MANG VIÊN LONG

Hảo Tướng Phật

Tiên A Tư Đà là vị tiên nhân bác học thần thông của Ấn Độ đương thời. Khi đức Thế Tôn đản sinh làm Thái Tử ông đã nhận lời mời của vua Tịnh Phạn đến nội cung xem tướng Thái Tử. Xem xong ông nói với vua Tịnh Phạn: "Đại Vương! Vị thái tử có nhiều hảo tướng hiền minh này; tương lai nhất định sẽ xuất gia học đạo và thành tựu quả Phật. Thật đáng tiếc nay tôi đã già quá rồi không kịp đợi vì lúc Ngài thành Phật tôi đã qua đời! Tuy tôi không thể lãnh thọ giáo lý của Ngài nhưng tôi sẽ dạy đệ tử tôi theo Ngài học đạo". Nói xong ông rơi nước mắt và lui ra(1)
Trong nhiều kinh sách đã từng đề cập tới hảo tướng của Đức Phật : Ngài có đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp nơi thân mà từ ngàn xưa chưa người nào có đủ. Chỉ vừa trông thấy hảo tướng của Phật lòng người đã phát tâm kính ngưỡng. Giới nữ lưu vọng tộc bị hấp dẫn quy ngưỡng đã đành; mà nam giới cũng có vô số người say mê vì sắc đẹp vô song của Ngài. Tuy vậy chuyện về chàng thanh niên Bà la môn Vakkali ở thành Xá Vệ là một trường hợp khá đặc biệt đáng để cho chúng ta suy gẫm:
... Một hôm chàng thanh niên Bà la môn quyền quý Vakkali đi dạo trong thành bỗng chàng đứng khựng lại : Trước mắt chàng vị sa môn áo vàng đang đi khất thực. Nhìn tư thái uy nghiêm bước đi nhẹ nhàng thanh thoát và nhất là hảo tướng toát ra nơi vị tu sĩ này như một sức hút mãnh liệt; khiến mọi người đều phải dừng bước cung kính.
Chàng sững sờ nhìn Vị Sa môn -lòng nghĩ thầm: "Quái lạ không ngờ trong cõi đời này lại có người đẹp trai lạ lùng đến thế. Ôi! ước gì ta được ở kề cận bên người để nhìn ngắm cho thỏa thích...".

Vakkali dọ hỏi và biết được rằng vị Sa Môn ấy xưa kia là một ông Hoàngg Vương giả đã từ bỏ ngai vàng và đã giác ngộ. Người ta thường gọi Ngài là Sa Môn Cồ Đam và hàng đệ tử thì cung kính gọi Ngài là Thế Tôn. Vakkali liền xin xuất gia vào Tăng đoàn sống đời khất sĩ. Vì mục đích xuất gia của chàng không lấy gì làm cao xa cho lắm nên hằng ngày ngoài giờ đi bát cần thiết; Tỳ kheo Vakkali luôn luôn tìm một chỗ ngồi thuận tiện để được chiêm ngưỡng từ dung đức Đạo sư cho thỏa thích. Thầy chẳng quan tâm gì đến việc học kinh ngồi thiền hay bổn phận của một chú tiểu sơ cơ. Đấng Đạo sư biết rõ tâm niệm của Vakkali nhưng Ngài vẫn im lặng chờ đợi- như chờ đợi ngày trăng đến rằm thì tròn vậy. Và ngày ấy đã đến...
Một hôm Đức Đạo sư quay lại bảo Vakkali khi chàng đang say đắm nhìn Ngài:
-Này Vakkali đâu có gì thích thú khi nhìn ngắm một hợp thể bất tịnh gọi là thân ta? Chỉ khi nào Vakkali nghe lời Như Lai dạy thấy được pháp sinh diệt thì mới được gọi là thấy Như Lai!
Nhưng bất kể lời khuyên của Phật Vakkali vẫn giữ nguyên tâm niên và thái độ của chàng không thể nào buông tầm mắt khỏi Đức Đạo sư. Cuối cùng Đức Đạo sư đành rời Xá Vệ và cấm không cho Vakkali đi theo.
Ba tuần trăng trôi qua Vakkali không được thấy hình bóng và nghe pháp âm của đấng Đạo sư. lòng sầu khổ vô hạn. Chàng tự nghĩ rằng: "Mình đã từ bỏ gia đình đổi lớp áo cao sang của một chàng công tử danh giá để vào cuộc sống bần hàn kiết số chỉ với một mục đích duy nhất là được gần gũi chiêm ngưỡng đấng Đạo sư. Thế mà Ngài lại hất hủi ghét bỏ mình trong khi Ngài rất mực từ bi dịu dàng đối với tất cả chúng sinh chí đến con sâu cái kiến...".
Một hôm quá sầu não - Vakkali nảy ra ý định quyên sinh. Chàng leo lên một đỉnh núi cao định buông mình xuống vực sâu cho rảnh nợ đời. Biết được ý định ngông cuồng của người đệ tử trẻ tuổi; Đức Đạo sư hiện thân đến gần Vakkali và cất tiếng gọi:
-Này Vakkali hãy đến đây với Như Lai! Vakkali reo lên vì vui mừng:
-Có thật chăng? Có thật là Thế Tôn gọi con; Ngài không xua đuổi con nữa ư?
Và dưới bóng mát của một cội cây rừng bên tảng đá Đức Đạo Sư ôn tồn bảo:
-Này Vakkali! Tại sao con có ý định quyên sinh?
-Bạch Thế Tôn vì con cảm thấy quá sầu não quá phiền muộn! Con không tìm thấy niềm vui nào trong đời sống khất sĩ đạm bạc này. Ngoài việc chiêm ngưỡng tướng mạo phi phàm của Thế Tôn!
-Này Vakkali! Niềm vui nào rồi cũng phải úa tàn. Sắc thân của Như Lai dù là phi phàm đi nữa rồi cũng phải chịu sự chi phối của già bệnh chết! Bất cứ pháp gì trên đời này có sinh đều phải có diệt. Đó là một định luật đương nhiên. Nếu biết rõ điều ấy; ta có nên đặt hết lòng hy vọng bám víu vào những pháp sinh diệt ấy để mưu cầu một hạnh phúc vĩnh cửu không bị tàn phai chăng?
Vakkali im lặng cúi đầu đấng Đạo Sư giảng trạch thêm cho chàng về tính chất phù du tạm bợ của các hợp thể gọi là sắc thân Ngài. Sau thời Pháp Vakkali xúc động thưa:
-Bạch thế tôn con đã hiểu rồi! Từ lâu con đã chạy theo những bóng dáng phù du do tâm thức con phóng chiếu ra; lấy đó làm niềm vui độc nhất của mình. Khi nguồn vui ấy bị cản trở con đâm ra buồn phiền sầu khổ. Con quá si mê không biết rằng cái gì có sinh cũng phải có diệt. Sắc thân Như Lai tuy đẹp đẽ vô song thật; nhưng trước kia không nay có thì thế nào cũng sẽ trở về không. Nguồn vui của con cũng chỉ là một cảm xúc nhất thời nếu không được nuôi dưỡng thì nó cũng phải lụi tàn! Con đã hiểu rồi và con cũng xin hứa với Thế Tôn là từ nay Vakkali chỉ thực hành những lời giáo huấn của Như Lai thay vì chiêm ngưỡng từ dung của Ngài như dạo trước.
-Hay lắm! Này Tỳ Kheo! Nếu lòng con đầy hỷ lạc đầy niềm tin nơi lời dạy của Như Lai thì chẳng bao lâu con sẽ đạt được hạnh phúc tối thượng!
Và thế rồi Vakkali từ giã Đức Đạo sư độc cư thiền định ngay trên đỉnh núi mà chàng định quyên sinh. Đúng như lời tiên đoán của đấng Đạo sư chẳng bao lâu Vakkali đắc quả A La Hán. Từ đó Thế Tôn xếp Vakkali vào hàng môn đệ có lòng tin chân thật nhất (1).
Chàng Vakkali ở thành Xá Vệ là hiện thân cho vô số Vakkali trên trái đất này: Tâm niệm luôn chạy theo dính mắc vào Sắc Tưởng Sắc là thật. Là bền vững là "của ta". Vì vậy khi sắc không còn là "của ta" nữa; thì không ngớt khổ đau tuyệt vọng. Chuyện tưởng đơn giản là vậy mà đã có ai luôn tỉnh giác - không để cho tâm dính mắc vào cái sắc vô nghĩa ấy chưa?
Tập khí lâu đời của sáu căn (mắt tai mũi lưỡi thân ý) là luôn đuổi theo sáu trần (sắc thanh hương vị xúc pháp). Đó là căn bệnh trầm kha của loài người muôn kiếp. Là gốc rễ của khổ đau sinh tử luân hồi. Bốn pháp lớn mà Thế Tôn luôn truyền đạt trong hầu hết các tạng kinh là "khổ không vô thường vô ngã" cốt là để thanh tịnh 6 căn không nhiễm ô bỡi sáu trần - đưa đến trừ diệt tham sân si - tiến đến giác ngộ giải thoát.
Đức Thế Tôn hiện thân là một Thái tử giàu sang uy quyền - sẽ là vua làm chủ thiên hạ - đó là ước mơ của bao người trên thế gian này. Lại hiện thân có tướntg hảo tuyệt trần cũng là niềm khát khao của trăm họ. Nhưng qua cuộc đời lịch sử của Thế Tôn hai sự kiện mà con người cho là tuyệt đỉnh của hạnh phúc ấy - lại bị khướt từ không chút luyến tiếc. Đây chính là hai bài pháp thực tế sinh động mà đức Thế Tôn muốn tất cả hàng Phật tử hãy tỉnh giác. Chàng Vakkali được Thế Tôn khuyến dạy chỉ một lần - là giác ngộ. Lời dạy của đức Thế Tôn còn sáng mãi đến hôm nay - Tất cả chúng ta đã nhận chân được lẽ thật của vạn pháp là vô thường sinh diệt chưa hay mãi còn lo vọng tưởng đến sắc - để muôn kiếp điên đảo khổ đau ...

(1) 10 Đại đệ tử của Phật - NXB Đà Nẵng - 2002
(1) Theo truyện cổ PG - THPG -Tp HCM 1992
  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long