MANG VIÊN LONG

Cô Gái Áo Choàng Đỏ & Con Chó Trắng
 
Truyện Ngắn

 
 
             Nhuận về thăm dì Nhàn lần nầy ở lại khá lâu, vì anh được nghỉ hè một tháng, sau khi đã làm thư ký cho hai hội đồng thi tú tài hai ở Nha Trang và Qui Nhơn suông sẻ. Kỳ đầu, hội đồng thi ở trường Trung học Bá Ninh, không có chuyện gì rắc rối xảy ra suốt mấy ngày thi; chỉ có một nữ sinh đang giờ thi ngày đầu tiên, bị chảy máu mũi ướt cả vạt áo dài, Nhuận phải khuyên cô thi kỳ sau, lo gọi xe xích lô, đưa cô ra về. Ở Qui Nhơn, Nhuận được phân công làm thư ký cho hội đồng thi, toàn là thí sinh tự do; nên phải đối phó vất vả, tế nhị, với sự đe dọa của vài tay “anh - chị” luôn vượt rào, chạy ào vào phòng thi; hay các thí sinh bị giám thị bắt vì quay cốp, mới có thể giữ được ổn định. Khi thi cử còn là “nấc thang” để leo lên danh vọng, hay quyền lợi, thì sự tự nguyện, tự giác, còn rất xa! Nhuận buồn bã nghĩ tiếp, mà có thời nào được hoàn hảo đâu, khi xã hội còn lắm những bon chen, tranh giành không công bằng? Nhận định của một nhà xã hội học Nhuận được đọc đâu dó, rằng thi cử, bằng cấp - phản ảnh rõ nét bộ mặt thật của một xã hội là thế!
           Được nghỉ, Nhuận nghĩ ngay đến chuyện thăm dì Nhàn, bởi sau bao lần hứa, anh chưa về sống lại với dì được. Dì Nhàn đã thay mẹ nuôi nấng anh từ năm Nhuận vừa lên mười tuổi. Nhuận xem dì là mẹ vì không những dì rất đỗi giống mẹ, từ khuôn mặt, đến vóc dáng, mà tấm lòng yêu thương của dì dành cho Nhuận với mẹ cũng không khác…
           Nhà dì Nhàn vẫn ở bên nầy cầu Bến Cát, xã Mỹ Hưng, tuy đã đôi lần sửa sang lại vì bom đạn, nhưng nền cũ, và khu vườn vẫn còn nguyên. Dì sống cô độc từ sau ngày người chồng mất ở Dakto năm 71, khi dì chưa kịp có đứa con nào. Dì là một y tá tận tụy, chịu khó, nên cả xã đều đến tìm Dì, mỗi khi có người đau bệnh. Tuy Dì không giỏi, chẳng có bằng cấp ngành y cao, nhưng tấm lòng của Dì tận tình chăm lo cho người bệnh, chia sẻ nỗi đau và khó khăn của người bệnh, thì Nhuận đã được nghe bà con chòm xóm khen ngợi khá nhiều. Học giỏi, bằng cao, mà thiếu hẳn y đức, thì cũng chẳng lo gì được cho ai, ngoài túi tiền của mình!  Nhớ Dì, nhiều lần Nhuận đem thắc mắc không tự giải đáp được ra hỏi, sao Dì đẹp và dễ thương vậy, mà đành phải sống đơn chiếc, hẩm hiu; nhưng Dì chỉ nhìn Nhuận rồi cười, im lặng. Về sau, lớn lên, yêu Tuệ Nguyên rồi, Nhuận mới hiểu dần ra sự im lặng của Dì. Sự im lặng ấy cần có niềm cảm thông sâu lắng mới hiểu thấu được, chứ không phải lời nói.
           Về sống bên Dì, Nhuận thường thức dậy sớm, đi quanh quẩn trong vườn, rồi ngồi ở kệ đá hiên nhà nhâm nhi ly café, đón mặt trời lên, sau đó mới bắt đầu ngồi vào bàn viết tiếp mấy chương cuối của truyện dài “Thân Như Ngọn Cỏ”. Dì Nhàn nói với Nhuận dì cũng thức dậy rất sớm, nhưng buồn, nằm im, chờ mặt trời lên. Từ ngày có Nhuận, Dì thức dậy theo Nhuận, rồi lo nấu bữa ăn sáng cho hai Dì cháu, trước khi mang xách, đạp xe đi thăm bệnh, chích thuốc quanh xã. Có hôm, quá trưa Dì mới về nhà, sau khi ghé khu chợ Gò mua ít thức ăn cho cả ngày.
           Một buổi sáng, Nhuận ra ngõ, thả bộ dọc con đường đất bằng phẳng, sạch, hai bên là hoa cỏ dại còn đẫm sương, xanh tươi. Cánh đồng hai bên đường đang mùa trổ bông, rạt rào gió nồm từ hướng biển, như có hương thơm dìu dặt. Anh đi chậm, hít thở, an tĩnh, và cảm thấy lòng cũng tươi mới như những tia nắng sớm trong trẻo.
       Nhuận đếm bước, đi dần đến đầu chân cầu gỗ Bến Cát. Lúc chớm quay về, anh thoáng nhìn thấy bóng áo đỏ chập chờn, từng bước ngắn, chậm chạp  từ cuối con đường đất dẫn vào xóm Hạ đang tiến lại.
        Nhuận đứng bên nầy cầu nhìn, theo dõi dáng áo đỏ một lát. Anh cảm thấy là lạ. Bóng áo đỏ lờ mờ trong ánh sáng còn dày hơi sương, giống một tiên nữ trong truyện liêu trai ngày xưa anh đã mê đọc. Anh quyết định qua cầu, đi dần đến. Còn cách cô gái áo choàng đỏ che qua bộ áo quần ngủ ngắn mầu xanh nhạt khoảng mười mét, Nhuận nhận biết cô ta bị mù mắt. Cô đi theo con chó mầu trắng, tay cần sợi dây xích nhỏ - con chó trông hiền, ngoan ngoãn, luôn nghe lời nàng nói: “Đi, đi con!” hay “Đi, đi con, sao dừng lại lâu vậy?”.
        Khi cô gái đến gần trước mặt, Nhuận lên tiếng, giọng thân tình: “Chào em!”
       -Cảm ơn anh đã “chào em”!
       Nhuận quay lại, đi chậm, cùng chiều với cô gái.
       -Lời chào hỏi bình thường đâu có gì mà em cảm ơn?
       -Có đấy, anh! - Giọng cô gái thản nhiên - Em nghe trong lời anh nói, là một tấm lòng…
       -Tấm lòng anh thế nào? - Nhuận ngạc nhiên, nhìn thẳng lên gương mặt thanh tú, tươi tắn của cô gái.
       -Anh mộc mạc, chân tình - Giọng nàng vẫn chậm rãi, đều đều.
       -Em chưa hiểu anh là ai kia mà - Nhuận do dự.
       -Em thật chưa biết anh, không thể thấy anh - nhưng em “hiểu’ rõ anh trong giọng nói - Nàng thoáng cười, Em xin lỗi anh, nếu có nghĩ sai.
       -Không! Nhuận kêu lên, em nghĩ đúng.
       Nhuận đếm bước đi bên cô gái,  con chó nhỏ trắng dường như cũng ngoan hơn, đang lầm lũi đi dọc bên con đường quê vắng vẻ.
       Tiếng cô gái vang lên trong trẻo như một nốt nhạc:
       -Từ Sai Gòn em trở về nhà đã được ba tháng, đi bộ mỗi sáng trên con đường quen thuộc nầy hơn một giờ, tính cũng gần cả tháng nay rồi - Nàng mỉm cười. Em nghe nhiều người chào em, thăm hỏi, thậm chí trêu ghẹo, nhưng đến hôm nay mới nghe một lời chào rất chân tình của anh.
       -Vậy em đã “thấy” họ thế nào? Nhuận dò hỏi.
       -Trong lời chào của họ có lẫn thương hại, và tự mãn, trong lời hỏi thăm có lẫn sự khinh rẻ, kiêu ngạo, còn lời trêu chọc.
       Nhuận đưa cô gái quay lại đến cuối xóm Hạ, rồi tạm biệt, hẹn sẽ gặp nàng, rồi quay trở về nhà dì Nhàn khi mặt trời đã lên, với bao xúc cảm thuơng yêu, lo lắng.
 
 
          * * *
 
        
         Dì Nhàn đã kể lại cho Nhuận:
          “Cháu Hoài Phương là con gái ông giáo Bích, mẹ tốt nghiệp Trường Cán sự Y tế Huế; ở cuối xã Mỹ Hưng, năm nay khoảng hai mươi ba tuổi. Hoài Phương học trường Quốc gia Sư phạm Qui Nhơn khóa 9, ra trường được bổ về dạy ở Phú Bổn. Sang niên khóa thứ 2, gần cuối năm học, trong giờ dạy buổi sáng, một trận đụng độ giữa hai bên đã xảy ra bất ngờ. Trận nổ súng ngay đầu giờ dạy, từ lẻ tẻ, rời rạc, xa xa, đến ồ ạt, gần gũi, khốc liệt dần - thậm chí có cả đạn pháo rơi vào sân trường, và tiếng máy bay trực thăng ầm ào vang dội.   
        Hoài Phương lùa học trò chui vào mấy căn hầm thô sơ được đào sẵn bên bờ rừng, phía sau trường. Nàng chạy sau cùng, vừa đến miệng hầm, thì một trái phảo nổ ngay bên cạnh.  Hoài Phương ngât xỉu, ngã xuống, mặt mũi nám đen.
        Sau trận giao tranh kéo dài đến cuối buổi chiều, người ta mới tìm thấy Hoài Phương, và chở về bệnh viên tỉnh Phú Bổn, rồi máy bay chuyển vào Sài Gòn. Dì nghe nói, bệnh viện mắt Sài Gòn hứa sẽ mổ, để thay giác mạc cho Hoài Phương, đã bị bong rách, không thể khâu vá lại được nữa. Tội là vào dịp nghỉ hè năm đó, gia đình Hoài Phương   sẽ tổ chức đám cưới cho cháu. Dì nghe nói, Hoài Phương đã nói với ba mẹ đem lễ vật trả lại cho nhà trai, bởi Hoài Phương đã nhận ra trong lời hỏi thăm của người yêu, có điều gian dối, thất vọng….” 

          * * *           
         
           Nhuận vẫn chờ Hoài Phương ngay đầu con mương nước dẫn ra đường như mọi buổi sáng. Anh phải qua cầu Bến Cát sớm, để chờ đón nàng, như đón một niềm vui đầu ngày. Bao giờ Hoài Phương cũng nói trước khi bước qua con mương nhỏ “Anh tốt bụng quá!” hay “Em có làm phiền Nhuận không?”. Không nghe đáp lại bằng tiếng cười hồn nhiên yêu thương của Nhuận như mọi ngày, Hoài Phương thỏ thẻ:
       -Sao anh không nói gì? Nàng vừa bước đi, vừa quay về phía Nhuận.
       -Anh không biết nói thế nào - Nhuận băn khoăn.
       -Hôm nay anh có gì buồn?
       -Có!
       -Anh Nhuận nói cho em nghe đi! - Nàng cười nhẹ, buồn vui gì cũng phải nói, chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến, anh im lặng vậy, em không yên tâm.
       -Lát nữa anh sẽ nói!
       -Còn bây giờ thì sao?
       -Bây giờ mình hãy vui như ngày hôm qua - Nhuận cười, anh sẽ hái thật nhiều hoa ven đường cho em về cắm vào lọ, Hoài Phương nhé?
       -Em đang đi bên nỗi buồn, làm sao mà vui  - anh?
       -À, ngày mai - Nhuận ngập ngừng, sáng sớm ngày mai anh sẽ trở lại Tuy Hòa, để chuẩn bị khai giảng rồi, em ạ!
       -Anh có còn dịp trở lại thăm dì Nhàn không? Giọng Hoài Phương khô, nhỏ.
       -Anh sẽ có nhiều dịp trở lại thăm dì Nhàn và em…
 
 Quê nhà, tháng 6 năm 1974
MANG VIÊN LONG.
          

  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long