho chồng bà Thiện-Cô Ba đã đến thăm từng gia đình đang tạm sống trong chùa-Cô dịu dàng nói: " Kể từ tối hôm nay-mỗi đêm gia đình nên thu xếp lên chánh diện để cùng Cô niệm kinh cầu an nhé? Buổi tối không có việc gì làm-nằm đó không ngủ được đâu- Ai không biết đọc kinh cô dạy cho..." . Vả buổi tối hôm ấy-gữa chánh diện hơn ba mươi người đã ngồi quây quần bên Cô Ba-lâm râm đọc theo cô bài " Sám Nguyện": " Đệ tử chúng con từ vô thủy gây bao tội ác bởi lầm mê đắm trong sinh tử đã bao lần nay đến trước đài Vô Thượng Giác biển trần khổ lâu đời luân lac. với sinh linh vô số điêu tàn sống u hoài trong kiếp lầm than con lạc lõng không nhìn phương hướng...". Tiếng đọc kinh cao thấp to nhỏ trước sau-không đều nhưng âm vang thật ấm cúng thiết tha..Dường như trong giọng đọc tinh khiết chí thành ấy có một sức lôi cuốn mầu nhiệm làm cho gương mặt mọi người đều tươi tỉnh hân hoan. Nhìn thấy niềm an vui-dù ngắn ngủi rạng rỡ trên nét mặt mọi người-Cô Ba cảm thấy lòng tràn ngập niềm vui. Cảnh chùa kể từ đêm hôm ấy đã trở nên ấm áp hơn-thân thiết gắn bó hơn với mọi cảnh đời gian khó lưu lạc. Nhờ những quyển kinh nho nhỏ Cô gởi tặng cho mỗi gia đình ( như " Nghi Thức Tụng Niệm"/ Kinh Nhật Tụng Đại Bi-Thập Chú/ Kinh Kim Cang Thọ Mạng-Bát Dương/ KinhVu Lan Bồn / Kinh A Di Dà(...)) - quanh chùa ngày đêm đã nghe tiếng đọc tụng râm ran như một điệp khúc an lành thay thế cho những tiếng thở dài não nuột!
Ngày 17 tháng 9 năm 1970-Hòa Thượng Huệ Chiếu Sư Phụ của Cô viên tịch-nghe tin Cô Ba vội vã thu xếp mọi việc ở chùa để chuẩn bị đón sư phụ trở về Tổ đình nhập bảo tháp. Từ ngày Ngài ra đi-đã năm năm. Cô mới được gặp lại sư phụ trở về trong cổ quan tài im vắng. Lời sư phụ dặn dò lúc tạm rời xa chùa như luôn văng vẳng trong trí Cô: " Này con! Đừng buồn! Mọi việc đều là Phật pháp con hãy tinh cần như lúc con Thầy ở đây nhé? Chư Phật sẽ hộ trì cho con! ". Và mầu nhiệm thay ngày đưa linh cửu Hòa Thượng sư phụ về lại Tổ đình xóm làng yên bặt tiếng súng bà con Phật tử các vùng lân cận rủ nhau về dự lễ chiêm bái thật đông.
Sau lễ cúng bách nhật cố Hòa Thượng -nhiều gia đình đã xin cô Ba dược trở về lại với nhà cũ vườn xưa-cho dầu nhà đã đổ nát vườn thì tiêu điều ngập cỏ trong mấy năm hoang phế và tiếng súng vẫn đêm đêm vọng lại quanh xóm. Cô Ba hoan hỉ gởi biếu mỗi nhà môt túi gạo vài chục đồng -gọi là chia sẻ cùng bà con trong những ngày đầu trở về khó khăn. Cô Ba đã gom góp những lần trợ giúp của sư phụ của chư tăng huynh đệ- của đạo hữu ở phố gởi về và khoảng thu hoạch từ mẫu ruộng tự canh tác-để san sẻ kịp thời cho những gia đình đang nương náu gặp tai ương thiếu đói tại đây. Như có chư Hộ pháp cứu giúp- đã bao lần-ngay lúc Cô không còn gì trong tay-thì ngay ngày hôm sau lại nhận dược sự trợ giúp của sư phụ của huynh đệ gởi về hay có người đến cúng dường phẫm vật. Nhờ vậy- Cô càng luôn vững niềm tin vào Chánh pháp-lời dạy của Phật: "Hăng hái đừng buông lung làm theo Chánh pháp-Người thực hành Chánh pháp đời này vui đời sau vui! ".
Lần lượt nhiều gia đình đã từ giã Cô Ba để trở về lo việc ôn dịnh dần cuộc sống. Tiếng súng dần im. Hận thù dần vắng. Làng xóm đã có nhiều bóng người thấp thoáng đi-về. Cho đến đầu năm 75-trong khuôn viên chùa chỉ còn ba gia đình neo đơn không biết đi về đâu khi người thân để nương tựa đã chết nhà cửa cháy tan. Cô Ba dành cho ba gia đình-gồm 9 người sống chung trong gian nhà sau vườn-phân công việc làm phụ giúp Cô ở chùa hằng ngày-và Cô luôn quan tâm chia sẻ chăm sóc cuộc sống cho họ đầy đủ an lành- Cô luôn tự nhủ: " Thà ta chịu đói không để người chịu dói". Và đã bao lần vì dầm mưa dãi nắng-thức khuya dậy sớm canh chừng sự yên ổn cho mọi người -Cô bị suy nhược- ngã bệnh Cô vẫn không chịu tốn tiền mua thuốc mà tự mình tìm những cây lá thuốc nam quanh làng để chữa trị . Cô Ba luôn tiết kiệm cho thân Cô từng đồng bạc nhưng giúp người thì không bao giờ đắn đo suy tính!
Vào một buối sáng chủ nhật cuối tháng 3-người ta nghe một tiếng nổ rền vang bên kia mương nước cạnh chùa khi tiếng súng đã im vắng gần một tháng qua . Cô Ba và hai người đi làm cỏ ruộng vướng phải một quả lựu đạn đã mở chốt an toàn còn vương vãi nằm sâu dưới đất. Cô Ba bị một mảnh ghim vào chân trái-máu tuôn lênh láng. Hai người còn lại người phủ đầy bùn nhưng không hề hấn gì! Người ta xúm nhau võng Cô lên bệnh viện huyện cấp cứu .. Chỉ sau gần một giờ bà con nghe tin- thay nhau đến thăm viếng săn sóc cho Cô Ba mỗi lúc một đông. Bà Thiện cùng cô con gái dã túc trực chăm sóc cho Cô ngày đêm mãi cho đến ngày Cô được xuất viện trở về chùa bằng chiếc xe lăn...
Chiếc xe lăn của Cô Ba được hai người thay phiên nhau đẩy - chầm chậm lăn bánh trên con đường làng gập ghềnh. Dọc đường nhiều bà con chạy ra đứng hai bên đón mừng Cô trở về .
Một đứa bé gái trạc tám tuổi kéo tay mẹ-nói:
•- Ngày mai mẹ cho con về " chùa Cô Ba" để thăm Cô nhé?
•- Mẹ con mình cùng đi mà!-Người mẹ nhìn con-mỉm cười.
Quê nhà
Tháng 4 năm 2010