MANG VIÊN LONG
DỐC LẾT,
Ngày Vui Hội Ngộ…
Tạp bút
DỐC LẾT,
Ngày Vui Hội Ngộ…
Tạp bút
Khoảng cuối năm 1972, tôi có dịp về sống ở Ninh Hòa gần một tháng. Thị trấn Ninh Hòa lúc ấy chỉ có con đường quốc lộ là sinh hoạt có vẻ đông vui, vài con đường nhỏ quanh thị trấn đều vắng, buồn – nhất là ban đêm! Thị trấn Ninh Hòa có vẻ yên vắng, hiền hòa, như thị trấn Bình Định quê tôi hay thị xã Tuy Hòa mà tôi đang dạy học ở đó.
Tôi tìm đến thăm người bạn học cũ đã về sống quê vợ ở xã Ninh Đông, rồi đi lan man sang các xã Ninh Giang, Ninh Diêm, Ninh Hà, Ninh Đa, Ninh Hiệp…Gần một tháng đi lông bông như vậy, tôi đã có dịp hiểu thêm cuộc đất và con người Ninh Hòa, để viết được ba truyện ngắn, ghi lại ba kỷ niệm không thể quên với Ninh Hòa; đó là truyện: Dì Lucia (đã gởi đăng trên tạp chí BK số 384 - tháng 11.1973), Ngày Của Đời Sống (đã gởi đăng trên tạp chí Phổ Thông, số 292.1973), và Chiều Trên Sông Đá Bàn (đã đăng trên tạp chí Phổ Thông 1973 – nhưng chưa tìm lại được báo cũ). Tôi có cảm nhận rằng, con người Ninh Hòa (Khánh Hòa) rất giống người Phú Yên, hay người Bình Định: Chân tình, mộc mạc – mà người Bình Định thường gọi là “thàng – thàng hậu”. Sự gần gũi, gắn bó thâm tình của cuộc Nam tiến đã được người xưa thể hiện trong câu ca dao: “Anh về Bình Định thăm cha/ Phú Yên thăm mẹ/ Khánh Hòa thăm em” từ thuở đầu. Ở Phú Yên – Bình Dịnh cũng có bún cá, bánh ướt, bánh canh, bánh căn, nem chả (tuy cách chế biến có hơi khác). Nhưng, đặc biệt ở Phú Yên – Bình Định không có “mắm xút” (có nơi ghi “mắm suốt” là không chính xác) là loại mắm đặc sản “dân dã” của Ninh Hòa. Cách làm mắm xút cũng rất đơn giản: con Xút được cào từ biển lên, tách vỏ, lấy ruột, ướp muối cho đến khi chua. Bắp rang, xay nhỏ, trộn vào mắm, có hương thơm rất riêng; ăn với rau sống và cơm nóng, thì tuyệt vời! Tuy vậy, hiện nay con Xút cào được, ngư dân thường đem bán cho những nhà nuôi tôm hùm, cá bóp (…) để làm thức ăn cho chúng; nên tìm mua được hủ mắm Xút cũng rất khó khăn!
Từ dạo ấy, vì cuộc thăng trầm dâu biển, tuy xa Ninh Hòa trên bốn mươi ba năm chưa có dịp ghé lại thăm, nhưng tôi vẫn luôn nhớ “dì Lucia, sông Đá Bàn, cô giáo trường làng” ngày xưa, bởi vì những hình ảnh thân yêu ấy đã đi vào tác phẩm của tôi, đi vào tâm hồn tôi một thời tuổi trẻ...
Duyên lành đã đến với tôi, khi ban biên tập của trang website haibogiay, mời tôi đến Ninh Hòa để tham gia sinh hoạt, giao lưu văn nghệ cùng các cọng tác viên của haibogiay nhân kỷ niệm ba năm ngày thành lập - cũng là quê hương của những người chủ trương trang songdinh trước đây.
Buổi sáng đầu tiên ở Thị xã Ninh Hòa chúng tôi được đưa đi tham quan khu du lịch Dốc Lết - một bãi biển tự nhiên đẹp nhất của tỉnh Khánh Hòa, nổi tiếng với nước biển xanh cát trắng cùng những hàng dương cao vút tuyệt đẹp. Nghe tên gọi “Dốc Lết” rất ấn tượng nầy, tôi nao nức muốn được nhìn thấy cảnh phải “lết” thế nào để vượt qua các đồi cát cao, mới đến được biển?
Dốc Lết, (hay Dốc Lếch), thuộc phường Ninh Hải thị xã Ninh Hòa – cách thành phố Nha Trang 49 km, cách trung tâm Thị xã khoảng 13 km. Dốc Lết hôm nay không còn có cảnh đi không nổi mà phải “lết” như xưa nữa! Thuở mà đèo Quán Cau ngăn cách hai miền Tuy An – Sông Cầu của Phú Yên, để người dân phải kêu lên: “Không đi thì mắc cái eo/ Ra đi thì ngặt cái đèo Quán Cau”. Hôm nay, xe chạy thẳng đến bãi đậu, chúng tôi chỉ đi bộ một đoạn ngắn, là thấy biển! Mặt biển phẳng, rộng, một mầu xanh mát. Du khách từ các tỉnh thành gần Ninh Hòa như Gia Lai, Daklak, Phú Yên vẫn chọn tour du lịch ngắn ngày cho gia đình ở bãi tắm sạch, đẹp, phẳng lặng nầy!
Tôi ra biển. Ngắm. Cảm thấy biển ở đâu cũng hiền, ẩn nhẫn như ngư dân mộc mạc, cần cù; ngày đêm gắn bó với nó. Dọc bãi cát, trên các khu nhà nghỉ, những mẹt ghẹ, sò, cua, tôm, mực tươi rói, được chào mời. Tôi đi men theo bãi cát dài, trắng mịn, hóng từng đợt gió nồm lồng lộng dạt vào giữa cái nắng hạ đang gay gắt. Tôi chợt nhận ra, bãi biển Dốc Lết hơi trống trải, thiếu những bóng cây, tàng cây xanh cần thiết cho một chỗ ngồi.
Sau khi cùng nhau ghi ảnh lưu niệm, mặt trời đã lên cao - nhóm chúng tôi rủ nhau vào ngồi ở một dãy bàn trong khu nhà nghỉ, vừa nhìn ngắm biển, vừa trò chuyện, và kiếm cái gì lai rai với thùng Ken mang theo. Hiếu Tư – người bạn văn Ninh Hòa cũng là “hướng dẫn viên” cho chúng tôi trong hai ngày lưu lại, đã mang đến những dĩa sò vừa được nướng xong, thơm phứt. Sò nầy – theo người dân địa phương, gọi là “sò mồng”, con sò to, thịt dai, thơm. Những dĩa sò đã được rắc sẵn đậu phụng, hành ớt, với chén nước chấm “đặc sản” và những lon Ken đã giúp cho cuộc chuyện trò văn chương thêm đậm đà hương vị khó quên!
Quỳnh Hương – bạn văn, một “cộng tác viên” lâu năm của haibogiay đã “mở màn” với bài thơ “Bên triền Dốc Lết” theo đề nghị của “chủ xị” Mai Quang:
“Bên triền Dốc Lết trưa hè
Nắng hôn vạt tóc, bộn bề sóng xô
Hàng dương xõa tóc ru hờ
Có đôi cánh bướm ngu ngơ tự tình
Chú còng cõng gió chông chênh
Mãi xây lầu cát, lạc quên lối về
Biển chiều trăn trở nhiêu khê
Hoa tim khắc nét không hề phôi pha”
Hiếu Tư đề nghị Hoài Thu. Cô giáo Hoài Thu cũng là một “cây thơ” của haibogiay, sau phút do dự, đã vui vẻ: “Nhân dịp được gặp quý anh chị và các bạn, được ban tổ chức cho biết chiều nay sẽ có cuộc “hội ngộ” chung ở café Nguyệt Cầm, em cũng vừa nghĩ được vài câu để chung vui, xin được đọc, mong quý anh chị góp ý, để em có dịp được học hỏi thêm…”. Lời “rào đón” rất chu đáo của cô giáo, khiến cho tôi, dù chưa được nghe thơ – cũng vẫn thấy hay! Tôi cười: “Em cứ đọc đi, vui thôi mà!”.
Hoài Thu giới thiệu tên bài thơ là “Hội Ngộ Ninh Hòa” – giọng ngâm êm, nhẹ:
“Người từ ngàn dặm xa về
Giao lưu thi hữu miền quê Ninh hoà
Phượng hồng đỏ rực sắc hoa
Bâng khuâng nắng hạ đón chờ người thơ
Lá hoa cây cỏ ngẩn ngơ
Cà phê ngào ngạt thơm bờ môi em
Nguyệt Cầm giây phút êm đềm
Vườn thơ tao ngộ vướng thêm nỗi lòng
Người về thắp sáng hoài mong
Thơ văn ca nhạc tô hồng sắc hương
Thoáng tan như một làn sương
Quyện vào mây khói tơ vương tháng ngày
Người đi lưu luyến từ đây ... “
Tôi cười: “Không biết quý vị nghĩ thế nào, riêng tôi thích nhất là ba câu cuối: “Thoáng tan như một làn sương/ Quyện vào mây khói tơ vương tháng ngày / Người đi lưu luyến từ đây ...”. Tất cả đều cười vui – riêng nhà thơ Ca Dao “phỏng vấn” Hoài Thu: “Chị bảo “người đi lưu luyến từ đây” là ai lưu luyến, người đi hay người ở lại?”. Câu hỏi khó, tác giả không trả lời, nhưng có lẽ ai cũng hiểu, cả hai đều “lưu luyến” nhau!
Theo lời đề nghị của anh em, đến lượt tôi “đoc thơ”. Trong những lần sum họp văn nghệ, tôi “sợ” nhất là “vụ” nầy, bởi tôi “không biết làm thơ” – nhưng không sao, tôi sẽ đọc lại bài thơ ngẩu cảm “bất thành văn” đã “tùy duyên” đọc cho một người bạn văn từ Saigon ra thăm tôi ở quê nghe từ năm 1980 khi tôi đang hành nghề “sửa ổ khóa – làm chìa”. Từ đó, dầu bài thơ không ghi trên giấy, đã được nhiều anh em thuộc và nhắc nhở. Tôi đọc:
“Chữ Thơ chữ thợ, cũng gần…
Làm Thơ, làm thợ - ta mần cả hai!
Làm thợ thì để sinh nhai,
Làm thơ thì để lai rai đỡ buồn!”
Bài thơ đã được anh em đồng cảm, vui vẻ – Nhà thơ Mai Quang đề nghị: “Bây giờ, từ bốn câu nầy, anh em mình mỗi người “nối điêu” một hay hai câu, để ghi lại kỷ niệm với anh Mang Viên Long nhé!”. Ý kiến của “chủ xị” được tất cả đồng ý.
Mai Quang mở đầu:
“Thơ – thợ hai chữ, chơi luôn…”
Tường Hoài:
“Khi đói làm thợ, khi buồn lại Thơ”
Quỳnh Hương:
“No rồi ra ngẩn vào ngơ.
Nhớ em, em nhớ - vô bờ nhớ em!”
Song Nguyên:
“Câu thơ theo sóng xuôi miền Qui Nhơn”
Hoài Thu:
“Hôm qua chiếc bóng cô đơn,
Hôm nay lại có sắc hương đóa Quỳnh”
Ca Dao kết:
“Ninh Hòa một thuở đinh ninh,
Vui ngày hội ngộ, chung tình từ đây…”
Buổi sáng tạm biệt Ninh Hòa,
Chủ nhật, ngày 10 tháng 7.2016